BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trích giảng Tiểu Bộ Kinh

Nguyên Tâm Trần Phương Lan


Tiểu Bộ Kinh - Chuyện Tiền Thân

Chuyện Chàng Tiểu xạ thủ
(374. Tiền thân Culladhanuggaha)


"Bờ kia chàng đã bước lên…"

Chuyện này bậc Đạo sư kể trong lúc trú tại Kỳ Viên, về sự cám dỗ một vị Tỷ kheo do người vợ cũ của thời chưa xuất gia tu tập. Khi vị Tỷ kheo thú nhận chính vì người vợ này mà vị ấy đã từ bỏ hội chúng và hối tiếc việc xuất gia, bậc Đạo sư bảo : - Này Tỷ kheo, không phải chỉ bây giờ nữ nhân này mới làm hại ông. Ngày xưa cũng vậy, chính vì người này mà ông đã bị chặt đầu. Rồi theo lời thỉnh cầu của chư Tăng, Ngài kể một chuyện quá khứ.

*

Ngày xưa, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bồ tát được sinh làm Sakka Thiên chủ. Thuở ấy, một thanh nên Bà la môn ở Ba La Nại đã học xong mọi môn học thuật ở Đại học Takkasilà, và sau khi thiện xảo môn bắn cung, chàng nổi danh là Tiểu xạ thủ thông minh. Lúc ấy vị giáo sư nghĩ thầm: "Thanh niên này đã đạt kỹ năng bằng ta", rồi đem gả con gái cho chàng. Chàng cưới vợ xong, lại muốn trở về Ba La Nại, liền khởi hành.

Nửa đường có con voi tàn phá một vùng nọ, nên không ai dám đi lên chỗ ấy. Chàng Tiểu xạ thủ thông minh kia cứ đem vợ cùng trèo lên đường vào rừng, mặc dù mọi người cố cản ngăn. Khi chàng đến giữa rừng, con voi xuất hiện tấn công chàng. Xạ thủ bắn một mũi tên vào trán voi xuyên thủng ra phía sau đầu nó, con voi ngã xuống chết ngay tại chỗ.

Sau khi làm cho nơi ấy được bình an, chàng lại lên đường qua cánh rừng khác. Tại đó năm mươi tên cướp đang phá hoại xa lộ. Cũng trên nơi này, mặc dù nhiều người cố ngăn cản, chàng cứ trèo lên cho đến khi tìm thấy một nơi bằng phẳng, bọn cướp đã giết nai đem nướng và ăn thịt sát bên xa lộ. Bọn cướp thấy chàng đi đến với cô vợ phục sức sang trọng rực rỡ, liền cố hết sức bắt lấy chàng.

Tên tướng cướp có tài đoán được tính tình người khác, chỉ vừa liếc nhìn chàng, đã nhận ra chàng là một anh hùng lỗi lạc, nên không chịu để bọn chúng nổi dậy chống lại chàng, dù chàng chỉ đơn thân độc kiếm. Còn chàng xạ thủ thông minh bảo vợ đi đến bọn cướp và dặn:

-- Nàng hãy đến bảo với bọn chúng cho ta một miếng thịt và đem về cho ta.

Thế là nàng đi đến và bảo:

-- Cho tôi một miếng thịt.

Tướng cướp nói:

-- Ông ấy là người quý tộc đấy.

Và bảo bọn cướp cho nàng một miếng thịt. Bọn kia đáp:

-- Sao? Nó lại đòi ăn thịt nướng của ta ư?

Rồi bọn chúng cho nàng một miếng thịt sống.

Chàng xạ thủ vốn tự cao về mình, liền nổi giận vì bọn cướp cho chàng thịt sống. Bọn chúng bảo:

-- Sao nữa? Chỉ mình nó là nam nhi, còn chúng ta là nữ nhi ư?

Thế là vừa hăm dọa chàng, chúng vừa vùng lên chống phá chàng. Chàng xạ thủ bắn trọng thương ngã xuống đất bốn mươi chín tên cướp, trừ một tên, vì chàng không còn mũi tên nào để bắn tướng cướp kia. Trước đó trong bao tên của chàng chỉ có năm mươi mũi tên. Chàng đã dùng một mũi tên bắn chết con voi, nay chỉ còn số tên đủ để bắn cả bọn trừ một người.

Vì thế chàng đá tướng cướp xuống đất ngồi trên ngực y và bảo vợ mang kiếm đến để chặt đầu y. Ngay lúc ấy, nàng bỗng đem lòng say mê tướng cướp, bèn đặt chuôi kiếm vào tay y và vỏ kiếm vào tay chồng nàng. Tướng cướp chụp chuôi kiếm, rút kiếm ra và chặt đầu chàng xạ thủ.

Sau khi giết chồng nàng xong, tướng cướp chiếm lấy người vợ và trong khi cả hai cùng lên đường, tướng cướp hỏi nguồn gốc, nàng bảo:

-- Em là con gái của một giáo sư danh tiếng lẫy lừng thế gian ở Đại học Takkasilà.

-- Làm sao hắn lấy nàng làm vợ được? Y hỏi.

-- Cha em rất hài lòng vì hắn đã học được mọi nghệ thuật như bậc thầy nên đem em gả cho hắn. Và vì em yêu chàng nên em để chàng giết chồng hợp pháp của mình. Nàng đáp lại.

Tướng cướp suy nghĩ: "Nữ nhân này giờ đấy đã giết chồng hợp pháp của nó. Vậy khi thấy một đàn ông khác, nó cũng sẽ đối xử với ta như vậy. Ta phải từ bỏ nó mới được."

Khi lên đường, tướng cướp thấy con đường bị chặn ngang bởi con suối nhỏ thường ngày nay lại ngập nước, y bảo:

-- Này ái nương, có con cá sấu hung dữ trong suối này. Ta phải làm sao bây giờ?

-- Tướng quân ôi, nàng đáp, xin lấy hết nữ trang em đang đeo buộc thành một bó trong áo chàng, đem sang bên kia bờ suối rồi trở lại đây đưa em qua.

-- Tốt lắm, y đáp lại.

Rồi cầm hết nữ trang của nàng, vừa lội xuống dòng suối như thể một kẻ hết sức vội vàng, y đã lên bờ bên kia, bỏ rơi nàng và chạy trốn.

Thấy vậy nàng kêu to:

-- Lang quân ơi, chàng đi như thể chàng sắp bỏ em vậy. Sao chàng lại làm thế? Hãy trở lại đem em cùng đi.

Và nàng ngâm vần kệ đầu bảo:

1. Bờ kia chàng đã bước lên
Với bao tài sản của em góp thành.
Mau mau quay trở lại nhanh
Mang em qua với bạn tình, chàng ơi!

Tướng cướp nghe nàng nói trong lúc y đứng ở bờ bên kia, liền ngâm vần kệ thứ hai:

2. Ý nàng dời đổi nhất thời
Từ lòng chung thủy luyện tôi bao lần
Đến màn tình ái lông bông,
Chóng chầy nàng cũng thay lòng phản ta,
Nếu ta không kịp bay xa,
Từ đây nàng hỡi, đôi ta chia lìa!

Nhưng khi tướng cướp bảo:

-- Ta quyết đi đây, nàng cứ ở lại nơi này.

Thì nàng kêu gào than khóc, còn y chạy trốn với tài sản tư trang của nàng. Đó là số phận dành cho kẻ dại khờ tội nghiệp vì quá si mê tình ái.

Bỗng nhiên lâm cảnh bơ vơ khốn đốn như thế, nàng đành đến gần một bụi cây quế và ngồi khóc. Lúc ấy, Sakka Thiên chủ nhìn xuống trần gian, thấy nàng đắm say dục vọng giờ đây than khóc vì mất cả phu quân lẫn tình lang. Nghĩ rằng ngài sẽ đi khiển trách nàng và khiến cho nàng biết hổ thẹn, ngài đem Màtali, thần lái thiên xa, và Pancakikha, một nhạc thần, cùng đến bên bờ suối và bảo:

-- Này, Màtali, thần hãy biến thành con cá, Pancasikha hãy biến thành con chim và ta sẽ biến thành chó rừng. Rồi ngậm một miếng thịt, ta sẽ đi đến trước nữ nhân kia và khi thần Màtali thấy ta ở đó thì phải nhảy ra khỏi nước, rớt ngay trước mặt ta, ta sẽ thả miếng thịt đã ngậm trong miệng và nhảy lên chụp con cá. Vừa lúc ấy, thần Pancasikha phải nhào đến chụp miếng thịt và bay lên không, còn thần Màtali lặn ngay xuống nước.

Thiên chủ Sakka dạy bảo các vị như thế, và các vị đáp:

-- Tốt lành thay, tâu Thiên chủ.

Rồi Màtali bèn biến thành con cá, Pancasikha biến thành con chim và Sakka biến thành chó rừng. Vừa ngậm miếng thịt trong mồm, ngài đi đến ngay trước nữ nhân. Con cá nhảy lên khỏi nước rơi mình xuống trước chó rừng. Chó thả miếng thịt đang ngậm trong mồm, vùng lên bắt cá. Con cá nhảy nữa và rơi xuống nước, còn con chim chụp lấy miếng thịt bay vụt lên không. Như vậy, chó rừng mất cả thịt lẫn cá và ngồi ủ rũ nhìn về phía bụi quế. Nữ nhân thấy thế liền bảo:

-- Vì quá tham lam nên chó mất cả thịt lẫn cá.

Và như thể nàng đã thấy rõ ý nghĩa trò đời trớ trêu này, nàng bật cười giòn giã.

Chó rừng nghe thế, bèn ngâm vần kệ thứ ba:

3. Ai làm bụi quế ngân nga
Tiếng cười, dù chẳng múa ca tiệc tùng,
Vỗ tay thích thú? Hồng nhan,
Đừng cười, khi phải khóc than buồn phiền!

Nghe vậy, nàng ngâm vần kệ thứ tư:

4. Chó ngu, mày phải ước nguyền
Giá đừng mất cá, thịt liền một khi.
Đồ ngu, phải biết sầu bi
Những gì xảy đến, ngu si do mày!

Chó rừng liền đáp vần kệ thứ năm:

5. Lỗi người dễ thấy lắm thay,
Chắc là khó thấy: "Lỗi này của tôi" [*]
Nàng nên tính giá thiệt thòi
Khi nàng mất hết cả đôi bạn đời.

[*] Pháp cú 252

Nghe thế, nàng lại đáp vần kệ này:

6. Cẩu vương, quả đúng như lời,
Nên ta quyết chí vội dời chân nhanh
Để tìm thêm bạn chung tình,
Cố làm người vợ trung thành khó chi!

Khi ấy Sakka Thiên chủ nghe những lời nói của nữ nhân bạc ác vô hạnh kia, liền ngâm vần kệ cuối cùng:

7. Kẻ nào ăn trộm cái ghè
Sẽ còn ăn trộm mai kia nồi đồng,
Người gây tại họa cho chồng
Vẫn tàn tệ vậy, hoặc còn tệ hơn!

Lời Sakka Thiên chủ làm cho nàng phải hổ thẹn và hối hận ăn năn, rồi sau đó ngài trở về cõi của ngài.

*

Đến đây bậc Đạo sư chấm dứt pháp thoại, rồi tuyên thuyết các Thánh đế, và nhận diện Tiền thân. Vào lúc kết thúc các Thánh đế, vị Tỷ kheo thối thất đã đắc sơ quả Dự lưu: Thời ấy, Tỷ kheo thối thất này là chàng xạ thủ, người vợ mà vị ấy đã rời bỏ là nữ nhân kia và ta chính là Sakka Thiên chủ.

Đối với hạng người ác, dù nam hay nữ, chỉ có một trong hai con đuờng: hoặc là được cảm hóa thành thiện để được an lạc hành phúc, hoặc là tiếp tục con đường ác để nhận lãnh hậu quả khổ đau tai họa ở đời này lẫn đời sau.

-ooOoo-

Nhận xét:

Tỷ kheo bị ái nhiễm là một trong những đề tài thường gặp trong bộ Chuyện Tiền thân.

Một số Tỷ kheo trước khi xuất gia đã có gia đình vợ con nên nhiều khi gặp khó khăn thử thách trong đời xuất gia, họ đã thối chí, sinh tâm bất mãn và muốn hoàn tục.

Hiểu được tâm trạng thông thường ấy, Đức Phật đã dùng nhiều phương tiện khác nhau để giáo hóa họ giữ vững sự tinh tấn trên con đường tu tập giải thoát.

Như chúng ta đã biết, trong khi Đức Phật thuyết pháp độ sinh, Ngài phân biệt rõ hai hội chúng tại gia và xuất gia.

Đối với hội chúng tại gia, Ngài khuyến giáo nếp sống chánh hạnh của người giữ Ngũ giới, bát quan trai giới... cùng thực hành các thiện sự để đem lại hạnh phúc cho bản thân và mọi người chung quanh ở đời này cũng như đời sau. Vì thế Ngài đề cao mọi tình cảm thương yêu hòa hợp giữa các thành phần trong gia đình và ngoài xã hội phát xuất từ mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái, anh chị - em, vợ - chồng, thầy - trò, bạn hữu và ngay cả chủ - tớ. Có thể nói, đường lối xử thế tốt đẹp nhất của giới tại gia đã được Đức Phật trình bày đầy đủ trong kinh Giáo Thọ Sigalovàda (Trường Bộ II).

Còn đối với người phát nguyện xuất gia sống đời thanh tịnh để có thể tiến lên trên đường giải thoát giác ngộ, Ngài thường nêu rõ tất cả các thứ dục vọng làm nhiễm ô cấu uế nội tâm, trong đó tham ái là chướng ngại pháp lớn nhất mà người tu hành phải quyết tâm nỗ lực đối trị để tự thanh tịnh hóa dần dần cho đến khi đạt trạng thái ly tham, Niết bàn, tức ái diệt, khổ diệt, thoát ly sinh tử.

Qua nhiều bộ kinh, Đức Phật đã dùng vô số ảnh dụ về tham dục để giới xuất gia thấy rõ vị ngọt cùng mối nguy hiểm trong các dục lạc mà họ có thể gặp trên bước đường tu thân.

Chính đề tài này đã được các vị kết tập kinh điển cảm tác thành nhiều chuyện Tiền thân lồng vào những áng văn thơ hấp dẫn người học đạo, từ những chuyện lãng mạn trữ tình đến những chuyện gian nan bi thảm mà đỉnh cao nhất là Tiền thân Kusa, số 531, tập V. Trong Tiền thân này, Bồ tát là hoàng đế Kusa, làm bá chủ một đế quốc hùng mạnh, một vị vua đầy đủ mọi tài năng và đức tínnh anh hùng cao thượng, nhưng chỉ vì dị tướng xấu xí, nên phải bỏ ngai vàng ra đi và chịu biết bao gian khổ vẫn không chiếm được tình yêu của nàng công chúa Pabhavati mà ngài đã say mê điên đảo. Sau một thời gian dài chịu đựng vô số đắng cay tủi nhục mà không đạt kết quả như ý, ngài định bỏ cuộc thì Sakka Thiên chủ động lòng thương tạo hoàn cảnh đột biến cho ngài có dịp trổ tài anh hùng cứu nguy công chúa khỏi chết và chiếm được tình yêu của nàng trong chiến thắng vẻ vang. Chuyện Tiền thân đặc sắc này đã là nguồn cảm hứng vô tận cho nhiều tác phẩm thi ca nhạc kịch từ ngàn xưa mà nổi bật nhất là khúc Đại thi Kav Silumina của vị vua mộ đạo Parakrama Bahu II, thế kỷ XIII ở Sri lanka (Tích Lan).

Đối với một Tỷ kheo đầy đủ thiện căn tu tập từ nhiều đời trước thì chỉ cần nghe một chuyện Tiền thân Đức Phật cùng bài giảng Tứ Thánh đế là vị ấy có thể đắc quả Dự lưu, tức là vị ấy có pháp nhãn nhận thức sự sinh diệt của các pháp thế gian nên không còn tham luyến sắc trần và vững tâm tiến lên Thánh đạo, không còn sợ phải thối đọa và chắc chắn sẽ đạt giải thoát giác ngộ.

Ngoài ra, nữ giới cũng là một đề tài thường gặp trong bộ Chuyện Tiền thân.

Ta đã gặp nhiều khuôn mặt phụ nữ đức hạnh thông minh được Đức Phật tán thán qua nhiều bài kinh trong cả năm bộ kinh. Riêng trong bộ Chuyện Tiền thân, bên cạnh những phụ nữ hiền đức, có thiện hạnh, còn nhiều phụ nữ độc ác theo tà hạnh thường bị Đức Phật khiển trách để giáo hóa họ.

Đối với hạng người ác, dù nam hay nữ, chỉ có một trong hai con đường: hoặc là được cảm hóa thành thiện để được an lạc hạnh phúc, hoặc là tiếp tục con đường ác để nhận lãnh hậu quả khổ đau tai họa ở đời này lẫn đời sau.

Như vậy, ta thấy rõ Đức Phật luôn phân biệt hai hướng chánh-tà cho mọi người tùy theo căn cơ trình độ của họ để họ tự quyết định con đường sống của mình và nhận lãnh kết quả do các hành động mình gây ra theo đúng quy luật tự nhiên của vạn vật.

(Trích Nguyệt san Giác Ngộ, số 68, tháng 11-2001)

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục  


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 14-03-2003