Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

KINH PHÁP CÚ
(DHAMMAPADA )

Thiện Nhựt
lược-dịch và tìm hiểu


[03]

XII.- Phẩm Tự-ngã

127) Tích chuyện Vương-tử Bồ-đề - Kệ số 157
128) Tích chuyện Trưởng-lão Ưu-ba-nan-đà - Kệ số 158
129) Tích chuyện Trưởng-lão Phả-đà-ni - Kệ số 159
130) Tích chuyện bà mẹ của Cưu-ma-ca-diếp - Kệ số 160
131) Tích chuyện ông Ưu-bà-sa - Kệ số 161
132) Tích chuyện về một tiền-kiếp của Đề-bà-đạt-đa - Kệ số 162
133) Tích chuyện về sự chia-rẽ Giáo-hội - Kệ số 163
134) Tích chuyện Tỳ-kheo Kha-la - Kệ số 164
135) Tích chuyện thiện-nam Chu-la - Kệ số 165
136) Tích chuyện Trưởng-lão Ất-tha-đạt - Kệ số 166

XIII.- Phẩm Thế-gian

137) Tích chuyện một tỳ-kheo trẻ - Kệ số 167
138) Tích chuyện vua Tịnh-phạn - Kệ số 168 và 169
139) Tích chuyện các tỳ-kheo quán-tưởng bọt nước - Kệ số 170
140) Tích chuyện Vương-tử Vô-uý - Kệ số 171
141) Tích chuyện Trưởng-lão Sầm-mạc-gia - Kệ số 172
142) Tích chuyện Trưởng-lão Vô-não - Kệ số 173
143) Tích chuyện cô gái quay tơ - Kệ số 174
144) Tích chuyện ba mươi tỳ-kheo đắc thần-thông - Kệ số 175
145) Tích chuyện bà Chỉnh-ca-mã - Kệ số 176
146) Tích chuyện công-đức Đại-bố-thí - Kệ số 177
147) Tích chuyện con trai ông Cấp-cô-độc - Kệ số 178

XIV.- Phẩm Phật-đà

148) Tích chuyện ba cô gái của Ma-vương - Kệ số 179 và 180
149) Tích chuyện Đức Phật từ cõi Trời Đao-lợi trở lại thế-gian - Kệ số 181
150) Tích chuyện Long-vương Y-ra-kha - Kệ số 182
151) Tích chuyện về lời thưa hỏi của Tôn-giả A-nan - Kệ số 183, 184 và 185
152) Tích chuyện vị tỳ-kheo bất-mãn - Kệ số 186 và 187
153) Tích chuyện vị Bà-la-môn Ất-ghi-đạt - Kệ số 188, 189, 190, 191 và 192
154) Tích chuyện về nơi đản-sanh của bực Thánh - Kệ số 193
155) Tích chuyện các tỳ-kheo bàn về hạnh-phước - Kệ số 194
156) Tích chuyện về tượng Phật Ca-diếp - Kệ số 195 và 196

XV.- Phẩm An-lạc

157) Tích chuyện giải-hoà giòng-họ Thích-ca - Kệ số 197, 198 và 199
158) Tích chuyện Ma-vương khuấy Phật - Kệ số 200
159) Tích chuyện vua xứ Câu-tát-la thất-trận - Kệ số 201
160) Tích chuyện đôi vợ chồng sắp cưới - Kệ số 202
161) Tích chuyện người chăn mất con bò - Kệ số 203
162) Tích chuyện vua Ba-tư-nặc bớt ăn - Kệ số 204
163) Tích chuyện Trưởng-lão Thi-sa ngồi Thiền - Kệ số 205
164) Tích chuyện vua Trời Đế-Thích săn-sóc Phật - Kệ số 206, 207 và 208

XVI.- Phẩm Thân-ái

165) Tích chuyện ba người khất-sĩ - Kệ số 209, 210 và 211
166) Tích chuyện một gia-chủ giàu-có - Kệ số 212
167) Tích chuyện bà Vi-sa-kha khóc cháu - Kệ số 213
168) Tích chuyện các ông hoàng xứ Ly-xa - Kệ số 214
169) Tích chuyện chàng thanh-niên Anh-thi - Kệ số 215
170) Tích chuyện người nông-phu Bà-la-môn - Kệ số 216
171) Tích chuyện các thanh-niên kính-mộ Tôn-giả Ca-diếp - Kệ số 217
172) Tích chuyện vị Trưởng-lão đắc quả A-na-hàm - Kệ số 218
173) Tích chuyện gia-chủ Nan-đi-gia - Kệ số 219 và 220

XVII.- Phẩm Sân-hận

174) Tích chuyện công-chúa Lỗ-hi-nhi - Kệ số 221
175) Tích chuyện vị Thọ-thần - Kệ số 222
176) Tích chuyện cô tín-nữ Úc-ta-ra - Kệ số 223
177) Tích chuyện Tôn-giả Mục-kiền-liên hỏi Phật - Kệ số 224
178) Tích chuyện một người Bà-la-môn tự-nhận là cha Đức Phật - Kệ số 225
179) Tích chuyện nô-tỳ Phú-na - Kệ số 226
180) Tích chuyện chàng thanh-niên A-tu-la - Kệ số 227, 228, 229 và 230
181) Tích chuyện sáu vị tỳ-kheo mang guốc - Kệ số 231, 232, 233 và 234

XVIII.- Phẩm Ô-uế

182) Tích chuyện con của người đồ-tể - Kệ số 235, 236, 237 và 238
183) Tích chuyện người Bà-la-môn làm việc thiện - Kệ số 239
184) Tích chuyện ham áo cà-sa của Trưởng-lão Thi-sa - Kệ số 240
185) Tích chuyện tỳ-kheo Lã-lưu-đà-di - Kệ số 241
186) Tích chuyện người bị vợ ngoại-tình - Kệ số 242 và 243
187) Tích chuyện tỳ-kheo Chu-la-sĩ - Kệ số 244 và 245
188) Tích chuyện năm người cãi nhau về ngũ-giới - Kệ số 246, 247 và 248
189) Tích chuyện vị tỳ-kheo ganh-tị - Kệ số 249 và 250
190) Tích chuyện năm người ngồi nghe pháp - Kệ số 251
191) Tích chuyện vị hào-phú Mẫn-đà-kha - Kệ số 252
192) Tích chuyện tỳ-kheo Úc-gia - Kệ số 253
193) Tích chuyện ông Tu-bạt-đà-la, vị đệ-tử chót của Đức Phật- Kệ số 254 và 255

XIX.- Phẩm Pháp-trụ

194) Tích chuyện các vị thẩm-phán - Kệ số 256 và 257
195) Tích chuyện sáu vị tỳ-kheo ba-hoa. - Kệ số 258
196) Tích chuyện Trưởng-lão Nhứt-Kệ-tụng - Kệ số 259
197) Tích chuyện Trưởng-lão Phát-di-gia - Kệ số 260 và 261
198) Tích chuyện các tỳ-kheo ganh-tị - Kệ số 262 và 263
199) Tích chuyện tỳ-kheo Hạt-tha-ca - Kệ số 264 và 265
200) Tích chuyện người Bà-la-môn tự nhận là tỳ-kheo - Kệ số 66 và 267
201) Tích chuyện các người ngoại-đạo - Kệ số 268 và 269
202) Tích chuyện người đánh cá tên là Thánh-Hiền - Kệ số 270
203) Tích chuyện các tỳ-kheo tự-mãn - Kệ số 271 và 272

XX.- Phẩm Đạo

204) Tích chuyện các tỳ-kheo bàn về đường đi. - Kệ số 273, 274, 275 và 276
205) Tích chuyện các tỳ-kheo quán chiếu về Vô-thường, Khổ và Vô-ngã - Kệ số 277, 278 và 279
206) Tích chuyện tỳ-kheo Thi-sa lười nhác - Kệ số 280
207) Tích chuyện ngạ-quỉ đầu heo mình người - Kệ số 281
208) Tích chuyện Trưởng-lão Phổ-thi-la - Kệ số 282
209) Tích chuyện năm vị tỳ-kheo già - Kệ số 283 và 284
210) Tích chuyện con của người thợ bạc - Kệ số 285
211) Tích chuyện vị thương-gia Đại-Nghiệp - Kệ số 286
212) Tích chuyện bà Kỷ-sa-cơ - Kệ số 287
213) Tích chuyện bà Phả-tha-ca - Kệ số 288 và 289

-ooOoo-

XII.- Phẩm TỰ-NGÃ.

(127).- Tích chuyện Vương-tử Bồ-đề.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ trong rừng Thê-sa, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Vương-tử Bồ-đề.

Vào thuở ấy, Vương-tử Bồ-đề vừa xây cất xong một cung-điện thật nguy-nga, lộng-lẫy, đến cung-thỉnh Đức Phật và chư Tăng vào vương-cung để cúng-dường trai-tăng. Trong dịp nầy, Vương-tử cho trang-hoàng lầu-các thật trang-nghiêm, dùng bốn loại hương thơm xông-ướp tất cả các căn phòng. Vương-tử lại sai trải một tấm thảm gấm quí, thật dài, từ ngoài thềm đi vào phòng khách, và Vương-tử phát lời nguyện rằng, nếu sanh được quí-tử thì Đức Phật khi vào cung, sẽ bước chơn lên tấm thảm gấm ấy.

Khi Đức Phật và chư Tăng đến nơi, vương-tử Bồ-đề ra tận bên ngoài nghinh-đón và cung-kính thỉnh Đức Phật bước vào trong. Đến bậc thềm, Đức Phật dừng lại. Vương-tử ân-cần mời Đức Phật bước tới, nhưng Ngài vẫn đứng yên, mắt nhìn Tôn-giả A-nan. Tôn-giả A-nan đoán biết ý của Đức Phật, mới đến nói với vương-tử xin cuốn tấm thảm gấm lại, thì Đức Phật mới đi vào trong. Vương-tử liền tuân theo. Sau bữa ngọ-trai, Vương-tử mới bạch cùng Đức Phật: "Bạch Thế-tôn, tại sao lúc nảy Thế-tôn chẳng bước qua tấm thảm gấm?" Đức Phật hỏi: "Khi cho trải thảm ra, Đại-vương có lời nguyện nào chăng?" Vương-tử đáp, quả có lời nguyện: nếu Đức Phật dẫm chơn lên tấm thảm, thì vương-tử sẽ có được con trai. Đức Phật liền bảo: " Vợ chồng vương-tử chẳng bao giờ có con được, vì đó là quả-báo của kiếp trước." Rồi Đức Phật mới kể lại sự-tích xưa của tiền-kiếp của Vương-tử Bồ-đề như sau:

Trong một kiếp xa xưa, vương-tử và vương-phi là hai người hành-khách còn sống-sót trên một chuyến tàu đi biển bị chìm. Họ được trôi tấp vào một hoang-đảo, chẳng thấy bóng người. Để khỏi bị chết đói, họ đã bắt phá các ổ chim, lấy trứng ăn, mà trong lòng họ chẳng hề có một chút ý-nghĩ hối-tiếc vì đã sát-hại sanh mạng của lũ

chim non sắp chào đời. Về sau, khi trở lại với loài người, họ cũng chẳng hề hối-tiếc việc sát-sanh đó, trong thời-gian họ còn đang trung niên và cả đến lúc tuổi-già. Nếu họ đã có lúc ăn-năn khi đứng tuổi hay tuổi đã xế chiều, thì kiếp nầy, ít ra họ cũng có được một, hai đứa con.

Kể xong sự-tích, Đức Phật thốt lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà Vương-tử Bồ-đề chứng được quả Tu-đà-huờn:

Nếu biết tự-ngã mình là quí,
Mình phải nên khéo bảo-vệ mình.
Suốt ba canh cuộc đời, người hiền-trí
Luôn luôn tỉnh-giác và phòng-bị.
(Kệ số 157.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Tự-Ngã: Tự = chính mình; Ngã = ta. Tự-Ngã tức là chính Ta. Nhưng Ta là gì? Có phải thân ta Ta chăng? Không. Có phải tâm ta Ta chăng? Cũng không. Tự-ngã là phần linh-quang, vô-hình, bàng-bạc trong thân-tâm ta, khi thân-tâm nầy tan-rã, tư-ngã vẫn còn; đó là tánh-giác hay Phật-tánh, hay pháp-thân, thường-hằng, mắt tuy chẳng thấy, nhưng tâm-trí biết được có tự-ngã.

- Vương-tử: Vương = vua; Tử = con. Vương-tử là con dòng vua.

- Vương-phi = vợ của vua, vợ của vương-tử.

- Vương-cung = cung-điện của Vua.

- Vương-tử Bồ-đề: tên thật của vị vương-tử nầy, tiếng Pali là Bodhiràjakumàra.

- Thê-sa = tên khu rừng nầy, tiếng Pali là Bhesakalà.

- Trai-tăng: Trai = bữa ăn chay; Tăng = tu-sĩ Phật-giáo. Trai-tăng là buổi lễ dâng-cúng thực-phẩm lên cho các tu-sĩ Phật-giáo.

- Bốn loại hương thơm: gồm có hương-bột, hương-đốt, hương-xoa và tâm-hương ( = tấm lòng thành-kính)

- Quí-tử: Quí = quí-báu; Tử = con. Quí-tử đứa con quí.

- Ngọ-trai: Xin nhắc lại, ngọ-trai là bữa ăn chay vào buổi trưa, đúng giờ Ngọ ( =12 giờ trưa).

- Quả-báo: Quả =kết-quả, thành-quả, hậu-quả; Báo = đền trả lại. Theo thuyết Nhơn-Quả của nhà Phật, hễ nay làm lành, về sau sẽ được phước-báu; hễ nay làm dữ, về sau sẽ chịu ác-báo.

- Tiền-kiếp: Xin nhắc lại: tiền-kiếp là kiếp trước. Theo thuyết Luân-hồi của nhà Phật, chúng-sanh trải qua nhiều kiếp sống, các đời trước, đời hiện-tại và các đời tương-lai.

- Hoang-đảo: Hoang = hoang-vu, chẳng người ở; Đảo = cù-lao.

- Sát-sanh: Sát = giết chết; Sanh = sanh-mạng, mạng sống. Cấm sát-sanh là giới thứ nhứt của người Phật-tử tu tại-gia.

- Trung-niên = đứng tuổi, khoảng bốn, năm mươi tuổi.

- Tuổi đã xế chiều: tuổi già, như buổi chiều mặt trời sắp lặn.

-Tu-đà-huờn: Xin nhắc lại: quả-vị đầu, thấp nhứt trong hàng Thanh-văn, còn gọi là Nhập-lưu hay Thất-lai. Tiếng Pali là Sotàpatti.

- Ba canh cuộc đời: Chữ canh nghĩa đen là thời-gian hai giờ ban đêm. Ở đây, ba canh cuộc đời được hiểu là ba giai-đoạn đời người: lúc còn trẻ, khi lớn tuổi và về già.

- Tỉnh-giác: Tỉnh = thức-tỉnh, chẳng mê-mờ; Giác = biết rõ. Người tỉnh-giác là người tâm giữ chánh-niệm, đang nói gì, đang làm gì, đang nghĩ gì, thì trong tâm đều biết rõ mình đang nói, làm, nghĩ gì.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang hai ý-nghĩa:

1) Tại sao Đức Phật chẳng bước qua tấm thảm gấm? Theo Tích chuyện, vì Ngài đã biết trước lời nguyện của vương-tử Bồ-đề. Nhưng ta có thể hiểu cách khác: Ngài khiêm-nhường, chẳng nhận danh-dự chủ nhà dành cho khách, trải tấm thảm (đỏ) để rước khách.

2) Bị tuyệt-tự vì ăn trứng chim, mắc tội sát-sanh chẳng biết ăn-năn, hối-tiếc: đây là Luật Nhơn-Quả, trước đã giết chết chim non, nên nay chẳng có con để nối dòng. (Tuyệt-tự = chẳng có con-cái.)

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 157:

Mới đọc qua, chẳng thấy có sự liên-hệ nào giữa Tích chuyện và bài Kệ. Tích chuyện nói về luật Nhơn-quả, còn bài Kệ nói về Tự-ngã. Nhưng nghĩ kỹ lại, Tự-ngã là gì?, ta thấy được có sự liên-hệ giữa Tích chuyện và bài Kệ. Tự-ngã Ta, cái Ta chẳng những trong đời nầy, mà còn là cái Ta trong các đời trước, và vẫn còn là cái Ta ấy về các đời sau của kiếp Luân-hồi. Cái Ta ấy tạo nghiệp ác trong đời trước, thì trong đời nầy, chính cái Ta đó phải chịu ác-báo, theo luật Nhơn-quả.

Bài Kệ hàm-chứa ý-nghĩa nầy: nếu mình biết bảo-vệ mình, bảo-vệ cái ta, cái Tự-ngã của mình, kẻ khác cũng biết bảo-vệ Tự-ngã của họ, thì mình đừng vì Tự-ngã của mình mà xâm-phạm đến Tự-ngã của kẻ khác. Trong Tích chuyện, hai vợ-chồng vương-tử, vì muốn nuôi sống Tự-ngã của họ khỏi chết đói mà giết-hại sanh-mạng lũ chim non còn trong trứng chưa ra đời, nên nay Tự-ngã của đôi vợ-chồng đó phải chịu hậu-quả xấu là chẳng có con-cái để nối dòng.

Bài Kệ khuyên: Nếu biết Tự-ngã mình là quí, mình phải khéo bảo-vệ Tự-ngã mình. Bảo-vệ thế nào? Bảo-vệ Tự-ngã mình để khỏi chịu quả-báo xấu-ác. Bảo-vệ cách nào? Bảo-vệ bằng cách luôn-luôn tỉnh-giác và phòng-bị, nghĩa là trong tâm phải luôn luôn trong-sạch và biết canh-chừng mọi ý-nghĩ xấu-ác định làm hại kẻ khác, để tránh ác-báo. Và việc phòng-bị như thế, chẳng những phải giữ suốt "ba canh của cuộc đời", mà phải giữ suốt trong ba đời: quá-khứ, hiện-tại và vị-lai.

Có cách nào mà giữ-gìn Tự-ngã cho vẹn-toàn trong suốt ba đời như thế không? Có, bằng cách theo Chánh-pháp tu-tập để thoát khỏi vòng sanh-tử của Luân-hồi, chứng được vô-sanh, chẳng còn tái-sanh để chịu quả-báo. Chứng được vô-sanh có nghĩa là chứng được cảnh-giới Niết-bàn, Tự-ngã trở thành Chơn-ngã cái Ta chơn-thật, thường-còn, là cái điểm linh-quang sẵn-có nơi mọi chúng-sanh, hiện còn bị sự ngu-tối che-mờ. Bằng sự tỉnh-giác thường-hằng, ta thắp sáng lên điểm linh-quang đó, tức là làm hiển-lộ được tánh-giác, được Phật-tánh ở nơi Ta, nơi Tự-ngã của Ta: đó là ý-nghĩa thâm-sâu của bài Kệ.

HỌC TẬP:

1.- Học kỹ bài Kệ, ghi nhớ: phải luôn tỉnh-giác, giữ chánh-niệm.

2.- Đừng ăn và đừng dọn cho kẻ khác ăn hột vịt lộn, hột gà lộn. Cũng đừng ăn cá ròng-ròng ( = cá lóc con, nhỏ chỉ bằng chừng ngón tay út), hay mắm-tép. Ăn như thế, ác lắm!

3.- Nhắc-nhở con em về Luật Bảo-vệ Súc-vật: chẳng được săn-bắn các loài thú sắp bị diệt-chủng, chẳng bắt cá-con chưa đủ lớn.

(128).- Tích chuyện Trưởng-lão Ưu-ba-nan-đà.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Ưu-ba-nan-đà, thuộc bộ-tộc Thích-ca.

Thuở ấy, có vị Trưởng-lão Ưu-ba-nan-đà là một tỳ-kheo có tài biện-thuyết, giảng pháp rất hay. Trưởng-lão thường giảng dạy người nghe chớ nên tham-lam, phải biết đủ, và tạo công-đức lành bằng lối sống đạm-bạc và theo hạnh khắc-khổ của đầu-đà. Tuy nhiên, về phần Trưởng-lão, ông chẳng hề thực-hành những lời ông đã dạy kẻ khác phải làm. Trưởng-lão thường giữ riêng cho mình tất cả những bộ y và các vật-dụng khác mà các tín-hữu đã dưng-cúng cho Trưởng-lão.

Năm ấy vào mùa an-cư kiết-hạ, Trưởng-lão Ưu-ba-nan-đà đi đến một ngôi chùa trong một làng kia. Trưởng-lão hỏi vị tỳ-kheo trẻ tuổi, ở đây vào mùa an-cư, mỗi vị Tăng được cúng-dường mấy bộ y. Nghe đáp là chỉ một bộ cho mỗi người, Trưởng-lão liền bỏ đi và để lại một đôi dép tại chùa ấy. Đi đến ngôi chùa thứ nhì, nghe nói mỗi tỳ-kheo được cúng hai bộ y, Trưởng-lão cũng bỏ đi và để cây gậy lại tại chùa ấy. Đi đến ngôi chùa thứ ba, nghe nói mỗi tỳ-kheo được tặng ba bộ y, Trưởng-lão cũng bỏ đi và để lại một cái bát tại chùa ấy. Sau cùng, đến ngôi chùa thứ tư, nghe nói mỗi vị Tăng, sau mùa an-cư, được dưng bốn bộ y, Trưởng-lão mới dừng lại, và sống qua mùa an-cư tại đấy.

Sau khi xuất-hạ, Trưởng-lão trở lại ba ngôi chùa trước mà mỗi nơi Trưởng-lão có gởi vật-dụng riêng của mình, và đòi các bộ y phải để dành phần cho Trưởng-lão. Sau đó, Trưởng-lão Ưu-ba-nan-đà dùng xe chở các bộ y đem về tịnh-thất của mình.

Dọc đường, Trưởng-lão gặp hai vị Sa-di trẻ tuổi đang tranh-cãi chẳng biết phân chia nhau thế nào cho công-bằng hai bộ y và một cái mền gấm. Trưởng-lão được mời đứng ra phân-xử. Trưởng-lão chia mỗi người một bộ y, còn cái mền gấm thì thuộc về công người xử. Hai vị Sa-di nhận phần, nhưng trong lòng chẳng phục, mới đến thưa sự-việc với Đức Phật. Sau khi nghe trình về thái-độ của Trưởng-lão Ưu-ba-nan-đà, Đức Phật dạy: "Kẻ đi dạy người, trước hết phải tự dạy mình, thực hành ngay những điều mình đem dạy kẻ khác."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Trước, biết tự đặt mình vững-chắc
Vào những gì thích-đáng chánh-chơn;
Sau, mới đi giáo-hoá người khác.
Như thế, người trí khỏi bị trách.
(Kệ số 158.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Trưởng-lão: Xin nhắc lại: Trưởng = lớn; Lão = già. Trong Phật-học, chữ Trưởng-lão dùng để chỉ các bực tu-hành lâu năm, đức-hạnh cao. Riêng về Nam-tông, chữ Trưởng-lão dùng để dịch chữ Thera, bực cao tuổi đạo đã chứng quả-vị A-la-hán. Theri dịch là Nữ-trưởng-lão.

- Ưu-ba-nan-đà: tên thật vị tỳ-kheo nầy, tiếng Pali là Upananda

- Biện-thuyết: Biện =phân-biện; Thuyết =nói. Tài biện-thuyết, nói năng lưu-loát, Phật-học gọi là biện-tài vô-ngại (vô-ngại =chẳng sợ)

- Biết đủ: biết có vừa đủ, chẳng tham; tiếng Hán-Việt là tri-túc.

- Sống đạm-bạc = sồng giản-dị, đơn-sơ, chẳng đòi-hỏi nhiều.

- Hạnh khắc-khổ = lối sống kham khổ để tuân theo kỷ-luật tu.

- Đầu-đà = phiên-âm chữ Pali là Dhùtanga, người sống theo hạnh khắc-khổ. Hạnh đầu-đà gồm có 13 đìều: (1) mặc áo do vải vụn lượm được may ráp lại; (2) chỉ có được ba bộ áo mà thôi; (3) chỉ ăn những gì đi khất-thực được; (4) phải đi khất-thực từ nhà; (5)ngồi một chỗ mà ăn, đứng lên thì chẳng ăn thêm nữa; (6) chỉ ăn nội trong bát của mình mà thôi; (7) chỉ ăn mỗi ngày một lần vào giữa trưa; (8) phải ở nơi vắng-vẻ; (9)phải sống dưới gốc cây; (10) ở chỗ trống, chẳng che lợp; (11) chọn nơi mồ-mả mà ở; (12) sống ở nơi nào Giáo-hội đã chỉ-định; (13) từ sáng đến tối, chỉ đi, đứng, ngồi, chẳng được nằm.

- Tín-hữu: Tín =tin-tưởng; Hữu =bạn. Gần nghĩa với chữ đạo-hữu.

- An-cư kiết hạ: Xin nhắc lại: an-cư là ở yên; kiết-hạ = sống qua mùa hè. Đức Phật đặt ra lệ an-cư kiết-hạ, vào mùa hè, mưa nhiều, côn-trùng sanh-sản, các tỳ-kheo quay về tịnh-xá, chẳng đi ra ngoài, sợ đạp chết côn-trùng. Trong thời-gian an-cư, tỳ-kheo tu-tập và học-hỏi kinh-nghiệm của nhau. Dự một khoá an-cư là thêm một tuổi đạo.

- Bộ-tộc: Bộ = bộ-lạc, xóm nhà sống chung dưới quyền người tộc-trưởng; Tộc = dòng họ. Tỳ-kheo Ưu-ba-nan-đà "vốn thuộc bộ-tộc Thích-ca" có nghĩa là vị ấy cùng một họ Thích-ca với Đức Phật.

- Tịnh-thất: Tịnh = yên-vắng; Thất = nhà. Tịnh-thất là ngôi nhà nhỏ, còn gọi là am, cốc, dành cho một tu-sĩ Phật-giáo.

- Sa-di: phiên-âm chữ Pali là Sàmanera, nghĩa là người mới vào chùa tập-sự tu-hành, chưa thọ-giới Tỳ-kheo.

- Thích-đáng chánh-chơn = hợp với sự chơn-chánh, đứng-đắn.

- Giáo-hoá = dạy-dỗ.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc một tỳ-kheo khéo dạy người đừng tham, mà chính mình lại quá tham: trong một mùa an-cư mà thâu-nhận cho riêng mình mười chiếc áo cà-sa và một cái mền gấm.

Ý-nghĩa Tích chuyện là lời Phật dạy: "Trước khi dạy người khác điều gì, mình phải thực-hành nhuần-nhã lời dạy ấy trước đã."

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 158:

Thử phân-tách từng câu bài Kệ:

1) Trước, biết tự đặt mình vững-chắc: Trước hết, phải tu-tập cho mình thật nhuần-nhã;

2) Vào những gì thích-đáng chánh-chơn: tức là những điều hay, đứng-đắn mà mình đem ra dạy cho kẻ khác phải làm;

3) Sau, mới đi giáo-hoá người khác: mình có làm rồi, sau mới dạy lại cho kẻ khác;

4.- Như thế, người trí khỏi bị trách: trách gì? Trách mình chỉ "năng thuyết bất năng hành" (chỉ biết nói, chớ chẳng chịu làm).

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc bài Kệ, ghi nhớ mình phải làm gương cho con.

2.- Tham là món độc nhứt, khi bắt đầu khởi tu, phải bỏ tánh tham- lam ngay. Tu mà muốn mau chứng quả, đó là còn tham đấy.

(129).- Tích chuyện Trưởng-lão Phả-đà-ni.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Phả-đà-ni.

Thuở ấy, vào đầu mùa an-cư kiết-hạ, Trưởng-lão Phả-đà-ni cùng với một nhóm tỳ-kheo đệ-tử, đến thỉnh Phật chỉ-dạy cho mỗi người một đề-tài thiền-quán, rồi cùng đi vào rừng sâu tu-tập. Đến nơi, Trưởng-lão dặn các đệ-tử phải luôn tỉnh-giác và tinh-tấn thực-tập thiền-định. Sau khi dặn xong, Trưởng-lão về phòng riêng, ngã mình xuống chiếu, nằm ngủ. Các tỳ-kheo đệ-tử, vâng lời thầy dặn, chăm-chỉ ngồi thiền trọn canh đầu trong đêm. Đến khi họ sắp đi nghỉ, Trưởng-lão Phả-đà-ni trở dậy, bảo họ phải tiếp-tục hành thiền luôn cả canh giữa. Đến canh cuối, Trưởng-lão lại đến bên họ, bảo phải tiếp-tục nữa, như hai canh qua.

Vì ngày qua ngày, Trưởng-lão cứ hành-động như thế, các tỳ-kheo thuờng bị quở-trách, chẳng được an-tâm để tập-trung tư-tưởng trong khi ngồi thiền. Cả khi đọc-tụng Kinh kệ, họ cũng mất chú-tâm. Một hôm, họ chia phiên nhau, rình xem Trưởng-lão đã làm những gì trong ngày, có đúng như lời Trưởng-lão đã dặn các tỳ-kheo phải làm theo không. Họ khám-phá ra, Trưởng-lão đã ngủ kỹ trong khi họ đang ngồi thiền. Họ bảo nhau: "Hỏng rồi! Thầy chỉ biết rầy-la chúng ta, mà chính thầy đang lãng-phí thời-giờ để ngủ, chẳng thực-tập thiền."

Đến cuối mùa an-cư, cả đoàn quay về chùa Kỳ-viên. Các vị tỳ-kheo trình lên Đức Phật sự thất-bại của họ cùng nguyên-nhơn do đâu mà họ tu-tập chẳng được tấn-bộ. Đức Phật bảo: "Nầy chư tỳ-kheo, người muốn dạy kẻ khác, trước hết phải tự-dạy lấy mình, tự-điều-phục mình, kềm-chế tư-cách mình cho xứng-đáng."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Chính mình phải làm ngay
Điều mình dạy người khác.
Tự kiểm-soát mình trước,
Sau mới dạy người được.
Tự điều-phục, khó thay!
(Kệ số 159.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Phả-đà-ni: tên vị Trưởng-lão nầy, tiếng Pali là Padhànikatissa.

- An-cư kiết-hạ: Xin nhắc lại: an-cư =ở yên; kiết-hạ = qua mùa hè. Mùa hè, chư Tăng chẳng đi khất-thực vì sợ đạp chết côn-trùng.

- Đề-tài thiền-quán: Xin nhắc lại: một đầu-đề để suy-tư thâm-sâu khi ngồi thiền nhập-định.

- Tỉnh-giác: xin xem lại bài trước.

- Tinh-tấn = cố-gắng, nỗ-lực cho có tấn-bộ.

- Tập-trung tư-tưởng = chú tâm = gom ý vào một điểm thôi.

- Canh đầu, canh giữa, canh cuối: Ấn-độ chia đêm ra làm ba canh, trong khi ở Việt-Nam, đêm có năm canh.

- Tấn-bộ = tiến-bộ, có khá hơn trước.

- Điều-phục = kềm-chế, làm chủ, bắt buộc phải theo ý mình.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện nầy cũng giống với Tích chuyện bài trước: làm thầy, bảo đệ-tử phải tinh-tấn ngồi thiền suốt đêm, còn thầy thì đi ngủ.

Ý-nghĩa của Tích chuyện: điều gì mình dạy kẻ khác làm, thì chính mình phải làm trước. Tại sao? Nếu không như thế, sẽ bị mỉa-mai rằng; "Hãy làm những gì thầy nói, đừng làm những gì thầy làm."

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 159:

Bài Kệ nhấn mạnh việc tự-điều-phục mình. Tự-điều-phục là gì? Đó là tự mình phải tuân theo kỷ-luật khi tu. Điều-phục những gì? Điều-phục: (1)giữ-gìn các giác-quan, tâm chẳng lang thang chạy theo cảnh-vật bên ngoài;(2) thanh-lọc tâm-ý cho trong-sạch, tâm luôn luôn giữ chánh-niệm, và (3) ba nghiệp thân, khẩu, ý phải thanh-tịnh, việc làm, lời nói và tư-tưởng phải chơn-chánh. Vì phải tự-điều-phục trong mọi thời, nhiều việc như thế, nên Đức Phật mới nói: "Khó thay!"

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc bài Kệ, ghi nhớ: trước dạy mình, sau sẽ dạy người.

2.- Đặt ra kỷ-luật trong nhà cho con-cái, cha-mẹ phải tuân theo trước: 9 giờ con phải tắt TV để học bài, thì cha-mẹ đừng ngồi coi thêm "phim Chưởng" đến nửa đêm.

(130).- Tích chuyện bà mẹ của Cưu-ma-ca-diếp.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập tới Trưởng-lão Cưu-ma-ca-diếp và mẹ.

Thuở ấy, có một người đàn-bà trẻ tuổi, được chồng cho phép xuất-gia. Bà qui-y với Đề-bà-đạt-đa và tu-hành tại một nữ tu-viện. Bà đã có thai trước khi đi tu mà chẳng biết, đến khi việc phát-giác, các tỳ-kheo-ni ở tu-viện mới dẫn bà đến gặp Đề-bà-đạt-đa để phân-xử. Đề-bà-đạt-đa ra lịnh cho bà phải hoàn-tục. Nhưng bà nghĩ mình chẳng có lỗi chi, nên đến chùa Kỳ-viên, trình cùng Đức Phật. Đức Phật quán-thấy bà ấy quả thiệt có thai trước khi đi tu, nhưng Ngài chẳng phán-quyết, giao cho Trưởng-lão Ưu-bà-li, hợp với Vua Ba-tư-nặc, Trưởng-giả Cấp-cô-độc, tín-nữ Vi-sa-kha, cùng xét-xử trước công-chúng.

Bà Vi-sa-kha dẫn người thiếu-phụ vào phòng kín, khám thai, thấy quả thật người ấy đã có thai trước khi vào tu-viện. Trước công-chúng, Trưởng-lão Ưu-bà-li tuyên-bố, giới-hạnh của người đàn-bà ấy hoàn-toàn chẳng bị tì-vết chi, được tiếp-tục giữ qui-chế tỳ-kheo-ni. Mấy tháng sau, bà ấy sanh được bé trai, đặt tên là Cưu-ma-ca-diếp và được Vua Ba-tư-nặc nhận làm con nuôi. Khi lên bảy, Cưu-ma-ca-diếp được thâu-nhận vào làm Sa-di ở chùa Kỳ-viên. Chẳng bao lâu, Cưu-ma-ca-diếp được Đức Phật chỉ-dạy cho một đề-tài thiền-quán, mới đi vào rừng sâu, tinh-tấn tu-tập trong mười hai năm.

Trong thời-gian dài đăng-đẳng, bà mẹ của Cưu-ma-ca-diếp nhớ thương con biết mấy. Một hôm gặp lại con, bà chạy theo sau, gọi tên con, khóc-lóc nức-nở, kể-lể nỗi-niềm thương nhớ. Cưu-ma-ca-diếp nhìn mẹ và ngẫm-nghĩ, nếu nay ta dùng lời âu-yếm thưa cùng mẹ, thì bà chẳng thể nào dứt bỏ được sự tríu-mến vào con; như thế, con đường tu-tập của mẹ sẽ bị cản trở. Rồi Cưu-ma-ca-diếp mới làm mặt nghiêm, lạnh-lùng bảo mẹ: " Một tỳ-kheo-ni như bà, sao lại chẳng cắt-đứt được tình-cảm quyến-luyến vào con-cái?" Nói xong, Cưu-ma-ca-diếp thản-nhiên bước tới. Trước cử-chỉ tàn-nhẫn đó của con, bà mẹ rất ngạc-nhiên, hỏi lại, chẳng biết mình có nghe lầm chăng. Cưu-ma-ca-diếp lập-lại rõ-ràng từng tiếng. Tuy quá đau buồn trước thái-độ lạnh-nhạt của con, nhưng bà mẹ lại thức-tỉnh: "Phải! Con ta nói phải. Trong mười hai năm qua, biết bao nhiêu nước mắt ta đã khóc vì nhớ con. Nay gặp lại nó, nghe những lời phụ-bạc, ta còn quyến-luyến đến con-cái làm chi nữa." Tâm bà liền dứt khoát dẹp bỏ được sự tríu-mến, và ngay trong hôm ấy, bà chứng-đắc được quả-vị A-la-hán.

Sau đó, tại chùa Kỳ-viên, một vị tỳ-kheo bạch Phật: "Bạch Thế-tôn nếu bà mẹ của Cưu-ma-ca-diếp nghe lời của Đề-bà-đạt-đa mà hoàn-tục, thì nay cả mẹ lẫn con đâu chứng được quả-vị A-la-hán. Đề-bà-đạt-đa quả đã làm hại mẹ con bà ấy; còn Thế-tôn mới thật là nơi nương-tựa của họ." Đức Phật bảo: "Nầy chư Tỳ-kheo, trong nỗ-lực tu-tập để được sanh lên cõi Trời, hay chứng quả A-la-hán, các vị chẳng thể nương-tựa vào kẻ nào khác, mà phải nương-tựa vào chính mình, tự mình cố-gắng lấy."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Tự mình nương-tựa chính mình,
Còn hơn tìm kiếm cứu-tinh nơi nào.
Khéo tự điều-phục sao cho vẹn,
Được nơi nương-tựa, hiện khó tìm.
(Kệ số 160.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Cưu-ma-ca-diếp: tên vị tu-sĩ nầy, tiếng Pali là Kumàrakassapa.

- Xuất-gia: Xuất = ra khỏi; Gia = nhà. Xuất-gia là rời nhà đi tu.

- Đề-bà-đạt-đa: tên vị tỳ-kheo nầy, tiếng Pali là Devadatta. Vốn là anh của Tôn-giả A-nan (em họ của Đức Phật), ba lần mưu-sát Phật.

- Có thai, mang thai = có con trong bụng còn chưa sanh.

- Phát-giác: Phát = lộ ra;Giác = biết. Phát-giác là bị lộ ra nên mọi người biết đến.

- Tỳ-kheo-ni = nữ-tu-sĩ Phật-giáo; tiếng Pali là Bhikkhuni.

- Hoàn-tục: Hoàn = trở lại; Tục =thế-tục; Hoàn-tục là trở về sống đời thường, chẳng đi tu nữa.

- Quán-thấy = nhìn thấy rõ trong tâm.

- Ưu-bà-li = vị đại-đệ-tử của Đức Phật Thích-ca, giỏi nhứt về giới-luật; tên tiếng Pali là Upàli.

- Vua Ba-tư-nặc = Vua xứ Câu-tát-la (Kosala), tên tiếng Pali là Pasenadi

- Cấp-cô-độc = vị Trưởng-giả giàu-có, nổi tiếng cứu-giúp người nghèo-khổ, cô-đơn, nên được tặng danh-hiệu là ông Cấp-cô-độc, tên tiếng Pali là Anàthapindika. Ông Cấp-cô-độc xây chùa Kỳ-viên dâng-cúng Đức Phật và Tăng-đoàn.

- Vi-sa-kha: vị tín-nữ giàu tiền-của, rộng lòng bố-thí, đạo-tâm rất cao, xây cất chùa Đông-viên (Pubbàràma)ở phiá Đông chùa Kỳ-viên, để dưng-cúng cho Ni-đoàn.

- Giới-hạnh: Giới = giới-luật, đìều cấm trong đạo Phật; Hạnh = hạnh-kiểm, tư-cách, lối sống; Giới-hạnh là sự tuân theo các điều răn-cấm trong đạo Phật. Tiếng Pali là Sila.

- Tì-vết = vết trầy, vết nhơ. Giới-hạnh chẳng có tì-vết có nghĩa là sự giữ giới hoàn-toàn trong-sạch, chẳng phạm một lỗi nhỏ.

- Qui-chế: Qui = cái khuôn; chế = điều lệ bó-buộc; Qui-chế có nghĩa là tất cả quyền-lợi và bổn-phận dành cho một hạng người. Ở đây, được giữ qui-chế tỳ-kheo-ni có nghĩa là được tiếp-tục tu và được đối-xữ xứng-đáng là một vị tỳ-kheo-ni.

- Sa-di: Xin nhắc lại, Sa-di là người mới vào chùa tập-sự tu-hành, chưa thọ-giới tỳ-kheo; tiếng Pali là Sàmanera.

- Đề-tài thiền-quán: Xin nhắc lại: đầu-đề để suy-tư sâu-xa khi ngồi Thiền nhập định. Thí-dụ như, đề-tài thân bất-tịnh ( bên trong thân chứa những sự dơ-dáy) để quán-tưởng về pháp Tứ-niệm-xứ; hoặc tượng Đức Phật A-di-đà, để quán-tưởng, theo pháp-môn Tịnh-độ.

- Thức-tỉnh = tỉnh-ngộ lại, hết mê-mờ, nhận biết mình đã lầm-lẫn.

- Phụ-bạc = phụ ơn và bạc-tình; đối-xử xấu với người ơn.

- Quyến-luyến, Tríu-mến = hai chữ nầy cùng có chung nghĩa với chữ Khát-ái, Tham-ái, nghĩa là quá bám vào điều mình thương, thích.

- A-la-hán: Xin nhắc lại: đây là quả-vị cao nhứt trong hàng Thanh-văn, dứt bỏ mọi phiền-não, chẳng phải tái-sanh nữa (Arahant )

- Nương-tựa: dịch chữ quy-y, nơi an-ổn được bảo-vệ; (qui = quay về; y = nương-tựa).

- Cứu-tinh = người cứu-giúp cho qua khỏi tai-nạn.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang ba ý-nghĩa:

1) Tại sao bà mẹ của Cưu-ma-ca-diếp bị đưa ra xét-xử? Vì bà mang bầu (có thai) nên các ni-cô tưởng bà đã phạm tội tà-dâm trong khi tu.Theo giới-luật, tu-sĩ Phật-giáo phải cắt-đứt mọi tình-dục, sống độc-thân. Phạm tội nầy, sẽ bị đuổi ra khỏi Giáo-hội. Vì mẹ của Cưu-ma-ca-diếp đã có thai trước khi đi tu, nên chẳng phạm tội dâm.

2) Tại sao Cưu-ma-ca-diếp lại đối-xử lạnh-nhạt với mẹ? Đó là vì muốn giúp mẹ dứt bỏ được sự quyến-luyến vào con. Dứt được sự tríu-mến là một hạnh trong hạnh xả-ly (xả = bỏ; ly = lià ra), giữ tâm thanh-tịnh, dửng-dưng trước mọi việc dầu vui hay buồn, như thế mới giải-thoát được mọi phiền-não. Tríu-mến là tự mình xe dây để trói-buộc mình; muốn được giải-thoát, phải cắt-đứt sợi dây tình-cảm ấy.

3) Tại sao, ngoài mình ra, mình chẳng nên tìm nơi nương-tựa nào khác? Mình nương-tựa vào chính mình có nghĩa là chính mình phải cố-gắng lấy, chẳng được chờ ai đến giúp cho mình. Tại sao? Vì ai tu thì người ấy được, nào có ai tu được giùm cho kẻ khác đâu. Nói cách khác, muốn thân của mình sạch, mình phải đi tắm lấy thân mình, kẻ kia đi tắm, thì thân người ấy sạch, chớ thân mình vẫn còn dơ.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 160:

Thử phân-tách bài Kệ:

1) Tự mình nương-tựa chính mình: tự mình cố-gắng tu-tập lấy mình, tin-tưởng các nỗ-lực của mình sẽ đưa đến kết-quả tốt cho mình.

2) Còn hơn tìm kiếm cứu-tinh nơi nào: còn đi tìm kiếm người khác tu giúp mình là còn chần-chờ, thiếu quyết-tâm. Có ai cứu cho mình ra khỏi cảnh sanh-tử Luân-hồi đâu mà mất công đi tìm.

3) Khéo tự-điều-phục sao cho vẹn: khéo tự-điều-phụcđây có nghĩa là khéo tu-tập lấy. Về sự điều-phục, xin xem lại trang 413.

4) Được nơi nương-tựa, hiện khó tìm: nơi nương-tựa nào mà khó tìm? Đó là quả A-la-hán, dứt sạch phiền-não, hết bị tái-sanh nữa.

HỌC TẬP:

- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ: cố-gắng theo Phật-pháp mà tự-tu lấy mình vì ai tu, thì người ấy được, chẳng ai tu giúp ai được cả.

(131).- Tích chuyện ông Ưu-bà-sa.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến người thiện-nam tên là Ưu-bà-sa.

Thuở ấy có người thiện-nam, tên Ưu-bà-sa, đến chùa Kỳ-viên thọ Bát-quan-trai-giới, trong hai mươi bốn tiếng đồng-hồ giữ giới, nghe kinh. Sau buổi lễ vào sáng sớm, Ưu-bà-sa đi ra bờ ao gần chùa để rửa mặt. Cách chùa không xa, trong đêm qua, có một gia-đình giàu-có bị cướp-bóc. Bọn cướp bị rượt đuổi, chạy ngang qua gần ao, đánh rơi tang-vật cướp được bên bờ ao, gần chỗ Ưu-ba-sa đang rửa-ráy. Một lát sau, chủ nhà chạy đến, thấy của-cải của mình bên bờ, tưởng người dưới ao là kẻ cướp, mới hô gia-nhơn vây đánh Ưu-ba-sa. Ưu-bà-sa bị đánh-đập tàn-nhẫn, thương-tích nặng-nề chịu chẳng nổi, nằm lăn xuống cỏ, thở hơi cuối cùng.

Khi mặt trời lên cao, các vị tỳ-kheo và sa-di ra ao gánh nước, thấy thi-thể Ưu-bà-sa, nhận ra được người thiện-nam nầy vừa thọ Bát hôm qua, mới vào trình cùng Đức Phật. Các vị tỳ-kheo thưa: "Bạch Thế-tôn, vị cận-sự-nam Ưu-bà-sa là người hiền-lành, mộ đạo, vừa thọ Bát-quan xong, lại bị đánh chết. Ưu-bà-sa đâu đáng phải chết đau-khổ như thế!" Đức Phật bảo: "Nầy chư tỳ-kheo, nếu quí vị phán-xét về đức-hạnh trong đời nầy của thiện-nam Ưu-bà-sa, thì quả thật, chẳng đáng phải chịu một cái chết đau-khổ như thế. Nhưng nếu quí vị xét đến tiền-kiếp của Ưu-bà-sa, quí vị sẽ thấy ông ấy đang chịu quả-báo của đời trước. Trong một tiền-kiếp, Ưu-bà-sa là một vị quan cận-thần, có dính-líu tình-ái với vợ của một người khác. Ỹ thế vua thương, vị cận-thần ấy vu-oan cho người chồng, bắt đem đánh-đập đến chết, để chiếm lấy người vợ. Vì tội-ác đó, nên trong đời nầy, Ưu-bà-sa phải chết thê-thảm như vậy. Hành-động xấu-ác chẳng những gây khốn-khó trong đời nầy, mà còn đưa ta tái-sanh vào các nẻo ác-đạo nữa."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Tự mình làm điều ác,
Ác từ bụng mình sanh,
Ác do mình tạo thành,
Người ngu, ác nghiến nát.
Kim-cương, nào có khác,
Nghiến nát hòn bảo-thạch
Trước chứa nó long-lanh.
(Kệ số 161.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Ưu-bà-sa: tên vị thiện nam nầy, tiếng Pali là Mahàkàla Upàsaka

- Thiện-nam = Cận-sự-nam = Phật-tử tu tại-gia, nam gọi là thiện-nam ( Pali: Upàsaka), nữ gọi là tín-nữ (Upàsikà).

- Thọ Bát-quan-trai-giới: gọi tắt là thọ Bát, vào chùa tu trong 24 tiếng đồng-hồ, nguyện giữ tám điều răn-cấm gồm năm giới của người tu tại-gia, cộng thêm (1) chẳng trang-sức và nằm giường cao, (2) chẳng ăn phi-thời ( = sái giờ) và (3) chẳng nghe hát-xướng. Phật bảo, kẻ nào thọ Bát thật thanh-tịnh, sẽ khỏi phải sa vào địa-ngục.

- Tang-vật: Tang = tang-chứng, bằng-cớ tội-phạm; Tang-vật đồ vật bị trộm cắp, hay võ-khí dùng để hại người, bị bắt gặp.

- Gia-nhơn: Gia = nhà; nhơn = người; Gia-nhơn người ở, đầy-tớ.

- Thương-tích =vết thương, chỗ bầm, trầy, hay đổ máu trên mình.

- Tỳ-kheo, Sa-di: xin xem lại nghĩa ở bài trước.

- Mộ đạo = rất tin-tưởng vào Đạo, siêng tu-hành.

- Tiền-kiếp = kiếp trước, đời trước.

- Cận-thần: Cận = gần, gần bên vua; thần = quan. Cận-thần là vị quan được ở gần bên vua, được vua thương.

- Dính-líu tình-ái = dan-díu, ngoại-tình, thông-gian.

- Vu oan = phao tội gian cho kẻ khác bị oan-ức.

- Nẻo ác-đạo = phải tái-sanh vào ba đường ác của Luân-hồi: (1) điạ-ngục; (2) ngạ-quỉ ( = quỉ đói); (3) súc-sanh ( = thú-vật.)

- Kim-cương = hột xoàn.

- Bảo-thạch: Bảo = quí báu; Thạch = đá. Bảo-thạch đá quí, có chứa hột xoàn bên trong.

- Thi-thể: Thi = thây-ma; thể = thân-thể; Thi-thể là thân-xác người chết còn chưa chôn.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại một người mộ-đạo, vừa thọ Bát xong vì "tai bay hoạ gởi" mà phải bị đánh chết thê-thảm. Đó là vì trong kiếp trước, kẻ ấy có phạm-tội ngoại-tình, đập chết người chồng để chiếm người vợ, nên kiếp nầy phải trả quả-báo.

Tích chuyện chứng-minh rõ-ràng luật Nhơn-Quả: tội-ác ở đời trước là nhơn, đưa đến cái chết thê-thảm ở đời nầy là quả. Nhơn nào quả nấy chẳng sai, đó là ý-nghĩa của Tích chuyện.

Vì mình chẳng thấy biết được tiền-kiếp cho nên mình chẳng hiểu rõ được sự báo-ứng của luật Nhơn-Quả. Luật Nhơn-Quả vì thế, cần phải xét đến qua ba đời: đời trước, đời nầy và đời sau. Ứng-dụng vào cuộc sống, ta có thể nói: nhìn đến thân-phận hiện nay của một người, ta có thể đoán biết người ấy lành hay dữ trong kiếp trước; và nhìn vào hành-động đời nầy của một người, ta có thể tiên-đoán vận-mạng tốt hay xấu của người ấy trong kiếp sau.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 161:

Ý-nghĩa của bài Kệ rất rõ-ràng: hễ ai làm ác thì sẽ bị ác nghiến-nát, nghĩa là sẽ phải chịu quả-báo khốn-khổ do nguyên-nhơn tội-ác đã làm, chẳng thể nào tránh khỏi.

Bài Kệ dùng một thí-dụ rất cụ-thể để chỉ rõ sự báo-ứng của luật Nhơn-Quả: vì mê-mờ mà tạo ác, ác đó sẽ nghiến-nát đời mình, cũng như hòn bảo-thạch kia, bên trong chứa sẵn hột kim-cương, rồi sẽ bị viên kim-cương cứng-rắn đó nghiến-nát.

Nếu đã lỡ làm ác, có cách nào để khiến ác-báo chậm đến hay không? Có, phải sám-hối tội-lỗi và tạo thêm điều lành, khiến cho quả-báo chẳng đủ cơ-duyên để xảy ra. Xảy chậm thôi, vì thế, tốt nhứt là thấy việc ác, phải tránh ngay.

HỌC TẬP:

- Học thuộc bài Kệ, ghi nhớ để tự răn mình trong hành-động thường ngày. Nhớ: ác do mình tạo, mình có thể tránh nó trước được.

(132).- Tích chuyện về một tiền-kiếp của Đề-bà-đạt-đa.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Đề-bà-đạt-đa trong một tiền-kiếp.

Một hôm, trong giờ nghỉ-ngơi, các vị tỳ-kheo đang bàn chuyện với nhau, thì Đức Phật đi đến. Ngài hỏi, bàn chuyện chi, thì các tỳ-kheo thưa, bàn về hạnh-kiểm của Đề-bà-đạt-đa. Một vị tỳ-kheo thưa: "Bạch Thế-tôn, Đề-bà-đạt-đa là người chẳng có đức-hạnh chi, tham-lam, bỏn-xẻn, lại hám danh trục lợi. Ông ta đã xúi-dục vua A-xà-thế giết vua cha là vua Tần-bà-sa-la, một vị đạo-đức vẹn-toàn. Đề-bà-đạt-đa lại ba lần mưu-sát Thế-tôn; như thế, Đề-bà-đạt-đa quả thật là người xấu-ác, chẳng chữa-trị được." Đức Phật bảo: "Chẳng phải Đề-bà-đạt-đa muốn giết ta trong đời nầy mà thôi, cả trong các đời trước, Đề-bà-đạt-đa cũng muốn giết-hại ta nữa." Rồi Đức Phật kể lại câu chuyện về một tiền-kiếp của Ngài và Đề-bà-đạt-đa, như sau:

Vào thời đức Vua Phạm-đạt trị-vì ở thành Ba-la-nại, ta (Đức Phật) thác-sanh làm một con nai và Đề-bà-đạt-đa làm người thợ săn. Một hôm, người thợ săn thấy dấu chơn nai ở một gốc cây, mới leo lên cây ấy rình chờ, sắp sẵn mũi chĩa nhọn. Chú nai sắp đi đến gần bên cây, nhưng rất dè-dặt, cẩn-thận nhìn quanh. Người thợ săn thấy nai còn ngập-ngừng, chưa đến gần cây, mới hái mấy trái cây, liệng xuống để dụ nai đến gần. Nai bước chầm-chậm, nhìn lên thấy có người núp sẵn trên ngọn, mới bỏ đi nhanh chỗ khác, vừa đi vừa nghĩ: "Nầy cây cổ-thọ, mọi hôm cây để rơi quả theo chiều thẳng đứng, hôm nay, trái rụng sao lại rơi xiêng-xiêng như thế nầy. Cây đã chẳng tuân theo luật rớt thẳng của thiên-nhiên, thì ta bỏ cây nầy, tìm đến cây khác vậy." Thấy nai bỏ đi, Đề-bà-đạt-đa tức-giận đánh rơi mũi chĩa xuống đất và nói: "Hôm nay, ta tính sai nên mầy mới chạy thoát." Con nai quay lại nhìn kẻ săn-bắn như muốn nói: "Nầy ông thợ săn, hôm nay ông tính đã sai, nhưng mà ác-nghiệp của ông chẳng có tính sai đâu, ác-nghiệp đó sẽ theo đuổi ông mãi mãi, chẳng sai đâu."

Kể xong, Đức Phật nói thêm: "Đề-bà-đạt-đa luôn luôn muốn giết ta từ nhiều kiếp trước, nhưng chẳng thành-công được. Nầy chư tỳ-kheo, cũng như dây bìm quấn quá chặt vào cây, khiến cho cây phải khô-héo, ác-nghiệp của kẻ dữ chẳng có đức-hạnh sẽ theo đuổi kẻ ấy mãi cho tận dưới địa-ngục."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Dây bìm leo bám cây ta-la,
Quấn quá chặt khiến cây khô héo.
Người phá-giới nặng nề chỉ khéo
Chuốc hoạ cho mình, như kẻ thù mong.
(Kệ số 162.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Đề-bà-đạt-đa: tên vị nầy tiếng Pali là Devadatta. Vốn là anh của Tôn-giả A-nan, em họ của Đức Phật Thích-ca.

- Tiền-kiếp: Xin nhắc lại: kiếp trước, đời sống trước đời nầy.

- Hạnh-kiểm: nết-na, tánh-tình, hành-động thường làm.

- Bỏn-xẻn = rít-róng, hà-tiện, bần-tiện, keo-kiệt, kẹo.

- Hám danh trục lợi:Hám = ham;Trục = tìm kiếm.Hám danh trục lợi là ham tiếng khen và muốn có nhiều lợi cho mình, ham danh-lợi.

- A-xà-thế: tên vị vua giết cha nầy, tiếng Pali là Ajàtasattu.

- Tần-bà-sa-la: tên vua nước Ma-kiệt-đà (Magadha), rất mộ đạo Phật, tiếng Pali là Bimbisara.

- Mưu-sát: Mưu = mưu-kế; Sát = giết. Müu-sát là tìm cách giết lén, nhưng chẳng giết được.

-Phạm-đạt: tên vị vua nầy, tiếng Pali là Brahmadatta.

-Ba-la-nại: tên thành-phố lớn nầy ở Ấn-độ, tiếng Pali là Varanasi. Khi thành Đạo, Phật Thích-ca đến đây, thuyết-pháp lần đầu.

-Thác-sanh: sanh ra trong một kiếp tới, sau khi chết ở đời trước

- Thiên-nhiên = tự-nhiên. Theo luật sức hút của trái đất, mọi vật khi rơi xuống, nếu chẳng bị cản, thì rơi theo chiều thẳng đứng.

- Cổ-thọ: Cổ = xưa, lâu đời; Thọ = cây. Cổ-thọ là cây lâu năm.

- Ác-nghiệp = vận-mạng xấu, số-phần xấu-ác.

- Dây bìm: loại cây có thân-dây quấn quanh cây lớn mà sống.

- Địa-ngục: Điạ = đất; Ngục = nhà tù. Theo giáo-lý nhà Phật, kẻ làm ác khi chết phải sa vào điạ-ngục, là nơi phải chịu hình-phạt nặng-nề Điạ-ngục là một cõi ác trong ba nẻo dữ của Luân-hồi, hai nẻo kia là ngạ-quỉ ( = quỉ đói) và súc-sanh ( = thú-vật).

- Ta-la = tên một loại cây, cao khoảng mười thước, lá mỏng màu xanh-vàng tươi. Đức Phật Thích-ca mất trong rừng cây ta-la.

- Phá-giới = chẳng tuân theo điều răn-cấm.

- Chuốc họa: có hành-động khiến cho tai-họa xảy đến cho mình.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại tiền-kiếp của Đức Phật và Đề-bà-đạt-đa. Đề-bà-đạt-đa làm người thợ săn, tìm cách bắn con nai là tiền-thân ( = tấm thân ở kiếp-trước) của Đức Phật, nhưng chẳng được.

Nhơn Tích chuyện, Đức Phật dạy, kẻ tạo ác sẽ bị ác-nghiệp lôi xuống điạ-ngục, như dây bìm quấn chặt thân cây, khiến cây khô chết.

Nghiệp là gì?Chữ Nghiệp dịch chữ Phạn Karma, có nghĩa là các hành-động đã qua, có ảnh-hưởng về sau. Ba nghiệp: nghiệp miệng, nghiệp thân, nghiệp ý. Muốn giữ ba nghiệp thanh-tịnh, trước phải giữ-gìn tâm-ý cho trong sạch, chẳng nghĩ điều ác, chỉ nghĩ điều thiện.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 162:

Hai câu đầu đưa ra thí-dụ về dây bìm sống nhờ vào cây ta-la, nhưng vì quấn quá chặt, khiến cây chết đi, dây bìm cũng chết theo. Thí-dụ cho thấy hễ làm ác, sẽ bị ác-nghiệp đi theo làm khổ-sở về sau.

Hai câu chót có thể viết lại cho xuôi câu theo văn thường là: hành-động của người phá-giới, chẳng tuân theo giới-luật, chỉ đem lại hậu-quả xấu-ác, đau-khổ cho người đó, mang lại tai-hoạ nặng-nề như kẻ thù của mình, ghét mình mong muốn mình bị hại như thế đó.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ, để ghi nhớ Luật Nhơn-Quả.

2.-" Họa tùng khẩu xuất" = Họa do từ miệng mà ra. Vậy, ta phải giữ-gìn miệng-lưỡi. Giữ cách nào? Người xưa dạy, uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Ta chẳng cần uốn lưỡi chi đến bảy lần, chỉ cần tuân theo giới thứ tư đừng: nói dối, nói hai lưỡi, nói lời thô-ác và vô-nghĩa.

(133).- Tích chuyện về sự chia-rẽ Giáo-hội.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tịnh-xá Trúc-lâm, nước Ma-kiệt-đà, trong một kỳ giảng-pháp, có đề cập đến việc Đề-bà-đạt-đa gây sự chia-rẽ trong Giáo-hội Tăng-già.

Một hôm, trong lúc Đức Phật đang thuyết-pháp tại tịnh-xá Trúc-lâm, Đề-bà-đạt-đa đến gặp Đức Phật và đề-nghị với Phật nên để cho ông ta điều-khiển Tăng-đoàn thay thế Đức Phật, viện lẽ là nay Đức Phật đã già-yếu rồi. Đức Phật bác-bỏ ngay lời yêu-cầu đó và bảo rằng Đề-bà-đạt-đa là "kẻ đã nuốt đờm-dãi". Kể từ đó, Đề-bà-đạt-đa rất căm-hận Đức Phật, nên đã ba lần tìm cách mưu-sát Đức Phật nhưng chẳng thành. Về sau, Đề-bà-đạt-đa nghĩ ra một chiến-thuật mới: đề nghị với Đức Phật năm điều giới-luật mới để cho tất cả tỳ-kheo phải tuân theo. Đó là: (1) tỳ-kheo phải sống trong rừng; (2) tỳ-kheo chỉ được ăn những thực-phẩm mà mình khất-thực được; (3) tỳ-kheo chỉ được mặc áo may bằng vải vụn lượm được ở đống rác; (4) tỳ-kheo phải ngủ dưới gốc cây; (5) tỳ-kheo chẳng được ăn cá và thịt. Đức Phật chẳng bác-bỏ các đề-nghị đó, cũng chẳng cấm-đoán các tỳ-kheo nào tuân theo, nhưng Ngài chẳng hề ban-bố các điều nêu trên để trở thành giới-luật chung cho mọi tỳ-kheo phải tuân-hành.

Đề-bà-đạt-đa cho rằng các điều ông đề-nghị hoàn-hảo hơn các giới-luật hiện-hành và có một số tỳ-kheo lại tin theo ông ta. Một hôm, Đức Phật hỏi Đề-bà-đạt-đa, có phải ông ta muốn chia-rẽ Tăng-đoàn ra thành hai nhóm hay không. Đề-bà-đạt-đa nhìn-nhận rằng, quả thật ông ta có ý ấy. Đức Phật liền cảnh-cáo rằng, đó là một trọng-tội, sẽ bị sa điạ-ngục, nhưng ông ta xem nhẹ lời cảnh-cáo đó. Mấy hôm sau, trong khi đi khất-thực ở thành Vương-xá, gặp Tôn-giả A-nan, Đề-bà-đạt-đa thông-báo: "Nầy A-nan, kể từ nay, ta sẽ làm lễ Bố-tát và thi-hành giới-luật riêng, chẳng liên-hệ chi đến Tăng-đoàn của Đức Phật nữa." Về đến tịnh-xá, Tôn-giả A-nan trình lời nói đó lên Đức Phật.

Đến nửa tháng sau, Đề-bà-đạt-đa dẫn một số đông tỳ-kheo nhẹ dạ tin theo ông, rời Tăng-đoàn đi đến gần núi Tượng-đầu, làm lễ Bố-tát riêng tại đấy, như một Giáo-hội độc-lập. Hai Tôn-giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên liền đến giải-thích cho các tỳ-kheo đã nhẹ dạ đi theo Đề-bà-đạt-đa, hiểu rõ sự sai-lầm rất nghiêm-trọng của họ là phá sự hoà-hợp trong Tăng-đoàn, nên một số lớn các tỳ-kheo kia liền quay về tịnh-xá Trúc-lâm như cũ. Sự-việc được trình lên Đức Phật. Ngài nói: "Kẻ vô-hạnh, mê-mờ, ngu-tối thường dễ làm điều ác, có hại cho mình. Thật là khó mà thành người đức-hạnh, biết hành-động sao cho có lợi cho mình và cho kẻ khác."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Làm ác, có hại mình, thì dễ;
Khó thay, hành-thiện để lợi mình!
(Kệ số 163.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

-Tịnh-xá Trúc-lâm: ngôi chùa trong vườn Trúc, gần thành Vương-xá (Rajàgaha) nước Ma-kiệt-đà(Magadha) do vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara) xây để dưng-cúng lên Đức Phật. Tên tịnh-xá, tiếng Pali là Veluvana.

- Giáo-hội Tăng-già: Giáo-hội = đoàn-thể tôn-giáo; Tăng-già = phiên-âm chữ Phạn Sangha, có nghĩa là nhóm tỳ-kheo từ bốn người trở lên, tu chung với nhau.

- Đề-bà-đạt-đa: Devadatta; xin xem lại chữ nầy ở trang 422.

- "Kẻ đã nuốt đờm-dãi": Đờm-dãi = chất nhờn dơ từ trong miệng khạc nhổ ra. Đây là lời nhục-mạ, chê kẻ ấy đã nuốt đồ dơ-bẩn của người khạc nhổ ra. Dịch tiếng Pali là Khelàsika.

- Căm-hận = tức giận lắm, ghim sâu vào lòng.

- Mưu-sát: Mưu = mưu-kế; Sát = giết chết. Mưu-sát là tìm cách giết lén mà chẳng giết được. Đề-bà-đạt-đa đã (1) thuê người giết Đức Phật, nhưng người ấy lại quy-y với Đức Phật; (2)thả voi say để húc Đức Phật, nhưng voi lại qùi xuống trước Đức Phật; (3) lăn đá từ trên núi Linh-thứu xuống, nhưng Đức Phật chỉ bị thương ở ngón chơn cái.

- Chiến-thuật: Chiến = tranh chiến; Thuật = cách.

- Giới-luật = điều răn-cấm để giữ kỷ-luật sống chung.

- Hoàn-hảo: Hoàn =hoàn-toàn;Hảo =tốt. Hoàn-hảo là trọn tốt hơn.

- Hiện-hành = hiện đang được áp-dụng.

- Cảnh-cáo = báo cho biết trước sự nguy-hiểm.

- Trọng-tội = tội nặng; ở đây, tội đó sẽ dẫn đến cõi điạ-ngục.

- Lễ Bố-tát: lễ đọc giới-luật, mỗi tháng hai lần, để nhắc-nhở nhau về kỷ-luật tu-hành. Tiếng Pali là Uposatha. Chớ lầm chữ Bố-tát nầy với chữ Bồ-tát ( = Bồ-đề-tát-đoả = Bodhisatta = bực đã giác-ngộ)

- Núi Tượng-đầu = dịch nghĩa tên núi Gayàsisa, có hình giống như đầu con voi, ở xứ Ma-kiệt-đà, Ấn-độ xưa.

- Xá-lợi-phất (Sariputta), Mục-kiền-liên (Moggallàna) = tên hai vị đại-đệ-tử của Đức Phật Thích-ca; họ vốn là bạn thân nhau về trước.

- Nhẹ dạ = dễ tin, ít suy-xét, nghe ai nói dụ, thì theo liền.

- Hoà-hợp: Hoà = thuận-hoà; Hợp = hội-hiệp với nhau. Phá sự hoà-hợp trong Tăng-đoàn là gây sự chia rẽ trong Giáo-hội; phạm tội nầy sẽ bị trục-xuất ( =đuổi) ra khỏi Tăng-đoàn.

- Vô-hạnh: Vô = chẳng; Hạnh = đức-hạnh. Kẻ vô-hạnh là người chẳng có đức-hạnh, xấu-xa và bê-bối.

- Hành-thiện: Hành = làm; Thiện = lành. Hành-thiện là làm lành.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại tội Đề-bà-đạt-đa phá sự hoà-hợp của Tăng-đoàn. Đề-bà-đạt-đa vì ganh-tị với Đức Phật, lại tham danh-lợi, muốn làm giáo-chủ, nên phạm trọng-tội gây sự chia-rẽ trong hàng-ngũ các tỳ-kheo; đó là tự mình làm hại mình, vì sẽ bị sa vào địa-ngục.

Ngày nay, lắm kẻ tu-hành đức-hạnh còn kém, muốn lập ra môn nầy phái nọ, cạnh-tranh nhau, nên lấy Tích chuyện để răn mình.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 163:

Bài Kệ ngắn gọn, khuyên ta nên làm lành lánh dữ. Làm lành, có lợi cho mình, cho người, điều nầy dễ hiểu nhưng khó làm. Tại sao làm ác thì dễ mà lại hại mình? Có hại cho mình, vì làm ác thì gây ra nghiệp xấu, rồi sẽ phải chịu ác-báo trong đời nầy hay vào các đời sau.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc hai câu Kệ, để ghi nhớ việc làm lành lánh dữ.

2.- Chớ vội tin theo lời quyến-rũ của kẻ tu hành hay khoa-trương.

(134).- Tích chuyện Tỳ-kheo Kha-la.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến tỳ-kheo Kha-la.

Thuở ấy ở nước Xá-vệ có một bà cụ-già rất mộ đạo, châu-cấp đầy-đủ cho một vị tỳ-kheo tên là Kha-la như con đẻ. Một hôm, nghe người láng-diềng tán-thán Đức Phật, cụ phát-tâm muốn đến yết-kiến Ngài. Cụ nói ý-định của mình cho vị tỳ-kheo nghe, nhưng vị nầy lại chẳng tán-thành. Hai lần nữa, cụ tiếp-tục trình-bày lòng mình mong-mỏi thiết-tha được nghe Đức Phật thuyết-pháp, nhưng tỳ-kheo Kha-la vẫn chẳng bằng lòng. Đến ngày thứ tư, khi tỳ-kheo Kha-la vừa đi vào làng để khất-thực, cụ dặn con cháu ở nhà chăm-sóc phục-dịch cho vị tỳ-kheo trong khi cụ vắng mặt, rồi lên đường đi ngay đến chùa Kỳ-viên. Tỳ-kheo Kha-la khi đi khất-thực, nghe nói cụ chủ nhà đang lên đường đi đến chùa Kỳ-viên, liền nghĩ rằng: "Có thể bà cụ chẳng còn tin-tưởng vào ta nữa!" Nghĩ xong, tỳ-kheo Kha-la vội đi quay về hướng chùa để chận cụ già lại. Đến nơi, thấy cụ đang chăm-chỉ nghe Đức Phật thuyết-pháp, tỳ-kheo Kha-la đến bên cạnh Đức Phật và bạch: "Bạch Thế-tôn, cụ già nầy lẩm-cẩm lắm, chẳng hiểu nổi Chánh-pháp cao-thượng đâu. Thế-tôn chỉ nên dạy cụ ta về bố-thí và trì-giới mà thôi." Đức Phật quán-thấy tâm-địa ích-kỷ của Tỳ-kheo Kha-la mới bảo rằng: "Này tỳ-kheo Kha-la, chớ có nghĩ xằng mà mạ-lỵ Chánh-pháp của ta. Chính ông mới là người chẳng hiểu được Chánh-pháp, và vì tà-kiến, vì ích-kỷ, vì ngu-muội, ông sẽ đi vào con đường diệt-vong."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Vì ác-kiến, người ngu-khờ khinh-miệt
Giáo-pháp bực La-hán đức-hạnh cao,
Sẽ hoại-vong như ngọn trúc lau
Hễ trỗ quả xong liền tiêu-diệt.
(Kệ số 164.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Kha-la: tên vị tỳ-kheo nầy tiếng Pali là Khàla.

- Châu-cấp = cung-cấp, giúp-đỡ thật đầy-đủ mọi nhu-cầu.

- Tán-thán = khen ngợi nồng-nhiệt.

- Tán-thành = đồng-ý, chấp nhận, chịu theo ý người khác.

- Phát-tâm = trong lòng nẩy sanh ý-định tốt.

- Khất-thực = đi xin ăn.

- Phục-dịch = hầu-hạ, chờ sẵn gần bên để được sai-khiến.

- Lẩm-cẩm = hay lẫn-lộn, lú-lẫn, chẳng sáng-suốt.

- Chánh-pháp cao-thượng = lời giảng-dạy quí-báu của Đức Phật.

- Bố-thí = hiến tặng (đem cho) giúp kẻ thiếu (tiếng Pali: dana)

- Trì-giới = tuân giữ điều răn-cấm trong Đạo (tiếng Pali: sila)

- Tâm-địa ích-kỷ = bụng-dạ xấu chỉ nghĩ lợi cho riêng mình.

- Nghĩ xằng = nghĩ bậy, nghĩ sái-quấy

- Mạ-lỵ = nói xấu, chê bậy.

- Tà-kiến = tư-tưởng sái-quấy, chẳng đúng theo Chánh-pháp.

- Diệt-vong = tiêu-mất đi.

- Ác-kiến = có ý ác, có tư-tưởng xấu.

- Khinh-miệt = chê-bai, chẳng kính-trọng.

- La-hán = bực A-la-hán đã dứt hết phiền-não, hết bị tái-sanh.

- Trúc lau = cây trúc, cây lau, thân-cây thẳng đứng, hễ trỗ bông kết trái, thì đã quá già, chẳng bao lâu sẽ chết tàn đi.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Ý-nghĩa của Tích chuyện chê một vị tỳ-kheo vì ích-kỷ chẳng muốn cho người thí-chủ của mình đến chùa nghe Đức Phật thuyết-giảng, sợ thí-chủ thôi sẽ chẳng giúp mình nữa. Ngày nay, thường thấy có vài vị tu-hành, khi đệ-tử đi sang chùa khác nghe giảng, thì chẳng bằng lòng, mỉa-mai là đi tu dạo.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 164:

Ý-nghĩa bài Kệ giống với Tích chuyện, so-sánh sự hoại-vong của người ngu chê Chánh-pháp như ngọn cỏ lau, hễ trỗ bông thì sẽ tàn-tạ.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc bài Kệ, ghi nhớ: phải luôn tôn-trọng Chánh-pháp.

2.- Trì-giới, bố-thí rất quí, nhưng chưa đủ; phải nghe giảng Kinh.

(135).- Tích chuyện thiện-nam Chu-la.

(Tích chuyện nầy hơi giống với Tích chuyện số 131 về Ưu-bà-sa)

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị thiện-nam tên là Chu-la.

Thiện-nam Chu-la là người rất mộ đạo, tới ngày rằm vào chùa Kỳ-viên để thọ Bát, giữ giới và nghe giảng Kinh-kệ. Sáng sớm hôm sau, làm lễ xả-giới xong, Chu ra bờ ao gần chùa để rửa-ráy. Bấy giờ có bọn cướp bị rượt đuổi, chạy ngang qua, đánh rơi các tang-vật bên bờ ao. Một lát sau, chủ nhà bị cướp, cùng với gia-nhơn chạy đến, thấy đồ-vật của mình bỏ bên bờ ao, ngờ rằng thiện-nam Chu-la là kẻ cướp, mới vây đánh. May thay, có mấy người nô-lệ gái đang đi gánh nước, liền can-thiệp, bảo rằng thiện-nam Chu chẳng phải là kẻ bất-lương, vì mới thọ Bát ở chùa trong hai mươi bốn tiếng đồng-hồ. Nhờ đó, Chu-la khỏi bị đánh đập oan.

Khi Đức Phật nghe được chuyện đó, Ngài bảo Chu-la: "Ông thoát được nạn, chẳng những nhờ các người nô-lệ gái dám nói lên sự-thật, mà còn nhờ vào sự trong-trắng, chẳng làm quấy của ông. Kẻ nào làm điều xấu-ác sẽ sa vào địa-ngục khi bỏ thân nầy, còn người làm việc thiện sẽ chứng được cảnh-giới Niết-bàn."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà Chu-la chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:

Điều ác tự mình gây,
Nhiễm-ô tự mình vướng.
Chẳng làm ác, do ta;
Trong-sạch cũng do ta.
Thanh-tịnh hay ô-trọc,
Chẳng ai thanh-lọc ai.
(Kệ số 165.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Thiện-nam: Thiện = lành; Nam = đàn-ông. Thiện-nam là người đàn-ông tin theo đạo Phật. Về phiá phụ-nữ thì gọi là tín-nữ.

- Chu-la: tên vị thiện-nam nầy, tiếng Pali là Cùlakàla Upàsaka.

- Mộ đạo = xin nhắc lại: rất tin tưởng đạo Phật, làm lành, đi chùa

- Ngày rằm: ngày thứ mười-lăm trong tháng âm-lịch, trăng tròn.

- Thọ Bát = nói đủ chữ là thọ Bát-quan-trai-giới, là vào chùa tu trong 24 tiếng đồng-hồ, tuân theo 8 điều răn-cấm: chẳng sát-sanh, chẳng trộm-cướp, chẳng tà-dâm, chẳng nói dối, chẳng uống rượu, chẳng trang-sức và nằm giường cao, chẳng ăn sái giờ, chẳng nghe hát-xướng. Phật bảo, kẻ nào thọ Bát đàng-hoàng, khỏi sa địa-ngục.

- Kinh-Kệ: Kinh là lời Phật dạy ghi thành sách, Kệ là bài thơ ngắn ghi tóm-tắt điều Phật dạy.

- Xả-giới: lễ chấm-dứt việc thọ Bát. Tuy là xả-giới, nhưng người tu-hành vẫn tiếp-tục giữ 8 điều răn-cấm khi về nhà, sau khoá tu.

- Tang-vật: Xin nhắc lại: đồ-vật trộm cướp bị bắt gặp.

- Nô-lệ = đầy-tớ ở đời với chủ, mất tự-do cá-nhơn.

- Bất-lương: Bất = chẳng; Lương = ngay thẳng; kẻ bất-lương là người gian-xảo, xấu-ác.

- Địa-ngục = theo sự tin-tưởng của đạo Phật, kẻ làm ác đời nầy, khi chết chịu thêm hình-phạt ở cõi âm-u đen tối, gọi là địa-ngục

- Niết-bàn: cảnh sống an-vui của người đã hết phiền-não, chẳng còn phải tái-sanh nữa trong Luân-hồi.

- Nhiễm-ô: Nhiễm = dính, lấm-lem; Ô = đục, dơ; Nhiễm-ô là lây điều xấu, trở nên dơ-bẩn, xấu-xa) Ô-trọc = đục và dơ.

- Thanh-lọc = làm cho trong-sạch lại, khiến hết dơ-bẩn.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Ý-nghĩa của Tích chuyện là khi giữ mình theo giới-luật thì chẳng bị đánh-đập dầu gặp việc oan-ức.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 165:

Bài Kệ dạy, điều ác tự mình làm, vậy muốn thân-tâm trong-sạch, phải chính mình thanh-lọc lấy, bằng cách tránh điều xấu-ác, đừng làm.

HỌC TẬP:

- Học thuộc bài Kệ, ghi nhớ, muốn thanh-lọc thân-tâm, phải tự mình làm lấy: theo điều thiện-lành, tránh xa điều xấu-ác.

(136).- Tích chuyện Trưởng-lão Ất-tha-đạt.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Ất-tha-đạt.

Thuở ấy, khi Đức Phật tuyên-bố còn bốn tháng nữa, Ngài sẽ nhập Niết-bàn, các vị tỳ-kheo còn chưa chứng-đắc quả-vị rất hoang-mang lo-sợ. Họ chẳng biết rồi đây, ai sẽ dìu-dắt họ tu-tập nữa, nên lúc nào cũng ở gần bên Phật. Tuy nhiên, tỳ-kheo Ất-tha-đạt lại chẳng làm như thế, mà trở về cốc, một mình ngồi Thiền, với mục-tiêu là chứng-đắc quả-vị A-la-hán ngay khi Đức Phật còn tại thế-gian. Các vị tỳ-kheo khác chẳng hiểu ý-định của Ất-tha-đạt, cho rằng Ất chẳng tha-thiết chi đến Phật, mới đến mời Ất-tha-đạt đến gặp Phật và bạch rằng: "Bạch Thế-tôn, vị tỳ-kheo nầy chẳng có vẻ gì thương-mến và kính-mộ Thế-tôn, nghe tin Thế-tôn sắp nhập Niết-bàn mà vị ấy cả ngày chỉ ngồi trong cốc vắng một mình." Tỳ-kheo Ất-tha-đạt trình lên Đức Phật rõ, mình ở trong cốc vắng là cố hành-thiền để chứng được quả A-la-hán trước ngày Đức Phật nhập-diệt. Đức Phật phán: "Nầy chư tỳ-kheo, những ai thật-sự kính-mộ Ta cần phải hành-động như Ất-tha-đạt, chớ chẳng phải là nên thường đến gặp Ta và đem dâng hương-hoa cho Ta. Cách mến Ta chơn-chánh nhứt là biết đem Chánh-pháp mà Ta đã giảng-dạy ra thực-hành cho thật chu-đáo."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó tỳ-kheo Ất-tha-đạt chứng được quả-vị A-la-hán:

Dầu lợi-tha to lớn bao nhiêu,
Đường tu tự-lợi, chớ quên nhiều.
Thấy rõ lợi mình là giải-thoát,
Chuyên tâm lấy đó làm mục-tiêu.
(Kệ số 166.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Ất-tha-đạt: tên vị tỳ-kheo nầy, tiếng Pali là Attadattha.

- Nhập Niết-bàn, Nhập-diệt: lià thân-xác nầy vào cõi tịch-diệt.

- A-la-hán: quả-vị cao nhứt hàng Thanh-văn( =đệ-tử sống gần bên Phật, nghe kinh mà tu-tập), dứt hết phiền-não, hết bị tái-sanh nữa. Tiếng Pali là Arahant.

-Cốc = căn nhà nhỏ ở nơi vắng-vẻ để tu-hành, còn gọi là am, thất.

- Hành Thiền = ngồi thiền.

- Lợi-tha = làm lợi cho kẻ khác, giúp đỡ kẻ khác.

- Tự-lợi = làm lợi cho mình; ở đây, tự-lợi có nghĩa là cố-gắng tu-tập để mình được chứng-quả, và được giải-thoát, có lợi cho mình.

- Mục-tiêu: Mục = con mắt; tiêu = cái mốc nhìn để bắn. Ở đây, chữ mục-tiêu gần nghĩa với chữ mục-đích, tức là điều mà mình nhắm tới, muốn đạt được, khi mình cố-gắng làm việc gì.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại, khi nghe Đức Phật sắp nhập Niết-bàn, các tỳ-kheo đều quay-quần bên Đức Phật để tỏ lòng quyến-luyến; chỉ có Trưởng-lão Ất-tha-đạt lại rút về cốc ở một mình. Họ lầm tưởng Trưởng-lão Ất-tha-đạt thiếu lòng thương-tưởng đến Đức Phật. Khi biết lý-do là Trưởng-lão đang nỗ-lực hành-thiền để chứng quả A-la-hán, trước khi Đức Phật nhập-diệt, Đức Phật khen ngợi thái-độ đó, khuyên các tỳ-kheo nên bắt chước, và Ngài bảo: "Kính mộ ta, là biết đem Chánh-pháp của ta ra thực-hành cho chu-đáo."

Ý-nghĩa của Tích chuyện là khi thương-mến ai lúc sắp lìa đời, chẳng phải là thở-than, khóc-lóc vì người đó, mà chính là làm theo nguyện-vọng của người đó mới thật là kính-mộ người ấy mãi mãi.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 166:

Ý-nghĩa của bài Kệ khuyên ta, trên đường tu, đừng quá vì lợi tha mà quên sự tự-lợi. Chớ tưởng-lầm đó là lời khuyên ích-kỷ, vì mình hơn vì kẻ khác. Ý sâu của bài Kệ là đừng quá hăng-say trong công-tác xã-hội, giúp người, mà xao-lãng tu-tập để chính mình được giải-thoát. Mình có giác-ngộ và giải-thoát rồi, đi giúp kẻ khác mới hữu-hiệu hơn.

HỌC TẬP:

- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ: khi tu theo hạnh Bồ-tát, làm công-tác xã-hội giúp người, cũng đừng quên mục-tiêu tự-giải-thoát.

-ooOoo-

XIII.- Phẩm THẾ - GIAN.

(137).- Tích chuyện một Tỳ-kheo trẻ.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một vị tỳ-kheo trẻ tuổi.

Thuở ấy, có một tỳ-kheo trẻ tuổi cùng đi với một vị Trưởng-lão đến nhà bà nữ-cư-sĩ Vi-sa-kha để khất-thực. Sau khi nhận phần cháo, vị Trưởng-lão bỏ ra đi, vị tỳ-kheo trẻ tuổi còn nán lại. Bấy giờ, người cháu nội gái của bà Vi-sa-kha đang lọc nước để múc cho khách. Khi trông thấy bóng mình trên mặt nước trong lu, cô lặng-lẽ mỉm cười. Ngẩng đầu lên, thấy vị tỳ-kheo đang nhìn mình lom-lom, miệng lại cười, cô gái mắc-cỡ rồi giận-dỗi, xẵng giọng nói: "A, cái ông đầu cạo trọc nầy, sao lại cười ta?"Nghe nói thế, vị tỳ-kheo trẻ tuổi bỗng nổi cơn giận, chẳng giữ gìn lời nói, mắng lại: "Cô mới bị cạo đầu, cha cô, mẹ cô cũng trọc đầu!"Hai bên cãi qua cãi lại, cô gái bật lên khóc và chạy vào mét với bà Vi-sa-kha. Vừa lúc ấy, vị Trưởng-lão cũng quay lại. Hai vị lớn tuổi dùng lời khuyên-răn đôi bên, nhưng chẳng bên nào chịu im tiếng.

Một lát sau, Đức Phật đi tới nơi và nghe tiếng cãi-vã om-sòm. Ngài quán-thấy cơ-duyên đã đến cho vị tỳ-kheo trẻ tuổi được chứng quả-vị Tu-đà-huờn, nên dừng chơn lại trước nhà. Sau khi nghe kể qua sự-việc đáng tiếc, Đức Phật biết vị tỳ-kheo còn đang nóng-giận, mới dùng lời-lẽ dịu-dàng nói: "Nầy tín-nữ Vi-sa-kha, vì lý-do gì mà cô cháu nội gái bà sao lại mắng vị tỳ-kheo nầy là kẻ trọc đầu? Ai đi tu, muốn được gia-nhập Tăng-đoàn cũng đều phải cạo đầu cả, có đúng vậy hay không?" Nghe lời Đức Phật nói, vị tỳ-kheo dịu lại, quì xuống đảnh-lễ Đức Phật và bạch rằng: "Bạch Thế-tôn, chỉ có Ngài mới hiểu được con. Thầy con và bà tín-nữ, chẳng ai hiểu con cả." Bấy giờ Đức Phật biết chắc tâm-trạng của vị Tỳ-kheo đã lắng-dịu lại, sẵn-sàng nghe lời Ngài dạy, mới nói: "Nầy tỳ-kheo, mỉm cười nhìn gái dẹp, tâm khởi lên dục-vọng, là đang có tư-tưởng xấu-xa, cần nên tránh."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó vị tỳ-kheo chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:

Đừng theo đường ti-tiện
Chớ ôm-ấp tà-kiến,
Chẳng buông-lung và chớ kéo dài
Cuộc sống Luân-hồi cõi trần-ai.
(Kệ số 167.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Vi-sa-kha: tên vị tín-nữ giàu lòng bố-hí, nổi tiếng thời Đức Phật. Bà dưng-cúng tu-viện Đông-viên cho Ni-đoàn. Tên tiếng Pali: Visakha

- Nhìn lom-lom = nhìn trân-trân, nhìn quá kỹ chẳng nháy mắt.

- Cơ-duyên: Cơ = cơ-hội; Duyên = duyên-cớ. Cơ-duyên là dịp may

- Tu-đà-huờn: quả-vị đầu-tiên, thấp nhứt; tiếng Pali là Sotàpatti. Người chứng quả Tu-đà-huờn dứt được (1) thân-kiến, chấp thân làm ngã; (2) nghi, chẳng tin vào Chánh-pháp; (3)giới-cấm-thủ, tin theo nghi-lễ của tà-giáo. Quả Tu-đà-huờn còn gọi là Nhập-Lưu, Thất-Lai.

- Đảnh-lễ: quì lạy, tỏ lòng kính-trọng.

- Tâm-trạng: Tâm = lòng; Trạng = tình-trạng. Tâm-trạng = cõi lòng

- Dục-vọng: Dục = ham-muốn; Vọng = mong-cầu. Chữ dục-vọng chỉ sự ham-muốn thú-vui vật-chất, được dùng theo nghĩa xấu.

- Ti-tiện: Ti =thấp; Tiện = hèn-hạ.

- Tà-kiến: Tà = xiêng-xéo;Kiến = ý-kiến; Tà-kiến là ý-kiến sái-quấy

- Buông-lung = chẳng biết tự kềm-chế mình, lười-nhác.

- Luân-hồi: Luân = bánh xe; Hồi = trở lại. Cõi Luân-hồi là cảnh chết đi sống lại qua nhiều đời kiếp. Tiếng Pali là samsàra.

- Trần-ai: Trần = bụi-bặm; ai = bi-ai, đau-khổ. Cõi trần-ai là cõi đời đầy đau-khổ nầy ở thế-gian.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc một tỳ-kheo chẳng biết giữ-gìn các giác-quan, nhìn gái đẹp mà mỉm cười, lòng khởi lên dục-vọng. Được Đức Phật chỉ dạy, phải biết điều-phục các căn, vị tỳ-kheo chứng được quả Tu-đà-huờn. Ý-nghĩa của Tích chuyện là phải giữ-gìn các giác-quan, chẳng buông-lung chạy theo cảnh-vật bên ngoài, phải biết thanh-lọc tâm-ý, khiến cho khỏi phải mãi trôi lăn trong cảnh sanh-tử, tử-sanh của vòng Luân-hồi lẩn-quẩn.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 167:

Thử phân-tách từng câu của bài Kệ:

1) Đừng theo đường ti-tiện: đường ti-tiện là đường thấp-kém, hèn-hạ. Đường nào? Đó là để cho các giác-quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, chạy theo cảnh cám-dỗ bên ngoài mà thoả-mãn các thú-vui vật-chất tạm-bợ và chẳng thanh-cao.

2) Chớ ôm-ấp tà-kiến: Tà-kiến là ý-tưởng sái-quấy, như (1)chấp thân nầy thường-còn, là Ta, lo bảo-vệ mà quên phần tinh-thần để đi đến giác-ngộ và giải-thoát; (2) như chấp vào đoạn-kiến, cho rằng chết đi là hết, chẳng có Luân-hồi, quả-báo chi cả, nay còn sống, cứ lo hưởng-thọ trước, kẻo chết thì chẳng còn gì; (3) như chấp vào các thủ-tục cúng-tế của tà-giáo, giết thú-vật cúng tế các tà-thần để cầu phước. - Hễ ôm-ấp tà-kiến thì tâm chẳng thanh-tịnh, bị tà-kiến làm vẩn-đục, chẳng phát-triển được Trí-huệ.

3) Chẳng buông-lung và chớ kéo dài cuộc sống Luân-hồi cõi trần-ai: Hai câu nầy khuyên ta nên cố-gắng tu-tập tinh-tấn, để sớm chấm-dứt cuộc sống sướng ít khổ nhiều trên thế-gian. Buông-lung hay Phóng-dật, có nghĩa là lười-nhác, sống buông-trôi, chẳng biết tự-kềm-chế; như thế sẽ cứ phải hết đời nầy sang đời khác chịu nghiệp-báo mà tái-sanh mãi trong vòng lẩn-quẩn của Luân-hồi. Cuộc sống Luân-hồi cõi trần-ai là gì? Đó là phải sanh ra chịu khổ, sống đời sướng ít khổ nhiều, đau bịnh rồi chết, lại phải tái-sanh lại nữa, vì thế mới gọi là cõi trần-ai, cõi đầy bụi-bặm, đầy đau-khổ.

Ý-nghĩa của bài Kệ khuyên ta nên sớm tỉnh-ngộ, nhận ra cõi đời nầy là khổ, phải biết cách tu-hành, để được giác-ngộ và giải-thoát khỏi cảnh sanh-tử Luân-hồi.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ: muốn chẳng kéo dài cuộc sống trần-ai, phải tìm cách ra khỏi Luân-hồi, thân-tâm được giải-thoát.

2.- Răn dạy trẻ: chớ chọc người đầu trọc, phải kính bực tu-hành.

(138).- Tích chuyện vua Tịnh-phạn.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Cây Sung, gần thành Ca-tỳ-la-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Vua Tịnh-phạn là cha của Thái-tử Tất-đạt-ta khi chưa xuất-gia đi tu thành Phật.

Thuở ấy, trong một dịp trở về viếng thăm lại thành Ca-tỳ-la-vệ, Đức Phật ngụ tại chùa Cây Sung; nơi đây Ngài đem Chánh-pháp ra giảng-dạy cho thân-nhơn trong dòng họ Thích-ca. Đức Vua Tịnh-phạn nghĩ rằng thế nào Đức Phật cũng đến hoàng-cung, nên chẳng thỉnh Đức Phật, mà lại lo chuẩn-bị thức ăn cho hơn cả ngàn tỳ-kheo, để chờ Đức Phật đến.

Sáng sớm hôm ấy, công-chúa Gia-du-đà-la, vợ của Thái-tử Tất-đạt-ta, nhìn qua khung cửa sổ, thấy Đức Phật đang mang bình bát đi khất-thực từng nhà. Công-chúa vội đi báo với Vua Tịnh-phạn. Vua Cha tức-tốc chạy đến bên Đức Phật, bảo rằng, thật là nhục-nhã cho một người dòng Sát-đế-lợi mà phải đi ăn xin từng nhà. Đức Phật đáp lại rằng, khất-thực là một hạnh cao-quí, được tất cả chư Phật trong ba đời thi-hành, nên nay Ngài tuân-theo hạnh đó, là đang giữ đúng truyền-thống đó, có chi đâu là nhục-nhã.

Rồi Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây:

Hãy hăng-hái và đừng phóng-dật
Mà lãng-xao hạnh khất-sĩ nầy.
Trang-nghiêm chánh-hạnh hành-trì
Thế-gian hưởng lạc đời nầy, đời sau.
(Kệ số 168.)

Đừng theo tà-hạnh mà phóng-dật,
Hãy nghiêm-trì hạnh khất-sĩ nầy.
Trang-nghiêm chánh-hạnh hành-trì
Thế-gian hưởng lạc đời nầy, đời sau.
(Kệ số 169.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Tịnh-phạn: tên vua cha của Thái-tử Tất-đạt-ta, Pali: Suddhodana

- Chùa Cây Sung: tạm dịch chữ Pali là Nigrodhàràma; chữ Nigrodha là một loại cây to như cây da, trái giống trái sung của ta.

- Ca-tỳ-la-vệ: thành nầy là nơi Thái-tử Tất-đạt-ta sống khi chưa đi tu, nay thuộc phần đất của Nepal. Tên tiếng Pali là Kapilavatthu.

- Gia-du-đà-la: vợ của Thái-tử Tất-đạt-ta, tiếng Pali là Yasodhàra.

- Tức-tốc: Tức = lập-tức; Tốc = nhanh.Tức-tốc là thật nhanh.

- Sát-đế-lợi = giai-cấp vua quan ở Ấn-độ xưa, tiếng Pali: Khattiya

- Truyền-thống: Truyền = trao lại; Thống = nối tiếp theo. Truyền-thống là thông-lệ được truyền lại từ nhiều đời, để tuân theo.

- Lãng-xao = xao-lãng, bỏ phế, bỏ quên chẳng làm tiếp nữa.

- Khất-sĩ, Khất thực: Khất = đi xin; Sĩ = người; Thực = ăn. Hạnh khất-sĩ là hạnh đi xin ăn, chẳng có nghề riêng để sanh-sống. Đây là giới-luật Phật đặt ra, buộc tu-sĩ phải khuất mình đi xin ăn để nén lòng tự-ái xuống, và có dịp gặp dân-chúng để chỉ-dạy đường-lối tu-hành.

- Phóng-dật = lười-biếng, buông trôi, chẳng tha-thiết đến.

- Chánh-hạnh = hạnh tu căn-bản, lối tu chơn-chánh nhứt.

- Tà-hạnh = trái với chánh-hạnh. Tà-hạnh là hành-động xấu-ác.

- Hành-trì: Hành = làm; Trì = giữ-gìn. Hành-trì là chuyên làm theo.

- Thế-gian: Thế = đời; Gian = khoảng; Thế-gian đây có nghĩa là đời sống bình-thường, có gia-đình, còn chưa đi tu. Xuất-thế-gian có nghĩa là rời cuộc sống thế-tục, đi tu để được giải-thoát.

- Hưởng lạc: Lạc = vui sướng. Hưởng lạc = được vui-sướng.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc Đức Phật về đến gần hoàng-cung xưa, mà vẫn đi khất-thực. Vua Cha cho đó là nhục-nhã. Đức Phật bảo, hạnh khất-sĩ cao-quí, nên nghiêm-trì mãi: đó là ý-nghĩa của Tích chuyện.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 168 và 169:

Hai bài Kệ giống nhau, nói về hạnh khất-sĩ, khuyên đừng vì phóng-dật, tà-hạnh mà xao-lãng hạnh khất-sĩ. Ngày nay, vì cuộc sống thay-đổi, hạnh nầy ít được thi-hành ở các chùa thuộc Bắc-tông.

HỌC TẬP:

- Học thuộc lòng hai bài Kệ, ghi nhớ: hạnh khất-sĩ rất cao-quí, chớ chẳng phải vì lười-biếng chẳng có nghề sanh-sống mà phải đi xin.

(139).-Tích chuyện các tỳ-kheo quán-tưởng bọt nước.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến các tỳ-kheo quán-tưởng về bọt nước.

Thuở ấy, có một nhóm khá đông tỳ-kheo được Đức Phật chỉ-dạy cho mỗi người một đề-tài thiền-quán, cùng đi vào rừng để thực-tập thiền-định. Mặc dầu họ đã cố-gắng tinh-tấn tu-hành, nhưng họ chẳng có chút tiến-bộ nào đáng kể. Họ định quay về chùa để thưa hỏi lại Đức Phật và được chỉ dạy thêm. Trên đường về, họ trông thấy một ảo-ảnh và quán-tưởng về ảo-ảnh đó. Đến khi bước chơn vào khuôn viên chùa, trời đổ mưa, nhiều hạt mưa to rơi từ mái ngói xuống vũng nước, bong-bóng nước lóng-lánh nổi lên, phập-phồng, rồi tan-vỡ. Nhìn các bọt nước nổi lên chẳng mấy chốc lại vỡ, họ liền suy-nghĩ sâu-xa: "Tấm thân tứ-đại nầy của ta, cũng chẳng khác chi các bọt nước kia, chẳng bền-vững, thường-còn; năm uẩn nơi thân-tâm nầy, rồi cũng rời nhau ra mà hoại-diệt theo lẽ vô-thường."

Bấy giờ, Đức Phật từ nơi hương-phòng, quán-thấy các tỳ-kheo ngoài hiên chùa, đang trầm-ngâm suy-tưởng về lẽ vô-thường, Ngài liền đi đến và bảo: ‘Nầy chư Tăng, các vị đang đi đúng đường-lối quán-tưởng, nhìn bọt nước mà biết được lẽ vô-thường của tấm-thân năm uẩn. Nên tiếp-tục theo con đường đó."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà số lớn các tỳ-kheo chứng được quả-vị A-la-hán:

Nhìn bọt nước thế nào,
Xem ảo-ảnh ra sao,
Quán thế-gian cũng vậy.
Muốn bắt được người ấy,
Thần Chết tìm chẳng thấy.
(Kệ số 170.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Quán-tưởng: Thiền-quán = suy-tưởng thật sâu-xa khi ngồi Thiền, nhập định. Khi tâm đã an-định, trí hành-giả bắt đầu cứu-xét về đề-tài thiền-quán, tư-tưởng tập-trung vào đề-tài, để phát-hiện lên Sự-thật.

- Ảo-ảnh: Ảo = giả, chẳng thật có; Ảnh = hình-bóng. Ảo-ảnh là hình-bóng giả-tạm, tuy mắt trông-thấy, nhưng bóng ấy chẳng thật có. Thí-dụ như lấy tay dụi mắt, nhìn lên thấy có nhiều đóm sáng như ngôi sao, các đóm đó chẳng thật có, nên gọi là ảo-ảnh.

- Thân tứ-đại: Tứ = bốn; Đại = lớn. Tứ-đại, trong Phật-học chỉ về bốn chất: đất, nước, gió, lửa; còn có nghĩa là bốn chất cứng, lỏng, hơi, nóng trong thân ta. Thân tứ-đại nầy do các chất đó hoà-hiệp với nhau mà thành, khi bốn chất ấy rời nhau ra, thì chết. Đó là lẽ vô-thường.

- Năm uẩn: Uẩn = nhóm họp và che-mờ. Phật-học phân-tách thân-tâm con người ra làm năm phần, gọi là năm uẩn ( = năm ấm): (1)sắc-uẩn ( =thân-thể vật-chất), (2) thọ-uẩn ( =các tình-cảm); (3)tưởng-uẩn ( =các tư-tưởng); (4) hành-uẩn ( = các hành-động); (5)thức-uẩn ( =các sự hiểu-biết). Bốn uẩn sau, thọ, tưởng, hành, thức, thuộc về tâm. Khi quán thấy năm uẩn hoà-hiệp nhau mà thành thân-tâm, hễ chúng rời nhay ra là chết, đó là quán-thấy được lẽ vô-thường của thân năm uẩn.

- Hương-phòng: căn phòng có hương thơm dành riêng cho Đức Phật; tiếng Pali là Gandhakutì.

- Vô-thường: Vô =chẳng; Thường = thường-còn. Lẽ vô-thường định-luật thiên-nhiên theo đó, chẳng có vật nào có hình-thể mà chẳng biến-đổi, rồi hư-hoại với thời-gian. Hiểu lẽ vô-thường là biết được sự tạm-bợ của muôn vật trên thế-gian, dứt bỏ sự tham-luyến và tìm về sự hằng-còn của cảnh-giới Niết-bàn an-lạc.

- A-la-hán: quả vị thứ tư, cao nhứt, dứt hết phiền-não, chẳng bị tái-sanh trong Luân-hồi nữa. Tiếng Pali là Arahant.

- Thần Chết tìm chẳng thấy = hễ Thần Chết tìm chẳng thấy, thì chẳng bị chết nữa, có nghĩa là đã đắc được A-la-hán, vào Niết-bàn.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị, chẳng có chi là ly-kỳ cả (!!!): một nhóm tỳ-kheo nhìn ảo-ảnh, bọt nước, mà suy ra lẽ vô-thường của thân-tâm và của muôn vật trên thế-gian. Ý-nghĩa: biết được lẽ vô-thường, liền rời sự tham-luyến, nỗ-lực tu-tập để chứng quả vô-sanh của Niết-bàn.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 170:

Bài Kệ chia ra hai phần: (1) cách quán-tưởng bọt nước, ảo-ảnh thế-gian; (2)hai câu chót nói về kết-quả của việc quán-tưởng đã thành-công, chứng được vô-sanh, chẳng bị chết nữa vì hết tái-sanh.

Cách quán-tưởng bọt nước và ảo-ảnh như thế nào? Trước hết, ta phải biết quán-tưởng cho đúng cách. Như đã biết, quán-tưởng là suy-nghĩ thật sâu-xa, tâm nhìn vào bên trong tâm. Tâm nhìn vào bên trong tâm cách nào? Điều nầy có nghĩa là, các giác-quan chẳng hướng về cảnh-vật bên ngoài nữa, mắt tuy có mở nhưng chẳng thấy vật, tai còn đó nghe tiếng nhưng chẳng để-ý đang nghe gì, khiến cho tâm ở yên, vắng-lặng, rồi khởi lên hình-ảnh trong tâm, tâm chỉ nghĩ và chỉ thấy đến đề-tài quán-tưởng, đề-tài đó là bọt nước. Khi tâm nhìn thấy trong tâm, có bọt nước đó, nổi lên, lóng-lánh, phập-phồng, rồi chẳng mấy chốc, bọt nước lại bể phụt mất. Tâm nhìn bọt nầy bể, bọt kia phồng lên rồi bể, nhiều lần như thế, sẽ đi đến kết-luận, bọt nước chẳng bền, có đó rồi mất đó. Khi nghĩ ra được kết-luận đó, tâm đang thấy được lẽ vô-thường của mọi sự-vật) Cách quán ảo-ảnh cũng như thế. Chọn các ảo-ảnh: như bóng trăng rọi xuống mặt hồ nước, như đám mây bay trên trời trông giống hình con vật nào đó, v.v. Quán như trên về các ảo-ảnh vừa nói, để nhận ra sự giả-tạm của ảo-ảnh. Khi nghĩ ra được kết-luận về sự giả-tạm đó, là tâm đã quán đúng cách.

Bài Kệ nói: quán bọt nước, ảo-ảnh như thế nào, thì quán thế-gian cũng như thế ấy. Điều nầy có nghĩa là muôn vật có hình-tướng ở thế-gian, đều vô-thường như bọt nước, đều giả-tạm như ảo-ảnh. Vạn vật rất nhiều, trong một lúc chẳng nhìn thấy trong tâm hết cả được. Muốn biết muôn vật đều vô-thường giả-tạm, tâm ta hãy cố tìm xem, có vật nào trong vũ-trụ nầy, mà tồn-tại mãi mãi không. Câu trả lời là chẳng có, nhờ đó tâm quán thấy thế-gian vô-thường và giả-tạm.

Khi ngồi Thiền, quán-tưởng như trên có ích lợi gì? Nhờ quán-tưởng đúng cách, tâm lọc bỏ được các tà-kiến, các phiền-não, để trở nên trong-sạch hơn. Đó là cách thanh-lọc tâm-ý của phép tu tâm.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc bài Kệ, ghi nhớ lẽ vô-thường của muôn vật.

2.- Xin đọc lại nhiều lần trang nầy và áp-dụng lối quán-tưởng.

(140).- Tích chuyện Vương-tử Vô-uý.

(Tích chuyện nầy giống với Tích chuyện số 115 về vị đại-thần San-tạ-tị.)

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tịnh-xá Trúc-viên, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Vương-tử Vô-úy.

Thuở ấy, vương-tử Vô-uý vừa đắc-thắng quân giặc ở biên-cương trở về thành, được vua Tần-bà-sa-la, nước Ma-kiệt-đà, ban-thưởng cho rất trọng-hậu. Món quà quí là một nàng vũ-nữ thật xinh đẹp, múa hát trong bảy ngày đêm để mua vui cùng Vương-tử. Đến đêm thứ bảy, vì quá cố sức, cô vữ -nữ ngã lăn ra chết về bịnh tim. Vương-tử rất đau buồn trước cái chết đột-ngột của người yêu, mới tìm đến Đức Phật để nghe lời an-ủi.

Đức Phật bảo Vương-tử Vô-uý rằng: "Nầy Vương-tử, số-lượng nước mắt mà Vương-tử đã khóc các người thân-yêu, trải qua các số-kiếp của Luân-hồi, còn nhiều hơn nước biển các đại-dương. Thế-gian của thân-tâm ngũ uẩn nầy đầy đau-khổ, chỉ có những người còn ngu-muội mới mê-say, chìm-đắm trong đó."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Nào, hãy nhìn cõi thế-gian nầy
Như xe Vua trang-hoàng lộng-lẫy.
Kẻ cuồng-dại đắm chìm cõi ấy,
Người hiền-trí chẳng chút mê-say.
(Kệ số 171.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Vương-tử Vô-uý: Vương-tử = con cháu của Vua; chữ Vô-úy, có nghĩa là chẳng hề sợ-hãi, được dùng để dịch chữ Abhaya, tiếng Pali. Trọn tên của Vương-tử Vô-uý là Abhayaràjakumàra.

- Trúc-viên, Vương-xá: tịnh-xá nầy xây trong vườn Trúc, do Vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara) cúng cho Tăng-đoàn. Tên Pali Truc-viên Veluvana, thành Vương-xá Ràjagaha; nước Ma-kiệt-đà Magadha.

- Trọng-hậu = nhiều và quí-báu lắm.

- Vũ-nữ = người con gái múa hát, giúp vui cho đàn-ông.

- Đột-ngột = quá nhanh và chẳng ngờ được.

- Đại-dương = biển lớn, như Thái-bình-dương, Đại-tây-dương.

- Thân-tâm ngũ-uẩn: Ngũ = năm. Xin xem lại thân-tâm năm uẩn ở bài trước, trang 439.

- Thế-gian: Thế = đời; Gian = khoảng. Nghĩa thông-thường của chữ Thế-gian là nói đến vũ-trụ, vạn-vật; ở đây chữ Thế-gian được Đức Phật dùng theo nghĩa hẹp, chỉ vào thân-tâm, coi như một vũ-trụ nhỏ.

- Cuồng-dại = điên-khùng, chẳng có trí-huệ, còn ngu-si.

- Hiền-trí: Hiền = hiền-lành; Trí = trí-huệ.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc Vương-tử Vô-uý đau-buồn mến tiếc người yêu là cô vũ-nữ xinh-đẹp đã chết đột-ngột. Đức Phật khuyên đừng luyến-tiếc tấm thân năm uẩn nầy, vì nó vô-thường.

Ý-nghĩa: đừng đắm-say thế-gian vô-thường, phải tìm cách tu-hành để vượt khỏi cảnh sanh-tử của Luân-hồi đau-khổ.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 171:

Hai câu đầu của bài Kệ so sánh thế-gian nầy với chiếc xe Vua được trang-hoàng lộng-lẫy. Sự so-sánh nầy hơi khó hiểu; nhưng nếu ta biết Đức Phật xem thân-tâm nầy như một vũ-trụ nhỏ, một thế-gian thu-hẹp lại, thì sự so-sánh sẽ rõ-ràng. Tại sao trang-hoàng lộng-lẫy? Xe đó của Vua ám-chỉ vào thân-tâm ( = thế-gian), nên thân-tâm ấy được trang-sức đẹp-đẽ, dồi phấn thoa son, v.v.

Hai câu chót nêu sự khác-biệt về thái-độ giữa người còn ngu-si với người hiền-trí đã giác-ngộ.

Ý-nghĩa của bài Kệ khuyên ta chớ nên tham-luyến vào thân-tâm năm uẩn, tuy nay được chưng-diện đẹp-đẽ, nhưng rồi sẽ bị tan-hoại theo thời-gian.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ: đừng say-đắm cảnh thế-gian.

2.- Thực-tập quán-tưởng về thân bất-tịnh, thân-tâm vô-thường.

(141).- Tích chuyện Trưởng-lão Sầm-mạc-gia.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Sầm-mạc-gia.

Thuở ấy có tỳ-kheo Sầm-mạc-gia cả ngày chỉ lo việc quét tước quanh chùa Kỳ-viên. Cùng tu-tập chung trong chùa có Trưởng-lão Lê-va-ta, trái lại, cả ngày chỉ ngồi Thiền nhập định. Tỳ-kheo Sầm thấy thái-độ của Trưởng-lão Lê, cả ngày chỉ ngồi yên, im-lặng, cho rằng Trưởng-lão đã lãng-phí thời-giờ. Một hôm, tỳ-kheo Sầm đến nói với Trưởng-lão: ‘Nầy ông Lê, cả ngày tôi thấy ông chỉ ngồi yên, chẳng làm gì cả. Như thế là lười-biếng, chỉ biết sống nhờ vào sự tín-thí của các đàn-việt mà thôi." Trưởng-lão Lê đáp: "Nầy đạo-hữu, một vị tỳ-kheo chẳng nên để trọn hết thì-giờ của mình mà quét-tước cả ngày. Vị ấy nên quét dọn vào sáng sớm, xong lên đường đi khất-thực. Trở về, thọ-trai xong, vị ấy hoặc quán-tưởng về thân-tâm năm uẩn nầy, để biết rõ bản-thể của các uẩn ấy, hoặc đọc-tụng kinh-điển cho đến chiều tối. Bấy giờ, nếu muốn, có thể ra quét sân thêm." Tỳ-kheo Sầm nghe kỹ lời dạy đó, chuyên-cần thực-hành theo đúng, nên chẳng bao lâu chứng-đắc được quả-vị A-la-hán.

Các vị tỳ-kheo khác nhận thấy dạo nầy, các đống rác quanh chùa chẳng thấy được quét dọn, mới hỏi tỳ-kheo Sầm-mạc-gia, sao bây giờ chẳng còn chăm quét-tước như trước nữa. Tỳ-kheo Sầm đáp: "Ngày trước, tâm tôi còn nhiều phiền-não và vọng-tưởng, thiếu sự tỉnh-giác, nên tôi phải quét cho sạch. Đến ngày nay, tâm tôi thanh-tịnh, lúc nào cũng tỉnh-giác, nên chẳng cần quét nữa." Các vị đồng-tu cho rằng tỳ-kheo chẳng nói đúng sự-thật, tự cho mình đã chứng A-la-hán, mới đến bạch cùng Phật. Đức Phật bảo: " Tỳ-kheo Sầm-mạc-gia đã nói đúng sự-thật, vì đã chứng-đắc được quả-vị A-la-hán."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Người trước kia buông-lung, phóng-dật,
Về sau, biết tỉnh-giác chuyên-cần,
Ánh quang-minh soi khắp thế-gian,
Như trăng sáng thoát mây che lấp.
(Kệ số 172.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Sầm-mạc-gia: tên vị tỳ-kheo nầy, tiếng Pali là Sammajjana.

- Lê-va-ta: tên vị Trưởng-lão nầy, tiếng pa-li là Revata.

- Ngồi Thiền nhập Định: Thiền = chữ Phạn là Thiền-na (Dhyana), có nghĩa là tâm rời cảnh-vật bên ngoài, đang suy-nghĩ thật sâu-xa; Định = dịch chữ Phạn Tam-muội (Samadhi), có nghĩa là tâm an-tịnh, chẳng lay-động, ý dừng lại và chú-tâm vào cảnh vắng-lặng.

- Lãng-phí thời-giờ: buông-lung, sống thả trôi, chẳng làm việc chi có ích-lợi cả, làm mất thời-giờ.

- Tín-thí: Tín = tin-tưởng; Thí = cho, hiến-tặng. Sự tín-thí là sự bố-thí do lòng tin-tưởng của kẻ tại-gia tặng cho các vị tu-hành xuất-gia.

- Đàn-việt: phiên-âm tiếng Phạn Dânapati, dịch nghĩa là thí-chủ, người bố-thí giúp cho kẻ tu-hành.

- Đạo-hữu: Đạo = đường-lối tu-hành; Hữu = bạn-bè, bạn-hữu. Chữ đạo-hữu thường dùng để chỉ các người tu chung theo một tôn-giáo.

- Thọ-trai: Thọ = nhận; Trai = ăn cơm chay. Thọ-trai là tiếng nhà chùa, có nghĩa là dùng bữa cơm chay.

- Quán-tưởng = suy-nghĩ sâu-xa, trong sự an-tịnh, về một đề-tài.

- Thân-tâm năm uẩn: Uẩn = Ấm = nhóm họp lại và che-mờ. Thân-tâm năm uẩn thân tâm gồm có năm uẩn: (1)sắc-uẩn là tấm thân vật-chất; (2)thọ-uẩn là các tình-cảm; (3)tưởng-uẩn là các tư-tưởng; (4) hành-uẩn là các hành-động; (5) thức-uẩn là các sự hiểu-biết. Bốn uẩn sau: thọ, tưởng, hành, thức nhóm-hợp nhau lại mà thành cái tâm.

- Bản-thể của các uẩn: Bản-thể = thể-chất riêng-biệt và thật-sự. Nói "biết rõ bản-thể của các uẩn" là muốn nói, đã biết rõ các uẩn ấy rỗng-rang, vì sự nhóm-họp chung lại mà có, chớ tự chúng chẳng có một bản-thể nào riêng-biệt. Vì tập-hợp lại mà , nên khi rời nhau ra, thì trở nên không, đó là bản-thể rỗng-rang của năm uẩn.

- Quả-vị A-la-hán: Quả-vị = kết-quả của sự tu-tập đã thành-công; A-la-hán: bực Thánh, tu-hành đã dứt hết phiền-não, chẳng còn bị tái-sanh trong Luân-hồi nữa.Tiếng Pali:Phala = quả-vị; Arahant = A-la-hán.

- Quét cho sạch: chữ quét đây, chẳng những có nghĩa là quét tước cho sạch rác-rến bên ngoài, mà còn có nghĩa quét sạch hết các ý-tưởng vọng-động, lang-bang trong tâm, để tâm được thanh-tịnh.

- Tỉnh-giác: Tỉnh = thức-tỉnh, hết mê-mờ; Giác = biết rõ. Tìỉnh-giác là tình-trạng tâm an-tịnh, biết rõ mọi biến-chuyển bên trong, cũng như bên ngoài, luôn luôn giữ được sự chú-ý, chẳng hề lơ-là, xao-lãng.

- Phóng-dật: Phóng =buông-thả; Dật = lỗi-lầm. Phóng-dật là buông-trôi theo các lỗi-lầm, chẳng biết tự kềm-chế trong kỷ-luật.

- Quang-minh = ánh-sáng.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc một vị tỳ-kheo cả ngày chỉ lo quét tước quanh chùa, đến khi được một vị trưởng-lão dạy phải biết việc ngồi Thiền nhập-định là bổn-phận của kẻ tu-hành, nên mới chuyên-tâm tu-tập mà đắc được quả-vị A-la-hán.

Ý-nghĩa của Tích chuyện nằm trong chữ quét, quét cho sạch chẳng những các rác-rến quanh chùa, mà còn là quét cho sạch các vọng-tưởng, phiền-não trong tâm, để cho tâm được thanh-tịnh.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 172:

Thử phân-tách bài Kệ ra từng câu:

1) Người trước kia buông-lung, phóng-dật: đây là nói về người sống buông trôi, chẳng có định-hướng, chạy theo các thú-vui vật-chất, thỏa-mãn các nhu-cầu tầm-thường, chẳng lo việc tu-tập. Hai chữ buông-lung phóng-dật đồng nghĩa nhau, thường là làm biếng.

2) Về sau biết tỉnh-giác chuyên-cần: đây là nói về người đã thức-tỉnh, nhận ra được sự lỗi-lầm, lười biếng của mình, mà trở nên người tỉnh-giác, tâm biết quay vào bên trong tâm, lo dọn-dẹp sạch-sẽ tâm mình, bỏ vọng-tưởng lang-bang, dứt phiền-não tham, sân, si.

3) Ánh quang-minh soi khắp thế-gian, như trăng sáng thoát mây che-lấp: đây là nói ánh-sáng của Trí-huệ đang vẹt bỏ được sự u-tối của si-mê, ví với đám mây đang che mặt trăng sáng.

HỌC TẬP:

1.- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ: tu là tu tâm, phải quét sạch các vọng-tưởng và phiền-não, để Trí-huệ được phát-triển.

2.- Xin ngưng một phút để tự-hỏi lòng mình: đã tỉnh-giác chưa?

(142).- Tích chuyện Trưởng-lão Vô-não.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Vô-não.

Thuở ấy ở nước Câu-tát-la, có người con trai của vị quốc-sư trong triều vua Ba-tư-nặc, tên là Vô-não. Chàng trai rất thông-minh, được cha gởi đi học ở thành Ta-xi-la. Vô-não rất siêng-năng và khéo vâng lời thầy dạy, nên rất được lòng thầy thương-mến, khiến cho các bạn đồng-học sanh ra ganh-tị. Họ đặt điều nói xấu, vu-oan cho Vô-não có dan-díu với vợ của thầy. Ban đầu, vị thầy chẳng tin việc đó, nhưng ngày lại ngày, nghe mãi lời ton-hót của bọn học-trò, khiến cho ông ta phải tin theo. Ông ta nghĩ nếu mình giết chết Vô-não thì chẳng những bị tù-tội mà còn bị quả-báo nặng-nề nữa. Ông tìm được một mưu-kế khác, còn tệ-hại hơn là ám-sát Vô-não. Ông liền kêu Vô-não lại và nói riêng: "Thầy có một phép bí-quyết thật cao-thâm, huyền-diệu, muốn truyền lại cho trò, nhưng phép ấy đòi hỏi mạng sống của một trăm người, trò phải giết chết đủ số đó, cả đàn-ông lẫn đàn-bà, đem nộp bằng-cớ cho thầy, thì thầy sẽ dạy cho." Vô-não rất muốn có được bí-quyết đó, nhưng còn ngần-ngại chẳng muốn sát sanh hại mạng. Nhưng về sau, lòng ham-muốn được phép-lực cao-thâm, huyền-diệu thúc-đẩy quá mạnh-mẽ, Vô-não bỏ vào rừng sâu ẩn-núp, rình giết người cho đủ số để nạp cho thầy.

Chẳng bao lâu, tiếng-tăm tàn-ác của Vô-não cướp của giết người, chặt lấy ngón tay, kết thành xâu chuỗi đeo ở cổ, khiến dân quá sợ-hãi, gọi Vô-não là tướng cướp Chỉ-man, và tâu-trình lên vua. Vua Ba-tư-nặc liền chỉnh-đốn quân-đội, định đem quân vây bắt Chỉ-man. Bà mẹ của Chỉ-man, vì lòng thương con, sáng hôm ấy, định vào rừng báo tin cho con. Cùng ngày ấy, vào lúc tinh-sương, Đức Phật nhập thiền-định, quán-thấy Vô-não sắp phạm tội ngũ-nghịch vì giết mẹ, rồi sẽ bị sa vào điạ-ngục A-tỳ, nên thương-xót, Ngài liền đi vào rừng để ngăn Chỉ-man. Tên tướng cướp sau một đêm mất ngủ, sáng ra đếm xâu chuỗi ngón tay lại, thấy còn thiếu một mạng nữa là đủ một trăm, mới quyết-tâm hôm nay hễ gặp ai là giết ngay cho đủ số, đem nộp cho thầy. Vừa đến ven rừng, Chỉ-man bỗng thấy Đức Phật đi tới. Anh liền khoa ngọn dao bén nhọn lên chực đâm; bỗng đâu tay chơn bủn-rủn vì mệt-mỏi, hắn ngẩng đầu lên nhìn Đức Phật mà thét lên: "Ớ nầy ông thầy tu, sao ông chẳng dừng lại?" Đức Phật dừng bước: "Này Chỉ-man, ta đã dừng từ lâu rồi, chỉ có anh là chưa chịu dừng đó thôi!" Chỉ-man còn chưa hiểu ý Đức Phật, mới hỏi; Đức Phật đáp: "Nầy Chỉ-man, đã từ lâu ta dừng nghỉ việc sát-hại chúng-sanh; còn anh, anh vẫn còn chưa chịu dừng lại việc giết người, cướp của đó." Nghe lời nói phải, trông dáng mạo trang-nghiêm đẹp-đẽ của người đứng trước mặt mình, Chỉ-man bỗng tỉnh-ngộ, biết đang gặp Đức Phật. Anh liền quăng dao đi, quì xuống xin qui-y cùng Đức Phật. Đức Phật vui-vẻ chấp-nhận và cùng với Vô-não trở về chùa Kỳ-viên.

Kể từ ngày gia-nhập Tăng-đoàn, Vô-não chuyên-cần, tinh-tấn tu-hành, nên chẳng bao lâu chứng được quả-vị A-la-hán. Một hôm, vào buổi sáng, đang đi khất-thực, Trưởng-lão Vô-não gặp một đám người đang đánh lộn, quăng đá vào nhau. Một hòn đá lớn va phải đầu của Trưởng-lão, gây thương-tích nặng, nhưng Trưởng-lão cũng ráng về đến chùa. Đức Phật đến thăm hỏi, và nói: "Nầy Vô-não, ngày trước con đã gây nhiều tội-ác giết người, lẽ ra phải sa vào địa-ngục A-tỳ; nhưng nay con đã ăn-năn sám-hối, tinh-tấn tu-hành, vậy con nên nhẫn-nhục mà chịu lấy quả-báo nầy, tránh cho con khỏi phải sa vào nẻo dữ." Trưởng-lão lắng nghe lời Phật dạy, lặng-lẽ nhập Niết-bàn.

Các vị tỳ-kheo muốn biết Trưởng-lão Vô-não được tái-sanh về đâu, mới thưa hỏi Phật. Nghe đáp Trưởng-lão đã nhập Niết-bàn, các vị tỳ-kheo rất đổi ngạc-nhiên. Đức Phật nói: "Trước kia, vì mê-lầm, chẳng có bạn hiền, nên Vô-não mới phạm tội ác. Về sau, biết ăn-năn sám-hối, chuyên-tâm tỉnh-giác làm việc thiện, tuân theo Chánh-pháp, tinh-tấn tu-hành, nên nay nhờ cơ-duyên lành của việc thiện chận đứng được ác-báo." Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Người trước kia trót gây tội-ác,
Nay sửa sai bằng các hạnh lành,
Ánh quang-minh soi khắp thế-gian,
Như trăng sáng thoát mây che lấp.
(Kệ số 173.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Vô-não, Chỉ-man = tên vị trưởng-lão, cựu tướng cướp nầy, tiếng Pali là Ahimsaka, dịch là Vô-não, Bất-hại, chẳng hại ai; và Angulimàla, phiên-âm là Ưong-quật-ma-la, dịch là Chỉ-man, chùm ngón tay. (Não = não-hại; gây phiền-não; Chỉ = ngón tay; Man = chùm.)

- Quốc-sư: Quốc = nước; Sư = thầy; Quốc-sư là thầy dạy Đạo cho cả nước; thầy dạy Đạo cho Vua.

- Vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la: tên vị vua nầy, tiếng Pali là Pasenadi, cai-trị nước Kosala, giáp ranh với nước Xá-vệ (Savatthi).

- Ta-xi-la: tên thị-trấn nầy, tiếng Pali là Taxila.

- Ton-hót: đặt điều láo-khoét nói tới nói lui mãi, để hại ai.

- Ám-sát: Ám = mờ-ám, lén; Sát = giết; Ám-sát là giết lén.

- Bí-quyết: Bí = bí-mật, kín; Quyết = pháp-thuật mầu-nhiệm.

- Huyền-diệu = sâu-kín, khéo-léo và nhiệm-mầu.

- Chỉnh-đốn = sắp sửa hàng-ngũ cho chỉnh-tề.

-Sáng tinh-sương = mờ-mờ sáng, mặt trời chưa lên, còn sương.

- Nhập Thiền-định, quán-thấy = ngồi Thiền và thấy rõ trong tâm.

- Tội ngũ-nghịch: năm tội lớn sẽ bị đoạ vào Điạ-ngục A-tỳ. Đó là: giết cha, mẹ, A-la-hán, chém Phật và phá sự hoà-hợp Tăng-đoàn.

- Điạ-ngục A-tỳ = tên điạ-ngục nầy, tiếng Pali là Avìci, dịch nghĩa là Vô-gián, tức là chịu hình-phạt liên-tục chẳng ngừng-nghỉ.

- Khoa dao = giơ cao con dao lên để đâm mạnh.

- Tỉnh-ngộ: Tỉnh = thức-tỉnh, hết mê; Ngộ = hiểu rõ; Tỉnh-ngộ là trở nên sáng-suốt, nhận biết mình lầm-lỗi, cần sửa lại.

- Qui-y: Qui = quay về; Y =nương-tựa; Qui-y là mình tìm về nương-tựa tinh-thần mình vào ai, hay vào sự-việc gì.

- Thương-tích: vết thương, đổ máu, gãy xương, v.v.

- Ăn-năn = Sám-hối: chịu nhận lỗi mình, tỏ ra hối-tiếc đã có lỗi và hứa xin chừa chẳng tái-phạm nữa.

- Nhẫn-nhục: chịu nhịn, bền gan chịu đựng mà chẳng oán-than.

- Quả-báo: Quả = kết-quả, hậu-quả; báo = báo đền,; Quả-báo là sự-việc xảy ra sau, do một hành-động cũ đã có trước làm nguyên-nhơn mà quả-báo là hậu-quả, chiếu theo Luật Nhơn-quả.

- Nhập Niết-bàn: lià bỏ xác thân, đi vào cõi tịch-diệt, vắng-lặng.

- Cơ-duyên lành = điều may-mắn tốt. Vì tu-hành, làm việc thiện nên được hưởng cơ-duyên lành.

- Ác-báo: Ác = xấu, dữ; Báo = quả-báo. Ác-báo là quả-báo xấu.

- Sửa sai = sửa đổi điều sai-lầm, theo con đường chơn-chánh.

- Hạnh lành = các hành-động tốt, giúp đỡ người khác.

- Ánh quang-minh = ánh-sáng rực-rỡ.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang nhiều ý-nghĩa:

1) Nghe hoài lời ton-hót, rồi cũng tin theo: đây là một lỗi-lầm, cần tránh, bằng cách phải điều-tra sự-thật, khi nghe lời dèm.

2) Mưu-kế để hại Vô-não bằng cách xúi đi giết người, người bầy mưu có bị quả-báo không? Có, phải chịu quả-báo như chính mình đi giết vậy. Trong Kinh: cấm giết và cấm xúi, bảo giết.

3) Sao chẳng dừng lại? Chỉ-man hiểu chữ dừng dừng bước; còn Đức Phật nói dừng là ý muốn nói, thôi chẳng làm tiếp-tục nữa; tức là, từ-khước chẳng làm điều ác nữa. Đây là ý-nghĩa quan-trọng nhứt của Tích chuyện: mặc dầu đã trót làm điều dữ, nhưng biết dừng lại, thôi chẳng làm ác nữa, và làm điều thiện, thì quả-báo xấu chẳng có đủ cơ-duyên để trỗ quả, nhờ đó mà tạm-thời tránh được. Trong trường-hợp của Chỉ-man, nhờ biết ăn-năn tội-ác và quay về con đường lành, nên mới bị trúng đá mà chết, khỏi phải sa vào địa-ngục A-tỳ. Tích chuyện cho thấy, việc tu-hành chơn-chánh cải-đổi được nghiệp-báo; vì thế, nên siêng làm lễ sám-hối và gắng làm việc thiện.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 173:

Bài Kệ nầy giống bài Kệ trước, số 172, ở hai câu chót, nói về hiệu-quả tốt của sự bỏ điều quấy mà theo điều lành. Ý-nghĩa cũng giống bài trước: khuyên ta nên sớm cải tà qui chánh, ăn-năn tội-lỗi và siêng làm lành lánh dữ để cải-thiện nghiệp-lực của mình.

HỌC TẬP:

- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ: có thể sửa được mạng-vận xấu, bằng cách siêng năng làm việc thiện và từ-khước hẳn việc ác.

(143).- Tích chuyện cô gái quay tơ.

Vào một thời kia, Đức Phật du-hành đến xứ Anh-huy, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một cô gái quay tơ.

Dạo ấy, sau buổi lễ trai-tăng ở Anh-huy, Đức Phật có giảng-pháp cho dân-chúng nghe. Hôm ấy, Ngài giảng-dạy về sự vô-thường của thân-tâm năm uẩn. Ngài nói: "Cuộc sống của ta thì vô-thường, còn sự chết lại là thường. Chắc-chắn rồi đây có ngày ta sẽ chết, đời ta chấm-dứt bằng sự chết-chóc. Cho nên, sống là vô-thường, còn chết là thường vậy." Đức Phật khuyên mọi người nên nhận rõ bản-thể chơn-thật của năm uẩn, chúng tạm-thời hoà-hiệp nhau mà thành sự sống, đến khi chúng rời nhau ra là cái chết đã tới nơi. Ngài nhấn mạnh: "Như một người cầm trong tay một cây gậy hay một ngọn chỉa nhọn sẵn-sàng đối-phó với kẻ thù, hay với một con rắn độc, người đời phải luôn luôn tỉnh-giác và trầm-tĩnh để đối-diện với cái chết. Có như thế, đến lúc ra đi vĩnh-viễn, mới chọn theo được đường lành." Lời giảng-dạy đó của Đức Phật chỉ được một số ít người lưu-tâm đến, trong số nầy, có một cô gái mười sáu tuổi, chuyên việc quay tơ cho cha dệt lụa. Sau buổi thuyết-pháp, Đức Phật lên đường trở về chùa Kỳ-viên.

Bẵng đi ba năm, một hôm Đức Phật nhập-định, quan-sát khắp pháp-giới, Ngài quán-thấy đã đủ cơ-duyên cho cô gái quay tơ năm xưa chứng được quả-vị Tu-đà-huờn. Ngài liền lên đường trở lại xứ Anh-huy, để giảng Chánh-pháp một lần nữa. Hay tin Đức Phật đến xứ mình, cô gái quay tơ muốn đến ngay để nghe pháp; nhưng còn phải mang ba cuộn tơ đến xưởng dệt cho cha cô đang chờ.Trên đường đến xưởng, cô đi ngang qua nơi giảng-pháp, dừng lại, ngồi xuống phiá ngoài, tai lắng nghe lời Đức Phật. Đấng Thế-tôn nhìn thẳng vào cô gái, Ngài vừa quán-thấy cô gái sẽ tử-nạn ngay sau khi gặp cha, nếu chờ đến bận quay về thì lỡ mất cơ-hội để nghe được Chánh-pháp. Ngài liền ngưng nói, ngẩng nhìn chăm-chú vào cô gái. Cô gái liền bạo-dạn lách đám đông, đặt giỏ tơ xuống đất, quì trước Đức Phật mà đảnh-lễ. Đức Phật liền hỏi cô bốn câu và cô lễ-phép đáp ngay như sau:

1. Hỏi: Cô từ đâu tới?

Đáp: Con chẳng biết.

2) Hỏi: đi về đâu?

Đáp: Con chẳng biết.

3) Hỏi: Cô biết không?

Đáp: Vâng, con có biết.

4) Hỏi: Cô biết được không?

Đáp: Không, con chẳng biết được.

Nghe lời đối-đáp của cô gái quay tơ, Đức Phật tỏ vẻ hài-lòng, nhưng các người ngồi nghe pháp lại chẳng hiểu ý-nghĩa thâm-sâu của bốn câu hỏi và bốn câu trả lời. Đức Phật liền bảo cô gái giải-thích, cô đã hiểu ra sao mà trả lời như thế.

Cô gái thưa: "Bạch Thế-tôn, về câu hỏi thứ nhứt, Ngài đã biết con từ nhà con mà tới đây, mà còn hỏi con, từ đâu tới?, con nghĩ ý Ngài muốn hỏi con, từ kiếp nào mà tới đây?, vì thế mà con đã thưa, con chẳng biết. Về câu hỏi thứ hai, con nghĩ khi hỏi con đi về đâu là ý Ngài muốn hỏi con có biết chăng, kiếp sau đi về đâu?, nên con thưa, con chẳng biết. Về câu hỏi thứ ba, Ngài hỏi con có biết không?, con nghĩ ý Ngài muốn hỏi con có biết mình sẽ chết không?, nên con mới đáp, Vâng, con có biết. Về câu chót, Ngài hỏi, có biết được không?, con nghĩ ý Ngài muốn hỏi con có biết được lúc nào sẽ chết không?, nên con mới trả lời, con chẳng biết được."

Đức Phật khen-ngợi cô gái quay tơ đã đáp rõ-ràng các câu hỏi đúng theo ý Phật, Ngài liền nói với các người ngồi nghe: "Trong số quí vị ngồi đây, cũng có ít người đã hiểu thấu ý-nghĩa sâu-xa các lời giải-đáp của cô thiếu-nữ quay tơ nầy. Những ai còn mê-mờ chẳng biết thì đang sống trong cảnh tối-tăm như kẻ mù-loà."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà cô gái quay tơ chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:

Thế-gian nầy đầy người mù-quáng;
Biết trông xa, loáng-thoáng vài người.
Như bầy chim, ít con thoát lưới,
Thật hiếm người lên tới Thiên-đàng.
(Kệ số 174.)

Sau đó, cô gái quay tơ lên đường đến xưởng dệt lụa. Cha cô chờ lâu đang ngủ gục bên khung cửi, nghe tiếng cô gọi, giựt mình thức dậy, tay quờ-quạng đụng nhằm chốt cửi, đánh bật văng con thoi ra, trúng mạnh vào ngực cô. Cô té xuống đất và thở hơi cuối cùng, đúng như lời tiên-đoán tai-nạn của Đức Phật. Cha cô hoảng-hốt đỡ con lên, nhưng chậm mất rồi. Ông khóc nức-nở, rồi bỏ nghề, vào chùa xin làm tỳ-kheo. Chẳng bao lâu, ông chứng được quả-vị A-la-hán.

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Xứ Anh-huy: tên phần đất nầy, tiếng Pali là àlavì.

- Trai-tăng: dưng cơm chay lên cho các vị Tăng.

- Vô-thường: Vô = chẳng; Thường = thường-hằng, thường còn hoài. Lẽ Vô-thường có nghĩa là sự biến-đổi chẳng thể tránh được của muôn sự-vật có hình-tướng, để về sau trở thành hư-hoại.

- Thân-tâm năm uẩn: Uẩn = Ấm = nhóm họp lại và che-mờ. Có năm uẩn hợp lại thành thân-tâm nầy: (1) sắc-uẩn, phần vật-chất, là Thân; (2) thọ-uẩn, các tình-cảm; (3) tưởng-uẩn, các ý-tưởng; (4) hành-uẩn, các hành-động; (5) thức-uẩn, các sự hiểu-biết; bốn uẩn sau lập thành Tâm. Năm uẩn khi hợp nhau lại thì có sự sống; khi rời nhau ra thì chết. Vì năm uẩn chỉ tạm-thời họp lại, mới gọi chúng là vô-thường

- Bản-thể chơn-thật của năm uẩn: Bản-thể = chỗ cội-rễ của một sự-vật; nguyên-thể; chơn-thật = thật sự, có thiệt. Tìm hiểu bản-thể của năm uẩn là phân-tách năm uẩn ra từng phần nhỏ, bỏ đi, xem lại coi còn chất nào, sự nào, việc nào chẳng bị tách ra được nữa, nếu có thì chất ấy là bản-thể; nhưng khi phân-tách năm uẩn ra, ta thấy thân-tâm chẳng còn gì nữa, nên mới gọi bản-thể chơn thật của năm uẩn không, rỗng-rang, vì thế mà chẳng thường-còn, nên mới nói rằng thân-tâm năm uẩn nầy là vô-thường.

- Tỉnh-giác = luôn luôn chú-ý biết mọi sự biến-chuyển trong và ngoài tâm. Trái với tỉnh-giác lơ-là, vô-ý, vô-tâm, thiếu sự chú-tâm, phóng-dật, buông-lung.

- Đối-diện = thấy hiện có ở trước mặt. Chữ đối-diện đây có nghĩa là đương-đầu, đối-phó với.

- Ra đi vĩnh-viễn = chết, lià thân-xác. (Vĩnh-viễn = mãi mãi.)

- Chọn theo được đường lành: Sau khi chết đời nầy, sẽ sanh vào đời sau, ở một trong sáu đường. Ba đường dữ: (1)địa-ngục,(2)ngạ-quỉ ( = quỉ đói);(3) súc-sanh( = thú-vật). Ba đường lành: (4)cõi người; (5) cõi A-tu-la( =Asura, thần-linh); (6) cõi Trời.

- Lưu-tâm = để-ý đến và hiểu rõ.

- Pháp-giới: thế-giới, vũ-trụ. Tiếng thường gọi là thế-giới; tiếng chuyên-môn Phật-học gọi là pháp-giới, cảnh-giới của toàn-thể sự-vật trong trời đất, trong vũ-trụ.

-Nhập-định, quán-thấy: khi ngồi Thiền, tâm an-định nhìn thấy rõ trong tâm. (Tâm an-định = nhập-định; thấy rõ trong tâm = quán-thấy.)

- Cơ-duyên: Cơ = cơ-hội; duyên = duyên-do. Cơ-duyên, đây, chỉ cho cơ-hội may-mắn.

- Quả-vị Tu-đà-huờn: khi tu thành-công, gọi là chứng quả-vị. Có bốn quả-vị: (1)Tu-đà-huờn ( = Sotàpatti, còn gọi là Nhập-Lưu, Thất-Lai); (2)Tư-đà-hàm ( =Sakadàgàmin, còn gọi là Nhứt-Lai); (3) A-na-hàm ( =Anàgàmin, còn gọi là Bất-Lai); (4) A-la-hán ( = Arahant). Ba quả-vị trước còn phải tái-sanh, nên được gọi là bực Hiền; quả A-la-hán, cao nhứt, chứng được vô-sanh ( = hết bị tái-sanh) là bực Thánh.

- Tử-nạn: Tử = chết; Nạn = tai-nạn; Tử-nạn = bị tai-nạn mà chết.

- Đảnh-lễ = qùi xuống lạy để làm lễ ra mắt.

- Hài lòng = ưng ý, vừa bụng, vui lòng.

- Giải-thích = cắt nghĩa rõ ra.

- Thế-tôn: Thế = thế-gian; Tôn = tôn-kính; Thế-tôn là bực được cả thế-gian tôn-kính. Đệ-tử gọi Phật là Thế-tôn, Phật tự-xưng là Như-lai.

- Kiếp: nghĩa thông-thường là đời sống; có kiếp trước, kiếp sau. Nhưng nghĩa chuyên-môn trong Phật-học, một kiếp (kalpa = kiếp-ba) dài đến một triệu năm ( = bá vạn niên).

- Mù-loà = cặp mắt bị hư, chẳng thấy ánh-sáng.

- Mù-quáng = đây, nghĩa bóng là chẳng thấy biết con đường tu

- Loáng-thoáng = thưa-thớt, chẳng được bao nhiêu.

- Hiếm = rất ít.

- Thiên-đàng: cảnh sung-sướng trên cõi Trời. Trái với điạ-ngục.

- Khung cửi = máy bằng gỗ, đạp bằng chơn, dùng để dệt vải, lụa.

- Con thoi = ống chỉ bằng đồng chạy qua, chạy lại trên khung cửi.

- Tiên-đoán = Tiên = trước; Tiên-đoán đoán biết trước được.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện có hai ý-nghĩa: lời Phật dạy về lẽ vô-thường của thân-tâm năm uẩn, và bốn câu hỏi của Phật nêu ra để chỉ về cái chết.

Về ý-nghĩa thứ nhứt, lẽ vô-thường của thân-tâm năm uẩn, trước ta phải biết năm uẩn là gì, mỗi uẩn gồm có những gì, kết-hợp với các uẩn khác ra sao, sau đó xét đến khi thiếu một uẩn thì thân-tâm trở nên thế nào, mà suy ra sự chẳng bền-vững của thân-tâm năm uẩn. Vì chẳng bền-vững, nên vô-thường; vì vô-thường, nên bất- toại-nguyện, chẳng vừa ý; vì bất-toại-nguyện, nên sanh ra đau-khổ; đau-khổ, nên tìm về sự tu-hành để giải-thoát. Đó là các chặn-đường quán-chiếu về thân-tâm vô-thường. Để dễ ghi nhớ lẽ vô-thường, nên thường thường quán-chiếu ảo-ảnh, bọt nước, sương mai, điện-chớp và thân bất-tịnh.

Về ý-nghĩa thứ hai của Tích chuyện là sự chết, Đức Phật nêu ra bốn câu hỏi: câu (1) về kiếp trước; câu (2) về kiếp sau; câu (3) về sự ai cũng phải chết; câu (4) về biết lúc nào sẽ chết. Hiểu rõ hai câu đầu về kiếp trước và kiếp sau là hiểu được cuộc sanh-tử trong vòng lẩn-quẩn của Luân-hồi, nên mới có các đời trước, đời nầy và các đời sau. Hiểu rõ hai câu sau về cái chết và chết đến lúc nào là hiểu được thân-phận của con người chẳng trốn được cái chết. Khi hiểu rõ cả bốn câu, ta mới tự-hỏi, vậy có cách nào để khỏi phải chết, khỏi phải bị tái-sanh lẩn-quẩn mãi chăng? - Có cách, cách đó được dạy trong Chánh-pháp, ai biết tu-tập theo đúng sẽ được giải-thoát khỏi Luân-hồi.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 174:

1.- Hai câu đầu: Thế-gian nhiều người mù-quáng, chẳng hiểu rõ lẽ sống-chết, mà lại ít có người biết trông xa, thấy rõ cảnh Luân-hồi.

2.- Hai câu chót: Chim thoát lưới ví cho những người thoát khỏi cảnh sanh-tử, tử sanh của vòng Luân-hồi khổ-đau lẩn-quẩn.

HỌC TẬP:

- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ về thân-phận sống-chết của mọi chúng-sanh trong vòng lẩn-quẩn, đầy đau-khổ của cõi Luân-hồi.

(144).- Tích chuyện ba mươi tỳ-kheo đắc thần-thông.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến ba mươi vị tỳ-kheo đắc được thần-thông.

Thuở ấy, có ba mươi vỉ tỳ-kheo đến đảnh-lễ Đức Phật. Lúc bấy giờ, Tôn-giả A-nan đang hầu-cận bên Đức Phật, thấy Đức Phật có khách, nên mới bước ra ngoài, chờ đợi. Một hồi lâu sau, Tôn-giả A-nan trở vào trong, chẳng trông thấy các vị tỳ-kheo nữa, mới hỏi Đức Phật các vị ấy bây giờ đang ở đâu. Đức Phật bảo: "Nầy A-nan, các tỳ-kheo đó, sau khi nghe Ta giảng-pháp, đã chứng-đắc được quả-vị A-la-hán, nên họ mới dùng thần-thông phi giữa không-gian mà ra đi."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Thiên-nga bay theo đường mặt nhựt,
Bực thần-thông phi giữa không-gian.
Hàng hiền-trí thoát khỏi thế-gian,
Nhờ thắng Ma-vương và quyến-thuộc.
(Kệ số 175.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Thần-thông: nhờ định-lực tâm-thần cao mà có được các quyền-năng siêu-nhiên, như bay trên không, biến-hoá, v.v.

- Đảnh-lễ: quì lạy để làm lễ ra mắt.

- Hầu-cận = hầu-hạ ở gần bên cạnh.

- Chứng-đắc quả-vị = tu-hành đã thành-công. (Chứng-đắc = đuợc; Quả-vị: Quả = kết-quả; Vị = ngôi-vị, điạ-vị.)

- A-la-hán: quả-vị cao nhứt trong hàng Thanh-văn( =đệ-tử sống bên Phật, nghe giảng Kinh mà tu-tập), diệt hết các phiền-não, chứng được vô-sanh( = hết bị tái-sanh trong Luân-hồi). Tiếng Pali là Arahant.

- Phi giữa không-gian = bay lên trên không-gian.

- Thiên-nga = ngỗng trời, lông màu trắng.

- Mặt nhựt = mặt trời.

- Hiền-trí: Hiền = hiền-lành; Trí = trí-huệ. Bực Hiền-trí là bực hiền-lành có trí-huệ sáng-suốt, thấm-nhuần Chánh-pháp.

- Ma-vương = vua loài Ma; còn gọi là Ma Ba-tuần.

- Quyến-thuộc = họ-hàng, bà-con. Ma-vương và quyến-thuộc, đây, ám chỉ các sự cám-dỗ, quyến-rũ, xúi-dục làm điều quấy.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất đơn-sơ, kể lại việc ba mươi vị tỳ-kheo nhờ nghe Đức Phật giảng-pháp mà chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán. Theo Tích chuyện, các vị ấy sau khi đắc quả, dùng thần-thông, bay lên không-gian mà ra về, khiến cho Tôn-giả A-nan chẳng nhìn thấy được.

Vấn-đề đặt ra cho chúng ta ngày nay là: việc đắc thần-thông, bay lên trên không, có thật hay không? Xét theo lý, việc chưa thấy tận mắt, nghe tận tai, ta chẳng nên vội tin ngay; nhưng chính mình chưa thấy, chưa nghe, mình vẫn chẳng chưa có quyền quả-quyết là việc ấy chẳng có. Tại sao? Vì có thể việc ấy có thật mà mình còn chưa đủ điều-kiện để thấy nghe được. Thái-độ đứng-đắn là đối với các sự-việc có vẻ siêu-nhiên, ta nên tỏ ra dè-dặt: chớ vội tin theo, mà cũng chớ vội bác-bỏ, hãy dè-dặt mà chẳng nghi-ngờ, giữ thái-độ chờ và xem.

Việc chứng-đắc thần-thông vào thời Đức Phật, theo trong Kinh sách, chẳng phải là chẳng có. Nhưng điều ta phải tin, là tin vào lời Phật dạy. Về thần-thông, Phật dạy thế nào? Ngài thường nhắc-nhở các tỳ-kheo mong-cầu sớm đắc thần-thông rằng, việc chứng-đắc thần-thông, tự nó sẽ đến, khi tu-tập đàng-hoàng, giữ giới-đức vẹn-toàn, thân-tâm hoàn-toàn thanh-tịnh, chớ mong-cầu được sớm đắc thần-thông. Thiển-nghĩ, còn mong-cầu đắc thần-thông sớm, là còn tham, còn chưa dẹp sạch cái tham muốn có thần-thông để hơn người.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 175:

Ý-nghĩa của bài Kệ nằm trong hai câu chót: thoát khỏi thế-gian nhờ thắng Ma-vương. Thoát khỏi thế-gian, chẳng phải là bay trên trời, mà là dứt hết các phiền-não ở thế-gian. Thắng được Ma-vương, chẳng phải là dùng thần-thông đánh lộn với Ma, mà là tự thắng được sự cám-dỗ trong lòng mình. Dẹp hết các phiền-não, thắng được sự cám-dỗ, đó chưa phải là thần-thông hay sao?

(145).- Tích chuyện bà Chỉnh-ca-mã.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến bà Chỉnh-ca-mã đã phao-vu tội dâm cho Đức Phật.

Thuở ấy, các nhóm tu-sĩ khổ-hạnh ngoại-đạo rất ghen-ghét Đức Phật vì các tín-đồ của họ càng ngày càng bỏ họ mà quy-y với Đức Phật. Họ bàn mưu để làm mất danh-dự của Phật. Họ kêu một người nữ-đồ-đệ rất trung-thành với họ là bà Chỉnh-ca-mã đến và nói: "Nầy tín-nữ, vì quyền-lợi chung của giáo-phái chúng ta, tín-nữ nên làm như thế nầy, để nhục-mạ Sa-môn Cồ-đàm..." Bà Chỉnh vâng lời làm theo.

Mỗi buổi chiều, vào lúc chạng-vạng, bà Chỉnh, tay cầm bó hoa, đi hướng về chùa Kỳ-viên. Gặp ai hỏi đi đâu, bà đáp, đi vào ngủ trong chùa. Đến lúc trời tối, bà Chỉnh lẻn sang lều của các tu-sĩ khổ-hạnh ngoại-đạo. Sáng sớm ra, bà đi về, ai có hỏi đi đâu mà về sớm thế, bà đáp, vừa từ hương-phòng của Phật ra, sau một đêm ở đấy. Cứ như thế, bà Chỉnh đi đi về về trong bốn tháng. Sau đó, bà lấy khăn quấn bụng, độn to u-u lên, làm như đang có thai. Bảy, tám tháng sau, bà lấy nhiều vải bọc một miếng gỗ mỏng, buộc trước bụng to phồng lên, dùng thuốc thoa tay chơn sưng-vù lên, trông giống như người đàn-bà sắp đến kỳ sanh-đẻ. Bà giả-bộ mệt-mỏi, lê bước tới chùa Kỳ-viên, vào lúc xế chiều khi Đức Phật còn đang giảng-pháp cho các tỳ-kheo và thiện-nam, tín-nữ nghe. Bà ong-óng miệng nói to: "Ớ nầy ông Sa-môn Cồ-đàm! Ông ngồi êm trên bồ-đoàn kia, sướng quá hả, sao ông chẳng giúp đỡ gì cho người đàn-bà mà ông cho mang bầu là tôi đang sắp sanh đây? Ông chỉ biết hưởng thú-vui xác-thịt với tôi mà chẳng chịu nhận lấy trách-nhiệm với người mà ông đã ôm-ấp." Đức Phật ngưng giảng, ôn-tồn bảo: "Nầy chị, chỉ có chị với tôi mới biết rõ là chị có nói đúng sự-thật hay không." Bà Chỉnh tru-tréo: "Ừ! Phải đó, chuyện giữa hai ta, ai vào đó mà biết được?"

Bấy giờ, vua Trời Đế-Thích nhìn xuống, biết chuyện gay-cấn đang diễn ra tại chùa Kỳ-viên. Ngài liền sai bốn vị thiên-nam, biến hình thành bốn con chuột lắt, cắn đứt mấy sợi dây quấn bụng bà Chỉnh, khiến cho tấm ván mỏng rơi tuột xuống. Sự-thật được phơi-bày ra, dân chúng đang ngồi nghe, nổi giận lên, tống cổ bà Chỉnh ra khỏi chùa. Sượng-sùng, bà Chỉnh vừa ra khỏi cổng chùa, đất nứt ra, hút sâu bà sa vào điạ-ngục.

Tối hôm ấy, các vị tỳ-kheo bàn-tán về tấn bi-hài-kịch buổi xế, Đức Phật đi ngang qua, nghe thấy, mới bảo: "Nầy chư tỳ-kheo, một người đã chà-đạp Sự-thật như thế, còn có điều ác nào mà y chẳng dám làm, chẳng hề nghĩ đến ác-báo vào kiếp sau."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Kẻ nào Chơn-lý mà vi-phạm,
Dùng lời vọng-ngữ nói rêu-rao,
Bác bỏ rằng chẳng có đời sau,
Còn có ác nào, hắn chẳng dám?
(Kệ số 176.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Chỉnh-ca-mã: tên người đàn-bà nầy, tiếng Pali là Cincamànavika

- Phao-vu: đặt điều nói xấu rêu-rao cho kẻ khác.

- Khổ-hạnh = đưòng-lối tu-hành ép-xác như nhịn đói khát, luôn ngồi xổm chẳng nằm, loã-thể, v.v.

- Tín-đồ: Tín = tin-tưởng theo; Đồ = đồ-đệ, học-trò đạo, đệ-tử.

- Quy-y: Quy = quay về, Y =nương-tựa; Quy-y là tìm về nương-tựa

- Chạng-vạng = lúc gần chiều tối, mờ mờ.

- Hương-phòng = căn phòng có hương thơm, dành riêng cho Đức Phật; tiếng Pali là Gandhakutì.

- Ong-óng, Tru-tréo = lên cao giọng nói hỗn-hào, vô-lễ.

- Sa-môn: tu-sĩ, phiên-âm chữ Phạn là Sramana, có ba nghĩa: (1) cần-giả ( = siêng làm điều thiện); (2) tức-giả ( = ngưng bỏ các điều ác); (3) bần-giả ( = cam chịu thiếu-thốn).

- Cồ-đàm = họ của Đức Phật Thích-ca, tiếng Pali là Gotama.

- Bồ-đoàn = nệm để ngồi Thiền.

- Mang bầu: nghĩa bóng là có con trong bụng chưa sanh.

-Thiên-nam: Thiên = Trời; Nam = đàn-ông.

- Địa-ngục: Địa = đất; Ngục = nhà giam tù. Theo sự tin-tưởng trong Phật học, kẻ làm tội-ác dữ đời nầy sẽ phải chịu hình-phạt khổ-sở trong địa-ngục, khi chết về cõi âm.

- Tấn bi-hài-kịch: Tấn kịch = vở tuồng; Bi = buồn; hài = vui-cười. Tấn bi-hài kịch là màn đóng kịch vừa buồn, vừa tức cười.

- Ác-báo: Ác = dữ-ác; Báo = quả-báo, báo trả; Ác-báo là việc dữ xảy ra, do vì một tội ác trước đã qua làm nguyên-nhơn, nên nay sanh ra hậu-quả xấu là ác-báo.

- Chơn-lý = Sự-Thật.

- Vi-phạm = làm sai, phạm vào điều cấm.

- Vọng-ngữ: Vọng = giả-dối; Ngữ = lời nói. Vọng-ngữ là nói dối.

- Rêu-rao = nói lớn lên nhiều lần cốt để mọi người nghe mình.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc bà Chỉnh-ca-mã vu-oan tội dâm cho Đức Phật. Chuyện bà độn bụng, bị lộ, thật buồn cười, nhưng sau đó bà bị đất nứt, sa vào địa-ngục.

Ý-nghĩa của Tích chuyện là ngoài việc kẻ nào đặt điều nói láo để hại người khác, thì sẽ bị sa vào địa-ngục; lại còn có sự ngu-ác chẳng chịu tin-tưởng theo giáo-lý là có kiếp sau của Luân-hồi, cứ tưởng-lầm, hễ chết đi là hết (đó gọi là đoạn-kiến, vốn là một tà-kiến.)

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 176:

Bài Kệ dạy rằng, kẻ nào rêu-rao chê-bai chẳng có đời sau hay kiếp sau là vi-phạm vào Chơn-lý, vào Sự-Thật của việc tái-sanh trong vòng Luân-hồi. Đối với kẻ ấy, chẳng có điều ác nào làm cho y sợ-hãi, vì y cho rằng chỉ có một đời thôi, hãy cứ hưởng-thọ điều sung-sướng, hãy cứ dùng mọi cách, tốt xấu chẳng hề gì, miễn là mình được lợi mà thôi, nào có quả-báo Luân-hồi chi ở đời sau mà lo.

Hậu-quả của tà-kiến nầy, cho rằng hễ chết là hết cả, là sẽ sa vào địa-ngục chịu hình-phạt khổ-sở để đền tội.

HỌC TẬP:

- Học thuộc bài Kệ, ghi nhớ: quả-báo, nhơn-quả, trải qua ba đời: các đời trước, đời nầy và các đời sau.

(146).- Tích chuyện công-đức Đại-Bố-thí.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến công-đức Đại-Bố-thí của vua Ba-tư-nặc, xứ Câu-tát-la.

Thuở ấy, vua Ba-tư-nặc có cung-thỉnh Đức Phật và chư Tăng đến hoàng-cung để làm đại-lễ trai-tăng bố-thí. Các vị quan đại-thần cũng tranh nhau cúng-dường Đức Phật và Tăng-đoàn, để thi-đua với nhà Vua. Theo đề-nghị của Hoàng-hậu Mạt-lợi, vua Ba-tư-nặc cho dựng lên một căn lều vĩ-đại, trang-hoàng rực-rỡ, có năm trăm cái lọng bằng tơ trắng, giương ra, được năm trăm con voi trắng cầm, để che mát cho năm trăm vị tỳ-kheo thọ-thí. Ngay giữa lều, mười chiếc đại-thuyền chở đầy hương-hoa thơm ngát; lại có hai trăm năm mươi nàng công-chúa trẻ đẹp cầm quạt, đứng quạt hầu cho các vị tỳ-kheo. Các quan trong triều chẳng tìm đâu ra đủ số lọng trắng, voi trắng và các nàng công-chúa nào, nên đành chịu thua.

Đến ngày đại-lễ, quan đại-thần Dung-hạ nhìn quang-cảnh tráng-lệ, hết lời khen ngợi nhà Vua và tỏ ra rất vui-mừng thấy Vua thực-hiện được công-đức bố-thí vĩ-đại đó. Ông nghĩ rằng công-đức vô-lượng của việc đại-bố-thí nầy, nhà vua sẽ hồi-hướng cho chúng-sanh mọi miền, và chính ông cũng được dự hưởng.Trái lại, quan đại-thần Khả-la thì nghĩ khác; ông cho rằng chỉ trong một ngày mà nhà Vua đã tiêu-phí đến hàng vạn tiền vàng để tổ-chức bố-thí. Theo ông, đó là một sự phí-phạm lớn, làm hao-tổn công-quỹ, các vị tỳ-kheo nên lãnh phần ăn rồi ra về chùa tụng kinh xong đi ngủ là tốt nhứt. Đức Phật quán-thấy tâm-trạng bủn-xỉn của quan Khả-la, Ngài nghĩ rằng, nếu nay Ngài giảng một bài pháp dài để tán-thán công-đức nhà Vua, thì quan đại-thần Khả-la sẽ bất-mãn, và hậu-quả là đời sau, ông ấy sẽ đoạ vào các đường dữ. Vì thế, Đức Phật chỉ giảng một bài pháp thật vắn-tắt, rồi ra về. Vua Ba-tư-nặc thất-vọng, tưởng rằng trong khi cúng-dường, mình có sơ-sót điều chi, nên ngày hôm sau, vua đến yết-kiến Đức Phật.

Vừa trông thấy vua Ba-tư-nặc đến, Đức Phật liền nói: "Hôm qua, nhà vua đã tổ-chức một cuộc đại-bố-thí vô cùng trọng-thể, thật là công-đức vô-biên. Mọi người đều khen-ngợi, chỉ trừ có quan đại-thần Khả-la chẳng thích việc bố-thí, xem đó như lãng-phí tiền-của. Nếu Như-lai thuyết-giảng dài-dòng, ông ta sẽ bất-mãn và trong tâm sẽ nổi lên sự chê-bai việc bố-thí; điều đó khiến cho đời nầy, ông ta chẳng được sung-sướng, mà đời sau lại càng khổ-sở. Vì lẽ ấy mà hôm qua Như-lai chỉ nói vắn-tắt vài lời mà thôi." Đức Phật lại nói tiếp: "Nầy Đại-vương, kẻ ngu-dại chẳng hề khen-ngợi sự bố-thí rộng-rãi của người khác, y sẽ sanh vào cõi dữ. Còn người hiền-trí biết tán-thán lòng từ-thiện của kẻ khác, biết tuỳ-hỉ công-đức, chia xẻ được lợi-lạc cùng người thí-giả và sẽ sanh lên cõi Trời vào đời sau."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Kẻ bủn-xỉn chẳng được sanh Thiên,
Người ngu-dại chẳng khen bố-thí.
Vui với lòng từ-thiện, bực hiền
Đời sau hưởng hạnh-phước vô-biên.
(Kệ số 177.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Đại-Bố-thí: Đại = lớn; Bố = rộng lớn, cùng khắp; Thí = cho. Đại-bố-thí là lễ hiến-tặng thực-phẩm, của-cải thật lớn lao cho nhiều người.

- Vua Ba-tư-nặc xứ Câu-tát-la: Xin nhắc lại, đây là vị vua rất tôn-sùng đạo Phật. Tiếng Pali: vua Pasenadi, nước Kosala.

- Thi-đua = tranh hơn.

- Mạt-lợi: hoàng-hậu rất sùng đạo Phật nầy, tiếng Pali là Mallikà.

- Lọng = cây dù lớn và cao, bên trên mặt bằng, giương ra che mát, trông rất trang-nghiêm, để đón-tiếp các bực quí-trọng.

- Dung-hạ: tên vị quan-lớn nầy, tiếng Pali là Junha.

- Công-đức vô-lượng = hành-động thiện rất rộng lớn. (Công-đức = hành-động thiện-lành, đem lại phước-báu cho người làm; Vô-lượng = chẳng thể tính-toán hết nổi, vì quá rộng lớn.)

- Hồi-hướng: Hồi = quay trở về; Hướng = hướng về, chiếu về; Hồi-hướng là tâm nghĩ đến việc chia xẽ lợi-lạc của công-đức đến kẻ khác.

- Công-quỹ: kho tiền của nhà-nước.

- Bủn-xỉn = keo-kiệt, kẹo, rít-róng, chẳng chịu tốn tiền của mình.

- Khả-la = tên vị đại-thần nầy, tiếng Pali là Kàla.

- Bất-mãn: Bất = chẳng; Mãn = thoả-mãn, vừa lòng. Bất-mãn là chẳng vừa ý, chẳng vui lòng.

- Đường dữ: dịch tiếng Hán-Việt là ác-đạo. Theo Phật-học, chúng-sanh sẽ sanh lại vào một trong sáu đường, ba đường ác ( =ác-đạo) và ba đường lành ( =thiện-đạo). Xin nhắc lại: Ba ác-đạo: (1) điạ-ngục, (2)ngạ-quỉ ( = quỉ đói); (3) súc-sanh ( =thú-vật). Ba thiện-đạo là: (4) cõi người;(5)cõi A-tu-la (Asura, thần-linh);(6) cõi Trời( = sanh Thiên)

- Tán-thán = khen ngợi.

- Từ-thiện: Từ = thương và giúp người; Thiện = lành; Từ-thiện, đây, trỏ vào lòng thương người và siêng-năng làm việc bố-thí.

- Tuỳ-hỉ công-đức: Tùy = theo; hỉ = vui. Tuỳ-hỉ công-đức là khi thấy người khác làm việc thiện, mình tỏ lòng vui-mừng cùng với người ấy, mà chẳng hề ganh-ghét. Đây cũng là một công-đức lành cho người biết tuỳ-hỉ, được chia-xẻ phước-báu với kẻ làm việc thiện.

- Vô-biên = chẳng có bờ bến nào, vì quá lớn (Biên = bờ ranh).

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại công-cuộc đại-bố-thí của Vua Ba-tư-nặc, một vị đại-thần biết ngợi-khen công-đức và biết tuỳ-hỉ công-đức ấy. Trái lại quan Khả-la lại chê-bai việc bố-thí, Đức Phật bảo ông ta chẳng được sung-sướng trong đời nầy, và đời sau, sẽ tái-sanh vào đường dữ.

Ý-nghĩa quan-trọng của Tích chuyện là việc Tuỳ-hỉ công-đức. Đây là một trong mười hạnh của Bồ-tát Phổ-Hiền, vui mừng khi thấy có người làm việc thiện. Khi tuỳ-hỉ, ta diệt được lòng ganh-ghét kẻ khác khi thấy họ làm được việc khó làm, có ích lợi cho chúng-sanh. Khi tuỳ-hỉ, ta chia-xẻ được phước-báu với người đang làm việc thiện: người ấy vui vì làm được việc thiện, ta cũng vui vì thấy người khác thành-công.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 177:

Ý-nghĩa bài Kệ cũng giống với ý-nghĩa Tuỳ-hỉ của Tích chuyện.

HỌC TẬP:

- Học thuộc bài Kệ, đọc lên để nhắc-nhở những kẻ bủn-xỉn, đã chẳng bố-thí, lại chẳng biết tuỳ-hỉ công-đức bố-thí của kẻ khác.

(147).- Tích chuyện con trai ông Cấp-cô-độc.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến ngưòi con trai của ông Cấp-cô-độc, tên là Khả-la.

Ông Cấp-cô-độc là một người đệ-tử tu tại-gia rất thuần-thành của Đức Phật. Ông rất chăm làm việc bố-thí, cứu-giúp kẻ nghèo-khó, cô-đơn, nên được người đời tặng cho danh-hiệu là Cấp-cô-độc. Chính ông đã đem vàng ra trải lên mặt đất để mua khu vườn của Thái-tử Kỳ-đà, cất chùa Kỳ-viên, dưng-cúng Đức Phật và Tăng-đoàn. Nhưng ông có người con trai, tên là Khả-la, lại chẳng chịu nghe Chánh-pháp, mỗi khi Đức Phật đến nhà thuyết-pháp, thì cậu ta lại bỏ đi chơi. Ông Cấp-cô-độc nghĩ ra một cách để cho con mình biết trọng Chánh-pháp. Biết chàng thiếu-niên nầy muốn có tiền riêng để tiêu-phí, ông Cấp-cô-độc liền bảo rằng: "Nầy Khả-la, nếu con chịu vào chùa thọ Bát-quan-trai trong một ngày, cha sẽ cho con mười đồng tiền vàng." Khả-la bằng lòng, vào chùa, trong hai mươi bốn tiếng, phần lớn là ngồi ngủ gục, chẳng nghe Đức Phật giảng-pháp. Hôm sau về nhà, trước khi ăn cháo buổi sáng Khả-la đã ngửa tay ra đòi tiền ... công đi tu!

Cách đó mấy ngày, ông Cấp-cô-độc bảo con: "Nầy con, cha muốn nghe một bài Kệ của Đức Phật, con hãy vào chùa ngồi nghe giảng-pháp và học thuộc lòng một bài Kệ về đọc lại cho cha nghe, cha sẽ thưởng con hai mươi đồng tiền vàng." Khả-la thích tiền nhiều hơn kỳ trước, đi ngay vào chùa, thưa với Đức Phật xin nghe giảng pháp và học một bài Kệ. Đức Phật giảng một bài pháp ngắn và đọc lên bốn cây Kệ. Nghe xong, Khả-la đọc nhẩm lại trong đầu, nhưng chẳng nhớ hết. Được Phật nhắc lại, Khả-la ráng học thuộc, đọc đi đọc lại nhiều lần cho nhuần, rồi chạy thẳng về nhà, đọc lên vanh-vách, và đòi ... tiền công.

Trong vòng nửa tháng, Khả-la lãnh được nhiều tiền mà trong tâm cũng thuộc được nhiều bài Kệ. Nhờ đọc đi đọc lại nhiều lần cho thật thuộc để nhắc lại cho cha nghe, nên tâm-trí Khả-la bắt đầu hiểu được nghĩa sâu-xa của các bài Kệ, tồi từ đó mà lần lần mến-thích Đạo-pháp. Chẳng bao lâu, Khả-la chứng được quả-vị Tu-đà-huờn.

Hôm ấy, Khả-la thọ Bát ở chùa xong, liền tháp-tùng cùng chư Tăng, theo Đức Phật, trở về nhà, vì ông Cấp-cô-độc đang sửa-soạn thực-phẩm để cúng-dường. Khả-la vào nhà, liền ra ngồi nghiêm-chỉnh lắng nghe bài thuyết-pháp của Đức Phật, lòng nghĩ thầm: "Cầu mong cha ta đừng đem tiền ra thưởng ta trước mặt Đức Phật, ta chẳng muốn Ngài biết rằng ta đi thọ Bát chỉ để lãnh tiền công tu." Nhưng sau thời pháp, ông Cấp-cô-độc mang tiền ra cho con, ngạc-nhiên thấy Khả-la từ-chối chẳng nhận. Ông liền bạch Phật: "Sao bây giờ, thằng Khả-la của con, tánh-tình lại đổi khác như thế? Mấy tháng nay, hễ nó vào chùa học thuộc được bài Kệ nào, đọc lại cho con nghe, thì được thưởng tiền, nay số tiền nầy lên đến cả ngàn, sao nó lại chê?" Đức Phật vui-vẻ bảo; ‘Khả-la nay đã chứng được quả-vị Tu-đà-huờn, lòng đã dứt được sự tham-luyến tiền-của. Đắc được quả-vị Tu-đà-huờn còn quí hơn là ngai vàng của vị bá-chủ hoàn-cầu, của chư Thiên và của các Phạm-thiên."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Hơn quyền bá-chủ hoàn-cầu,
Hơn ngôi Thiên-chủ trên bầu Trời xanh;
Chủ-tể càn-khôn tranh chưa nổi,
Chính là quả-vị Tu-đà-huờn.
(Kệ số 178.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

-Cấp-cô-độc: tên vị cư-sĩ nổi-danh nầy, tiếng Pali: Anàthapindika

- Thuần-thành = rất mộ-đạo và chăm chỉ tu-hành.

- Cô-đơn, Cô-độc = ở một mình chẳng có cha-mẹ, bà-con giúp.

- Thọ Bát-quan-trai: Xin nhắc lại: thọ Bát là vào chùa tu trong 24 giờ, tuân theo 8 điều giới-cấm.

- Tu-đà-huờn: tiếng Pali là Sotapatti, dịch là Nhập-Lưu, nghĩa là được bước vào dòng nước Thánh ( = đã tu đúng đường rồi), còn gọi là Thất-Lai, nghĩa là chỉ còn phải tái-sanh bảy lần nữa, mới chứng quả Thánh, khỏi phải sanh-tử trong cảnh Luân-jồi khổ-đau và lẩn-quẩn.

- Tham-luyến = tham-lam và luyến-tiếc, chẳng dứt bỏ đi được.

- Ngai vàng = cái ghế bằng vàng dành cho Vua ngồi.

- Bá-chủ hoàn-cầu: vị chúa-tể cai trị cả hoàn-cầu ( = trái đất.)

- Thiên-chủ = vua Trời.

- Càn-khôn = vũ-trụ, hoàn-cầu, thế-giới.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc dạy con theo Đạo-pháp, rất khôn-khéo của ông Cấp-cô-độc: dùng sự tưởng-thưởng để từ từ khuyến-khích con đi theo con dường đạo-đức.

Ta có thể ứng-dụng cách dạy con nầy vào việc sửa đổi lần lần tánh-nết của con:

- tập cho con tánh có trật-tự và sạch-sẽ: mỗi khi chúng chơi xong, nhắc chúng dọn-dẹp đồ chơi lại cho có thứ-tự, rồi thưởng cho một món đồ chơi mà nó thích.

- Mừng ngày Sinh-nhựt của mẹ, bảo trẻ đọc một bài Kệ ngắn, gọi là đền ơn mẹ, v.v.

(2) Ý-nghĩa của Bài Kệ số 178:

Bài Kệ nêu lên sự quí-báu của quả-vị Tu-đà-huờn là quả-vị đầu-tiên trong hàng Thanh-văn. Tại sao lại quí-báu:

- quí hơn ngôi bá-chủ hoàn-cầu, vì, vị bá-chủ đó khi hưởng hết phước làm bá-chủ sẽ phải tái-sanh lại, có thể sa vào các đường dữ, nếu trong khi còn sống chẳng làm lành. Còn vị đã chứng quả Tu-đà-huờn khi tái-sanh lại bảy lần, đều sanh vào ba đường lành.

- quí hơn các bực Trời, các vị chủ-tể càn-khôn, vì, các bực Trời, các bực chủ-tể, khi hưởng hết phước, tái-sanh lại có thể được làm người hay phải sa vào đường dữ.

Điểm quí-báu nhứt của quả-vị Tu-đà-huờn là đã đi đúng con đường Thánh-đạo, tiếp-tục đi tới chẳng thoái chuyển, sau bảy đời sẽ chứng quả vô-sanh của bực Thánh, an-nhàn trong cõi Niết-bàn.

HỌC TẬP:

1.- Học kỹ bài Kệ, ghi nhớ: sự quí-báu của quả-vị Tu-đà-huờn.

2.- Khuyến khích sắp nhỏ theo bà ngoại đi chùa, về nhà sẽ khen.

-ooOoo-

XIV.- Phẩm PHẬT - ĐÀ.

(148).- Tích chuyện ba cô gái của Ma-vương.

(Tích chuyện nầy hơi giống Tích chuyện Hoàng-hậu Sa-mã-hoa)

Vào một thời kia, Đức Phật du-hành qua xứ Ku-ru, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến ba nàng con gái đẹp của Ma-vương.

Thuở ấy, ở xứ Ku-ru có một vị Bà-la-môn tên là Mã-can-di, thờ thần lửa. Ông có một người con gái nhan-sắc rất đẹp, tên là Mã-can-di-hoa, bao nhiêu chàng trai đến xin cưới, nhưng ông còn chưa bằng lòng vì chưa gặp người xứng-đáng với sắc đẹp của con.

Sáng sớm hôm ây, trong cơn Thiền-định, Đức Phật quán-thấy cơ-duyên đã đủ để cho vợ chồng ông Mã đắc được quả-vị A-na-hàm, nên sau đó Ngài bưng bình bát đi khất thực ngang qua xóm của Mã-can-di. Vừa trông thấy tướng-mạo trang nghiêm, đủ ba mươi vẻ đẹp của Đức Phật, ông Mã chạy vào kêu vợ ra nhìn, và có ý-định gả con cho Đức Phật. Nhưng Đức Phật từ chối, nói: "Khi Ta sắp thành Đạo dưới cội Bồ-đề, Ma-vương cho ba người con gái đẹp, nhan-sắc tuyệt-trần là các nàng Tham-ái, Ác-cảm Dục-vọng đến cám-dỗ Ta. Nhưng đối với kẻ đã dứt sạch tham-ái, tríu-mến và dục-vọng, các nàng đã dùng đủ mọi cách mà chẳng dụ-dỗ nổi. Tâm Ta chẳng hề mảy-may khởi lên sự ham-muốn nào cả. Huống chi ngày nay, tấm thân vật-chất của con gái ông, bên trong chứa đầy chất bất-tịnh, Ta cũng chẳng muốn bước chơn tới gần đụng-chạm đến."

Rồi Đức Phật nói lên hai bài Kệ sau đây, nhờ đó mà vợ chồng ông Mã-can-di chứng được quả-vị A-na-hàm và xin gia-nhập Giáo-hội

Ngài chiến-thắng hoàn-toàn trên thế-gian,
Dục-vọng tiêu-trừ chẳng còn theo bận,
Trí-huệ Phật rộng sâu vô-cùng-tận,
Bực không dấu-vết, ai vẽ được bước chơn.
(Kệ số 179.)

Ngài đã vượt qua lưới tham rối-rắm,
Ái-dục chẳng còn tham-đắm tái-sanh,
Trí-huệ Phật rộng sâu vô-cùng-tận,
Bực không dấu-vết, ai vẽ được bước chơn.
(Kệ số 180.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Phật-đà: phiên-âm chữ Phạn Buddha, Phật, có nghĩa là giác, bực đã giác-ngộ và giải-thoát hoàn-toàn.

- Ku-ru: xứ ở miền Bắc Ấn-độ xưa, tên tiếng Pali là Kuru.

- Ma-vương = Vua Ma, còn gọi là Ma Ba-tuần, tượng-trưng cho sự cám-dỗ người khác làm việc quấy; tiếng Pali là Màra.

- Bà-la-môn: giai-cấp tu-sĩ xưa ở Ấn-độ; tiếng Pali là Brahma. Bốn giai-cấp xưa ở Ấn là (1)Bà-la-môn,tu-sĩ, (2)Sát-đế-lợi, vua quan; (3)Phệ-xá, buôn-bán; (4) Thủ-đà-la, công-nhơn, nông-phu.

- Mã-can-di: tên vị nầy tiếng Pali là Màgandiya; còn người con gái là Màgandiyà.

- A-na-hàm: quả-vị thứ ba trong hàng Thanh-văn, còn gọi là Bất-Lai, nghĩa là chẳng tái-sanh trở lại cõi người nữa, sanh lên Trời, tiếp-tục tu để đắc Thánh-quả A-la-hán. A-na-hàm, tiếng Pali: Anàgàmi.

- Ba mươi hai vẻ đẹp của Phật: theo trong Kinh sách, thân-thể của Đức Phật có 32 tướng tốt, như vành tai dài, trên đầu có nhục-kế ( = cục thịt u trên đỉnh đầu), trước ngực có chữ Vạn, v.v.

- Cội Bồ-đề: cây Bồ-đề, nơi tu-sĩ Cồ-đàm ngồi Thiền 49 ngày đêm, sau đó thành Đức Phật Thích-ca.

- Nhan-sắc tuyệt-trần = sắc đẹp chẳng còn có ai hơn được.

- Cám-dỗ = dụ-dỗ, xúi-giục.

- Tham-ái = còn gọi là khát-ái, ái-dục; sự tham-lam tríu-mến;

- Ác-cảm = cảm-tình xấu-ác, như ghen ghét, oán-ghét.

- Dục-vọng = lòng ham-muốn, nhứt là về thú vui xác-thịt.

- Tríu-mến = tham-luyến, đeo chặt chẳng buông bỏ ra được.

- Bất-tịnh: Bất = chẳng; Tịnh = sạch-sẽ. Chất bất-tịnh là chất dơ.

- Tiêu-trừ = diệt bỏ mất hết, chẳng còn vết-tích gì nữa.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc ông Mã-can-di trông thấy tướng-mạo trang-nghiêm của Đức Phật, muốn gả cô gái đẹp của ông cho Ngài. Nhưng Đức Phật từ-chối, bảo rằng trước đây ba cô gái của Ma-vương, nhan-sắc tuyệt-trần, theo cám-dỗ, tâm Ngài còn chẳng khởi lên sự ham-muốn, nữa là nay nhìn thấy tấm thân bất-tịnh của một người nữ, sao lại chẳng nhàm-chán.

Ý-nghĩa của Tích chuyện là người đã hoàn-toàn ly-dục ( =dứt bỏ mọi tham-luyến, mong-cầu, dục-vọng) dễ-dàng thoát khỏi sự cám-dỗ của cảnh-vật bên ngoài cùng các sự ràng-buộc lôi-kéo của các tâm-trạng bất-thiện ở bên trong. Tâm của bực ấy thật là thanh-tịnh. Đó là mục-tiêu tu-tập và kết-quả chứng-đắc của các bực A-la-hán, Phật-đà.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 179 và 180:

Thử phân-tách từng câu:

1.- Ngài chiến-thắng hoàn-toàn trên thế-gian: Ngài đây chỉ vào Đức Phật. Ở thế-gian nầy, Ngài đã diệt hoàn-toàn các lậu-hoặc.

2.- Dục-vọng tiêu-trừ chẳng còn theo bận: Các ham-muốn và tríu-mến dứt bỏ xong, chúng chẳng còn đeo theo làm bận Ngài nữa.

3) Trí-huệ Phật rộng sâu vô-cùng-tận: đó là nhứt-thiết chủng-trí cuả Đức Phật, cái trí thông-suốt được tất cả muôn loài.

4. Bực không dấu-vết, ai vẽ được bước chơn: Dấu-vết gì? Đó là các dấu-vết còn sót lại tức là tham-ái, dục-vọng cứ dẫn mãi chúng-sanh phải trôi lăn trong vòng lẩn-quẩn của Luân-hồi. Vì chẳng có dấu-vết gì để lại, thì ai lại có thể thấy( =vẽ lại) được chỗ các Ngài tái-sanh.

5.- Ngài đã vượt qua lưới tham rối-rắm: tức là Ngài đã diệt bỏ được mọi hình-thức của sự tham-luyến đang giăng ra để lôi kéo chúng-sanh vào cảnh tái-sanh trong vòng Luân-hồi.

6.- Ái-dục chẳng còn tham-đắm tái-sanh: Tâm Ngài đã dứt tuyệt sự ham muốn được tái-sanh nữa.

7) Hai câu chót bài Kệ số 180 giống với hai câu chót của bài Kệ số 179: chẳng thể nào tìm thấy dấu-vết nào của bực A-la-hán, của Phật-đà, để biết các Ngài tái-sanh về đâu. Tại sao? Vì các Ngài đã chứng vô-sanh, tự-tại mãi trong cảnh tịch-diệt của Niết-bàn.

(149).- Tích chuyện Đức Phật từ cõi trời Đao-lợi trở lại thế-gian.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, trong một kỳ giảng-pháp, có nói đến chuyến đi của Ngài từ cung trời Đao-lợi trở lại cõi thế-gian.

Thuở ấy, vào đầu muà an-cư kiết-hạ, sau khi chiến-thắng các giáo-phái ngoại-đạo, Đức Phật thăng lên cung Trời Đao-lợi để giảng-pháp cho chư Thiên nghe. Mẹ Ngài là Hoàng-hậu Ma-gia trước kia, từ cung Trời Đâu-suất cũng đến cõi Trời Đao-lợi để dự-thính. Trong ba tháng, Đức Phật khai giảng Kinh Vi-diệu-pháp A-tỳ-đạt-ma cho chư Thiên, chư Phạm-Thiên, nhờ đó mà Hoàng-hậu Ma-gia chứng được quả-vị Tu-đà-huờn.

Trong thời-gian đó, Tôn-giả Xá-lợi-phất vâng lịnh Phật, đến thành San-kha, cách thành Xá-vệ ba mươi do-tuần, giảng dạy Vi-diệu-pháp cho năm trăm vị tỳ-kheo đang qua mùa an-cư tại đây. Gần mãn mùa an-cư, Tôn-giả Mục-kiền-liên dùng phép thần-thông lên cõi Trời Đao-lợi để gặp Đức Phật, Tôn-giả được cho biết Đức Phật sẽ trở lại thế-gian đúng vào đêm trăng tròn rằm tháng Tám, ngay tại thành San-kha.

Vào đêm ấy, Đức Phật hiện lên với hào-quang sáu màu rực-rỡ, theo hầu bên trái Ngài là chư Thiên, bên phải có chư Phạm-thiên. Thành San-kha bừng sáng lên trong cảnh huy-hoàng chưa từng có. Tôn-giả Xá-lợi-phất hướng-dẫn tỳ-kheo đến cung-nghinh Phật. Tôn-giả bạch Phật: "Bạch Thế-tôn, chúng con chưa từng được chiêm-ngưỡng một khung-cảnh trang-nghiêm, rực-rỡ, chói-lọi như thế nầy. Quả thật, Thế-tôn là bực được cả cõi Trời, cõi người đồng kính-mộ." Đức Phật bảo: "Đức-độ của chư Phật được Trời, Người đều mến-yêu."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Bực hiền-trí tinh-tấn hành thiền,
Vui an-tịnh trong hạnh viễn-ly,
Tỉnh-giác hoàn-toàn trong chánh-niệm,
Được sự kính-mộ của chư Thiên.
(Kệ số 181.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Cõi Trời Đao-lợi = cõi Trời thuộc về Dục-giới, tiếng Pali là Tàvatimsa, dịch là cõi Tam-thập-tam Thiên, có 33 cảnh (bốn phiá có tám cảnh, ở giữa có thành Hỷ-kiến của vua Trời Đế-thích, 4x8 +1 = 33)

- Cõi Trời Đâu-suất = cõi Trời cao hơn cõi Đao-lợi, thuộc Dục-giới, tiếng Pali là Tusita, nơi đây có Bồ-tát Di-lặc đang giảng pháp.

- Muà an-cư kiết hạ: Xin nhắc lại: an-cư = ở yên; kiết-hạ = trải qua mùa hè. Vào mùa nầy, chư Tăng-ni chẳng ra ngoài khất-thực, sợ đạp chết côn-trùng đang sanh-sản nhiều.

- Chiến-thắng các giáo-phái ngoại-đạo: theo trong kinh-sách, vào lúc đó, Đức Phật đấu phép thần-thông, thắng được phe ngoại-đạo.

- Ma-gia: tên của Hoàng-hậu, mẹ Thái-tử Tất-đạt-ta, tiếng Pali là Màyà; khi tái-sanh làm thiên-nữ có tên là Santusita.

- Dự-thính: Dự = tham-dự;Thính = nghe. Dự-thính = đến ngồi nghe

- Vi-diệu-pháp, A-tỳ-đạt-ma: Kinh nầy thuộc về Luận-tạng, tiếng Pali là Abhidhamma, phiên-âm là A-tỳ-đạt-ma, dịch là Vi-diệu-pháp.

- Thành San-kha: tên thành-phố nầy, tiếng Pali: Sankassanagara

- Do-tuần: đơn-vị đo chiều dài hơn một dặm, tiếng Pali: yojana

- Đêm trăng tròn rằm tháng Tám: theo trong Kinh-sách, đó là tháng Assayuja, vào khoảng giữa hai tháng 10, 11 của dương-lịch.

-Hào-quang = ánh-sáng chói-lọi phát ra từ thân-thể bực tu-hành cao, định-lực thật mạnh.

- Phạm-Thiên = vị Trời ở cõi Phạm, tiếng Pali là Brahmà.

- Cung-nghinh: Cung = cung-kính; Nghinh = nghinh đón.

- Chiêm-ngưỡng = ngắm nhìn với lòng đầy thán-phục.

- Hạnh viễn-ly: Hạnh =hành-động, tánh-tình; Viễn = xa; Ly = lìa ra. Hạnh viễn-ly là hạnh xa-lià, dứt-bỏ, xả-bỏ, chẳng còn tham-luyến.

- Tỉnh-giác = Tỉnh = tỉnh thức, chẳng mê; Giác = biết rõ. Chữ Tỉnh-giác là danh-từ chuyên-môn Phật-học, gần nghĩa với chú-tâm, chú-ý.

- Chánh-niệm: Chánh = chơn-chánh; Niệm = ý-nghĩ. Tâm đang ở trong chánh-niệm là tâm dứt được vọng-tưởng trở nên an-tịnh.

- Kính-mộ = kính mến và thương-yêu.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc Đức Phật lên cung trời Đao-lợi giảng Vi-diệu-pháp, nhờ đó mà Hoàng-hậu Ma-gia, mẹ Ngài, chứng được quả-vị thứ nhứt là Tu-đà-huờn. Tích chuyện mô-tả cảnh huy-hoàng ở thành San-kha khi Đức Phật được chư Thiên, chư Phạm-Thiên theo hầu, trở về cõi thế-gian.

Ý-nghĩa của Tích chuyện: Đức-độ cao-cả của chư Phật được cả Trời, Người đồng kính-mộ.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 181:

Bài Kệ nêu ra các đức-tánh quí-báu của chư Phật đã khiến cho tất cả Trời, Người đồng kính-mộ.

Các đức-tánh đó gồm có ba, được bài Kệ kể ra là:

1) Tinh-tấn hành Thiền: Tính-tấn là cố gắng và bền-bỉ thực hành việc gì. Hành Thiền là tu Thiền, nhứt là ngồi Thiền, giữ sao cho tâm-ý được an-tịnh. Tinh-tấn hành thiền là nỗ lực tu-tập cho tâm trở nên càng ngày càng thanh-tịnh hơn.

2) Hạnh viễn-ly: Viễn-ly là xa-lià, dứt bỏ. Bỏ cái chi? Bỏ sự tham-luyến. Tham-luyến cái gì? Tham-luyến những cái của ta, bên ngoài là vật-chất, của-cải, danh-lợi; bên trong là các phiền-não. Tại sao lại tham-luyến những cái của ta? Vì trong tâm lúc nào cũng nghĩ đến cái Ta, cái Ngã. Dẹp bỏ, hay là rời xa ra, được cái Ta và những cái của Ta, đang thực-hiện hạnh viễn-ly.

3) Tỉnh-giác hoàn-toàn trong chánh-niệm: Người tỉnh-giác luôn luôn giữ chánh-niệm. Người có chánh-niệm thường-xuyên là người tỉnh-giác. Bước đầu tu-luyện phải luôn luôn chú-tâm vào chính tâm mình, làm gì, nói gì, nghĩ gì bao giờ cũng biết mình đang làm việc đó, và chỉ chú-tâm vào việc đó mà thôi; đối với nói nghĩ, cũng lại chú tâm y như thế.

Tóm lại, ba đức-tánh quí ấy qui về việc tu tâm, tu sao cho tâm thanh-tịnh hoàn-toàn.

HỌC TẬP:

- Học thuộc bài Kệ, để ghi nhớ ba đức-tánh do sự tu-tâm đem lại

(150).- Tích chuyện Long-vương Y-ra-kha.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ gần thành Ba-la-nại, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Long-vương Y-ra-kha.

Thuở ấy, có một vị Long-vương tên là Y-ra-kha, vua của loài rồng, trong một tiền-kiếp làm một tỳ-kheo, vì vô-ý dẫm lên một ngọn cỏ non, chẳng sám-hối, nên mới tái-sanh vào hàng rồng. Long-vương có một người con gái tuyệt-đẹp, muốn dùng nhan-sắc của con làm phương-tiện để biết được khi nào có một vị Phật ra đời. Long-vương tuyên-bố cho mọi người biết, ai đáp trúng các câu hỏi do công-chúa nêu ra, thì sẽ được chọn làm Phò-mã. Mỗi buổi sáng, công-chúa ra múa hát trước đền, chờ đợi người đến đối-đáp. Nhiều chàng trai say-mê sắc-đẹp đến trỗ tài, nhưng chẳng ai đáp đúng cả.

Một hôm vào sáng sớm, Đức Phật quán-thấy một chàng thanh-niên đẹp trai, sắp đủ cơ-duyên để chứng-đắc quả-vị Tu-đà-huờn. Ngài ra đi khất-thực, gặp chàng trai đang lên đường đi đến đền vua rồng, Ngài mới dừng lại dạy chàng cách trả lời các câu hỏi của công-chúa. Nghe hiểu xong lời Phật dạy, chàng trai, có tên là Ức-tha-ra, chứng ngay được quả-vị Tu-đà-huờn. Chàng chẳng còn mong-muốn làm Phò-mã nữa, nhưng chỉ vì lợi-ích cho chúng-sanh, chàng vẫn đến đền vua để trả lời.

Các câu hỏi đầu-tiên gồm có:

1) Ai là vị chủ-tể?

2) Kẻ mê-mờ vì các lậu-hoặc có làm chủ-tể được không?

3) Kẻ chủ-tể nào thoát khỏi các lậu-hoặc?

4) Hạng người nào đáng gọi là người ngu-si?

Các câu trả lời đúng-đắn là:

1) Người làm chủ sáu căn là vị chủ-tể.

2) Kẻ còn bị lậu-hoặc làm mê-mờ, sao gọi là chủ-tể được?

3) Chủ-tể nào đã thoát khỏi tham-ái, thì thoát khỏi lậu-hoặc.

4) Hạng người nào còn tham-đắm các thú-vui thể-xác là hạng người ngu-si.

Sau khi nghe đáp đúng các câu hỏi sơ-khởi, công chúa lại nêu lên các vấn-đề: sự tràn-ngập của các dục-vọng, cuộc tái-sanh lẩn-quẩn trong vòng Luân-hồi, các tà-thuyết ngoại-đạo, cùng cách giải-quyết các vấn-đề đó. Ức-tha-ra đều giải-đáp thoả-đáng cả, dựa theo lời chỉ-dạy của Đức Phật. Long-vương nghe qua, lòng rất mừng rỡ, biết chắc là có Phật ra đời, mới ưng gả con cho chàng trai. Ức tha-ra từ chối, nói mình sẽ đến gặp Phật để xin làm tỳ-kheo. Long-vương ngỏ lời xin đi theo. Khi vào yết-kiến Đức Phật, Long-vương thuật lại vì sao mình phải thác-sanh vào hàng rồng. Đức Phật bảo: "Được sanh vào cõi người, rất khó. Gặp được chư Phật ra đời, lại khó hơn. Được nghe Chánh-pháp của chư Phật, càng khó-khăn hơn nữa."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Khó thay, sanh được làm người!
Khó thay, giữ toàn mạng sống!
Khó thay, được nghe Chánh-pháp!
Khó thay, thấy Phật ra đời!
(Kệ số 182.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Long-vương: Long = rồng;Vương = vua. Long-vương là vua rồng

- Y-ra-kha: tên vị vua rồng nầy, tiếng Pali là Erakapatta.

- Thành Ba-la-nại = thành-phố Bénarès ở Ấn-độ, nay là Vàranasì, trước đây Đức Phật khi thành Đạo giảng bài pháp đầu-tiên là "Tứ-diệu-đế" cho năm anh em ông Kiều-trần-như nghe.

- Tiền-kiếp = một đời sống trước đời sống hiện nay. (Tiền = trước)

- Sám-hối: tỏ vẻ ăn-năn tội-lỗi và nguyện xin chẳng tái-phạm.

- Tái-sanh: Tái = một lần nữa; Sanh = sanh ra, chào đời. Tái-sanh là sau khi chết ở đời nầy, lại sanh ra ở đời sau, theo thuyết Luân-hồi.

- Phò-mã = chồng của công-chúa, rể của Vua.

- Quán-thấy = trong cơn Thiền-định, nhìn thấy rõ trong tâm.

- Cơ-duyên: Cơ = cơ-hội; Duyên = duyên-cớ. Đủ cơ-duyên là gặp đủ cơ-hội tốt, dịp may-mắn.

- Quả-vị Tu-đà-huờn = quả-vị thứ nhứt; người chứng quả Tu-đà-huờn (1) chẳng chấp thân nầy là Ta; (2) chẳng nghi-ngờ Chánh-pháp; (3) chẳng theo các nghi-thức cúng-tế của tà-giáo.

- Khất-thực = mang bình bát đi xin ăn. (Khất = xin; Thực = ăn).

- Ức-tha-ra: tên chàng trai nầy, tiếng Pali là Uttara.

- Chủ-tể = người làm chủ; (tể = cầm đầu.)

- Lậu-hoặc: Lậu = rỉ chảy ra; Hoặc = điều sai-lầm, tội-lỗi. Danh-từ chuyên-môn nầy, Lậu-hoặc, trỏ vào các mối phiền-não, như tham, sân, si, kiêu-căng, nghi-ngờ,v.v. từ bên trong tâm, lộ ra ngoài bằng các hành-động xấu hay lời nói ác.

- Sáu căn: Căn = nơi phát-sanh ra, tức là các giác-quan. Ta có tất cả sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, da trên thân ( = đó là năm giác-quan) và ý-căn ở trong tâm.

- Tham-ái: ham-mê, tham-luyến, tríu-mến, bấu-víu vào.

- Sơ-khởi: mới bắt đầu.

- Dục-vọng = ham-muốn sai. (Dục = muốn;vọng = giả-dối, sai-lầm)

- Luân-hồi: Luân = bánh xe; Hồi = trở lại. Theo thuyết Luân-hồi, chúng-sanh chết đời nầy, sẽ sanh lại đời sau, cứ sống sống chết chết mãi, như bánh xe cứ quay hết một vòng lại quay tiếp, chẳng ngừng.

- Tà-thuyết ngoại-đạo = các lý-thuyết tôn-giáo sai lầm, mê-tín, dị-đoan. (Tà = xiêng-xéo, cong-vạy, chẳng thẳng, chẳng đúng)

- Thác-sanh = tái-sanh, sanh lại; nói tiếng thường là đầu thai.

- Chánh-pháp: Chánh = chơn-chánh; Pháp = pháp-tu. Trong Phật-học, Chánh-pháp là giáo-lý của Đức Phật, tiếng Pali là Dhamma.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị, nhưng các câu hỏi công-chúa nêu ra rất thâm-sâu, chỉ có Đức Phật bấy giờ mới đáp rõ-ràng được. Vì thế, khi nghe đáp đúng, vua Rồng biết ngay là có Phật ra đời.

(2) Ý-nghĩa bài Kệ số 182:

Bài Kệ nêu ra bốn điều khó được, trong đó có việc sanh ra làm người. Vậy nay được làm người, ta phải quí sanh-mạng và lo tu-hành.

HỌC TẬP:

- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ: được sanh làm người, gặp Phật, nghe Pháp là ba việc quí-báu, ba cơ-hội hiếm-có.

(151).- Tích chuyện về lời thưa hỏi của Tôn-giả A-nan.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến câu hỏi của Tôn-giả A-nan.

Thuở ấy, một hôm Tôn-giả A-nan bạch Phật: "Bạch Thế-tôn, con chẳng biết các giáo-lý căn bản của chư Phật ngày xưa có giống với giáo-lý của Thế-tôn ngày nay chăng?"

Đức Phật đáp: "Nầy A-nan, tóm-lược tất cả giáo-lý của chư Phật trong quá-khứ, để chỉ-dạy các tỳ-kheo tu-tập, đều được ghi trong các bài Kệ sau đây."

Rồi Đức Phật đọc các bài Kệ ấy như sau:

Việc ác chẳng làm,
Điều lành siêng tu,
Tâm-ý trong-sạch,
Lời chư Phật dạy.
(Kệ số 183.)

Phật dạy, nhẫn-nhục, khổ-hạnh quí,
Quả-vị tối-cao là Niết-Bàn.
Tỳ-kheo chẳng hại chúng-sanh;
Áp-bức người lành, chẳng phải Sa-môn.
(Kệ số 184.)

Chẳng lăng-mạ, chẳng gây thương-tổn,
Chế-phục mình tuân theo Giới-bổn,
Ăn uống điều-hoà, sống ẩn-cư,
Và thiền-định, là lời Phật dạy.
(Kệ số 185.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Tôn-giả A-nan: Tôn-giả = người đáng tôn-kính; A-nan = tên vị thị-giả hầu bên cạnh Đức Phật, tiếng Pali là Ànanda.

- Giáo-lý: Giáo = tôn-giáo; Lý = lý-thuyết. Giáo-lý là các lời dạy căn-bản trong một tôn-giáo.

- Quá-khứ: Quá = đã qua; Khứ = đi. Quá-khứ là thời-gian đã qua.

-Nhẫn-nhục = cam chịu khổ-sở, chẳng oán-giận, chẳng than-van.

- Khổ-hạnh = chịu cực-khổ về thân-xác để tu-hành.

- Niết-bàn: tiếng Phạn là Nirvana, có nghĩa là ra khỏi rừng u-tối, tức là thoát khỏi sự mê-mờ của các phiền-não, lậu-hoặc. Niết-bàn chẳng phải là một nơi trong không-gian, mà là tâm-trạng của người tu-hành đã dứt được hết các phiền-não, và chứng được vô-sanh, nghĩa là chẳng còn phải bị tái-sanh mãi trong vòng lẩn-quẩn của Luân-hồi. Tiếng Hán-Việt dịch chữ Nirvana, Niết-bàn cõi Tịch-diệt, vắng-lặng.

-Sa-môn: tiếng Phạn là Sramana, có ba nghĩa; (1)cần-giả ( = siêng làm điều thiện); (2)tức-giả ( = ngưng bỏ điều ác); bần-giả ( = cam chịu nghèo-nàn), danh-từ nầy chỉ các tu-sĩ Phật-giáo.

- Lăng-mạ: Lăng: xâm-phạm;Mạ = chửi mắng. Lăng-mạ = chửi bới

- Thương-tổn = bị hại, hay gây hại cho kẻ khác.

- Chế-phục = đè-nén, khép vào kỷ-luật.

- Giới-bổn: tiếng Phạn là Patimokka, phiên-âm: Ba-la-đề-mộc-xoa, là bản kết-tập các giới-luật chung lại, bản ghi các điều răn-cấm.

- Ẩn-cư: Ẩn = dấu kín; Cư = ở. Ẩn-cư = ở riêng một mình nơi vắng

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện chẳng có ý-nghĩa chi đặc-biệt.

(2) Ý-nghĩa các bài Kệ số 183, 184 vá 185:

Bài Kệ số 183 dạy ba điều (1) tránh điều ác, (2) siêng làm điều lành; (3) giữ tâm-ý cho trong-sạch. Bài Kệ nầy quan-trọng bực nhứt.

Bài Kệ số 184 dạy: ba điều nên làm:(1) nhẫn-nhục; (2) chịu khổ-hạnh, (3) theo mục-tiêu: đắc Niết-bàn; đồng thời, dạy tránh hai điều: (1) chẳng hại chúng-sanh; (2) chẳng áp-bức người hiền-lành.

Bài Kệ số 185 dạy tránh hai điều: (1) chẳng chửi-bới; (2) chẳng gây tổn-hại; và phải làm bốn điều: (1) tuân theo Giới-luật, (2) ăn-uống điều-độ, (3) sống ẩn-cư và (4) tu-tập Thiền-định.

HỌC TẬP:

- Học thuộc lòng cả ba bài Kệ, riêng bài Kệ số 183 ghi vắn-tắt ba điều quan-trọng mà người tu chẳng được phép có lúc nào quên đi.

(152).- Tích chuyện vị tỳ-kheo bất-mãn.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một vị tỳ-kheo trẻ bất-mãn.

Thuở ấy, có một người tỳ-kheo trẻ tuổi tu-tập tại chùa Kỳ-viên. Một hôm, vị giáo-thọ bảo chàng nên đến một tu-viện khác để học thêm giáo-lý. Trong khi đi xa, người cha của vị tỳ-kheo ấy ở nhà, mắc bịnh nặng, qua đời, để lại một gia-tài cho con lên đến trăm đồng tiền vàng, giao cho người chú giữ tạm. Sau khoá học, vị tỳ-kheo trở lại chùa, người chú đến báo tin cha chết, và muốn giao lại số tiền cho cháu. Lúc đầu, vị tỳ-kheo bảo, nay đi tu chẳng cần đến tiền-bạc. Nhưng sau đó, chàng ta lại suy-nghĩ, có lẽ tốt hơn nên quay về với đời sống thế-tục, dùng gia-tài của cha cho mà xây-dựng lại cuộc đời. Vì tâm-tư bị giằng-co giữa hai ý-định, tiếp-tục tu-hành hay hoàn-tục, nên vị tỳ-kheo trẻ tuổi sanh ra bất-mãn, chẳng còn thấy thích-thú trong việc học-tập kinh-kệ, biếng ăn biếng uống, thành ra gầy-yếu. Các bạn đồng-tu nhận thấy thế, mới dẫn vị tỳ-kheo trẻ tuổi đến yết-kiến Đức Phật.

Đức Phật hỏi duyên-cớ, vị tỳ-kheo trình-bày nỗi phân-vân trong lòng, nửa muốn quay về với đời sống thế-tục, dùng gia-tài của cha để lại mà sanh-sống, nửa muốn tiếp-tục tu-hành, nên sanh ra mất cả sự hăng-hái học-tập. Đức Phật bảo, trở lại sống trong gia-đình, cần phải mua sắm nào là vật-thực, quần-áo, chén bát, bàn ghế, tậu trâu bò để cầy cấy, thuê người làm vườn-tược, thì một trăm đồng tiền kia cũng chẳng đủ cho các chi-phí đó. Thường-nhơn chẳng có ai mà biết đủ, ngay cả vị Chuyển-Luân Thánh-vương, ngự-trị trên hoàn-cầu kia, vàng bạc nhiều như mưa rào, cũng còn chưa thoả-mãn. Như vị Chuyển Luân Thánh-vương Mãn-đà-tu xưa kia sống vinh-quang trên cõi Trời Tứ-đại-thiên-vương và cõi Trời Đao-lợi, còn chẳng muốn chia-xẻ quyền thống-trị chung với vua Trời Đế-thích, cho nên phải suy-thoái mà rơi xuống cõi người, chẳng bao lâu phải già ốm mà chết.

Rồi Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây, nhờ đó mà vị tỳ-kheo trẻ tuổi thức-tỉnh và chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:

Dầu cho vàng bạc như mưa,
Người còn dục-lạc cũng chưa vừa lòng.
Thú vật-chất đắng trong, ngoài ngọt,
Bực hiền-trí rành-rọt điều nầy.
(Kệ số 186.)

Biết rõ thế, người đệ-tử Phật
Chẳng thích tìm thú vui vật-chất,
Dầu đó là lạc-thú cõi Trời.
Người hiền-thích diệt ái-dục mất.
(Kệ số 187.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Bất-mãn = chẳng vừa lòng.

- Giáo-thọ = vị tỳ-kheo dạy giáo-lý cho các tỳ-kheo mới vào tu.

- Hoàn-tục: Hoàn = trở lại; Tục = thế-tục, đời sống trong xã-hội của người có vợ-con, nghề-nghiệp.Hoàn-tục là trở về nhà thôi tu-hành

- Yết-kiến = đến gặp người trên.

- Phân-vân = trong lòng chưa dứt-khoát, nửa tin nửa ngờ.

- Vật-thực = thức ăn vật uống (Thực = ăn.)

-Tậu = mua sắm.

- Chuyển-Luân Thánh-vương: Chuyển-Luân = quay bánh xe; Thánh-vương = vị vua Thánh, cai-trị khắp hoàn-cầu. Theo giáo-lý, vị Chuyển-Luân Thánh-vương là bực mà thân có đủ 32 tướng tốt như Đức Phật, thống-trị hoàn-cầu, cởi các chiếc xe bằng vàng ( = Kim-luân thánh-vương), bằng bạc ( =Ngân-luân thánh-vương), bằng sắt ( = Thiết- luân thánh-vương), bằng đồng ( = Đồng-luân thánh-vương), đi bốn phương trong thiên-hạ. Chuyển-Luân Thánh-vương khi hưởng hết phước phải bị suy-thoái, trở lại cõi người, rồi chết và tái-sanh theo vòng Luân-hồi. Tiếng Phạn là Tchakravartin.

- Mãn-đà-tu: tên vị thánh-vương nầy, tiếng Pali là Mandàtu.

- Cõi Trời Tứ-đại-thiên-vương: bốn cõi Trời do bốn vị Thiên-vương thống-trị, ở bốn phiá của cõi Trời Đao-lợi. Bốn cõi đó, tiếng Pali là Càtumahàràjila.

- Cõi Trời Đao-lợi: cõi Trời ở giữa bốn cõi Tứ Thiên-vương, có vua Trời Đế-thích ngự-trị; tiếng Pali là Tàvatimsa. (Xin xem lại Bài Tích chuyện Đức Phật từ cõi Trời Đao-lợi trở về thế-gian, trang 469 và kế.)

- Suy-thoái: Suy = suy-yếu; Thoái = trở lùi lại. Bị suy-thoái là trở lại sự thiếu-kém lúc trước. Trái nghĩa với: tiến-bộ, tinh-tấn.

- Dục-lạc: Dục = ham muốn; Lạc = thú-vui. Người còn dục-lạc là kẻ chạy theo các thú-vui thể-xác, vật-chất tạm-bợ.

- Thú vật-chất = thú-vui vật chất tạm-bợ.

- Hiền-trí: Hiền = hiền-lành; Trí = trí-huệ. Bậc hiền-trí là người tu-hành cao, hiền-lành và có trí-huệ. Còn gọi là bực thiện-tri-thức.

- Diệt ái-dục mất: Ái-dục = thích ham-muốn nhiều. Bốn chữ Diệt ái-dục mất, đọc nghe trục-trặc, viết lại: diệt sự ái-dục cho mất tiêu đi.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc một tỳ-kheo thừa hưởng gia-tài của cha, nảy ra ý-muốn hoàn-tục, phân-vân chẳng biết nên tiếp-tục tu-hành nữa hay không, nên trở thành bất-mãn. Được Phật chỉ-dạy, chẳng nên chạy theo các thú-vui vật-chất tạm-bợ, vị tỳ-kheo ấy chứng được quả-vị Tu-đà-huờn, tiếp-tục tu-hành để thành chánh-quả.

Ý-nghĩa của Tích chuyện là: khi xuất-gia, phải dứt-khoát với đời sống thế-tục: xuất là ra khỏi, chẳng những thân ra khỏi nhà, mà tâm cũng phải ra khỏi các phiền-não, ràng-buộc và ham-muốn nữa.

(2) Ý-nghĩa của hai Bài Kệ số 186 và 187:

Hai bài Kệ hợp chung lại thành một bài dạy ta chớ theo các thú-vui dục-lạc, dầu đó là cảnh vui-sướng thần-tiên ở cõi Trời đi nữa.

Ý-nghĩa quan-trọng của hai bài Kệ nằm trong câu: Thú vui vật-chất đắng trong, ngoài ngọt. Câu nầy có nghĩa, thú-vui vật-chất tuy thấy bề ngoài sung-sướng, nhưng bên trong chứa sự khổ-đau. Sung-sướng gì? Sung-sướng tấm thân trong một lúc, hễ hết sướng thì sao, đó là ngoài ngọt. Chứa sự khổ-đau nào? Khổ-đau vì phải tái-sanh mãi trong cõi Luân-hồi, sướng ít mà khổ nhiều nầy; đó là bên trong đắng.

HỌC TẬP:

- Học thuộc lòng hai bài Kệ, ghi nhớ sự tạm-bợ của thú vui vật-chất.

(153).- Tích chuyện vị Bà-la-môn Ất-ghi-đạt.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị Bà-la-môn tên Ất-ghi-đạt.

Thuở ấy ở xứ Câu-tát-la, có vị quốc-sư là Ất-ghi-đạt, sau khi vua mất, ông liền từ-chức, đem hết tài-sản ra bố-thí và trở thành một tu-sĩ khổ-hạnh ngoại-đạo đến ẩn-cư ở vùng ba biên-giới giữa các xứ An-gia, Ma-kiệt-đà và Ku-ru. Đồ-đệ theo học rất đông-đảo. Tu-sĩ Ất dạy họ nên tôn-thờ núi-non, rừng-rú, cây-cối ở công-viên và vườn-tược, để được giải-thoát mọi khổ-đau của cuộc đời.

Vào sáng sớm hôm ấy, Đức Phật quán-thấy đã đến cơ-duyên cho Ất-ghi-đạt và một số đồ-đệ của ông ta được chứng-quả, nên Ngài mới sai Tôn-giả Mục-kiền-liên đi đến nơi cư-trú của Ất trước, rồi Ngài sẽ đến sau. Tôn-giả Mục-kiền-liên vâng lịnh, đến khu rừng của tu-sĩ Ất, và xin cho mình được trú-ngụ một đêm. Bọn đồ-đệ biết Tôn-giả là đại-đệ-tử của Đức Phật, nên tỏ ra chẳng bằng lòng, và chỉ cho Tôn-giả một mô đất cao ở chơn núi gần đó, đến đấy mà nghỉ. Tôn-giả liền đến đó ngồi Thiền nhập-định. Nguyên, bên dưới mô đất là hang-ổ của một con điạ-long rất hung-ác. Nửa đêm, nó bò ra cắn Tôn-giả Mục-kiền-liên, nhưng Tôn-giả cùng nó chiến-đấu một hồi lâu, rồi khuất-phục được nó. Để tỏ lòng hàng-phục, điạ-long liền khoanh tròn, đầu ngẩng cao lên thành cái lọng, che bên trên Tôn-giả. Sáng ra, các đồ-đệ của tu-sĩ Ất ra mô đất xem, những tưởng con điạ-long đã cắn chết người khách ban đêm, nào ngờ thấy điạ-long đang thần-phục Tôn-giả, mới biết được Tôn-giả là bực thần-thông cao-cường. Họ qùi xuống đảnh-lễ. Vừa lúc ấy, Đức Phật đi tới. Tôn-giả Mục-kiền-liên nói với các đồ-đệ ấy rằng: "Đây là Đức Phật, thầy của ta, các người chớ nên lạy ta, mà phải nên mau đến đảnh-lễ Ngài." Bấy giờ, Ất-ghi-đạt cùng các học-trò mới biết Đức Phật là ai, cùng nhau qùi xuống xin quy-y Phật.

Đức Phật vui-vẻ chấp-nhận và nói: "Nầy Ất-ghi-đạt, thờ kính núi rừng, cỏ cây chẳng đem lại nương-tựa bền-vững cho mình. Chỉ những kẻ biết quy-y Phật, Pháp và Tăng, mới có được nơi nương-tựa vững-chắc, và sẽ được chỉ-dạy phương-cách giải-thoát khỏi vòng sanh-tử khổ-đau của Luân-hồi lận-đận."

Rồi đó Đức Phật nói lên năm bài Kệ sau đây, nhờ đó mà Ất-ghi đạt và một số tu-sĩ khác chứng được đạo-quả A-la-hán:

Trong cơn nguy-khốn bàng-hoàng,
Con người tìm trú dưới hàng cây thiêng.
Hoặc vào đền miếu, chùa chiền,
Hoặc lên đồi núi, hoặc miền rừng hoang.
(Kệ số 188.)

Trú thân như thế, thiếu an-toàn,
Vì chưa tựa vào hàng tối-thượng.
Ẩn-náu nơi đấy vẫn bất-an,
Vì các khổ-đau còn bận vướng.
(Kệ số 189.)

Người tìm về nương-tựa nơi Phật,
Nơi Giáo-pháp và nơi Tăng-đoàn,
Với chánh-trí, thông-hiểu rõ-ràng
Lẽ nhiệm-mầu của Bốn Sự-Thật.
(Kệ số 190.)

Thấy KHỔ, TẬP là nguồn-gốc khổ,
Thấy DIÊT là khi khổ vượt qua.
Thấy Bát-chánh-ĐAO là thánh-lộ,
Dẫn đến việc diệt khổ nơi ta.
(Kệ sdố 191.)

Đấy là nơi nương-tựa an-toàn,
Đấy là chỗ qui-y vô-thượng.
Hãy tìm về đấy mà nương thân,
Thoát khỏi mọi khổ đau, hết vướng.
(Kệ số 192.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Ất-ghi-đạt: tên vị tu-sĩ nầy, tiếng Pali là Aggidatta.

- Bà-la-môn: Xin nhắc lại: đó là giai-cấp tu-sĩ ở Ấn-độ xưa.

- Quốc-sư: Quốc = nước, Sư = thầy. Quốc-sư là vị tu-sĩ cao nhứt trong nước, được vua xem như thầy dạy đạo cho cả nước.

- An-gia: tên xứ nầy, tiếng Pali là Anga.

- Ma-kiệt-đà: tên xứ nầy, tiếng Pali là Magadha.

- Ku-ru: tên xứ nầy, tiếng Pali là Kuru.

- Mục-kiền-liên: tên của vị đại-đệ-tử của Phật, có thần-thông vào bực nhứt, tiếng Pali là Moggallàna.

- Điạ-long: Điạ = đất; Long = rồng. Điạ-long là rồng đất.

- Khất-phục, Hàng-phục = thắng được và buộc phải theo lịnh.

- Thần-phục = hoàn-toàn chịu vâng theo lịnh.

- Thần-thông cao-cường = có pháp-lực, phép-thuật, thật mạnh.

- Đảnh-lễ = cúi đầu xuống làm lễ lạy ra mắt.

- Quy-y: Quy = quay về; Y = nương-tựa. Quy-y là quay về tìm nơi để nương-tựa; tìm chỗ an-toàn mà trú-ẩn.

- Quy-y Phật, Pháp, Tăng, hay Quy-y Tam-Bảo = buổi lễ long-trọng trong chùa, người đệ-tử Phật xin nguyện nương-tựa vào Đức Phật, tu-tập theo Chánh-pháp của Phật và nghe theo lời dạy của chư Tăng, là những người đang tu theo đường lối của Đức Phật.

- Đạo-quả A-la-hán: Đạo = con đường tu-tập; Quả = kết-quả của việc tu-tập; A-la-hán = quả-vị thứ tư, cao nhứt của bực tu-hành đã dứt sạch phiền-não và hết bị tái-sanh nữa. Tiếng Pali: Magga = đạo; Phala = quả; Arahant = A-la-hán.

- Bàng-hoàng = lo-sợ nhiều, mất sự bình-tỉnh.

- Cây thiêng = cây có thần-linh trú-ngụ, cây linh-thiêng.

- Tối-thượng = Tối = hết sức; Thượng = cao. Tối-thượng là cao nhứt.

- Tăng-đoàn, hay Tăng-già: một nhóm tỳ-kheo tu chung với nhau, từ bốn người trở lên. Tăng-gìà, tiếng Pali là Sangha.

- Chánh-trí: Chánh = chơn-chánh, đứng-đắn nhứt; Trí = trí-huệ.

- Bốn Sự-Thật = Tứ Diệu-đế, gồm có (1) Khổ-đế, sự đau-khổ; (2)Tập-đế, nguyên-nhơn, nguồn-gốc của sự Khổ; (3) Diệt-đế, tận-diệt sự Khổ, tức là đắc được cảnh-giới Niết-bàn; (4) Đạo-đế, con đường tu-tập để thoát Khổ. Riêng về Đạo-đế, gồm tám ngành, gọi là Bát-Chánh-Đạo ( = chánh-kiến, chánh tư-duy, chánh-ngữ, chánh mạng, chánh-nghiệp, chánh tinh-tấn, chánh niệm và chánh-định.)

- Thánh-lộ:Thánh = bực Thánh; Lộ = đường. Thánh-lộ là con đường đưa đến ngôi-vị Thánh ( = A-la-hán, Duyên-giác, Bồ-tát và Phật.)

- Vô-thượng: Vô =chẳng; Thượng = trên. Vô-thượng là cao-cả nhứt, trên đó chẳng còn gì cao hơn nữa được.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc quy-y của Ất-ghi-đạt và đồ-đệ: trước nương-tựa tinh-thần vào việc thờ-kính núi rừng, cây cối, sau họ gặp Tôn-giả Mục-kiền-liên, mới quay về quy-y với Phật, Pháp, và Tăng.

Ý-nghĩa của Tích chuyện là lời dạy của Đức Phật: quy-y Tam-Bảo là tìm nơi nương-tựa an-toàn và vững-chắc nhứt, vì được học-hỏi về cách tu-tập sao cho được giác-ngộ và giải-thoát.

(2) Ý-nghĩa các bài Kệ từ số 188 đến số 192:

Năm bài Kệ hợp lại thành một bài, dạy ta ý-nghĩa cao-cả của việc quy-y Tam-Bảo: Phật, Pháp và Tăng.

Hai bài số 188 và 189 cho rằng tìm vào ẩn-núp ở các hàng cây, đền miếu, chùa chiền hay núi rừng, chẳng phải là nơi an-toàn, vì vẫn còn vướng-bận khổ-đau. Tại sao? Vì các nơi nầy chỉ tạm-thời che-chở thân ta tránh được mưa, gió mà chẳng giúp ta vượt qua được sự đau-khổ của cuộc đời.

Bài Kệ số 190 chỉ rõ nơi an-toàn nhứt để ta tìm về nương-tựa; đó là quy-y Tam-Bảo: Phật, Pháp và Tăng, được chỉ-dạy để mở-mang chánh-trí mà thông-hiểu lẽ nhiệm-mầu của Tứ-Diệu-Đế, Khổ-đế, Tập-đế, Diệt-đế và Đạo-đế, nhờ đó mà ta có đủ khả-năng vượt qua mọi khổ-đau của cuộc đời.

Bài Kệ số 191 ghi lại vắn-tắt ý-nghĩa của Tứ-Diệu-đế, thế nào là Khổ, thế nào là Tập, thế nào là Diệt, thế nào là Đạo. Bài Kệ còn nhấn mạnh, Đạo-đế tức là Bát-Chánh-Đạo, tức là con đường Thánh-lộ, đưa ta đến ngôi-vị Thánh, dẹp hết phiền-não, khỏi bị tái-sanh để chịu đau-khổ mãi trong cõi Luân-hồi lận-đận.

Bài Kệ số 192 quả-quyết việc quy-y Tam-Bảo là biết tìm về nơi nương-tựa an-toàn, cao-thượng nhứt, vì nhờ đó mà vĩnh-viễn dứt khổ.

HỌC TẬP:

- Học kỹ năm bài Kệ, ghi nhớ rõ thế nào là quy-y Tam-Bảo, Tứ-Diệu-Đế và nhứt là Bát-Chánh-Đạo. Còn thắc-mắc, phải hỏi lại Thầy.

(154).- Tích chuyện về nơi đản-sanh của bực Thánh.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến câu hỏi của Tôn-giả A-nan về nơi đản-sanh của bực Thánh.

Một hôm, Tôn-giả A-nan ngẫm-nghĩ: "Đức Phật có nói, loài voi rặc-giống chỉ thấy ở xứ Chất-đăng-ta, loài ngưạ rặc-giống chỉ có ở xứ Sinh, còn loài trâu-bò rặc-giống thì xứ U-sa-tha mới có được. Nhưng Đức Phật còn chưa nói, các bực Thánh đản-sanh ở nơi nào." Sau đó, Tôn-giả mới đến bạch Phật để xin giải mối nghi-nan trong lòng. Đức Phật bảo: "Nầy A-nan, chẳng biết chắc được nơi đản-sanh của bực Thánh, vì các Ngài chỉ sanh vào hai giai-cấp Sát-đế-lợi Bà-la-môn."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Khó tìm gặp được bực Thánh-trí cao.
Người chẳng sanh ra bất cứ nơi nào.
Ở chốn nào đản-sanh người hiền-trí
Gia-tộc nơi nầy hạnh-phước dồi-dào.
(Kệ số 193.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Đản-sanh: sanh-đẻ, tiếng tôn-trọng dành cho bực cao-quí.

-Bực Thánh: theo giáo-lý nhà Phật, bực Thánh là những người tu-hành đã chứng được vô-sanh, nghĩa là chẳng còn phải tái-sanh trong vòng lẩn-quẩn của Luân-hồi. Trong bốn quả-vị: Tu-đà-huờn (chỉ tái-sanh bảy lần nữa), Tư-đà-hàm (chỉ còn tái-sanh một lần nữa), A-na-hàm (chẳng sanh lại cõi người nữa, sanh lên Trời), là ba quả-vị còn sanh lại nên được gọi là bực Hiền. Đến quả-vị A-la-hán, diệt được hết các phiền-não, chứng Niết-bàn, mới gọi là bực Thánh. Như thế, chẳng phải khi sanh ra đã là bực Thánh, mà nhờ tu-hành tinh-tấn mới trở thành bực Thánh. Vì lẽ nầy, Đức Phật mới nói chẳng biết chắc được nơi đản-sanh của bực Thánh.

- Tôn-giả A-nan: Tôn-giả = bực đáng tôn-trọng; A-nan = tên Tôn-giả tiếng Pali:Ànanda. Tôn-giả là em họ của Đức Phật, đa-văn( =nghe nhiều, nhớ lắm), làm thị-giả ( = hầu bên cạnh) cho Đức Phật Thích-ca.

- Rặc-giống = giống thật tốt, chẳng lai giống khác.

- Chất-đăng-ta: tên xứ nầy, tiếng Pali là Chaddanta.

- Sinh: tên xứ nầy, tiếng Pali là Sindh.

- U-sa-tha: tên xứ nầy, tiếng Pali là Usabha.

- Nghi-nan = nghi-ngờ vì chưa hiểu rõ cho thấu-đáo.

- Sát-đế-lợi, Bà-la-môn: hai giai-cấp trong xã-hội xưa ở Ấn-độ. Theo thứ-tự từ cao đến thấp: (1) Bà-la-môn (Pali: Brahmanà, tu-sĩ); (2)Sát-đế-lợi (Pali: Khattiyà, vua quan); (3) Phệ-xá (Pali: Vessà, buôn-bán); (4) Thủ-đà-là (Pali: suddà, nông-phu, thợ-thuyền). Còn hạng Chiên-đà-la (Pali: Candala) là cấp hạ-tiện, nô-lệ, làm các nghề dơ-dáy như hốt phân chẳng hạn, chẳng ai muốn đến gần.

- Thánh-trí: bực Thánh có trí-huệ thật sáng-suốt.

- Hiền-trí: hiền-lành và có trí-huệ.

- Gia-tộc: Gia = nhà; Tộc = họ. Gia-tộc là những nhà cùng một họ, sống gần nhau trong một vùng.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất đơn-sơ, kể lại sự thắc-mắc của Tôn-giả A-nan về nơi đản-sanh các bực Thánh. Đức Phật dạy, chẳng thể biết chắc được nơi nào có bực Thánh đản-sanh, vì chẳng ai sanh ra là Thánh cả; muốn thành bực Thánh, phải tu-tập tinh-chuyên mới được.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 193:

Hai câu đầu của bài Kệ dạy, bực Thánh chẳng dễ gặp, chẳng có nơi nào sanh ra bực Thánh cả.

Hai câu sau của bài Kệ cho biết, nơi nào có bực Thánh, tu-hành đắc quả, là nơi đó được nhiều hạnh-phước. Tại sao? Vì nhờ đức-độ cao-cả của bực Thánh, phong-tục của dân trong vùng được cải-thiện.

HỌC TẬP:

- Học thuộc lòng bài Kệ, ghi nhớ, chẳng ai sanh ra đã là Thánh, muốn thành bực Thánh, phải tu-học tinh-cần.

(155).- Tích chuyện các tỳ-kheo bàn về hạnh-phước.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến các tỳ-kheo bàn-luận về hạnh-phước.

Thuở ấy, vào một buổi chiều, các vị tỳ-kheo ngồi tại nhà mát, cùng nhau bàn-luận về vấn-đề hạnh-phước. Một vị nói: "Hạnh-phước là có được thật nhiều tiền-của, quyền-thế như đức Vua." Một vị khác bảo: "Đủ cơm ăn ngon, thức uống ngọt là đã có nhiều hạnh-phước rồi." Một vị khác lại đưa ra ý-kiến: "Thoả-mãn được các giác-quan, sống đầy-đủ với các thú-vui, đó là hạnh-phước." Trong khi họ đang bàn-luận, thì Đức Phật đi đến. Ngài bảo: "Thú-vui vật-chất, tiền-của, quyền-thế, ăn ngon mặc đẹp đó chưa hẳn là hạnh-phước, vì các điều đó giữ ta mãi trong vòng tái-sanh của Luân-hồi khổ-đau lận-đận. Trên thế-gian nầy, hạnh-phước là gặp được Đức Phật ra đời, có được cơ-duyên nghe lời Ngài giảng-dạy về Sự-Thật cao-quí, và sống trong sự hoà-hợp của Tăng-đoàn."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Vui thay Đức Phật ra đời!
Vui thay Chánh-pháp với lời cao-xa!
Vui thay hoà-hợpTăng-già!
Vui thay hoà-hợp mọi nhà đồng tu!
(Kệ số 194.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Giác-quan: các bộ-phận trên thân như mắt, tai, mũi, lưỡi và da

- Vòng tái-sanh của Luân-hồi khổ đau lận-đận = thân-phận của chúng-sanh phải chết đi sanh lại mãi ở cuộc đời sướng ít khổ nhiều nầy là cõi Luân-hồi.(Lận-đận = gặp việc chẳng vui, chẳng may.)

- Cơ-duyên: Cơ =cơ-hội; Duyên = duyên-cớ. Cơ-duyên là cơ-hội tốt

- Sự-Thật cao-quí: đó là bốn Sư-thật nhiệm-mầu, thường gọi là Tứ Diệu-đế: Khổ-đế, Tập-đế, Diệt-đế và Đạo-đế.

- Chánh-pháp: Chánh = chơn-chánh, đứng-đắn. Chánh-pháp là giáo-lý của Đức Phật giảng dạy các phép tu-hành để được giác-ngộ và giải-thoát.

- Hoà-hợp = cùng chung một chí-hướng, chẳng có sự tranh-cãi.

- Tăng-già, Tăng-đoàn: Tăng-già = tiếng Pali là Sangha, có nghĩa một đoàn-thể tỳ-kheo, từ bốn người trở lên, tu theo cùng một giới-luật và giáo-pháp. Đồng-nghĩa với:Tăng-đoàn, Ni-đoàn ( = các ni-cô.)

- Đồng tu = hoà-hợp nhau, cùng tu chung với nhau.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị, thuật lại việc bàn-luận của các tỳ-kheo trong giờ nghỉ, về vấn-đề hạnh-phước ở đời. Ý-kiến các tỳ-kheo đưa ra đều dựa trên sự thoả-mãn đầy-đủ các các giác-quan, về tiền-của, danh-lợi và quyền-thế, đó chỉ là các điều sung-sướng ở thế-gian.

Đức Phật dạy, hạnh-phước thật-sự là gặp được Phật ra đời, được nghe Chánh-pháp và mọi nhà được đồng-tu trong sự hoà-hợp của Tăng-già. Tại sao? Vì đó là đường-lối tu-tập để được giải-thoát mọi khổ-đau trong cảnh Luân-hồi lẩn-quẩn.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 194:

Có bốn sự "Vui thay!" được nêu trong bài Kệ:

1) Vui thay Đức Phật ra đời: Vui, vì Ngài dẫn-dắt chúng-sanh trên con đường giác-ngộ và giải-thoát mọi khổ-đau của Luân-hồi.

2) Vui thay Chánh-pháp với lời cao-xa: Vui, vì Chánh-pháp với lời-lẽ cao-xa về Sự-Thật, là chìa khoá mở cửa cho hạnh-phước được giác-ngộ và giải-thoát.

3) Vui thay hoà-hợp Tăng-già: Vui, vì được nương-tựa vào các tỳ-kheo đồng một chí-hướng, hoà-hợp nhau, cùng nỗ-lực giúp đỡ mọi người tu-tập theo Chánh-pháp.

4) Vui thay hoà-hợp mọi nhà đồng tu: Vui, vì mọi nhà đều biết tu-hành theo Chánh-pháp, chẳng có sự đấu-tranh với nhau, sống trong sự hoà-bình, an-lạc.

HỌC TẬP:

- Học thuộc bài Kệ, ghi nhớ: điều quí-báu nhứt là nghe Chánh-pháp.

(156).- Tích chuyện về tượng Phật Ca-diếp.

Vào một thời kia, Đức Phật và các tỳ-kheo du-hành từ nước Xá-vệ đến thành Ba-la-nại, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến bức tượng bằng vàng, tạc hình Đức Phật Ca-diếp.

Thuở ấy, Đức Phật và các tỳ-kheo, trên đường tới thành Ba-la-nại, đi ngang qua một cánh đồng lúa. Bên lề đường, có một ngọn tháp nhỏ thờ thần-linh. Bấy giờ có một người Bà-la-môn đang cầy ruộng. Người ấy bước lên bờ, cung-kính đến đảnh-lễ ngôi tháp mà chẳng chào hỏi Đức Phật. Đức Phật nói: "Nầy Bà-la-môn, đảnh-lễ tháp-miếu như thế đem lại nhiều phước-báo." Nghe Đức Phật nói thế, người Bà-la-môn rất hài lòng. Bấy gìờ Đức Phật mới dùng sức thần-thông, tạo ra một tượng Phật bằng vàng, tạc hình Đức Phật Ca-diếp đang ngồi lơ-lửng trên không-trung. Tất cả ngẩng lên trông thấy, và khen-ngợi vẻ đẹp trang nghiêm của tượng Phật. Đức Phật bảo: "Nầy chư tỳ-kheo, có bốn hạng nhơn-vật cần phải đảnh-lễ: (1) chư Phật Như-lai, (2) các vị Bích-chi-Phật, (3)chư vị Thánh Thanh-văn đệ-tử, và (4) Chuyển-Luân thánh-vương. Có ba thứ tháp-miếu cần đảnh-lễ: (1)tháp thờ nhục-thân các vị kể trước; (2) tháp thờ hình-tượng tạc giống hình các vị ấy; (3)tháp thờ các vật-dụng cá-nhơn của các vị ấy, như áo cà-sa, bình bát, thiền-truợng, v.v. Thành-tâm đảnh-lễ các ngôi-tháp thờ các vị đã hoàn-toàn giác-ngộ và giải-thoát như thế, đem lại vô-lượng công-đức, và phước-báu, chẳng thể nghĩ bàn được."

Rồi Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây:

Người kính-mộ bực đáng tôn-trọng,
Chư Phật cùng Thanh-văn đệ-tử,
Những bực chướng-ngại đã dẹp xong,
Phiền-não, sầu-bi cũng chẳng giữ.
(Kệ số 195.)

Công-đức cúng-dường các bực trước,
Bực an-tịnh, tự-tại,
Bực chẳng hề sợ-hãi,
Công-đức nầy chẳng ước-lượng được.
(Kệ số 196.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Xá-vệ: quê-hương của Đức Phật Thích-ca, nay thuộc phần đất của vương-quốc Népal; tiếng Pali là Sàvatthi.

- Ba-la-nại: tên thành-phố Bénarès của Ấn-độ, ngày nay là Vàrànasì. Tại vườn Lộc-uyển, gần thành nầy, Đức Phật giảng Kinh Chuyển-Pháp-Luân lần đầu cho năm anh em ông Kiều-trần-như nghe.

- Phật Ca-diếp: Đức Phật thuộc về Hiền-kiếp, giáng trần trước Đức Phật Thích-ca; tiếng Pali là Kassapa Buddha.

- Tháp: ngôi đền, nóc nhọn, bên trong thờ hình-tượng hay hài-cốt của một bực tôn-quí.

- Miếu: miễu thờ; ngôi đền nhỏ để thờ thần-linh.

- Bích-chi-Phật: phiên -âm tiếng Pali là Paccekabuddha, vị tu-hành theo thuyết Thập-Nhị Nhơn-Duyên, chứng đạo vào thời chẳng có đức Phật nào ra đời. Vị Bích-chi-Phật chẳng đi giáo-hóa chúng-sanh.

- Chư Thánh Thanh-văn: Thanh-văn là hàng đệ-tử sống gần bên Phật,nhờ nghe Kinh( =Thanh-văn,Sàvaka,Pali) mà tu-chứng quả Thánh.

- Chướng-ngại: các trở-ngại trên đường tu. Thường được phân-biệt có tam chướng (ba chướng-ngại): (1) phiền-não-chướng gồm có tham, sân, si v.v. (2) sở-tri-chướng gồm các sự hiểu-biết sai lầm như tà-kiến, định-kiến, v.v. và (3) báo-chướng, tức là tấm thân còn chịu nghiệp-báo nầy.

- Tự-tại = chẳng bị ràng-buộc. Ở đời, nói tự-do; đạo gọi là tự-tại.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị thuật lại việc Đức Phật nhơn thấy một người đảnh-lễ ngôi tháp, mới chỉ-dạy các tỳ-kheo nên lễ-lạy những bực hoàn-toàn giác-ngộ và giải-thoát và các ngôi tháp thờ các vị ấy.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 195 và 196:

Hai bài Kệ nói đến phước-báu của người biết kính-lễ các bực đại-giác và tháp thờ các Ngài. Xin xem lại Tích chuyện để biết các vị ấy.

HỌC TẬP:

- Học kỹ hai bài Kệ, ghi nhớ: đừng mê-tín mà lễ-lạy các cục đá "ông Tà", bình vôi, các miếu thờ các tà-thần.

-ooOoo-

XV.- Phẩm AN-LẠC

(157).- Tích chuyện cuộc giải-hoà giòng-họ Thích-ca.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến sự tranh-chấp giữa dòng-họ Thích-ca và bộ-tộc Cô-ly-gia, cùng sống ở hai bên bờ sông Lỗ-hi-ni.

Thuở ấy, thành Ca-tỳ-la-vệ của dòng họ Thích-ca nằm bên bờ sông Lỗ-hi-ni, còn bên kia bờ có thành Cô-ly-gia của bộ-tộc nầy. Cả hai bộ-tộc đều nhờ vào nước sông mà trồng-trọt sanh-sống. Vào một năm kia, trời hạn-hán, nước sông cạn dần, chẳng đủ cho dân hai bên bờ dùng. Dân bộ-lạc Cô-ly-gia dùng cuốc xẻng, đào sông, dẫn dòng nước chảy sang địa-phận mình, khiến đồng ruộng bên phiá bộ-lạc Thích-ca trở nên khô-khan, lúa mạ uá héo hết. Sự tranh-chấp giưã nông-phu hai bên bờ sông càng ngày càng gây cấn, khiến cho dân-chúng và vua quan ở hai thành chuẩn-bị chiến-tranh để đánh nhau, giành độc-quyền xử-dụng nguồn nước sông.

Sáng sớm hôm đó, Đức Phật trong cơn thiền-định, quán-thấy các người trong bộ-tộc Thích-ca đang sửa-soạn khí-giới để đánh nhau với bộ-tộc Cô-ly-gia, Ngài mới dùng sức thần-thông bay đến giữa dòng sông, rồi ngồi lơ-lửng trên không. Bấy giờ, ở bờ sông bên nầy, các thân-nhơn của Đức Phật nhìn thấy Ngài đang ngồi nhập-định trên cao, liền buông hết khí-giới, chấp tay đảnh-lễ. Ở bờ bên kia, dân-chúng bộ-tộc Cô-ly-gia cũng vứt bỏ dao, gậy xuống và qùi lạy Đức Phật. Ngài bảo: "Nầy dân chúng bộ-tộc Thích-ca và Cô-ly-gia, các người đánh nhau đổ máu, để giành vài giọt nước sông, mà quên mất tánh-mạng mình còn quí-báu hơn nhiều. Nếu các người chẳng chịu hoà-giải với nhau, máu đôi bên sẽ chảy còn nhiều hơn nước sông kia!"

Rồi Đức Phật mới nới lên ba bài Kệ sau đây:

Hạnh-phước thay, ta sống không thù-hận
Giữa những người còn đang mãi hận-thù!
Hạnh-phước thay, ta chẳng hề oán-giận
Giữa những người hiềm-hận chẳng hề nguôi!
(Kệ số 197.)

Hạnh-phước thay, ta đang sống mạnh-khoẻ
Giữa những người còn ươn-yếu, ốm đau!
Hạnh-phước thay, sức khoẻ ta dồi-dào
Giữa nhưng người bịnh-tật làm kiệt-quệ!
(Kệ số 198.)

Hạnh-phước thay, ta sống chẳng khao-khát,
Giữa những người tham-dục còn rộn-ràng!
Hạnh-phước thay, ta chẳng màng tham-dục,
Giữa những người lòng dục đang gia-tăng!
(Kệ số 199.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Thích-ca: tên bộ-tộc nầy, tiếng Pali là Sakya.

- Cô-ly-gia: tên bộ-tộc nầy, tiếng Pali là Koliya.

- Ca-tỳ-la-vệ: tên thành nơi Thái-tử Tất-đạt-ta ở khi chưa đi tu thành Phật, tiếng Pali là Kapilavatthu.

- Lỗ-hi-ni: tên con sông nầy, tiếng Pali là Rohini

- Bộ-tộc: Bộ =bộ-lạc, nhớm gia-đình cùng một họ sống chung nhau vào đời thật xa-xưa; Tộc = họ. Bộ-tộc = bộ-lạc.

- Hạn-hán: nắng nhiều, chẳng có mưa nên khô-khan, thiếu nước.

- Độc-quyền: Độc = riêng một mình. Độc-quyền là quyền chỉ riêng mình có, người khác chẳng chia-xẻ được, chẳng cho ai chia-xẻ.

- Thiền-định = ngồi thiền, nhập-định; giữ tâm yên-vắng.

- Thần-thông = pháp-lực cao-cường, khác thường, như bay trên không, đi trên nước. Có được thần-thông nhờ ở định-lực cao.

- Đảnh-lễ: qùi lạy, làm lễ chào ra mắt.

- Hoà-giải = vui-vẻ cùng nhau, bỏ qua điều tranh-chấp, quên đi sự thù-hận, làm lành với nhau.

- Hiềm-hận: Hiềm = nghi, chẳng vừa ý; Hận = giận ngầm và dai.

- Kiệt-quệ = tàn-tạ, khô-héo

- Tham-dục = tham-lam và ham-muốn

- An-lạc: An = yên-ổn; Lạc = vui-vẻ. An-lạc = hạnh-phước.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại cuộc hoà-giải của Đức Phật khiến cho hai bộ-tộc Thích-ca và Cô-ly-gia tránh được sự đổ máu vì tranh-chiến.

Ý-nghĩa của Tích chuyện: hận-thù gây ra chiến-tranh khiến cả hai bên đều khổ-sở. Sớm biết hoà-giải cùng nhau sẽ mang lại hạnh-phước chung cho nhau.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 197:

Bài Kệ số 197 nói lên hạnh-phước của người sống chẳng hận-thù. Tại sao lại có được hạnh-phước? Vì trong lòng thanh-thản, nhẹ-nhàng, chẳng mang niềm oán-ghét ai và cũng chẳng sợ ai oán-ghét mình. Người mang lòng thù-hận ai, trong lòng lúc nào cũng tìm cách hại kẻ thù, cho nên chẳng an-tâm, vì thế mà thiếu niềm an-lạc.

(3) Ý-nghĩa bài Kệ số 198:

Bài Kệ số 198 nói lên sự sung-sướng của người đầy-đủ sức khoẻ. Hạnh-phước của người khoẻ-mạnh nổi bật lên giữa những bị bịnh-tật, đau-yếu. Cho dầu có nhiều tiền-của, quyền-thế, mà thiếu sức-khoẻ, thì cũng chẳng hưởng được; nay đau mai ốm, tinh-thần vì thế mà suy-nhược, chán đời.

(4) Ý-nghĩa của bài Kệ số 199:

Bài Kệ số 199 nói lên hạnh-phước của người biết dứt-bỏ mọi ham muốn. Đây là hạnh-phước mà người thường ít thấy, ít hiểu để mà biết hưởng. Giản-dị mà nói, thí-dụ như muốn đi nghe một buổi trình-diễn ca-nhạc của ban nhạc danh-tiếng, phải xếp hàng cả buổi chờ mua được vé; người chẳng còn ham-thích theo thú-vui của ... lỗ tai, biết điều-phục nhĩ- căn, đâu phải bắt thân chịu khổ đứng chờ lâu.

Người nào đã hoàn-toàn ly-dục, dứt bỏ mọi tham-muốn, là bực đang chứng-đắc được đạo-quả A-la-hán.

HỌC TẬP:

- Học thuộc ba bài Kệ, ghi nhớ: hạnh-phước bắt nguồn từ trong tâm ta; hễ tâm biết lià bỏ khát-vọng là thân-tâm đang được an-lạc.

(158).- Tích chuyện Ma-vương khuấy Phật.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ gần làng Ngũ-sảnh, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến việc Ma-vương đến khuấy phá Đức Phật.

Thuở ấy, vào một buổi sáng sớm, Đức Phật quán-thấy đã đủ cơ-duyên giúp cho một số đông phụ-nữ ở làng Ngã-sảnh chứng được đạo-quả Tu-đà-huờn, Ngài liền lên đường đi khất-thực nơi làng ấy. Đến đầu làng, Ngài gặp một đám đông phụ-nữ cùng nhau ra bờ sông tắm gội, xong họ vội-vã trang-sức diễm-lệ để đi dự hội, mà chẳng lo việc cúng-dường bố-thí cho chư Tăng, vì tâm của họ đang bị Ma-vương ám-ảnh, cám-dỗ mau mau đi đến chỗ vui-đùa.

Trên đường trở về tịnh-xá, Đức Phật gặp Ma-vương, y mỉa-mai hỏi Phật, khất-thực có đầy-đủ thức ăn chăng? Đức Phật quán-thấy, biết Ma-vương khuấy rối Ngài, đáp: "Nầy Ma-vương, chính bàn tay tội-lỗi của ông đã lôi kéo các vị phụ-nữ trong làng xao-lãng công-đức cúng-dường chư Tăng đó." Ma-vương chẳng cải-chánh, lại muốn tìm cách khuấy thêm, liền bảo Phật: "Sao Ngài chẳng trở lại làng, xem lần nầy có được ai cúng-dường chăng?"

Vừa lúc ấy, các bà đi dự hội ra về, trông thấy Đức Phật, họ liền qùi xuống đảnh-lễ. Ma-vương cười bảo: "Hôm nay, Đức Phật chẳng được gì để ăn, nên đang đói bụng lắm đấy!" Đức Phật: "Nầy Ma-vương, mặc dầu chư Tăng chẳng được cúng-dường sáng nay, nhưng chúng ta sống chẳng phải chỉ nhờ vào thực-phẩm mà thôi. Cũng như chư Thiên trên cõi Trời Quang-âm, chúng ta sống nhờ vào phỉ lạc trong Chánh-pháp."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà một số đông các vị phụ-nữ của làng Ngũ-sảnh chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:

Hạnh-phước thay, ta sống không chướng-ngại;
Những gì của ta, chẳng hề giữ lại.
Bằng niềm phỉ-lạc, ta dưỡng-nuôi ta,
Như chư Thiên Quang-Âm thường tự-tại.
(Kệ số 200.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Ma-vương = Vua Ma, còn gọi là Ma Ba-tuần, tượng-trưng cho sự cám-dỗ, sự xúi-dục làm điều quấy.

- Ngũ-sảnh: dịch tiếnf Pali: Pancasàlà, Panca =Ngũ, năm; Sàla = đại-sảnh, phòng lớn. Tên làng là "Làng có năm đại-sảnh".

- Tu-đà-huờn: quả-vị thứ nhứt, còn gọi là Nhập-Lưu, tiếng Pali là Sotàpatti.- - Diễm-lệ = đẹp-đẽ.

- Cúng-dường: đọc trại chữ Hán-Việt cung-dưỡng, cung-cấp để nuôi-dưỡng. Tiếng nhà chùa nghĩa là dưng cúng thực-phẩm, tiền-bạc.

- Chư Thiên cõi Trời Quang-Âm = Trời Quang-âm là cõi cao nhứt trong đệ-nhị Thiền của Sắc-giới. Chư Thiên cõi nầy chẳng dùng lời nói mà dùng ánh-sáng ( =quang) để thay-thế tiếng ( =âm) khi giao-thiệp.

- Phỉ = niềm vui sướng trong-sáng; tiếng Pali là piti.

- Lạc = sự sung-sướng; tiếng Pali là sukha.

- Chướng-ngại: sự ngăn-trở. Ở đây, chữ chướng-ngại dịch chữ Kincanam, trỏ vào các phiền-não tham, sân, si làm chướng-ngại trên đường tu-tập của hành-giả.

- Tự-tại = tự-do. Ngoài đời, nói tự-do; trong đạo, nói tự-tại.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại Ma-vương khuấy phá việc khất-thực, bằng cách cám-dỗ các phụ-nữ ham vui, lãng quên công-đức cúng-dường. Tuy bị đói bụng, nhưng Đức Phật nói Ngài và chư Tăng sống nhờ phỉ-lạc, chớ chẳng phải chỉ nhờ vào thực-phậm không thôi. Ma-vương khuấy chẳng thành-công, vì sau khi dự hội trở về, dọc đường gặp Phật, các người đàn-bà liền đảnh-lễ, nghe Phật giảng-pháp và chứng được đạo-quả Tu-đà-huờn.

(2) Ý-nghĩa của Bài Kệ số 200:

Bài Kệ nêu lên sự cao-quí của hạnh dứt-bỏ: bỏ tất cả chướng-ngại trong tâm là tham, sân, si; bên ngoài, bỏ tất cảngã-sở ( =những gì của ta đang có), để sống trong niềm vui phỉ-lạc của Chánh-pháp.

HỌC TẬP:

- Học bài Kệ: ghi nhớ: An bần lạc đạo = thà nghèo mà an vui với Đạo.

(159).- Tích chuyện vua xứ Câu-tát-la thất trận.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến việc thất-trận của vua xứ Câu-tát-la.

Thuở ấy, vua xứ Câu-tát-la có người em gái gả cho vua Tần-bà-sa-la nước Ma-kiệt-đà, phong làm Hoàng-hậu Vi-đề-hy. Bà Vi-đề-hy sanh ra người con là A-xà-thế, khi lớn lên lại chống-đối với cậu mình là vua xứ Câu-tát-la. Đã ba lần chiến-đấu với A-xà-thế, vua xứ Câu-tát-la đều thất-trận. Nhà Vua rất thất-vọng, đau buồn, than-thở rằng: "Thật là nhục-nhã biết bao cho ta, đánh chẳng lại một đứa con-nít, miệng còn hôi-sữa! Nhục quá! Ta còn sống làm gì nữa!" Quá chán-chường, Nhà Vua bỏ cả ăn-uống, cứ nằm dài mãi trên giường.

Tin vua xứ Câu-tát-la bị buồn-nản vì thất-trận đến tai Đức Phật. Ngài nói với các tỳ-kheo: "Nầy chư Tăng, kẻ chiến-thắng gây thêm thù-hận; còn người thất-trận phải chịu khổ-đau, áo-não!"

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Chiến-thắng gây thù-hận,
Thất-bại chịu khổ-đau.
Vui thay, sống an-hoà,
Thắng bại bỏ lại sau.
(Kệ số 201.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Xứ Câu-tát-la: tên xứ nầy, giáp với nước Xá-vệ và Ma-kiệt-đà, tiếng Pali là Kosala.

- Thất-trận: đánh giặc bị thua.

- Vua Tần-bà-sa-la nước Ma-kiệt-đà: tên vua nước nầy, tiếng Pali là Bimbisara, nước Magadha, giáp với nước Câu-tát-la.

- Vi-đề-hy: tên của Hoàng-hậu, tiếng Pali là Vedehì.

- A-xà-thế: phiên-âm tên vị nầy, tiếng Pali là Ajàtasattu.

- Chiến-đấu = chống-cự lại, tranh-đấu.

- Áo-não = phiền-não, khổ-sở, đau-đớn về tinh-thần.

- An-hoà: An = yên; Hoà = hợp, chẳng chống-đối. Sống an-hoà là sống hiền-lành, chẳng gây-gổ với ai, chẳng chống-đối ai.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị, kể lại sự chán-chường vì thất-trận của vua xứ Câu-tát-la. Đức Phật bảo: "Thắng ai là gây thêm thù-hận; thua ai thì thêm đau-khổ; kẻ sống an-hoà, chẳng gây-gổ với ai, mới là sung-sướng."

Thông-thường, khi thất-bại, người đời thường khuyên nhau, hãy giữ vững tinh-thần, chuẩn-bị để tranh-đấu cho đến thành-công. Đây là lời khuyên đứng-đắn, nhưng chẳng đúng với tinh-thần bất-tác-hại của đạo Phật. Tại sao? Vì trả thù, sẽ gây thên thù-oán. Thành-công, sau khi thất-trận, là tìm thấy những khuyết-điểm của mình mà sửa đổi lại, chớ chẳng phải tìm nhược-điểm của đối-phương để tấn-công vào. Càng chống-đối nhau, càng gây thêm đau-khổ cho đôi bên.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 201:

Bài Kệ số 201 nêu ra ba thái-độ: thắng, thua hiếu-hoà ( = mến sự an-hoà).

Chiến-thắng gây thù-hận: tại sao? Vì người thua sẽ tìm cách trả thù, như thế, chiến-thắng còn chưa trọn-vẹn.

Thất-bại chịu khổ-đau: tại sao? Dĩ nhiên, vì thua kém, vì bị chèn-ép. Cả hai thái-độ: thắng thua, đều do sự chống-đối nhau mà sanh ra sự bất-lợi, bất lợi ngay cho người thắng, chớ chẳng riêng cho người thua.

Thái-độ thứ ba: sống an-hoà, chẳng những thoát ra khỏi các bất-lợi của hai thái-độ trước, nó còn chứng-tỏ sự thông-minh của người hiếu-hoà, biết tránh trước những hậu-quả khó-khăn của sự tranh-đấu, nó còn đem lại hoà-bình, an-vui trong gia-đình, ngoài xã-hội.

HỌC TẬP:

- Học thuộc bài Kệ, ghi nhớ: sống an-hoà chẳng phải là chẳng tranh-đấu; người hiếu-hoà vẫn tranh-đấu chống lại hận-thù nơi tâm mình.

(160).- Tích chuyện đôi vợ chồng sắp cưới.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến việc đôi thanh-niên nam-nữ sắp làm lễ thành-hôn, chứng được quả-vị Tu-đà-huờn.

Thuở ấy, có một gia-đình kia sắp gả con gái, mới làm lễ cúng-dường thực-phẩm lên Đức Phật và tám mươi vị tỳ-kheo. Chàng rể tương-lai cũng được mời đến phụ-giúp việc chuẩn-bị. Trong khi bưng dọn thức ăn, chú rể có dịp đến gần bên cô dâu, nên trong lòng tỏ ra rộn-rã, thiếu sự chú-tâm để phục-vụ chu-đáo đến chư Tăng. Đức Phật nom thấy, biết chàng ta đang say-đắm nghĩ đến người yêu, chẳng để hết lòng thành vào việc dưng-cúng, nên Ngài mới nói cùng chàng: "Nầy thiện-nam, chẳng có ngọn lửa nào nóng bằng lửa tham-dục ở nội-tâm, chẳng có cơn gió nào thổi mạnh bằng gió sân-hận nổi lên trong lòng, chẳng có gánh nặng nào đè lên vai bằng thân-tâm năm uẩn nầy, và cũng chẳng có hạnh-phước nào to lớn và bền-vững bằng cảnh an-lạc hoàn-toàn của Niết-bàn tịch-diệt." Chàng rể lắng nghe, tỉnh-ngộ, dẹp qua một bên mối dục-tình vừa nhen-nhúm trong lòng và chú-tâm đến việc cúng-dường.

Sau buổi lễ trai-tăng, Đức Phật giảng-pháp, cả hai cô dâu và chú rể đều theo dõi lời Phật dạy. Rồi Đức Phật mới nói lên bài bài kệ sau đây, nhờ đó, đôi vợ chồng sắp cưới chứng đuợc quả-vị Tu-đà-huờn:

Lửa nào sánh lửa tham,
Ác nào bằng ác sân,
Khổ nào so khổ năm ấm,
An-lạc nào hơn tối-thượng Niết-bàn.
(Kệ số 202.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Quả-vị Tu-đà-huờn: Xin nhắc lại: đây là quả-vị thứ nhứt, còn gọi là Nhập-Lưu, hay Thất-Lai, tiếng Pali là Sotàpatti, được bước chơn vào dòng nước Thánh, đi đúng đường rồi, tu tiếp sẽ thành bực Thánh.

- Lễ thành-hôn = làm đám cưới, cưới vợ, gả chồng.

- Tỳ-kheo: tu-sĩ Phật-giáo, phiên-âm tiếng Pali: Bhikkhu, hay bí-sô, dịch là khất-sĩ ( = tu-sĩ đi xin ăn). Phái nữ là tỳ-kheo-ni = Bhikkhuni.

- Phục-vụ = phụ-giúp, hầu-hạ ở bên cạnh.

- Thiện-nam: Thiện = lành; Nam = đàn-ông.Phật-học gọi các trai lành là thiện-nam, các gái hiền là tín-nữ, tất cả ngưòi tin vào đạo Phật

- Tham-dục = ham-muốn; ở đây chỉ vào mối dục-tình trong lòng chú rể khi thấy cô dâu.

- Nội-tâm: Nội = bên trong;Tâm = lòng. Nội-tâm: trong lòng mình.

- Sân-hận = giận-hờn, oán-giận.

- Thân-tâm năm uẩn = Thân Tâm có năm phần, gọi là năm uẩn, hay năm ấm: (1) sắc-uẩn, thân vật-chất; (2) thọ-uẩn, các tình-cảm; (3) tưởng-uẩn, các tư-tưởng; (4) hành-uẩn, các hành-động; (5) thức-uẩn, các hiểu-biết. Vì tập-hợp lại mà có, nên thân-tâm chẳng bền, có ngày sẽ tan-rả đi, khiến cho đời sống phải chịu khổ nhiều, hưởng sướng ít.

- Niết-bàn: tiếng Phạn là Nirvana, ra khỏi rừng u-tối. Rừng nào?- Rừng phiền-não tham, sân, si. Niết-bàn là tâm-trạng người đã dứt bỏ hết phiền-não, hết bị tái-sanh trong Luân-hồi nữa, tự-tại trong an-lạc.

- Tối-thượng: Tối = hơn hết; Thượng = cao; Tối-thượng = cao nhứt.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại một chàng trai đi làm rể, quá mê cô dâu nên chẳng để hết lòng thành vào việc cúng-dường Phật và chư Tăng. Được Phật nhắc-nhở, chàng tỉnh-ngộ, và sau đó nghe lời Phật giảng dạy, chú rể, và cả cô dâu, đều chứng được quả-vi Tu-đà-huờn.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 202:

Ba câu đầu nêu sự Khổ, câu chót chỉ cảnh An-lạc vô-biên:

1.- Lửa nào sánh lửa tham: Ví lòng tham như ngọn lửa, nung-nấu, thúc-dục người tham phải dành lấy cho được đìều mình muốn.

2.- Ác nào bằng ác sân: Ví sự tức-giận với sự độc-ác, vì muốn diệt-bỏ cho tiêu mất điều mình ghét.

3.- Khổ nào so khổ năm ấm = khổ nào bằng mang lấy thân nầy.

4.- An-lạc nào hơn tối-thượng Niết-bàn = chẳng có gì an-lạc hơn, sung-sướng hơn là cõi Niết-bàn tối-thượng.

(161).- Tích chuyện người chăn mất con bò.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề cập đến một người chăn bò nghèo khổ ở làng Anh-huy.

Thuở ấy, ở làng Anh-huy, có một người chăn bò nghèo khổ. Một hôm, Đức Phật du-hành đến làng nầy, lại nhằm lúc anh chăn bò đang lạc mất một con bò. Suốt buổi sáng, anh chạy đi lùng khắp nơi từ lùm cây bụi cỏ của khu rừng thưa mà chẳng tìm thấy. Mãi đến gần trưa, anh mới thấy bò đang gậm cỏ bên bờ suối. Mừng quá, anh đuổi bò quay lại nhập đàn, rồi ghé vào nơi Đức Phật cùng chư Tăng đang thọ-trai, tại nhà một tín-chủ. Bấy giờ, sau buổi ngọ-trai, chư tỳ-kheo và dân-chúng đang ngồi im, chờ được nghe Đức Phật giảng pháp. Nhưng Ngài lại bảo gia-chủ dọn cơm cho người chăn bò ăn. Sau khi người chăn bò ăn xong, Đức Phật mới bắt đầu thuyết-pháp. Lần-lượt Ngài nói đến bốn Chơn-lý Nhiệm-mầu dẫn đến con đường thánh của Bát-Chánh-Đạo. Người chăn bò lẳng-lặng, chăm chú nghe xong, chứng được đạo-quả Tu-đà-huờn.

Trên đường quay về tịnh-xá, có vị tỳ-kheo thắc-mắc, tại sao Đức Phật chẳng thuyết-giảng ngay sau buổi ngọ-trai, mà lại bảo dọn cơm cho kẻ chăn bò ăn xong, rồi mới giảng. Ngài bảo: "Nầy chư tỳ-kheo, chẳng có bịnh nào bằng bịnh đói, chẳng có khổ nào bằng khổ năm uẩn. Nếu bụng đang đói cào mà nghe Chánh-pháp, thì làm sao mà thâu-thập được hết lẽ nhiệm-mầu?"

Rồi đó, Đức Phật liền nói lên bài Kệ sau đây:

Đói là bịnh tối-trọng,
Thân năm uẩn là khổ tối-đa.
Điều nầy như-thật hiểu qua,
Là chứng an-lạc Niết-bàn tối-thượng,
(Kệ số 203.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Anh-huy: tên làng nầy, tiếng Pali là Àlavi

- Du-hành = đi dạo đến, đi thăm-viếng.

- Thọ-trai = đang ăn cơm chay vào buổi trưa. Ngọ = 12 giờ trưa

- Tín-chủ: Tín = tin-tưởng; nói về người tin vào đạo Phật, thường dưng-cúng thực-phẩm, vật-dụng hay tiền-bạc cho chùa.

- Gia-chủ = chủ nhà. (Gia = nhà)

- Bốn Chơn-lý Nhiệm-mầu = Tứ-Diệu-Đế, gồm có (1)Khổ-đế, về sự Khổ; (2)Tập-đế, nguyên-nhơn của Khổ; (3) Diệt-đế, dứt hết Khổ, tức là chứng cõi an-lạc Niết-bàn; (4) Đạo-đế, con đường Bát-chánh-đạo dẫn đến sự diệt hết khổ-đau.

- Bát-Chánh-Đạo = con đường thánh-đạo, đưa đến cõi Niết-bàn an-lạc, gồm 8 ngành: (1)Chánh-kiến; (2) Chánh tư-duy; (3)Chánh-ngữ; (4) Chánh-mạng; (5) Chánh-nghiệp; (6) Chánh tinh-tấn; (7) Chánh-niệm; (8) Chánh-định.

- Tối-trọng = quan-trọng nhứt.

- Tối-đa = nhiều nhứt.

- Như-thật: đúng như Sự-Thật; hiểu thật đúng theo Chơn-lý.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc người chăn bò bụng đói đến nghe giảng kinh, được Đức Phật bảo dọn cơm ăn no xong mới nghe Pháp. Nhờ no dạ, tỉnh-táo, nên người ấy hiểu được lời Phật giảng mà chứng quả.

Ý- nghĩa của Tích chuyện là khi nghe giảng hay đọc kinh, chẳng nên để đói quá, vì như thế, sẽ thiếu mất sự chú-tâm.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 203:

Những chữ khó đã được tìm hiểu ở phần Nghĩa Chữ.

Riêng hai câu chót, mới đọc qua thấy lủng-củng, xin viết lại cho suông: Nếu đã hiểu đúng như Sự-thật: "Đói là bịnh nặng; mang thân năm uẩn nầy là khổ nhiều", thì mới có cơ chứng được cảnh an-lạc của Niết-bàn.

Ý-nghĩa bài Kệ nầy cũng giống ý-nghĩa bài Kệ trước, số 202.

(162).- Tích chuyện vua Ba-tư-nặc bớt ăn.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một giảng-pháp, có đề-cập đến vua Ba-tư-nặc, xứ Câu-tát-la.

Một hôm, vua Ba-tư-nặc, sau khi ăn sáng thật no-nê, đến chùa Kỳ-viên yết-kiến Đức Phật. Vì còn đang nặng bụng, nên khi Đức Phật giảng-pháp, nhà vua cảm thấy buồn ngủ, gục lên gục xuống nhiều lần. Sau thời pháp, Đức Phật hỏi nhà Vua có phải vì quá no nên buồn ngủ chăng. Vua Ba-tư-nặc đáp phải. Đức Phật khuyên nhà vua nên bớt ăn từ từ, mỗi bữa bớt đi chừng nửa chén, lần lần giảm xuống đến một phần ba số lượng thực-phẩm dùng hàng ngày. Nhà Vua tuân theo lời Phật dạy. Ba tháng sau, thân-thể nhà Vua thon lại, trở nên gọn-gàng, bụng chẳng còn phệ xuống, đi đứng khoan-thai, nhẹ-nhàng, tinh-thần cảm thấy sảng-khoái vì sức khoẻ dồi-dào. Nhà Vua bạch Phật sự tiến-bộ về thể-xác đó. Đức Phật bảo: "Nầy Đại-vương, sức-khoẻ là món quà tốt-đẹp nhứt; sự biết-đủ là tài-sản quí-báu nhứt; một người bạn thân trung-thành là họ-hàng gần-gũi nhứt và Niết-bàn là hạnh-phước an-lạc nhứt."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Sức-khoẻ là tặng-phẩm tối-hảo,
Biết đủ là tài-sản tối-bảo,
Bạn thành-tín là họ-hàng tối-thân,
An-lạc là Niết-bàn tối-thượng.
(Kệ số 204.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Vua Ba-tư-nặc xứ Câu-tát-la: vị vua nầy rất tôn-sùng đạo Phật, tên tiếng Pali là Pasenadi, nước Kosala.

- Sảng-khoái: Sảng = trong-sáng; Khoái = vui-vẻ, lanh-lợi.

- Sự biết-đủ: dịch từ chữ Hán-Việt là Tri-túc, biết vừa đủ, chẳng quá độ, chẳng lạm dùng.

- Niết-bàn: xin nhắc lại: tiếng Phạn là Nirvana, ra khỏi rừng phiền-não u-tối. Đây là tâm-trạng của người đã dứt sạch phiền-não, hết bị tái-sanh, tự-tại trong cảnh an-lạc tịch-diệt.

- Tối-hảo: Tối = vào bực nhứt; Hảo = tốt. Tốt vào bực nhứt.

- Tối-bảo: Bảo = quí. Quí vào bực nhứt.

- Tối-thân = thân-thiết vào bực nhứt.

- Tối-thượng = cao vào bực nhứt.

- Thành-tín: Thành = thành-thật; Tín = tin.Thành-tín = đáng tin-cậy.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại vua Ba-tư-nặc vì ăn sáng quá nhiều, đến nghe Đức Phật giảng-pháp, chẳng thể chú-ý được vì buồn ngủ. Được Đức Phật khuyên, nên bớt ăn lại, để giữ-gìn sức khoẻ tốt, nhà Vua tuân theo lời, nhờ đó mà sức-khoẻ trở nên dồi-dào.

Ý-nghĩa của Tích chuyện khuyên ta chớ nên ăn nhiều quá; đồng thời nêu ra bốn thứ quí-báu: (1) sức khoẻ, (2) sự biết-đủ; (3) có bạn thân trung-thành với mình và (4) cõi Niết-bàn an-lạc.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 204:

Thử phân-tách từng câu:

1) Sức-khoẻ là tặng-phẩm tối-hảo: Tại sao gọi sức-khoẻ là một tặng-phẩm? Vì sức-khoẻ do sự ăn-uống điều-độ mang đến cho ta. Tại sao lại tối-hảo? sức khoẻ mang đến hạnh-phước cho người.

2) Biết-đủ là tài-sản tối-bảo: Người biết-đủ là người cần-kiệm, chẳng phung-phí, chẳng lạm-dụng, nên giỏi việc giữ-gìn tài-sản; dó đó đức-tánh biết-đủ được xem như một tài-sản tinh-thần.

3) Bạn thành-tín là họ-hàng tối-thân: Một người bạn trung-thành giúp-đỡ, bảo-vệ mình còn hơn cả bà-con thân-tộc nữa.

4) An-lạc là Niết-bàn tối-thượng: giản-dị mà nói, được an-lạc ( =yên-vui), đó là hạnh-phước ở trần-gian rồi; có lẽ cảnh Niết-bàn cũng an-vui như thế, có hơn chăng là ở chỗ bền-lâu và vững-chắc của cõi Niết-bàn mà thôi.

Ý-nghĩa của bài Kệ đề-cao sự chứng-đắc Niết-bàn, hơn cả ba điều trước: (1) sức-khoẻ, (2) biết-đủ và (3) bạn trung-thành.

(163).- Tích chuyện Trưởng-lão Thi-sa ngồi Thiền.

(Tích chuyện nầy giống với Tích chuyện Trưởng-lão Ất-tha-đạt)

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại thành Tỳ-da-ly, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Thi-sa.

Thuở ấy, khi nghe Đức Phật tuyên-bố, trong bốn tháng nữa, Ngài sẽ nhập Niết-Bàn, các vị tỳ-kheo chưa chứng-đắc đạo-quả rất lo-ngại. Họ chẳng biết phải làm gì, cả ngày chỉ quanh-quẩn bên cạnh Đức Phật. Trái lại, Trưởng-lão Thi-sa quyết-tâm chứng đắc quả-vị A-la-hán, ngay lúc Phật còn tại-thế, nên Trưởng-lão liền rút vào nơi rừng sâu, xa vắng bóng người, để hành Thiền. Các vị tỳ-kheo khác chẳng hiểu được ý-định của Trưởng-lão Thi-sa, cho rằng thái-độ của Trưởng-lão chẳng chút nào tỏ ra mến-tiếc Đức Phật cả, mới thưa trình cùng Đức Phật. Khi nghe Trưởng-lão Thi-sa trình-bày lý-do cố-gắng tu-tập để chứng quả A-la-hán trước ngày Đức Phật nhập Niết-bàn, Đức Phật bảo chư Tăng: "Nầy chư Tỳ-kheo, những ai kính-trọng và quí-mến Như-Lai, nên bắt chước mà làm theo như Thi-sa. Quí-vị đừng tưởng rằng đem hương hoa đến cho ta là tỏ lòng ngưỡng-mộ ta. Thực-hành đúng theo Chánh-pháp, đến nơi xa vắng nỗ lực Thiền-định theo lời dạy của ta, đó mới thật là biết cách trả ơn ta."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Người nếm hương-vị đời ẩn-dật,
Hưởng an-lạc tịch-tĩnh Niết-bàn.
Nhiễm-ô và sợ-hãi đều thoát,
Vị pháp-hỷ, người ấy thấm-nhuần.
(Kệ số 205.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Tỳ-da-ly: tên thành nầy, tiếng Pali là Vesàli.

- Nhập Niết-Bàn = theo nghĩa thông-thường, Nhập Niết-bàn là chết đi; nhưng theo nghĩa trong Phật-học, là lià bỏ thân-xác nầy, đi vào cõi tịch-diệt, vắng-lặng, tự-tại mãi trong cảnh an-lạc.

- Thi-sa: tên vị Trưởng-lão nầy, tiếng Pali là Tissa.

- Còn tại-thế: Thế = thế-gian. Theo nghĩa thường là còn sống ở đời.

- Quả-vị A-la-hán: Quả-vị = kết-quả khi tu thành; A-la-hán (Arahant) = quả-vị cao nhứt trong hàng đệ-tử sống gần Phật, dứt hết phiền-não, chẳng bị tái-sanh trong vòng Luân-hồi, sống trong an-lạc.

- Như-Lai: Như = như thế; Lai = đến. Chữ Như-Lai, tiếng Pali là Tathàgatha, có nghĩa là bực đã đến đây như thế đó. Thường Đức Phật tự xưng là Như-Lai, trong khi các đệ-tử gọi Ngài là Thế-tôn.

- Ẩn-dật = sống nơi xa vắng, ít người biết đến mình.

-Tịch-tĩnh: Tịch = vắng; Tĩnh = yên-lặng. Tịch-tĩnh là vắng-lặng.

- Nhiễm-ô: Nhiễm = dính dơ, Ô = dơ-dáy, đen-đúa. Chữ Nhiễm-ôđây dùng theo nghĩa bóng, chỉ sự vướng-bận vào các phiền-não.

- Vị pháp-hỷ: Vị = mùi vị; Pháp = Chánh-pháp, pháp-tu; Hỷ = niềm vui. Vị pháp-hỷ là niềm vui khi hiểu-biết về Chánh-pháp, do Chánh-pháp đem lại cho người tu-tập.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại sự hiểu-lầm về thái-độ của Trưởng-lão Thi-sa: thấy Trưởng-lão rút vào nơi xa vắng, cho rằng thiếu sự thương-mến Đức Phật khi Ngài sắp nhập Niết-bàn. Nào ngờ, đó mới là thái-độ đáng khen, vì Trưởng-lão đang nỗ-lực theo lời Phật dạy, vào nơi xa-vắng để tu thiền hầu chứng-quả cho kịp trước ngày Phật nhập-diệt.

Ý-nghĩa của Tích chuyện: muốn trả ơn cho Thầy, phải làm cho đúng, cho vẹn, lời Thầy đã dạy.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 205:

Bài Kệ đề-cao cuộc đời ẩn-dật của bực tu-sĩ thấm-nhuần pháp-vị. Thử phân-tách từng câu:

1) Người nếm hương-vị đời ẩn-dật: Hương-vị nầy là sự vắng-lặng, thuận-tiện cho việc sống với nội-tâm;

2) Hưởng an-lạc tịch-tĩnh Niết-bàn: sống hạnh-phước trong cảnh yên-tịnh của cõi Niết-bàn tại thế-gian.

3) Nhiễm-ô và sợ-hãi đều thoát: dứt hết phiền-não, lậu-hoặc

4) Vị pháp-hỷ, người ấy thấm-nhuần: tự nuôi sống bằng niềm vui trong Chánh-pháp.

(164).- Tích chuyện vua Trời Đế-Thích săn-sóc Phật.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại làng Tre, gần thành Tỳ-da-ly, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị Vua Trời Đế-Thích.

Vào khoảng mười tháng trước ngày nhập Niết-bàn, vào muà hè tại làng Tre, gần thành Tỳ-da-ly, Đức Phật mắc bịnh kiết. Khi hay tin, vua Trời Đế-Thích liền hiện đến bên cạnh Ngài để săn-sóc. Đức Phật bảo vua Trời chớ quá lo, vì xung quanh còn nhiều tỳ-kheo, nhưng vị vua Trời vẫn tiếp-tục hầu-hạ Đức Phật cho đến khi Ngài lành hẳn bịnh.

Bấy giờ, nhiều tỳ-kheo ngạc-nhiên thấy vị vua Trời theo hầu luôn bên cạnh Phật như thế. Đức Phật bảo: "Nầy chư tỳ-kheo, chẳng có chi đáng ngạc-nhiên cả. Vào kiếp trước, khi thấy mình có tướng suy-thoái sắp chết, vua Đế-Thích đến nghe Ta giảng Chánh-pháp và theo đó mà tu-tập, nên mới chứng được quả Tu-đà-huờn. Sau khi chết đi, được tái sanh lên Trời lần nữa, như hiện nay. Nầy chư tỳ-kheo, được gần bên bực Thánh là một nguồn an-lạc; sống bên người ngu là sự khổ-sở."

Rồi đó Đức Phật nói lên ba bài Kệ sau đây:

Lành thay, mừng gặp Thánh-nhơn!
Sống được bên Ngài là chơn hạnh-phước.
Người ngu, khỏi gặp, mừng thay!
Khỏi gần bên họ, lâu dài hưởng vui.
(Kệ số 206.)

Quả thật,
Cùng đi với người ngu,
Sầu như sống với kẻ thù.
Được theo bên người trí,
Vui như sống với họ-hàng.
(Kệ số 207.)

Do đó,
Với những người thông-suốt, trí-huệ,
Giới-hạnh trang nghiêm, biết tự-chế;
Với các bực Thánh-nhơn như thế,
Ta nên cùng kết-hợp tình-thân,
Như trăng chiếu theo đường sao sáng.
(Kệ số 208.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Vua Trời Đế-Thích: Vua cõi trời Đao-lợi (Pali: Tavatimsa), còn gọi là cõi Trời Tam-thập-tam thiên. Tên bằng tiếng Pali là Sakka.

- Làng Tre: tên làng nầy, tiếng Pali là Veluva.

- Thành Tỳ-da-ly: tên thành nầy, tiếng Pali là Vesàli; chính tại thành nầy, một trăm năm sau khi Phật mất, có cuộc kết-tập kinh-điển lần thứ hai.

- Tướng suy-thoái: các hình-tướng suy-yếu về thân-thể của bực Trời, khi gần hết phước sắp chết, như tóc rối, thân dơ, chảy mồ-hôi...

-Chơn hạnh-phước = hạnh-phước chơn-chánh, thật-sự sung-sướng

- Giới-hạnh trang-nghiêm: giũ đúng theo giới-luật.

- Tự-chế: tự giữ lấy kỷ-luật, đè-nén sự ham-muốn của mình

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại vua Trời Đế-Thích đến hầu-hạ săn-sóc Đức Phật, khi Ngài bị bịnh kiết ở làng Tre gần thành Tỳ-da-ly. Các tỳ-kheo tỏ vẻ ngạc-nhiên khi thấy Vua Trời Đế-Thích bên cạnh Phật. Đức Phật bảo, kiếp trước nhờ gặp Phật, nghe pháp tu-hành chứng quả mà vua Đế-Thích, khi hết phước lại được tái-sanh lên Trời.

Ý-nghĩa của Tích chuyện là lời dạy của Đức Phật; nên thân-cận với bực Thánh, nên tránh xa chớ gần người ngu.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 206:

Bài Kệ số 206 cho rằng hạnh-phước to lớn là việc được gần bên bực Thánh và nguồn vui lâu dài là khỏi phải gặp người ngu.

(3) Ý-nghĩa bài Kệ số 207:

Bài Kệ số 207 so sánh: sống với nguuời ngu như sống khổ bên cạnh kẻ thù; còn sống bên người Trí như sống yên vui với bà-con.

(4) Ý-nghĩa bài Kệ số 208:

Bài Kệ số 208 khuyên ta nên tìm cách thân-cận với bực trí-giả, có giới-đức cao, biết tự-kềm-chế, để học-hỏi về đường tu. Biết làm được như thế, cũng như được ánh trăng sáng soi khắp nẻo đường.

-ooOoo-

XVI.-Phẩm THÂN - ÁI.

(165).- Tích chuyện ba người khất-sĩ.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến một gia-đình, chồng, vợ và con đi tu chung tại một chùa.

Thuở ấy, ở Xá-vệ có một người thanh-niên xuất-gia vào một tu-viện làm tỳ-kheo. Chẳng bao lâu sau, người cha cũng rời bỏ đời sống thế-tục, gia-nhập Tăng-đoàn ở tu-viện ấy. Sau cùng, người mẹ cũng theo chơn chồng và con đi tu luôn. Họ sống chung với nhau trong một ngôi chùa, cùng đi khất-thực, cùng ăn, cùng ngủ, chuyện-trò, bàn-cãi nhau như lúc còn ở nhà. Đìều nầy khiến cho các vị tỳ-kheo khác cảm thấy khó-chịu, mới đến thưa-trình cùng Đức Phật. Đức Phật cho gọi cả ba người, cha, mẹ và con đến và bảo họ: "Đã xuất-gia, thọ giới theo Giáo-hội, các người chẳng nên tiếp-tục sống khắng-khít bên nhau như trong một gia-đình riêng-biệt nữa. Xa người mình thương, gần người mình chẳng thích, cả hai đều đau-khổ. Các người đừng quá thân-yêu, quyến-luyến với bất cứ ai, với bất cứ sự-vật nào."

Rồi Đức Phật mới nói lên ba bài Kệ sau đây:

Cố đuổi theo điều nên xa lánh,
Việc đáng theo mà tránh chuyên-cần;
Bỏ mục-tiêu, lại gần dục-lạc,
Để rồi ganh-tị bực chuyên-tu.
(Kệ số 209.)

Chớ gần-gũi quá người mình thương,
Đừng ở gần bên người mình ghét.
Thương chẳng gặp, ghét lại gặp thường,
Cả hai đường đều đau-khổ hết.
(Kệ số 210.)

Do vậy, chớ bao giờ quá thân-yêu,
Yêu phải xa nhau, yêu là đau-khổ.
Cả yêu lẫn ghét đều lià bỏ
Mọi dây ràng-buộc bị diệt tiêu.
(Kệ số 211.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Khất-sĩ: Khất = đi xin; Sĩ =người. Cả ba danh-từ: khất-sĩ, tỳ-kheo, bí-sô đều chỉ vào các tu-sĩ Phật-giáo, hằng ngày đi xin ăn, để dẹp lòng tự-ái và có dịp dạy đạo cho dân. Tiếng Pali: Bhikkhu.

- Xuất-gia: Xuất = ra; Gia = nhà. Xuất-gia chẳng những là rời nhà vào chùa mà còn có nghĩa sâu: rời bỏ căn nhà phiền-não, dứt tríu-mến

- Thế-tục: Thế = đời; Tục = thông-thường. Đời Thế-tụcđời sống của người thường chưa đi tu sống trong gia-đình, sanh-hoạt ở xã-hội.

-Thọ-giới: Thọ =nhận; giới = giới-luật; Thọ-giới là nhận tuân theo các điều răn-cấm, như chẳng sát-sanh, chẳng trộm-cắp,v.v

- Tăng-đoàn: Tăng = nam tu-sĩ Phật-giáo. Cứ bốn vị Tăng tu chung nhau, trở lên, làm thành một Tăng-đoàn.

- Mục-tiêu: Mục = con mắt; Tiêu = cái mốc để nhìn vào mà bắn. Ở đây, chữ mục-tiêu có nghĩa là điều mình đang đeo đuổi, muốn có.

- Dục-lạc: Dục = muốn; Lạc = vui. Ở đây, dục-lạc có nghĩa là các điều ham-muốn thấp-kém về vật-chất.

- Ganh-tị: ghen-ghét, cà-nanh, đố-kỵ.

- Chuyên-cần: siêng-năng. Chuyên-tu: siêng tu.

-Dây ràng-buộc: dùng theo nghĩa bóng, dịch chữ Hán-Việt: triền-phược. (Triền = vấn xung-quanh; phược = buộc dây). Đây là nói đến các tình-cảm trong tâm, có tánh-cách ràng-buộc, như thương, như ghét. Vì thương ai, nên tâm quyến-luyến nhớ người ấy; vì ghét ai, thì nhớ mãi tên, hay gương mặt của người ấy trong tâm mình.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc cả gia-đình ba người: chồng, vợ và con, đều xuất-gia tại cùng một tu-viện, nhưng họ vẫn còn quyến-luyến nhau, chẳng rời nhau ra được. Đức Phật dạy, hễ đã xuất-gia, phải dứt bỏ mọi tríu-mến, dầu đó là cha-mẹ hay con-cái; vì có dứt bỏ được, tâm mới chẳng còn bị ràng-buộc nữa mà trở nên thanh-tịnh.

Ý-nghĩa của Tích chuyện: xuất-gia là bước chơn ra khỏi căn nhà phiền-não, chớ chẳng phải chỉ ra khỏi ngôi nhà che mưa trú nắng.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 209:

Bài Kệ chê-trách những người tu-hành thiếu sự tinh-tấn rồi sanh ra ghen-ghét với các bực chuyên-tu.

1) Hai câu đầu: Cố đuổi theo điều nên xa lánh, Việc đáng theo mà tránh chuyên-cần: đây là đang làm ngược lại với sự tinh-tấn: điều ác chưa sanh, phải tránh đừng cho xảy ra; điều lành còn chưa làm, phải gắng thực-hiện ngay;

2) Câu thứ ba: Bỏ mục-tiêu, lại gần dục-lạc: quên mất mục-tiêu giác-ngộ và giải-thoát của đường tu, vì đang chạy theo các thú-vui vật-chất;

3) Câu chót: Để rồi ganh-tị bực chuyên-tu: hậu-quả là thấy bạn đồng-tu tinh-tấn trên đường đạo thì lại sanh ra ghen-ghét, mà chẳng xét đến lỗi mình đã thiếu nỗ-lực trong việc tu-hành.

(3) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 210 và 211:

Hai bài Kệ nầy nhập chung lại thành một bài, khuyên ta phải dứt bỏ sự luyến-ái, sự bấu-viú, mà phải tập hạnh xả-ly.

Bài Kệ số 210 nêu lên hai nỗi khổ, trong tám cái khổ ở đời: (1) thương nhau mà phải xa nhau; (2) ghét nhau mà phải gần bên nhau. Tại sao khổ? Thương nhau mà xa nhau, thì nhớ mong, trông sớm được ngày gặp lại nhau. Thời gian chờ mong, thương nhớ làm cho tâm chẳng được yên. Ghét nhau mà phải gần bên nhau, thì sự bất đồng ý-kiến xảy ra hằng ngày, khiến cho cuộc sống chung trở nên nặng-nề, chẳng những giữa hai người trong cuộc, mà còn lây sang đến những người chung quanh.

Hai câu chót của bài Kệ số 210: Thương chẳng gặp, ghét lại gặp thường, Cả hai đường đều đau-khổ hết dẫn ta đến kết-luận được chỉ rõ trong bài Kệ số 211: Cả yêu lẫn ghét đều lià bỏ, Mọi dây ràng buộc bị diệt-tiêu. Kết-luận nầy nêu cao mục-tiêu tu-tập: giác-ngộ và giải-thoát. Giác-ngộ được gì? Giác-ngộ rằng cả hai tình-cảm:thương và ghét, tuy đối chọi nhau nhưng cùng có hiệu-lực ràng-buộc ta. Giải-thoát khỏi những gì? Giải-thoát khỏi những sự trói-buộc do chính tâm mình tạo ra cho mình. Vì lẽ nầy mà trước khi xuất-gia, người tu-hành phải dứt-khoát bỏ qua hết mọi luyến-lưu vào gia-đình và sự-nghiệp.

(166).- Tích chuyện một gia-chủ giàu-có.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến một vị gia-chủ giàu-có quá đau buồn vì con trai chết.

Thuở ấy, ở nước Xá-vệ, có một người gia-chủ rất giàu-có vì đứa con trai chết mà quá đau-buồn, mỗi ngày đều ra nghĩa trang khóc-lóc, than-thở. Sáng sớm hôm ấy, trong cơn thiền-định, Đức Phật quán-thấy đã đủ cơ-duyên cho người gia-chủ ấy chứng được quả-vị Tu-đà-huờn. Ngài liền cùng với các vị tỳ-kheo đi đến nhà vị gia-chủ đó, để khất-thực. Thấy vẻ mặt buồn-thảm của người gia-chủ, Đức Phật mới hỏi nguyên-do. Người ấy thuật lại việc đứa con trai của mình bị bịnh vừa qua đời, khiến cho lòng mình thương-cảm và âu-sầu. Đức Phật ân-cần khuyên: "Nầy gia-chủ, cái chết chẳng phải chỉ đến ở một nơi. Mọi chúng-sanh đã sanh ra, tất có ngày phải chết đi; cuộc sống luôn luôn chấm-dứt bằng cái chết. Gia-chủ đừng nghĩ rằng, chỉ có đứa con yêu-dấu của mình mới bị Thần Chết bắt mang đi. Gia-chủ đừng tỏ ra quá ưu-sầu, chán-nản, lo-lắng đến độ đó. Sự ưu-sầu, sự sợ-hãi chính do từ niềm thương-yêu luyến-ái quá mức mà sanh ra."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà người gia-chủ chứng-đắc được quả-vị Tu-đà-huờn:

Thân-ái sanh ra sầu-muộn,
Thân-yêu sanh ra lo-sợ.
Ai cắt đứt dây nhợ thân-ái,
Chẳng sầu, sao có sợ?
(Kệ số 212.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Gia-chủ: Gia = nhà; Chủ = chủ; Gia-chủ là chủ nhà.

- Nghĩa-trang = nghĩa-địa, nơi chôn-cất người chết.

- Quán-thấy: Xin nhắc lại: trong cơn thiền-định, nhìn thấy rõ trong tâm.

- Cơ-duyên: Xin nhắc lại: đã đủ duyên lành, được dịp may.

- Tu-đà-huờn: quả-vị đầu-tiên trong hàng Thanh-văn, đệ-tử sống gần bên Phật. Tiếng Pali là Sotàpatti, dịch là Nhập-Lưu, nghĩa là được gia-nhập vào dòng nước Thánh, hay là Thất-Lai, nghĩa là chỉ còn phải bị tái-sanh bảy lần nữa thì chứng được quả Thánh.

- Luyến-ái: Luyến = quyến-luyến, rời ra chẳng được. Ái = thương; Luyến-ái = lòng thương quá mức, đến độ rời nhau ra chẳng được.

- Thân-ái, thân-yêu: cùng là thương-yêu cả, nhưng hàm ý-nghĩa quá quyến-luyến, quá tríu-mến. Chính sự quá tríu-mến mới là chỗ Đức Phật dạy phải bỏ đi, vì nó ràng-buộc tâm ta, làm ta đau-khổ sau nầy.

- Dây-nhợ = nghĩa bóng là ràng-buộc, trói-buộc.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị, kể lại sự đau-buồn của một người cha bị mất đứa con trai, được Đức Phật khuyên-giải.

Lời Phật dạy: "Cái chết chẳng đến ở một nơi"; câu nầy nói lên lẽ Vô-thường trong Phật-học: mọi vật có hình-tướng đều bị biến-đổi và hủy-diệt. Hiểu rõ lẽ vô-thường, ta chẳng bám-víu vào bất cứ ai, bất cứ sự-vật gì, vì hễ còn bám-víu là còn bị khổ-đau khi bị mất-mát. Ứng-dụng vào đời sống: chấp-nhận lẽ vô-thường, xem sự chết dĩ-nhiên sẽ đến với mọi người, phải giữ tâm an-nhiên, chớ quá xúc-động.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 212:

1.- Thân-ái sanh ra sầu-muộn: mới đọc qua, thấy có vẻ mâu-thuẫn, vì khi thân-ái nhau thì sung-sướng, vui-thích hơn, chớ sao lại sầu-muộn? Nhưng, vì đã quá thân-ái nhau, nên khi lià nhau, sầu-muộn sẽ sanh ra. Có ai ở mãi bên nhau mà chẳng có lúc lìa nhau?

2.- Thân-yêu sanh ra lo-sợ: Tại sao? Vì sợ mất ngưòi hay vật mình thương.

3.- Ai cắt-đứt dây nhợ thân-ái: Ai vậy? Đó là người đã giác-ngộ, biết rõ sự ràng-buộc do tự tâm mình quá luyến-ái mà sanh ra.

4.- Chẳng sầu, sao có sợ? Khi nào sầu? Sầu khi gặp việc chẳng vừa lòng. Tại sao sợ? Sợ vì ngại việc chẳng vừa lòng sẽ xảy ra cho mình. Vậy muốn chẳng sầu, chẳng sợ, thì đừng quá vừa lòng việc gì cả, giữ tâm thật bình-đẳng, xem mọi việc đều ngang nhau.

(167).- Tích chuyện bà Vi-sa-kha khóc cháu.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến bà Vi-sa-kha quá đau buồn vì mất đứa chúa gái.

Thuở ấy, bà tín-nữ Vi-sa-kha, vị nữ thí-chủ rất nổi tiếng vào thời đức Phật, người đã xây cất và cúng-dường nữ tu-viện Đông-viên cho Ni-đoàn ở nước Xá-vệ, có đứa cháu tên Sử-đạt-ta vừa qua đời. Bà rất thuơng-tiếc, khóc lóc đau buồn thảm-thiết. Bà đến yết-kiến Đức Phật và được Đức Phật dạy rằng: "Nầy nữ thí-chủ Vi-sa-kha, sao bà chẳng biết mỗi ngày tại nước Xá-vệ nầy, có nhiều người đã chết? Nếu bà xem mỗi người đã qua đời là người thân mà bà thương-tiếc như một đứa cháu của bà, thì có lẽ chẳng có lúc nào bà ngưng chảy nước mắt cả. Bà chẳng nên để cái chết của đứa cháu thân-yêu làm khủng-hoảng tinh-thần bà như thế. Ưu-sầu và sợ-hãi sanh ra do sự quá luyến-ái đó."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Luyến-ái sanh ra sầu-muộn,
Tríu-mến sanh ra lo-sợ.
Ai cắt đứt dây nhợ luyến-ái,
Chẳng sầu, sao có sợ?
(Kệ số 213.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Vi-sa-kha: tên vị nữ thí-chủ đã dưng-cúng rất nhiều cho Ni-đoàn vào thời đức Phật, tiếng Pali là Visakha.

- Nữ tu-viện Đông-viên: tên ngôi chùa của bà Vi-sa-kha dưng-cúng, ở phiá Đông chùa Kỳ-viên, tiếng Pali là Pubbàràma

- Sử-đạt-ta: tên cháu gái bà Vi-sa-kha, tiếng Pali là Sudattà.

- Yết-kiến: đến gặp bực trưởng-thượng, để nghe chỉ-dạy.

- Làm khủng-hoảng tinh-thần: khiến cho mất tinh-thần, khiến cho lòng chẳng yên, trở nên đau buồn.

- Ưu-sầu: đau buồn trong lòng.

- Luyến-ái, Tríu-mến: cùng là tình thương cả, nhưng trong sự luyến-ái, trong sự tríu-mến, có sự bám-víu quá vào người mình thương, vào vật mình mến, cho nên đến khi phải lìa nhau thì sanh ra đau-khổ nhiều. Chính sự bấu-víu nầy là chỗ Đức Phật dạy phải rời bỏ, chớ chẳng phải là bỏ đi tình thương.

- Dây nhợ luyến-ái: Xin nhắc lại, đây là nghĩa bóng, chỉ vào sự ràng-buộc, chính từ nơi tâm mình sanh ra luyến-ái, rồi chính sự luyến-ái ấy lại trói buộc lấy tâm mình.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện nầy cũng rất giản-dị như Tích chuyện trước: bà Vi-sa-kha mất đứa cháu gái thân-yêu, khóc lóc, đau buồn, được Đức Phật khuyên-giải.

Ý-nghĩa của Tích chuyện nằm trong lời Đức Phật dạy: "Nếu bà xem mỗi người đã qua đời là người thân mà bà thương-tiếc như nột đứa cháu của bà, thì có lẽ chẳng có lúc nào bà ngưng chảy nước mắt cả..." Cái chết đến khắp nơi, chẳng riêng một nhà, đó là lẽ vô-thường của cuộc sống. Người hiểu lẽ vô-thường, biết chấp-nhận cái chết đến cho người thân, mà chẳng quá đau-buồn, chẳng để tâm mình phải mất sự an-tịnh.

Về tình thương, Đức Phật dạy phải trải rộng tình thương đến mọi người, mọi loài, chẳng phân-biệt; đó là tâm Từ-bi, khác rất xa với sự luyến-ái, vì sự luyến-ái còn hạn-chế, thu-hẹp vào một người hay một vật. Vì lẽ mở rộng tình thương đến mọi người, mọi loài nên tâm Từ-bi được gọi là tâm vô-lượng.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 213:

Ý-nghĩa bài Kệ nầy cũng giống với ý-nghĩa bài Kệ trước, số 212: sự luyến-ái sanh ra sầu-muộn và lo-sợ. Vì thế, ta phải cắt đứt dây nhợ của sự luyến-ái, để có thể trải rộng tình thương đến mọi người, mọi loài, chẳng phân-biệt xa hay gần, thân hay thù.

HỌC TẬP:

- Học thuộc hai bài Kệ, ghi nhớ: cắt đứt luyến-ái, chính là để trải rộng tình thương đến mọi người, mọi loài, theo tâm Từ-Bi.

(168).- Tích chuyện các ông hoàng xứ Ly-xa.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Chùa Nóc-Nhọn ở xứ Tỳ-da-ly trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến các vị hoàng-tử xứ Ly-xa.

Thuở ấy, vào một ngày hội-hè vui-nhộn, Đức Phật đi vào thành Tỳ-da-ly, cùng với đông-đảo tỳ-kheo. Dọc đường, Đức Phật gặp một đoàn xe trang-hoàng thật đẹp-đẽ chở các ông hoàng xứ Ly-xa đi du-ngoạn. Họ lên đường đến một công-viên để dự hội. Nơi đây, họ tranh dành nhau một người dâm-nữ, rồi sanh ra ẩu-đả nhau, nhiều người bị thương-tích nặng, phải dùng xe để chở về. Bấy giờ, Đức Phật và các tỳ-kheo đi khất-thực xong, trở về tịnh-xá, trông thấy cảnh-tượng đó.

Một vị tỳ-kheo nói: "Chỉ vì tranh nhau một người dâm-nữ, mà các ông hoàng ăn-mặc sang trọng kia, phải bị thương-tích nặng-nề." Đức Phật dạy: "Nầy các tỳ-kheo, chạy theo các thú-vui vật-chất tạm-bợ như thế, chỉ đưa đến sầu-muộn. Ai biết dứt bỏ dục-lạc của các thú-vui thể-xác, đâu còn phải đau-khổ, sợ-hãi nữa."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Hỉ-ái sanh ra sầu-muộn,
Thích vui vật-chất sanh ra lo-sợ.
Ai cắt đứt dây nhợ hỉ-ái,
Chẳng sầu, sao có sợ?
(Kệ số 214.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Chùa Nóc-Nhọn: dịch tiếng Pali là Kutàgàra, có nghĩa là một tu-viện có nóc nhọn nhô lên như ngọn tháp. Tu-viện nầy nằm trong xứ Tỳ-da-ly (tiếng Pali là Vesàlì.)

- Ly-xa: một bộ-tộc miền Bắc Ấn-độ xưa, tiếng Pali là Licchavì.

- Dâm-nữ: người đàn-bà dùng sắc-đẹp thể-xác mình mua vui cho bọn đàn-ông.

Ẩu-đả: đánh lộn nhau tơi-bời.

- Dục-lạc: Dục = ham-muốn; Lạc = vui. Ở đây, chữ dục-lạc được dùng với nghĩa rộng, chỉ các thú-vui vật-chất, nhứt các thú-vui về nhục-dục, về thể-xác.

- Hỉ-ái: Hỉ = vui; Ái = thương, thích. Ở đây chữ hỉ-ái được dùng theo nghĩa rộng, chỉ các thú-vui vật-chất tạm-bợ, chỉ làm thoả-mãn các giác-quan, bỏ qua niềm vui cao hơn về tinh-thần.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại các ông hoàng xứ Ly-xa vì tranh nhau một nàng dâm-nữ, ẩu-đả nhau mà mang thương-tích. Trông thấy cảnh-tượng đó, Đức Phật dạy các tỳ-kheo: "Chớ chạy theo thú-vui vật-chất tạm-bợ, phải cắt đứt dây nhợ hỉ-ái."

Ý-nghĩa của Tích chuyện là sự thiếu suy-xét của các ông hoàng xứ Ly-xa: vì tranh dành nhau một phút ngắn-ngủi được gần người dâm-nữ mà sanh ra ẩu-đả khiến phải bị thương-tích nặng-nề. Thú-vui vật-chất tạm-bợ trong chốc-lát chẳng bù được sự khổ-sở đau-đớn về xác-thịt tiếp theo đó.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 214:

Thử phân-tách bài Kệ ra từng câu:

1) Hỉ-ái sanh ra sầu-muộn: Chữ Hỉ-ái, thích vui, ở đây có nghĩa rộng là thích các sự vui về thể-xác tạm-bợ trong chốc-lát, như thú-vui nhục-dục giữa trai gái. Vì cơn vui quá ngắn muốn kéo dài mãi mà chẳng được, cho nên sanh ra sầu-muộn.

2) Thích vui vật-chất sanh ra lo-sợ: Thích vui vật-chất, đây, chỉ vào các thoả-mãn nhu-cầu của các giác-quan: mắt muốn nhìn sắc-đẹp cho "mãn-nhãn"; tai muốn nghe tiếng thật du-dương cho "khoái lỗ-nhĩ", lưỡi muốn nếm chất thật béo-ngọt cho "đã khẩu-vị", tay muốn sờ vuốt vào vật hết sức trơn-láng cho "đê-mê", nên sanh ra lo-sợ mỗi khi chẳng thoả-mãn được.

3) Ai cắt đứt dây-nhợ hỉ-ái; Chẳng sầu, sao có sợ?: Dây-nhợ hỉ-ái, đây, chỉ vào sự ràng-buộc do sự ham-thích các thú-vui vật-chất gây ra. Vì sự thèm-khát từ trong tâm mình sanh ra, tạo nên dây-nhợ hỉ-ái, nay với ý-chí cương-quyết dẹp sự khát-ái qua một bên, ta dứt được sầu-muộn, lo-sợ, tâm trở nên yên-ổn.

(169).- Tích chuyện chàng thanh-niên Anh-thi.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một chàng thanh-niên tên Anh-thi, quá đau-buồn trước cái chết của vị-hôn-thê.

Thuở ấy, ở nước Xá-vệ có chàng thamh niên tên là Anh-thi, sắp cưới một cô thiếu-nữ nhan-sắc đẹp lộng-lẫy ở thành Sa-ga-la, thuộc xứ Mạch-đạt. Đến ngày thành-hôn, cô thiếu-nữ lên đường từ Sa-ga-la về nhà chồng, dọc đường ngã bịnh nặng rồi từ-trần. Chàng Anh-thi nghe tin vị-hôn-thê chết, cõi lòng tan-nát, đau-buồn chẳng kể xiết.

Sáng sớm hôm ấy, trong cơn thiền-định, Đức Phật quán-thấy đã đủ cơ-duyên cho thanh-niên Anh-thi chứng-đắc sơ-quả, Ngài liền cùng chư tỳ-kheo lên đường đến nhà Anh-thi để khất-thực. Cha mẹ chàng trai dưng cúng thực-phẩm. Sau buổi ngọ-trai, Đức Phật cho mời chàng Anh-thi ra hỏi chuyện. Trông vẻ thiểu-não của chàng trai, Đức Phật mới hỏi duyên-cớ. Chàng kể lại cõi lòng tan-nát vì người yêu vừa qua đời. Đức Phật khuyên-giải: "Nầy Anh-thi, ái-dục sanh ra sầu-muộn. Chỉ vì ham-thích các thú-vui nhục-dục, mà con người phải chịu đau-khổ và lo-lắng."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà chàng thanh-niên Anh-thi chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:

Dục-ái sanh ra sầu-muộn,
Thích vui nhục-dục sanh ra lo-sợ.
Ai cắt đứt dây nhợ dục-ái,
Chẳng sầu, sao có sợ?
(Kệ số 215.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

Các tên Pali được Việt-hoá cho dễ đọc:

-Anh-thi = Anitthigandha; Sa-ga-la = Sàgala; Mạch-đạt = Maddas

- Vị hôn-thê: vợ chưa cưới.

- Từ-trần = chết.

- Trong cơn thiền-định, quán-thấy: trong khi ngồi Thiền, tâm an-định, nhìn thấy rõ trong tâm...

- Đủ cơ-duyên: đã đến lúc thuận-tiện, được đủ cơ-hội may-mắn.

- Sơ-quả: quả-vị đầu-tiên của hàng Thanh-văn, tức là các vị đệ-tử của Đức Phật, sống gần bên Phật, nghe kinh mà tu-tập. Đây là quả-vị Tu-đà-huờn, còn gọi là Nhập-lưu, hay Thất-Lai; tiếng Pali là Sotàpatti. Nhập-Lưu có nghĩa là bước chơn vào dòng Thánh; Thất-Lai có nghĩa là chỉ phải tái-sanh lại cõi người bảy lần nữa, rồi chứng được Thánh-quả A-la-hán, tự-tại mãi trong cõi Niết-bàn.

- Khất-thực: đi xin ăn. Theo giới-luật nhà Phật, tỳ-kheo chẳng được phép có nghề riêng để sanh-sống, mà phải đi xin ăn, để diệt lòng tự-ái và có dịp gặp dân-chúng để chỉ-dạy giáo-lý cho họ.

- Ngọ-trai: Ngọ = 12 giờ trưa; Trai = bữa ăn chay. Ngọ-trai là bữa cơm chay vào 12 giờ trưa; sau đó suốt ngày, chẳng ăn nữa.

- Ái-dục: Ái = thương, thích; Dục = muốn. Chữ Ái-dục đây được dùng theo nghĩa rộng, chỉ sự ham-muốn thoả-mãn về thể-xác, nhục-dục, giữa trai-gái.

- Nhục-dục: Nhục = thịt; Dục = ham-muốn; Thú-vui nhục-dục là thú-vui thể-xác khi có sự giao-hợp giữa trai-gái.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tídh chuyện thuật lại việc đau-buồn của một chàng trai vì vị hôn-thê chết trước khi cưới. Đức Phật khuyên-giải, sự ham-thích các thú-vui nhục-dục đưa đến sự lo-lắng, sầu-muộn vì muốn kéo dài sự thích-thú chẳng được và sợ mất đi nguồn vui tạm-bợ nầy. Vì thế, muốn khỏi phải sầu-muộn và lo-lắng, thì nên xa lìa sự ham-thích các thú-vui nhục-dục tạm-bợ.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 215:

Cũng như các bài Kệ trước, bài Kệ số 215 khuyên ta cắt đứt dây nhợ của các sự: thân-ái, luyến-ái, hỉ-ái, dục-ái. Cùng là sự yêu-thích cả, do lòng thương = ái, sanh ra nơi tâm mình, nay muốn cắt-đứt dây nhợ đó, phải có ý-chí cương-quyết dẹp chúng qua một bên. Chỉ vì mình thích, mình thương, mà sanh ra ràng-buộc, nếu nay tự mình biết chẳng thích, chẳng thương nữa, mối ràng-buộc tự nó chấm-dứt vậy.

(170).- Tích chuyện người nông-phu Bà-la-môn.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một người nông-phu thuộc giai-cấp Bà-la-môn.

Thuở ấy, ở nước Xá-vệ, có một người nông-phu thuộc giai-cấp Bà-la-môn, chẳng tin theo giáo-lý của Đức Phật. Đức Phật quán-thấy người ấy có đủ cơ-duyên để chứng-đắc được quả-vị Tu-đà-huờn, nên trên đường đi khất-thực, Ngài dừng lại bên thửa ruộng người nông-phu đang cầy cấy. Nghe Đức Phật thăm hỏi về công-việc làm ăn của mình, người nông-phu vui-vẻ bàn-luận về mùa-màng cùng Đức Phật. Người ấy nói: "Nầy Sa-môn Cồ-đàm, chẳng bao lâu nữa, đến mùa gặt hái, tôi sẽ tặng-hiến cho tu-sĩ một số lúa gạo, trước khi tôi đem ra dùng cho gia-đình tôi." Đức Phật ngỏ lời cám ơn, nhưng Ngài lại biết trước, trong tương-lai, người Bà-la-môn ấy gặp chuyện chẳng may, sẽ chẳng thực-hiện được lời hứa đó, nhưng Ngài im-lặng chẳng nói ra.

Cách đó ít lâu, vào một đêm trước khi gặt hái, một cơn mưa dầm thật to lớn đã khiến cho cả thửa ruộng bị nước lũ cuốn trôi hết. Sáng ra, người nông-phu nhìn cảnh tàn-phá trên thửa ruộng, lòng hết sức buồn-bã, nhớ đến lời hứa sẽ tặng thóc gạo cho Sa-môn Cồ-đàm mà sanh ra phiền-muộn. Khi Đức Phật đến nhà, người nông-phu thuật lại cảnh tai-biến đã xảy ra cho gia-đình mình, Đức Phật khuyên-giải: ‘Nầy Bà-la-môn, ông chẳng biết được nguyên-nhơn sanh ra phiền-muộn trong lòng ông, chớ tôi, tôi biết rõ. Đó là vì lòng khát-ái mà sầu-muộn và sợ-hãi đã nổi lên trong lòng ông. Vì quá mong-cầu được gặt hái nhiều thóc gạo, mà nay lòng ông thất-vọng mới sanh ra quá buồn-rầu đó."

Rồi Đức Phật mới nới lên bài Kệ sau đây, nhờ đó người nông-phu Bà-la-môn chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:

Khát-ái sanh ra sầu-muộn,
Thích tham-cầu sanh ra lo-sợ.
Ai cắt đứt dây nhợ khát-ái,
Chẳng sầu, sao có sợ?
(Kệ số 216.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Bà-la-môn: tiếng Pali là Brahmanà, giai-cấp tu-sĩ ở Ấn-độ xưa. Có 4 giai-cấp: (1) Bà-la-môn, tu-sĩ; (2) Sát-đế-lợi (Khattiyà), vua quan; (3) Phệ-xá (Vessà), buôn-bán; (4) Thủ-đà-la (Suddà), nông-công nhơn.

- Quán-thấy... đủ cơ-duyên... chứng quả Tu-đà-huờn: xin xem lại phần Tìm hiểu ở bài trước.

- Sa-môn: tiếng Phạn là Sramana, tu-sĩ Phật-giáo, gồm có ba nghĩa: (1) Cần-giả, người siêng làm điều thiện; (2) Tức-giả, người ngưng bỏ các điều ác; (3) Bần-giả, người cam chịu sự nghèo khó.

- Cồ-đàm: tiếng Pali là Gotama, họ của Đức Phật Thích-ca.

- Cảnh tai-biến: Tai = tai-nạn; Biến = biến-cố; Tai-biến = việc rủi-ro

- Khát-ái: dịch chữ Pali Tanha, lòng thèm-khát, ham-muốn.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc thất-bại mùa màng của một nông-phu, khiến ông ta lo-buồn. Đức Phật khuyên-giải, vì quá mong-cầu muốn được mùa màng tốt-đẹp, nên khi gặp thiên-tai, phải chịu đau-buồn. Muốn khỏi lo buồn, đừng quá mong-cầu, dẹp được lòng khát-ái, thì tâm trở nên an-tịnh, chẳng bị xao-xuyến khi gặp nghịch-cảnh.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 216:

Bài Kệ nầy, cùng với bốn bài Kệ trước, nói về sự sầu-muộn, lo-sợ sanh ra do bởi lòng thương khởi lên từ trong tâm. Lòng thương vốn là một tình-cảm tốt, đáng quí, nhưng tại sao giáo-lý nhà Phật lại bảo phải gát qua một bên. Đó là vì lòng thương sanh ra mối ràng-buộc. Ràng-buộc như thế nào? Khi mình thương một người, mà chẳng gần được người ấy, thì sanh ra nhớ-nhung. Khi mình thích một vật, mà vật đó bị mất đi, mình tiếc nhớ. Khi mình muốn thoả-mãn các nhu-cầu giác-quan cho thỏa-thích mà chẳng được, mình trở nên bực-dọc. Khi mình mong-muốn được sống cùng người yêu mà chẳng được, mình sanh ra đau-khổ. Khi mình mong-cầu việc gì mà chẳng được, mình thất-vọng. Vì các lẽ đó, mà lòng thương nên được gát qua một bên: xem mọi người, mọi vật đều ngang nhau, chẳng luyến vật nầy, ghét bỏ vật kia, đó là con đường giải-thoát khỏi các mối ràng-buộc.

(171).- Tích chuyện các thanh-niên kính-mộ Tôn-giả Đại-Ca-diếp.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tịnh-xá Trúc-lâm, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến các chàng thanh-niên kính-mộ Tôn-giả Đại-Ca-diếp.

Thuở ấy, vào một ngày hội vui-vẻ, Đức Phật cùng đoàn tỳ-kheo lên đường đi khất-thực ở thành Vương-xá. Dọc đường, có một đoàn thanh-niên tay mang giỏ đựng các bánh chiên, đi hướng về công-viên để vui đùa, mà chẳng dưng-cúng Đức Phật cùng chư tăng. Đức Phật dừng lại, nói với chư tỳ-kheo: "Nầy chư tỳ-kheo, hôm nay chúng ta sẽ ăn các bánh chiên trong giỏ kia. Người chủ các bánh chiên đó đang đi gần tới đây. Chúng ta hãy ngồi lại trong chốc lát, đợi bánh đem đến, ăn rồi sẽ đi." Đức Phật và chư tăng vừa ngồi xuống dưới gốc cây bên lề đường, thì đàng xa, Tôn-giả Đại-Ca-diếp cũng vừa đi tới. Các thanh-niên liền qùi xuống đảnh-lễ Tôn-giả và dưng-hiến bánh chiên. Tôn-giả Đại-Ca-diếp bảo: "Nầy các bạn thanh-niên, Thầy ta là Đức Phật đang ngồi dưới gốc cây kia với các tỳ-kheo. Các bạn nên đến đảnh-lễ và dưng bánh lên cúng-dường." Các thanh-niên vâng lời dạy, đến qùi dâng bánh lên Đức Phật và chư tỳ-kheo. Đức Phật vui vẻ thọ-nhận, xong Ngài tiếp-tục lên đường.

Bấy giờ, có vị tỳ-kheo bạch Phật: "Bạch Thế-tôn, các thanh-niên đã tỏ ra thiên-vị, tôn-trọng Tôn-giả Đại-Ca-diếp hơn cả Tăng-đoàn." Đức Phật bảo: "Nầy chư tỳ-kheo, tỳ-kheo nào có đầy-đủ giới-đức như Đại-Ca-diếp thì được cả Trời, Người đều kính-trọng, dưng-hiến cho thật đầy-đủ tứ-sự cúng-dường."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Người tuệ-giác, giới-hạnh đầy-đủ,
Trú Chánh-pháp, Chơn-lý chứng-ngộ;
Việc phải làm, nay đã làm xong,
Người ấy được công-chúng kính-mộ.
(Kệ số 217.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Kính-mộ: Kinh = kính-trọng; Mộ = ái-mộ. Kính-mộ = tôn-trọng và thương-mến.

- Đại-Ca-diếp: vị đại-đệ-tử của Phật Thích-ca, giỏi nhứt về hạnh đầu-đà, cầm đầu Giáo-hội, sau khi Phật nhập Niết-bàn.Tiếng Pali là: Mahà Kassapa.

- Đảnh-lễ = cúi đầu xuống, chào kính để ra mắt.

- Thiên-vị: Thiên = nghiêng một bên; Vị =vị-nể. Tỏ ra thiên-vị là thiếu sự công-bằng, trọng người nầy hơn người khác.

- Giới-đức: Giới = điều răn-cấm trong đạo; Đức = đức-hạnh, tánh-hạnh. Giới-hạnh đầy-đủ là giữ tròn các giới cấm, tánh-tình đáng quí.

-Tứ sự cúng-dường: Tứ = bốn;Sự = việc;Cúng-dường = cung-dưỡng, cung-cấp để nuôi-dưỡng. Đây là bốn việc mà người tín-đồ dưng-cúng cho các tỳ-kheo: thực-phẩm, quần-áo, giường nằm và thuốc men.

- Tuệ-giác: Tuệ = trí-huệ; Giác = biết rõ; Người tuệ-giác là người lúc nào cũng tỉnh-táo, biết rõ mình đang nói, làm, nghĩ những gì.

- Trú Chánh-pháp: Trú = ở yên nơi đó; Chánh-pháp = lời dạy của Đức Phật.Người trú trong Chánh-pháp là người luôn tuân Chánh-pháp.

- Chơn-lý chứng-ngộ: đã chứng-ngộ được Chơn-lý, tức là đã giác-ngộ, hiểu rõ lẽ sống-chết và con đường giải-thoát khỏi Luân-hồi.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị, các thanh-niên dưng cúng bánh chiên cho Tôn-giả Đại-ca-diếp, mà chẳng cúng Phật, vì họ chẳng biết Đức Phật là thầy của Tôn-giả. Ý-nghĩa của Tích chuyện là lời dạy của Phật: hễ giữ đúng giới-đức, chứng-ngộ Chơn-lý, tuân theo Chánh-pháp là được sự kính-mộ của Trời và Người.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 217:

Bài Kệ nêu rõ những đức-tánh của người đã hoàn-toàn giác-ngộ và giải-thoát, nên được sự kính-mộ của Trời và Người: luôn luôn tỉnh-giác, giới-hạnh đầy-đủ, thông-thạo Chánh-pháp và chứng-ngộ Chơn-lý. Việc phải làm đã làm xong, đó là việc giải-thoát được tất cả phiền-não, chứng quả A-la-hán và thoát khỏi sự tái-sanh trong cõi Luân-hồi.

(172).- Tích chuyện vị Trưởng-lão đắc quả A-na-hàm.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị Trưởng lão kia đã chứng quả A-na-hàm rồi mà chẳng nói cho các đệ-tử mình biết.

Thuở ấy, có vị Trưởng-lão tu-tập rất chuyên-cần, chứng đắc được quả-vị thứ ba trong hàng Thanh-văn là quả-vị A-na-hàm. Nhưng Trưởng-lão chẳng tiết-lộ mình đã chứng quả-vị, khi các đệ-tử của ông hỏi ông đã chứng được quả-vị nào chưa. Ông nghĩ, hãy cố-gắng hơn nữa để chứng quả A-la-hán, cao nhứt, bấy giờ sẽ cho các đệ-tử biết. Nhưng chẳng bao lâu, Trưởng-lão qua đời mà chưa đắc được quả-vị A-la-hán. Các người đệ-tử có lòng thương-tưởng đến vị thầy của mình, mới đến thưa hỏi cùng Đức Phật, chẳng biết Trưởng-lão được tái-sanh vào cảnh-giới nào. Đức Phật bảo: "Nầy các tỳ-kheo, thầy của các vị đã chứng được quả-vị thứ ba là A-na-hàm rồi trước khi rời bỏ thân-xác, nay được tái-sanh lên cõi Trời Phạm-thiên. Vì đã diệt-bỏ mọi ham muốn về các thú-vui vật-chất, và nỗ lực tinh-cần, vị Trưởng-lão đó sẽ chứng-đắc quả-vị A-la-hán sau nầy."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó một số tỳ-kheo chứng được quả-vị A-la-hán:

Ước-vọng đắc Niết-bàn, pháp ly-ngôn,
Ba quả-vị bực Hiền, trí chứng xong.
Tâm giải-thoát hoàn-toàn khỏi dục-lạc,
Đấy, bực Thượng-Lưu vượt trên giòng.
(Kệ số 218.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- A-na-hàm: quả-vị thứ ba hàng Thanh-văn, còn gọi là Bất-Lai, nghĩa là chẳng phải tái-sanh vào cõi người nữa, nơi cõi Phạm-thiên tiếp-tục tu-hành để chứng quả thánh A-la-hán. Tiếng Pali: Anàgàmi.

- Hàng Thanh-văn: các đệ-tử sống gần bên Đức Phật nghe Phật giảng kinh (= thanh văn, Sravaka, Sàvaka) mà tu-tập đắc quả.

- Tiết-lộ = nói rõ cho người khác biết đến.

- Quả-vị: Quả = kết-quả của sự tu-tập; Vị = chỗ ngồi. Quả-vị là cấp-bực chứng-đắc khi tu-hành thành-công. Có bốn quả-vị trong hàng Thanh-văn: (1) Tu-đà-huờn, hay Nhập-Lưu, hay Thất-Lai, (Sotàpatti); (2) Tư-đà-hàm, hay Nhứt-lai, (Sakadàgàmi), (3) A-na-hàm, hay Bất-Lai, (Anàgàmi); ba quả-vị nầy, vì còn phải tái-sanh, nên được gọi là bực Hiền; (4) A-la-hán (Arahant), với ba nghĩa: (a)sát-tặc, giết hết các giặc phiền-não; (b)ứng-cúng, xứng-đáng được Trời, Người cúng-dường; (c),vô-sanh, chẳng còn bị tái-sanh nữa; đây là quả-vị Thánh, cao nhứt.

- Tái-sanh: Tái = trở lại lần sau; Sanh = sanh ra. Theo thuyết Luân-hồi, chúng-sanh sau khi chết đi, tùy theo nghiệp mà sanh lại dưới một hình-thức khác, trong một cảnh-giới khác.

- Cảnh-giới: cõi sống, nơi được tái-sanh, như sanh vào hàng người, Trời, hay thú-vật, v.v.

- Phạm-Thiên: cõi Trời Phạm, Brahma. Đây là từng trời thuộc Sắc-giới, ở vào cõi Thiền thứ nhứt.

- Niết-bàn: tiếng Phạn là Nirvana, tiếng Pali là Nibbana. Theo nghĩa tiếng Phạn, Nir là ra khỏi, Vana là rừng u-tối; Niết-bàn là cảnh-giới người tu-hành chứng-đắc khi đã diệt-trừ được hết các phiền-não, bỏ hết mọi dục-lạc, tự-tại trong cảnh an-vui, vắng-lặng. Có hai cảnh Niết-bàn: (1) Hữu-dư Niết-bàn (Sopàdisesa Nibbàna), chứng đắc khi còn giữ thân-tâm ngũ-uẩn; (2) Vô-dư Niết-bàn (Anupadisesa Nibbàna), khi đã lià bỏ thân-xác nầy.

- Pháp ly-ngôn: Ly =lià; Ngôn = lời nói. Vì cảnh-giới Niết-bàn thuộc về xuất-thế-gian, nên chẳng thể dùng lời nói của người thế-tục mà diễn-tả ra đầy-đủ được. Chỉ khi chứng được Niết-bàn, mới biết rõ.

- Ba quả-vị bực Hiền: ba quả-vị đầu: Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm và A-na-hàm, vẫn còn phải tái-sanh.

- Dục-lạc: Dục = ham-muốn; Lạc = vui. Dục-lạc là các thú-vui vật-chất, tạm-bợ.

- Thượng-Lưu: Thượng = trên; Lưu = giòng nước. Chữ Thượng-lưu theo nghĩa bóng, nói đến các bực đã vượt lên trên các thường-nhơn.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị, thuật lại việc một vị trưởng-lão đã chứng-đắc được quả-vị A-na-hàm, mà chẳng nói cho các đệ-tử biết, vì còn chờ đến lúc chứng được quả thánh: A-la-hán.

Ý-nghĩa của Tích chuyện là lời dạy của Đức Phật: người đã diệt-bỏ mọi thú-vui dục-lạc, nỗ-lực tinh-cần, sẽ chứng được quả-vị Thánh, A-la-hán.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 218:

Bài Kệ nầy nói về vị Trưởng-lão đã chứng-đắc quả-vị A-na-hàm mà chẳng nói ra. Đó là một đức-tánh quí của người tu-hành chơn-chánh, chẳng khoe-khoang quả-vị.

Thử phân-tách từng câu của bài Kệ:

1) Ước-vọng đắc Niết-bàn, pháp ly-ngôn: Mong-ước được chứng cảnh-giới Niết-bàn, đó là mục-tiêu tu-hành chơn-chánh. Niết-bàn là cảnh-giới xuất-thế-gian, chẳng thể dùng lời nói (pháp ly-ngôn) để diễn-tả được. Chỉ khi đã chứng đắc Niết-bàn, mới biết rõ Niết-bàn như thế nào.

2) Ba quả-vị bực Hiền, trí chứng xong: Trí-huệ đã chứng-đắc được ba quả-vị đầu-tiên, gọi là bực Hiền, đã dẹp xong tất cả phiền-não trong tâm, nên Trí trở nên thanh-tịnh, thấy biết rõ ràng Chơn-lý.

3) Tâm giải-thoát hoàn-toàn khỏi dục-lạc: mọi ham-muốn về các thú-vui vật-chất, tạm-bợ đã dẹp bỏ xong, Tâm trở nên thanh-tịnh, cắt đứt mọi ràng-buộc.

4) Đấy, bực Thượng-Lưu vượt trên giòng: đó là bực thượng-lưu trí-thức đã vượt qua mọi ràng-buộc, hoàn-toàn giải-thoát, đứng trên tất cả mọi phàm-phu còn đang trôi lăn trong vòng sanh-tử, tử-sanh của Luân-hồi khổ-đau lận-đận.

(173).- Tích chuyện gia-chủ Nan-đi-gia.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại vườn Lộc-uyển, gần thành Ba-la-nại, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến gia-chủ Nan-đi-gia.

Nan-đi-gia là một gia-chủ rất giàu-có ở thành Ba-la-nại. Sau khi nghe Đức Phật giảng về công-đức lập chùa-chiền để cúng-dường cho chư Tăng, Nan-đi-gia liền xuất tiền ra mướn công-nhơn xây-dựng ngôi Đại-tu-viện tại vườn Lộc-uyển. Cơ-sở kiến-trúc thật đồ-sộ, lầu tháp nóc nhọn cao vút, đầy đủ bàn-ghế, phòng ốc trang-hoàng rực-rỡ. Sau khi Đại-tu-viện được dưng-cúng lên Đức Phật, thì một lâu-đài nguy-nga, tráng-lệ nổi lên trên cõi Trời Đao-lợi, dành riêng cho Nan-đi-gia.

Một hôm, Tôn-giả Đại-Mục-kiền-liên vận-dụng phép thần-thông lên cõi Trời Đao-lợi, nhìn thấy lâu-đài tráng-lệ dành sẵn cho Nan-đi-gia, khi trở về, mới đến bạch Phật: "Bạch Thế-tôn, phải chăng những người đã có công-đức to-lớn cúng-dường, được dành sẵn lâu-đài tráng-lệ trên cõi Trời Đao-lợi?" Đức Phật bảo: "Nầy Mục-kiền-liên, sao ông còn lại hỏi? Ông chẳng thấy ngôi lâu-đài nguy-nga trên cõi Trời Đao-lợi dành sẵn cho Nan-đi-gia, người đã dưng-cúng Đại-tu-viện nầy ở vườn Lộc-uyển đó hay sao? Chư Thiên trên cõi Trời Đao-lợi đang chờ ngày đón tiếp Nan-đi-gia, như những thân-nhơn chờ ngày người bà-con đi xa trở về. Những người làm điều thiện, khi lià bỏ cõi trần nầy, sẽ được chư Thiên trên cõi Trời Đao-lợi đón tiếp nồng-hậu."

Rồi Đức Phật nói lên hai bài Kệ sau đây:

Người rời nhà từ lâu xa vắng,
Nay quay trở lại đặng an-toàn.
Bà con, bè-bạn hân-hoan
Đón mừng người ấy bình-an trở về.
(Kệ số 219.)

Cũng vậy, người chuyên bề hành thiện
Trải từ đời trước đến đời sau,
Quả lành chờ sẵn đón chào
Như mừng người bạn đi lâu mới về.
(Kệ số 220.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Gia-chủ: Gia = nhà; Chủ = người chủ. Gia-chủ là chủ nhà.

- Nan-đi-gia: tên người gia-chủ nầy, tiếng Pali là Nandiya.

- Vườn Lộc-uyển: Lộc = con nai; Uyển: vườn. Đây là khu vườn nơi Đức Phật thuyết-giảng Kinh Chuyển-Pháp-Luân, lần đầu-tiên cho năm anh em ông Kiều-trần-như nghe, sau khi Ngài thành Đạo. Còn gọi là Vườn Tiên, tiếng Pali là Isipatana, vì trước ở đây có nhiều vị tiên tu.

- Ba-la-nại: tên thành-phố lớn ở Ấn-độ, nay gọi là Vaàrànasì.

- Kiến-trúc = xây-cất.

- Đồ-sộ = to lớn.

- Tráng-lệ = thật đẹp-đẽ.

- Đao-lợi = cõi Trời thuộc Dục-giới, còn gọi là cõi Trời Tam-thập-tam-thiên, có 33 cảnh, ở giữa có cung-điện của Vua Trời Đế-Thích. Tiếng Pali gọi cõi Trời nầy là Tàvatimsa.

- Thần-thông: pháp-lực khác thường như có thể bay trên không, đi trên mặt nước, v.v. do nhờ định-lực cao trong khi tu Thiền.

- Lià bỏ cõi trần: rời cuộc sống ở kiếp người, tức là chết đi.

- Hành-thiện:Hành = làm;Thiện = điều lành. Hành-thiện = làm lành

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc người gia-chủ Nan-đi-gia xây chùa ở vườn Lộc-uyển, được dành sẵn lâu-đài tráng-lệ trên cõi Trời Đao-lợi.

Ý-nghĩa của Tích chuyện là, hễ làm lành thì quả lành chờ sẵn, cũng như bà-con chờ đón người thân đi xa trở về. Việc thiện, cũng như điều ác, một khi đã làm, thì kết-quả, tốt hay xấu, sẽ chờ sẵn, khi đủ dịp sẽ trỗ ra; đó là Luật Nhơn-quả.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 219 và 220:

Hai bài Kệ thật ra chỉ là một bài, nói về quả-báo lành đang chờ ngày trỗ quả đến cho người đã hành-thiện. Nên lưu-ý hai câu: "Người chuyên bề hành-thiện, Trải từ đời trước đến đời sau", và nhớ rằng, quả-báo lành tuy nay chưa xảy ra, nhưng sớm muộn chi cũng có ngày trỗ quả, vậy cứ chuyên-tâm làm lành, phước sẽ đến về sau, chẳng mất.

-ooOoo-

XVII.- Phẩn SÂN-HÂN.

(174).- Tích chuyện công-chúa Lỗ-hi-nhi.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại Chùa Cây Sung, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến công-chúa Lỗ-hi-nhi, em của Trưởng-lão A-nâu-lâu-đà.

Thuở ấy, Trưởng-lão A-nâu-lâu-đà viếng thành Ca-tỳ-la-vệ. Trong thời-gian nầy, các thân-nhơn đều đến thăm-viếng Trưởng-lão, chỉ trừ người em ruột là công-chúa Lỗ-hi-nhi chẳng thấy đến. Trưởng-lão cho người đi mời. Công-chúa bấy giờ đang mắc bịnh cùi ( = hủi), lấy khăn quàng đầu, che các chỗ lở-lói, rồi mới đến chùa. Trưởng-lão liền hỏi công-chúa đã có làm được một việc thiện nào không? Công-chúa đáp, chưa. Trưởng-lão khuyên công-chúa nên đem các đồ nữ-trang và quần-áo đẹp của mình ra bán, lấy tiền xây cất một phòng ăn cho chư Tăng ở tu-viện. Công-chúa vâng lời làm theo lời dạy. Bấy giờ, Trưởng-lão lại khuyên công-chúa, mỗi ngày nên quét-tước chung quanh tu-viện, gánh nước đổ đầy lu trong chùa, trong khi phòng ăn được xây cất. Công-chúa đều tuân theo lời anh mình dạy.

Đến khi phòng ăn được xây cất xong và bàn-ghế được trang-hoàng đẹp-đẽ, Trưởng-lão thỉnh Đức Phật và chư Tăng đến tu-viện để khánh-thành. Sau buổi ngọ-trai, Đức Phật cho mời vị thí-chủ đã dưng-cúng phòng ăn. Công chúa được gọi đến trình-diện cùng Đức Phật. Đức Phật ngỏ lời tán-thán công-đức cúng-dường của công-chúa, và hỏi công-chúa có biết vì sao nay bị bịnh cùi không? Công-chúa thưa, chẳng biết. Đức Phật mới kể lại tích xưa như sau:

Vào một thời xa xưa, có bà hoàng-hậu xứ Ba-la-nại, nhan-sắc đẹp-đẽ nhưng tánh-tình hay ghen-tuông. Nhà vua lại có một nàng cung-nữ trẻ đẹp muá hát thật khéo, được vua cưng-chiều lắm. Hoàng-hậu ganh-tị, lén cho người rắc thuốc ngứa vào chăn-chiếu của cô cung-nữ. Rồi trong khi nàng múa hát, các tỳ-nữ theo lịnh của Hoàng-hậu, thoa phấn ngứa vào mình người vũ-nữ, khiến cho quá ngứa ngáy, phải chạy lui về phòng, quấn mình trong chăn, lại càng thêm ngứa-ngáy. Vì tội-ác đó, hoàng-hậu nay lại tái-sanh làm công-chúa Lỗ-hi-nhi với căn bịnh gớm-ghiếc. Nghe Đức Phật kể xong, công-chúa tỏ lòng ăn-năn, hết sức hối-tiếc tội-lỗi đã qua.

Bấy giờ Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó công-chúa Lỗ-hi-nhi chứng được sơ-quả Tu-đà-huờn, và bịnh cùi cũng từ từ khỏi:

Phải dẹp bỏ sân-hận,
Phải lià xa ngã-mạn,
Kết-sử phải vượt qua hết.
Chẳng luyến-ái danh-sắc
Thoát khỏi mọi lậu-hoặc,
Phiền-não sẽ chừa người nầy ra.
(Kệ số 221.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Lỗ-hi-nhi: tên vị công-chúa nầy, tiếng Pali là Rohinì.

- Chùa Cây Sung: tên ngôi tu-viện nầy, tiếng Pali là Nigrodàràma. Chữ Nigrodà có nghĩa là cây Sung.

- A-nâu-lâu-đà: còn được gọi là A-na-luật, tiếng Pali Anuruddha

- Ca-tỳ-la-vệ: thủ-đô nước Xá-vệ, quê-hương của Đức Phật Thích-ca; tiếng Pali là Kapilavatthu.

- Khánh-thành: Khánh = mừng; Thành = xong; Lễ khánh-thành là lễ ăn mừng việc xây-cất đã xong.

- Ngọ-trai: Ngọ = 12 giờ trưa; Trai = bữa ăn chay. Sau bữa ngọ-trai, chẳng được ăn thêm nữa suốt ngày, theo giới-luật Nam-tông.

- Thí-chủ: Thí = bố-thí, ban cho; Chủ: người đứng làm chủ. Thí-chủ hay Thí-giả, là người cho (= bố-thí), còn người nhận gọi là Thọ-giả.

- Tán-thán: khen ngợi.

- Tái-sanh: sanh trở lại, sau khi đã chết.

- Sơ-quả: Sơ = ban sơ, đầu-tiên. Sơ-quả là quả-vị đầu-tiên, tức là quả-vị Tu-đà-huờn.

- Ngã-mạn: kiêu-căng, tự xem mình là hơn kẻ khác, khoe giỏi.

- Kết-sử: Kết = ràng-buộc; Sử = sai-khiến. Kết-sử là những tình-cảm, tư-tưởng có tánh-cách ràng-buộc, thúc-dục, sai-khiến ta phải làm theo đường quấy. Tiếng Pali là Sanyojana, dịch là thúc-thằng; thúc = ràng-buộc; thằng = sợi dây; thúc-thằng là sợi dây trói buộc, dùng theo nghĩa bóng.

Theo giáo-lý Bắc-tông, có tất cả 10 kết-sử, chia ra:

a) ngũ-độn-sử: (1) thân-kiến, chấp lấy thân nầy làm cái Ta; (2) nghi, chẳng tin ở Chánh-pháp; (3) giới-cấm-thủ, mê-tín tin vào các nghi-thức cúng-tế tà-đạo; (4) tham, (5) sân, giận-hờn.

b) ngũ lợi-sử: (6) sắc-ái-kết, tham-luyến cảnh Sắc-giới; (7) vô-sắc-ái, tham-luyến cảnh Vô-sắc-giới; (8) mạn, kiêu-căng; (9) trạo, giao-động, bối-rối; (10) vô-minh, sự si-mê.

Khó mà nhớ đủ mười món kết-sử, cần nhớ năm món chánh nầy, để dẹp bỏ, là: tham, sân, si, mạn và nghi. Dẹp xong năm độn-sử chứng được quả-vị A-na-hàm; dẹp cả mười, chứng quả A-la-hán.

- Danh-sắc: Danh = tên gọi; Sắc = vật-chất. Chữ Danh-sắc có nghĩa là thân và tâm; thân trỏ vào sắc; còn tâm trỏ vào danh.

- Lậu-hoặc; Lậu = rỉ chảy; Hoặc = điều sai lầm. Chữ lậu-hoặc trỏ vào các điều sai-lầm trong tình-cảm, tư-tưởng, chảy lộ ra, bộc-lộ ra, bằng các hành-động xấu-ác. Cùng nghĩa với chữ phiền-não.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc công-chúa Lỗ-hi-nhi bị bịnh cùi, bởi trong tiền-kiếp có tội-ác làm ngứa-ngáy một cung-nữ, vì bụng-dạ sân-hận thúc-đẩy. Nay nhờ biết dưng-cúng phòng ăn cho chư Tăng, và làm công-quả ở chùa, mà được Đức Phật chỉ rõ lỗi-lầm đã qua, và nhờ biết ăn-năn, mà từ-từ khỏi được bịnh.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 221:

Bài Kệ kể ra những việc phải làm để phiền-não chừa mình ra: dẹp bỏ sân-hận, xa-lià ngã-mạn, vượt qua các kết-sử, bỏ luyến-ái thân-tâm, thoát mọi lậu-hoặc. Đây là cả một chương-trình tu dài hạn cả một đời, hay cả nhiều đời: chứng-quả A-la-hán, bằng cách diệt-tiêu tất cả mọi phiền-não. Nên bắt đầu bằng cách dẹp ngay Sân-hận.

(175).- Tích chuyện vị Thọ-thần.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tháp Ất-gia-la, gần thành A-la-vi, trong một kỳ giảng pháp, có đề-cập đến một vị thọ-thần, sống dựa vào cây cổ-thụ trong rừng.

Thuở ấy, có một vị tỳ-kheo muốn cất cho mình một cái am để tiện tu-tập. Vị ấy vào rừng, đốn một cây cổ-thọ, bên trên có gia-đình một vị thần-linh đang trú-ngụ. Vị thọ-thần bước ra năn-nỉ, xin đừng đốn cây, làm mất nơi nương-tựa cho gia-đình mình. Vị tỳ-kheo chẳng nghe theo, cầm cưa, cưa một nhánh lớn. Vị thọ-thần liền nghĩ, có lẽ để đứa con nhỏ trên nhánh cây, vị tỳ-kheo sợ nó té xuống mà ngưng đốn chăng. Chẳng ngờ lưỡi cưa đi quá nhanh, khiến đứa bé té gãy tay. Vị thọ-thần liền nổi giận, muốn giết chết vị tỳ-kheo. Vừa đưa tay lên định đấm vào vị tỳ-kheo, thì vị thọ-thần liền nghĩ lại: "Nếu ta giết chết một người đang tuân theo giới-luật, thì ta phải chịu quả-báo, sa vào địa-ngục. Các thọ-thần khác trong rừng, rồi cũng bắt chước theo lỗi của ta, và sẽ có nhiều vị tỳ-kheo khác bị hại sau nầy. Nhưng, tỳ-kheo tu-tập, tất có thầy dạy, chi bằng ta đến thưa cùng Đức Phật, xem Ngài phân-xử ra sao." Nghĩ xong, vị thọ-thần bồng con đến nơi Đức Phật đang ngụ và thuật lại cớ-sự. Đức Phật bảo: "Nầy nữ-thọ-thần, bà rất đáng khen, biết tự kềm-chế cơn giận. Nay bà cứ dọn về ở trong vườn, gần nơi hương-phòng của ta, chẳng ai đến khuấy rối nữa." Và ngay hôm đó, Đức Phật ra giáo-chỉ, cấm tất cả tỳ-kheo đốn cây.

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Chận cơn giận-dữ nổi lên,
Như xe ngon trớn, thắng liền ngừng ngay.
Đấy là người đánh xe tài,
Các người khác chỉ là nài cầm cương.
(Kệ số 222.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Thọ-thần: Thọ = cây cổ-thọ, cây to sống lâu năm; Thần = thần-linh. Thọ-thần là thần-linh sống trên cây-cối; tiếng Pali: rukkha devatà

- Tháp Ất-gia-la, thành A-la-vi: tên các địa-danh nầy, tiếng Pali là tháp Aggàlava và thành Àlavi.

- Am = một căn nhà nhỏ, sơ-sài, dùng làm nơi trú-ngụ cho người ẩn-tu. Còn gọi là cốc, hay thất, hoặc tịnh-xá.

- Giới-luật: các điều răn-cấm trong đạo Phật mà vị tỳ-kheo phải tuân theo. Giữ đúng giới-luật là người có giới-đức thanh-tịnh.

- Quả-báo: kết-quả của việc ác sẽ xảy ra sau nầy cho kẻ làm ác.

- Điạ-ngục: Điạ = đất; Ngục = nhà giam tù. Theo thuyết Luân-hồi, kẻ làm ác, khi chết đi, phải sa vào nơi u-tối, chịu hình-phạt nặng-nề để đền lại tội-ác đã gây lúc còn sống.

- Kềm-chế: giữ-gìn chẳng cho xảy ra; thí-dụ muốn ăn đồ ngọt, nghĩ rằng chất ngọt dễ hư răng, ngưng lại chẳng ăn, đó là kềm-chế.

- Hương-phòng: căn phòng có hương thơm, dành riêng cho Đức Phật; tiếng Pali là gandhakuti.

- Giáo-chỉ: Giáo =tôn-giáo; Chỉ = điều lịnh cấm-đoán. Giáo-chỉ là lịnh của Tăng-đoàn đưa ra, buộc mọi tỳ-kheo phải tuân theo.

- Thắng = cái thắng, bộ-phận làm ngừng xe đang chạy.

- Nài = người giữ ngựa, chỉ cầm cương, nhưng chẳng biết cách điều-khiển và làm chủ được con ngựa.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại một vị thọ-thần bị xâm-phạm nơi cư-trú, con bị gãy tay, nổi giận muốn giết người, nhưng kịp nghĩ lại, chận được niềm sân-hận. Đức Phật khen-ngợi sự biết kềm-chế sân-hận nầy.

Ý-nghĩa của Tích chuyện: đề-cao sự tự-kềm-chế để chống lại sự giận-dữ. Biết tự-kềm-chế là tự-thắng được mình, còn vẻ-vang hơn là thắng kẻ khác.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 222:

Bài Kệ ví sự tự-kềm-chế trước cơn giận-dữ, như người đánh xe có tài: thắng được xe đang ngon trớn; khác với người thường hay để cho cơn giận lôi-kéo mình vào đường tội-lỗi, ví như tên nài chỉ biết cầm cương ngựa mà chẳng điều-khiển nổi con ngựa.

Học thuộc bài Kệ, để khi cần, biết tự mình... vuốt giận lấy mình.

(176).- Tích chuyện cô tín-nữ Úc-ta-ra.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tịnh-xá Trúc-lâm, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một cô tín-nữ tên là Úc-ta-ra.

Thuở ấy, có một người tín-nữ tên là Úc-ta-ra, con gái của gia-chủ Phú-na. Một hôm, gia-đình ông Phú-na dưng-cúng thực-phẩm cho Tôn-giả Xá-lợi-phất, sau khi Tôn-giả vừa xuất cơn diệt-tận-định; nhờ công-đức cúng-dường to-lớn nầy mà gia-đình ông Phú-na trở nên giàu-có. Trong khi cày ruộng, ông Phú-na bắt gặp được một khối vàng lớn, và sau đó, được Đức Vua phong chức Trưởng Ty Ngân-khố của hoàng-gia. Cô Úc-ta-ra về sau được gả chồng về một gia-đình ngoại-đạo, rất giàu-có trong vùng.

Từ khi về nhà chồng, cô Úc thường than-thở: "Tại sao cha ta lại gả ta về một nơi như tù-ngục thế nầy, cả tháng chẳng được trông thấy một vị tỳ-kheo đi khất-thực, cả năm chẳng được cúng-dường Đức Phật và Tăng-đoàn." Lời than-thở của cô Úc được cha cô nghe đến, mới gởi tới cho một số tiền to là mười lăm ngàn tiền vàng. Cô Úc liền thưa cùng chồng, muốn đem tiền ra thuê một người dâm-nữ, thay-thế cô trong mười lăm ngày để phụng-sự cho chồng. Còn cô, cô xin được phép tổ-chức lễ trai-tăng dâng-cúng thực-phẩm lên Tăng-đoàn trong thời-gian đó. Người chồng ưng-thuận và một cô dâm-nữ, tên là Sĩ-mã, nhan-sắc đẹp-đẽ được chọn về nhà thay-thế cho cô Úc.

Sáng sớm hôm ấy, cô Úc đang bận rộn nấu-nướng thực-phẩm trong nhà bếp, chồng cô đứng nhìn qua cửa sổ, miệng mỉm cười, nói lẩm-bẩm: "Sao mà nó ngu-dại đến thế! Chẳng biết ta đang hưởng thú-vui cùng người đẹp, mà cả buổi lại đi lo nấu-nướng cực nhọc thế kia!"Cô dâm-nữ Sĩ-mã nghe thấy thế, tỏ lòng ghen-tức với người vợ chánh-thức là cô Úc, quên mất phận mình là người vợ hờ trong nhà. Cô ta bỗng nổi lên ý-định xấu-ác, muốn đem cả cái chảo bơ chiên nóng đổ lên đầu cô Úc cho bỏ ghét. Trong khi đó, lòng cô Úc lại rất nhẹ-nhàng, thanh-thản, nghĩ rằng, nhờ có Sĩ-mã mà mình mới được tự-do, có đủ thời-giờ chuẩn-bị lễ cúng-dường, và sẽ được nghe giảng Chánh-pháp nhiệm-mầu của Đức Phật. Bỗng đùng một cái, cô Sĩ-mã bước đến gần cô Úc, trút cả chảo bơ chiên nóng lên đầu cô Úc. Trong cơn bàng-hoàng, cô Úc nghĩ: ‘Nếu ta có ý oán-hờn Sĩ-mã, thì cho chảo bơ nầy làm phỏng hết đầu ta; nếu lòng ta chẳng có ý-định thù-oán Sĩ-mã, xin nguyện cho chảo bơ chẳng hại chi đến ta cả." Lạ thay, bơ vừa chảy đến tóc, liền nguội lại và cô Úc chẳng bị phỏng. Đầy-tớ xúm lại, chực đánh cô Sĩ-mã, thì cô Úc liền can, nói nhờ có cô Sĩ-mã mà mình mới được tự-do chuẩn-bị lễ trai-tăng. Cô Sĩ-mã, lòng đầy hối-hận, qùi xuống xin cô Úc tha tội cho. Cô Úc nói: "Hãy đợi Đức Từ-phụ đến đây, ta trình cớ-sự, mới biết phải tha-tội hay không." Cả nhà đều tưởng cô Úc sẽ mời ông Phú-na là cha ruột của cô đến để thưa hỏi, nhưng cô Úc lại bảo tiếp: "Ta nói Đức Từ-phụ, chẳng phải là cha ruột của ta là người đã đưa ta vào vòng sanh-tử của Luân-hồi nầy, mà chính là Đức Phật, vị Từ-phụ, người cha tinh-thần, đã chỉ cho ta biết con đường lành thoát khổ khỏi cõi Ta-bà nầy."

Đến trưa, khi Đức Phật và chúng tăng đến nhà thọ-thực xong, sau khi nghe người nhà thuật lại việc xảy ra buổi sáng, Đức Phật liền hỏi: "Nầy tín nữ Úc-ta-ra, khi bị cô Sĩ-mã đổ bơ nóng lên trên đầu, trong lòng tín-nữ đã nghĩ như thế nào?" Cô Úc thưa: "Bạch Thế-tôn, con lúc đó nghĩ rằng, nhờ có chị Sĩ-mã thay-thế cho con phục-vụ chồng con, mà con có được tự-do chuẩn-bị thực-phẩm cúng dường Tăng-đoàn, đó là một ơn lớn đối vớí con, nên lòng con chẳng hề oán-giận chị Sĩ-mã chút nào cả, trái lại tâm con lúc nào cũng rải lòng Từ đến chị Sĩ-mã." Đức Phật khen ngợi: "Lành thay! Lành thay! Tín-nữ Úc-ta-ra, với tấm lòng bao-dung, cô đã chinh-phục được người vì ganh-ghét đã làm hại cô; với tấm lòng vô-não-hại, cô đã chinh-phục được kẻ vì sân-hận đã hành-hung mình; với tấm lòng khoan-hậu, cô sẽ chinh-phục được những kẻ bủn-xỉn; với tấm lòng tôn-trọng Sự-Thật, cô sẽ chinh-phục được những kẻ nói dối."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Vô-sân chế-phục giận-hờn,
Điều thiện phải thắng, phải hơn điều tà.
Trị xan-tham, chính là bố-thí,
Chống hư-ngụy, Chơn-lý đề-cao.
(Kệ số 223.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

-Tín-nữ: Tín = tin-tưởng; Nữ = phụ-nữ, đàn-bà.Tín-nữ là người phụ-nữ có lòng tin-tưởng nơi Phật, Pháp và Tăng.Phái nam gọi thiện-nam.

- Úc-ra-ra, Phú-na, Sĩ-mã: tên các người nầy tiếng Pali là Uttara, Punna, Sirimà.

-Trúc-lâm, Vương-xá: tên tịnh-xá và thành nầy, tiếng Pali là vườn Veluvana, thành Rajàgaha. Vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara) xây cất tịnh-xá Trúc-lâm, trong vườn Trúc, dưng-cúng Đức Phật và Tăng-đoàn.

- Diệt-tận-định: Diệt = trừ dứt; Tận = hết cả; Định = tâm-trạng người tu Thiền đã lắng-đọng, an-ổn. Diệt-tận-định là tình-trạng tâm vắng-lặng, dứt được mọi cảm-giác và tri-giác, trong cơn đại-định, vượt qua khỏi cảnh-giới đệ-tứ-thiền.Tiếng Pali là Nirodha Samàpatti.

- Tôn-giả Xá-lợi-phất: tên vị đại-đệ-tử của Phật Thích-ca, tiếng Pali là Sariputta; người nổi tiếng là thông-minh vào bực nhứt.

- Ngoại-đạo = Ngoại = ở ngoài; Đạo: đây chỉ về đạo Phật. Ngoại-đạo là những giáo-phái tu-hành chẳng theo đạoPhật. Có tất cả sáu phái vào thời Đức Phật, gọi là lục-sư ngoại-đạo.

- Trưởng Ty Ngân-khố của hoàng-gia: Ngân-khố của hoàng-gia là kho bạc của Nhà Vua.Trưởng-ty Ngân-khố là vị giữ chức chủ kho bạc.

- Dâm-nữ = người đàn-bà bán sắc-đẹp để mua vui cho đàn-ông.

- Phụng-sự, phục-vụ = theo hầu-hạ, giúp-đỡ.

- Vợ hờ: người tạm-thời làm vợ, chẳng phải là vợ chánh-thức.

- Phỏng = da phồng, sưng lên; tiếng miền Bắc là bỏng.

- Bàng-hoàng = còn đang phân-vân, lo-ngại, chưa tỉnh-táo.

- Trai-tăng: Trai = bữa ăn chay; Tăng = tu-sĩ Phật-giáo. Lễ Trai-tăng là lễ dưng-cúng thực-phẩm lên cho các vị tỳ-kheo.

- Từ-phụ: Từ = từ-bi, hiền-lành, đem lòng thương muốn cứu-khổ cho kẻ khác; Phụ = cha. Đấng Từ-phụ tức là Cha lành, chỉ Đức Phật.

- Vòng sanh-tử của Luân-hồi: theo thuyết Luân-hồi, chúng-sanh chết đi, tùy theo nghiệp lành hay dữ mà tái-sanh lại ở cõi đời nầy.

- Cõi Ta-bà: cõi chúng ta đang sanh-sống đây. Đây là cõi Nhẫn-độ (Phạn = Saha) chúng-sanh phải kham-chịu sướng ít mà khổ nhiều.

- Thọ-thực:Thọ = nhận; Thực = ăn. Tiếng nhà chùa, có nghĩa là ăn.

- Rải lòng Từ = trong tâm nghĩ điều lành hướng về người kia.

- Bao-dung: Bao = che-chở; dung = dung-thứ, tha cho. Lòng Bao-dung là lòng nhơn-từ, hay tha thứ cho kẻ khác.

- Chinh-phục: Chinh = đánh lấy; Phục = hàng-phục, bắt phải theo lịnh mình. Chinh-phục được ai là khiến kẻ ấy phục và nghe theo mình. Cùng nghĩa với chữ Chế-phục.

- Vô-não-hại: Vô = chẳng; Não = phiền-não; Hại = hiếp-đáp. Lòng vô-não-hại là lòng từ-bi, chẳng hề làm hại ai, chẳng gây phiền-não cho ai. Tiếng Pali là ahimsa.

- Hành-hung: Hành = làm; Hung = hung-dữ, ác. Hành-hung ai là làm cho kẻ ấy phải chịu đau-đớn, khổ-sở.

- Khoan-hậu: Khoan = rộng-rãi, Hậu = dày, nhiều. Lòng khoan-hậu là lòng rộng-rãi, hay hiến-tặng nhiều cho kẻ khác.

- Xan-tham, Bủn-xỉn = Xan = bỏn-sẻn, rít-róng, quá hà-tiện. Tánh-tình xan-tham, bủn-xỉn chỉ biết ham cho mình có thật nhiều và chẳng hề chịu bố-thí chút gì cho ai cả.

- Vô-sân: Vô = chẳng;Sân = giận. Lòng vô-sân trái với sự giận-hờn.

- Hư-nguỵ: Hư = hư-dối, chẳng thiệt; Ngụy = giả-dối, chẳng đúng với Sự-thật. Hư-ngụy là giả-dối, giả-tạo, bầy đặt láo.

- Chơn-lý = Sự-Thật.

- Đề-cao: được nêu cao lên để mọi người bắt chước theo.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện tuy dài, có thể tóm gọn lại như sau: Cô Úc-ta-ra, mặc dầu bị đổ bơ nóng lên đầu, vẫn chẳng giận người làm quấy, mà còn rải lòng Từ-bi đến cho người đó. Đức Phật khen-ngợi thái-độ đáng quí đó và dạy ta những đức-tánh: vô-sân để kềm-chế sự giận-dữ; vô-não-hại để chinh-phục kẻ hành-hung; khoan-hậu để diệt bụng rít-róng; biết trọng Sự-thât để khuất-phục người nói dối.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 223:

Bài Kệ nầy khó nhớ vì có nhiều danh-từ chuyên-môn; xin chịu khó xem lại phần Tìm hiểu. Các đức-tánh kể trong bài Kệ giúp ta thắng được chính ta: thắng tánh hay giận của mình, thắng lòng bỏn-xẻn chẳng chịu bố-thí, thắng được sự hay binh-vực mình để nói sai Sự-thật. Tự thắng mình là chiến-thắng vẻ-vang nhứt, như Phật đã dạy.

(177).- Tích chuyện Tôn-giả Mục Kiền-liên hỏi Phật.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến các câu hỏi của Tôn-giả Đại Mục-kiền-liên.

Thuở ấy, Tôn-giả Đại Mục-kiền-liên, một hôm dùng thần-thông lên viếng trên cõi Trời. Tôn-giả thấy các thiên-nam, thiên-nữ đang vui sống thảnh-thơi trong các lầu-đài nguy-nga tráng-lệ. Tôn-giả mới hỏi các vị ấy: "Do đâu mà được sanh lên cõi Trời?" Một vị đáp: "Chẳng phải tôi đã bố-thí thật nhiều của-cải, hay chăm nghe Chánh-pháp mới được sanh lên cõi Trời. Tôi chỉ biết luôn luôn nói đúng theo Sự-thật, có làm sao thì tôi nói làm vậy, thôi." Môt vị thiên-nữ lại đáp: "Trong đời trước, tôi làm nô-lệ cho một ông chủ rất khó tánh; bị rầy, bị đánh, tôi chẳng hề giận hay oán chủ chút nào, nhờ đó mà được sanh lên đây." Một vị thiên-nam khác lại nói: "Còn tôi, tôi nhớ chỉ có mấy lần tặng cho kẻ khác một khúc mía, một trái cam, hay một bó rau; nhờ phước đó mà tôi được làm thiên-nam sống ở cõi trời nầy."

Khi trở về dương-thế, Tôn-giả đến bạch Phật: "Bạch Thế-tôn, có phải chăng chỉ cần biết giữ lời nói đúng Sự-Thật, chỉ cần biết kềm-chế mình chẳng giận-hờn, chỉ cần hiến-tặng những vật nhỏ-mọn như khúc mía, bó rau, mà tất cả đều được sanh lên cõi Trời chăng?" Đức Phật đáp: ‘Nầy Mục-kiền-liên, sao ông còn lại hỏi; bộ ông chẳng chính mắt thấy, chính tai nghe các thiên-nam, thiên-nữ đã nói với ông những gì trước đó hay sao? Ông chớ có nghi-ngờ, một công-đức dù nhỏ bé, được làm với tấm lòng thành, cũng đưa ta tái-sanh lên cõi Trời, hưởng phước dài lâu."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Nói lên lời chánh-chơn,
Chẳng nổi cơn giận-hờn,
Ít, cũng cho, khi được hỏi:
Đấy là ba đường lên tới cõi Trời.
(Kệ số 224.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Tôn-giả Đại Mục-kiền-liên: Tôn = đáng kính; Giả = người. Đại Mục-kiền-liên = tên của tôn-giả tiếng Pali là Mahà Moggallàna. Tôn-giả là vị đại-đệ-tử của Phật Thích-ca, giỏi nhứt về thần-thông.

- Thần-thông: các khả-năng đặc-biệt nhờ nơi định-lực cao, như bay trên không, đi trên mặt nước, v.v.

- Thiên-nam, Thiên-nữ: Thiên = trời; các chúng-sanh ở cõi Trời.

- Nô-lệ = đầy-tớ ở suốt đời với chủ, chẳng có tự-do cá-nhơn.

- Dương-thế: tức là cõi trần, nơi ta đang sống đây.

- Bạch = thưa hỏi với bực trưởng-thượng.

- Tái-sanh: Tái = một lần nữa; Tái-sanh được sanh lại lần nữa.

- Công-đức: việc thiện tạo nên phước về sau.

- Chánh-chơn: chơn-chánh, đứng-đắn, đúng với Sự-Thật.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc Tôn-giả Mục-kiền-liên lên thăm-viếng cõi Trời, và nghe các thiên-nam, thiên-nữ cho biết do đâu mà được sanh lên trên đó: biết nói đúng theo Sự-thật, chẳng giận-hờn, tặng cho kẻ khác vài vật nhỏ mọn như khúc mía, bó rau, v.v. Đức Phật xác nhận, đường lên cõi Trời chỉ cần làm một công-đức nhỏ với tấm lòng thành mà thôi.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 224:

Bài Kệ vạch rõ con đường lên cõi Trời: (1) nói lời chơn-chánh; (2) chẳng nổi giận; (3) dầu có ít, nhưng được ai hỏi xin, cũng đem cho. Nếu biết làm đúng, với tấm lòng thành, Đức Phật nói sẽ được tái-sanh lên cõi Trời hưởng phước dài lâu.

Theo trong Kinh Thập Thiện Nghiệp-đạo, người nào giữ đúng mười điều lành nầy, sẽ sanh lên cõi Trời: (1) về thân, có ba việc là chẳng sát-sanh, chẳng trộm-cắp, chẳng tà-dâm; (2) về miệng, có bốn việc là chẳng nói dối, chẳng nói đâm-thọc, chẳng nói lời thô-ác, chẳng lời vô-nghĩa ( = ngồi lê đôi mách), (3) về ý, có ba việc, chẳng tham, chẳng sân (giận), chẳng có tà-kiến (ý-kiến sai-lầm).

(178).- Tích chuyện một người Bà-la-môn tự-nhận mình là cha của Đức Phật.

Vào một thời kia, Đức Phật trú tại rừng An-già, gần thành Sa-kê, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một người Bà-la-môn tự nhận mình là cha của Đức Phật.

Một hôm, Đức Phật và chư tỳ-kheo đi vào thành Sa-kê để khất-thực. Dọc đường, Ngài gặp một người Bà-la-môn già-cả đến gần và nói: "A! nầy con, sao lâu quá chẳng thấy con về nhà. Con hãy theo cha về, kẻo mẹ con trông con lắm đó." Rồi người ấy liền thỉnh Đức Phật và chư Tăng về nhà dưng-cúng thực-phẩm. Khi Đức Phật và các tỳ-kheo bước vào phòng khách, bà Bà-la-môn đã ân-cần nói: "Đã hèn lâu, con mới về nhà. Nào sắp nhỏ đâu, hãy mau ra chào đón người anh-cả của các con đây!"

Kể từ hôm đó, vợ chồng người Bà-la-môn già đó tiếp-tục hàng ngày cúng-dường Đức Phật và chư Tăng. Họ được nghe Đức Phật giảng-dạy Chánh-pháp, và chẳng bao lâu cả hai vợ chồng đều chứng-đắc được quả vị A-na-hàm. Đức Phật và chúng Tăng mới lưu lại rừng An-già trong ba tháng, nhờ đó, vợ chồng người Bà-la-môn chứng được quả-vị A-la-hán, rồi nhập Niết-bàn.

Chư Tăng rất ngạc-nhiên thấy tại sao vị Bà-la-môn và vợ lại tự nhận họ là cha mẹ của Đức Phật, và nay họ được tái-sanh về cõi nào. Đức Phật bảo: "Trong tiền-kiếp, cách đây một ngàn năm trăm đời, ông bà ấy đã có thời làm cha mẹ ta, đã có thời làm chú bác ta. Họ nay chứng được quả-vị A-la-hán rồi, chẳng còn phải tái-sanh nữa, hằng tự-tại trong cõi Niết-bàn an-lạc."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Người hiền chẳng hại nhân.
Thường tự-chế tâm-thân,
Hướng đến cõi Niết-bàn bất-diệt,
Đến đấy, phiền-muộn đều dứt hết.
(Kệ số 225.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Bà-la-môn: giai-cấp thứ nhứt của Ấn-độ xưa, hạng người tu-sĩ. Có bốn giai-cấp: (1) Bà-la-môn(Brahmana), tu-sĩ; (2) Sát-đế-lợi,(Khat-tiya) vua, quan; (3) Phệ-xá (Vessa), buôn-bán; (4) Thủ-đà-la (Suddà), công nhơn, nông-phu.

- Rừng An-già, thành Sa-kê: tên hai địa-danh nầy, tiếng Pali là rừng Anjana, thành Sàketa.

- Anh-cả: người con trai lớn nhứt trong gia-đình.

- A-na-hàm: quả-vị thứ ba trong hàng Thanh-văn ( = các đệ-tử Phật, sống gần Phật, nghe kinh mà tu-tập.) Chứng được quả-vị nầy, hành-giả đã dứt trừ được năm món phiền-não: (1) thân-kiến ( =chấp thân nầy làm Ta), (2) nghi-ngờ về Chánh-pháp, (3) giới-cấm-thủ ( = tin theo các nghi-thức cúng-tế của ngoại-đạo), (4) tham, (5)sân ( = giận). Tiếng Pali:Anàgàmi, dịch là Bất-Lai, chẳng còn tái-sanh vào cõi người

- A-la-hán: quả-vị Thánh, cao nhứt trong hàng Thanh-văn. Đến quả-vị nầy, hành-giả dẹp xong tất cả phiền-não, lìa xa mọi ham-muốn sống tự-tại trong cảnh-giới Niết-bàn. Pali là Arahant, theo nghĩa chuyên-môn là (1) vô-sanh, hết bị tái-sanh; (2)sát tặc, giết hết giặc phiền-não; (3) ứng-cúng, xứng-đáng được Trời và Người cúng-dường.

- Niết-bàn: tiếng Phạn là Nirvana; Pali là Nibbana, có nghĩa là ra khỏi rừng phiền-não u-tối, sống trong cảnh an-nhiên và tự-tại. Đây là cảnh-giới xuất-thế-gian, chẳng thể dùng lời nói thường mà giải-nghĩa được; ai chứng Niết-bàn, bấy giờ mới tự mình biết cảnh nầy ra sao.

- Tiền-kiếp: kiếp trước. Theo kinh-sách, kiếp, hay kiếp-ba (Phạn: Kalpa) là khoảng thời-gian rất dài; một tiểu-kiếp dài hơn16 trìệu năm, gồm có kiếp tăng, kiếp giảm, thành một trung-kiếp; bốn trung-kiếp: thành, trụ, hoại, diệt, thành một đại-kiếp, kéo dài khoảng 1tỷ 300 triệu năm; trong khi đó đời sống con người chẳng lâu hơn 100 năm.

- Tự-tại = tự-do; ngoài đời nói tự-do, trong Đạo gọi tự-tại.

- Hại-nhân: Nhân = người; Chẳng hại-nhân = chẳng làm hại người.

- Tâm-thân = thân-tâm, thân-thể và tâm-linh.

- Tự-chế: tự mình kềm-chế mình, giữ sao chẳng làm điều quấy-ác

- Bất-diệt: Bất = chẳng; Diệt = tiêu-diệt, mất. Bất-diệt là còn hoài.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị: một người Bà-la-môn tự nhận đã làm cha của Đức Phật trong một tiền-kiếp. Điều nầy được Đức Phật xác-nhận là đúng. Tuy giản-dị, nhưng Tích chuyện mang hai ý-nghĩa rất quan-trọng về giáo-lý:

1) Đời sống con người chẳng phải chỉ thu-hẹp vào khoảng thời-gian trăm năm rồi hết luôn, mà đã bắt đầu từ nhiều đời trước, và sẽ kéo dài vào nhiều đời sau nữa. Đó là lý-thuyết vô-thuỷ ( = chẳng biết chắc được lúc khởi-thuỷ ) và vô-chung ( = chẳng biết được đến lúc nào chung-cuộc, sẽ chấm-dứt), của đời sống, của thế-giới, của vũ-trụ.

2) Chúng-sanh trôi-lăn trong vòng sanh-tử, tử-sanh của Luân-hồi, trong kiếp sống có thể làm cha, làm mẹ lẫn cho nhau. Vì lẽ nầy, trong Đạo Phật, dạy ta phải thương-yêu mọi chúng-sanh, có thể đó là thân-nhơn của ta trong kiếp trước hay vào kiếp sau. Đấy là căn-bản của lòng từ-bi, thương-yêu hết mọi chúng-sanh, chẳng còn phân-biệt.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 225:

Thử phân-tách từng câu của bài Kệ:

1) Người hiền chẳng hại-nhân: Chữ Hiền đây có hai nghĩa: (a) theo nghĩa thường là hiền-lành; (b) theo nghĩa chuyên-môn, bực Hiền là những người đã chứng-đắc được một trong ba quả-vị đầu-tiên là Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm và A-na-hàm. Tính theo số lần phải tái-sanh, thì Tu-đà-huờn còn sanh lại bảy lần, gọi là Thất-Lai; Tư-đà-hàm còn sanh lại một lần, gọi là Nhất-Lai, còn A-na-hàm, chẳng phải tái-sanh vào cõi người nữa, nên gọi là Bất-Lai. Đến bực Hiền, tâm đã thanh-tịnh, dứt trừ được sân-hận, nên chẳng hề làm hại đến chúng-sanh nữa.

2) Thường tự-chế tâm-thân: vì lúc nào cũng tỉnh-giác, bực Hiền biết giữ-gìn ba nghiệp: thân, miệng và ý cho trong-sạch.

3) Hướng đến cõi Niết-bàn bất-diệt: lấy Niết-bàn làm mục-tiêu tu-tập, nghĩa là dứt trừ mọi phiền-não để được tự-tại mãi ( = bất-diệt)

4) Đến đấy, phiền-muộn đều dứt hết: "Đến đấy" đến đâu? Đến được cảnh Niết-bàn; đó chẳng phải là một nơi chốn nào riêng-biệt trong trời đất, mà chính là ngay trong tâm, tâm đã thanh-tịnh.

(179).- Tích chuyện nô-tỳ Phú-na.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại núi Linh-thứu, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một người nô-lệ gái tên là Phú-na.

Thuở ấy ở gần thành Vương-xá, có một người nô-lệ gái tên là Phú-na, mỗi đêm phải thức khuya để giã gạo. Trong phút chốc ngồi nghỉ mệt, Phú-na nhìn lên lưng-chừng núi thấy Trưởng-lão Đắc-ba đang hướng-dẫn các tỳ-kheo quay trở về tịnh-xá, sau khi nghe giảng-pháp. Phú-na suy-nghĩ: "Thân-phận tôi-đòi của ta phải thức khuya giã gạo nhọc-nhằn, thì đành rồi; còn các vị tu-sĩ hiền-lành kia, cớ sao lại chẳng đi nghỉ sớm, giờ nầy còn đang bận-rộn, có lẽ có tu-sĩ nào đang bị bịnh, hay có một con rắn nào đến khuấy rối chăng?"

Sáng sớm hôm sau, Phú-na thức dậy sớm, đem chỗ tấm-cám vụn giã thành bột, nhồi thành bánh và đem nướng. Cô định mang bánh ấy ra bờ ao ngồi ăn. Vừa lúc ấy, Đức Phật và chư Tăng đi khất-thực ngang qua đó. Cô muốn đem bánh dưng-cúng Phật, nhưng trong lòng còn ngại, chẳng biết Đức Phật có khứng nhận cho hay không. Nhìn cô, Đức Phật đọc được tư-tưởng bên trong, nên Ngài bảo Tôn-giả A-nan trải toạ-cụ bên bờ ao, để Ngài ngồi. Cô Phú-na ngập-ngừng đến dưng bánh. Đức Phật vui-vẻ nhận, ăn xong, bảo cô Phú-na ngồi bên cạnh nghe Ngài giải-đáp chỗ cô còn thắc-mắc đêm qua. Đức Phật bảo: "Nầy Phú-na, con chẳng được đi ngủ sớm, vì con còn công-việc giã gạo phải làm. Còn các vị tỳ-kheo đây, cũng chẳng đi ngủ sớm, vì họ phải luôn luôn tỉnh-giác và chuyên-cần tu-tập về đêm."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà cô Phú-na chứng được sơ-quả Tu-đà-hườn:

Những người tỉnh-giác luôn luôn
Ngày đêm siêng tu Tam-Học,
Chuyên-tâm hướng về Niết-bàn,
Mọi lậu-hoặc được tiêu-tan.
(Kệ số 226.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Nô-tỳ, Nô-lệ: đầy-tớ ở suốt đời với chủ, chẳng có tự-do cá-nhơn

- Núi Linh-thứu: núi nầy gần thành Vương-xá, xứ Ma-kiệt-đà, tiếng Pali là Gijjhakùta. Hình ngọn núi giống chim kên-kên(chim thứu)

- Phú-na: tên cô nô-lệ nầy, tiếng Pali là Punna.

- Đắc-ba: tên vị trưởng-lão nầy, tiếng Pali là Dabba.

- Toạ-cụ: Toạ = ngồi; Cụ = khí-cụ, vật-dụng. Toạ-cụ là tấm nệm nhỏ, còn gọi là bồ-đoàn, kê bên dưới để ngồi Thiền.

- Tỉnh-giác: Tỉnh = tỉnh-thức, chẳng mê; Giác = biết rõ. Người tỉnh-giác lúc đang làm, nói, nghĩ điều gì, thì trong tâm biết rõ và theo dỡi mình đang làm, nói và nghĩ điều ấy, và chỉ điều ấy mà thôi.

- Tam-Học: Tam = ba; Học = môn học. Tam-Học Giới, Định, Huệ, còn gọi là Tam vô-lậu-học, ba môn học khiến cho mọi phiền-não, lậu-hoặc chấm-dứt. Nhờ giữ Giới, tự đặt mình trong kỷ-luật tu-hành mà tâm được an-định, chẳng chạy buông-lung nữa; khi tâm đã Định, thì trí-Huệ phát sáng lên, nhờ đó thấy rõ con đường giác-ngộ và giải-thoát. Theo học Tam-Học, là chọn con đường Bát-Chánh-Đạo.

- Lậu-hoặc: Lậu = rỉ chảy; Hoặc = điều sái-quấy. Lậu-hoặc là các phiền-não như tham, sân, si, mạn, nghi, tà-kiến, từ trong tâm phát lộ ra hành-động bên ngoài. Người nào đã dứt hết lậu-hoặc, thì chứng quả A-la-hán, tự-tại trong cảnh Niết-bàn an-lạc.

- Sơ-quả Tu-đà-huờn: quả-vị thứ nhứt là Tu-đà-huờn, hay Thất Lai

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện so sánh sự cực-khổ của người nô-tỳ thức khuya giã gạo với sự kiên-trì, giữ sự tỉnh-thức trong tâm của các vị tu-hành chơn-chánh. Tỉnh-thức để theo môn Tam-học là con đường tiêu-diệt phiền-não và chứng-đắc Niết-bàn.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 226:

Bài Kệ khuyên ta hai điều quan-trọng: (1) luôn luôn chú-ý, hướng về bên trong, tâm hằng tỉnh-giác; (2) siêng tu Tam-học: giữ -gìn giới-luật thật cẩn-thận; giữ tâm hằng an-định thì trí-huệ sẽ phát-sáng. Theo được đầy đủ hai điều nầy là tiến gần đến cảnh an-lạc của Niết-bàn.

(180).- Tích chuyện chàng thanh-niên A-tu-la.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp có đề-cập đến thanh-niên A-tu-la và các bạn-hữu.

Thuở ấy, ở nước Xá-vệ, có chàng thanh-niên tên là A-tu-la cùng với đông-đảo bạn-bè, muốn được nghe giảng Chánh-pháp, mới đến gặp Trưởng-lão Lê-va-ta. Trưởng-lão nhìn họ, trầm-ngâm, chẳng nói lên lời nào, tựa như con sư-tử đang nằm yên trong động đá. Cả bọn rất thất-vọng bỏ đi, đến gặp Tôn-giả Xá-lợi-phất. Tôn-giả ân-cần thuyết-giảng cho họ nghe về Vi-diệu-pháp, lời giảng thật thâm-trầm, ý-nghĩa thật sâu-xa với các chi-tiết thật cặn-kẽ. Họ chẳng hiểu nổi lẽ huyền-diệu của thời pháp, nên cũng thất-vọng, cùng nhau tìm đến Tôn-giả A-nan. Chuyến nầy, họ được Tôn-giả A-nan chỉ-dạy thật vắn-tắt thế nào là các điều căn-bản trong Giáo-pháp. Họ vẫn chưa thấu hiểu được nghĩa-lý, cho rằng bài giảng của Tôn-giả A-nan quá ngắn-ngủi, quá cô-đọng.

Sau cùng, họ dẫn nhau đến yết-kiến Đức Phật. A-tu-la bạch Phật: "Bạch Thế-tôn, lòng chúng con muốn tìm hiểu cho rõ-ràng về Chánh-pháp. Chúng con lần-lượt đến gặp các vị Trưởng-lão thông-thái như Lê-va-ta thì chẳng chịu nói gì, như Xá-lợi-phất thì giảng tràng-giang đại-hải, còn A-nan thì lại quá tóm lược. Chúng con vẫn còn mù-tịt, chẳng biết đường nào mà tìm hiểu cho thật rõ-ràng Chánh-pháp của Thế-tôn."

Đức Phật bảo: "Nầy chư thiện-nam, chê-trách kẻ khác chẳng phải là điều gì mới lạ cả. Từ ngàn xưa, chẳng có ai là chẳng bị chê-trách. Thiên-hạ chê cả đức Vua, trách cả đức Phật. Nhưng bị người khờ-dại chê-trách cũng chẳng đưa đến đâu. Chỉ có lời phê-bình, khen hoặc chê, của bực hiền-trí mới thật là lời phán-đoán đúng-đắn, khiến ta nên mừng khi nghe khen, hay nên sửa đổi lại, khi bị chê."

Rồi Đức Phật mới nói lên các bài Kệ sau đây, nhờ đó mà A-tu-la cùng một số bạn-hữu chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:

Nầy A-tu-la, nên biết rõ,
Chẳng phải chỉ ngày nay mới có,
Tự ngàn xưa, việc đó cũng thường:
Họ chê người nín thinh,
Họ khinh kẻ lắm lời,
Nói vừa vừa cũng trách.
Thế-gian, chẳng có cách nào tìm được
Người chưa hề phải rước lấy lời chê.
(Kệ số 227.)

Từ xưa cho đến nay,
Mãi đến tận sau nầy,
Chưa hề có những ai
Hoặc hoàn-toàn bị chê-bai,
Hoặc trọn-vẹn được khen-ngợi.
(Kệ số 228.)

Ngày qua ngày, nhận xét rõ,
Người trí mới khen vị đó.
Đời sống chẳng tí vết nhơ,
Cả giới, định, huệ đều có.
(Kệ số 229.)

Ai dám khinh-chê vị ấy
Hạnh sáng tỏ tợ vàng ròng.
Các bực Trời khen hết lòng,
Cả đức Phạm-Thiên cũng vậy.
(Kệ số 230.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- A-tu-la: tên chàng thanh-niên nầy, tiếng Pali là Atula. Xin đừng lầm với chữ A-tu-la, phiên-âm tiêng Pali là Asura, dịch nghĩa là thần-linh, tức là hạng chúng-sanh có phép thần-thông, tánh thường nóng-giận, lại hay tranh-chiến với các bực Trời.

- Chánh-pháp: lời giảng-dạy của Đức Phật về con đường tu-hành để được giác-ngộ và giải-thoát.

- Lê-va-ta, Xá-lợi-phất, A-nan: tên các vị Tôn-giả nầy, tiếng Pali là Revata, Sariputta, Ànanda.

- Trầm-ngâm = giũ sự im-lặng, đang nghĩ-ngợi.

- Vi-diệu-pháp: Vi-diệu = nhiệm-mầu, cao-thâm; Pháp = pháp-tu. Vi-diệu-pháp (Abhidhamma), là phần Luận giảng về tâm-pháp, nhơn-sinh-quan ( =đời sống con người),vũ-trụ-quan ( =sự cấu-tạo của vũ-trụ.)

- Huyền-diệu: sâu-kín và khéo-léo.

- Thời-pháp: thời-gian giảng pháp, bài giảng pháp.

- Cô-đọng: rút lại thật ngắn-gọn, chỉ có điều chánh-yếu mà thôi.

- Yết-kiến: đến gặp bực trưởng-thượng để thưa hỏi.

- Thông-thái = bực hiểu-biết thật rộng-rãi và rõ-ràng.

- Tràng-giang đại-hải: Tràng =dài; Giang = sông; Đại = lớn; Hải = biển. Nói tràng-giang đại-hải là nói huyên-thiên, nhiều lời, khiến người nghe bị tràn-ngập chẳng hiểu được chỗ cốt-yếu.

- Hiền-trí: Hiền = hiền-lành, Trí =trí-huệ. Chữ Hiền-trí đây chỉ vào các bực tu-hành đã chứng quả, có sự hiểu-biết đúng-đắn và rộng-rãi, thường chỉ dạy điều lành cho kẻ khác. Còn gọi là Thiện-tri-thức nữa.

- Quả-vị Tu-đà-huờn: quả-vị thứ nhứt trong hàng các đệ-tử sống gần bên Phật. Người chứng quả Tu-đà-huờn chẳng còn chấp thân-tâm làm Ta nữa, chấm-dứt sự nghi-ngờ về Chánh-pháp và bỏ các nghi-thức cúng-tế theo tà-đạo. Tiếng Pali là Sotapatti, dịch là Nhập-Lưu.

- Giới, Định, Huệ = còn gọi là Tam Học, hay Tam vô-lậu-học, ba môn học giúp ta diệt-trừ hết mọi phiền-não, chứng quả A-la-hán.

- Hạnh sáng = giới-hạnh, đức-hạnh thật trong-sạch, sáng-tỏ.

- Phạm-Thiên: Đức Vua cõi Trời Phạm, tiếng Pali là Brahma.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại A-tu-la và các bạn của anh, đến thưa hỏi các vị trưởng-lão, để được nghe giảng về Chánh-pháp. Họ chẳng hiểu nổi, nên chê trách Ngài Lê-va-ta giữ im-lặng, Ngài Xá-lợi-phất, nói nhiều quá, Ngài A-nan nói quá vắn-tắt. Họ đến gặp Phật và Phật dạy họ rằng, ở đời chẳng ai là khỏi bị chê: nín cũng bị chê, nói cũng bị chê, nói nhiều cũng trách, nói ít cũng trách. Đừng chú-trọng đến lời phê-bình của người khờ-dại, chỉ nên nghe lời phán-đoán của bực hiền-trí.

(2) Ý-nghĩa các bài Kệ số 227, 228, 229 và 230:

Bốn bài Kệ sắp chung lại thành ra hai bài: (1) Kệ số 227 và 228 nói về sự khen chê thường-tình của người đời; (2) Kệ số 229 và 230 nói về bực hiền đủ giới, định, huệ, được cả Trời, Người đều khen-ngợi.

Các bài Kệ khuyên ta giữ giới để lòng được an-định, nhờ đó mà trí-huệ phát-sanh, thấy rõ được con đường giác-ngộ và giải-thoát.

(181).- Tích chuyện sáu vị tỳ-kheo mang guốc.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tịnh-xá Trúc-lâm, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến sáu vị tỳ-kheo mang guốc gỗ, gây ra nhiều tiếng động.

Thuở ấy, có sáu vị tỳ-kheo thường mang guốc đi đi, lại lại trên sân đá, tiếng guốc khua vang, làm kinh-động đến các vị tỳ-kheo khác đang ngồi Thiền. Tiếng guốc vang đến tịnh-xá, khiến Đức Phật phải gọi vị thị-giả là Tôn-giả A-nan vào hỏi tiếng động gì vang lên mãi thế. Khi biết sáu vị tỳ-kheo kia, mang guốc đi lại trong sân, Đức Phật ra giáo-chỉ, cấm tỳ-kheo chẳng được mang guốc gỗ nữa. Đức Phật lại dạy thêm, tỳ-kheo phải biết giữ-gìn ba nghiệp cho thật trong sạch: giữ thân chẳng hành-động sái-quấy, giữ miệng chẳng nói lời cộc-cằn, giữ tâm-ý chẳng nghĩ điều đen-tối.

Rồi Đức Phật mới nói lên các bài Kệ sau đây:

Đừng hờn-giận, giữ thân mình,
Chớ vì cau-có, thân sanh làm sằng.
Hành-vi xấu, thân hằng dứt bỏ;
Cử-chỉ lành, thân cố giữ-gìn.
(Kệ số 231.)

Đừng hờn-giận, giữ miệng mình,
Chớ vì cau-có, miệng sanh cộc-cằn.
Lời thô-ác, miệng hằng dứt bỏ;
Tiếng dịu-hiền, miệng cố giữ-gìn.
(Kệ số 232.)

Đừng hờn-giận, giữ ý mình,
Chớ vì cau-có, ý sanh dữ-dằn.
Tà-kiến ác, ý hằng dứt bỏ
Chánh-tư-duy, ý cố giữ-gìn.
(Kệ số 233.)

Bực hiền-trí chế-phục thân,
Giữ-gìn cửa miệng, giữ an tâm mình.
Giữ sao ba nghiệp: thân, miệng, ý
Thanh-tịnh hoàn-toàn, điều-phục xong.
(Kệ số 234.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Guốc: dép làm bằng gỗ, có quai. Ở Việt-nam, guốc làm bằng gỗ cây vông, nhẹ và ít tiếng kêu.

- Kinh-động = gây tiếng động làm giựt mình kẻ khác.

- Giáo-chỉ:Giáo = đạo;Chỉ = lịnh, sắc-chỉ.Giáo-chỉ là lịnh trong Đạo

- Nghiệp = hành-động thường làm, có ảnh-hưởng đến đời nầy và cả đời sau nữa. Có ba nghiệp: về thân, về miệng và về tâm-ý.

- Làm sằng = làm điều sằng-bậy, làm đìều sái-quấy.

- Cộc-cằn, thô-ác: lời nói xấu ác, dữ-dằn, mắng nhiếc, chửi rủa.

- Tà-kiến: ý-kiến sai-lầm, xấu-ác.

- Chánh-tư-duy = suy-nghĩ chơn-chánh, đúng-đắn.

- Chế-phục, Điều-phục = kềm-chế, giữ-gìn để tránh tội-lỗi.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại việc sáu vị tỳ-kheo thiếu ý-thức mang guốc đi lốp-cốp, khuấy-động các bạn đồng-tu trong việc ngồi Thiền. Đức Phật liền ra lịnh cấm mang guốc, và dạy ta phải biết giữ gìn ba nghiệp: thân, miệng, ý cho thật trong-sạch.

(2) Ý-nghĩa các bài Kệ aố 231, 232, 233 và 234:

Ba bài Kệ đầu dạy giữ-gìn thân-nghiệp, khẩu-nghiệp và ý-nghiệp cho thật trong-sạch. Bài Kệ sau tóm-tắt ý-nghĩa ba bài trước và chỉ cho ta thấy bực hiền-trí biết điều-phục thân-tâm để giữ cho ba nghiệp thanh-tịnh, nhờ đó mà được giải-thoát khỏi mọi khổ-đau nơi cuộc đời.

-ooOoo-

XVIII .- Phẩm Ô-UẾ

(182 ).- Tích chuyện con của người đồ-tể.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ,

trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến con của một người đồ-tể.

Thuở ấy, ở nước Xá-vệ, có người đồ-tể chuyên nghề giết thú-vật để bán thịt trong năm mươi lăm năm. Mỗi ngày, anh ta chừa một miếng thịt lớn để nấu cà-ry ăn. Hôm ấy, anh cắt một đùi thịt để dành trong bếp, định trưa sẽ đem nấu; nhưng vợ anh chẳng biết, lại đem bán cho người mua. Đến trưa, chẳng thấy đùi thịt, anh đồ-tể liền đi ra chuồng bò, lắt cái lưỡi của con bò, đem vào nấu-nướng. Rủi thay khi ăn, anh nhai mạnh quá cắn trúng lưỡi của mình, máu chảy tuôn ra chẳng dứt. Vài hôm sau, con bò và cả anh đồ-tể đều bị chết. Vì tội-ác đã sát-sanh trong suốt cuộc đời, nên anh đồ-tể phải sa vào địa-ngục.

Vợ người đồ-tể, sau khi an-táng anh ta xong, sợ căn nhà có ma-quỉ, mới bán nhà, dọn đi nơi khác. Còn người con trai được gởi đi học nghề khác ở thành Ta-xi-la. Người ấy học được nghề thợ rèn, cưới vợ và sanh được mấy người con. Sắp nhỏ sau nầy rất tôn-sùng đạo Phật, thường đến chùa nghe giảng-pháp. Chúng thấy cha mình đã già rồi mà chưa hiểu gì về Chánh-pháp, mới thỉnh Đức Phật cùng chư Tăng đến nhà cúng-dường. Sau bữa ngọ-trai, các người con qùi thưa cùng Đức Phật: "Bạch Thế-tôn, chúng con soạn lễ trai-tăng nầy, để cầu phước cho cha của chúng con. Kính mong Thế-tôn giảng một bài pháp đặc-biệt cho cha chúng con nghe." Đức Phật bảo: "Nầy thiện-nam-tử, ông nay đã già rồi mà còn chưa chuẩn-bị đầy-đủ hành-trang cho chuyến đi xa, sang cuộc đời mới. Nay ông phải tự mình làm nơi nương-tựa cho chính mình, hãy thanh-lọc thân-tâm, diệt bỏ tất cả phiền-não, để sau nầy được tái-sanh vào nhàn-cảnh."

Rồi Đức Phật nói lên các bài Kệ sau đây:

Thân người nay như lá tàn phai,
Sứ-giả Tử-thần đến bên ngoài.
Người sắp bước vào con đường chết,
Còn thiếu tư-lương dặm đường dài.
(Kệ số 235.)

Hãy đắp cho mình một hòn đảo,
Mau làm người trí-huệ tinh-chuyên,
Lọc-sạch bợn nhơ, bỏ phiền-não,
Người sẽ vào Thánh-cảnh chư Thiên.
(Kệ số 236.)

Mạng người nay sắp đến mức cùng,
Trên đường đến gặp mặt Diêm-vương,
Dọc đường chẳng có nơi ngừng-nghỉ,
Còn thiếu tư-lương dặm đường trường.
(Kệ số 237.)

Hãy đắp cho mình một hòn đảo,
Mau làm người trí-huệ tinh-chuyên,
Lọc sạch bợn nhơ, bỏ phiền-não,
Người đâu trở lại cảnh Sanh-Lão.
(Kệ số 238.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Đồ-tể: Đồ; Tể = giết thịt thú-vật để bán; kẻ hàng thịt.

- Sát-sanh: Sát = giết; sanh = sanh-mạng; Tội sát-sanh là tội giết chết các sanh-vật. Đây là giới-cấm thứ nhứt của người tu tại-gia.

- Địa-ngục: Địa = đất; Ngục = nhà tù. Theo sự tin-tưởng của người Phật-tử, kẻ làm ác, sau khi chết, phải chịu hình-phạt trong cõi u-tối.

- An-táng = làm đám ma, chôn-cất người chết.

- Ta-xi-la: tên thành nầy, tiếng Pali là Taxila.

- Cúng-dường =đọc trại chữ cung-dưỡng =cung-cấp để nuôi dưỡng.

- Ngọ-trai: Ngọ =12 giờ trưa;Trai = bữa ăn chay.Theo giáo-lý Nam-tông, sau bữa ngọ-trai, chư Tăng chẳng được phép ăn thêm suốt ngày.

- Trai-tăng: lễ dưng-cúng thực-phẩm, quần-áo cho các tỳ-kheo.

- Thiện-nam-tử: Thiện = lành; Nam-tử = đàn-ông.

- Hành-trang: Hành = đi; Trang = trang-bị, vật-dụng mang theo.

- Nhàn-cảnh = cảnh nhàn, tức là các cõi Thánh, sống an-lạc.

- Sứ-giả Tử-thần: Sứ = người mang tin-tức đến; Giả = người; Tử-thần = thần Chết. Thấy có sứ-giả Tử-thần đang có dấu-hiệu sắp chết

- Tư-lương: vật-dụng mang theo khi đi xa; có nghĩa là hành-trang

- Thánh-cảnh: cảnh Thánh, ở đây, tức là các cõi an-nhàn trên trời.

- Diêm-vương: vua cõi âm; theo sự tin-tưởng của người Phật-tử, mọi người khi chết sẽ chịu sự phán-xét tội, phước của Diêm-vương.

- Cảnh Sanh-Lão: cảnh sanh ra rồi già đi; tức là cuộc sống ở trong vòng lẩn-quẩn của Luân-hồi, sanh ra để lại chết đi, rồi tái-sanh nữa.

- Ô-uế: dơ-dáy, đen-đúa, bẩn-thỉu. Ở đây, Ô-uế ám chỉ các phiền-não làm cho tâm bị bợn-nhơ, phải thanh-lọc cho sạch.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện có hai phần, phần đầu nói về ông đồ-tể, vì tội-ác sát-sanh, giết thú-vật lấy thịt bán, phải sa địa-ngục; và phần thứ nhì nói về người con trai của ông, về già được nghe Đức Phật giảng Chánh-pháp, mà được tái-sanh vào nhàn-cảnh.

Ý-nghĩa của Tích chuyện là: phải chuẩn-bị hành-trang cho chuyến đi xa, vào đời sống mới; chuẩn-bị bằng cách thanh-lọc thân-tâm khỏi các bợn-nhơ của phiền-não. Khi tâm đã thanh-tịnh, gột rửa hẳn các ô-uế của phiền-não gây ra, sẽ được tái-sanh lên cõi Trời, và nếu tiếp-tục tu-hành, sẽ thoát khỏi vòng lẩn-quẩn Sanh, Già, Bịnh, Chết trong cảnh khổ của cõi Luân-hồi lận-đận.

(2) Ý-nghĩa các bài Kệ số 235, 236, 237 và 238:

Bài Kệ số 235 nhắc-nhở ta, Thần Chết đang chờ mọi người, vậy phải chuẩn-bị hành-trang cho chuyến đi xa.

Bài Kệ số 236 khuyên ta phải tự mình lo-liệu lấy, nương-tựa vào chính mình bằng cách lọc-sach các bợn nhơ phiền-não ra khỏi tâm, để được tái-sanh vào cõi chư Thiên.

Bài Kệ số 237 lại nhắc nhở ta ngày trình-diện Diêm-vương sắp tới, phải mau mau chuẩn-bị hành-trang, cho chuyến đi xa, chẳng có nơi dừng chơn tạm nghỉ được ( = chẳng có ai là khỏi chết cả).

Bài Kệ số 238 cũng lại khuyên ta sớm tự mình làm nơi nương-tựa cho chính mình, cũng bằng cách lọc sạch các bợn nhơ phiền-não ra khỏi tâm, để khỏi phải trở lại cảnh Sanh, Già, Bịnh, Chết của cõi Luân-hồi khổ-đau lận-đận.

(183).- Tích chuyện người Bà-la-môn làm việc thiện.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến cách làm điều thiện của một người Ba-la-môn.

Thuở ấy ở nước Xá-vệ có một người Bà-la-môn thường đứng nhìn các vị tỳ-kheo xốc áo cà-sa lại cho ngay thẳng trước khi đi vào thành khất-thực. Người ấy nhận thấy vài vị tỳ-kheo có vạt áo hơi dài, chấm đất, ướt đi vì hơi sương còn đọng trên bãi cỏ. Sau khi chư Tăng đi vào thành, người Bà-la-môn liền lấy dao ra dẩy sạch các bụi cỏ. Ngày hôm sau, chư Tăng dừng lại sửa áo cà-sa cho chỉnh-tề, thì một vài vị lại để tà áo chấm vào đất ướt vừa làm cỏ xong. Người Bà-la-môn đợi cho đoàn khất-thực vào thành, mới lấy cát khô rải lên các vũng nước đọng. Hôm sau, trời bắt đầu nắng sớm, chư Tăng có nhiều vị đổ mồ-hôi, khiến cổ áo bị đẵm ướt. Người Bà-la-môn nghĩ, nên cất một trạm nghỉ chơn bên lề đường, để chư Tăng có nơi đứng sửa-soạn y-phục lại cho chỉnh-tề. Ông ta liền thuê người cất một trạm nghỉ mát bên đường, nơi các vị tỳ-kheo thường dừng chơn, để tránh cả khi nắng nóng và lúc mưa dầm. Khi xây cất xong, người Bà-la-môn thỉnh Đức Phật cùng chư Tăng đến làm lễ khánh-thành. Được hỏi lý-do vì sao cất trạm nghỉ chơn nầy, người Bà-la-môn mới bạch với Phật, từ bước một, ông đã làm cỏ, rải cát, rồi sau đó mới cất trạm nầy, để cúng-dường chư Tăng. Đức Phật khen-ngợi: "Nầy Bà-la-môn, công-đức hành thiện của thí-chủ đã được thực-hiện từng bước một, cũng như bực hiền-trí, ngày nầy qua ngày khác, chuyên-tâm lọc-sạch các bợn-nhơ lậu-hoặc từ từ cho đến khi được hoàn-toàn giải-thoát."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà vị Bà-la-môn chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:

Theo thứ-tự, từ chút, từ chút,
Người hiền-trí từng lúc, từng lúc,
Gột sạch bợn nhơ ra khỏi lòng mình,
Như thợ kim-hoàn lọc vàng hết cặn.
(Kệ số 239.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Bà-la-môn: giai-cấp tu-sĩ ở Ấn-độ xưa, tiếng Pali là Brahmana

- Cà-sa: phiên-âm chữ Phạn Kasaya, áo màu vàng choàng bên ngoài của các vị tỳ-kheo.

- Khánh-thành: lễ ăn mừng vì được xây-dựng xong.

- Hành-thiện:Hành = làm;Thiện = lành.Hành-thiện là làm việc lành.

- Thí-chủ: Thí =bố-thí, đem cho; Thí-chủ là kẻ hiến-tặng; thọ-giả là người nhận của kẻ khác cho. Thí-chủ còn được gọi là đàn-việt.

- Bợn-nhơ lậu-hoặc: Lậu-hoặc là các phiền-não như tham, sân, si, mạn, nghi, từ trong tâm bộc-lộ ra (lậu = rỉ chảy ra) bằng hành-động xấu-ác, vì thế nên gọi là bợn-nhơ, chỗ dơ-dáy, bẩn-thỉu, cần gột rửa.

- Tu-đà-huờn: Xin nhắc lại, đó là quả-vị đầu-tiên, còn gọi là Nhập-Lưu hay Thất-Lai; tiếng Pali là Sotapatti.

- Hiền-trí: người tu-hành chơn-chánh, có trí-huệ rộng.

- Kim-hoàn: Kim = vàng; Hoàn = vòng. Thợ Kim-hoàn thợ bạc.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc vị Bà-la-môn xây cất trạm nghỉ chơn để cúng dường chư Tăng. Công-đức hành-thiện nầy được thực-hiện từ từ, từng bước một, được Đức Phật khen ngợi.

Ý-nghĩa của Tích chuyện là việc thanh-lọc các phiền-não ra khỏi Tâm, phải được thực-hiện: (1) từ-từ, từng bước một; (2) bền-chí, ngày nầy qua ngày khác, chẳng ngừng-nghỉ, cho đến khi được giải-thoát.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 239:

Bài Kệ so-sánh việc thanh-lọc các lậu-hoặc (= điều sai lầm như tham, sân, si, mạn, nghi, ác-kiến) ra khỏi thân-tâm của người tu-hành, cũng như người thợ bạc lọc hết chất cặn-bã trong khối vàng ròng.

Hai câu đầu nêu rõ việc thanh-lọc được tiến-hành từ bước một, ngày nầy qua ngày khác, chẳng ngừng. Nên học thuộc bài Kệ để tự nhắc-nhở mình: từ chút, từ chút từng lúc, từng lúc, chẳng phút nào lơ-là cả, cho đến khi tâm được hoàn-toàn thanh-tịnh.

(184).- Tích chuyện ham áo cà-sa của Trưởng-lão Thi-sa.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến lòng tham-muốn chiếc áo cà-sa của Trưởng-lão Thi-sa.

Thuở ấy ở nước Xá-vệ có vị Trưởng-lão tên là Thi-sa vừa nhận được một bộ áo cà-sa rất đẹp của một người thí-chủ dưng-cúng. Cả ngày, Trưởng-lão cứ rờ-rẫm chiếc áo, vuốt đi vuốt lại, trong lòng rất ham-thích. Nhưng tối hôm ấy, Trưởng-lão qua đời. Vì chẳng có ai là kẻ thừa-hưởng chánh-thức các của-cải của Trưởng-lão, nên các vị tỳ-kheo đồng-tu định đem chiếc áo ra cắt thành từng miếng nhỏ để phân chia nhau. Bấy giờ, từ trong chiếc áo, có một con rận nhỏ, chạy tới chạy lui lăng-xăng, trông bộ dáng như hoảng-hốt lắm vậy. Từ nơi hương-phòng, Đức Phật quán-thấy việc đó, Ngài ra lịnh cho các vị tỳ-kheo hãy khoan cắt tấm vải, chờ một tuần sau rồi sẽ phân-chia. Đến ngày thứ tám, các vị tỳ-kheo lấy chiếc áo cà-sa mới ra, thấy có một con rận nằm chết khô trong lằn xếp. Họ đến trình Đức Phật và thưa hỏi lý-do vì sao phải chờ đến một tuần mới cắt nhỏ chiếc áo ra. Đức Phật đáp: "Nầy chư tỳ-kheo, trước khi nhắm mắt lìa đời, tâm-niệm của tỳ-kheo Thi-sa là ham-thích chiếc áo cà-sa, cho nên tà-niệm nầy dẫn-dắt Thi-sa tái-sanh làm con rận để giữ lấy chiếc áo đó. Nhưng nhờ có công-đức tu-hành, nên bảy ngày sau mãn kiếp rận, Thi-sa được tái-sanh lên cõi Trời Đâu-suất. Vì lẽ đó, nên Như-Lai mới bảo chúng tăng hãy chờ trong một tuần-lễ rồi sẽ chia nhau chiếc áo. Nầy chư tỳ-kheo, lòng tham-ái rất là độc-hiểm, nó cũng như chất sét ( =rỉ) ăn mòn lần thanh sắt, rồi đưa ta tái-sanh vào cõi ác. Vì lẽ nầy, tỳ-kheo chớ nên tham lợi-dưỡng, mê-thích về tứ-sự cúng-dường của các thí-chủ."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Như sét từ thanh sắt sanh ra,
Rồi sét lại ăn mòn thanh sắt;
Kẻ ham lợi-dưỡng tạo điều ác,
Ác nầy trở lại hại anh ta.
(Kệ số 240.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Thi-sa: tên vị Trưởng-lão nầy, tiếng Pali là Tissa.

- Thí-chủ: Thí = bố-thí. Thí-chủ là người đem của-cải ra hiến-tặng.

- Qua đời = chết đi.

- Thừa-hưởng chánh-thức: người nhận-lãnh gia-tài.

- Con rận: loại côn-trùng, sống trong quần-áo, cắn hút máu người

- Hương-phòng: căn phòng có hương thơm dành cho Đức Phật.

- Quán-thấy: ngồi Thiền, tâm an-định, nhìn thấy rõ trong tâm.

- Tâm-niệm: ý-nghĩ trong tâm. Tà-niệm = ý-nghĩ xấu-ác.

- Mãn kiếp: hết kiếp; đời sống chấm dứt.

- Trời Đâu-suất: cõi Trời cao nhứt của Dục-giới, hiện có Đức Đại-Bồ-tát Di-Lặc đang giảng-pháp tại đó. Tiếng Pali là Tusita.

- Tham-ái = Tham =ham quá chừng; Ái =thương, thích. Chính lòng tham-ái là nguồn-gốc của khổ đau. Tiếng Pali là Tanhà.

- Lợi-dưỡng: tiện-nghi vật-chất để cho đời sống được quá sung-sướng về thể-xác.

- Tứ-sự cúng-dường: Tứ = bốn; Sự = việc; Cúng-dường: cung-cấp để nuôi-dưỡng. Tứ-sự cúng-dường là bốn thứ vật-dụng mà người tín-chủ dưng-cúng cho tỳ-kheo: (1) thực-phẩm; (2) quần-áo, (3) giường chiếu; (4) thuốc men.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện mang hai ý-nghĩa:

1) Tầm quan-trọng của tâm-niệm vào phút lâm-chung: khi gần chết, trong tâm khởi tà-niệm, sẽ bị tái-sanh vào cõi dữ.

2) Lời Phật dạy: dẹp tham-ái, chớ mê lợi-dưỡng, là lời dạy cắt-đứt nguồn-gốc của khổ-đau (Khổ-đế) dứt được vòng lẩn-quẩn của Luân-hồi. Tham-ái (Tanhà) chính là Chơn-lý thứ hai trong Tứ-diệu-đế.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 240:

Bài Kệ so-sánh cái hại của sự tham-ái cũng như chất sét từ trong thanh sắt sanh ra, rồi lại ăn mòn thanh-sắt. Tham-ái cũng vậy, khởi từ trong tâm mà ra, vì quá ham-thích, rồi bị sự ràng-buộc nầy mà phải chịu nhiều khổ-đau sau nầy, trong cuộc sống Luân-hồi lẩn-quẩn.

(185).- Tích chuyện tỳ-kheo Lã-lưu-đà-di.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến tỳ-kheo Lã-lưu-đà-di rất lười đọc-tụng kinh kệ.

Thuở ấy, dân chúng nước Xá-vệ rất ái-mộ hai vị đại-đệ-tử của Phật Thích-ca là Tôn-giả Xá-lợi-phất và Mục kiền-liên. Tỳ-kheo Lã-lưu-đà-di, lòng hay ganh-tị, bảo với dân-chúng rằng, mình cũng thuyết-pháp chẳng thua gì hai vị Tôn-giả kia. Họ mời tỳ-kheo Lã lên nói pháp, nhưng ông ta chẳng thốt nên lời. Ông ta liền bảo, hãy mời hai vị khác lên nói trước, rồi sẽ tới phiên mình. Sau khi hai vị tỳ-kheo đăng-đàn thuyết-pháp xong, thầy Lã bước lên, nhưng miệng lại ngậm câm như hến. Dân-chúng mất cả kiên-nhẫn, quát-tháo lên. Lã hoảng-hốt, bỏ chạy; bị rượt đuổi quá, Lã lọt xuống hầm tiêu.

Khi Đức Phật được biết sự-việc đó, Ngài dạy: ‘’Nầy chư Tăng, Lã-lưu-đà-di chẳng có học-tập nhiều về Chánh-pháp. Kinh-kệ có nghe qua, y đâu chịu thường đọc-tụng, nên chẳng nhớ được gì. Chút ít gì y đã nghe, vì chẳng thường nhắc lại, nên đã rỉ-sét trong tâm của y."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Chẳng tụng-niệm là vết nhơ Kinh-kệ,
Chẳng siêng dọn là dơ-bẩn cửa nhà,
Nhác lờ-đờ là sắc-đẹp phôi-pha,
Thường bất-cẩn là sơ-hở phòng-vệ.
(Kệ số 241.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Tỳ-kheo: tu-sĩ Phật-giáo, phiên-âm chữ Phạn Bhikkhu, còn đọc là Bí-sô, cũng gọi là Khất-sĩ.

- Lã-lưu-đà-di: tên vị tỳ-kheo nầy, tiếng Pali là Làludàyi.

- Kinh-Kệ: Kinh = lời dạy đầy-đủ của Đức Phật; Kệ = bài thơ ngắn, tóm-tắt lại bài Kinh cho dễ nhớ. Thí-dụ: Kinh A-di-đà; Kệ số 241,v.v.

- Ái-mộ: Ái = thương-mến; Mộ = kính-mộ.

- Đăng-đàn: Đăng = bước lên cao; Đàn = cái đài cao, để nói pháp, hay làm lễ. Đăng-đàn là bước lên đàn, nói chuyện với công-chúng.

- Câm như hến: Hến = loài sò, hai vỏ ngậm lại kín mít.

- Rỉ-sét = chữ nầy được dùng theo nghĩa bóng là trở nên mờ-tối.

- Vết-nhơ: chỗ dơ-bẩn; dịch các chữ Hán-Việt là: ô-trược, ô-uế.

- Nhác lờ-đờ = lười-biếng, lừ-đừ, chẳng thiết làm việc chi cả.

- Sắc-đẹp phôi-pha = vẻ đẹp bị giảm đi từ từ.

- Bất-cẩn: Bất = chẳng; Cẩn = cẩn-thận. Bất-cẩn là vô-ý vô-tứ.

- Phòng-vệ = giữ-gìn. Ở đây, chữ Phòng-vệ có nghĩa là ngăn-giữ các tội-ác, chẳng cho xảy ra.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc buồn-cười của một vị tỳ-kheo, vì lười-nhác chẳng đọc-tụng Kinh-Kệ, nên khi lên pháp-đàn chẳng nói được lời nào, bị dân-chúng phản-đối, bỏ chạy, lọt xuống ... hầm phẩn!

Đức Phật dạy, phải siêng đọc-tụng Kinh-kệ, nếu lười-biếng thì bao nhiêu những đìều nghe dạy, lần lần rỉ-sét trong tâm, rồi quên mất

Siêng đọc-tụng Kinh-Kệ như thế nào? Nếu mỗi ngày, có thời-khoá tụng-niệm, thì rất tốt. Bằng chẳng đủ thì-giờ, thì mỗi tuần nên đi chùa, cùng tụng-niệm theo các bạn đồng-tu, trong khoá lễ.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 241:

Trong bài Kệ nầy, Đức Phật kể ra bốn điều ô-uế ( = nhơ-bẩn):

1) Chẳng tụng-niệm là vết nhơ Kinh-Kệ: Kinh-Kệ chẳng nhơ, chỉ người tu-hành chẳng chịu đọc-tụng, đó là làm dơ-bẩn Kinh-Kệ. Có người thỉnh Kinh về, để cao trên bàn thờ Phật, mà chẳng lấy ra đọc và tìm hiểu để ứng-dụng tu-hành, đó là để Kinh đóng bụi-bặm cho...dơ!

2) Chẳng siêng dọn là dơ-bẩn cửa nhà: vì rác-rến đầy nhà.

3) Nhác lờ-đờ là sắc-đẹp phôi-pha: chẳng siêng giữ-gìn sắc-đẹp, chẳng năng trang-điểm, thì dù có đẹp cũng thiếu phần sắc-sảo.

4) Thường bất-cẩn là sơ-hở phòng-vệ: Câu nầy có hai nghĩa: (a) ai vô-ý, vô-tứ thì chẳng biết giữ-gìn cho khỏi bị tai-nạn; (b), ai lơ-là trong việc giữ giới-luật, thì tội-lỗi mới có dịp sanh ra; người siêng giữ giới, tâm sẽ sớm an-định, nhờ đó trí-huệ phát-sáng mà biết vững bước trên con đường tu-hành để sớm được giác-ngộ và giải-thoát.

(186).- Tích chuyện ngưòi bị vợ ngoại-tình.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tịnh-xá Trúc-lâm, gần thành Vương-xá, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một người bị vợ ngoại-tình.

Thuở ấy ở thành Vương-xá, có một người đàn-ông bị vợ ngoại-tình. Anh ta rất xấu-hổ với mọi người, nên chẳng dám đến gần đám đông. Bẵng đi một thời-gian rất lâu, anh chẳng đi chùa. Một hôm vào tối ngày rằm, anh đến tịnh-xá Trúc-lâm. Đức Phật hỏi, sao lâu quá chẳng thấy anh đến nghe pháp. Anh thuật gia-cảnh của mình cho Đức Phật nghe. Đức Phật an-ủi: "Nầy thiện-nam-tử, những người đàn-bà trắc-nết cũng như dòng sông nước chảy, cũng như con đường đất để người đi qua, cũng như cửa tiệm bán rượu, cũng như một quán-trọ trong đêm tối, cũng như lu nước để ngoài sân cho khách bộ-hành đỡ khát, họ giao-du với tất cả mọi hạng người chẳng kể tốt xấu. Tà-hạnh quả thật là một nguyên-nhơn sa-đoạ của phụ-nữ."

Rồi Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây:

Tà-hạnh là vết nhơ phụ-nữ,
Xan-tham là uế-trược người cho,
Điều tệ-ác quả là cấu-uế
Trong đời nầy và các đời kế.
(Kệ số 242.)

Trong các mối bẩn-nhơ vừa điểm
Vô-minh là ô-uế cực-hiểm.
Nầy nầy, hỡi các vị tỳ-kheo,
Mau rửa sạch, theo hàng Vô-nhiễm.
(Kệ số 243.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Ngoại-tình: Ngoại = ngoài; Tình = ái-tình; Ngoại-tình đã có chồng hay vợ chánh-thức mà còn dan-díu tình-ái với kẻ khác.

- Trúc-lâm: tên tịnh-xá nầy tiếng Pali là Veluvana, vườn trúc.

- Vương-xá: tên thủ-đô xứ Ma-kiệt-đà (Magadha), Pali: Ràjagaha

- Gia-cảnh: Gia = nhà;cảnh = tình-cảnh. Gia-cảnh = tình-cảnh ở nhà

- Thiện-nam-tử: Thiện =lành; Nam-tử = đàn-ông. Thiện-nam-tử là người tín-đồ đàn ông. Phái nữ gọi là Thiện-nữ-nhơn.

- Trắc nết: tánh-hạnh chẳng ra gì, chẳng trung-thành với chồng.

- Giao-du: giao-thiệp, chơi-bời với nhau.

- Tà-hạnh: Tà = tà-vạy, xiêng-xéo; Hạnh = hạnh-kiểm, tánh-tình. Tà-hạnh, Tà-dâm là chẳng trung-thành với chồng hay vợ, dan-díu tình-ái với kẻ khác; có tánh lang-chạ.

- Sa-đoạ: rơi xuống thấp, lọt vào hạng hèn-hạ.

- Xan-tham: bỏn-sẻn, rít-róng, quá hà-tiện.

- Uế-trược, ô-uế, cấu-uế = chỗ dơ-bẩn, xấu-xa.

- Vô-minh: Vô = chẳng; Minh = sáng. Vô-minh là si-mê, ngu-tối.

- Cực-hiểm: cực-kỳ độc-hiểm; hết sức nguy-hiểm.

- Vô-nhiễm: Vô = chẳng; Nhiễm = dính nhơ. Bực vô-nhiễm là bực Thánh, chẳng còn bị phiền-não làm nhiễm-ô nữa.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tich chuyện:

Tích chuyện kể lại việc một người đàn-ông bị vợ ngoại-tình, xấu-hổ với kẻ khác, nên chẳng đi chùa nữa. Đức Phật an-ủi người ấy và bảo rằng, kẻ trắc-nết chẳng trung-thành trong tình-nghĩa vợ-chồng, sẽ sa-đoạ vào cõi dữ.

Tuy Tích chuyện chỉ nói đến sự trắc-nết của đàn-bà, nhưng ta phải hiểu ý-nghĩa của lời Phật dạy, chẳng phải chỉ ứng vào người đàn-bà, mà luôn cho cả đàn-ông. Lòng trung-thành trong tình-nghĩa vợ-chồng là nền-tảng của hạnh-phước gia-đình.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 242 và 243:

Nhơn Tích chuyện nói về sự chẳng trung-thành của người đàn-bà đối với chồng là một vết nhơ về đức-hạnh của phụ-nữ, Đức Phật kể ra các điều nhơ-bẩn khác, giúp ta biết để tránh khỏi. Đó là: (1) tà-dâm, lén-lút giao-thiệp bất-chánh với người khác phái; (2)xan-tham, rít-róng chẳng chịu bố-thí; (3) hành-động tệ-ác gây thiệt-hại cho kẻ khác; và nhứt là (4) sự ngu-tối tức là vô-minh, rất nguy-hiểm, vì tâm-trí còn ngu-tối chẳng rõ được đâu là đường lành mà theo, nẻo ác để tránh.

Hai câu chót của bài Kệ 243 là lời kêu gọi khẩn-thiết của Đức Phật, dạy các tỳ-kheo nên mau mau rửa sạch tâm mình cho thật thanh-tịnh, để dấn bước theo các bực Thánh, là hàng Vô-nhiễm, chẳng hề bị các vết-nhơ tội-lỗi làm ô-uế.

(187).- Tích chuyện tỳ-kheo Chu-la-sĩ.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị tỳ-kheo Chu-la-sĩ, vi-phạm giới-luật cấm trị bịnh người để lấy công.

Thuở ấy, có vị tỳ-kheo tên là Chu-la-sĩ biết nghề làm thuốc, thường đi trị bịnh cho kẻ khác và nhận được nhiều tặng-phẩm. Một hôm, Chu đi thăm bịnh-nhơn và được biếu-tặng hậu-hĩ. Trên đường về, gặp Tôn-giả Xá-lợi-phất đang đi khất-thực, Chu liền đem các tặng-phẩm vừa nhận được ra chia-xẻ với Tôn-giả. Nhưng Tôn-giả Xá-lợi-phất lẵng-lặng đi tới, chẳng nói gì cả. Khi về đến tịnh-xá, các tỳ-kheo khác thưa-trình cùng Đức Phật về việc Tôn-gìả Xá-lợi-phất đã từ-chối quà-tặng của tỳ-kheo Chu-la-sĩ. Đức Phật bảo: "Nầy chư tỳ-kheo, Xá-lợi-phất chẳng nhận số tặng-phẩm của tỳ-kheo Chu-la-sĩ chia-xẻ, là vì Chu đã vi-phạm giới-luật, đi hành-nghề y-sĩ để được trả công. Tỳ-kheo nên biết, vi-phạm giới-luật thì rất dễ-dàng, sống buông-lung, chạy theo các lợi-dưỡng và tiện-nghi vật-chất, nào khác gì con quạ trơ-trẽn cắn lén sau lưng người, chẳng biết hổ-thẹn; tư-tưởng, lời nói cùng hành-động đều chẳng được chơn-thiện. Trái-lại, giữ giới-đức cho thanh-tịnh, khép mình trong kỷ-luật khắt-khe, biết hổ-thẹn khi lầm-lỗi, là lối sống tuy khó-khăn nhưng sớm đến nơi giác-ngộ và giải-thoát."

Rồi Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây, nhờ đó một số tỳ-kheo chứng-đắc được quả-vị Tu-đà-huờn:

Dễ quá mà, sống đời không biết thẹn,
Trơ-trẽn như quạ cắn lén sau lưng,
Ham công-kích người, ngã-mạn, ngông-cuồng,
Liều-lĩnh, nhiễm-ô, tánh thường hư-đốn.
(Kệ số 244.)

Thật là khó, sống cuộc đời khiêm-tốn,
Có lòng tự-thẹn, có hạnh viễn-ly,
Biết lánh xa tất cả mọi ràng-buộc,
Tìm cầu thanh-tịnh, tâm hằng sáng-suốt.
(Kệ số 245.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Chu-la-sĩ: tên vị tỳ-kheo nầy, tiếng Pali là Cùlasàrì.

- Hành-nghề y-sĩ: làm nghề thầy thuốc chữa bịnh cho người.

- Lợi-dưỡng: các nguồn lợi về vật-chất để nuôi sống.

- Trơ-trẽn: chẳng biết hổ-thẹn, chai-lỳ chẳng biết mắc-cỡ.

- Chơn-thiện: Chơn = chơn-chánh, đứng-đắn; Thiện = lành.

- Ngã-mạn = kiêu-căng, phách-lối, tự cho mình hơn kẻ khác.

- Ngông-cuồng: Ngông = ngông-nghênh, chẳng biết sợ ai cả; Cuồng = điên-khùng. Người ngông-cuồng là kẻ ngang-tàng, dữ-ác.

- Hư-đốn: hư-hỏng và đốn-mạt; rất tệ-hại; chẳng ra gì.

- Khiêm-tốn: biết nhũn-nhặn, chẳng hề khoe-khoang.

- Tự-thẹn: biết mắc-cỡ lấy mình.

- Hạnh viễn-ly: Hạnh = đức-hạnh; Viễn = xa; Ly = lìa. Người có hạnh viễn-ly biết xa-lìa các lợi-dưỡng, chẳng ham thú-vui vật-chất, tránh xa mọi ràng-buộc.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc một tỳ-kheo vi-phạm giới-luật, hành-nghề ý-sĩ để kiếm lợi. Ta phải hiểu rõ ý-nghĩa của sự cấm-đoán nầy: Đức Phật cấm tất cả tỳ-kheo có nghề riêng để sanh-sống, đó là vì muốn các tu-sĩ diệt được lòng tham; chớ Đức Phật chẳng cấm-đoán việc trị bịnh giúp đời. Cứu người bịnh qua khỏi cơn đau là điều thiện, đáng khuyến-khích; nhưng cứu người với lòng tham muốn để được đền công, điều nầy trái với giới-luật. Tu-sĩ Phật-giáo còn được gọi là khất-sĩ, nghĩa là phải đi ăn xin, để dẹp lòng tự-ái của mình, hạ mình xuống sống nhờ sự bố-thí của kẻ khác; vả lại khi đi khất-thực, có dịp gặp dân-chúng, để chỉ-dạy Giáo-pháp cho họ. Hiểu được ý-nghĩa nầy, mới biết tại sao Tôn-giả Xá-lợi-phất chẳng chịu nhận các tặng-phẩm của tỳ-kheo Chu-la-sĩ, vì các tặng-phẩm đó do công trị-bịnh mà ra, trái với giới-luật.

Tích chuyện còn ghi lại các lời dạy của Đức Phật: (1) sống buông-lung, khinh thường giới-luật, thì quá dễ và được nhiều lợi-dưỡng, đời sống sung-túc trong tiện-nghi vật-chất. Nhưng đó chẳng phải là con đường chơn-chánh mà người tu-sĩ nên noi theo; (2) sống theo giới-luật, biết hổ-thẹn khi lầm-lỗi, tuy khó khăn hơn, nhưng đó là con đường đưa ta sớm đến nơi giác-ngộ và giải-thoát.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 244 và 245:

Hai bài Kệ đối-ngược nhau, một bài nói về lối sống buông-lung, quá dễ-dãi, một bài nói về lối sống khắt-khe, tuân theo giới-luật.

Thử phân-tách từng câu bài Kệ số 244:

1) Dễ quá mà, sống đời không biết thẹn: Chẳng biết thẹn là xem thường mọi tội-ác, chẳng thấy xốn-xang, thẹn-thùng trong lòng, khi làm lỗi. Danh-từ chuyên-môn chỉ sự biết hổ-thẹn là tàm, hay quí; có lòng biết thẹn là có tâm tàm, tâm quí. Trái lại, người chẳng biết thẹn với lòng mình là người có tâm vô-tàm, có tâm vô-quí.

2) Trơ-trẽn như quạ cắn lén sau lưng: so-sánh người có tâm vô-tàm thì trơ-trẽn, chai-lỳ như một con quạ đen-đúa, lén mổ kẻ khác.

3) Ham công-kích người, ngã-mạn, ngông-cuồng: đây là ba vết nhơ cùng bắt nguồn từ tánh chấp-ngã (tự xem mình là hơn). Ham công-kích người, ham làm hại người, vì chẳng muốn người hơn mình; ngã-mạn là phách-lối, kiêu-căng, chẳng muốn ai bằng hay hơn mình; ngông-cuồng là chẳng sợ tội-ác gây ra quả-báo dữ-xấu, cứ hành-động ngang-tàng để tranh phần hơn với kẻ khác

4) Liều-lĩnh, nhiễm-ô, tánh thường hư-đốn: vì ỷ mình giỏi nên sanh ra liều-lĩnh; vì chẳng biết giữ-gìn, nên bị tội-ác làm nhiễm-ô; do đấy mà tánh-tình trở nên hư-đốn, mãi trôi-lăn trong cõi Luân-hồi.

Phân-tách bài Kệ số 245, ta thấy có hai đức-tánh quí-báu:

(1) sự khiêm-tốn, do lòng biết tự-thẹn sanh ra, biết nhũn-nhặn;

(2) hạnh viễn-ly, biết lánh xa mọi ràng-buộc. (Cái chi ràng-buộc? Các tội-lỗi ràng-buộc ta theo nghiệp xấu, nên phải trôi lăn mãi trong cõi Luân-hồi khổ-đau lận-đận).

Đường nầy khó, nhưng nhờ đó sớm được giác-ngộ và giải-thoát.

(188).- Tích chuyện năm người cãi nhau về ngũ-giới.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến việc năm người Phật-tử cãi nhau về ngũ-giới.

Thuở ấy vào dịp lễ thọ Bát-quan-trai-giới, có năm vị Phật-tử cãi nhau về cách giữ đúng ngũ-giới cho người tu-hành tại-gia. Một vị nói: "Tôi cố giữ giới chẳng sát-sanh, nhưng thấy giới nầy là khó nhứt trong ngũ-giới". ’Một vị khác cãi, giới tà-dâm là khó giữ nhứt. Còn một vị khác lại bảo, giới cấm uống rượu mới là khó giữ, trong năm giới. Vì sự bất-đồng-ý nầy, họ đến yết-kiến Đức Phật. Đức Phật: "Nầy chư thiện-nam-tử, chẳng nên xem bất cứ một giới-luật nào là quan-trọng nhứt hay ít quan-trọng hơn các giới kia. Giới nào cũng khó giữ cả, nhưng phải cố giữ sao cho trọn-vẹn cả năm giới mới được."

Rồi Đức Phật mới nói lên các bài Kệ sau đây, nhờ đó mà cả năm vị Phật-tử chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:

Kẻ nào sát-hại mạng chúng-sanh,
Của không cho mà cứ lấy giành,
Tiết trinh kẻ khác lại xâm-phạm,
Nói lời dối-trá, chẳng chánh-chơn,
Chất say, rượu mạnh dùng luôn,
Đó là đào lỗ tự chôn đời nầy.
(Kệ số 246, 247.)

Nên biết điều nầy, hỡi các người hiền!
Tự-chế chẳng làm ác, đâu phải dễ,
Tham-lam và tội-lỗi, chẳng nên để
Chúng lôi kéo vào cảnh khổ triền-miên.
(Kệ số 248.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Phật-tử: Phật = giác, hiểu biết rõ; Tử = con. Phật-tử là người theo đạo Phật, tự xem mình là đứa con tinh-thần của Đức Phật.

- Ngũ-giới: Ngũ = năm; Giới = điều răn-cấm trong đạo. Với người tu tại-gia, ngũ-giới gồm có: (1) cấm sát-sanh; (2) cấm trộm-cướp; (3) cấm tà-dâm; (4) cấm nói dối; (5) cấm uống rượu. Tiếng Pali về ngũ-giới pancasila.

- Lễ thọ Bát-quan-trai-giới: Theo lễ nầy, người Phật-tử vào chùa tu-hành trong 24 tiếng đồng-hồ, tuân giữ tám điều răn-cấm gồm có năm giới của người tu tại-gia cộng thêm ba giới nữa là: chẳng nằm giường cao; chẳng trang-điểm vòng-vàng, thoa dầu thơm; chẳng ăn phi-thời ( = chẳng ăn sái-giờ, ngoài bữa ăn trưa ra). Đức Phật hứa, ai thọ Bát-quan-trai-giới đàng-hoàng, thì chẳng hề bị sa vào địa-ngục.

- Tu tại-gia: tu-hành tại nhà. Đức Phật Thích-ca có bốn hạng đệ-tử, gọi là tứ-chúng. Tỳ-kheotỳ-kheo-ni là hai hạng xuất-gia, rời bỏ cuộc sống thế-tục, vào chùa tu-hành; ưu-bà-tắc với ưu-bà-di là hai hạng tại-gia, đàn-ông và đàn-bà, vẫn giữ đời sống có gia-đình.

- Sát-sanh: Sát = giết; Sanh = sanh-mạng chúng-sanh.

- Tà-dâm = đã có vợ, chồng chánh-thức rồi mà còn dan-díu tình-ái với kẻ khác.

- Tiết trinh: sự trong-sạch, trung-thành của phụ-nữ đối với chồng.

- Tự-chế: tự mình răn-cấm, tự mình giữ-gìn lấy mình chẳng gây tội-lỗi.

- Triền-miên = lâu-dài chẳng dứt.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị, thuật lại sự bất-đồng-ý của năm người về ngũ-giới. Ý-nghĩa của Tích chuyện là lời dạy của Đức Phật: giới nào cũng quan-trọng như nhau, phải giữ cho thật đầy-đủ thì mới được giải-thoát.

(2) Ý-nghĩa của các bài Kệ số 246, 247 và 248:

Hai bài Kệ 246 và 247 kể lại năm giới của người tu tại-gia, rất dễ hiểu, mỗi câu là một giới. Nên học thuộc để nhớ đủ năm giới. Lời răn-dạy rất khẩn-thiết là câu chót: hễ ai phạm các giới đó là đào lỗ tự chôn đời mình.

Bài Kệ số 248 khuyên ta nên biết tự-chế, chống lại sự tham-lam và tội-lỗi; đừng để chúng lôi-kéo ta vào cảnh khổ triền-miên của Luân-hồi.

(189).- Tích chuyện vị tỳ-kheo ganh-tị.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến thái-độ ganh-tị của một vị tỳ-kheo trẻ tuổi tên là Thi-sa.

Thuở ấy có một tỳ-kheo trẻ tuổi tên là Thi-sa, tánh hay ganh-tị, thường chê-bai sự bố-thí cúng-dường của người khác. Thậm-chí, Thi-sa cũng chẳng hề khen ngợi công-đức của hai vị đại-thí-chủ nổi tiếng đương-thời là cư-sĩ Cấp-cô-độc và nữ-cư-sĩ Vi-sa-kha. Hơn nữa, Thi-sa lại thường khoe-khoang, tự-hào rằng gia-đình mình rất giàu-có, tiền-bạc nhiều như nước trong giếng, ai muốn đến xin, cứ việc múc lấy mà dùng.

Nghe lời khoác-lác nầy, các vị tỳ-kheo khác rất nghi-ngờ mới tìm về làng của Thi-sa; họ khám-phá ra rằng, nhà-cửa của Thi-sa rất là bần-cùng, các thân-nhơn họ hàng của Thi-sa bữa đói, bữa no. Các vị tỳ-kheo mới trình lên Đức Phật sự-việc đó. Đức Phật bảo: "Nầy chư tỳ-kheo, tu-sĩ nào chẳng hoan-hỉ khi thấy các vị tỳ-kheo khác nhận được sự cúng-dường, và tỏ lòng ganh-tị, thì chẳng bao giờ chứng-đắc được Đạo Quả cả."

Rồi Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây:

Do niềm tin và tâm hoan-hỉ,
Con người mới sanh lòng bố-thí.
Thấy người khác nhận được cúng-dường
Đồ ăn, thức uống, mà đố-kỵ,
Cả ngày lẫn đêm, kẻ ganh-tị
Chẳng thể nào đắc được định-tâm.
(Kệ số 249.)

Ai cắt được ganh-tị trong lòng,
Bứng tận rễ và dẹp bỏ xong,
Định-tâm người ấy thường chứng được
Đêm cũng như ngày, nếu ra công.
(Kệ số 250.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Ganh-tị: đố-kỵ, ghen-ghét, cà-nanh, đòi cho hơn kẻ khác.

- Đại-thí-chủ: Đại = lớn; Thí-chủ = người bố-thí, còn gọi là thí-giả

- Cư-sĩ: Cư = ở; ở tại nhà; Sĩ = người. Cư-sĩ là người tu tại-gia.

- Cấp-cô-độc: tên của vị cư-sĩ xây cất chùa Kỳ-viên, tiếng Pali là Anàthapindika.

- Vi-sa-kha: tên của vị nữ-cư-sĩ xây cất nữ-tu-viện Đông-viên (Pubbàràma), ở phía Đông chùa Kỳ-viên, tiếng Pali là Visakha.

- Khoác-lác = láo-toét, khoe láo.

- Bần-cùng:Bần = nghèo;Cùng = cùng-khổ.Bần-cùng là nghèo-khổ.

-Hoan-hỉ = vui-mừng, hân-hoan.

- Đạo, Quả: Đạo = con đường, đường-lối tu-hành (Pali: Magga); Quả = kết-quả, sự tu-hành đã thành-công tốt-đẹp (Pali: Phala). Danh-từ chuyên-môn trong Bắc-tông, gọi là hướng và quả, như Tu-đà-huờn hướng Tu-đà-huờn quả.

- Định-tâm: Định = đứng yên lại, chẳng xao-động; Tâm = lòng. Đắc được định-tâm là ngồi Thiền, tâm vắng-lặng, chuyên-chú vào một đề-mục duy-nhứt, chẳng hề xao-lãng.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị, kể lại tánh xấu hay ganh-tị của một vị tỳ-kheo. Đức Phật dạy, kẻ nào biết diệt lòng ganh-tị, hoan-hỉ khi thấy người khác được cúng-dường, thì khi ngồi Thiền sẽ sớm đắc định-tâm.

(2) Ý-nghĩa hai bài Kệ số 249 và 250:

1) Hai câu đầu của bài Kệ số 249: Do đâu mà sanh lòng bố-thí? Do niềm tin vào phước-báo, và lòng hoan-hỉ, vui-mừng thấy người nhận của bố-thí được vui. Thấy người vui mà vui theo gọi là Tuỳ-hỉ.

2) Bốn câu sau của bài Kệ số 249: vì trong tâm sanh ra ganh-tị, cú lo ganh-ghét mãi, nên ngồi Thiền chẳng đắc được định-tâm.

3) Hai câu đầu của bài Kệ số 250: phải bứng tận gốc-rễ lòng ganh-tị. Gốc-rễ đó ở đâu? Chính ngay trong tâm mình, nên dẹp bỏ đi

4) Hai câu chót của bài Kệ số 250: tại sao đắc được định-tâm? Vì nếu ra công dọn dẹp cõi lòng cho trong-sạch, thì tâm định ngay.

(190).- Tích chuyện năm người ngồi nghe pháp.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến thái-độ ngồi nghe kinh của năm người tín-đồ.

Thuở ấy, có năm người tín-đồ tu tại-gia đến chùa Kỳ-viên, nghe Đức Phật giảng-pháp. Trong khi Đức Phật nói pháp, một người ngồi ngủ gục; một người lấy ngón tay vẽ-vạch xuống đất. Người thứ ba, ngồi phía sau, gần gốc cây, lắc nhẹ vào cành lá. Người thứ tư ngẩng đầu nhìn lên trời xanh. Còn người thứ năm, ngồi gần bên Đức Phật, chăm-chỉ nghe lời giảng, chẳng bỏ sót câu nào. Tôn-giả A-nan, đứng hầu bên cạnh Phật, nhìn thấy rõ năm người đó, đến khi Đức Phật giảng xong, mới thưa trình riêng cùng Đức Phật thái-độ ngồi nghe kinh của họ. Đức Phật bảo: "Nầy A-nan, năm người cư-sĩ nầy còn chưa dẹp bỏ xong các thói-quen của họ trong tiền-kiếp. Người ngồi ngủ gục, kiếp trước, vốn là con rắn, thường khoanh mình trong xó, ngủ liên-miên. Kiếp trước của người thứ hai là con trùn thường chui qua chui lại trong đất. Người thứ ba vốn là con khỉ trong đời trước, cứ mãi chuyền từ cành nầy sang nhánh nọ trên cây. Còn người thứ tư, đời trước là một chiêm-tinh-gia, cứ ngẩng đầu lên xem các ngôi sao trên trời. Riêng người thứ năm, biết chăm-chỉ nghe pháp, kiếp trước là nhà thiên-văn-học. Nầy A-nan, cần phải chú-tâm, chăm-chỉ, mới biết nghe Chánh-pháp. Vẫn còn có rất nhiều người chẳng biết chú-ý lắng nghe."

Tôn-giả A-nan bạch Phật: "Bạch thế-tôn, có sự ngăn-cản nào khiến cho người ta chẳng nghe hiểu được Chánh-pháp đang giảng?" Đức Phật đáp: "Có ba mối lậu-hoặc lớn ngăn cản người nghe chẳng thấu-hiểu rõ Chánh-pháp: tham, sân si; nhứt là lửa tham đốt cháy tất cả cõi lòng mà chẳng hề ngưng-nghỉ."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Lửa nào bằng với lửa tham,
Chấp nào hơn được chấp tâm giận-thù.
Lưới nào như lưới khờ-ngu,
Sông nào sánh được sông sâu ái-hà.
(Kệ số 251.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Tín đồ: Tín = tin-tưởng; Đồ = đồ-đệ, học-trò.Tín-đồ là người theo Đạo; trong Phật-giáo, còn gọi là thiện-nam, tín-nữ.

- Tu tại-gia: tu-hành tại nhà. Đối nghĩa với xuất-gia, rời nhà đi tu.

- Cư-sĩ: Cư = ở; Sĩ = người. Cư-sĩ là người theo đạo Phật, tu tại-gia

- Tiền-kiếp: Tiền = trước; Kiếp = đời sống. Theo sự tin-tưởng trong Phật-giáo, chúng-sanh có nhiều đời, đời trước đời hiện nay là tiền-kiếp

- Chiêm-tinh-gia = Chiêm =xem xét; Tinh = ngôi sao; Gia = nhà, người. Chiêm-tinh-gia xem sao trên trời mà đoán số-mạng con người.

- Thiên-văn-học: khoa-học về vũ-trụ, không-gian, các hành-tinh, các ngôi sao, v.v.

- Lậu-hoặc: Lậu = rỉ-chảy; Hoặc = điều sai-lầm. Lậu-hoặc là các lỗi-lầm từ bên trong tâm rỉ-chảy, biểu-lộ ra bằng hành-động, lời nói xấu-ác. Có ba lậu-hoặc chánh: tham, sân, si; còn gọi là phiền-não.

- Lửa tham: ví sự tham-lam như lửa, nó nung-nấu, thúc-dục lòng mình phải dành cho được, được rồi lại muốn thêm nữa, chẳng nguôi.

- Chấp tâm giận-thù: Chấp là sự bám-chặt trong lòng, chẳng lúc nào chịu rời ra; như giận ai thì giận mãi tới già, chết xuống tuyền-đài cơn giận vẫn chưa tan.

- Lưới khờ-ngu: nghĩa bóng của sự si-mê, nó bao trùm tâm-trí kín-mít chẳng thấy được lẽ phải và điều lành.

- Sông sâu ái-hà: Ái = thương; Hà = sông. Sông ái tức là lòng tham-ái, đắm-say, vừa sâu vừa nguy-hiểm, kéo ta trôi lăn mãi trong vòng sanh-tử khổ-đau của Luân-hồi lẩn-quẩn.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Nhơn thái-độ ngồi nghe pháp, chẳng đúng-đắn của bốn người tín-đồ, Đức Phật dạy, chỉ vì lòng còn tham, sân, si nên người nghe pháp, chẳng hiểu-thấu cho rõ-ràng được Chánh-pháp.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 251:

Bài kệ nầy kể rõ các sự ngăn-trở khiến ta chẳng thông-hiểu được Chánh-pháp: (1) lửa tham; (2) tâm cố-chấp sân-hận; (3) lưới si-mê; (4) sông ái-hà. Bốn điều ô-uế đó, ta phải cố rửa cho sạch khỏi lòng ta.

(191).- Tích chuyện vị hào-phú Mẫn-đà-kha.

Vào một thời kia, Đức Phật du-hành đến xứ An-già, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị hào-phú tên là Mẫn-đà-kha.

Thuở ấy, ở thành Bá-đi-gia, xứ An-già, có một vị hào-phú tên là Mẫn-đà-kha, của-cải rất nhiều mà cũng có lòng bố-thí thật rộng-rãi. Thiên-hạ đồn rằng, ông Mẫn đã đào lên phiá sau vườn nhà mình được nhiều pho-tượng chạm hình con dê, bằng vàng ròng. Lại cũng có lời đồn rằng, trong nhiều kiếp trước, vào thời Đức Phật Tỳ-bà-thi, ông Mẫn đã xây cất một tu-viện trang-nghiêm, với đầy-đủ phòng-ốc, điện-sảnh; rồi dưng-cúng thực-phẩm lên chư Tăng trong hơn bốn tháng. Trong một kiếp sau nữa, ông Mẫn tái-sanh vào thành Ba-la-nại, gặp nạn đói-kém, liền xuất tiền ra sắm-sửa thức ăn bố-thí cho dân-chúng. Trong số những người đến khất-thực, có một vị Bích-chi-Phật, ông Mẫn đều cúng-dường đầy-đủ. Nhờ phước-báo đó mà ngày nay, ông Mẫn trở nên rất giàu-có.

Hay tin Đức Phật du-hành đến thành Bá-đi-gia, ông Mẫn cùng với cả gia-đình gồm có sáu người, đồng đi đến nơi, nghe Đức Phật thuyết-giảng. Sau khi cúng-dường Đức Phật và chư Tăng xong, ông Mẫn bạch với Phật: "Bạch Thế-tôn, trên đường con đi đến đây, con có gặp vài người ẩn-tu khổ-hạnh đã nói xấu Thế-tôn, và bảo con đừng đến đây nghe pháp." Đức Phật đáp: "Nầy đại-thí-chủ, thật chẳng khó-khăn gì đi vạch lỗi của kẻ khác mà lại cố dấu-diếm tật xấu của chính mình."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà mọi người trong gia-đình ông Mẫn đều chứng-đắc được quả-vị Tu-đà-huờn:

Dễ thay, thấy lỗi người ta,
Lỗi mình thấy được, thật là khó thay!
Phanh-phui vạch lỗi của ai
Như đang quạt gạo, trấu bay ra ngoài.
Lỗi mình che kín chẳng khai,
Như cờ-bạc lận, quân bài dấu trong.
(Kệ số 252.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Hào-phú: Hào = có quyền-thế; Phú = giàu. Hào-phú là giàu và có nhiều quyền-thế.

- Mẫn-đà-kha: tên vị hào-phú nầy, tiếng Pali là Mendaka.

- Xứ An-già, thành Bá-đi-gia, thành Ba-la-nại: tên các địa-danh nầy, tiếng Pali là: Anga, Baddiya, Bénarès hay Vàrànasì.

- Tỳ-bà-thi: tên một vị Phật giáng-sanh năm kiếp trước Đức Phật Thích-ca; tiếng Pali là Vipassì.

- Điện-sảnh: Điện = căn phòng lớn trang-nghiêm; Sảnh = phòng.

- Bích-chi-Phật: một vị Phật tự-mình giác-ngộ và giải-thoát, vào thời chẳng có giáo-pháp của một đức Phật nào; tiếng Pali là Paccekabuddha. Bích chi-Phật còn gọi là Độc-giác, tự mình giác-ngộ lấy, nhưng chẳng đi giáo-hoá kẻ khác để họ được giác-ngộ theo.

- Ẩn-tu khổ-hạnh: Ẩn-tu = tu một mình nơi xa-vắng; Khổ-hạnh = tu ép xác với hi-vọng mau được giác-ngộ và giải-thoát.

- Đại-thí-chủ: Đại = lớn, Thí-chủ = người bố-thí; còn gọi là thí-giả.

- Tu-đà-huờn: quả-vị đầu-tiên trong hàng Thanh-văn ( =đệ-tử sống gần Phật, nghe kinh mà tu-tập); tiếng Pali là Sotapatti, dịch là Nhập-Lưu ( =vào dòng Thánh) hay Thất-Lai ( = chỉ còn tái-sanh bảy lần)

- Cờ-bạc lận: cờ gian bạc lận; đánh bài ăn gian.

- Quân bài = lá bài, con-bài.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện có hai phần: phần đầu thuật lại công-đức bố-thí của ông Mẫn trải qua nhiều đời; phần sau, nhận-xét của Đức Phật về tánh hay vạch lỗi của kẻ khác và che dấu lỗi của mình. Ý-nghĩa của nhận-xét nầy là chẳng nên vạch lỗi kẻ khác, trái lại phải biết tự-xét lấy lỗi mình mà tránh đi, để thân-tâm trở nên trong-sạch, khỏi các cấu-uế.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 252:

Bài Kệ đưa ra hai hình-ảnh rất sống động: (1)vạch lỗi của người như đang quạt gạo, trấu bay ra, dễ thấy; (2) che-dấu lỗi mình kỹ-lưỡng cũng như đứa cờ-bạc gian-lận dấu con-bài bên trong, chẳng cho ai thấy cả. Ý-nghĩa của bài Kệ dĩ-nhiên khuyên ta chớ vạch lỗi kẻ khác.

(192).- Tích chuyện tỳ-kheo Úc-gia.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị tỳ-kheo tên Úc-gia.

Thuở ấy, có một vị tỳ-kheo tên Úc-gia, tánh hay kẽ-vạch lỗi-lầm của người khác, và thường hay nói xấu các bạn đồng-tu. Các vị tỳ-kheo khác mới thưa-trình cùng Đức Phật. Đức Phật bảo: "Nầy chư tỳ-kheo, nếu có ai nói rõ lỗi-lầm của người khác và chỉ-dạy cho họ cách sửa-chữa lại, thì đó là chẳng phải là một hành-động xấu-ác, đáng chê-trách đâu. Trái lại, nếu có kẻ nào luôn luôn chỉ-trích chỗ sai-lầm của người khác với ý-định hiểm-độc để nói xấu, thì người nầy chẳng thể nào chứng-đắc được định-tâm. Y lại chẳng bao giờ thông-hiểu được Chánh-pháp, và các mối lậu-hoặc nơi người ấy ngày càng gia-tăng."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Kẻ nào cứ thấy lỗi của ai,
Thường sanh lòng chỉ-trích chê-bai,
Lậu-hoặc người đó tăng hoài,
Tiêu-trừ cho sạch, biết ngày nào xong.
(Kệ số 253.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Úc-gia: tên của vị tỳ-kheo nầy, tiếng Pali là Ujjhànasanni.

- Kẽ-vạch = moi-móc, cố tìm chỗ sơ-hở của kẻ khác để nói ra.

- Chỉ-trích: phê-bình, khen hay chê, thường là có ý chê hơn khen

- Hiểm-độc: Hiểm = nguy-hiểm; Độc = độc-ác. Hiểm-độc là làm việc ác ngầm, dấu ác-ý chẳng cho lộ rõ ra, nên nguy-hiểm lắm.

- Định-tâm: Định = dừng lại, đứng yên; Tâm = lòng. Khi ngồi Thiền, tâm chẳng xao-động, chỉ chú-ý vào đề-mục duy-nhứt là đang có định-tâm.

- Chánh-pháp = Chánh = chơn-chánh, đúng-đắn; Pháp = pháp-tu. Chữ Chánh-pháp ( = Dhamma) được hiểu là giáo-pháp của Đức Phật.

- Lậu-hoặc = các phiền-não trong tâm lộ ra bằng hành-động hoặc bằng lời nói. Có ba mối lậu-hoặc chánh: tham, sân, si và các món phụ- thuộc như nghi-ngờ, ngã-mạn, tà-kiến. (Lậu = rỉ chảy ra; Hoặc = điều sai-lầm, lỗi-lầm, phiền-não.)

- Gia-tăng: càng ngày càng nhiều.

- Tiêu-trừ: dẹp bỏ cho tan mất hết.

B.- Nghĩa Ý:

(1)Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc một tỳ-kheo có thói xấu hay kẽ-vạch lỗi-lầm của người khác để chê-bai. Việc đó đến tai Đức Phật, Ngài dạy rằng: "Chỉ-dạy lỗi-lầm của kẻ khác và cách sửa-chữa lại cho tốt, là điều đáng làm; nhưng nếu vạch lỗi của kẻ khác để chê-bai, chỉ-trích với ý-định nói xấu, đó là điều nên tránh." Đức Phật lại bảo: "Người hay moi-móc lỗi của kẻ khác để nói xấu, khi tu thiền, chẳng những chẳng thể đắc được định-tâm, mà nơi tâm người ấy, lậu-hoặc sẽ gia-tăng hoài, chẳng gột rửa hết được."

Ý-nghĩa của Tích chuyện là phải thường thường xét đến chính lòng mình, thấy những lỗi-lầm, thiếu-sót của chính mình, hơn là quay sang người đồng-tu, tìm lỗi của họ, để che dấu lỗi của mình. Có như thế mới khiến cho tâm mình dễ an-định, các lậu-hoặc như sân, si, ngã-mạn, ganh-tị lần lần được dũa mòn mà tiêu-tan đi.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 253:

Bài Kệ rất rõ nghĩa, chỉ dạy ta phải dẹp bỏ thói xấu chỉ-trích lỗi kẻ khác để che dấu lỗi của mình.

Thử phân-tách ý-nghĩa bài Kệ để tìm các sự ô-uế, các lậu-hoặc xảy ra trong tâm người hay kẽ-vạch:

1) Thấy lỗi kẻ khác, chỉ-trích chê-bai: đây là ác-ý muốn hạ kẻ khác, để ngầm tôn mình lên, đó là một hình-thức của sự ngã-mạn.

2) Lậu-hoặc người đó tăng hoài: Lậu-hoặc nào? Đó là sự ganh-tị, ghen-ghét kẻ khác, thấy ai hơn mình thì chẳng ưa. Người hay ganh-tị lo binh-vực cái Ta của mình, khiến cho cái Ta ấy càng ngày càng to-lớn thêm, chẳng thấy được các lỗi-lầm đầy-dẫy nơi tâm mình. Vì lẽ nầy, bài Kệ mới nói: Tiêu-trừ cho sạch, biết ngày nào xong.

(193).- Tích chuyện ông Tu-bạt-đà-la, vị đệ-tử chót của Đức Phật.

Vào một thời kia, Đức Phật đến rừng Ta-la, xứ Câu-thi-na, trước khi nhập Niết-bàn, có đề-cập đến vị đệ-tử cuối-cùng của Đức Phật là ông Tu-bạt-đà-la.

Thuở ấy, ở xứ Câu-thi-na có một người Bà-la-môn, sống trên trăm tuổi, thường theo học các vị sư ngoại-đạo, nhưng còn chưa vừa lòng. Khi nghe tin Đức Phật sắp nhập Niết-bàn, trong rừng Sa-la ở Câu-thi-na, ông Tu-bạt-đà-la mới đến xin yết-kiến Đức Phật, để thưa hỏi về ba câu hỏi mà lòng ông còn thắc-mắc, chưa được ai giải-đáp thoả-đáng cả. Tôn-giả A-nan bấy giờ hầu-cận bên Đức Phật, thấy Phật đang mệt, mới từ-chối chẳng để ông Tu-bạt-đà-la vào gặp Phật. Đức Phật nằm trên giường, giữa hai cây Ta-la, nghe tiếng năn-nỉ của ông Tu-bạt-đà-la, mới gọi Tôn-giả A-nan, bảo hãy đưa ông ấy vào.

Ông Tu-bạt-đà-la, sau khi thăm hỏi Đức Phật, liền nêu lên ba câu hỏi mà từ lâu ông thắc-mắc tìm chưa được lời giải-đáp:

1) Giữa hư-không, có dấu-tích gì chăng?

2) Có vị sa-môn nào đứng bên ngoài Chánh-pháp của Như-lai chăng?

3) Có sự-vật hữu-vi nào mà thường-hằng mãi chăng?

Cả ba câu hỏi, Đức Phật đều đáp là không, và Ngài nói lên hai bài Kệ sau đây, nhờ đó mà ông Tu-bạt-đà-la, vị đệ-tử cuối cùng của Đức Phật, chứng đắc được quả-vị A-la-hán:

Chẳng vết-tích gì giữa hư-không,
Bên ngoài Chánh-pháp, không Sa-môn.
Phàm-phu thoả-thích trong chướng-ngại,
Chướng-ngại, Như Lai trải qua xong.
(Kệ số 254.)

Chẳng vết-tích gì giữa hư-lhông,
Bên ngoài Chánh-pháp, không Sa-môn.
Các hành hữu-vi chẳng thường-trụ,
Chư Phật Như-lai ổn-cố xong.
(Kệ số 255.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Tu-bạt-đà-la: tên vị đệ-tử chót của Phật, tiếng Pali là Subhadda

- Rừng Ta-la, xứ Câu-thi-na: rừng cây Ta-la, thân cây cao lớn, cành lá xanh-tươi, trong xứ Câu-thi-na, nơi Đức Phật Thích-ca nhập Niết-bàn ( = mất). Tiếng Pali là cây Sala, xứ Kusinàrà.

- Các sư ngoại-đạo: các giáo-chủ các môn-phái tu khác chống đối với đạo Phật, như nhóm ông Phú-lan-na Ca-diếp (Purana Kassapa, chẳng tin lý-thuyết nghiệp-báo), như nhóm loã-thể Ni-liền-tử ( = nhóm Nigandha, tu khổ-hạnh, chẳng mặc quần-áo), v.v.

- Nhập Niết-bàn: vào cảnh-giới Tịch-diệt. Trong Phật-học, chữ Nhập Niết-bàn dùng để chỉ khi các bực Thánh lià thân-xác nầy (tức là chết đi), được tin là vào cõi vắng-lặng, an-nhiên, tự-tại của Niết-bàn.

- Hư-không: khoảng trống-không bao-trùm tất cả vạn-vật, vũ-trụ. Vì chẳng có bờ-bến, vì chẳng có hình-sắc, nên gọi là hư, tức là chẳng phải có thật để dùng giác-quan mà biết được, nhưng thật có, vì hư-không thì thường-hằng, tồn-tại mãi.

- Dấu-tích, vết-tích: chỗ còn sót lại.

- Sa-môn = tu-sĩ Phật-giáo. Xin nhắc lại: Sa-môn ( Pali: Samana) có ba nghĩa: (1) cần-giả ( = siêng làm điều thiện), (2) tức-giả ( = ngưng dứt làm việc ác), (3) bần-giả ( = cam chịu sự nghèo khó để tu-hành); ở đây chữ Sa-môn có thêm một nghĩa nữa là bực Thánh, đã diệt hết các phiền-não, chẳng còn tái-sanh nữa.

- Chánh-pháp của Như-Lai = giáo-pháp do các Đức Phật đã chỉ-dạy. Như-lai ( Tathàgata ) chỉ pháp-thân của Phật.

- Chướng-ngại: điều ngăn-trở. Ở đây chữ chướng-ngại trỏ vào các lậu-hoặc, phiền-não, như tham-ái, sân-si, ngã-mạn, v.v.

- Hữu-vi: Hữu = có; Vi = làm, tạo-tác ra. Sự-vật hữu-vi là những sự-vật do sự tạo-tác ra mà có, vì thế bị điều-kiện-hoá, nghĩa là do một nguyên-nhơn nào đó mà sanh ra, rồi cũng bị một nguyên-nhơn nào đó làm cho tiêu-diệt đi. Sự-vật hữu-vi, còn gọi là các hành hữu-vi (hành, tiếng Pali là sankhàra) ngày nay ta gọi là các sự-vật bị điều-kiện-hoá, nghĩa là chẳng phải tự-nhiên mà có, mà do nhơn-duyên mà thành, rồi cũng do nhơn-duyên mà diệt đi mất.

- Thường-hằng: thường còn mãi-mãi; trái với chơn-lý vô-thường, theo đó, muôn vật có hình-tướng đều thay đổi, biến-dạng, tiêu-mòn rồi diệt đi, chớ chẳng còn mãi được. Vô-thường, Pali gọi là Anicca.

- Thường-trụ: Thường = luôn luôn, trụ = ở yên mãi một chỗ, chẳng mất. Cùng nghĩa với: thường-hằng, thường-trú, thường-còn.

- Ổn-cố: Ổn = yên-ổn; Cố = cố- =định; Ổn-cố là làm cho yên-ổn, cố-định, chẳng phải thay-đổi, biến-hoại nữa.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện lâm-ly thuật lại việc Đức Phật vào giờ phút chót trước khi lià đời còn thâu-nhận đệ-tử và chỉ-dạy giáo-lý.

Ông Tu-bạt-đà-la, tin theo ngoại-đạo, đến thưa hỏi Đức Phật ba câu hỏi về Giáo-pháp: (1) Giữa hư-không, có vết-tích gì không? Có lẽ ông muốn biết, ngoài hư-không còn có một cảnh-giới nào khác hơn là các cõi Người và các bực Thánh nữa không?; (2)Bên ngoài Chánh-pháp có Sa-môn không? Có lẽ ông muốn biết, ngoài các vị được chứng-đắc theo Giáo-pháp của các Đức Phật, còn có kẻ nào tu theo ngoại-đạo được thành bực Thánh không?; (3) Các sự-vật hữu-vi có thường-hằng mãi không? Có lẽ ông muốn biết tấm thân năm-uẩn hữu-vi hữu-lậu nầy, có được thường-còn mãi không?

Trong Kinh Pháp-Cú nầy, Đức Phật trả lời rất vắn-tắt là "Không"; nhưng khi thuật lại việc thưa-hỏi của ông Tu-bạt-đà-la, trong Kinh Đại-Niết-bàn (Đại-bản), phẩm 40, Đức Phật giải-đáp rất cặn-kẽ, nhứt là về cái "Không" và trong Kinh Đại-Niết-Bàn (Tiểu-bản), phẩm 15, kể ra đầy-đủ các bực Thánh, hiền tu theo Bát-chánh-đạo, trong Tứ-diệu-đế.

[ Vì vấn-đề nầy rất thâm-sâu, Thiện-Nhựt xin thưa thêm ba đìều:

(1) Muốn quán-sát về Không, về Hư-không, phải biết nhìn vào thực-tướng ( = tướng thật-sự) của muôn pháp. Thực-tướng nầy là tướng diệt của muôn pháp hữu-vi; thí-dụ, ngọn đèn dầu đang cháy, hết dầu, lửa tắt, thì lửa đi về đâu? Nhìn lửa, trước thì cháy, nay tắt mất đi, đó là tướng diệt, đó là thực-tướng. Hư-không cũng thế, ở cùng khắp nơi, mà ta chưa biết rõ chỗ nào xác-định. Cái Không chính là đó. Vì Hư-không chưa xác-định, làm sao biết có vết-tích gì ở đó cho được.

(2) Trong Tứ-diệu-Đế, chơn-lý thứ tư là Đạo-đế, chỉ rõ con đường thánh-đạo, gồm có tám ngành: Chánh-kiến, Chánh-tư-duy, Chánh-ngữ, Chánh-mạng, Chánh-nghiệp, Chánh tinh-tấn, Chánh-niệm và Chánh-định. Ai theo con đường nầy mà tu-tập, lần-lượt chứng đắc các quả-vị: (a) Tu-đà-huờn, (b) Tư-đà-hàm, (c ) A-na-hàm, là ba quả-vị hiền, còn phải tái-sanh, và (d) A-la-hán là quả-vị Thánh, thoát khỏi Luân-hồi. Các vị tu-hành chứng-đắc đó, theo Tích chuyện nầy gọi là Sa-môn. Xét qua sáu phái ngoại-đạo vào thời ông Tu-bạt-đà-la, chẳng có giáo-lý của phái nào có được con đường Thánh-đạo như trong Phật-giáo, vì thế Đức Phật mới bảo: "Ngoài Chánh-pháp của các Đức Phật, chẳng có Sa-môn."

(3)) Chữ Pali Sankhàrà, nghĩa vừa rộng, vừa chẳng được xác-định rõ, thường được dịch tiếng Hán-Việt là Hành.

Nghĩa rộng của chữ Sankhàrà, Hành, là sự kết-hợp và biến-chuyển của một sự-vật gồm có hai phần, phần có hình-sắc và phần vô-hình. Vì là sự kết-hợp và đang biến-chuyển, nên sự-vật ấy được gọi là sự-vật hữu-vi, do các nhơn-duyên trong quá-khứ và hiện-tại mà thành, rồi lại biến-chuyển theo các điều-kiện của các nhơn-duyên hiện-tại và tương-lai mà thay-đổi, hao-mòn rồi biến-diệt mất. Như thế, nghĩa rộng của chữ Sankhàrà, Hành, là tất cả sự-vật trong thế-giới hiện-tượng, thấy được tạo-tác ra, có sự biến-chuyển từ bên trong rồi thay-đổi và diệt mất theo các điều-kiện gọi là các nhơn-duyên. Hữu-vi chính là tánh-cách kết-hợp tạm-thời đó, vì thế nên chẳng thể nào thường-hằng được.

Trong số các nghĩa chẳng xác-định rõ, chữ Sankhàrà, Hành, lại riêng chỉ đến các hiện-tượng tâm-linh, vô-hình nhưng có tướng, nhận thấy rõ trong tâm. Các hiện-tượng tâm-linh đó kết-hợp lại tạm-thời, được gọi là hành-uẩn, thường được giải-thích, một cách vắn-tắt, là các hành-động, lộ ra bên ngoài bằng lời nói hay việc làm. Nhưng các hiện-tượng trong hành-uẩn thường là những ý-tưởng đang biến-chuyển, di-động, nên các dịch-giả Tây-phương thường gọi hành-uẩn mental formations ( = những sự kết-thành của phần tâm-linh đang biến-chuyển). Vì hành-uẩn uẩn thứ tư trong ngũ-uẩn, nên một nghĩa nữa của chữ Sankhàrà, Hành, lại chỉ đến thân-tâm ngũ-uẩn đang tạm-thời hiện có đây, nhưng rồi sẽ tan-rả mà trở về Không. (Đấy là điều căn-bản trong Tâm-kinh mà Bồ-tát Quán-tự-tại nói rõ, khi Ngài chuyển pháp Bát-nhã Ba-la-mật, soi thấy thực-tướng của thân-tâm ngũ-uẩn Không, nên mới vượt qua mọi khổ-nạn được.)

Để tóm-tắt, Thiện-Nhựt xin nhắc lại về ba câu hỏi của ông Tu-bạt-đà-la: (1) về Hư-không, đó tướng diệt của muôn sự-vật, chẳng còn vết-tích gì, nên mới gọi là Không; (2) chẳng hề có bực Sa-môn, hay Thánh-hiền nào cả, trong giới ngoại-đạo, vì họ chẳng biết theo con đường thánh Bát-Chánh-đạo; (3) trong các hành hữu-vi, tức là các hiện-tượng bị điều-kiện-hoá, thân-tâm ngũ-uẩn nầy là vô-thường.

Kính xin người đọc vui lòng chỉ dạy thêm cho Thiện-Nhựt.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 254 và 255:

Đây là hai bài Kệ rất khó, hai câu khởi đầu giống nhau, hai câu chót của mỗi bài đưa đến hai kết-luận khác nhau:

1) Chẳng vết-tích gì giữa hư-không: những sự-vật có hình-tướng, khi tiêu-diệt, trở về với thực-tướng ( =tướng chơn-thật) thì nằm trong Hư-không, chẳng để lại dấu-vết chi. Nhưng nên hiểu ngầm thêm, là bên trong cái Không đã có sẵn cái Có, chỉ chờ hội đủ mọi nhơn-duyên để lại hiện lên.

2) Bên ngoài Chánh-pháp, chẳng Sa-môn: chẳng ai chứng được bực Thánh, gọi là Sa-môn, mà chẳng tu theo Bát-chánh-đạo trong Chánh-pháp của các Đức Phật cả. Nên hiểu ngầm thêm, giáo-lý của bất cứ phái-tu nào thiếu Bát-Chánh-đạo, thì đó là tà-đạo, chớ tin theo.

3) Phàm-phu thoả-thích trong chướng-ngại; Chướng-ngại Như-lai trải qua xong: Chướng-ngại đây là các phiền-não, lậu-hoặc như tham, sân, si, mạn, nghi, ác-kiến, phàm-phu chẳng biết sự độc-hại, nên thoả-thích trong đó; còn các Đức Như-lai đã dứt trừ chúng xong.

4) Các hành hữu-vi chẳng thường-trụ, Chư Phật Như-Lai ổn-cố xong: Các hành hữu-vi, đây, trỏ vào năm uẩn của thân-tâm. Phàm-phu chẳng biết, cho đó là thường còn; còn chư Phật Như-lai, dùng Trí-huệ Bát-nhã quán-chiếu thấy thân-tâm năm uẩn thấy vừa rỗng-rang, lại vừa giả-tạm, nên đạt đến giác-ngộ và giải-thoát, được tự-tại trong cảnh an-nhiên, tịch-diệt, đó tức là các bực Đại-giác đã ổn-cố xong.

-ooOoo-

XIX.- Phẩm PHÁP-TRU.

(194).- Tích chuyện các vị thẩm-phán.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến các vị thẩm-phán xét-xử chẳng đúng theo luật-pháp.

Một hôm, có các vị tỳ-kheo đi khất-thực xong, trở về tịnh-xá, gặp cơn mưa to, mớí đến tạm trú ngoài hàng hiên của một toà-án. Trong khi đó, bên trong phòng án, các vị thẩm-phán đang phân-xử các vụ kiện. Các vị tỳ-kheo nhận thấy rằng, khi phán-quyết, có vị thẩm-phán lại định-đoạt một cách chuyên-chế, xử chẳng công-bằng, vì đã trót nhận tiền hối-lộ của những người kiện-tụng. Khi ra về đến tịnh-xá, các vị tỳ-kheo thưa trình cùng Đức Phật những điều đã nghe thấy tại toà-án. Đức Phật bảo: "Nầy chư tỳ-kheo, khi phân-xử các mối tranh-chấp, nếu để cho tình-cảm hay tiền-bạc lôi-cuốn, thì đó chẳng phải là những vị thẩm-phán công-minh chánh-trực, chẳng phải là người tuân-phục vào luật-lệ. Chỉ khi nào xét-xử vô-tư, dùng trí thông-minh quyết-đoán đúng theo luật-lệ, bấy giờ mới xứng danh là một vị thẩm-phán công-bằng, an-trú nơi luật-pháp."

Rồi Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây:

Chẳng phải là người an-trụ pháp,
Kẻ nào chuyên-chế phán-xét ai.
Chánh-tà, đen-trắng, cả hai,
Xử-phân rành-rẽ, người tài-trí cao.
(Kệ số 256.)

Chẳng chuyên-chế, thật công-bằng
Đúng theo luật-pháp dẫn đường dân đen.
Hộ-trì sáng-suốt nền luật-pháp,
Đấy mới xứng-danh bực Pháp-trụ.
(Kệ số 257.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Pháp-Trụ: Pháp = có hai nghĩa: luật-pháp và giáo-pháp; Trụ = ở yên nơi đó. Người trụ-pháp luôn tuân-phục luật-pháp và giáo-pháp.

- Thẩm-phán: quan Toà, người phân-xử các sự tranh-chấp.

- Toà-án: nơi xét-xử các cuộc tranh-chấp, ấn-định hình-phạt.

- Phán-quyết = quyết-định về phải, quấy, của quan Toà.

- Chuyên-chế: Chuyên = nghiêng riêng về một phía; Chế = bó-buộc. Người chuyên-chế bắt kẻ khác phải theo ý riêng của mình.

- Kiện-tụng = tranh-cãi nhau phải nhờ Toà-án phân-xử.

- Công-minh chánh-trực: Công = ngay-thẳng; Minh = sáng-suốt; Chánh = chơn-chánh, đứng-đắn; Trực = thẳng. Quan Toà công-minh chánh-trực thì xử-đoán công-bằng, phải quấy, chánh tà thật rõ-ràng.

- Vô-tư: Vô = chẳng; Tư = riêng, thiên-vị. Người vô-tư là người công-bình, chẳng riêng vị bụng người nào mà bẻ vẹo công-lý.

- An-trụ pháp: có hai nghĩa: (1) lúc nào cũng giữ đúng theo luật-pháp trong xã-hội; (2) luôn tuân theo đầy-đủ các giới-luật trong Đạo.

- Hộ-trì: Hộ = bảo-vệ; Trì = giữ-gìn. Hộ-trì luật-pháp là giữ cho nền luật-pháp được sáng-tỏ và được mọi người biết tuân-theo.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất đơn-sơ: một nhóm tỳ-kheo nhận-xét cách xét-xử thiếu công-bằng của thẩm-phán nơi toà-án, mớí thưa trình cùng Đức Phật. Đức Phật nhơn đó mới chỉ dạy thế nào là người trụ-pháp. Đức Phật bảo: "Người có nhiệm-vụ phân-xử phải thật công-bằng, chớ nên vì tình-cảm hay vì tiền bạc mà xét đoán thiếu vô-tư. Bực pháp-trụ là người xét-xử đúng theo luật-pháp, chẳng chút nào thiên-vị."

Ý-nghĩa của Tích chuyện là ngoài việc tuân-hành các luật-lệ trong xã-hội, còn có việc tuân-phục các giới-luật trong Đạo, các lời chỉ-dạy trong Chánh-pháp nữa. Kẻ tuân theo đầy-đủ, giới-đức thanh-tịnh, mới được gọi là bực pháp-trụ.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 256 và 257:

Cả hai bài Kệ, ý-nghĩa rất sáng-tỏ rõ-ràng, nói đến những bực tuân-trì luật-pháp trong xã-hội, để phân-xử các mối tranh-chấp của người dân. Đấy là những người xét-xử vô-tư, chẳng thiên-vị, xứng-đáng với danh-nghĩa là bực Pháp-trụ.

(195).- Tích chuyện sáu vị tỳ-kheo ba-hoa.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến thái-độ ăn nói ba-hoa của sáu vị tỳ-kheo.

Thuở ấy, có sáu vị tỳ-kheo thường hay gây nên sự xáo-trộn nơi phòng ăn trong tu-viện hay ở làng-mạc. Một hôm, trong khi các vị Sa-di đang thọ-thực, nhóm sáu vị tỳ-kheo đó bước vào trai-đường, nói vang lên: "Nầy các chú Sa-di, các chú phải biết chúng ta đây là bực hiền-trí." Rồi họ lại đẩy bàn, kéo ghế, tranh nhau chỗ ngồi cao, làm mất cả trật-tự và sự yên-lặng nơi phòng ăn. Khi Đức Phật biết được sự-việc ấy, Ngài bảo rằng: ‘Nầy chư tỳ-kheo, Như-Lai chẳng gọi là bực hiền-trí, những kẻ hay ăn nói ba-hoa, chẳng nể-nang kẻ khác, làm mất lòng người chung-quanh. Chỉ những người chẳng đem lòng thù-hận kẻ khác, chẳng hại người, mới xứng-danh là bực hiền-trí."

Rồi Đức Phật mơí nói lên bài Kệ sau đây:

Chẳng phải trở thành người hiền-trí,
Kẻ đã lắm lời nói ba-hoa.
Chẳng thù, chẳng sợ, an-hoà,
Bực hiền-trí đó mới là xứng-danh.
(Kệ số 258.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Ba-hoa: ăn nói xấc-xược, lia lia cái miệng chẳng ngừng.

- Sa-di: người mới vào tập-sự tu-hành trong chùa, chưa thọ-giới tỳ-kheo; tiếng Pali là Sàmanera.

- Thọ-thực: Thọ = nhận; Thực = ăn. Tiếng nhà chùa nghĩa là ăn cơm

- Trai-đường: Trai = bữa ăn chay: Đường: nhà. Trai-đường là phòng ăn trong chùa.

- Hiền-trí: Hiền = hiền-lành; Trí = trí-huệ. Hiền-trí là người hiền-lành, có trí thông-minh; theo nghĩa trong Phật-học, đó là người có giới-đức thanh-tịnh, thông-hiểu Chánh-pháp, còn gọi là thiện-tri-thức.

- Như-Lai: tiếng Đức Phật tự-xưng khi nói với đệ-tử. Pali là Tathàgata. (Như = như thế, Lai = đến; bực đã đến đây như thế)

- An-hoà: An = an-ổn; Hoà = hoà-thuận. Người an-hoà sống yên-ổn, hiền-lành, chẳng gây sự chống-đối với kẻ khác.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại thái-độ ba-hoa của sáu vị tỳ-kheo gây xáo-trộn trong phòng ăn. Đức Phật dạy, muốn xứng-danh là bực hiền-trí, phải là người chẳng thù-hận, an-hoà, chẳng làm hại đến kẻ khác.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 258:

Bài Kệ chê thái-độ ba-hoa của kẻ lắm lời và nêu ra ba đức-tánh tốt của bực hiền-trí: chẳng hận-thù, chẳng sợ-hãi và sống an-hoà với mọi người.

(196).- Tích chuyện Trưởng-lão Nhứt-Kệ-tụng.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một vị Trưởng-lão chỉ thuộc lòng có mỗi một bài Kệ, nên được biệt-hiệu là tỳ-kheo Nhứt-Kệ-tụng.

Thuở ấy, có một vị Tỳ-kheo sống ẩn-cư trong một khu rừng ở xứ Xá-vệ. Vào ngày rằm, vị ấy thường đọc-tụng bài Kệ duy-nhứt mà vị ấy thuộc, cho dân-chúng nghe. Hôm ấy, có hai vị Trưởng-lão rất thông-thạo Chánh-pháp, dẫn một nhóm đông tỳ-kheo vào rừng, để thực-tập Thiền-định. Tỳ-kheo Nhứt-Kệ-tụng mới thỉnh hai vị ấy đăng-đàn thuyết-pháp. Hai vị hỏi, có nhiều người đến nghe chăng; vị tỳ-kheo ẩn-cư đáp, dân-chúng đến nghe cũng khá đông, mà các vị thọ-thần trong khu rừng cũng nhiệt-liệt tán-thưởng nữa. Hai vị liền nhận lời nói pháp. Sau thời pháp, dân-chúng ngồi nghe, giữ im-lặng, còn các thọ-thần trong rừng cũng chẳng thấy tán-thán như thường-lệ. Hai vị Trưởng-lão rất ngạc-nhiên, và mời tỳ-kheo Nhứt-Kệ-tụng thử lên nói pháp xem sao. Vị tỳ-kheo vâng lời, lấy cây quạt che mặt lại và tụng-đọc bài Kệ quen thuộc rồi giảng nghĩa rành-rẽ. Dân-chúng tỏ vẽ rất hài lòng, các thọ-thần cũng tán-thưởng nhiệt-liệt.

Khi trở về tịnh-xá, các vị tỳ-kheo mới thưa trình sự-việc cùng Đức Phật: "Bạch Thế-tôn, dân-chúng và các thọ-thần trong rừng đã tỏ ra thiên-vị trong việc tán-thán Tỳ-kheo Nhứt-kệ-tụng, mà họ chẳng biết khen-tặng hai vị Trưởng-lão của chúng con là những người rất thông-thạo Chánh-pháp." Đức Phật đáp: ‘Nầy chư tỳ-kheo, Như-Lai chẳng gọi là thông-thạo Chánh-pháp, kẻ nào đã học nhiều và nói lắm về Chánh-pháp. Người thông-thạo Chánh-pháp, mặc dầu chỉ thuộc một bài Kệ duy-nhứt, nhưng thấu-hiểu tường-tận về Tứ-Diệu-đế, luôn luôn tỉnh-thức, đó mới là người trì-pháp thật cao."

Rồi Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

Chẳng phải trở thành người trì-pháp,
Kẻ đã lắm lời nói ba-hoa.
Tuy nghe ít nhưng mà trực-chứng,
Chẳng lảng-xao Giáo-pháp chút nào,
Đấy là người trì-pháp thật cao.
(Kệ số 259.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Nhứt-Kệ-tụng: biệt-hiệu nầy, tiếng Pali là Ekudàna (Eka = một; Udàna = bài Kệ nói lên cảm-hứng của Đức Phật, trong Tiểu-Bộ-Kinh)

- Ẩn-cư = ở ẩn, sống riêng một mình nơi vắng-vẻ.

- Duy-nhứt: chỉ riêng có một mà thôi.(Nhứt = một.)

- Thực-tập Thiền-định = tập-luyện việc ngồi Thiền, nhập định.

- Đăng-đàn: Đăng = leo lên; Đàn = cái đài cao để làm lễ, hay để nói chuyện với công-chúng. Đăng-đàn là bước lên đài để nói pháp.

- Thọ-thần: Thọ = cây to sống lâu năm; Thần = thần-linh. Thọ-thần là thần-linh sống dựa trên cây cổ-thọ.

- Tán-thán, tán-thưởng = khen-ngợi.

- Hài-lòng = vui lòng, mừng-rỡ.

- Thiên-vị = Thiên = nghiêng qua một bên; Vị = vì-nể. Thiên-vị là thiếu sự công-bằng, trọng người nầy hơn người kia.

- Tứ-Diệu-Đế: Tứ =bốn; Diệu = nhiệm-mầu; Đế = Chơn-lý. Bốn Chơn-lý nhiệm-mầu: (1)Khổ-đế, đời là khổ; (2) Tập-đế, nguyên-nhơn của Khổ là tham-ái; (3) Diệt-đế, sự chấm-dứt Khổ, tức là Niết-bàn; ...

(4) Đạo-đế, con đường Thánh-đạo đưa ta ra khỏi cảnh khổ của cuộc tái-sanh trong Luân-hồi. Con đường đó là Bát-Chánh-đạo.

- Tỉnh-thức: Tỉnh = tỉnh-táo, chẳng mê; Thức = biết rõ. Người tỉnh-thức là người luôn luôn chú-tâm, đang làm, nói, nghĩ gì, thì trong tâm biết rõ mình đang làm, nói, nghĩ về điều đó, và chỉ điều đó mà thôi.

- Trì-pháp: Trì = giữ-gìn, hộ-trì; Pháp = Chánh-pháp. Trì-pháp đây cùng một nghĩa với chữ Pháp-trụ, an-trụ nơi Chánh-pháp.

- Trực-chứng: Trực = thẳng, chẳng qua trung-gian của ai hay vật gì; Chứng = chính mình thấy, nghe và biết rõ, chớ chẳng phải chỉ nghe kẻ khác nói rồi tin theo.

- Giáo-pháp = giáo-lý, Chánh-pháp, lời giảng-dạy trong Đạo.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc một vị tỳ-kheo chỉ học thuộc có một bài Kệ duy-nhứt, nhưng rất thông-thạo Chánh-pháp, nên được Đức Phật khen là người biết trì-pháp.

Ý-nghĩa của Tích chuyện là: về Chánh-pháp, chỉ cần hiểu thật thấu đáo nghĩa Tứ-diệu-đế, lòng luôn luôn tỉnh-thức, đó mới thật là người đang trụ-pháp.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 259:

Thử phân-tách từng câu bài Kệ:

1) Chẳng phải trở thành người trì-pháp, Kẻ đã lắm lời nói ba-hoa: Mặc dầu thông-hiểu Chánh-pháp, nếu nói quá nhiều, để tỏ ra mình hiểu rõ giáo-lý; đó chẳng phải là người trì-pháp mà là người khoe-khoang sự hiểu-biết.

2) Tuy nghe ít nhưng mà trực-chứng: nghe ít mà hiểu thấu-đáo, chính mình nhận thấy được sự tu-hành có hiệu-quả tốt đến bổn-thân mình, đó gọi là trực-chứng, tu mà biết mình đang tu thật-sự.

3) Chẳng lảng-xao Giáo-pháp chút nào: tâm luôn luôn nhớ đến Chánh-pháp, biết giữ thân, miệng, ý theo đúng giới-luật, đó mới thật là trì-pháp, giữ-gìn pháp mãi trong tâm.

4) Đấy là người trì-pháp thật cao: Cao, vì chẳng có lúc nào sơ-hở hay quên Chánh-pháp cả.

(197).- Tích chuyện Trưởng-lão Phát-di-gia

Tích Chuyện nầy hơi giống Tích chuyện số (65).

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị Trưởng-lão Phát-di-gia.

Thuở ấy, có Trưởng-lão Phát-di-gia tu-hành rất tinh-tấn, chứng-đắc được quả-vị A-la-hán. Vì Trưởng-lão người thấp-lùn, nên thường bị các tỳ-kheo trẻ tuổi gán cho biệt-hiệu là Lakundaka, có nghĩa là người lùn-tịt. Một hôm có ba mươi vị tỳ-kheo ở phương xa đến yết-kiến Đức Phật. Đức Phật quán-thấy đã đủ cơ-duyên cho các vị ấy chứng-đắc được đạo-quả, nên khi họ vừa ngồi xuống bên cạnh, Đức Phật liền hỏi: "Nầy chư tỳ-kheo, khi quí-vị bước vào đại-sảnh, quí-vị có thấy một vị Trưởng-lão nào chăng?" Các vị tỳ-kheo thưa: "Bạch Thế-tôn, khi bước vào đại-sảnh, chúng con chẳng thấy có vị Trưởng-lão nào cả, chỉ thấy một chú Sa-di thấp-lùn mà thôi." Đức Phật bảo: "Nầy chư Tỳ-kheo, vị đó chẳng phải là Sa-di, tuy người thấp-lùn và rất khiêm-tốn, nhưng tu-hành thật tinh-tấn, chứng-đắc quả-vị A-la-hán rồi. Như-Lai chẳng gọi là Trưởng-lão, những ai vì đầu bạc, đạo-mạo trông như một Trưởng-lão; chỉ bực nào thông-suốt Tứ-Diệu-Đế, chẳng hề sanh tâm làm não-hại đến chúng-sanh, Như-Lai mới gọi đó là bực Trưởng-lão".

Rồi Đức Phật nói lên hai bài Kệ sau đây, nhờ đó mà các vị tỳ-kheo du-phương chứng được quả-vị A-la-hán:

Đâu thành vị tăng Trưởng-Lão,
Chỉ nhờ nay đã bạc đầu.
Dầu cho tuổi hạc đã cao,
Chỉ đáng sắp vào hàng Lão-ngu-tăng.
(Kệ số 260.)

Ai thông Chơn-lý Tứ-Diệu-Đế,
Sống theo chánh-hạnh, chẳng hại người
Các căn điều-phục, biết tự-chế,
Lậu-hoặc dứt, trí-huệ sáng ngời,
Mới xứng-danh là bực Trưởng-lão.
(Kệ số 261.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Phát-di-gia: tên của vị Trưởng-lão nầy, tiếng Pali là Bhaddiya.

- Tính-tấn: Tinh = tinh-tuý, đẹp-đẽ, trong-sạch; Tấn = tấn-bộ, đi tới. Tu-hành tinh-tấn là tu-hành có tấn-bộ, ngày càng tốt-đẹp hơn.

- A-la-hán: quả-vị thứ tư, cao nhứt, vào hàng Thánh, dứt hết các phiền-não, lìa mọi tham-muốn, khỏi phải tái-sanh trong vòng Luân-hồi nữa. Tiếng Pali là Arahant con người tự-tại.

- Biệt-hiệu: Biệt = riêng; Hiệu = tên đặt thêm, gán cho ai, hay tự-gán cho mình.

- Lakundaka = lùn-tịt, lùn-xịt; đọc theo giọng Việt: La-cun-đa-ca.

- Quán-thấy: nhìn thấy rõ trong tâm, bằng con mắt-tâm.

- Cơ-duyên: Cơ =cơ-hội; Duyên = duyên may. Có đủ dịp may.

- Đạo-quả: Trong việc tu-hành, biết rõ con đường tu-hành, công-việc phải làm như thế nào, đó là chứng Đạo; khi tu-tập thuần-thục, có kết-quả tốt đến bổn-thân, tánh-tình, tâm-trí mình, đó là chứng Quả. Tiếng Pali: Đạo = Magga; - Quả = Phala.

- Đại-sảnh: Đại = lớn; Sảnh = phòng. Đại-sảnh là phòng khách.

- Trưởng-lão: Trưởng = lớn tuổi; Lão = già. Ở đây chữ Trưởng-lão được dùng để tạm-dịch chữ Pali Thera, bực tu lâu năm, đã chứng-đắc đạo-quả; thường là bực A-la-hán. Phái-nữ là Theri, Nữ-trưởng-lão.

- Sa-di: người mới vào chùa, tập-sự tu, chưa thọ giới tỳ-kheo. Tiếng Pali là Sàmanera. Phía phụ-nữ là Sa-di-ni.

- Khiêm-tốn: khiêm-nhường, nhũn-nhặn, chẳng hề phách-lối.

- Đạo-mạo: Đạo = đạo-đức; Mạo = dung-mạo, hình-dáng. Người đạo-mạo là người có hình-dung bên ngoài trang-nghiêm, đạo-đức.

- Tứ-Diệu-Đế = bốn Chơn-lý nhiệm mầu, trong Đạo Phật. Đó là: Khổ-đế, Tập-đế, Diệt-đế Đạo-đế. Xin xem lại bài trước, trang 581.

- Não-hại: Não = gây ra phiền-não; Hại = gây ra tai-hại.

- Chúng-sanh: Chúng = số đông; Sanh = có mạng sống. Chữ chúng-sanh chỉ tất cả sanh-vật, có mạng sống, như Trời, thần-linh, người, thú-vật, những kẻ còn trôi lăn trong vòng sanh-tử Luân-hồi. Trong Phật-học, chúng-sanh đối nghĩa với Thánh-hiền, bực giải-thoát.

- Du-phương: Du = đi đó đây; Phương = phương-hướng. Các vị tỳ-kheo du-phương đi đó đi đây, để tìm học thêm ở các vị tu-hành khác.

- Tăng: nam-tu-sĩ Phật-giáo, chữ Phạn Sangha, đọc là Tăng-già.

- Tuổi hạc = tuổi sống lâu như con chim hạc già.

- Lão-ngu-tăng: tiếng khinh-khi những kẻ già đời tu-hành mà chẳng biết đạo-pháp, chẳng chút trí-huệ, dốt-nát về kinh-kệ.

- Chánh-hạnh: Chánh = chơn-chánh, đứng-đắn; Hạnh = tánh-hạnh.

- Các căn điều-phục: Có sáu căn là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Điều-phục là kềm-chế, giữ cho đàng-hoàng. Điều-phục các căn là giữ-gìn các giác-quan, chẳng ham chạy theo các thú-vui của cảnh vật bên ngoài, chẳng để cho ý bên trong dắt tâm đi lang-thang, mất cả sự chú-tâm. Đó còn gọi là tự-chế, tự mình kềm-chế lấy mình.

- Lậu-hoặc: Lậu = rỉ chảy ra; Hoặc = điều sái-quấy. Chữ Lâu-hoặc trong Phật-học, chỉ các phiền-não tham, sân, si, mạn, nghi, ác-kiến, chợt nổi lên trong tâm, rỉ chảy ra, bộc-lộ ra bằng lời nói thô-cọc hay bằng hành-động xấu-ác, để mình bị ràng-buộc.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc các vị tỳ-kheo du-phương lầm nhận Trưởng-lão Phát-di-gia là một chú Sa-di, vì dáng-vóc thấp-lùn của Trưởng-lão. Đức Phật cho biết Trưởng-lão đã chứng được quả-vị cao nhứt là A-la-hán, dứt sạch các phiền-não, sống khiêm-tốn, chẳng hề làm tổn-não ai. Nhơn đây, Đức Phật nêu rõ vài đức-tánh của môt bực Trưởng-lão: thông-suốt Tứ-Diệu-Đế, từ-bi đối với mọi chúng-sanh.

(2) Ý-nghĩa hai bài Kệ số 260 và 261:

Bài Kệ số 260 nói đến các vị tu-hành lâu năm, tuổi đã cao mà trí-huệ vẫn chưa phát-triển, được Đức Phật xếp vào hàng Lão-ngu-tăng.

Bài Kệ số 261 nêu rõ các đức-tánh của một vị Trưởng-lão:

- (1) thông-suốt bốn Chơn-lý Nhiệm-mầu, biết đời là khổ, biết khổ do tham-ái mà ra; biết sự diệt khổ trong cảnh-giới Niết-bàn và biết con đường thánh-đạo (Bát-Chánh-đạo) đưa đến sự diệt-khổ;

- (2) sống theo giới-hạnh;

- (3) chẳng não-hại chúng-sanh;

- (4) tự-chế để điều-phục các căn;

- (5) dứt-trừ hết mọi lậu-hoặc;

- và (6) nhứt là trí-huệ sáng ngời trong sự giác-ngộ và giải-thoát.

(198).- Tích chuyện các tỳ-kheo ganh-tị.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến các vị tỳ-kheo hay ganh-tị.

Thuở ấy ở chùa Kỳ-viên, có thông-lệ là các vị Sa-di trẻ tuổi thường phục-vụ, hầu-hạ các vị Trưởng-lão là thầy dạy Đạo cho họ. Họ làm những việc lặt-vặt để giúp cho thầy, như rửa bát, giặt quần-áo, sắp-xếp giường chiếu, v.v. Có một nhóm tỳ kheo trung-niên thấy thế, sanh lòng ganh-tị, cũng muốn được hầu-hạ, bàn tính cùng nhau, đến trình với Đức Phật, xin hãy bảo các Sa-di đến học-hỏi kinh-nghiệm tu-tập và Giáo-lý nơi họ, vì họ cũng có tài hùng-biện, thông-suốt về giáo-pháp, diễn-giảng rất giỏi. Đức Phật quán-thấy tâm-địa ích-kỷ của họ, muốn được phục-vụ như các vị Trưởng-lão, nên bác-bỏ đề-nghị ấy. Đức Phật bảo: "Nầy chư tỳ-kheo, Như-lai chẳng gọi là bực hiền-thiện, kẻ nào tự cho mình có tài hùng-biện, thuyết-pháp giỏi. Chỉ những ai đã diệt sạch được lòng ganh-tị, bụng ích-kỷ, chứng được đạo-quả A-la-hán, Như-Lai mới gọi đó là các bực hiền-thiện."

Rồi Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây:

Nào phải do tài hùng-biện,
Chẳng vì đẹp-đẽ sắc-diện,
Mà thành được người hiền-thiện,
Nếu tâm còn ganh, ích-kỷ, kiêu-căng.
(Kệ số 262.)

Ai là người cắt được tâm ấy,
Góc rễ đào lên đem diệt hết,
Trí-huệ sáng ngời trừ sân-hận,
Mới xứng là người hiền-thiện vậy.
(Kệ số 263.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Ganh-tị: ghen-ghét, đòi hơn kẻ khác, cà-nanh.

- Thông-lệ: Thông = thông-thường, thường thấy; Lệ: tục-lệ.

- Phục-vụ: Phục = làm tròn; Vụ = công-việc. Phục-vụ là hầu-hạ.

- Thầy dạy Đạo = tiếng trong chùa gọi là thầy bổn-sư, vị thầy dạy đạo-lý tu-hành cho mình. (Bổn = gốc, Sư = thầy; vị thầy gốc của mình.)

- Trung-niên: Trung = giữa, Niên = năm, tuổi. Trung-niên là tuổi vào khoảng bốn, năm mươi.

- Sa-di: Xin nhắc lại: người mới tập-sự tu, chưa thọ-giới tỳ-kheo, trong chùa thường gọi là chú tiểu. Tiếng Pali là Sàmanera.

- Hùng-biện: Hùng = hùng-hồn; Biện = biện-luận. Tài hùng-biện là tài ăn nói khéo, hay, khiến người nghe dễ tin theo.

- Tâm-địa: Tâm = lòng; Điạ = đất. Nghĩa bóng, tâm-địa là tâm-trạng, bụng-dạ thật-sự ra sao; tiếng bình-dân gọi là... đúng tim-đen.

- Ích-kỷ:Ích = có lợi;Kỷ =chính mình. Kẻ ích-kỷ chỉ biết lợi cho mình

- Hiền-thiện: Hiền = hiền-lành, Thiện = lành. Ở đây, chữ Hiền-thiện được dùng để chỉ những người tu-hành cao, tánh hiền-hoà, có trí

- Sắc-diện: Sắc = hình-sắc; Diện = khuôn mặt. Sắc-diện = vẻ mặt.

- Sân-hận: Sân = giận; Hận = hờn, thù. Sân thì giận-dữ, quát-tháo một lúc rồi thôi; còn Hận, hờn, thì căm-tức, để ngầm lâu trong bụng, dai hơn, khó trị tận gốc hơn.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại các tỳ-kheo ganh-tị với các vị Trưởng-lão; họ bàn nhau trình Đức Phật, bảo các Sa-di đến học ở họ, để họ được hầu-hạ như các vị Trưởng-lão. Đức Phật biết rõ tâm-địa ích-kỷ, ganh-tị của họ nên bác-bỏ. Ngài dạy thêm rằng, bực thầy hiền-thiện là người đã dứt-bỏ hẳn sự ganh-ghét và lòng ích-kỷ.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 262 và 263:

Bài Kệ số 262 nêu rõ: tài hùng-biện, vẻ mặt đẹp-đẽ, là bề ngoài; chỉ khi tâm hết ganh-ghét, ích-kỷ, mới làm nên bực hiền-thiện.

Bài Kệ số 263 tiếp theo ý bài Kệ trước, quan-trọng là câu: Gốc-rễ đào lên đem diệt hết. Gốc-rễ của ganh-tị, ích-kỷ là gì? Đó là cái Ta, cái Tự-kỷ, cái Ngã, ở trong tâm, lúc nào cũng muốn Mình hơn kẻ khác. Bỏ dứt hẳn được cái Ta đó, gọi là Vô-ngã, mới là người hiền-thiện. Việc tu-tâm quan-trọng chính là ở đó: dẹp bỏ tận rễ cái Ngã.

(199).- Tích chuyện tỳ-kheo Hạt-tha-ca.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị tỳ-kheo tên là Hạt-tha-ca.

Thuở ấy, có vị tỳ-kheo Hạt-tha-ca thường hay tranh-luận với các du-sĩ ngoại-đạo, nhưng vì đuối lý nên chẳng thắng được họ. Tỳ-kheo Hạt liền hẹn với họ, sẽ gặp nhau lại ở một nơi khác. Đến gần giờ hẹn, ông Hạt liền đến sớm, chưa thấy các du-sĩ tới nơi, mới vênh-váo bảo mọi người là bọn ngoại-đạo đã chịu thua tài biện-luận của mình, nên chẳng đến nơi hẹn. Mánh-lới nầy đến tai Đức Phật. Ngài liền cho gọi tỳ-kheo Hạt-tha-ca đến và bảo: "Nầy tỳ-kheo Hạt-tha-ca, tại sao ông lại có thái-độ giả-dối như thế? Chẳng phải cạo trọc đầu mà có được danh-nghĩa Sa-môn. Kẻ đã dứt trừ xong mọi ác-ý mới là Sa-môn."

Rồi Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây:

Cạo đầu chưa hẳn là Sa-môn,
Nếu hay nói dối, thiếu giới-hạnh,
Tham-dục, luyến-ái vẫn còn mạnh,
Sao được xứng-danh là Sa-môn.
(Kệ số 264.)

Ai khắc-phục, hoàn-toàn lìa bỏ,
Hành-động ác, cả lớn lẫn nhỏ,
Đã vượt qua hết các điều tà,
Mới xứng-danh là bực Sa-môn.
(Kệ số 265.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Hạt-tha-ca: tên vị tỳ-kheo nầy, tiếng Pali là Hatthaka.

- Tranh-luận: cãi nhau về nghĩa-lý. Còn gọi là biện-luận.

- Du-sĩ ngoại-đạo: tu-sĩ đi lang-thang, chẳng theo đạo Phật.

- Đuối lý = thiếu lý-lẽ để tranh hơn với kẻ khác khi cãi nhau.

- Vênh-váo: vẻ phách-lối, tự cho mình là tài-giỏi, nói oang-oang.

- Mánh-lới: mưu-kế gian-xảo.

- Sa-môn: tu-sĩ Phật-giáo; tiếng Pali là Samana. Sa-môn có ba nghĩa:(1) dứt sự ác; (2) siêng việc thiện; (3) cam-chịu nghèo-khó để tu

- Cạo đầu: theo giới-luật nhà Phật, khi bước vào đường tu, phải cạo đầu, cắt hết râu tóc; tiếng Hán là thế-phát (thế =cắt; phát = tóc.)

- Giới-hạnh: Giới = các điều răn-cấm trong Đạo; Hạnh = đức-hạnh.

- Tham-dục: Tham = ham quá chừng; Dục = muốn.

- Luyến-ái: Luyến = mê-luyến, tríu-mến; ái = thương, thích.

- Khắc-phục = thắng được, dẹp bỏ được.

- Điều tà = điều sái-quấy; là xiêng-xéo, chẳng chơn-chánh.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc tỳ-kheo Hạt-tha-ca thường đuối lý khi tranh-luận với các du-sĩ ngoại-đạo. Hạt-tha-ca dùng mánh-lới gian-xảo, hẹn gặp lại họ để cãi tiếp, nhưng lại đến trước giờ hẹn, rồi tuyên-bố láo là họ chịu thua chẳng dám đến. Đức Phật quở thái-độ gian-dối đó của tỳ-kheo Hạt-tha-ca, và dạy rằng: "Cạo đầu chưa phải hẳn là Sa-môn; đó chỉ là bề ngoài; còn bên trong tâm, phải dứt hết mọi ác-ý, gian-xảo, mới xứng-danh là Sa-môn."

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 264 và 265:

Bài Kệ số 264 kể ra những thiếu-sót và lỗi-lầm của một tu-sĩ còn chưa xứng-đáng là một Sa-môn: (1) nói dối, đây là giới cấm thứ tư trong ngũ-giới ( = năm giới của người tu tại-gia); (2) thiếu giới-hạnh, chẳng tuân theo giới-luật; (3) tham-dục, ham muốn điều sái-quấy; (4) luyến-ái, bấu-víu, bám chặt vào các thú-vui.

Xét cho kỹ, các điều thiếu-sót nầy bắt nguồn từ ý-nghĩ quá tôn-trọng cái Ta, muốn mình hơn kẻ khác, tham muốn và bấu-víu vào các thú-vui vật-chất. Một vị Sa-môn xứng với danh-nghĩa, bên trong phải gột rửa dứt sạch cái Ta, cũng như bên ngoài đã cạo hết râu tóc vậy.

Bài Kệ số 265, tiếp-tục ý-nghĩa thanh-tịnh-hoá thân-tâm của bài Kệ trước, khuyên ta nên vượt qua hết mọi điều tà, mới xứng-danh là Sa-môn. Như ba nghĩa căn-bản của chữ Sa-môn đã dạy rõ: (1) cần-giả là siêng làm điều thiện; (2) tức-giả là dứt bỏ hết các điều ác; (3) bần-giả là cam chịu sự nghèo-khó để tu-hành, câu "Hoàn-toàn lìa bỏ các hành-động ác, cả lớn lẫn nhỏ", đó chính là ý-nghĩa thứ hai của chữ Sa-môn.

(200).- Tích chuyện người Ba-la-môn tự nhận là tỳ-kheo.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một người Bà-la-môn đi khất-thực, tự-nhận mình là Tỳ-kheo.

Thuở ấy, có một người thuộc giai-cấp Bà-la-môn thường đi khất-thực. Ông ta nghĩ rằng, mình đi khất-thực cũng như những tu-sĩ Phật-giáo, vậy mình cũng là một tỳ-kheo. Ông đến gặp Đức Phật và nói lên ý ấy. Đức Phật bảo: "Nầy Bà-la-môn, ta chẳng gọi ông là Tỳ-kheo chỉ vì ông đi khất-thực. Kẻ nào còn mang tà-kiến ngoại-đạo trong tâm, chẳng phải là một tỳ-kheo. Tỳ-kheo còn phải luôn luôn quán-chiếu thâm-sâu về Chơn-lý: muôn pháp đều vô-thường, khổ, vô-ngã."

Rồi Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây:

Tỳ-kheo đâu chỉ mang bình-bát
Đi lang-thang khất-thực từng nhà.
Tuân-hành Chánh-pháp cần thông-đạt,
Mới xứng-danh Khất-sĩ Tăng-già.
Chỉ ăn xin, đó là hành-khất.
(Kệ số 266.)

Người vượt lên trên ác cùng thiện,
Phạm-hạnh hoàn-toàn đang thực-hiện,
Bước đường đời, thẩm-sát và suy-tư,
Mới thật xứng danh là bực Tỳ-kheo.
(Kệ số 267.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Bà-la-môn: giai-cấp tu-sĩ trong xã-hội xưa ở Ấn-độ; tiếng Pali là Brahmana.

- Khất-thực: Khất = xin; Thưc = ăn. Theo giới luật nhà Phật, tỳ-kheo chẳng được phép có nghề riêng để sanh-sống, phải hạ mình xuống đi xin ăn (để dẹp lòng tự-ái của cái Ta) và cũng có dịp gặp dân-chúng để giảng-dạy đạo-lý cho họ. Tỳ-kheo còn gọi là Khất-sĩ.

- Tà-kiến: Tà = xiêng-xéo, chẳng chơn-chánh; Kiến = ý-kiến. Tà-kiến có rất nhiều, thường kể ra hai tà-kiến nầy: (1)thường-kiến: tin rằng con người có linh-hồn bất-diệt, dầu có làm tội-ác gì, linh-hồn cũng tái-sanh làm người mãi; (2) đoạn-kiến: tin rằng, chết đi là hết, chẳng còn có gì; chẳng tin theo luật Nhơn-quả, lý Luân-hồi. Các phái ngoại-đạo vào thời Đức Phật thường mắc vào hai tà-kiến đó.

- Quán-chiếu = giữ tâm cho an-ổn rồi suy-nghĩ thật sâu-xa về một đề-tài có liên-quan đến Chơn-lý.

- Chơn-lý = Sự-Thật.

- Vô-thường: Vô = chẳng; Thường = còn mãi. Lẽ vô-thường cho rằng tất cả mọi sự-vật có hình-tướng đều phải biến-đổi rồi tiêu-diệt, chẳng thể nào thuờng còn mãi mãi được.

- Vô-ngã: Vô = chẳng; Ngã = ta. Thuyết Vô-ngã cho rằng muôn sự-vật đều là sự kết-hợp tạm-thời của nhiều yếu-tố khác nhau, chẳng có một linh-hồn, chẳng có một cái Ngã, chẳng có cái chi làm chủ nơi sự-vật ấy cả; hễ nhơn-duyên thôi kết-hợp, sự-vật ấy sẽ tiêu-diệt mất.

- Tăng-già: Giáo-hội Phật-giáo, tiếng Pali là Sangha.

- Hành-khất: Hành = đi; Khất = xin ăn. Xin phân-biệt rõ sự khác nhau và hơn kém nhau giữa hai danh-từ: Khất-sĩ hành-khất. Khất-sĩ là tu-sĩ Phật-giáo, lấy hạnh khất-thực làm giới-luật; còn hành-khất là kẻ ăn-mày, vì thiếu-thốn mà đi xin ăn, chẳng có tu-hành chi cả.

- Phạm-hạnh: Phạm = Phạn, tiếng Pali là Brahma, phiên-âm là Bà-la-môn; Hạnh = đức-hạnh, hạnh-kiểm. Phạm-hạnh đức-hạnh tu-hành của giai-cấp Bà-la-môn; theo nghĩa rộng, là đức-hạnh đáng quí.

- Thẩm-sát: Thẩm = kỹ, rõ; Sát = xét. Thẩm-sát là suy-xét thật rõ.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc một người Bà-la-môn đi khất-thực, tự-nhận mình là tỳ-kheo. Đức Phật bảo, cầm bình-bát đi khất-thực từng nhà, chưa đủ để thành một tỳ-kheo, khi trong tâm còn chứa tà-kiến. Một tỳ-kheo đúng theo danh-nghĩa khất-sĩ, còn phải thông-hiểu Chánh-pháp, quán-chiếu thâm-sâu về Vô-thường, Khổ Vô-ngã.

Nếu chỉ đi khất-thực suông, đó chỉ là hành-khất, chớ chẳng phải là Khất-sĩ.

(2) Ý-nbghiã của hai bài Kệ số 266 và 267:

Thử phân-tách từng câu mỗi bài Kệ:

Về bài Kệ số 266:

1) Tỳ-kheo đâu chỉ mang bình-bát, đi lang-thang khất-thực từng nhà: Tỳ-kheo đâu chỉ đi khất-thực suông, còn có dịp gặp dân-chúng để chỉ-dạy họ thêm về giáo-lý.

2) Tuân-hành Chánh-pháp cần thông-đạt, mới xứng-danh Khất-sĩ Tăng-già: tuân theo Chánh-pháp, hiểu rõ Giáo-lý, giữ gìn Giới-luật, đó là phần tu-tập trên thân-tâm, mới xứng-danh là Tỳ-kheo, là Khất-sĩ của Giáo-hội ( =Tăng-già).

3) Chỉ ăn xin, đó là hành-khất: tay mang bình-bát đi khất-thực, đó chỉ là hình-thức bề ngoài; nếu bên trong chẳng có sự thông-hiểu Giáo-pháp, thì đó chẳng qua là một người hành-khất, chỉ biết đi xin cơm, để ăn cho qua ngày, không hơn không kém.

Về bài Kệ số 267:

1) Người vượt trên ác cùng thiện: Vượt trên điều ác là bỏ dứt được các điều bất-thiện; Vượt lên trên điều thiện là siêng-năng làm các điều lành, làm điều lành đã quen, đã siêng, nên chẳng chút cố-gắng, chẳng thấy khó nhọc chi, nên gọi đó là vượt lên trên điều thiện.

2) Phạm-hạnh hoàn-toàn đang thực-hiện: bằng lối sống trong kỷ-luật của giới-đức thanh-tịnh, thực-hiện được đầy-đủ các đức-hạnh của bực chơn-tu.

3) Bước đường đời, thẩm-sát và suy-tư: luôn luôn thực-hành việc quán-chiếu trong Thiền-định, sống trọn-vẹn với nội-tâm bằng cách suy-tư thâm-sâu và thẩm-sát cặn-kẽ về cuộc đời sướng ít khổ nhiều trong vòng Luân-hồi, để tìm theo con đường giải-thoát.

4) Mới thật xứng-danh là bực Tỳ-kheo: thực-hiện đầy-đủ các đức-tánh kể trên, áp-dụng trong cuộc sống hằng ngày, nặng nghiêng về nội-tâm thanh-tịnh bên trong, đấy mới thật xứng danh là bực Tỳ-kheo; chớ nào phải chỉ có mỗi một việc ôm bình-bát đi khất-thực.

(201).- Tích chuyện các người ngoại-đạo.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến các người ngoại-đạo.

Thuở ấy, các du-sĩ ngoại-đạo khi đi khất-thực, thường có lời tán-thán công-đức các thí-chủ. Sau khi nhận thực-phẩm, họ thường nói: "Nguyện cho thí-chủ được may-mắn, giàu-sang và sống lâu!" Trong khi đó, các vị tỳ-kheo tuân theo lời Phật dạy, lặng-lẽ nhận tặng-phẩm mà chẳng nói lên lời chúc-tụng nào. Dân-chúng thích được nghe lời khen-ngợi việc bố-thí, nên bắt đầu bàn-tán, so-sánh hai thái-độ đi khất-thực và có phần thiên về phiá ngoại đạo.

Khi Đức Phật được biết sự-việc đó, Ngài cho phép các tỳ-kheo, sau khi thọ-thực nơi nhà các tín-chủ, thì hồi-hướng công-đức họ đã bố-thí đến cho gia-đình của họ. Bấy giờ các du-sĩ ngoại-đạo lại chỉ-trích, cho rằng các tỳ-kheo đã lắm lời, nói dông-dài, chẳng bằng họ là người biết giữ đúng hạnh tĩnh-mặc của các bực Mâu-ni. Đức Phật mới bảo các vị tỳ-kheo: "Nầy chư tỳ-kheo, có nhiều kẻ giữ im-lặng, chỉ vì họ nhút-nhát và ngu-dốt, cũng có kẻ chẳng chịu nói ra để chia-xẻ sự hiểu-biết thâm-sâu của họ với kẻ khác. Như thế, chẳng phải vì im-lặng mà trở thành một bực Mâu-ni. Chỉ xứng danh là bực Mâu-ni, người nào biết im-lặng khi đã hoàn-toàn khắc-phục được mọi điều ác."

Rồi Đức Phật nói lên hai bài Kệ sau đây:

Biết nín thinh nhưng vẫn ngu-si
Đâu gọi là Mâu-ni tĩnh-mặc.
Như vị cầm cân, cân-nhắc
Chọn lành lánh dữ, bậc Mâu-ni.
(Kệ số 268.)

Vì lẽ ấy: chọn lành, lánh dữ,
Người được xưng là bực Thánh-hiền.
Nội, ngoại-giới ai thông-suốt đủ,
Danh-vị Mâu-ni xứng đáng liền.
(Kệ số 269.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Ngoại-đạo:Ngoại = ngoài. Chữ ngoại-đạo trong Phật-học dùng để chỉ các tôn-giáo khác với đạo Phật, ở ngoài đạo Phật.

- Du-sĩ: Du = đi đó đây; Sĩ = người. Du-sĩ, đây, chỉ các vị tu-hành ẩn-cư, chẳng có nơi ở nhứt-định, đi đó đây để khất-thực.

- Tán-thán = khen-ngợi.

- Thí-chủ: người bố-thí; còn gọi là thí-giả.

- Thiên = thiên-vị, nghiêng về một bên.

- Hồi-hướng: Hồi = quay trở lại; Hướng = nhắm vào. Hồi-hướng công-đức là nguyện đem công-đức tu-hành của mình mang phước-báo hướng đến cho ai.

- Tĩnh-mặc: Tĩnh = yên-lặng; Mặc = nín thinh. Chữ tĩnh-mặc dùng để dịch chữ Phạn Muni, bực tĩnh-lặng, đã diệt-trừ mọi điều ác.

- Cầm cân cân nhắc: nghĩa bóng, chỉ sự phán-đoán thiện-ác rành-rẽ

- Nội, ngoại-giới: Nội = bên trong; Ngoại = ngoài; Giới = cảnh-giới. Ở đây chữ nội-giới chỉ vào thân-tâm năm uẩn của chính mình, còn ngoại-giới là thân-tâm năm uẩn của kẻ khác, ở bên ngoài.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc các du-sĩ ngoại-đạo chỉ-trích khất-sĩ Phật-giáo nói dài-dòng khi hồi-hướng công-đức đến các thí-chủ, cho rằng các khất-sĩ chẳng biết giữ hạnh tĩnh-mặc của bực Mâu-ni. Đức Phật dạy, muốn xứng-danh là bực Mâu-ni ( =tĩnh-mặc), chẳng phải chỉ im-lặng suông, mà trong tâm phải diệt hết mọi điều ác.

Ý-nghĩa của Tích chuyện là phải biết lúc nào nên im-lặng, lúc nào nên nói, trong tâm thanh-tịnh phân-biệt rõ ràng điều lành và việc ác.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 268 và 269:

Hai bài Kệ phân-biệt sự tĩnh-mặc (giữ im-lặng đúng lúc) của bực Mâu-ni, với sự nín thinh vì dốt-nát hay vì làm hiểm chẳng muốn chia-xẻ sự hiểu-biết của mình với kẻ khác. Ngoài ra, riêng bài Kệ sau còn dạy những đức-tánh của bực Mâu-ni: (1) chọn lành lánh dữ; (2) thông-suốt cả nội và ngoại-giới ( = hiểu rõ thân-tâm năm uẩn của mình và của kẻ khác.)

(202).- Tích chuyện người đánh cá tên là Thánh-Hiền.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một người đánh cá, mang tên là Thánh-Hiền.

Thuở ấy có một chàng thanh-niên làm nghề đánh cá, có tên là Thánh-Hiền. Hôm ấy, Đức Phật quán-thấy đã đủ cơ-duyên cho người đánh cá ấy chứng-đắc được sơ-quả, mới cùng các tỳ-kheo đi đến bờ sông. Chàng thanh-niên nom thấy Đức Phật và chư Tăng dừng lại bên bờ, mới buông cần câu, đến gần bên Phật. Đức Phật liền tuần-tự hỏi tên mỗi vị tỳ-kheo. Tới phiên chàng đánh cá, anh ta liền thưa, tên là Thánh-Hiền. Đức Phật bảo: "Bực Thánh-hiền đâu có sát-hại sanh-mạng chúng-sanh; anh làm nghề đánh cá, giết hại mạng sống của loài cá, sao xứng được cái tên Thánh-hiền nầy!"

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà chàng thanh-niên đánh cá chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:

Còn gây thương-tổn cho chúng-sanh,
Sao được gọi bực lành Hiền-Thánh?
Chẳng sát-hại mọi loại hữu-tình,
Mới xứng danh là bực HIền-Thánh.
(Kệ số 270.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Thánh-Hiền: tên của người đánh-cá nầy,dịch chữ Pali là Ariya. Theo nghĩa chuyên-môn trong Phật-học, bực Hiền gồm ba quả-vị đầu-tiên: Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm và A-na-hàm, còn phải tái-sanh; bực Thánh là A-la-hán, đã giải-thoát ra khỏi cảnh sanh-tử của Luân-hồi.

- Quán-thấy đã đủ cơ-duyên: nhìn thấy rõ trong tâm là đã đủ cơ-hội tốt cho chàng thanh-niên chứng được quả-vị.

- Sơ-quả = quả-vị đầu-tiên, tức là quả-vị Tu-đà-huờn.

- Loài hữu-tình: các sanh-vật có mạng-sống, có tình-cảm, như loài người, loài thú. Trái với hữu-tình vật vô-tình, như đất, đá, cát.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị: nhơn thấy một chàng thanh-niên sống về nghề đánh-cá mà lại có tên là "Thánh-Hiền", Đức Phật bảo, bực Thánh-hiền đâu có sát-hại sanh-mạng chúng-sanh. Vì thế, cái tên "Thánh-Hiền" kia, chàng thanh-niên chẳng xứng mang lấy, vì lẽ nghề đánh-cá chẳng đúng với Chánh-mạng.

Ngoài ý-nghĩa về chữ Thánh-hiền là các bực đã chứng quả-vị ra, Tích chuyện còn mang thêm ý-nghĩa về Chánh-mạng. Chánh-mạng là một ngành trong Bát-Chánh-Đạo, con đường đưa người tu-hành đến quả-vị Thánh. Theo đúng Chánh-mạng, ta chẳng nên chọn các nghề gây thương-tổn đến chúng-sanh, như nghề đánh-cá, nghề săn-bắn, nghề chế-tạo võ-khí giết người, nghề mãi-dâm, nghề nấu và bán rượu, cùng các chất độc, chất ma-tuý.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 270:

Ý-nghĩa bài Kệ rất rõ-ràng: bực Thánh-hiền, vì lòng Từ-bi, chẳng hề gây thương-tổn đến chúng-sanh.

(203).- Tích chuyện các tỳ-kheo tự-mãn.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến các vị tỳ-kheo tự-mãn.

Thuở ấy, ở chùa Kỳ-viên có một số các vị tỳ-kheo tu-tập đạt được các kết-quả khả-quan. Có vị giữ đúng giới-luật thật thanh-tịnh; có vị theo hạnh đầu-đà rất khắc-khổ; có vị chứng được thiền-định; có vị đã đắc được quả-vị A-na-hàm. Họ thường nghĩ rằng, đã thành-công trong việc tu-tập như thế, họ dễ thừa sức để đạt được quả-vị A-la-hán, trong một tương-lai rất gần đây. Họ cùng nhau đến yết-kiến Đức Phật và nói lên ý-nghĩ đó.

Đức Phật bảo: "Nầy chư tỳ-kheo, chẳng phải vì đã giữ giới-đức thanh-tịnh, chẳng phải vì đã đắc được định-tâm, chẳng phải vì theo đúng hạnh đầu-đà, chẳng phải vì chứng-đắc quả-vị A-na-hàm, mà người tu-hành có thể xem đó là đã đầy-đủ rồi sanh ra tự-mãn, để nghĩ lầm rằng, chẳng còn khó-nhọc chi để chứng được đạo-quả A-la-hán. Nếu còn chưa diệt hết các lậu-hoặc, tự-mãn còn đó, thì chưa thể nào chứng được quả-vị Thánh A-la-hán."

Rồi Đức Phật nói lên hai bài Kệ sau đây, nhờ đó mà các tỳ-kheo bỏ được lòng tự-mãn, tinh-tấn tu-tập hơn nữa và chứng quả A-la-hán:

Chẳng phải vì trì giới nghiêm-túc,
Chẳng phải do kiến-thức thật cao,
Chẳng phải vì thiền-định thâm sâu,
Chẳng phải do sống xa trần-tục,
Mà có thể tự-mãn:
"Ta nay hưởng phước hạnh viễn-ly
Mà các phàm-phu làm gì hưởng được!"
Tỳ-kheo! Chớ xao-lãng
Kiên-trì diệt lậu-hoặc cho xong.
(Kệ số 271 và 272.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Tự-mãn: Tự = chính mình; Mãn = đầy-đủ. Lòng tự-mãn thường tự cho là mình đã được đầy-đủ đức-tánh tốt, thiếu sự hăng-hái buổi đầu.

- Hạnh đầu-đà: Đầu-đà = phiên-âm chữ Pali là Dhùtanga, lối tu theo một kỷ-luật thật khắt-khe, như chỉ mặc áo may bằng vải vụn lượm được, chỉ ăn đồ ăn xin được, mỗi ngày một bữa trưa mà thôi, từ sáng đến tối, chỉ đứng, ngồi chớ chẳng nằm, sống nơi gò mả, dưới cội cây. Vị đại-đệ-tử giỏi nhứt về hạnh đầu-đà là Tôn-giả Đại-Ca-diếp (Maha Kassapa), người sau nầy kế-vị Đức Phật điều-khiển Giáo-hội.

- A-na-hàm: quả-vị thứ ba, tiếng Pali là Anàgàmi, có nghĩa là chẳng tái-sanh lại nơi cõi người nữa, dịch là Bất-Lai.

- Thiền-định, Định-tâm: trong khi ngồi Thiền, tâm lắng-đọng, chẳng đi lang-thang, chú-tâm vào đề-tài thiền-quán, chẳng lo ra.

- A-la-hán: quả-vị thứ tư, cao nhứt, đã diệt được hết tất cả lậu-hoặc, phiền-não, chứng được vô-sanh ( = chẳng còn tái-sanh trong vòng Luân-hồi nữa), tự-tại trong cảnh-giới Niết-Bàn an-lạc, vắng-vẻ.

- Nghiêm-túc: Nghiêm = nghiêm-trang; Túc = đầy-đủ. Nghiêm-túc đầy-đủ đàng-hoàng.

- Kiến-thức: Kiến = thấy; Thức = hiểu-biết rõ. Kiến-thức là sự thông-hiểu; ở đây, nói đến sự thông-thạo rõ-ràng về Chánh-pháp.

- Sống xa trần-tục = sống nơi vắng-vẻ, xa người đời; bốn chữ nầy trỏ vào hạnh đầu-đà nói trong Tích chuyện.

- Hạnh viễn-ly: Hạnh = đức-hạnh; Viễn = xa; Ly = lià. Hạnh viễn-ly đức-tánh xa-lià mọi tham-muốn, dứt bỏ mọi thú-vui vật-chất, dẹp xong mọi ràng-buộc, tâm được tự-tại. Ở đây, hạnh viễn-ly nói đến bực A-la-hán, dứt được mọi phiền-não, sống an-vui, tự-tại.

- Phàm-phu: Phàm = thường, người thường; Phu = người. Phàm-phu là người thường, chưa tu; đối-nghĩa với Thánh-hiền, bực tu-hành đã chứng-đắc quả-vị.

- Kiên-trì: Kiên = cứng-cỏi; Trì = giữ vững. Kiên-trì là bền-chí, giữ vững, chẳng hề thoái-lui.

- Lậu-hoặc: Xin nhắc lại: Lậu = rỉ chảy ra; Hoặc = điều sai-lầm, sái-quầy, xấu-ác, như tham, sân, si, mạn, nghi, ác-kiến. Các lậu-hoặc (tiếng Pali là àsava) khởi lên trong tâm, rỉ chảy ra ngoài, bộc-lộ thành hành-động sai-lầm hay bằng lời nói thô-ác.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại một nhóm tỳ-kheo tu-hành được kết-quả khả-quan, nên sanh lòng tự-mãn. Đức Phật dạy, dầu cho giữ giới, trì-pháp, thiền-định, theo hạnh đầu-đà, chứng quả A-na-hàm, đã dược kết-quả tốt, cũng chớ nên sanh lòng tự-mãn, vì mục-tiêu chứng quả-vị Thánh, A-la-hán, đòi hỏi người tu-hành phải dứt hết mọi lậu-hoặc, mà lòng tự-mãn chính là một lậu-hoặc còn sót lại đó.

Ý-nghĩa của Tích chuyện khuyên ta đừng bao giờ nên sanh lòng tự-mãn, thấy có kết-quả tốt, đã cho là đủ rồi, mà chẳng cố gắng thêm hơn lên để sớm đạt được mục-tiêu. Lòng tự-mãn, bắt nguồn từ sự tự-kiêu, xem mình nay đã khá lắm rồi, nên chẳng còn giữ được sự nỗ-lực lúc ban đầu nữa; vì có sự lơ-là, xao-lãng khiến ta chẳng tiến-bộ thêm.

Nên để-ý, chớ lẫn-lộn lòng tự-mãn là một nết xấu, với sự tri-túc là một đức-tánh tốt, đáng quí. Tri-túc là biết đủ (tri = biết; túc = đủ). Kẻ tự-mãn cho rằng đức-tánh tốt của mình đã quá đủ, chẳng cần cố-gắng hơn lên thêm nữa làm gì. Còn người tri-túc thì chẳng đòi hỏi thêm gì nữa cho mình, vì mình nhận thấy nhu-cầu nơi mình đã thoả-mãn vừa đủ. So-sánh hai người, một bên tự-mãn thì tự đánh-giá mình qua cao, vì thế sanh ra kiêu-căng; còn một bên tri-túc, biết tự-chế sự ham-muốn của mình chẳng cho đi quá mức.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 271 và 272:

Hai bài Kệ nhập chung lại thành một bài, khuyên ta chớ nên sanh lòng tự-mãn, phải luôn-luôn nỗ-lực, kiên-trì dẹp cho xong mọi lậu-hoặc để chứng quả-vị A-la-hán.

Thử phân-tách từng câu bài Kệ nầy:

1) Chẳng phải vì trì-giới nghiêm-túc: đây chẳng phải bài Kệ chê việc trì-giới, mà bài Kệ muốn nói rằng trì-giới còn chưa đủ, chớ nên tự-mãn. Trì-giới để được định-tâm, rồi nhớ tâm an-định mà trí-huệ mới phát-triển, sớm đến nơi giac-ngộ và giải-thoát.

2) Chẳng phải do kiến-thức thật cao: đây chẳng phải bài Kệ chê kiến-thức về đạo-pháp; trái lại, biết suông chưa đủ, chớ tự-mãn, phải đem sự hiểu-biết ra ứng-dụng tu hành trên bản-thân mình nữa.

3) Chẳng phải vì thiền-định thâm-sâu: đây chẳng phải bài Kệ chê việc thiền-định; trái lại, thiền-định giúp cho trí-huệ phát-triển, thấy rõ con đường giác-ngộ và giải-thoát, chớ chẳng nên tự-mãn, thấy thân-tâm được an-lạc rồi cho là đủ, bám vào cảnh ấy mà trì-trệ.

4) Chẳng phải do sống xa trần-tục: đây chẳng phải bài Kệ chê hạnh đầu-đà; trái lại, biết xa-lìa các thú-vui vật-chất còn chưa đủ, phải tận-diệt bên trong các mầm-mống lậu-hoặc còn sót lại, chớ tự-mãn mà lơ-là, quên mất mục-tiêu giải-thoát.

5) Mà có thể tự-mãn: "Ta nay hưởng phước hạnh viễn-ly, mà các phàm-phu làm gì hưởng được": đây là lời cảnh-cáo, hạnh viễn-ly đem lại phước-báo, sống tự-tại, nhưng chớ tự mãn, cho rằng mình đã hơn kẻ phàm-phu, đó là ngã-mạn, còn xem mình là hơn kẻ khác.

6) Tỳ kheo! Chớ xao-lãng, Kiên-trì diệt lậu-hoặc cho xong": đây là lời kêu gọi khẩn-thiết, phải bền-chí, dõng-mãnh diệt các lậu-hoặc còn sót lại trong tâm, nhứt là lòng tự-mãn.

-ooOoo-

XX.- Phẩm ĐAO.

(204).- Tích chuyện các tỳ-kheo bàn về đường đi.

Tích chuyện giống với Tích chuyện số (33).

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến các vị tỳ-kheo bàn-luận cùng nhau về các con đường đã trải qua.

Thuở ấy, sau chuyến du-hành theo Đức Phật đi hoằng-pháp ở các làng-mạc trở về, vào buổi chiều, các tỳ-kheo tụ-tập nhau, bàn luận về các đoạn-đường đã trải qua, khi xuyên qua các làng-mạc. Người nói đoạn đường nầy gồ-ghề, kẻ bảo đoạn đường kia bằng-phẳng. Có vị khen khúc lộ nầy trống-trải dễ đi, có vị chê khúc lộ kia trơn-trợt dễ té. Bấy giờ Đức Phật vừa đi ngang qua đó, nghe lời bàn-luận của các tỳ-kheo, Ngài mới dạy rằng: "Nầy chư tỳ-kheo, các đoạn-đường mà các vị đang bàn nhau đó là những đoạn-đường ở bên ngoài thân-tâm. Sao chư tỳ-kheo lại chẳng lưu-tâm đến con đường thánh-đạo cùng những việc cần làm để sớm đắc được Đạo và Quả Niết-bàn an-lạc?"

Rồi Đức Phật mới nói lên bốn bài Kệ sau đây:

Bát-Chành-Đạo quí nhứt mọi đường,
Lý tột-cao là Tứ-Diệu-Đế.
Ly tham-ái, có pháp nào bằng,
Loài hai chơn, ai hơn Phật-nhãn.
(Kệ số 273.)

Chỉ đường nầy, chẳng đường nào khác,
Đưa đến thanh-tịnh-hoá kiến-tri,
Mau theo đường ấy ngay đi
Ma-quân muốn phá cũng thì chào thua.
(Kệ số 274.)

Dấn chơn vào bước đường nầy,
Con người chấm dứt được ngay khổ-sầu.
Ta đã qua cầu, nay chỉ lại
Lối đi diệt chướng-ngại, chông-gai.
(Kệ số 275.)

Các người hãy tự mình nỗ-lực,
Như-Lai chỉ là bực dẫn đường.
Thực-hành thiền-định cho thường,
Thoát vòng kiềm-toả Ma-vương buộc-ràng.
(Kệ số 276.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Đạo = tiếng Hán-Việt, có hai nghĩa chánh: (1) con đường; (2) đường-lối tu-hành, tôn-giáo. Trong bài nầy, nhơn nói về các con đường bên ngoài mà bước chơn ta trải qua, Đức Phật nói đến con đường đưa ta ra khỏi vòng sanh-tử khổ-sở của Luân-hồi.

- Thánh-đạo: đường-lối tu-hành đưa đến quả-vị Thánh, thoát khỏi khổ-đau của Luân-hồi sanh-tử. Đó là Bát-Chánh-đạo.

- Đạo và Quả: Đạo = đường-lối tu-hành, việc cần làm, điều cần tránh, để chứng được quả-vị. Tiếng Pali là Magga. Quả là kết-quả tốt của việc tu-tập thành-công, tức là quả-vị. Tiếng Pali là Phala.

- Bát-Chánh-Đạo: Bát = tám; Chánh = chơn-chánh, đứng-đắn; Đạo = đường-lối tu-tập. Bát-Chánh-Đạo gồm có: (1)Chánh-kiến ( = thấy biết đúng-đắn), (2) Chánh-tư-duy ( =suy-nghĩ đứng-đắn),(3)Chánh-ngữ ( =lời nói đứng-đắn),(4) Chánh-mạng ( = lối sanh-sống đứng-đắn), (5) Chánh-nghiệp ( = sự-nghiệp đứng-đắn), (6) Chánh tinh-tấn (nỗ-lực đứng-đắn), (7) Chánh-niệm ( =ý-tưỏng đứng-đắn), (8) Chánh-định ( = tâm an-định đứng-đắn).

- Tứ-Diệu-Đế: Tứ =bốn, Diệu = nhiệm-mầu; Đế = Chơn-lý. Tứ-Diệu-Đế hay bốn Chơn-lý nhiệm-mầu gồm có: (1) Khổ-đế, đời là Khổ; (2) Tập-đế, nguyên-nhơn gây ra Khổ là sự tham-ái; (3) Diệt-đế, sự chấm-dứt hết mọi Khổ, tức là Niết-bàn; (4) Đạo-đế, con đường Thánh đưa đến sự chấm dứt Khổ, tức là Bát-Chánh-Đạo.

- Ly tham-ái: Ly = lìa; Tham = ham muốn quá chừng; Ái = thương, thích. Ly tham-ái là cắt bỏ lòng tham-muốn, nhứt là sự bấu-víu vào các thú-vui của đời sống trong vòng lẩn-quẩn của Luân-hồi.

- Phật-nhãn: Phật = giác, hiểu rõ cùng-tột; Nhãn = con mắt. Tiếng Phật-nhãn ở đây chỉ người có sự hiểu-biết, nhìn thấy được mọi vật một cách cùng-tột.

- Thanh-tịnh-hoá Kiến-tri: Thanh-tịnh-hoá = làm cho trong-sạch lên; Kiến-tri: Kiến = thấy; Tri = biết; Kiến-tri là sự hiểu-biết, thấu rõ.

- Ma-quân, Ma-vương: nghĩa bóng là sự cám-dỗ, thúc-dục ta phải làm đìều ác

- Đã qua cầu: đã vượt qua xong, đã có kinh-nghiệm về việc đó.

- Chướng-ngại = điều ngăn-trở, gây khó-khăn.

- Kiềm-toả: Kiềm = cây kềm; Toả = ống khoá. Kiềm-toả dùng theo nghĩa bóng, chỉ sự ràng-buộc.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện rất giản-dị: nhơn các tỳ-kheo bàn-luận về các con đường đất đã đi qua, Đức Phật dạy các tỳ-kheo nên nghĩ đến con đường tu-hành để chứng quả-vị Thánh. Đó là con đường Bát-Chánh-đạo, nói trong Tứ-Diệu-Đế.

(2) Ý-nghĩa của bốn bài Kệ số 273, 274, 275 và 276:

Cả bốn bài Kệ đều nói về con đường Thánh-đạo, Bát-Chánh-Đạo, đưa người tu-hành đến quả-vị Thánh, thoát vòng Luân-hồi.

1) Kệ số 273 nêu ra bốn điều cao-tột: Bát-Chánh-Đạo, Tứ-Diệu-Đế, Ly tham-ái Phật-nhãn. Nhờ biết đi theo con đường Thánh, lià xa tham-ái, chứng được Phật-nhãn, nhìn biết tất cả muôn sự-vật, muôn loài, nên giác-ngộ được Chơn-lý và giải-thoát khỏi Luân-hồi.

2) Kệ số 274 nói rõ Bát-Chánh-đạo là con đường duy-nhứt làm cho thân-tâm trở nên thanh-tịnh, chẳng có Ma-quân nào cám dỗ được cả.

3) Kệ số 275 cho biết, con đường đó Đức Phật đã trải qua; Ngài vượt qua hết mọi chông-gai cản trở, nay chỉ lại cho ta, để chấm-dứt hết mọi khổ-đau, khỏi phải tái-sanh trong vòng Luân-hồi lận-đận.

4) Kệ số 276 nhắc nhở mọi người phải tự mình nỗ-lực lấy, siêng thực-hành việc thiền-định, để thoát khỏi mọi sự cám-dỗ của Ma-vương. Phải tự mình nỗ-lực lấy, mau dấn bước theo con đường Bát-Chánh-đạo, chẳng nên chờ mong sự cứu-độ của ai cả, vì Đức Như-Lai chỉ là kẻ dẫn-đường đưa lối mà thôi.

(205).- Tích chuyện các tỳ-kheo quán-chiếu về Vô-thường, Khổ và Vô-ngã.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến ba nhóm tỳ-kheo quán-chiếu về các chơn-lý Vô-thường, Khổ và Vô-ngã.

Thuở ấy, có ba nhóm tỳ-kheo đến yết-kiến Phật, để xin đề-tài quán-chiếu mà thực-tập thiền-định. Nhóm thứ nhứt được dạy về Vô-thường, nhóm thứ hai về Khổ và nhóm thứ ba về Vô-ngã. Họ đi vào rừng vắng, tu-tập một thời-gian. Sau đó, nhiều người chẳng thấy có tiến-bộ, trở về trình Phật. Đức Phật bảo: "Nầy chư tỳ-kheo, các hành đều Vô-thường, cứ biến-đổi rồi huỷ-diệt. Tại sao lại hay biến-đổi, chẳng thường-trụ? Vì bản-thể rỗng-rang, do nhơn-duyên mà hợp, rồi lại vì nhơn-duyên mà huỷ-diệt đi, đó là tính-chất Vô-ngã. Vì các hành đã Vô-thường lại Vô-Ngã, chẳng hoàn-mãn, nên sanh ra Khổ. Tỳ-kheo dùng tuệ-giác quán-thấy rõ ba tánh-chất đó, trở nên nhàm-chán sự Khổ-đau, sớm theo đường thanh-tịnh-đạo để mau được giải-thoát."

Rồi Đức Phật mới nói lên ba bài Kệ sau đây, nhờ đó một số tỳ-kheo chứng-đắc được quả-vị A-la-hán:

Vô-thường là tất cả các hành.
Nhờ tuệ-giác, quán-chiếu thấy rành,
Mới sanh nhàm-chán niềm khổ-não,
Thanh-tịnh-đạo liền rảo bước nhanh.
(Kệ số 277.)

Đau-khổ là tất cả các hành.
Nhờ tuệ-giác, quán-chiếu thấy rành,
Mới sanh nhàm-chán niềm khổ-não,
Thanh-tịnh-đạo liền rảo bước nhanh.
(Kệ số 278.)

Vô-ngã là tất cả các hành,
Nhờ tuệ-giác, quán-chiếu thấy rành,
Mới sanh nhàm-chán niềm khổ-não,
Thanh-tịnh-đạo liền rảo bước nhanh.
(Kệ số 279.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Quán-chiếu: tâm an-định và suy-nghĩ sâu-xa về một đề-tài.

- Vô-thường: Vô = chẳng; Thường = hằng còn. Vô-thường là hay biến-đổi, chẳng còn mãi được.Tiếng Pali là Anicca.

- Khổ: sự khổ-đau, sự bất-toại-nguyện; tiếng Pali là Dukkha.

- Vô-ngã: Vô =chẳng; Ngã = Ta, bản-thể. Vô-ngã là bản-thể rỗng-rang, chẳng có chi bên trong làm chủ-thể, do nhơn-duyên mà tạm-có; rồi cũng do nhơn-duyên mà hủy-diệt đi; tiếng Pali là Anatta.

- Hành: dịch chữ Sankhàra của Pali; có nhiều nghĩa: Xin xem lại trang 575, 576. Chữ Hành có nghĩa là sự tập-hợp, do nhơn-duyên mà tạm-có, để rồi theo nhơn-duyên mà huỷ-diệt. Lại cùng nghĩa với chữ uẩn (Pali là khandha ), trong chữ Hành-uẩn. đây, xin hiểu chữ Hành là các sự-vật hữu-vi, do sự tạo-tác mà nên, bị điều-kiện-hoá, biến-chuyển để đi đến huỷ-diêt. Thí-dụ về hành là thân-tâm năm uẩn, chẳng thường còn, bị điều-kiện-hoá, rồi sẽ tan-hoại sau nầy.

- Hoàn-mãn: Hoàn = tròn, trọn-vẹn; Mãn = đầy-đủ, hợp ý. Chẳng hoàn-mãn, hay là bất-toại-nguyện, nghĩa là chẳng làm ta vừa ý. Tại sao? Vì chẳng có bản-thể bền-vững, vì có đó rồi lại mất đó.

- Tuệ-giác: Tuệ = trí-huệ; Giác = biết; Tuệ-giác là khà-năng hiểu-biết của tâm-trí; Pali: Vipassana Panna, dịch là trí Bát-nhã Minh-sát.

- Thanh-tịnh-đạo: con đường thanh-lọc thân-tâm; tiếng Pali là Visuddhi Magga.

- Rảo bước = đi mau.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện chẳng có gì đặc-biệt: các tỳ-kheo thực-tập quán-chiếu về Vô-thường, Khổ, Vô-ngã, được Đức Phật chỉ-dạy thêm.

(2) Ý-nghĩa của ba bài Kệ số 277, 278 và 279:

Ba bài Kệ nầy rất quan-trọng về mặt Giáo-lý; cả ba bài khác nhau chỉ có mỗi hai chữ ở câu đầu: Vô-thường, Đau-khổ Vô-ngã.

Ý-nghĩa của ba bài Kệ: vì muôn sự-vật đều vô-thường vô-ngã, chẳng đem lại sự toại-nguyện và ổn-cố cho ta, nên chúng gây ra Khổ. Vậy muốn thoát Khổ, phải theo con đường thanh-tịnh-hoá thân-tâm.

(206).- Tích chuyện tỳ-kheo Thi-sa lười-nhác.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến vị tỳ-kheo lười-nhác là Thi-sa

Thuở ấy, ở nước Xá-vệ, có hàng trăm thanh-niên trẻ tuổi được thâu-nhận vào Giáo-hội. Tỳ-kheo Thi-sa cùng với các bạn vừa mới nhập-đạo, đến yết-kiến Đức Phật và được chỉ-dạy một đề-tài thiền-quán. Họ liền đi vào rừng, tìm chỗ yên-tịnh, nỗ-lực thực-tập, tinh-tấn tu-hành. Riêng tỳ-kheo Thi-sa, tánh-tình lười-nhác, bê-trễ trong việc hành Thiền. Mấy tháng sau, cả đoàn quay về Tịnh-xá, tường-trình thành-quả việc tu-học. Đức Phật khen ngợi cố-gắng tu-tập của mọi người. Riêng Tỳ-kheo Thi-sa đang đứng phía sau, cảm thấy hổ-thẹn vì đã lãng-phí thời-giờ, chẳng đạt được kết-quả nào.

Tối hôm ấy, nghĩ đến các bạn đồng-tu nay đã chứng được quả-vị mà mình vẫn còn dốt-nát, Tỳ-kheo Thi-sa mới quyết-định thức cả đêm nay để tập Thiền. Trong bóng tối chập-chờn ngoài sân chùa, Thi-sa bước đi thiền-hành, chẳng may vấp ngã, gãy xương mông. Nghe tiếng kêu cứu, các vị tỳ-kheo khác chạy đến đỡ Thi-sa vào trong. Khi nghe kể lại sự-việc, Đức Phật bảo: "Nầy chư tỳ-kheo, chẳng nỗ-lực khi đang cần nỗ-lực, lại bê-trễ lãng-phí thi-giờ, nay dầu có gắng sức nhiều trong một lúc, cũng chẳng thể nào chứng được định-tâm."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Chẳng nỗ-lực khi cần gắng sức;
Sức-khoẻ nhiều và vẫn trẻ-trung;
Tánh lười, trí lại lông-bông,
Chánh-đạo, đừng hòng kẻ ấy tìm ra.
(Kệ số 280.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Thi-sa: tên vị tỳ-kheo nầy, tiếng Pali là Tissa.

- Lười-nhác = làm biếng, biếng-nhác.

- Nhập-đạo: Nhập = vào; Nhập-đạo là bước vào Đạo để tu-hành

- Đề-tài thiền-quán: một đầu-đề để suy-nghĩ sâu-xa khi ngồi Thiền

- Đi thiền-hành: bước chầm-chậm, tâm-trí chú vào đề-tài Thiền.

- Tường-trình thành-quả: thuật lại rõ các kết-quả tốt-đẹp.

- Định-tâm: Định = an-định; Tâm = lòng. Khi hành Thiền, tâm dừng lại, chẳng lo ra, trí suy-nghĩ sâu-xa về đề-tài thiền-quán.

- Lông-bông: đi lang-thang, vơ-vẩn.

- Chánh-đạo: Chánh = chơn-chánh, đứng-đắn; Đạo = đường-lối tu

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại một vị tỳ-kheo, trong thời-gian khoá thiền trong rừng, thì tỏ ra lười-biếng, bê-trễ việc tu-tập. Khi trở về Tịnh-xá, thấy Đức Phật khen ngợi thành-quả của bạn đồng-tu, vị ấy mới sanh ra hổ-thẹn, quyết cố-gắng tu-tập suốt đêm, chẳng may bị trợt té gãy xương, trong khi đi thiền-hành. Đức Phật dạy, phải cố gắng siêng-năng, khi cần phải nỗ-lực trong các khoá tu; dầu nỗ-lực thật nhiều trong một thời-gian ngắn, cũng chẳng chứng được định-tâm.

Ý-nghĩa của Tích chuyện là: khi có đủ điều-kiện để tu-hành, cần nên gắng sức trong thời gian đó, thì có kết-quả tốt; đừng đợi đến giờ phút chót mới nỗ-lực, thì chẳng đạt được kết-quả tốt.

Học-sinh nên ứng-dụng: suốt năm phải chăm-chỉ học-hành, đừng đợi sắp đến ngày thi, mới thức khuya, học rút, sao cho kịp được.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 280:

Bài Kệ nêu rõ ý-nghĩa của Tích chuyện kể trên: khi có đủ điều-kiện để tu-tập, phải nỗ-lực cho tinh-tấn, đừng để khi tuổi-trẻ và sức khoẻ đã đi qua rồi, mới bắt đầu dụng công gấp-gấp, thì chẳng được kết-quả mong-muốn.

Thử phân-tách từng câu bài Kệ:

1) Chẳng nỗ-lực khi cần gắng sức: khi đủ điều-kiện để tu-tập, phải gắng sức vào lúc đó, chớ bỏ qua cơ-hột tốt;

2) Sức khoẻ nhiều và vẫn trẻ-trung: đây là hai điều-kiện rất thuận-tiện để tu-hành; chớ chờ lúc già, sức yếu mới tu, chậm mất;

3) Tánh lười, trí lại lông-bông: hai điều-kiện bất lợi cho việc tu

4) Chánh-đạo, đừng hòng kẻ ấy tìm ra: chẳng thể nào, trong điều-kiện lườilông-bông mà tìm thấy được con đường Thánh-đạo.

(207).- Tích chuyện ngạ-quỉ đầu heo mình người.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại tịnh-xá Trúc-lâm, gần thành Vương-xá, nước Ma-kiệt-đà, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một ngạ-quỉ đầu heo mình người.

Thuở ấy, Tôn-giả Mục-kiền-liên đang cùng một vị Trưởng-lão, từ trên đỉnh núi Linh-thứu đi xuống, bỗng Tôn-giả nhìn lên, mỉm cười mà chẳng thốt lên lời nào. Đến khi về đến tịnh-xá, Tôn-giả trình cùng Đức Phật, dọc đường có nhìn thấy một ngạ-quỉ đầu heo mình người, miệng bị nhiều dòi, bọ cắn-xé, đang rên-xiết đau-đớn. Đức Phật bảo, khi Ngài chứng được Đạo Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, Ngài cũng nhìn thấy ngạ-quỉ đó. Rồi Đức Phật mới kể lại tiền-kiếp của ngạ-quỉ đầu heo, mình người đó, như sau:

Vào thời Đức Phật Ca-diếp, có một vị tỳ-kheo rất thông-thuộc Chánh-pháp, giảng-dạy giáo-lý rất hay. Trong một chuyến đi du-hành, vị ấy đến ngụ tại một tu-viện, do hai vị tỳ-kheo khác trụ-trì. Kể từ ấy, dân-chúng trong làng rất hoan-nghinh vị tỳ-kheo mới, mỗi khi nghe vị nầy nói pháp. Và cũng vì thế mà vị tỳ-kheo ấy mới nổi lên trong lòng một ý-định xấu, muốn một mình làm chủ ngôi tu-viện, và tìm cách đẩy hai vị kia ra khỏi chùa. Mưu-kế rất thâm-hiểm, ông ta đặt điều xúi-dục vị tỳ-kheo nầy nói xấu vị kia, khiến cho cả hai cãi nhau, nặng lời cùng nhau, rồi cả hai bỏ đi khỏi chùa. Vì tội-ác nói đâm-thọc khiến kẻ khác sanh ra thù-oán nhau, nên vị tỳ-kheo ấy bị sa vào điạ-ngục Vô-gián. Sau khi mãn hạn trong ngục tối, lại tái-sanh thành ngạ-quỉ, đầu heo, miệng thối, bị dòi bọ cắn-xé, để đền nốt tội-ác . Đức Phật kết-luận: "Tỳ-kheo phải giữ tâm thanh-tịnh, thận-trọng biết tự-chế để ba nghiệp thân, miệng, ý thuận theo đường thiện-đạo."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Hãy thận-trọng giữ-gìn lời nói,
Thu-thúc thân-tâm khỏi điều tà.
Nghiệp thanh-tịnh đủ cả ba,
Thánh-đạo Phật-đà đã dạy, chứng xong.
(Kệ số 281.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Ngạ-quỉ: quỉ đói. Đây là hạng chúng-sanh ở một trong ba đường dữ, bụng to mà cổ rất nhỏ, luôn luôn đói khát. Còn được gọi là ngã-quỉ; tiếng Pali là Peta.

- Tịnh-xá Trúc-lâm, thành Vương-xá, nước Ma-kiệt-đà: Vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara), nước Ma-kiệt-đà (Magadha), đóng đô tại thành Vương-xá (Rajàgaha), xây cất tịnh-xá trong vườn trúc, dưng-cúng Phật. Tînh-xá mang tên Trúc-lâm, rừng trúc, tiếng Pali là Veluvana.

- Núi Linh-thứu: núi nầy gần thành Vương-xá, đỉnh núi trông giống hình chim thứu ( =kên-kên), hai cánh xoè ra. Đức Phật giảng kinh Pháp-Hoa tại núi nầy. Tên núi tiếng Pali là Gijjhakùta.

- Đạo Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác: chứng được Đạo nầy tức là thành Phật, bực đại-giác đã hoàn-toàn giác-ngộ và giải-thoát.

- Tiền-kiếp: Tiền = trước; Kiếp = đời. Tiền-kiếp đời trước.

- Du-hành: Du = đi dạo; Hành = đi; các vị tăng đi du-hành, chẳng có nơi ở nhứt-định, đi tìm thầy học đạo thêm. Còn gọi là du-tăng.

- Phật Ca-diếp: Đức Phật Ca-diếp giáng-sanh trước Đức Phật Thích-ca. Tên tiếng Pali là Kassapa.

- Trụ-trì: Trụ = ở yên đó; Trì = giữ-gìn. Trong Phật-học, chữ Trụ-trì dành cho vị sư-trưởng cai quản một ngôi chùa.

- Thâm-hiểm: Thâm = thâm-độc, ác ngầm; Hiểm = nguy-hiểm, hiểm-ác. Thâm-hiểm là ác-độc ngầm, ác-độc mà dấu-kín.

- Nói đâm-thọc = đặt điều ra xúi người nầy nói xấu người kia, khiến cho hai người thù nhau.

- Điạ-ngục Vô-gián: nơi chịu hình-phạt chẳng hề ngưng-nghỉ (Vô = chẳng; Gián = gián-đoạn, ngưng-nghỉ). Tiếng Pali là Avici niraya.

- Tái-sanh: sanh trở lại, theo luật Luân-hồi.

- Tự-chế = tự mình giữ mình chẳng cho làm điều quấy, nói lời ác.

- Thiện-đạo: Thiện = lành; Đạo = con đường, lối sống.

- Thu-thúc: chế-phục, tự-chế, giữ gìn đúng theo kỷ-luật; chẳng hề buông-lung theo tôi-ác.

- Thánh-đạo: con đường Thánh, tức là Bát-Chánh-Đạo.

- Phật-đà: phiên-âm chữ Buddha, có nghĩa giác, là hiểu-rõ tất cả mọi sự-vật; tức là bực đại-giác-ngộ.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại tiền-kiếp của ngạ-quỉ đầu heo mình người; vì nói lời đâm-thọc, phá sự hoà-hợp của hai vị tăng, để dành chức trụ-trì, mà một vị tỳ-kheo phải sa vào địa-ngục và sau đó tái-sanh làm ngạ-quỉ, miệng hôi-thối bị dòi bọ cắn xé. Đức Phật khi kể lại sự-tích, khuyên ta phải biết giữ-gìn lời nói, thu-thúc thân-tâm cho ba nghiệp, thân, miệng, ý, được thanh-tịnh.

Tích chuyện mang các ý-nghĩa sau đây:

1) Nói lời đâm-thọc, phá sự hoà-hợp Tăng, bị sa vào địa-ngục Vô-gián. Trong Kinh, có nói tội ngũ-nghịch phải sa vào điạ-ngục Vô-gián là: (1) giết cha, (2) giết mẹ, (3)giết A-la-hán, (4)phá hoà-hợp Tăng, (5)làm chảy máu Phật. (Ngũ-nghịch = năm điều trái-nghịch)

2) Vì miệng nói lời đâm-thọc, nên kiếp nầy miệng ngạ-quỉ hôi-thối, bị dòi bọ cắn-xé. Trong Kinh, kể ra bốn tội-ác do lời nói chẳng ngay-thẳng, chẳng đoan-chánh gây ra: (1) nói dối, sai sự thật; (2) nói khéo, dùng lời ngon-ngọt để xúi-dục, dụ-dỗ; (3) nói lưỡi đôi chiều, nói đâm-thọc để gây chia-rẻ, thù-oán; (4) nói lời vô-nghĩa, ngồi lê đôi mách, kháo nhau chuyện hàng xóm.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 281:

Bài Kệ mang hai ý-nghĩa: (1) lời nói phải đứng-đắn; (2) phải giữ ba nghiệp thân, miệng, ý cho thanh-tịnh.

1) Hãy thận-trọng giữ-gìn lời nói: đây là lời khuyên dạy ta phải suy-nghĩ cho chín-chắn trước khi mở lời.

2) Thu-thúc thân-tâm khỏi điều tà: lời dạy nầy gồm có hai việc:(1) thu-thúc thân, tức là đừng có hành-động sái-quấy; (2) thu-thúc tâm, tức là chẳng có ý-nghĩ xấu-ác.

3) Nghiệp thanh-tịnh đủ cả ba: Ba nghiệp nào? Đó là hành-động của thân, lời nói của miệng ý-tưởng của tâm.

4) Thánh-đạo Phật-đà đã dạy, chứng xong: Câu nầy có vẻ khúc-mắc, xin đọc lại cho suông: (...Nếu giữ ba nghiệp thanh-tịnh) thì đã chứng xong được Con đường Thánh-đạo (tức là Bát-Chánh-Đạo) của Đức Phật đã dạy.

(208).- Tích chuyện Trưởng-lão Phổ-thi-la.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến Trưởng-lão Phổ-thi-la.

Trưởng-lão Phổ-thi-la là một vị tỳ-kheo lớn tuổi, rất thông-thạo Tam-Tạng Kinh-điển, làm giáo-thọ dạy Chánh-pháp cho chư Tăng. Vì thông-hiểu giáo-pháp nhiều, nên Trưởng-lão mới sanh lòng tự-phụ. Quán-thấy tâm-địa đó của Trưởng-lão Phổ-thi-la, Đức Phật biết ông nầy chẳng siêng-năng thực-tập và chưa đắc được đạo-quả, cũng chưa chứng được bực Thiền nào cả. Ngài dùng phương-tiện, mỗi khi ông Phổ đến đảnh-lễ, Ngài gọi ông Phổ là "vị tỳ-kheo vô-dụng" . Nghe Đức Phật gọi mình như thế, ông Phổ rất hổ-thẹn, nhìn lại bên trong tâm mình, thấy quả thật mình còn chưa tu-tập đúng mức để áp-dụng trên bổn-thân, và sự hiểu-biết giáo-lý của mình quả là vô-dụng.

Lặng-lẽ, ông Phổ bỏ ra đi, đến một tu-viện nhỏ, cách chùa Kỳ-viên hơn hai mươi do-tuần, có ba mươi vị tăng tu-tập, để xin vào học Đạo. Trước hết, ông Phổ xin vị sư-trưởng chỉ dạy Thiền cho mình. Vị nầy từ-chối, bảo hãy đến nhờ vị sư-phó. Vị sư-phó cũng chẳng nhận, bảo hãy đến vị thứ ba. Bị đẩy lần-lượt như thế, sau cùng Trưởng-lão phải đến gặp một chú Sa-di bảy tuổi. Vị Sa-di bằng lòng chỉ dạy cách thực-tập Thiền-định cho, nhưng với điều-kiện là ông Phổ phải tuân-theo thật kỹ-lưỡng mọi chỉ-thị. Ông Phổ vâng lời, nỗ-lực quán-chiếu ngày đêm về bản-thể chơn-thật của thân-tâm năm uẩn, ngồi Thiền, đi Kinh-hành rất nhiệt-thành và tinh-tấn. Chẳng bao lâu, Trưởng-lão đắc được định-tâm, lần lượt chứng được bốn bực Thiền. Bấy giờ Đức Phật và chư Tăng đi du-hành đến đó, thấy nỗ-lực tu-tập của Trưởng-lão, Ngài khen-ngợi ông Phổ, khuyên nên cố-gắng mãi lên như thế.

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà Trưởng lão Phổ-thi-la chứng được đạo và quả A-la-hán:

Thật vậy, thiền-định sanh trí-huệ,
Chẳng hành thiền, trí-huệ mờ phai.
Biết đường hai ngõ, tăng cùng tệ,
Hãy cố sao trí-huệ tăng hoài.
(Kệ số 282.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Phổ-thi-la: tên vị Trưởng-lão nầy, tiếng Pali là Potthila.

- Tam-Tạng Kinh-điển: tất cả giáo-pháp của Đức Phật chỉ dạy, đựng chung thành ba giỏ ( Tam-tạng: Tipitaka; Tam = ba; Tạng = cái giỏ đựng kinh-sách), gồm: (1) Luật-tạng (Vinaya Pitaka), nói về giới-luật, (2) Kinh-tạng (Suttanta Pitaka), nói về giáo-lý ghi trong Kinh-Kệ, và (3)Luận-tạng (Abhidhamma Pitaka), nói về các bài luận-giải về giáo-lý.

- Giáo-thọ = vị thầy dạy giáo-lý cho các tỳ-kheo.

- Tự-phụ: Tự = chính mình; Phụ = cậy giỏi; Người tự-phụ là kẻ cậy mình giỏi, hay khinh kẻ khác chẳng bằng mình.

- Tâm-địa: Tâm = lòng; Điạ = đất. Tâm-địa là tâm-trạng, bên trong tấm lòng tốt, xấu như thế nào.

- Đạo, Quả: Đạo = đường lối tu-hành; Quả = kết-quả tu-tập thành-công. Thí-dụ: đạo Tu-đà-huờn là những đường-lối tu-tập để diệt thân-kiến, nghi-ngờ và mê-tín dị-đoan; quả tu-đà-huờn là kết-quả chứng được khi bỏ sự chấp thân nầy làm Ta, hết nghi-ngờ về Phật-pháp, bỏ dứt các sự cúng-tế theo tà-giáo. Tiếng Pali: Magga Đạo; Phala Quả. Có bốn đạo và bốn quả trong hàng Thanh-văn: Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán.

- Bực Thiền: tu thiền lần lượt chứng được bốn cấp: sơ-thiền, nhị-thiền, tam-thiền và tứ-thiền.

- Phương-tiện: cách-thức khéo, dùng để đạt mục-đích. Ở đây, Đức Phật dùng phương-tiện nói khích, chê ông Phổ là người vô-dụng, để ông ấy biết hổ-thẹn mà siêng tu-rập, chớ đừng ỷ mình biết nhiều lý-thuyết về giáo-pháp, mà tâm vẫn còn nhiều lậu-hoặc.

- Vô-dụng: Vô = chẳng; Dụng = dùng; Vô-dụng = vô-ích, chẳng biết dùng vào việc gì.

- Đảnh-lể = đến yết-kiến, lễ-lạy ra mắt.

- Do-tuần = đơn-vị đo chiều dài đường-xá, vào khoảng hơn một cây-số, tiếng Pali là yojana.

- Sư-trưởng, Sư-phó: Sư = thầy; Trưởng = lớn; Phó = phụ-giúp. Sư-trưởng là vị sư lớn nhứt; Sư-phó là vị sư thứ nhì, phụ-giúp Sư-trưởng.

- Sa-di: tiếng Pali là Sàmanera, vị tu hành chưa thọ giới tỳ-kheo.

- Chỉ-thị: những điều ra lịnh, chỉ-dạy phải tuân theo.

- Định-tâm: Định = ổn-định, yên; Tâm = lòng. Đắc được định-tâm là tâm trở nên an-tịnh, chẳng chạy lang-thang, dừng yên lại một chỗ.

- A-la-hán: quả-vị thứ tư, cao nhứt, dẹp hết phiền-não, chứng được vô-sanh ( = chẳng còn bị tái-sanh trong vòng lẩn-quẩn Luân-hồi)

- Tăng cùng tệ: Tăng = gia-tăng, thêm lên; Tệ = dở hơn, xấu hơn.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại một vị Trưởng-lão thông Kinh-kệ, làm thầy dạy Giáo-lý cho chư Tăng, nhưng chính mình chưa tu-tập Thiền-định. Thấy vị ấy hay tự-phụ, Đức Phật nói khích, gọi ông ta là tỳ-kheo vô-dụng. Ông Phổ bị chạm tự-ái, hổ-thẹn, biết mình còn kém, đến học Thiền với một chú Sa-di bảy tuổi. Nhờ nỗ-lực hành Thiền, trí-huệ phát-triển nên khi nghe Phật nói bài Kệ số 282, ông Phổ chứng được đạo-quả A-la-hán.

Tích chuyện mang hai ý-nghĩa sau đây:

1) Biết nhiều về Giáo-lý mà chẳng tập Thiền là còn chưa tu, vì cái biết về lý-thuyết thật là vô-dụng. Phải tu-tập trên bản-thân, mới biết được con đường giác-ngộ và giải-thoát.

2) Lời nói khích của Đức Phật, chê ông Phổ là tỳ-kheo vô-dụng, rất có hiệu-quả, khiến ông biết hổ-thẹn, xét lại lòng mình mà gắng công tu-tập. Đó là lối dạy theo phương-tiện, rất khéo, của Phật.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 282:

Ý-nghĩa bài Kệ thật rõ-ràng, học lý-thuyết suông chưa đủ, phải thực-hành bằng cách tập Thiền.

Thử phân-tách từng câu bài Kệ:

1) Thật vậy, thiền-định sanh trí-huệ: đúng theo Tam-học: Giới, Định, Huệ; thiền-định giúp tâm dừng yên, vẹt được các chỗ che-mờ, nhờ đó trí-huệ phát-triển được.

2)Chẳng hành thiền, trí-huệ mờ phai: tại sao mờ phai? Vì bị sự ngu-tối che mờ tâm đi, trí-huệ chẳng có dịp nẩy-nở được.

3) Biết đường hai ngõ, tăng cùng tệ: biết rõ hai ngả đường, tốt và xấu, Thiền-định là đường làm cho Trí-huệ phát-sanh lên;

4) Phải cố sao (cho) trí-huệ tăng hoài: Trí-huệ càng tăng, càng chóng đến ngày giác-ngộ và giải-thoát.

- 612 - Kinh Pháp-Cú: Phẩm Đạo.

(209).- Tích chuyện năm vị tỳ-kheo già.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến năm vị tỳ-kheo già.

Thuở ấy, ở nước Xá-vệ, có năm người bạn thân nhau, đã lớn tuổi rồi mới đi tu. Hằng ngày, họ thường mang bình-bát, trở về nhà cũ để khất-thực. Trong các người vợ của năm vị nầy, có một bà tên là Mã-thu, nấu-nướng rất khéo-léo, nên thực-phẩm cúng-dường cho các vị tỳ-kheo lớn tuổi rất là ngon-lành; vì thế, các vị ấy thường đến nhà bà để khất-thực. Chẳng may, một hôm bà Mã-thu ngoạ-bịnh rồi từ-trần một cách đột-ngột. Năm vị tỳ-kheo thương nhớ, lòng rất sầu-thảm, thường hay than-vãn.

Đức Phật được biết việc đau buồn đó, mới cho gọi các vị tỳ-kheo ấy đến và dạy rằng: "Nầy chư tỳ-kheo, các ông đau buồn, thương nhớ người đàn-bà bất-hạnh đó, chẳng qua là trong lòng các ông còn tham-luyến thức ăn ngon-ngọt, lại thêm sự si-mê chẳng biết được lẽ vô-thường, rồi sanh ra buồn-khổ. Đấy cũng như đang sống trong một khu rừng u-tối; phải nên đốn sạch khu rừng ấy đi, để được giải-thoát khỏi sự tham-luyến, sự sân-hận, sự si-mê."

Rồi Đức Phật nói lên hai bài Kệ sau đây, nhờ đó năm vị tỳ-kheo lớn tuổi chứng được quả-vị Tu-đà-huờn:

Đốn rừng "dục-vọng", chớ đốn cây,
Vì cảnh rừng nầy gây sợ-hãi.
Lại đốn cả lùm non "khát-ái",
Tỳ-kheo, rừng "ái" thoát ra ngày.
(Kệ số 283.)

Chừng nào chưa đốn tiệt xong
Lùm cây ‘luyến-ái" trong lòng nữ-nam,
Chừng ấy, vẫn còn tâm ràng-buộc,
Như bê theo bú vú mẹ bò.
(Kệ số 284.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Bình-bát: cái chén lớn, như cái nồi nhỏ, đựng thức ăn xin được.

- Khất-thực: đi xin ăn. Tỳ-kheo còn gọi là khất-sĩ ( = Bhikkhu).

- Mã-thu: tên bà nầy, tiếng Pali là Madhurapàcikà.

- Ngoạ-bịnh: Ngoạ = nằm; Ngoạ-bịnh là ngã bịnh, bị đau nặng.

- Từ-trần: Từ = từ-giả; Trần = trần-thế, cõi đời. Từ-trần là chết đi.

- Đột-ngột = bất ngờ, thình-lình chẳng biết trước được.

- Bất-hạnh: Bất = chẳng; Hạnh = may mắn; Bất-hạnh là chẳng may

- Tham-luyến: Tham = ham quá chừng; Luyến = luyến-ái, mê-đắm. Tham-luyến là ham-muốn quá nên chẳng rời ra được, mà bị ràng buộc

- Vô-thường: Vô = chẳng; Thường = còn hoài; Lẽ vô-thường có nghĩa là muôn sự-vật đều bị biến-đổi rồi tiêu-diêt đi. Ở đây, chữ vô-thường có nghĩa là sự chết.

-Sân-hận: Sân = giận; Hận = hờn, thù.

- Dục-vọng: Dục = ham-nuốn; Vọng = mong-cầu.

- Lùm non: bụi cây nhỏ.

- Khát-ái: Khát = thèm-khát; Ái = thương, thích. Đây là tình-cảm ràng-buộc khiến ta bấu-víu mãi vào sự-vật ta thích. Khát-ái chính là nguyên-nhơn của Khổ: trong Tứ-Diệu-Đế đó là Tập-đế.

- Lòng nữ-nam: Nữ = đàn-bà; Nam = đàn-ông; Đây nói về sự thương nhau giữa hai phái nam và nữ.

- Bê = con bò-con.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Ý-nghĩa của Tích chuyện là đừng vì luyến-ái mà bị ràng-buộc. Đức Phật ví sự khát-ái như khu rừng u-tối, phải dẹp cho sạch hết, mới hết bị ràng-buộc mà được giác-ngộ và giải-thoát.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 283 và 284:

Hai bài Kệ cùng có ý-nghĩa là phải dứt bỏ dục-vọng khát-ái . Đức Phật dạy phải đốn rừng, là dẹp bỏ sự luyến-ái như khu rừng u-tối, nhưng ngại các tỳ-kheo hiểu-lầm, nên Ngài nói rõ thêm: chớ đốn cây. Tình thươngđiều tốt, nhưng nếu thương quá, sanh ra tríu-mến, bị ràng-buộc, nên Ngài dạy phải đốn cho tiệt sự luyến-ái giữa trai gái.

(210).- Tích chuyện con của người thợ bạc.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến một vị Trưởng-lão, vốn là con của một người thợ bạc.

Thuở ấy, có một chàng thanh-niên khá đẹp trai, con của một người thợ bạc, được Tôn-giả Xá-lợi-phất nhận làm đệ-tử. Tôn-giả đem đề-tài thiền-quán về thân-tâm năm uẩn nầy đáng gớm-ghiếc ra chỉ dạy cho chàng trai. Chàng thanh-niên liền theo lời thầy dạy, đi vào rừng vắng, ngồi thiền và quán-chiếu; sau một tuần-lễ chẳng thấy có kết-quả, chàng trở về thưa lại với thầy. Tôn-giả Xá-;lợi-phất mới dẫn chàng ta đến yết-kiến Đức Phật.

Đức Phật nghe nói chàng ta là con của một người thợ bạc, liền đổi đề-tài thiền-quán, thay vì quán-chiếu về tấm thân gớm-ghiếc, Ngài đưa ra một cành sen có bông-hoa to lớn, sắc rất đẹp mà hương cũng rất thơm. Ngài bảo đem cắm vào nơi vắng-vẻ và vừa nhìn hoa vừa quán-chiếu. Chàng thanh-niên vâng lời, đem cành sen ra sau vườn, cắm xuống đất cát, rồi ngồi tĩnh-toạ, ngắm vẻ đẹp của hoa sen. Từ trong tâm chàng khởi lên một niềm phỉ-lạc sâu-xa, tồi tuần-tự từng bước một, tâm-trí chàng tiến lên các bực thiền-định.

Từ nơi hương-phòng, Đức Phật quán-thấy sự tiến-bộ của chàng trai, Ngài liền dùng sức thần-thông, biến cành hoa sen đang tươi nõn, bỗng từ tư héo dần, hương phấn bay lả-tả. Tâm-trí chàng trai vụt ngộ được lẽ vô-thường, muôn sự-vật rồi cũng chóng tàn-phai và huỷ-diệt. Sau đó, chàng trai trở vào yết-kiến Đức Phật và được Phật nói cho nghe bài Kệ sau đây, nhờ đó, chàng chứng được quả-vị A-la-hán:

Hãy tự mình cắt dây tham-ái,
Như tay người bẻ hái sen thu.
Đường Niết-Bàn tịch-tĩnh siêng tu,
Như bực Thiện-thệ từng chỉ dạy.
(Kệ số 285.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Tôn-giả Xa-lợi-phất: vị đại-đệ-tử của Đức Phật Thích-ca, nổi tiếng là thông-minh bực nhứt; tên tiếng Pali là Sàriputta.

- Đệ-tử: Đệ = em; Tử = con; Đệ-tử có nghĩa là học-trò học Đạo.

- Đề-tài Thiền-quán: Xin nhắc lại: đó là một đề-mục dùng để suy-nghĩ sâu-xa khi ngồi Thiền, để tâm được an-định.

- Thân-tâm năm uẩn đáng gớm-ghiếc: vì tấm thân nầy bên trong chứa nhiều chất dơ, sẽ sình-thối lên khi tan-rả, nên đáng gớm-ghiếc.

- Yết-kiến = ra mắt bực trưởng-thượng, để được chỉ-dạy.

- Tĩnh-toạ: Tĩnh =yên-tịnh; Toạ = ngồi. Tĩnh-toạ là ngồi yên.

- Phỉ-lạc = Phỉ =Lạc = vui. Phỉ-lạc là niềm vui về tinh-thần, tâm nhẹ lâng-lâng; đối nghĩa với chữ dục-lạc, sự sung-sướng về vật-chất.

- Các bực Thiền-định: khi ngồi Thiền chứng được định-tâm, lần lượt vượt qua các bực Thiền thứ nhứt, thứ hai, thứ ba và thứ tư

- Hương-phòng: căn phòng có hương thơm, dành riêng cho Đức Phật; tiếng Pali là Gandhakuti.

- Ngộ = hiểu rõ một cách sâu-xa, hiểu thẳng chẳng do lý-luận.

- Vô-thường = sự biến-đổi, chẳng thường-hằng; Pali = Anicca.

- Cắt dây Tham-ái: dứt bỏ sự tham-luyến, khát-ái.

- Niết-Bàn = cảnh-giới tịch-tĩnh, yên-vui và tự-tại; Pali = Nibbana

- Thiện-thệ: tức là Đức Phật. Thiện-thệ là một trong mười danh-hiệu của Đức Phật; thiện là khéo; thệ đi qua cầu; Pali là Sugata.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện cho thấy sự hơn-kém giữa Tôn-giả Xá-lợi-phất và Đức Phật về việc dạy đệ-tử. Đề-tài bông sen của Đức Phật hợp với căn-cơ của chàng thanh-niên trẻ đẹp hơn là đề-tài thân bất-tịnh. Tại sao? Vì chàng vốn con nhà thợ bạc, thường hay xem các vật đẹp-đẽ. Nhờ hợp với căn-cơ, chàng trai thực-hành Thiền-quán và ngộ được lý Vô-thường của muôn pháp ( =muôn sự-vật) trong thời-gian ngắn.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 285:

Ý-nghĩa bài Kệ rất rõ-ràng: hãy cắt đứt dây tham-ái siêng tu con đường tịch-tĩnh của Niết-Bàn.

(211).- Tích chuyện vị thương-gia Đại-Nghiệp.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến thương-gia tên Đại-Nghiệp.

Thuở ấy, có một thương-gia tên là Đại-Nghiệp rất giàu-có, đem cả trăm xe bò chở hàng-hoá từ thành Ba-la-nại đến nước Xá-vệ để bán và đồng thời để dự một cuộc hội-hè vui chơi lớn. Đến bờ sông gần thành Xá-vệ, bị nước lũ tràn cả hai bên đường, cả đoàn xe phải dừng lại, chờ ngày nước rút. Sau cả tuần-lễ, mưa dầm, nước lại dâng to lên, trễ kỳ đại-hội, nên ông Đại-Nghiệp định lưu lại đó, chờ bán hết hàng-hoá sẽ trở về xứ. Ông nói, ta cứ ở đây hết mùa hè, sang mùa thu, qua mùa đông rồi khi trời ấm-áp, đến mùa xuân ta sẽ trở về xứ. Bấy giờ, Đức Phật cùng chư Tăng đi khất-thực ngang qua đó, nghe ông Đại-Nghiệp nói, Ngài mỉm cười. Tôn-giả A-nan chẳng hiểu lý-do vì sao Ngài lại mỉm cười mới thưa cùng Đức Phật. Đức Phật bảo: "Nầy A-nan, ông có nghe thấy vị thương-gia đó không? Ông ấy bảo, cứ ở đây hết mùa hè, mùa thu, mùa đông, mà chẳng biết mình sắp chết trong bảy ngày nữa. Những gì cần làm ngay bây giờ, thì phải làm ngay đi; Thần Chết đến, đâu có hẹn ngày giờ trước. Người biết tỉnh-giác, dẹp bỏ mọi lậu-hoặc, tinh-tấn tu-hành dõng-mãnh, thì dầu chỉ sống thêm một ngày hay một đêm, cũng còn hơn kẻ phóng-dật."

Tôn-giả A-nan thương-tình, đến báo cho thương-gia Đại-nghiệp biết ông ta sắp chết. Đại-Nghiệp nghe qua hoảng-hốt, nghĩ mình chưa làm được điều gì có công-đức, mới thỉnh Đức Phật và chư Tăng đến cúng-dường, trai-tăng trong bảy ngày. Đến hôm chót, sau khi nghe Đức Phật giảng-pháp và hồi-hướng công-đức, ông Đại-Nghiệp tiễn chơn Đức Phật và chư Tăng một đỗi đường. Khi quay trở về, ông bị nhức đầu như búa bổ, vài giờ sau thì chết.

Trên đường về chùa, Đức Phật nói lên bài Kệ sau đây:

‘’Mùa mưa, ta sống ở đây,
Mùa đông, mùa hạ, cũng ngay nơi nầy".
Người ngu cứ tưởng là như vậy,
Đâu ngờ nguy-hiểm "chết" chờ đây.
(Kệ số 286.)

TÌM HIỂU:

- A.- Nghĩa Chữ:

- Đại-Nghiệp = sự-nghiệp lớn, có tiền-bạc, tài-sản nhiều; dịch chữ Pali là Mahadhana.

- Thương-gia = người buôn-bán.

- Ba-la-nại: tên thành-phố lớn của Ấn-độ (Bénarès, nay là Vàrànasi)

- Nước lũ: nước lụt, ngập cả khắp nơi.

- Tỉnh-giác: Tỉnh = chẳng mê; Giác = biết. Người tỉnh-giác tâm luôn chú-ý, khi nói, làm hay nghĩ điều gì, thì biết rõ mình đang nói, làm, nghĩ về điều đó và chỉ điều đó mà thôi, chẳng lo ra.

- Lậu-hoặc: xin nhắc lại, đó là các phiền-não như tham, giận, si-mê, nổi lên trong tâm rồi lộ ra bằng lời nói thô-ác hay hành-động xấu.

- Tu-hành tinh-tấn: tu-hành siêng-năng, có sự tấn-bộ.

- Dõng-mãnh: Dõng =Mãnh = mạnh-mẽ.

- Phóng-dật = buông-lung, chẳng biết tự-kềm-chế, lười-nhác.

- Trai-tăng: Trai = bữa ăn chay; Tăng = tu-sĩ Phật-giáo. Trai-tăng là tiếng nhà chùa, nói đến việc dưng-cúng thức-ăn, quần-áo cho tỳ-kheo.

- Hồi-hướng: Hồi = quay về; Hướng = nhìn thẳng về phiá đó; Hồi-hướng = nguyện công-đức tu-hành của mình sẽ đem lại phước-báo cho người mình đang hướng về, đang nghĩ đến.

- Công-đức = việc lành, đem lại phước-báo tốt về sau.

- Nguy-hiểm "Chết" = mối hiểm-nguy đang rình tất cả mọi người, chẳng sót một ai, đó là sự Chết.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện thuật lại việc một thương-gia muốn lưu lại một nơi thật lâu, chẳng biết mình sắp chết, được Đức Phật cho biết, mới tạo công-đức cúng-dường chư Tăng. Ý-nghĩa của Tích chuyện là: Vì Vô-thường là sự Chết đang rình chờ mọi người, chẳng biết lúc nào sẽ đến, nên ngay bây giờ, ta phải lo tu-tập để sớm được giác-ngộ và giải-thoát.

(2) Ý-nghĩa của bài Kệ số 286:

Ý-nghĩa bài Kệ rất rõ-ràng: mọi người, bất luận là ai, cũng đều sắp chết cả, vậy phải lo tu-hành, tạo phước ngay bây giờ đi; đừng chần-chờ rồi sẽ hối-tiếc chẳng kịp nữa.

(212).- Tích chuyện bà Kỷ-sa-cơ.

Tích chuyện nầy giống với Tích chuyện số (93), trang 299.

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến bà Kỷ-sa-cơ có con bị chết.

Thuở ấy, bà Kỷ-sa-cơ rất đau-buồn vì đứa con trai vừa bị chết, đến xin Đức Phật cho thuốc cứu sống. Đức Phật bảo, hãy tìm một mớ hột cải ở gia-đình nào chẳng hề có người chết, đem về Đức Phật sẽ cho thuốc. Hột cải thì có, mà gia-đình chẳng người chết thì không. Khi trở lại gặp Đức Phật, bà Kỷ-sa-cơ được Phật dạy rằng: "Nầy Kỷ-sa-cơ, bà cứ tưởng chỉ có bà mới mất một đứa con thôi hay sao. Thần Chết đến mọi nhà, chẳng chừa ai, lôi họ đi ngay, trước khi đạt được một sở-nguyện nào."

Rồi Đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây:

Kẻ nào tâm-ý đắm-say
Cả đàn gia-súc, cả bầy cháu con.
Thần Chết bắt người còn mê đó,
Như làng đang ngủ, có lụt to.
(Kệ số 287.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Kỷ-sa-cơ: tên ngươi nầy, tiếng Pali là Kisàgotamì.

- Sở-nguyện: Sở = chỗ; Nguyện = điều mong-muốn. Sở-nguyện điều ao-ước muốn có được.

- Gia-súc: Gia = nhà, Súc = thú-vật. Gia-súc là thú-vật nuôi trong nhà, như heo gà, vịt, trâu, bò.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Xin xem lại Tích chuyện đầy-đủ cùng Ý-nghĩa ở bài số (93), nơi các trang từ 299 đến 301 của Tập 2.

(2) Ý-nghĩa của bài kệ số 287:

Bài Kệ mang ý-nghĩa nầy: người còn đang say-đắm, mê-luyến về tài-sản, về con cháu, sẽ bị Thần Chết đến dẫn đi một cách bất-ngờ, cũng như dân-chúng trong làng đang ngủ say, bị cơn lụt to nửa đêm thình-lình cuốn trôi ra biển. Kết-luận: nên sớm chấm-dứt tham-luyến.

(213).- Tích chuyện bà Phả-tha-ca.

Tích chuyện nầy giống với Tích chuyện số (92).

Vào một thời kia, Đức Phật ngụ tại chùa Kỳ-viên, nước Xá-vệ, trong một kỳ giảng-pháp, có đề-cập đến bà Phả-tha-ca.

Chỉ trong một buổi sáng, bà Phả-tha-ca bị mất cả chồng, lẫn hai con. Rồi lại hay tin cha, mẹ, anh chị em cũng đều chết hết, bà hoá ra mất trí. Đến khi gặp Đức Phật, bà tỉnh lại và được nghe Ngài dạy rằng: "Nầy Phả-tha-ca, trước cái chết, con-cái, cha mẹ, họ-hàng, thân-hữu cũng chẳng thể làm gì để giúp đỡ được. Người hiền-trí, ngay khi còn khoẻ-mạnh, biết giữ-gìn giới-luật, và dọn-dẹp cho thật sạch-sẽ các chướng-ngại trên con đường đưa tới Niết-Bàn."

Rồi Đức Phật mới nói lên hai bài Kệ sau đây:

Một khi Thần Chết bắt mang đi,
Con cái, mẹ cha giúp được gì?
Cả trong vòng bà con, thân-hữu,
Ai là người bảo-bọc, hộ-trì?
(Kệ số 288.)

Người hiền-trí biết rành như thế,
Giới-luật giữ-gìn thật nghiêm-minh,
Mau khai quang chướng-ngại sạch-sẽ,
Dẫn đường tới Niết-Bàn vô-sanh.
(Kệ số 289.)

TÌM HIỂU:

A.- Nghĩa Chữ:

- Phả-tha-ca: tên người nầy, tiếng Pali là Patàcàrà.

- Thân-hữu = bạn-bè.

- Hiền-trí: Hiền = hiền-lành; Trí = trí-huệ. Danh-từ Hiền-trí trong Phật-học chỉ vào người thông-hiểu Chánh-pháp, dạy lại cho kẻ khác; còn được gọi là bực Thiện-tri-thức.

- Giới-luật: các điều răn-cấm trong Đạo.

- Chướng-ngại = cản-trở. Các chướng-ngại làm cản-trở con đường đưa đến Niết-Bàn? Đó là mối độc to lớn: tham, sân, si. Cũng có thể nói đó là tam chướng, gồm có: (1) phiền-não-chướng ( =phiền-não như tham, sân, si, mạn, nghi, v.v.); (2) sở-tri-chướng ( = các sự hiểu-biết sai-lầm); (3) báo-chướng (chướng-ngại do tấm thân năm uẩn còn chịu nghiệp-báo).

- Hộ-trì: Hộ = bảo-hộ, bao-bọc; Trì = giữ-gìn. Hộ-trì là giúp-đỡ.

- Khai-quang = dọn dẹp cho trống-trải.

- Niết-bàn: cảnh-giới an-vui, tịch-tĩnh, tự-tại của người đã dứt trừ phiền-não và chứng được Vô-sanh. Theo giáo-lý Nam-tông, có hai thứ Niết-Bàn: (1) Hữu-dư Niết-Bàn, người chứng được còn chịu nốt nghiệp-báo của tấm thân năm uẩn (Tiếng Pali là Sopàdisesa Nibbàna Dhàtu); (2)Vô-dư Niết-Bàn, người chứng được vô-sanh, đã trút bỏ tấm thân năm uẩn, tự-tại trong tịch-diệt. (Tiếng Pali là Anupadisesa Nibbàna Dhàtu).

- Vô-sanh: Vô = chẳng; Sanh = sanh trở lại cõi Luân-hồi. Chứng được Vô-sanh là thoát khỏi vòng tái-sanh lẩn-quẩn của Luân-hồi lận-đận, được tự-tại trong cảnh an-lạc và vắng-vẻ.

B.- Nghĩa Ý:

(1) Ý-nghĩa của Tích chuyện:

Xin xem lại Tích chuyện đầy-đủ cùng Ý-nghĩa ở bài số (92), nơi các trang 294 đến 298), Tập 2.

(2) Ý-nghĩa của hai bài Kệ số 288 và 289:

Ý-nghĩa của bài Kệ số 288: đến khi gần chết, chẳng có ai giúp-đỡ mình khỏi chết cả, dầu đó là con cái, cha mẹ, anh chị em, họ-hàng hay bạn-bè. Tại sao? Vì chẳng ai đã sanh ra mà lại khỏi chết cả; có sanh tất phải có chết.

Bài Kệ số 289 khuyên ta hai điều: (1) giữ giới-luật cho thật nghiêm-minh, để thanh-lọc thân-tâm, sống trong giới-đức vẹn-toàn; (2) dọn-dẹp thật sạch-sẽ các chướng-ngại, trên con đường đưa tới cảnh Niết-Bàn. Ba món độc lớn tham, sân, si là các chướng-ngại lớn nhứt.

Người chứng vô-sanh, hết bị tái-sanh, làm sao mà chết nữa được?

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04

 

Chân thành cám ơn đạo hữu Thiện Nhựt đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 10-2007)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 25-10-2007