BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trung Bộ Kinh II

Kinh số 71-80

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 71
Kinh Tam Minh Vacchagotta
(Tevijja - Vacchagottasuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

(Từ ngữ quen thuộc)

Nói đúng pháp và tùy pháp về Thế Tôn: cắt nghĩa phù hợp với Pháp (exlaining in accordance with dhamma).

II. NỘI DUNG BẢN KINH 71

1. Du sĩ ngoại đạo Vacchagotta ghi lại dư luận nhận xét về Thế Tôn rằng:

" Sa - môn Gotama là bậc Nhất Thiết Trí, là bậc Nhất Thiết Kiến. Ngài tự cho rằng là có tri kiến hoàn toàn: " Khi Ta đi, khi Ta đứng, khi Ta ngủ và khi Ta thức, tri kiến luôn luôn tồn tại liên tục ".

Đây là dư luận không đúng về Thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy lời nhận xét đúng về Thế Tôn là:

" Sa-môn Gotama là bậc có Tam minh ", khi nào Thế Tôn muốn khởi dậy Tam minh, thì Tam minh mới sinh khởi.

2. Vacchagotta hỏi:

2.1. " Có thể có người tại gia nào không đoạn trừ các kiết sử tại gia mà mà khi thân hoại mạng chung lại có thể đoạn tận khổ đau.

- Thế Tôn dạy: " Không có "

2.2. " Có thể có người tại gia nào không đoạn trừ kiết sử tại gia mà khi thân hoại mạng chung lại có thể sanh Thiên ".

- " Có rất nhiều ", Thế Tôn dạy.

3. Vacchagotta lại hỏi:

3.1. " Có tà mạng ngoại đạo nào, sau khi thân hoại mạng chung có thể diệt tận khổ đau.

- " Thế Tôn dạy: " không có ".

3.2. " Có tà mạng ngoại đạo nào, sau khi thân hoại mạng chung có thể sanh thiên?"

- Thế Tôn dạy: " Thế Tôn dù nhớ đến 91 kiếp, thì thấy chỉ có một vị tà mạng ngoại đạo duy nhất được sanh thiên: vị nầy thuyết về nghiệp và tác dụng của nghiệp.

III. BÀN THÊM

1. Vacchagotta và một số người cho rằng bậc Toàn giác thì luôn luôn thấy biết vạn hữu dù là khi đi, đứng, nằm, ngồi hay cả khi ngủ, nghĩa là xem trí tuệ toàn giác như là chính cơ thể của Phật, như là tấm gương soi, vạn vật luôn luôn tự hiện rõ thật tướng của chúng trong gương. Đây thật sự là một ảo tưởng!

Thế Tôn chỉ biết các pháp khi nào tác ý muốn biết, khi nào hướng tâm về các pháp. Ngài tự mình đã đoạn sạch các lậu hoặc; tự mình thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của tự thân nếu tác ý muốn thấy; tự mình thấy rõ con đường sinh tử của tất cả chúng sinh; làm hạnh nghiệp gì sẽ thác sinh về nơi tương ứng với hạnh nghiệp. Nếu nêu rõ chi tiết hơn về trí tuệ của Ngài thì nêu rõ nội dung của " Thập Như Lai lực ": thấy rõ sự thật của tất cả pháp, sự thật tâm hướng của tất cả chúng sanh và đầy đủ tất cả các pháp thượng nhân.

2. Một người chỉ đoạn tận khổ, theo kinh 71, chỉ khi nào cắt đứt hết thảy các kiết sử, dù người ấy là tại gia hay xuất gia. Nếu chỉ cắt đứt " năm hạ phần kiết sử " trước khi chết, thì khi mệnh chung chỉ đắc quả Thánh Hữu học A-na-hàm, không trở lui đời nầy nữa, và sanh về cõi trời Ngũ Bất Hoàn (cõi trời Tứ thiền Sắc giới) và nhập Niết bàn tại đó.

3. Điểm giáo lý rất đặc biệt của kinh 71 là: những kẻ tà mạng ngoại đạo, vì là đầy tà kiến và tà mạng, tương đương với ác pháp, bất thiện pháp, thì sau khi thân hoại mệnh chung không thể sanh Thiên, không thể đoạn khổ. Trong suốt 91 kiếp (thời gian hầu như bất khả niệm) mới chỉ có một người tà mạng ngoại đạo sanh Thiên, do vì người nầy tin về Nghiệp, thuyết về Nghiệp và tác dụng của Nghiệp.

Thật là điều đáng gẫm! Tại đây, vấn đề Tà kiến hay Chánh kiến nổi bậc hẳn lên là yếu tố quyết định cảnh giới thác sinh.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 72
Kinh Aggivacchagotta
(Aggivacchagottasuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

(Các từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG BẢN KINH  AGGIVACCHAGOTTA

1. Vacchagotta, một chàng du sĩ ngoại đạo trên đường thao thức tìm kiếm sự thật của con người và cuộc đời, bị tư duy và nhiều câu hỏi ám ảnh tâm trí, thường đến yết kiến Thế Tôn để lắng nghe các câu trả lời. Giữa nhiều thắc mắc, một lần ở thành Sàvatthì, Thắng Lâm, Vacchagotta bạch hỏi Thế Tôn mười câu hỏi siêu hình:

1. Thế giới là thường? Chỉ như vậy là thật, ngoài ra là hư vọng.

2. Thế giới là vô thường? Chỉ như vậy là thật, ngoài ra là hư vọng.

3. Thế giới là hữu biên? Chỉ như vậy là thật, ngoài ra là hư vọng.

4. Thế giới là vô biên? Chỉ như vậy là thật, ngoài ra là hư vọng.

5. Cơ thể và sinh mạng (life principle; soul) là một? Chỉ như vậy là thật, ngoài ra là hư vọng.

6. Cơ thể và sinh mạng là khác? Chỉ như vậy là thật, ngoài ra là hư vọng.

7. Như Lai tồn tại sau khi chết? ...

8. Như Lai không tồn tại sau khi chết?...

9. Như Lai có và không tồn tại sau khi chết?...

10. Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?...

- Đức Thế Tôn không có chủ trương về các vấn đề nêu trên. Vacchagotta kinh ngạc thốt lên:" Ngài thấy có sự nguy hại gì mà Ngài không chấp nhận hoàn toàn những tri kiến như vậy? "

- Đức Thế Tôn xác định: " Chủ trương một trong mười điều trên là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược, đi đôi với khổ, với tàn hại, với não hại, với nhiệt não, không hướng đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng tri, giác ngộ, Niết Bàn "

2.Vacchagotta lại hỏi:" Thế thì tôn giả Gotama có tà kiến nào không? - Tà kiến đã được Như Lai đoạn trừ. Như Lai đã giải thoát, không còn chấp thủ (do đã thấy rõ sự thật của Sắc (Thọ, Tưởng, Hành, Thức), Sắc tập, Sắc diệt.

-Thưa tôn giả Gotama, một Tỷ kheo được tâm giải thoát như vậy sanh khởi chỗ nào? Không sanh khởi? Sanh khởi và không sanh khởi? Không sanh khởi và không không sanh khởi?

Thế Tôn đều đáp: Bốn câu hỏi nầy không thể áp dụng .

- Bấy giờ tâm thức Vacchagotta, trước các câu trả lời của Thế Tôn, trở nên mờ mịt, nghi ngờ cả Thế Tôn!

3. Thế Tôn đưa ra ảnh dụ ngọn lửa do nhiên liệu, cỏ và củi và hỏi Vacchagotta khi ngọn lửa tắt: " Ngọn lửa đi về phương hướng nào? Phương Đông? Tây? Nam? Bắc? ...

- Vacchagotta đáp: Các câu hỏi ấy không thể áp dụng ở đây.

- Thế Tôn cắt nghĩa: con người nhận biết Như Lai qua năm uẩn (đồng hóa Như Lai với năm uẩn), nhưng năm uẩn đã được Như Lai đoạn diệt, cắt đứt tận gốc rễ, không thể tái sinh; Như Lai đã giải thoát khỏi năm uẩn (thể nhập vào thực tại như thực) nên các câu hỏi của Vacchagotta đặt ra về Như Lai không thể áp dụng ở đây.

III. BÀN THÊM

1. Mười câu hỏi siêu hình trên bao hàm ba nội dung siêu hình:

1.1. Bốn câu hỏi đầu là hỏi về Thế giới, Vũ trụ: câu hỏi 1 và 2 là câu hỏi về thời gian, liên hệ yếu tố thời gian; câu hỏi 3 và 4 là hỏi về không gian, liên hệ yếu tố không gian.

Văn học phương Đông dịch nghĩa: Vũ trụ: Thời và không trong câu nói:

" Tứ phương thượng hạ chi Vũ
Cố vãng kim lai thị chi trụ
(Vũ: khắp hết không gian; trụ: từ xưa đến nay)

Đó là bốn câu hỏi về sự thật của Vũ trụ, về bản chất của Vũ trụ. Đây là vấn đề Bản thể luận (Ontology) thuộc Siêu hình học phương Tây (Metaphysique)

1.2. Hai câu hỏi 5 và 6 là hỏi về sự thật con người bao gồm Cơ thể (Sắc) và Sinh mệnh (Jìva: Life principle; Soul) là phần tâm thức (Thọ, tưởng, hành và thức uẩn).

Hỏi về con người của hiện tượng giới như là hỏi về một hiện hữu sinh diệt. Đây cũng là vấn đề siêu hình.

1.3. Bốn câu hỏi cuối về Như Lai, hỏi về sự tồn tại của Như Lai, về chân như hay Niết bàn là những vấn đề rất siêu hình.

Tất cả câu hỏi đều được thành lập trên nền tảng của hai ý niệm: Thời gian và Không gian. Tất cả đều thuộc thế giới vận hành sinh diệt của hữu vi, trong khi Như Lai thì thuộc thế giới Vô vi. Các câu hỏi xuất hiện một cách qúa ngỡ ngàng xa lạ, hệt như dùng ngôn ngữ và khái niệm của loài cá để nói về tình cảm và trí tuệ của con người.

2. Mười câu hỏi trên, hỏi về thế giới, con người, Như Lai, đều hàm ngụ một sự chấp nhận trước hết rằng: Thế giới là một ngã thể (self), con Người là một ngã thể, Như Lai là một ngã thể, không gian là một ngã thể, thời gian là một ngã thể, cơ thể là một ngã thể và sinh mệnh là một ngã thể. Và, ngã thể đó hầu như là bất biến, thường hằng.

Thực tế, các hiện hữu ấy là do Duyên mà sanh, không có tự ngã, là vô ngã, Như Lai là thực thể cũng là vô ngã. Hữu vi và Vô vi đều Vô ngã.

Ý niệm về ngã, ngã tưởng là sản phẩm của tư duy nhị nguyên, không phải là thực tại. Mười câu hỏi đều nhằm hỏi về các tự ngã (self), hỏi về gốc gác của các tự ngã vốn không hiện diện trong thực tại, thì hệt như câu hỏi về " lông rùa ", " sừng thỏ ", đẹp xấu, dài, ngắn v.v.. như là đang yêu và ghét người trong mộng. hật không có gì mộng mị hơn thế! Thật không có gì ngờ nghệch hơn thế!

Phương chi, Thế Tôn dạy chấp nhận tri kiến của 10 câu hỏi ấy là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến kiết phược .... dẫn đến khổ đau, não hại ...

3. Hỏi về hiện tượng giới (thế giới) và hỏi về con người là hỏi về một hiện hữu không thật. Không thật thì không có gốc, nên câu hỏi về nguồn gốc của nó trở nên không hợp, không thể thành lập hay không thể áp dụng.

Hệt như khi ngọn lửa tắt: ngọn lửa chỉ là hiện hữu của các duyên hợp: nhiên liệu, cỏ và củi khô; khi các duyên ấy hết có nghĩa là khi ngọn lửa không còn có mặt. Ngọn lửa không phải là một ngã thể thường hằng để có thể hỏi nó đi về đâu (!) Thực tại thì ở ngoài ngọn lửa, ở ngoài nhiên liệu, cỏ, củ, ở ngoài các khái niệm, nên không thể hỏi về nó.

Cũng thế, Như Lai thì ở ngoài mỗi uẩn, ở ngoài năm uẩn (đoạn diệt năm uẩn) Như Lai đã là thực tại như thực, đã thể nhập thực tại như thực, không ở trong phạm trù của năm uẩn , không ở trong thế giới khái niệm của đến, đi, sinh, diệt, nên không thể hỏi về Như Lai.

Câu hỏi đã không được thành lập thì câu trả lời cũng không được thành lập. Thế nên, trước các câu hỏi như thế, Thế Tôn thường im lặng, hay trả lời là câu hỏi không thể áp dụng (hoặc trả lời: không phải thế, không phải thế ...)

4. Hỏi về hiện hữu là mong biết về sự thật của hiện hữu. Hỏi và trả lời về hiện hữu, hay nói về, nghĩ về hiện hữu là nội dung của triết lý mà không phải của thực tại. Thực tại là cái gì để sống với. Phật giáo là con đường sống, để sống với, mà không phải để nói về. Vì thế Phật giáo chỉ nói đến sự thật thể nghiệm về khổ, về nguyên nhân của khổ, về khổ diệt và con đường đưa đến khổ diệt.

Vấn đề trọng tâm là đoạn tận khổ, nói khổ đau đang tràn ngập thực tại: đó là con đường, hay gọi là Đạo.

Các câu hỏi và trả lời được áp dụng, được chấp nhận đối với Phật giáo là hỏi và trả lời về con đường dập tắt các nguyên nhân gây ra khổ đau.

5. Hỏi và trả lời hiện hữu , với Phật giáo, không phải chỉ là vấn đề vô lý, mà còn là vấn đề không cần thiết. Vấn đề đúng đắn và cấp thiết là đoạn khổ, đoạn tận lậu hoặc, như kinh nhỏ Màlunkyàputta, kinh số 63, đã đề cập đến câu chuyện " mũi tên độc ".

Lậu hoặc tận thì sự thật của sự vật sẽ hiễn lộ.

6. Theo sự thật Duyên khởi của giáo lý Phật giáo, con người và thế giới hay Danh sắc và Tam hữu, hai chi phần của 12 chi nhân duyên, chỉ là sự vận hành của vô minh, thức, ái, thủ... Sự vận hành này đã tạo ra nghiệp lực của chúng sanh. Tùy theo nghiệp lực mà chúng sinh có thân sắc, sinh mệnh khác nhau và cảm nghiệp khởi sinh ra thời gian, không gian khác nhau (cảnh giới khác nhau). Khi vô minh diệt, thức diệt, ái diệt hay thủ diệt thì Danh sắc diệt và Tam hữu (thế giới) diệt. Điều này gợi lên hình ảnh khi nhiên liệu cỏ, củi cháy hết (nghiệp dứt) thì ngọn lửa tắt (Nghĩa là Danh sắcTam hữu diệt). Khi Nghiệp dứt (ngọn lửa tắt) thì minh khởi, tuệ giải thoát biết rằng đã giải thoát khởi. Bấy giờ không thể đặt câu hỏi: nghiệp đi về đâu, ngọn lửa đi về đâu.

Về tuệ giải thoát tối thắng, hay Phật trí, hoặc Như Lai, đây là chỗ dừng lại, giới hạn cuối của các câu hỏi, bởi vì đây là câu trả lời đích thật nhất cho mọi thắc mắc của triết lý và siêu hình.

Trong kinh 72, Vacchagotta đã dừng bước du hành lang thang, nhưng lịch sử của triết học và khoa học của thế kỷ 20 của nhân loại lại tiếp bước lang thang của chàng du sĩ. Nhân loại đã phải trả giá quá đắt cho mỗi thập kỷ, đến cả hàng chục nghìn tỷ dollars cho các bước đi lang thang, cho cuộc tìm kiếm người trong mộng ấy, chỉ tiêu vào các chương trình không gian v.v...

Hiểu và chấp nhận bản kinh 72 nầy, thì hàng năm nhân loại có thể xây dựng cho mỗi gia đình một ngôi nhà đẹp đẽ, tiện nghi, chưa nói đến giá trị của hạnh phúc mà mỗi người có, khi trở về sống với thực tại.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 73
Đại kinh Vacchagotta
(Mahà - Vacchagottasuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

(Các từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH  LỚN VACCHAGOTTA

1. Vacchagotta xin Thế Tôn dạy đại cương về Thiện pháp và Bất thiện pháp, Đức Thế Tôn dạy:

- Tham, sân, si: Bất thiện pháp (Kinh Trung I xác định tham, sân, si là căn bản của Bất thiện pháp)

- Vô tham, vô sân, vô si: Thiện pháp (căn bản của Thiện pháp)

- Thập ác hạnh: Bất thiện pháp: sát sanh; lấy của không cho; tà hạnh trong các dục (ba nghiệp của thân);

* Vọng ngữ: nói hai lưỡi; nói ác khẩu; nói phù phiếm (4 nghiệp của miệng);

* Xan tham, sân tà kiến (3 nghiệp của ý)

Ngược lại với 10 ác hạnh ấy là 10 thiện hạnh.

2. Khi Ái bị cắt đứt tận gốc rễ, không thể sát sanh thì vị Tỷ kheo đắc quả A-la-hán, thành tựu phạm hạnh.

3. Vacchagotta tiếp xin Thế Tôn xác định các đệ tử xuất gia (Tăng, Ni) và tại gia (nam, nữ cư sĩ) của Thế Tôn có thể thành tựu phạm hạnh không?

- Đức Thế Tôn dạy:

* Không phải chỉ có 100 hay cho đến 500 mà nhiều hơn thế là số lượng các Tỷ kheo chứng đắc A-la-hán, các Tỷ kheo ni đắc A-la-hán.

* Cũng nhiều như thế các nam nữ cư sĩ đắc A-na-hàm (và các quả Thánh Hữu học) các nữ cư sĩ đắc A-na-hàm (và các quả Thánh Hữu học)

*Với các nam, nữ cư sĩ tại gia hưởng thụ vật dục, xây dựng Thánh giáo (phục vụ các Phật sự) đã độ nghi đoạn hoặc, chứng đắc vô sở úy, không dựa vào người khác, sống trong Thánh giáo(rất nhiều người đắc quả Tu đa-hoàn). Các cư sĩ nam nữ sống phạm hạnh thì có rất nhiều người đắc A-na-hàm.

Vacchagotta kết luận: Khi lý tưởng phạm hạnh dược Thế Tôn thực hiện thành mãn; các hàng đệ tử xuất gia và tại gia của Thế Tôn thực hiện thành mãn, như vậy phạm hạnh thành mãn trọn vẹn.

4. Trong kinh 72, Vacchagotta hầu chuyện với Thế Tôn ở Xá-Vệ (Sàvatthì) và đã trở thành Phật tử tại gia; trong kinh 73 nầy Vacchagotta bạch xin Thế Tôn xuất gia thành Tỷ kheo.

Nửa tháng sau đó, Vacchagotta đắc quả A-na-hàm và xin Thế Tôn chỉ dạy pháp hành để đắc quả A-la-hán.

Thế Tôn dạy Thiền chỉThiền quán để thành tựu các pháp thượng nhân và tam minh (đắc Lục thông). Chỉ một thời gian ngắn ngủi sau đó (có lẽ cũng chừng vài tuần lễ) Vacchagotta đắc quả A-la-hán có đại thần lực, đại oai lực.

III. BÀN THÊM

1. Về nội dung giáo lý, hay pháp hành, thì chỉ 20 kinh đầu của Trung Bộ I đã giới thiệu khá đầy đủ. Các kinh tiếp theo thì chỉ lặp lại nội dung ấy, đôi khi có triển khai hay nhấn mạnh đến một số khía cạnh chi tiết. Kinh 73 cũng thế, lập lại nội dung của con đường phạm hạnh dành cho xuất gia và tại gia. Tuy thế, kinh 73 cũng giới thiệu một số điểm nhỏ đáng chú ý dưới đây.

2. Một số điểm đáng chú ý

2.1. Thế Tôn chỉ dạy Thiền chỉ và Thiền quán cho Vacchagotta, khi Vacchagotta đã đắc A-na-hàm quả:

- Nhờ Thiền chỉ mà đắc các pháp thượng nhân, hay tâm giải thoát, đắc thiên nhĩ thông, tha tâm thôngthần túc thông (chỉ nhờ tác ý, khởi tưởng hướng về đối tượng)

- Nhờ Thiền quán, dẫn tâm vào Tam minh: Túc mệnh minh, thiên nhãn minh và Lậu tận minh (chỉ cần hướng tâm, dẫn tâm đến đối tượng) 2.2. Vacchagotta, du sĩ ngoại đạo, có thể xem là người học giả ở đời, một học giả đi tìm chân lý. Hẳn kinh đã ghi lại (Trưởng lão Tăng kệ), Vacchagotta rất thường đón đường hầu chuyện Thế Tôn về các vấn đề sự thật của con người và thế giới, về các quan điểm tu hành v.v...

Tại Trung bộ kinh II, có ba kinh liên tiếp đề cập đến 3 cuộc đàm đạo giữa Thế Tôn với Vacchagotta: (kinh 71, 72, 73).

- Kinh 71, đàm đạo về trí tuệ của Thế Tôn.

- Kinh 72, đàm đạo về 10 câu hỏi siêu hình.

- Kinh 73, đàm đạo về ý nghĩa trọn vẹn của lý tưởng phạm hạnh: khi bậc đạo sư và các hàng đệ tử đều có thể thân chứng viên mãn. Rồi Vacchagotta xuất gia và tự mình trong một thời gian hai tuần lễ đắc được quả Bất lai; trong một thời gian ngắn ngủi tiếp theo thì đắc lục thông, A-la-hán có đại uy lực. Như thế kinh 73 có thể là kinh điển hình nhất để giới thiệu với hàng trí thức thời đại, những ai học rộng có khát vọng tìm kiếm chân lý. Bản kinh bao gồm hai phần giáo lý thực hành rõ rệt:

a/ Phần đạo đức xã hội: hành vô tham, vô sân và Chánh kiến, hay hành thập thiện nghiệp.

b/ Phần đạo đức giải thoát: hành đầy đủ Giới, Định, Tuệ để cắt đứt 10 kiết sử, thành tựu tâm giải thoát và tuệ giải thoát.

Cũng có thể phát biểu rằng: Gồm ba kinh 71,72,73 thành một nội dung giáo lý để giới thiệu cho hàng trí thức thời đại (những ai chưa phải là Phật tử và cả các Phật tử tại gia) như là một pháp môn dành riêng cho căn cơ nầy.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 74
Kinh Dìghanakha
(Dìghanakhasuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

Ghi chú: Về các pháp hữu vi, Nikàya thường đề cập đến ba pháp ấn, ba đặc tính chính là khổ, vô thường, vô ngã. Một kinh trước, kinh 64, đã ghi chú có đề cập đến bốn pháp ấn, tương tự Phật giáo phát triển là khổ, không, vô thường và vô ngã. Kinh nầy cũng đề cập đến bốn pháp ấn ấy.

(Các từ ngữ khác là quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH DÌGHANAKHA

1. Tại Linh Thứu Sơn, du sĩ Dìghanakha (hay Aggivessana) có quan điểm rằng:"Tất cả đều không làm cho tôi thích thú." Đức Thế Tôn dạy ở đời có thể có nhiều quan điểm chủ trương khác, như:

- " Tất cả đều làm cho tôi thích thú "

- " Tất cả một nửa làm cho tôi thích thú, một nửa làm tôi không thích thú ".

Quan điểm của Dìghanakha thì gần với không tham dục.

Quan điểm thứ hai thì gần với tham dục.

Quan điểm thứ ba thì một nửa gần với tham dục, một nửa gần với không tham dục.

Nếu chấp thủ quan điểm của mình cho rằng chỉ như thế nầy là đúng, ngoài ra là hư vọng, thì ba quan điểm trên sẽ chống trái nhau phát sinh tranh luận, tranh cải, bực mình.

Một người vì tránh tranh cải, bực mình sẽ không chấp nhận các tri kiến trên và không chấp thủ tri kiến khác. Do vậy, người nầy đoạn trừ chấp thủ các tri kiến.

2. Thế Tôn dạy thêm: Các thọ (khổ; lạc; bất khổ, bất lạc) đều vô thường, đoạn diệt, hủy hoại. Do thấy vậy, vị Tỷ kheo yểm ly, ly tham các thọ. Do ly tham, vị Tỷ kheo được giải thoát, và tri kiến giải thoát (đắc A-la-hán).

Với tâm giải thoát, vị Tỷ kheo "Không nói thuận theo một ai, không tranh luận với một ai, chỉ nói theo từ ngữ đã được dùng ở đời, không có chấp thủ (từ ngữ ấy)."

3. - Bấy giờ tôn giả Sàriputta đang đứng hầu quạt sau lưng Thế Tôn nghe tất cả lời dạy của Thế Tôn và bừng hiểu rằng nhờ thắng trí mà mỗi người có thể từ bỏ chấp thủ các tri kiến, giải thoát tâm khỏi các lậu hoặc.

- Du sĩ Dìghanakha, bậc trí giả, thì đắc Pháp nhãn thanh tịnh ...(Tu-đà-hoàn)

III. BÀN THÊM

1. Bản kinh 74 gợi lên một số điểm đặc biệt:

1.1. Tôn giả Sàriputta đắc A-la-hán từ thời kinh nầy lúc tôn giả đang hầu quạt sau lưng đức Thế Tôn. Đây là thời điểm vào năm thứ hai sau ngày đức Thế Tôn giác ngộ. Đối chiếu với thời điểm giác ngộ của tôn giả Mục-kiền-liên (Trưởng lão Tăng kệ và vài kinh khác) thì vốn tôn giả Mục-kiền-liên đắc A-la-hán trước thời điểm nầy chừng một, hai tuần lễ, đang chờ đợi thời điểm chứng ngộ của tôn giả Xá-lợi-phất để cùng ra mắt Thế Tôn. Tôn giả Mục-kiền-liên thì giác ngộ qua thiền định và dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Thế Tôn. Tôn giả Xá-lợi-phất giác ngộ đoạn trừ lậu hoặc trong tư thế rất thanh thản, nhẹ nhàng nhưng lại đắc được trí tuệ thể nhập pháp giới rất sâu. Giữa hai đại tôn giả, đệ nhất trí tuệ và đệ nhất thần thông nầy, một vị thì tu dễ chứng dễ, một vị thì tu khó và chứng khó, tiêu biểu cho hai dòng tu chứng khác nhau trong các căn cơ Tuệ, Định khác nhau của hàng đệ tử Thế Tôn.

1.2. Có một sự kiện được hiểu như truyền thống của Phật giáo thời đức Thế Tôn tại thế là (hiểu như nghĩa " Pháp nhĩ như thị "): hàng Phật tử tại gia phạm hạnh chỉ chứng đắc quả vị cao nhất là Hữu học, A-na-hàm; hàng Phật tử tại gia hưởng thụ đời sống gia đình và phụng sự Thánh giáo thì thường chỉ đắc quả Nhập lưu. Nếu muốn đắc A-la-hán tận trừ lậu hoặc thì phải xuất gia làm Tỷ kheo hay Tỷ kheo ni.

Dù vậy, kinh vẫn kiết tập có một số trường hợp đặc biệt hay ngoại lệ, một số nam nữ đắc A-la-hán khi còn mang thân tướng tại gia như trường hợp bà Khemà (vợ vua Ba Tư Nặc), sau đó liền xuất gia; trường hợp vua Tịnh Phạn đắc A-la-hán trên giường bệnh, ngay trước khi xả báo thân...

1.3. Có một định nghĩa rất đặc biệt về quả Tu-đà-hoàn từ kinh 74 nầy: thường thì ghi là "Pháp nhãn vô trần, ly cấu..." Kinh 74 thì định nghĩa rằng:" thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự diệt tận, chứng được tự tín, không y cứ nơi người khác đối với đạo pháp của Đức Bổn Sư ".

2. Từ Trung bộ kinh, kinh số 1 đến kinh 74, chỉ có hai kinh (Kinh 64 và 74) đề cập đến bốn pháp ấn (khổ, không, vô thường, vô ngã) thay vì ba pháp ấn như các bản kinh Nikàya khác thường đề cập (khổ, vô thường, vô ngã)

3. Kinh 74 dạy các cảm thọ (bao gồm lạc thọ) là hữu vi, vô thường, đoạn diệt... vị Tỷ kheo cần yểm ly, ly tham chúng để đi vào giải thoát và tri kiến giải thoát. Do vậy lạc giải thoát, lạc của an trú Diệt thọ tưởng định không phải là lạc thọ (thuộc thọ uẩn). Tất cả lạc thọ thì thuộc Lạc; nhưng không phải tất cả lạc đều là lạc thọ: đây là điểm cần được phân biệt rõ.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 75
Kinh Màgandiya
(Màgandiyasuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

(Từ ngữ quen thuộc)

II NỘI DUNG KINH MÀGANDIYA

1. Khi Thế Tôn trú tại thị trấn Kammasadhamma, tại nhà thờ lửa của Bà-la-môn Bharadvàja, du sĩ Màgandiya yết kiến Thế Tôn và nói với Bà-la-môn Bharadvàja rằng:"Tôn giả Gotama là vị phá hoại sự sống" - do vì Thế Tôn chủ trương đoạn trừ tham dục sinh khởi từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

Thế Tôn với thiên nhĩ nghe được điều đó và hỏi Màgandiya rằng:" Một người hộ trì mắt, tai... như thế, đoạn trừ khát ái, nội tâm được an tịnh, ông nghĩ gì về người nầy."

- Màgandiya đáp;" Không có gì, tôn giả Gotama ". Thế là trong phút chốc Màgandiya tự động rời khỏi điều đã kết án Thế Tôn.

2. Rồi Thế Tôn tiếp phân tích cho Màgandiya thấy rõ dục vọng ở đời là thấp kém, nguy hiểm, đang nhai nghiến, thiêu đốt con người, những gì mà Thế Tôn lúc còn là Thái tử đã có đầy đủ và đã từ bỏ để xuất gia được sống trong lạc giải thoát. Thế Tôn dạy:

" Không bệnh, lợi tối thắng,
Niết bàn, lạc tối thắng,
Bát chánh là độc đạo,
An ổn là bất tử."

3. Cần thân cận chân nhân, nghe diệu pháp, sống đúng chánh pháp và tùy pháp thì sẽ tự mình biết, tự mình thấy: Dục là bệnh chướng, dục là cục bướu, dục là mũi tên; và do đoạn diệt tham ái, chấp thủ, nên Hữu diệt; do Hữu diệt nên Sanh diệt; do Sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là đoạn diệt toàn bộ khổ uẩn.

4. Nghe và hiểu, Màgandiya xin xuất gia và thọ đại giới. Tinh cần thực hiện độc cư, thực hành phạm hạnh và không bao lâu Màgandiya đắc A-la-hán quả.

III. BÀN THÊM

1. Qua cái nhìn Phật giáo của du sĩ Màgandiya cho thấy rằng đó là cái nhìn tiêu biểu cho số đông của người đời: xem dục vọng và sự thõa mãn lòng khát ái về sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là lẽ sống, là sự sống. Do vì Phật giáo chủ trương đoạn trừ khát ái nên bị kết án là " phá hoại sự sống ".

Thực sự, nếu hiểu rõ sự thật chính dục vọng và sự thõa mãn của dục là nguồn gốc của sầu, bi, khổ, ưu, não ở đời thì hiểu ngay rằng: Phật giáo chủ trương diệt trừ khổ đau xây dựng sự sống, cuộc sống. Chính sự diệt trừ dục vọng là diệt trừ khổ đau, đem lại an vui, hạnh phúc cho đời. Đạo Phật trở nên khó hiểu, khó chấp nhận, khó thực hành do vì người đời nắm giữ quá chặt lòng khát ái. Đạp Phật trở nên dễ hiểu, đơn giản, dễ chấp nhận, dễ thực hành khi nào con người thấy rõ cái thấp kém, nguy hiểm của dục vọng, thấy rõ đến gờm tởm nó: bấy giờ an lạc tự có.

2. Ở đời cũng có kẻ chủ trương " không bệnh lợi tối thắng; Niết bàn, lạc tối thắng " nhưng không tự mình biết rõ chân nghĩa thế nào là bệnh, thế nào là lạc của Niết bàn. Phải gần Thế Tôn và các đệ tử của Thế Tôn học được Chánh pháp mới nắm được chân nghĩa ấy: khát ái (dục ái, hữu ái,vô hữa ái) là bệnh; Ái diệt là Niết bàn, Bát Thánh đạo là con đường độc nhất dẫn đến Niết bàn.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 76
Kinh Sandaka
(Sandakasuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

(Từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH SANDAKA

1. Ở Kosambi (Kiều Thương Di), tôn giả Ànanda đến một trú xứ du sĩ ngoại đạo Sandaka. Sandaka thỉnh cầu tôn giả thuyết pháp của Thế Tôn và tôn giả đáp ứng.

2. Tôn giả Ànanda nói về bốn phi phạm hạnh:

Đây là bốn trong các " ngoại đạo thuyết " đương thời, nếu sống theo thì sẽ không thể thành tựu Đạo, không thể đi đến chí thiện.

2.1. Thuyết duy vật của Ajita (Kesakambala) còn gọi là thuyết "đoạn diệt ", phủ nhận các tế tự, phủ nhận nhân quả, phủ nhận luân hồi, chủ trương hư vô: con người chết là hết, không còn tồn tại.

2.2. Thuyết vô nghiệp, không có quả báo thiện, ác của Purana Kassapa.

2.3. Thuyết, vô nhân vô duyên bị nhiễm ô; vô nhân vô duyên được thanh tịnh của Makkhali Gosàla, con người bị dẫn dắt bởi trùng hợp, định mệnh v.v..

2.4. Thuyết về bảy yếu tố (bảy phạm trù) độc lập, thường hằng (địa, thủy, hỏa, phong, lạc, khổ và mạn); một phần là nội dung của " luân hồi tịnh hoá ", vô nghiệp, của Pukudha Kàtyayana.

3. Tôn giả Ànanda nói về bốn " bất an phạm hạnh ".

3.1. Chủ trương vị đạo sư là bậc " nhất thiết trí, nhất thiết kiến ": nếu một người gặp nạn là do phải gặp nạn; phải hỏi han người khác việc nầy việc nọ là phải làm như thế...

Đây quả là " bất an trí, bất an kiến ", là " bất an phạm hạnh " thứ nhất .

3.2. Có chủ trương " xem các truyền thuyết là chân thật ": với truyền thuyết thì khi được nhớ thế nầy, khi được nhớ thế khác; khi được nhớ, khi bị quên v.v...

Đây là " bất an phạm hạnh " thứ hai .

3.3. Có chủ trương dựa vào suy luận, lý luận như là chủ nghĩa "Duy lý " (Rationalism). Đây là " bất phạm hạnh " thứ ba.

3.4. Có chủ trương không chủ trương, trườn uốn như con hươu, là "ngụy biện thuyết " để tránh sự hổ thẹn do sự bế tắc trong tranh luận (sợ bị các chủ trương khác đánh bại), do Sanjaya Belatthaputta đề xướng.

Đây là " bất an phạm hạnh " thứ tư.

4. Tiếp đó, tôn giả Ànanda giới thiệu Chánh pháp của Thế Tôn:

4.1. Đoạn trừ các ác bất thiện pháp, hay đoạn trừ " Ngũ cái ".

4.2. Đi vào " Hiện tại lạc trú " (bốn thiền Sắc giới).

4.3. Đi vào Tam minh ... , đắc A-la-hán-quả.

4.4. Một vị A-la-hán thì mãi mãi đoạn tận lậu hoặc, vô lậu thường có mặt, vô lậu tâm thường hiện diện, luôn luôn hiện diện, mà không phải " Nhất thiết trí " thường hiện diện.

5. Sau thời Pháp của tôn giả Ànanda, Sandaka và Hội chúng du sĩ do Sandaka hướng dẫn đều quay về thực hiện con đường phạm hạnh do Thế Tôn giới thiệu.

III. BÀN THÊM

1. Bối cảnh mà Hội chúng du sĩ của Sandaka sinh hoạt tạp thoại bàn đủ chuyện thế gian nói lên môt điều rõ ràng rằng: Hội chúng nầy chưa có một hướng sống được định hình, chưa có một " con đường " đi đến an tịnh, giải thoát.

2. Để giới thiệu con đường sống phạm hạnh được Thế Tôn giảng dạy "tôn giả Ànanda bàn đến các quan điểm, chủ trương, các hướng sống đương thời ngoài Phật giáo trước tiên và chỉ rõ các hướng đi đó không phải là chánh đạo. Đó là " bốn phi phạm hạnh " và " bốn bất an phạm hạnh " không phù hợp với thực tại như thật, không thể dẫn đến đích an lạc, giải thoát. Tiếp đến, tôn giả Ànanda mới giới thiệu con đường của Chánh kiến, chánh đạo của Giới, Định, Tuệ vào " Hiện tại lạc trú " và "Tam minh ", con đường tẩy sạch dục vọng, tẩy sạch tất cả cấu uế của tâm.

3. Tôn giả Ànanda đã đặt Hội chúng du sĩ của Sandaka trước một sự lựa chọn:

- Hoặc là từ bỏ tất cả để hướng đến chánh đạo, chánh trí giải thoát.
- Hoặc tiếp tục con đường nắm giữ các quyền lợi, tôn kính danh vọng và lợi dưỡng.

Kết quả là Sandaka và Hội chúng du sĩ của Sandaka quyết định chấp nhận dấn thân vào con đường phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn: đó là con đường độc nhất đi vào an lạc và giải thoát.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 77
Đại kinh Sakuludàyi
(Mahà - Sakuludàyisuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

(Các từ ngữ qyen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH MAHÀ SAKULUDÀYI

1. Tại thành Ràjagaha (Vương Xá) rừng Khổng Tước, nơi vào một mùa mưa có mặt rất nhiều ngoại đạo sư và du sĩ thời danh an cư. Một hôm, trước giờ khất thực, Thế Tôn đến trú xứ của du sĩ Mahà-Sakuludàyi ở rừng Khổng Tước thăm, giữa lúc các du sĩ đang tạp thoại. Mahà -Sakuludàyi trình bạch Thế Tôn về các ngoại đạo thời danh, như Purana Kassapa, Makkhali Gosàla, Ajita Kesakambali, Pukudha Kaccàyana, Sanjaya Balatthiputta và Nigantha Nataputta không được các đệ tử cung kính, tôn trọng, kính lễ, cúng dướng. Udàyi (Mahà-Sakuludàyi) lại khen Thế Tôn được tất cả đệ tử cung kính, tôn trọng và cúng dường hết mực, do vì Thế Tôn có đầy đủ năm pháp:

- Ăn ít và tán thán hạnh ăn ít.
- Biết đủ về y phục và tán thán hạnh biết đủ nầy.
- Biết đủ các móùn ăn khất thực và tán thán hạnh nầy.
- Biết đủ về sàng tọa và tán thán hạnh biết đủ nầy.
- Sống viễn ly và tán thán hạnh sống viễn ly.

2. Đức Thế Tôn trước tiên phân tích cho Udàyi biết rằng về năm pháp vừa kẻ trên, có nhiều đệ tử của Thế Tôn còn thể hiện nghiêm khắc hơn Thế Tôn, thì vì sao họ vẫn cung kính, nương tựa Thế Tôn.

3. Rồi Thế Tôn dạy về năm pháp đặc biệt của Thế Tôn, do đó mà hàng đệ tử cung kính, nương tựa Thế Tôn. Đó là:

3.1. Thế Tôn thành tựu Giới uẩn tối thắng.

3.2. Thế Tôn có tri kiến vi diệu: nói các điều nào là Thế Tôn biết, thấy các điều đó; thuyế pháp có nhân duyên; thuyết pháp có thần thông lực.

3.3. Thế Tôn thành tựu Tuệ uẩn tối thượng.

3.4. Chỉ rõ sự thật của khổ, khổ tập, khổ diệt và con đường dẫn đến khổ diệt.

3.5. Dạy rõ con đường tu hành cho hàng đệ tử đủ mọi căn cơ, bao gồm:

- Tứ niệm xứ.
- Tứ Chánh cần.
- Tứ Thần túc.
- Ngũ căn.
- Ngũ lực.
- Thất giác chi.
- Bát Thánh đạo.
- Tám giải thoát (# Cửu định)
- Tám Thắng Xứ (các pháp quán tưởng...)
- Mười Biến xứ (đất, nước,gió, lửa, xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không và thức biến xứ. Như là đối tượng tu).
- Tu tập Tứ sắc định (# Thiền chỉ)
- Tu tập Lục thông (Thiền chỉ và Thiền quán).

Trên đây là năm pháp Thế Tôn có đầy đủ, qua đó các đệ tử cung kính, tôn trọng và nương tựa Thế Tôn.

III. BÀN THÊM

1. Bản kinh 77 giới thiệu thêm những nét cương yếu về sự khác biệt giữa giáo lý Phật giáo và giáo lý của Lục sư ngoại đạo:

- Một đằng thuộc tà đạo và tà sư không thể nương tựa để sống phạm hạnh đi đến an lạc giải thoát.

- Một đằng là Chánh pháp và là bậc đạo sư Toàn giác, là nơi nương tựa duy nhất để thành tựu phạm hạnh, phát triểm tâm và tuệ giải thoát.

2. Bản kinh giới thiệu hầu như đủ các pháp môn tu thuộc Đạo đế, ngoại trừ Tứ vô lượng tâm. Qua đây, ý nghĩa nương tựa hay quy y, Phật Bảo, Pháp Bảo là ý nghĩa nương tựa " con đường " dẫn đến đoạn tận khổ. Nương tựa " con đường " là thực hiện " con đường ", và công việc thực hiện là công việc đi từng bước đi đoạn trừ các nhân tố gây ra khổ đau.

3. Bản kinh cũng nêu rõ giá trị của tôn giáo là giá trị giới thiệu con đường trí tuệ để đoạn tận khổ, mà không phải là giá trị giới thiệu nếp sống khổ hạnh, hành khổ. Con đường trí huệ ấy do mỗi cá nhân thực hiện với nỗ lực đúng của tự thân.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 78
Kinh Samanamandikà
(Samanamandikàsuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

(Các từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH SAMANAMANDIKÀ

1. Tại Thắng Lâm (Jetavana), thành Xá Vệ (Savatthì), cư sĩ thợ mộc Pancakanga ghé thăm trú xứ của Hội chúng du sĩ khoảng 300 người của du sĩ Samanamandikà. Uggahamana, con của Samanamandikà nói lên chủ trương của du sĩ rằng ai thành tựu bốn pháp sau đây sẽ là thiện cụ túc, thiện tối thắng, sẽ là Sa-môn thành đạt tối thượng, vô năng thắng:

- Không làm nghiệp ác về thân.
- Không làm nghiệp ác về lời.
- Không có ác tư duy.
- Không sinh sống bằng nếp sống ác.

2. Cư sĩ Pancakanga bạch Thế Tôn về chủ trương trên của du sĩ Samanamandikà. Đức Thế Tôn dạy thành tựu bốn pháp trên thì không được gọi là Thiện cụ túc, Thiện tối thắng, không là Sa-môn thành đạt tối thượng, vô năng thắng.

- Thế Tôn chủ trương phải đoạn trừ bất thiện giới, không để lại dư tàn: thân, khẩu, ý nghiệp bất thiện khởi lên từ tâm tham, tâm sân và tâm si.

- Thế Tôn chủ trương đoạn trừ cả Thiện giới, không để lại dư tàn: thân, khẩu, ý thiện hành khởi sinh từ tâm không tham, tâm không sân, tâm không si.

- Đoạn trừ bất thiện tư duy do tưởng sanh: sân tư duy, hại tư duy. Sự trừ diệt bất thiện tư duy không để lại dư tàn là sự chứng đắc Sơ thiền Sắc giới (ly dục, ly bất thiện pháp) .

- Đoạn trừ thiện tư duy không để lại dư tàn: Thiệnh tư duy là ly dục tư duy, vô sân tư duy và vô hại tư duy. Sự đoạn trừ chúng là sự chứng đắc Nhị thiền Sắc giới (diệt tầm diệt tứ)

Tu tập như thế thì sẽ có kết qủa khiến ác pháp đã sanh bị hoại diệt, các ác pháp chưa sanh không thể sanh khởi; khiến cắc thiện pháp chưa sanh được sanh khởi, các thiện pháp đã sanh được phát triển dẫn đến diệt trừ các thiện tư duy.

Tất cả đó chưa phải là các thiện cụ túc, thiện tối thắng... hành giả cần tu tập tiếp đi sâu vào Thiền chỉ và Thiền quán cho đến khi thành tựu mười pháp dưới đây mới là Sa-môn thành đạt tối thượng,vô năng thắng:

- Vô học Chánh tri kiến.
- Vô học Chánh tư duy.
- Vô học Chánh ngữ.
- Vô học Chánh nghiệp.
- Vô học Chánh mạng.
- Vô học Chánh tinh tấn.
- Vô học Chánh niệm.
- Vô học Chánh định.
- Vô học Chánh trí.
- Vô học Chánh giải thoát (hay Chánh trí giải thoát)

III. BÀN THÊM

1. Dưới thời đức Thế Tôn, ở Ấn có rất nhiều ngoại đạo có chủ trương giáo lý khác nhau: ngoài các thuyết của lục sư ngoại đạo, còn có các chủ trương khác của Hội chúng du sĩ mà nội dung kinh 78 đề cập là một. Các chủ trương của ngoại đạo hầu hết do tư duy " logic " hay kinh nghiệm thường nghệm mà lập nên thường là tà đạo hay khiếm khuyết. Chủ trương của du sĩ Samanamandikà là thiện, nhưng không phải là thiện cụ túc, thiện tối thắng vì chưa có khả năng đoạn trừ các kiết sử, lậu hoặc, chưa thể dẫn đến tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Đây là lý do mà cư sĩ Pancakanga khi nghe qua thì không phản đối, nhưng không tán thành.

2. Đức Thế Tôn đã tùy duyên mà giới thiệu Phạm hạnh dưới nhiều hình thức khác nhau. Dù vậy, nội dung vẫn chỉ là một: Vẫn là Giới, Định, Tuệ, giải thoát và Tri kiến giải thoát đoạn sạch các lậu hoặc, cắt đứt trọn mười kiết sử. Nội dung chánh pháp chỉ có một vì " con đường " giải thoát chỉ có một, độc nhất, chỉ nhằm tận trừ khổ đau.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 79
Tiểu kinh Sakuludàyi
(Culà - Sakuludàyisuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

(Các từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH NGẮN SAKULUDÀYI:

1. Sakuludàyi là một đạo sư của một Hội chúng du sĩ, người thường bàn luận tranh cải với các Lục sư ngoại đạo, đã từng đặt nhiều câu hỏi mà các ngoại đạo sư lúng túng không có câu trả lời, như là trường hợp Nigantha Nàtaputta không thể trả lời được các câu hỏi về quá khứ của Sakuludàyi.

Tại Trúc Lâm, thành Vương-xá, kinh số 77, Sakuludàyi đã xác nhận các ngoại đạo sư không được hàng đệ tử tôn kính, không phải là nơi nương tựa của hàng đệ tử, chỉ có Thế Tôn được hàng đệ tử của Ngài trân trọng, cung kính, nương tựa. Tại đây, Sakuludàyi đã lắng nghe về năm pháp Thế Tôn có đầy đủ để là nơi nương tựa vững chắc của hàng đệ tử. Nay, tại Khổng Tước Lâm, cũng tại thành Vương-xá, Sakuludàyi được nghe Thế Tôn giới thiệu đại cương về Duyên khởi, về luận thuyết sai lạc của đạo sư Sakuludàyi về " Sắc nầy là tối thượng... " về cảnh giới " Nhứt hướng lạc..." và về " Nhứt hướng lạc " trong Phật giáo, rồi mục đích phạm hạnh còn vượt xa cảnh giới " Nhứt hướng lạc " ấy (cõi Tứ sắc định là cõi Nhất hướng lạc) hướng đến đắc Tam minh, đoạn tận sanh tử.

2. Qua thời pháp, Sakuludàyi xin xuất gia làm đệ tử của Thế Tôn trước sự kinh ngạc và bất mãn của các du sĩ khác.

III. BÀN THÊM

1. Trước Thế Tôn, bậc đã thấy rõ sự thật của con người và thế giới; thấy rõ các sắc, các thọ, các tưởng, các hành và các thức; thấy rõ các cảnh giới thì thế giới của ngoại đạo trở nên trống rỗng. Với các ngoại đạo kém trí, vô minh nặng, thì tiếp tục con đường sai lạc của họ. Với các ngoại đạo có trí, có khát vọng chân thật tìm kiếm giải thoát, thì sau khi nghe Thế Tôn nói về chánh pháp liền từ bỏ con đường sống sai lạc cũ và dấn thân thực hành phạm hạnh.

2. Lý thuyết của ngoại đạo, Lục sư ngoại đạo và các phái du sĩ được xây dựng trên tư duy đầy ngã tính thì hoặc rơi vào chấp thường, hoặc rơi vào đoạn diệt, hoặc chủ trương các hướng đạo đức, giới luật giữa vời; một số lý thuyết thì xây dựng trên kinh nghiệm cảm thọ và chấp thủ có giới hạn cũng đi vào giữa cõi " Lơ lửng ". Do vậy, bị giới hạn trong thời gian và không gian nào ấy, khi đối thoại với trí tuệ như thật của Thế Tôn và của các đại đệ tử của Thế Tôn, ngoại đạo thường bị rơi vào hụt hẩng, hư vọng, thất bại. Đây là sự thật, không có chút miễn cưỡng qua các kinh vừa bàn, từ kinh 71 đến kinh 79 nầy.


Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 80
Kinh Vekhanassa
(Vekhanassasuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

(Từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH VEKHANASSA

1. Tương tự kinh số 79, phần mở đầu, Vekhanassa chủ trương " Sắc nầy là tối thượng, sắc nầy là tối thượng " và chỉ định nghĩa một cách trống rỗng, chung chung rằng; " Sắc nào không có một sắc khác cao thượng hơn, hay thù thắng hơn, sắc nầy là tối thượng ", mà klhông xác định, qua thấy biết của tự thân, là sắc cụ thể nào.

Chủ trương như thế là một chủ trương vô hồn, hệt như một người nói đang yêu một cô gái đẹp mà tuyệt nhiên không biết cô gái là ai, ở đâu, tên họ là gì, dung mạo như thế nào,v.v...

Cả khi có đối diện với một sắc quý thì cũng chưa thể nói được là sắc tối thượng, vì chưa có kinh nghiệm các sắc trong đời, trong thế giới nên không có cơ sở để tuyên bố như thế. Thật là một chủ trương rỗng tếch!

2. Khi nói đến dục, dục lạc và dục tối thượng lạc thì ngoại đạo cũng chưa có kinh nghiệm để nắm bắt nội dung ý nghĩa. Chỉ có các A-la-hán đệ tử của Thế Tôn đã đoạn tận lậu hoặc mới hiểu rõ điều nói trên.

Vekhanassa nghe thế lòng bỗng phẫn nộ Thế Tôn, mắng nhiết, miệt thị Thế Tôn, rồi mỉa mai chỉ trích các A-la-hán đệ tử Thế Tôn tuyên bố chứng ngộ thì lời tuyên bố cũng chỉ là rỗng tuếch.

3. Qua lời chỉ trích mỉa mai ấy, Thế Tôn thanh thản dạy: " Người trí không gian trá, không xảo quyệt, chơn trực và nói: " Ta giảng dạy, Ta thuyết pháp, nếu thực hành theo thì không bao lâu sẽ tự mình biết, tự mình thấy... tự mình đã giải thoát khỏi vô minh "

Đến đây thì bất giác Vekhanassa bừng tỉnh xin nương tựa Thế Tôn, trọn đời quy ngưỡng Thế Tôn.

III. BÀN THÊM

1. Con đường nhận thức và con đường sống nếu được vạnh mở bởi một thấy biết hư vọng thì sẽ là hư vọng, dẫn dắt vào hư vọng, vô vọng. Ngoại đạo cũng thế, con đường tìm kiếm chân lý và hạnh phúc của họ được dẫn dắt bởi tà kiến, tà tư duy và tà mạng nên chỉ có thể kéo dài các bước đi đầy bóng tối trong hiện tại và cảnh giới chờ đợi sau khi mệnh chung sẽ là các cảnh giới tối tăm, âm u của " tam đồ khổ ".

2. Vấn đề rất giản dị nhưng rất cơ bản là phải thấy rõ các yếu tố vật lý và tâm lý của con người và các nhân tố gây ra khổ đau trước, thì việc vạch mở con đường đi ra khỏi khổ đau, hay đi vào hạnh phúc mới có lối. Tất cả các chủ trương xây dựng từ vọng tưởng, ngã tưởng đều chỉ là những chủ trương tối tăm mờ mịt!

-ooOoo-

Source: Người Cư Sĩ, France, http://cusi.free.fr


[Trích giảng Trung Bộ][Trở về trang Thư Mục]

last updated: 10-07-2004