BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Trích giảng Tiểu Bộ Kinh

Nguyên Tâm Trần Phương Lan


Tiểu Bộ Kinh - Chuyện Tiền Thân

Chuyện Đôi ca thần Canda
(999. Tiền thân Canda Kinnara)


"Chắc hẳn đời ta sắp sửa tàn...",

Chuyện này Bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Bồ Đề Lâm gần Kapilapura, về thân mẫu của Ràhula (La Hầu La) khi bà còn ở trong cung.

Đang lúc Ngài ngồi trong cung phụ vương, suốt buổi ăn Bậc Đạo Sư kể Tiền thân Mahàdhammàpàla (số 447) và sau khi buổi ăn đã xong, Ngài nói:

- Ta muốn tán thán những đức tính cao quý của mẹ Ràhula (La Hầu La) ngay ở nội thất bà bằng cách kể Tiền thân Canda Kinnara này.

Rồi vừa trao bình bát cho vua cha, Ngài cùng hai vị Đại đệ tử bước qua cung thất của mẫu thân La Hầu La. Thời ấy, có bốn mươi ngàn cung nữ giỏi ca múa hay đến bầu bạn với bà, trong đó có một ngàn chín mươi nàng là con gái dòng Sát đế lỵ. Khi bà nghe báo tin Đức Như Lai đến viếng, bà ra lệnh tất cả đám cung nữ này đắp y vàng và hội chúng tuân lệnh.

Bậc Đạo Sư bước vào, ngồi xuống chỗ đã được dành sẵn cho Ngài. Lúc ấy cả hội chúng nữ nhân đều kêu lên một tiếng và than khóc rền rĩ. Sau khi để mặc dòng lệ tuôn tràn, bà mẹ của La Hầu La cố dẹp nỗi sầu riêng, đứng lên đảnh lễ Bậc Đạo Sư và ngồi xuống với vẻ vô cùng tôn kính dành cho một vị vua. Lúc ấy phụ vương Ngài bắt đầu kể đức hạnh của bà:

- Bạch Thế Tôn, xin hãy nghe đây. Khi nàng hay tin Thế Tôn đã đắp y vàng, nàng cũng đắp y vàng, Thế Tôn bỏ hết các vòng hoa và đồ trang sức, nàng cũng bỏ hết mọi thứ và chỉ nằm ngồi dưới đất. Khi Thế Tôn đã xuất gia, nàng liền trở thành cô phụ và từ chối mọi tặng vật mà các vương tử khác gửi đến nàng. Lòng nàng bao giờ cũng trung thành với Thế Tôn.

Như thế, phụ vương của Ngài đã kể hết đức hạnh của nàng trong nhiều cách. Bậc Đạo Sư liền bảo:

- Thưa Phụ vương, thật không lạ gì ngày nay trong đời cuối của Như Lai, công chúa này đã yêu thương, gìn giữ lòng trung thành đối với Như Lai và chỉ muốn được một mình Như Lai dìu dắt mà thôi. Quả vậy, ngay cả khi được sinh làm loài phi nhân, bà cũng giữ dạ thủy chung với phu quân mình mà thôi.

Rồi theo lời thỉnh cầu của vua cha, Ngài kể một chuyện quá khứ.

* * *

Một thời, khi vua Brahmadatta trị vì ở Ba La Nại, Bậc Đại sĩ được sinh trong vùng Tuyết Sơn làm một vị Tiên Kinnara (Khẩn Na La: Ca thần) tên là Canda hay Nguyệt Lang, vợ ngài là Candà hay Nguyệt Nga. Cả hai vị sống cùng nhau trên một hòn núi bạc tên là Candapabbata hay Nguyệt Quang.

Thời ấy vua Ba La Nại giao phó việc triều chính cho các quan đại thần, một mình vua khoác hai chiếc hoàng bào, trang bị năm thứ vũ khí và tiến về vùng Tuyết Sơn nọ.

Trong lúc đang thưởng thức món sơn hào, vua chợt nhớ nơi có con suối nhỏ, nên bắt đầu leo lên đồi. Thời bấy giờ đôi tiên sống trên đỉnh Nguyệt Sơn thường ở trong núi vào mùa mưa, và chỉ xuống núi vào mùa nắng. Vừa lúc ấy tiên nam Canda cùng vợ hạ sơn và đi quanh quẩn. Đôi tiên tẩm nước hoa, ăn phấn hoa, mặc xiêm y bên trong lẫn bên ngoài đều bằng thứ lụa sa dệt từ bông hoa, vừa lắc lư trong đám cây cát đằng (dây leo), vừa vui đùa ca hát bằng một giọng ngọt ngào như mật.

Vị tiên nam tiến dần đến con suối này và tại một chỗ dừng chân bên suối, chàng bước xuống cùng vợ rắc hoa khắp mặt suối vừa vui đùa dưới nước. Khi cả hai vị đã mặc lại xiêm y bằng hoa xong, trên một khoảng cát trắng, sáng loáng như một tấm bạc, hai vị trải hoa làm sàng tọa và nằm xuống. Vừa lượm được một khúc cây trúc, vị tiên nam bắt đầu thổi sáo, vừa ca hát ngọt ngào như mật rót vào tai, trong lúc tiên nữ uốn lượn đôi tay mềm mại, vừa nhảy vừa hát ca gần đó.

Nhà vua nghe tiếng hát, liền đi rón rén để đừng ai nghe lọt bước chân, vừa đến gần ngắm nghía đôi tiên từ một nơi nấp kín đáo. Vua bỗng nhiên sinh ra si tình tiên nữ và nghĩ thầm: "Ta muốn bắn chàng kia và sống ở đây với vợ chàng". Sau đó vua liền nhắm bắn trọng thương vị tiên nam Canda. Chàng đau đớn thốt lên bốn vần kệ:

1. Chắc hẳn đời ta sắp sửa tàn,
Máu ta đang chảy xiết, tuôn tràn,
Ta dần mất hết nguồn sinh lực,
Hơi thở đang thoi thóp, hỡi nàng!

2. Ta đang chìm ngập với đau thương,
Lòng dạ ta đang đốt cháy bừng,
Song bởi chính nàng sầu, Nguyệt hỡi,
Mà tim ta cảm xúc khôn lường.

3. Như cỏ cây, ta cứ lụi tàn,
Héo hon như suối cạn khô dần,
Lòng đầy xúc cảm, Can-dà hỡi,
Vì nỗi buồn đau của chính nàng.

4. Dòng lệ tuôn từ cặp mắt ta
Như mưa chân núi chảy vào hồ,
Bởi vì lòng dạ đầy thương cảm,
Cho nỗi sầu nàng, hỡi Nguyệt Nga!

Bậc Đại sĩ than khóc như vậy qua bốn vần kệ trong khi quằn quại trên sàng tọa bằng hoa, rồi bất tỉnh quay mặt đi. Nhà vua vẫn đứng ở nơi đã nấp. Còn tiên nữ không biết Bậc Đại sĩ vừa bị thương, ngay khi ngài than khóc như thế, nàng cũng không hay biết, vì nàng đang say sưa với niềm hoan lạc của mình. Nhưng khi thấy ngài quay đi và nằm bất động, nàng bắt đầu tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với vị phu quân. Vội đến quan sát chồng, nàng thấy máu đang chảy ra từ miệng vết thương, nên không thể nào chịu đựng nổi cơn đau đớn khủng khiếp trước tình cảnh phu quân yêu quý của mình, nàng kêu gào thất thanh.

"Vị tiên nam ắt hẳn đã chết", vua thầm nghĩ và bước ra lộ diện. Khi tiên nữ Candà thấy vua, nàng nghĩ thầm: "Đây hẳn là kẻ cướp đã giết chồng yêu quý của ta", và nàng run rẩy chạy trốn. Khi đã đứng trên đỉnh đồi, nàng kết tội vua quyết liệt qua năm vần kệ:

5. Ôi khổ thân ta, chúa bạo tàn!
Nhà người đã bắn trọng thương chàng,
Nay chàng nằm đó, trên đất lạnh,
Dưới một gốc cây, giữa núi ngàn.

6. Vương tử! Sầu đau xé ruột này,
Ta mong thái hậu phải đền thay!
Mối sầu đang bóp tim tan nát,
Khi thấy chàng yêu đã chết đây.

7. Vương tử! Sầu đau xé ruột này,
Ta mong vương hậu phải đền thay!
Mối sầu đang bóp tim tan nát
Khi thấy chàng yêu đã chết đây.

8. Mong thái hậu nay khóc phụ hoàng,
Và sau lại phải khóc hoàng nam,
Kẻ vì tham dục đang làm ác
Cho chính chồng ta thật uổng oan.

9. Ước mong vương hậu phải chờ trông
Tình cảnh mất con lẫn mất chồng
Là kẻ vì tham, làm việc ác
Cho chàng vô tội, chính phu quân.

Sau khi nàng kêu gào than khóc như vậy qua năm vần kệ trên, nhà vua vừa đứng trên đỉnh núi cất tiếng an ủi nàng qua một vần kệ khác:

10. Thôi đừng than khóc, chớ sầu thương,
Ta chắc rừng đêm quáng mắt nàng:
Cung điện vua ban nàng diễm phúc,
Nàng làm hoàng hậu của quân vương!

- Ngươi vừa nói gì thế?

Tiên nữ Candà thét lên khi nghe lời này, và nàng cất giọng sư tử hống hùng hồn đáp lời:

11. Không, ta đành kết liễu cuộc đời!
Ta chẳng bao giờ muốn lấy ngươi,
Ngươi giết chồng ta nào có tội,
Tất cả vì tham ái ta thôi!

Khi nghe lời này, lòng say mê của vua đối với nàng đều tan hết, sau đó, vua liền ngâm một vần kệ khác nữa:

12. Sống cho thỏa nguyện, hỡi tiên nương,
Thôi hãy quay về đỉnh Tuyết Sơn,
Ta biết có nhiều loài thú vật
Ăn toàn cỏ hoa, mến rừng hoang.

Cùng với những lời này, vua bình thản bỏ đi. Ngay khi Candà biết vua đi rồi, nàng bước đến ôm lấy Bậc Đại sĩ đem tận đỉnh đồi và đặt ngài nằm trên một chỗ đất bằng phẳng tại đó; vừa kê đầu ngài lên lòng nàng, nàng vừa than thở qua mười hai vần kệ sau:

13. Đây giữa vùng đồi núi, đỉnh cao,
Trong nhiều thung lũng, dưới hang sâu,
Thiếp làm gì nữa, chàng tiên hỡi,
Vì bóng chàng nay thiếp thấy đâu?

14. Thú rừng lang bạt khắp nơi nơi,
Lá trải trên nhiều chốn đẹp tươi,
Thiếp phải làm gì, chàng Nguyệt hỡi,
Vì nay chàng vắng bóng trên đời?

15. Dã thú tung hoành, hoa ngát hương
Lan tràn bao chốn đẹp hoang đường,
Thiếp làm gì nữa, chàng tiên hỡi,
Vì chẳng còn đâu thấy bóng chàng?

16. Trong veo, nhiều suối chảy ven đồi,
Hoa dại muôn ngàn, phủ khắp nơi,
Thiếp phải làm gì, chàng Nguyệt hỡi,
Vì nay chàng bỏ thiếp đơn côi?

17. Xanh thẳm là đồi núi Tuyết San,
Khi nhìn, đồi núi đẹp vô vàn,
Thiếp làm gì nữa, chàng tiên hỡi,
Vì chẳng còn đâu thấy bóng chàng?

18. Bao đỉnh Tuyết Sơn nhuộm ánh vàng,
Nhìn xem đồi núi đẹp huy hoàng,
Thiếp làm gì nữa, chàng tiên hỡi,
Vì thiếp còn đâu thấy bóng chàng?

19. Đồi núi Tuyết Sơn đỏ rực lên,
Núi đồi tuyệt diệu lúc nhìn xem!
Thiếp làm gì nữa, chàng tiên hỡi,
Vì thiếp còn đâu thấy bóng tiên?

20. Tuyết Sơn đỉnh nhọn vút trời cao,
Đồi núi nhìn xem đẹp biết bao!
Thiếp sẽ làm gì, chàng Nguyệt hỡi,
Vì nay thiếp chẳng thấy chàng đâu?

21. Lấp lánh, Tuyết Sơn đỉnh trắng ngần,
Nhìn xem đồi núi đẹp muôn phần!
Thiếp làm gì nữa, chàng tiên hỡi,
Vì chẳng còn trông thấy Nguyệt quân?

22. Tuyết Sơn lại đổi sắc cầu vồng,
Tuyệt diệu là khi đứng ngắm trông!
Thiếp phải làm gì, chàng Nguyệt hỡi,
Vì không còn được thấy lang quân?

23. Đồi Hương thân thiết với yêu ma,
Khắp chốn phủ đầy vạn cỏ hoa,
Thiếp phải làm gì, chàng Nguyệt hỡi,
Vì đâu còn thấy bóng Canda?

24. Thần tiên yêu mến ngọn đồi Hương, [1]
Cây cỏ bao quanh khắp nẻo đường,
Thiếp sẽ làm gì, chàng Nguyệt hỡi,
Vì đâu còn thấy bóng chàng thương?

Nàng cứ than thở mãi như vậy, rồi khi cầm tay Bậc Đại sĩ đặt lên ngực nàng, nàng thấy tay ngài còn ấm. Nàng nghĩ thầm: "Canda còn sống đây, ta quyết khiêu khích các thần linh cho đến khi chàng được sống lại!". Rồi nàng lớn tiếng quở trách các thần:

- Chẳng có vị thần nào cai trị cõi trần hay sao? Các ngài đi ngao du ở đâu cả rồi? Chắc hẳn các ngài chết hết rồi nên chẳng còn ai cứu mạng chồng yêu quí của ta đây!

Vì uy lực nỗi khổ đau thống thiết của nàng, chiếc ngai của Sakka (Đế Thích) Thiên chủ nóng rực lên. Khi xét kỹ, ngài thấy rõ nguyên nhân, liền giả dạng một vị Bà la môn đến gần nàng, cầm bình nước thần dược rảy lên mình Bậc Đại sĩ. Trong chốc lát, thuốc độc mất công hiệu, sắc mặt ngài trở lại tươi tỉnh, ngài cũng không còn biết gì đến chỗ bị thương nữa. Bậc Đại sĩ đứng dậy hoàn toàn hồi phục.

Khi Candà thấy vị phu quân muôn vàn yêu quí của mình đã hoàn toàn bình an, nàng hân hoan quì xuống chân của Đế Thích Thiên chủ, tán thán ngài qua vần kệ:

25. La môn Thánh giả đáng tôn vinh!
Cho phận thiếp đây kém phước lành
Được thấy phu quân đầy ái kính,
Rảy lên chàng thánh dược hồi sinh!

Sau đó Đế Thích Thiên chủ khuyên nhủ:

- Từ rày về sau hai vị đừng xuống khỏi đỉnh Nguyệt Sơn ra giữa đường đi của loài người nữa, mà cứ ở chốn đây thôi.

Ngài lặp lại câu này hai lần rồi trở về cõi của ngài. Còn Candà hỏi chồng nàng:

- Này phu quân, sao ta lại ở chốn đầy nguy hiểm này? Ta hãy mau về đỉnh Nguyệt Sơn.

Rồi nàng ngâm vần kệ cuối cùng:

25. Ta hãy lui về đỉnh Nguyệt san,
Nơi khe suối diễm lệ tuôn tràn,
Suối khe phủ ngập đầy hoa lá,
Mãi mãi chốn kia, gió nhẹ nhàng
Thầm thỉ len qua ngàn cổ thụ,
Mải mê trò chuyện, phút bình an.

* * *

Khi Bậc Đạo Sư chấm dứt Pháp thoại này, Ngài bảo:

- Không phải chỉ bây giờ, mà ngày xưa cũng thế, Công chúa luôn luôn tận tụy và giữ lòng trung thành với Ta.

Rồi Ngài nhận diện Tiền thân:

- Vào thời ấy, Anuruddha (A Na Luật Đà) là vua, mẹ của La Hầu La (Ràhulamàtà) là tiên nữ Candà và Ta chính là vị tiên nam.


Nhận xét:

Đây là một trong những chuyện tình lãng mạn gây xúc động nhất trong bộ Chuyện Tiền thân.

Theo truyền thuyết kinh điển, khi vị đạo sĩ Sumedha (Thiện Tuệ), tiền thân Đức Phật Thích Ca, được Đức Cổ Phật Dipankara (Nhiên Đăng) thọ ký để thành Phật, có một thiện nữ phát đại nguyện làm bạn đời của Ngài qua vô lượng kiếp cho đến ngày Ngài đắc quả Vô thượng Giác ngộ.

Đại nguyện này đã được thể hiện qua những mối tình chung thủy giữa nàng và Bồ tát, tiền thân Đức Phật dưới nhiều hình thức khác nhau: từ đôi chim bồ câu, thiên nga hay quạ, cho đến đôi vợ chồng vương giả trong cung điện, bao giờ nàng cũng nêu bật những đức tính cao đẹp của nàng bên cạnh Bồ tát trong suốt cuộc sống ấy.

Đặc biệt ở đây, Bồ tát và nàng là đôi ca thần Kinnara (Khẩn Na La), một loài thần tiên ở núi rừng có giọng ca tuyệt vời nhất trên thế gian và luôn sống quấn quít bên nhau không rời ngay cả trong hiểm nguy hoạn nạn.

Đức Phật đã kể chuyện Tiền thân này trong lúc Ngài trở về thành Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ) để thăm gia đình lần đầu tiên khoảng năm năm sau ngày Ngài thành đạo.

Khi nghe phụ vương Ngài (Suddhodana: Tịnh Phạn) ca ngợi đức hạnh của công chúa Yasodhara tức bà mẹ của Tôn giả Rahula, Đức Phật xác nhận không chỉ đời này, mà trải qua vô lượng đời trước, dưới nhiều hình thức tái sinh, bà cũng đã giữ lòng chung thủy đối với Ngài và chỉ muốn Ngài dìu dắt trên đời mà thôi. Câu chuyện này là một ví dụ để minh chứng điều ấy.

Phải chăng lời nói ấy của Ngài ngụ ý rằng qua vô lượng đời trước, bà đã thực hiện lời nguyện cao cả của bà là hỗ trợ Bồ tát trong mọi cảnh đời trên con đường tầm cầu chân lý qua mọi nẻo luân hồi, đến nay sứ mạng ấy đã được hoàn mãn, Ngài đã đắc quả Vô thượng Giác ngộ và trở thành Bậc Đạo Sư hướng dẫn mọi loài ở cõi trời và cõi người, thì phần bà cũng nên đi theo con đường do Ngài khám phá ấy để được giác ngộ, thoát ly sinh tử như Ngài?

Chắc hẳn về sau bà cũng đã nhận thức được lời gợi ý sâu xa kia, cho nên khi Tôn giả Rahula đã xuất gia theo Đức Phật, bà cũng đã cùng nhiều vị Thích nữ trong hoàng tộc xuất gia tu tập Thánh đạo và đắc quả Giác ngộ ngay đời hiện tại này.

Nhân dịp Xuân về, cũng là dịp lễ Đức Phật Thành đạo theo truyền thống Bắc tông, tôi xin gửi đến các đạo hữu gần xa câu chuyện Tiền thân đặc biệt này để tưởng niệm hồng ân Đức Phật đã hy sinh cuộc sống đời thường để đi tìm chân lý và chỉ đường cho những ai muốn tu tập giải thoát giác ngộ như Ngài.

Ghi chú:

[1] Gandha-madana (đồi Hương): tên một ngọn núi ở dãy Hymalaya (Tuyết Sơn), nơi có nhiều hoa thơm cỏ lạ và nhiều loài thần tiên ma quỷ cư ngụ.

(Trích Nguyệt san Giác Ngộ, số 82, 01-2003)

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục  


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 18-02-2003