Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

TÌM HIỂU
PHƯỚC BỐ THÍ

Dhammarakkhita Bhikkhu
(Tỳ khưu Hộ Pháp)


Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

Bố thí – Kết quả

Thí chủ có tác ý thiện tâm sử dụng của cải đem làm phước thiện bố thí, ban bố phân phát cho mọi người khác, chúng sinh khác với tâm từ, tâm bi tế độ chúng sinh. Ðó là phước thiện bố thí.

Phước thiện bố thí này có kết quả nhiều hay ít, còn tuỳ thuộc vào 3 điều kiện (chi pháp).

1- Thí chủ có tác ý thiện tâm bố thí.
2- Vật bố thí.
3- Người thọ thí.

Ðức Phật ví dụ:

Thí chủ ví như người nông dân.
Vật bố thí ví như hạt giống.
Người thọ thí ví như thửa ruộng, đất....

- Trường hợp người nông dân có chuyên môn, biết thời vụ, có hạt giống tốt, gieo trồng thửa ruộng màu mỡ, chắc chắn kết quả thu hoạch được nhiều.

Cũng như vậy,

- Thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch, hoan hỉ suốt trong ba thời:

Trước khi làm phước thiện bố thí.
Ðang khi làm phước thiện bố thí.
Sau khi đã làm phước thiện bố thí xong.

- Có vật bố thí hợp pháp, phát sanh do chánh nghiệp.

- Người thọ thí là bậc có giới đức trong sạch thanh tịnh.

Như vậy, phước thiện bố thí ấy chắc chắn có qủa báu nhiều trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.

- Trường hợp người nông dân không có chuyên môn, có hạt giống xấu, gieo trồng nơi thửa ruộng xấu, không màu mỡ; kết quả thu hoạch không được nhiều.

Cũng như vậy,

- Thí chủ có tác ý thiện tâm không hoàn toàn trong sạch suốt trong ba thời:

Trước khi làm phước bố thí.
Ðang khi làm phước bố thí.
Sau khi đã làm phước bố thí xong.

- Có vật bố thí không hợp pháp, phát sanh do tà nghiệp.

- Người thọ thí là người không có giới trong sạch, phá giới.

Như vậy, phước thiện bố thí ấy có quả báu không nhiều, không đáng hài lòng trong kiếp hiện tại lẫn kiếp vị lai.

Qua hai trường hợp trên, chúng ta nhận thấy rõ quả báu của phước thiện khác nhau.

Chúng ta làm phước thiện bố thí có nên chọn lựa hay không?

Ðể thành tựu phước thiện bố thí cần có đầy đủ 3 điều kiện (3 chi pháp): thí chủ có tác ý thiện tâm bố thí, vật bố thí, người thọ thí. Nếu thiếu một điều kiện (chi) nào, thì không thành tựu phước thiện bố thí.

Ví dụ:

Thí chủ có tác ý thiện tâm bố thí, có vật bố thí, nhưng không có người thọ thí, thì phước thiện bố thí không thành tựu.

Cho nên, muốn làm phước thiện bố thí, chúng ta cần phải tìm cho đủ 3 điều kiện trên. Chúng ta nên ý thức rằng: tạo phước thiện bố thí là một điều thiết yếu cho mình, có khi có cơ hội tốt đến với mình, có khi chính mình phải tìm lấy cơ hội, miễn sao cho đủ 3 điều kiện:

Thí chủ có tác ý thiện tâm bố thí.
Vật bố thí.
Người thọ thí.

Trong 3 điều kiện này, điều kiện quan trọng: tác ý thiện tâm bố thí, với thiện tâm hoan hỉ trong sạch suốt 3 thời kỳ: trước khi bố thí, đang khi bố thí, sau khi đã bố thí rồi; cả 3 thời kỳ này với thiện tâm trong sạch, thanh tịnh, không bị ô nhiễm bởi phiền não, thì dầu vật thí tốt hoặc xấu, hợp pháp hoặc không hợp pháp; và người thọ thí có giới đức hoặc không có giới đức, thì phước thiện bố thí cũng không ít.

Ví dụ:

Người nông dân có chuyên môn, biết thời vụ, dầu có hạt giống xấu, thửa ruộng không màu mỡ nhiều. Song người nông dân biết bón phân đúng lúc đúng thời, biết cho nước vào, biết xả nước ra, biết chăm sóc cây cho tốt. Như vậy, kết quả thu hoạch cũng không ít.

Cũng như vậy, thí chủ có tác ý thiện tâm bố thí trong sạch, có đức tin về nghiệp và quả của nghiệp, có trí tuệ sáng suốt hiểu biết rõ thiện nghiệp là của quý báu riêng mình; có cơ hội bố thí để tạo phước thiện là một điều tốt lành. Thí chủ có tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỉ trước khi bố thí, hoan hỉ đang khi bố thí, hoan hỉ sau khi đã bố thí xong. Sự thành tựu phước thiện bố thí với tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỉ đầy đủ ba thời kỳ như vậy, dù vật thí như thế nào (tốt hoặc xấu) hoặc người thọ thí như thế nào (có giới đức hoặc không có giới đức), phước thiện bố thí cũng không ít, kết quả cũng đáng hài lòng.

Như trường hợp Ðức Bồ Tát Vessantara bố thí hai đứa con là hoàng tử Jāli và công chúa Kaṇhā đến cho Bà la môn Jūjaka tàn nhẫn (không có giới), để tạo pháp hạnh bố thí ba la mật, thế mà phước thiện bố thí ấy cũng làm cho trái đất rung chuyển.

Bố thí người không có giới đức kết quả như thế nào?

Thí chủ bố thí đến người không có giới đức, cũng như người nông dân gieo trồng hạt giống trên thửa ruộng, đất xấu.

Tìm hiểu tích Cūḷaseṭṭhipetavatthu: tích ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi (tiểu phú hộ) [Khuddakanikāya, Petavatthu], tóm lược như sau:

Trong kinh thành Bārāṇasī có một tiểu phú hộ tên Cūḷaseṭṭhi là người không có đức tin, tâm bỏn xẻn keo kiệt, không bố thí của cải đến mọi người, mọi chúng sinh, tâm tham lam say đắm trong của cải, còn là người không có giới. Cho nên sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sanh làm loài ngạ quỷ cũng có tên là Cūḷaseṭṭhipeta (ngạ quỷ tiểu phú hộ), có thân hình gầy ốm da bọc xương, xanh xao, đầu trọc, trần truồng đói khát trông thảm thương. Y nghe tin người con gái tên Anulā ở nhà chồng trong tỉnh thành Andhakavinda có làm phước bố thí, để hồi hướng đến ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì... những người thân bằng quyến thuộc đã quá vãng.

Ban đêm ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi bay ngang qua kinh thành Rājagaha, khi ấy, đức vua Ajātasattu không ngủ được, nên đi kinh hành ở hành lang lâu đài, nhìn thấy ngạ quỷ bay ngang qua, bèn hỏi rằng:

- Này nhà ngươi, ngươi có phải là tu sĩ loã thể, gầy ốm do ác nghiệp nào vậy? Giữa đêm khuya này ngươi đi đâu? Ngươi hãy nói cho ta rõ, ta có thể giúp đỡ gì cho nhà ngươi?

Khi nghe Ðức Vua truyền dạy, ngạ quỷ tâu rằng:

- Tâu Ðại vương, trước đây, trong kinh thành Bārāṇasī, con là một tiểu phú hộ giàu nổi tiếng, phần đông ai cũng biết đến, con là người bỏn xẻn keo kiệt, không chịu bố thí, phân phát của cải đến một ai; con có tánh tham lam, say mê trong của cải của mình, không có đức tin, không có giới. Sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sanh trong hàng ngạ quỷ, chịu cảnh đói khát triền miên, sự đói khát luôn luôn dày vò đau khổ.

Ngoài con ra, còn có nhiều người khác có tâm bỏn xẻn keo kiệt, không bố thí, không tin quả báu của phước thiện bố thí, những hạng người ấy sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sanh vào loài ngạ quỷ chịu cảnh khổ đói khát như con.

Con được tin con gái của con có tác ý thiện tâm muốn làm phước bố thí đến nhóm Bà la môn, để hồi hướng phần phước thiện ấy đến ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì,... thân bằng quyến thuộc đã quá vãng. Do đó, con bay đến kinh thành Andhakavinda để chờ hoan hỉ phần phước thiện bố thí ấy, với hy vọng mong thoát khỏi cảnh khổ kiếp ngạ quỷ này.

Ðức Vua truyền dạy rằng:

- Này nhà ngươi, nếu ngươi thọ hưởng được phần phước thiện bố thí, mà thân quyến hồi hướng thật sự, thì ngươi hãy trở lại báo cho ta biết đúng theo sự thật, để ta cũng tạo phước thiện bố thí rồi hồi hướng đến thân quyến của ta đã quá vãng.

Ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi xin tuân theo lệnh của Ðức Vua xong, bay thẳng đến kinh thành Andhakavinda. Nhưng y thọ hưởng được phần phước thiện bố thí ấy không đáng kể, vì nhóm Bà la môn ấy là những người không có giới đức. Cho nên, ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi trở lại kinh thành Rājagaha, hiện ra trước mặt đức vua Ajātasattu tâu rằng:

- Tâu Ðại Vương, con hưởng được phần phước thiện bố thí không đáng kể, bởi vì nhóm Bà la môn không có giới đức trong sạch.

Ðức Vua truyền dạy rằng:

- Này nhà ngươi, ta muốn cứu giúp ngươi thoát khỏi cảnh khổ, được sống an lạc đầy đủ lâu dài. Vậy, ta nên làm phước thiện bố thí như thế nào? Ngươi hãy nói cho ta biết?

Ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi tâu với Ðức Vua rằng:

- Tâu Ðại Vương, Ðại Vương có tâm bi mẫn cứu giúp con, xin Ðại Vương làm phước thiện bố thí cúng dường vật thực, nước, y đến Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng. Xong rồi, xin Ðại Vương hồi hướng phần phước thiện bố thí ấy đến cho con. Khi con được hoan hỉ phần phước thiện bố thí ấy rồi, do nhờ năng lực phước thiện ấy, con được giải thoát khỏi kiếp ngạ quỷ đói khát, được tái sanh cõi thiện giới hưởng được sự an lạc lâu dài.

Vào ngày hôm sau, Ðức Vua làm phước thiện bố thí vật thực, nước, y cúng dường đến Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng xong, Ðức Vua bạch với Ðức Phật rằng:

- Con xin hồi hướng phần phước bố thí này đến ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi. Xin ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi hoan hỉ phần phước thiện bố thí này.

Ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi hoan hỉ phần phước bố thí ấy, ngay tức khắc, thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, hoá sanh trở thành vị thiên nam, hiện ra trước mặt Ðức Vua tâu rằng:

- Tâu Ðại Vương, nay con đã trở thành thiên nam, xin Ðại Vương xem con, con có đầy đủ vật thực, y phục, lâu đài, sự an lạc... của chư thiên. Những quả báu này phát sanh do phước thiện bố thí mà Ðại Vương đã hồi hướng cho con.

Con cầu mong Ðại Vương được hưởng sự an lạc cao cả trong loài người, con hết lòng thành kính tri ân Ðại Vương, con xin phép trở về cảnh giới của con.

Qua câu truyện ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi xét thấy rằng:

Kiếp ngạ quỷ chỉ còn biết trông chờ đến phần phước thiện, mà bà con thân quyến hồi hướng đến cho họ mà thôi.

Kiếp sống con người có tính chất đặc biệt hơn các chúng sinh khác là: thừa hưởng quả của thiện nghiệp, ác nghiệp. Cho nên, con người có khi được an lạc đó là quả của thiện nghiệp, có khi chịu khổ đau đó là quả của ác nghiệp. Con người đặc biệt có khả năng tạo mọi phước thiện như: bố thí, giữ giới, hành thiền định, hành thiền tuệ...; cũng có khả năng tạo ác nghiệp do thân, khẩu, ý như: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc, chia rẽ, nói lời thô tục, chửi rủa mắng nhiếc, nói lời vô ích, có tánh tham lam, có tánh thù hận, có tà kiến; có khả năng tạo thiện nghiệp do thân, khẩu, ý như: tránh xa sự sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục chửi rủa mắng nhiếc, nói lời vô ích, có tánh không tham lam, có tánh không thù hận, có chánh kiến.

Con người được giàu sang, phú quý có nhiều của cải, có quyền cao, chức trọng... những gì hiện hữu có thể thấy được bằng mắt, nghe bằng tai... tất cả đều không phải là phước thiện, đó chỉ là quả báu của phước thiện mà thôi. Chủ nhân có thể thọ hưởng các quả báu bằng mọi thứ của cải ngay trong kiếp hiện tại, cho đến cuối cùng của kiếp sống hiện tại (chết). Những thứ của cải trong kiếp hiện tại không liên quan gì đến kiếp sau. Kiếp sau là do thiện nghiệp hay ác nghiệp cho quả tái sanh:

* Nếu thiện nghiệp, thì cho quả tái sanh cõi thiện giới như: tái sanh làm người cõi người, hoặc tái sanh làm chư thiên cõi trời dục giới, hoặc tái sanh làm phạm thiên cõi trời sắc giới hay vô sắc giới, tuỳ theo thiện nghiệp của mình đã tạo, rồi hưởng sự an lạc tuỳ theo năng lực của thiện nghiệp ấy.

* Nếu ác nghiệp cho quả tái sanh trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh) chịu khổ do nghiệp ác của mình đã tạo.

Ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi ghi nhớ được tiền kiếp của mình là tiểu phú hộ bỏn xẻn keo kiệt, có tánh tham lam say đắm trong của cải của mình, không muốn sử dụng của cải của mình đem làm phước bố thí, ban bố phân phát đến mọi người, mọi chúng sinh, còn là người không có giới. Do đó, sau khi chết do ác nghiệp ấy cho quả tái sanh trong hàng ngạ quỷ, phải chịu cảnh đói khát khốn khổ.

Ban đầu chính ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi tỏ vẻ thất vọng, bởi vì người con gái làm phước bố thí đến nhóm Bà la môn không có giới, nên hưởng được phước thiện không đủ để có khả năng thoát khỏi kiếp ngạ quỷ đói khát đau khổ.

Về sau nhờ đức vua Ajātasattu làm phước thiện bố thí cúng dường đến Ðức Phật cùng chư Ðại Ðức Tăng, rồi hồi hướng đến ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi. Ngạ quỷ Cūḷaseṭṭhi hoan hỉ phần phước thiện bố thí, mà đức vua Ajātasattu hồi hướng đến cho y; do nhờ năng lực phước thiện này, ngay khi ấy, y thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, tái sanh bằng hoá sanh thành thiên nam có nhiều oai lực và hưởng mọi sự an lạc nơi cõi trời ấy.

Bố Thí Trong Phật Giáo – Ngoài Phật Giáo

Phước thiện bố thí trong Phật giáo có quả báu nhiều, có năng lực mạnh hơn phước thiện bố thí ngoài Phật giáo, hoặc thời kỳ không có Phật giáo.

Tích Ngài Ðại Ðức Mahākassapa và đức vua trời Sakka cõi Tam thập tam thiên tóm lược như sau:

Ngài Ðại Ðức Mahākassapa nhập diệt thọ tưởng định suốt 7 ngày, đến ngày thứ 7 xả định, Ngài đi khất thực với tâm bi tế độ những người nghèo khổ. Khi ấy, từ cõi Tam thập tam thiên có 500 thiên nữ là những thiên nữ hầu hạ của đức vua trời Sakka, hiện xuống cõi người, mỗi cô mỗi phần với tác ý thiện tâm để bát cho Ngài Ðại Ðức, nhưng Ngài từ chối không nhận vật thực của nhóm 500 thiên nữ. Ngài dạy rằng:

- Này các thiên nữ hãy tránh ra, bần Tăng đi khất thực để tế độ những người nghèo khổ.

Nhóm 500 thiên nữ không để bát được, buồn tủi trở về cõi trời tâu với đức vua trời Sakka:

- Chúng tiện thiếp hiện xuống cõi người với tác ý thiện tâm làm phước thiện bố thí để bát Ngài Ðại Ðức Mahākassapa vừa xả diệt thọ tưởng định hôm nay, nhưng Ngài từ chối, không nhận những vật thực của chúng tiện thiếp, Ngài dạy rằng: Ngài chỉ thọ nhận những vật thực của người nghèo khổ, để tế độ họ mà thôi.

Nghe tâu như vậy, đức vua trời Sakka gọi hoàng hậu Sujātā cùng hiện xuống cõi người biến hóa thành đôi vợ chồng già yếu, nghèo khổ sống trong một căn nhà lá cũ mèm ở ven rừng, chờ Ngài Ðại Ðức Mahākassapa đi khất thực ngang qua nhà.

Ngài Ðại Ðức Mahākassapa vừa đến, đức vua trời Sakka trong hình dáng một ông lão nghèo khổ đầu bạc, lưng còm, đôi chân run rẩy, chống gậy gọi hoàng hậu Sujātā trong hình dáng một bà lão nghèo khổ như ông ra, hai ông bà già cúi đầu đảnh lễ, xin Ngài tế độ vợ chồng già nghèo nàn, xin cái bát của Ngài vào nhà để những vật thực ngon lành của họ.

Ðức vua trời Sakka và hoàng hậu Sujātā để những món vật thực vào bát của Ngài Ðại Ðức Mahākassapa, mùi hương thơm của vật thực tỏa khắp kinh thành Rājagaha; hai vợ chồng nghèo nàn đem bát ra dâng Ngài Ðại Ðức, Ngài nhận bát, mùi hương thơm tỏa ra. Ngài biết ngay vật thực này không phải vật thực của hai vợ chồng trong hình dáng người già nghèo khổ, mà sự thật chính là đức vua trời Sakka và hoàng hậu Sujātā, Ngài quở trách rằng:

- Này vua trời Sakka và hoàng hậu, bần Tăng có tâm bi muốn tế độ người nghèo khổ, tại sao hai người lại giành phước thiện của người nghèo?

- Kính bạch Ngài Ðại Ðức, chúng con cũng là người nghèo nàn, mặc dầu con là Vua trời trị vì toàn thể chư thiên trong cõi Tam thập tam thiên; nhưng chúng con làm phước thiện bố thí trong thời kỳ không có Phật giáo, không có chư Ðại Ðức Tăng, nên phước thiện bố thí của con nghèo nàn quá, bạch Ngài!

Con cảm thấy tủi phận mỗi khi gặp những vị chư thiên sanh lên cõi Tam thập tam thiên, do quả phước thiện bố thí trong kỳ Ðức Phật xuất hiện trên thế gian, bởi họ có hào quang sáng ngời tỏa khắp mọi phương hướng, có nhiều oai lực phi thường, khiến con phải né tránh. Tuy con làm vua mà phước báu không bằng thuộc hạ của mình.

Ngài Ðại Ðức dạy rằng:

- Này Ðức vua trời, kể từ nay về sau, nhà ngươi không nên giả dạng người nghèo làm phước bố thí đến bần Tăng như vậy nữa!

Ðức vua trời Sakka cùng hoàng hậu Sujātā đảnh lễ Ðại Ðức tỏ lòng tôn kính, tri ân Ngài, tán dương ca tụng ân đức của Ngài, rồi xin phép trở về cõi Tam thập tam thiên.

Do năng lực phước thiện bố thí để bát đến Ngài Ðại Ðức Mahākassapa, đức vua trời Sakka có được hào quang, oai lực không kém chư thiên khác.

Tích hai thiên nam Indaka và Ankura

Tích hai thiên nam Indaka và Ankura [Bộ Dhammapadaṭṭhakathā, trong tích Devorohaṇavatthu] tóm lược như sau:

Hai vị thiên nam này tiền kiếp đã từng làm phước thiện bố thí.

Tiền kiếp của vị thiên nam Ankura đã từng xây dựng trại làm phước thiện đại thí ngoài Phật giáo, thời kỳ không có Ðức Phật xuất hiện trên thế gian, không có chư Ðại Ðức Tăng suốt 10.000 năm.

Tiền kiếp của vị thiên nam Indaka đã từng làm phước thiện bố thí để bát đến Ngài Ðại Ðức Anuruddha một muỗng cơm, trong thời kỳ Phật giáo.

Mùa hạ thứ bảy, Ðức Phật ngự an cư nhập hạ suốt 3 tháng trên cung Tam thập tam thiên thuyết giảng Vi diệu pháp tạng để tế độ Phật mẫu (kiếp này làm thiên nam Santussita cõi trời Tusita xuống cõi Tam thập tam thiên), cùng chư thiên, phạm thiên.

Ðức Phật ngự trên tảng đá thuyết giảng. Khi ấy, vị thiên nam Indaka ngồi phía bên phải của Ðức Phật, còn thiên nam Ankura ngồi phía bên trái của Ðức Phật lắng nghe Vi diệu pháp.

Khi có vị chư thiên nhiều oai lực đến hội nghe Vi diệu pháp, thì vị thiên nam Ankura lùi lại sau nhường cho vị thiên nam ấy. Mỗi lần phải lùi lại sau nhường chỗ như vậy, vị thiên nam Ankura lùi ra cách xa Ðức Phật đến 12 do tuần [1 do tuần khoảng 20.482,56 mét hoặc 12,72 miles]. Trong khi đó vị thiên nam Indaka vẫn ngồi yên chỗ ngồi của mình gần Ðức Phật.

Qua tích truyện trên, để chúng ta thấy rõ rằng, vị thiên nam Indaka, tiền kiếp đã từng làm phước thiện để bát đến Ngài Ðại Ðức Anuruddha một muỗng cơm trong Phật giáo, mà năng lực quả báu hơn vị thiên nam Ankura tiền kiếp đã từng làm phước thiện đại thí suốt 10 ngàn năm thời kỳ ngoài Phật giáo.

Tích Bà la môn Velāma làm phước thiện bố thí

Trong kinh Velāmasutta [Bộ Aṅguttaranikāya, phần Navakanipāta], Ðức Phật thuyết giảng về Bà la môn Velāma làm phước thiện bố thí thời kỳ ngoài Phật giáo và thí chủ làm phước thiện bố thí trong Phật giáo có đoạn như sau:

- "Này phú hộ Anāthapiṇṇika, chuyện đã từng xảy ra, có Bà la môn Velāma làm phước thiện đại thí như:

Bố thí 84.000 mâm vàng đầy bạc (rūpiya).
Bố thí 84.000 mâm bạc đầy vàng.
Bố thí 84.000 mâm đồng đầy bạc.
Bố thí 84.000 con voi gồm đầy đủ đồ trang sức bằng vàng.
Bố thí 84.000 đồ trải bằng da sư tử, da cọp.
Bố thí 84.000 con bò sữa cùng với đồ đựng sữa.
Bố thí 84.000 cô gái trẻ đẹp cùng với đồ trang sức ngọc maṇi....
Bố thí 84.000 chiếc ghế ngồi có trang trí đồ quý giá.
Bố thí 84.000
x 10.000.000 vải đủ loại đặc biệt. Ngoài ra, bố thí đồ ăn, đồ uống,... không sao kể xiết.

Bà la môn Velāma chính là tiền thân của Như Lai, làm phước đại thí vào thời đại ấy không có bậc Xứng Ðáng Cúng Dường (thời đại không có Ðức Phật và chư Ðại Ðức Tăng).

Này ông phú hộ, người nào làm phước thiện bố thí đến vị Thánh Nhập Lưu có chánh kiến đầy đủ, người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn là làm phước thiện bố thí của Bà la môn Velāma.

Người nào làm phước thiện bố thí đến 100 vị Thánh Nhập Lưu, thì quả báu nhiều hơn là bố thí đến 1 vị Thánh Nhập Lưu.

Người nào làm phước thiện bố thí đến 1 vị Thánh Nhất Lai, thì quả báu nhiều hơn là bố thí đến 100 vị Thánh Nhập Lưu.

Người nào làm phước thiện bố thí đến 100 vị Thánh Nhất Lai, thì quả báu nhiều hơn là bố thí đến 1 vị Thánh Nhất Lai.

Người nào làm phước thiện bố thí đến 1 vị Thánh Bất Lai, thì quả báu nhiều hơn là bố thí đến 100 vị Thánh Nhất Lai.

Người nào làm phước thiện bố thí đến 100 vị Thánh Bất Lai, thì quả báu nhiều hơn là bố thí đến 1 vị Thánh Bất Lai.

Người nào làm phước thiện bố thí đến 1 vị Thánh A-ra-hán, thì quả báu nhiều hơn là bố thí đến 100 vị Thánh Bất Lai.

Người nào làm phước thiện bố thí đến 100 vị Thánh A-ra-hán, thì quả báu nhiều hơn là bố thí đến 1 vị Thánh A-ra-hán.

Người nào làm phước thiện bố thí đến 1 Ðức Phật Ðộc Giác thì quả báu nhiều hơn bố thí đến 100 vị Thánh A-ra-hán.

Người nào làm phước bố thí đến 100 Ðức Phật Ðộc Giác thì quả báu nhiều hơn là bố thí đến 1 Ðức Phật Ðộc Giác.

Người nào làm phước đến Ðức Phật Toàn Giác thì quả báu nhiều hơn là bố thí đến 100 Ðức Phật Ðộc Giác"....

Qua đoạn kinh trên, chúng ta nhận thấy sự khác biệt, mà có thể so sánh được quả báu của phước thiện bố thí ngoài Phật giáo và quả báu của phước thiện bố thí trong Phật giáo. Trong Phật giáo, quả báu cũng khác biệt giưõa các bậc Thánh thấp với bậc Thánh cao; giữa các bậc Thánh A-ra-hán với Ðức Phật Ðộc Giác, Ðức Phật Toàn Giác.

Như vậy, bậc nào có giới đức, định đức, tuệ đức, giải thoát đức, giải thoát tri kiến đức hoàn toàn trong sạch và thanh tịnh, thí chủ làm phước thiện bố thí đến bậc ấy có được nhiều phước thiện, có quả báu cao quý nhất.

Người Tại Gia Cư Sĩ

Người tại gia sinh sống bằng sức lao động của mình, để tạo ra của cải rồi hưởng thụ của cải ấy trong cuộc sống hằng ngày, có những điều đáng chê trách và đáng ca tụng.

Trong kinh Kāmabhogīsutta [Aṅgattaranikāya, Dasakanipāta], Ðức Phật dạy ông phú hộ Anāthapiṇṇika có đoạn:

"Này phú hộ, có 10 hạng người sống tại gia:

1- Hạng người tại gia lao động tạo ra của cải không hợp pháp, làm khổ chúng sinh; khi có được của cải rồi, không biết sử dụng của cải để nuôi nấng mình cho được an lạc; và cũng không biết đem của cải làm phước thiện bố thí giúp đỡ mọi người, mọi chúng sinh.

Hạng người tại gia này đáng chê trách 3 điều:

Chê trách: Tạo ra của cải một cách phi pháp, làm khổ chúng sinh.
Chê trách: Không biết nuôi nấng mình được an lạc.
Chê trách: Không biết làm phước thiện bố thí.

2- Hạng người tại gia lao động tạo ra của cải không hợp pháp, làm khổ chúng sinh; khi có được của cải rồi, biết sử dụng của cải để nuôi nấng mình được an lạc, nhưng không biết đem của cải làm phước thiện bố thí giúp đỡ mọi người, mọi chúng sinh.

Hạng người tại gia này đáng chê trách 2 điều, đáng ca tụng 1 điều:

Chê trách: Tạo ra của cải một cách phi pháp, làm khổ chúng sinh.
Chê trách: Không biết làm phước thiện bố thí.
Ca tụng: Biết sử dụng của cải nuôi nấng mình được an lạc.

3- Hạng người tại gia lao động tạo ra của cải không hợp pháp, làm khổ chúng sinh; khi có được của cải rồi, biết sử dụng của cải để nuôi nấng mình cho được an lạc; và biết đem của cải làm phước thiện bố thí giúp đỡ mọi người, mọi chúng sinh.

Hạng người tại gia này đáng chê trách 1 điều, đáng ca tụng 2 điều:

Chê trách: Tạo ra của cải một cách phi pháp, làm khổ chúng sinh.
Ca tụng: Biết sử dụng của cải nuôi nấng mình được an lạc.
Ca tụng: Biết đem của cải làm phước thiện bố thí.

4- Hạng người tại gia lao động tạo ra của cải không hợp pháp và hợp pháp, làm khổ chúng sinh và không làm khổ chúng sinh; khi có được của cải rồi, không biết sử dụng của cải để nuôi nấng mình cho được an lạc; và cũng không biết đem của cải làm phước thiện bố thí giúp đỡ mọi người, mọi chúng sinh.

Hạng người tại gia này đáng chê trách 3 điều, đáng ca tụng 1 điều:

Chê trách: Tạo ra của cải một cách phi pháp, làm khổ chúng sinh.
Chê trách: Không biết nuôi nấng mình được an lạc.
Chê trách: Không biết làm phước thiện bố thí.
Ca tụng: Tạo ra của cải một cách hợp pháp, không làm khổ chúng sinh.

5- Hạng người tại gia lao động tạo ra của cải không hợp pháp và hợp pháp, làm khổ chúng sinh và không làm khổ chúng sinh; khi có được của cải rồi, biết sử dụng của cải để nuôi nấng mình cho được an lạc; nhưng không biết đem của cải làm phước thiện bố thí giúp đỡ mọi người, mọi chúng sinh.

Hạng người tại gia này đáng chê trách 2 điều, đáng ca tụng 2 điều:

Chê trách: Tạo ra của cải một cách phi pháp, làm khổ chúng sinh.
Chê trách: Không biết làm phước thiện bố thí.
Ca tụng: Tạo ra của cải một cách hợp pháp, không làm khổ chúng sinh.
Ca tụng: Biết sử dụng của cải nuôi nấng mình được an lạc.

6- Hạng người tại gia lao động tạo ra của cải không hợp pháp và hợp pháp, làm khổ chúng sinh và không làm khổ chúng sinh; khi có được của cải rồi, biết sử dụng của cải để nuôi nấng mình cho được an lạc; và biết đem của cải làm phước thiện bố thí giúp đỡ mọi người, mọi chúng sinh.

Hạng người tại gia này đáng chê trách 1 điều, đáng ca tụng 3 điều:

Chê trách: Tạo ra của cải một cách phi pháp, làm khổ chúng sinh.
Ca tụng: Tạo ra của cải một cách hợp pháp, không làm khổ chúng sinh.
Ca tụng: Biết sử dụng của cải nuôi nấng mình được an lạc.
Ca tụng: Biết đem của cải làm phước thiện bố thí.

7- Hạng người tại gia lao động tạo ra của cải hợp pháp, không làm khổ chúng sinh; khi có được của cải rồi, không biết sử dụng của cải để nuôi nấng mình cho được an lạc, và cũng không biết đem của cải làm phước thiện bố thí giúp đỡ mọi người, mọi chúng sinh.

Hạng người tại gia này đáng chê trách 2 điều và đáng ca tụng 1 điều:

Ca tụng: Tạo ra của cải một cách hợp pháp, không làm khổ chúng sinh.
Chê trách: Không biết nuôi nấng mình được an lạc.
Chê trách: Không biết làm phước thiện bố thí.

8- Hạng người tại gia lao động tạo ra của cải hợp pháp, không làm khổ chúng sinh; khi có được của cải rồi, biết sử dụng của cải để nuôi nấng mình cho được an lạc, nhưng không biết đem của cải làm phước thiện bố thí giúp đỡ mọi người, mọi chúng sinh.

Hạng người tại gia này đáng chê trách 1 điều và đáng ca tụng 2 điều:

Ca tụng: Tạo ra của cải một cách hợp pháp, không làm khổ chúng sinh.
Ca tụng: Biết sử dụng của cải nuôi nấng mình được an lạc.
Chê trách: Không biết làm phước thiện bố thí.

9- Hạng người tại gia lao động tạo ra của cải hợp pháp, không làm khổ chúng sinh; khi có được của cải rồi, biết sử dụng của cải để nuôi nấng mình cho được an lạc; và cũng biết đem của cải làm phước thiện bố thí giúp đỡ mọi người, mọi chúng sinh; nhưng tâm còn tham đắm say mê, bị ràng buộc trong dục lạc ngũ trần; không thấy rõ tội lỗi của ngũ trần, không có trí tuệ cứu giúp mình giải thoát sự ràng buộc của ngũ trần.

Hạng người tại gia này đáng chê trách 1 điều và đáng ca tụng 3 điều:

Ca tụng: Tạo ra của cải một cách hợp pháp, không làm khổ chúng sinh.
Ca tụng: Biết sử dụng của cải nuôi nấng mình được an lạc.
Ca tụng: Biết đem của cải làm phước thiện bố thí.

Chê trách: Là người có tâm tham đắm, say mê, bị ràng buộc trong dục lạc ngũ trần, không thấy rõ tội lỗi của ngũ trần, không có trí tuệ cứu giúp mình giải thoát sự ràng buộc của ngũ trần.

10- Hạng người tại gia lao động tạo ra của cải hợp pháp, không làm khổ chúng sinh; khi có được của cải rồi, biết sử dụng của cải để nuôi nấng mình cho được an lạc; và biết đem của cải làm phước thiện bố thí giúp đỡ mọi người, mọi chúng sinh; đặc biệt tâm không tham đắm say mê, không bị ràng buộc trong dục lạc ngũ trần, có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ thực tánh các pháp, không bị ràng buộc trong ngũ trần và không chấp thủ trong ngũ trần.

Hạng người tại gia này đáng ca tụng đầy đủ 4 điều:

Ca tụng: Tạo ra của cải một cách hợp pháp, không làm khổ chúng sinh.
Ca tụng: Biết sử dụng của cải nuôi nấng mình được an lạc.
Ca tụng: Biết đem của cải làm phước thiện bố thí.
Ca tụng: Là người không có tâm tham đắm, say mê, không bị ràng buộc trong dục lạc ngũ trần, có trí tuệ thấy tội lỗi của ngũ trần, có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ thực tánh các pháp, không bị ràng buộc trong ngũ trần và không chấp thủ trong ngũ trần.

Bố Thí Tạo Tội Lỗi

Bố thí là việc làm sử dụng của cải đem ra ban bố, phân phát đến người khác, chúng sinh khác, về hình thức xem như là việc đối xử tốt. Việc bố thí để tạo phước thiện hay tạo tội lỗi còn tuỳ thuộc vào tác ý kết quả của nó.

Nếu bố thí với tác ý thiện tâm, có những vật thí nào đem lại cho người thọ thí, hoặc thí chủ, hoặc cả hai (người thọ thí và thí chủ) sự an lạc lâu dài, thì việc bố thí ấy tạo phước thiện, không tạo tội lỗi.

Nếu bố thí với tác ý bất thiện, có những vật thí nào đem lại cho người thọ thí, hoặc thí chủ, hoặc cả hai (người thọ thí và thí chủ) sự khổ não lâu dài, thì việc bố thí ấy tạo tội lỗi, không phải tạo phước thiện.

Trong bộ Milindapañhā: Ðức vua Milinda vấn đạo, có đề cập đến 10 vật bố thí có tội là:

1- Majjadāna: bố thí rượu, chất say, ma tuý, heroin, thuốc phiện, thuốc lá, v.v....
2- Samajjadāna: bố thí lễ hội vui chơi, say mê....
3- Itthidāna: bố thí kỹ nữ ăn chơi truỵ lạc....
4- Usabhadāna: bố thí bò đực giao cấu với bò cái.
5- Cittakammadāna: bố thí những tranh ảnh khiêu dâm.
6- Satthadāna: bố thí vũ khí sát sanh.
7- Visadāna: bố thí thuốc độc sát sanh.
8- Sankhālikādāna: bố thí xiềng xích, gông cùm.
9- Kukkuṭasūkāradāna: bố thí gà heo để làm thịt.
10- Tulākūṭamānakūṭadāna: bố thí cân thiếu (trọng lượng), thước đo thiếu.

Những vật bố thí trên làm cho người thọ thí phải phạm giới, phát sanh phiền não, ác pháp, thiện pháp không thể phát sanh. Như vậy, dầu thí chủ có tác ý tốt như thế nào, sự thật những vật thí đem lại sự tai hại cho người thọ thí, thì sự bố thí ấy chắc chắn không phải tạo nên phước thiện, chỉ tạo nên tội lỗi ác nghiệp mà thôi. Do đó, thí chủ phải chịu khổ kiếp hiện tại; sau khi chết, do ác nghiệp ấy cho quả tái sanh trong 4 cõi ác giới: địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh phải chịu khổ do ác nghiệp của mình đã tạo.

Xét về vật bố thí: vàng, bạc, tiền bạc

Ðối với người tại gia vàng, bạc, tiền bạc là thứ rất cần thiết trong cuộc sống, dùng để mua bán trao đổi hàng hoá hằng ngày. Thí chủ đem vàng, bạc, tiền bạc bố thí giúp đỡ những người tại gia với nhau là việc làm phước thiện.

Ðối với hàng xuất gia là Sa di, Tỳ khưu thì vàng, bạc, tiền bạc là thứ không hợp với giới luật của Sa di, Tỳ khưu mà Ðức Phật đã chế định như:

- Trong Sa di thập giới, giới thứ 10, Ðức Phật chế định ban hành rằng:

"Jātarūpa - rajata - paṭiggahanā veramaṇi-sikkhāpadaṃ samādiyāmi".
"Con xin thọ trì điều học là tác ý tránh xa sự thọ nhận vàng, bạc".

Ðức Phật đã chế định ban hành đến cho tất cả Sa di, Sa di phải nghiêm chỉnh thực hành theo, không được phạm giới, phá giới.

Nếu Sa di nào thọ nhận vàng, bạc, tiền bạc, Sa di ấy phạm giới thứ 10 của Sa di.

- Trong Bhikkhupātimokkha, Tỳ khưu giới gồm có 227 điều học, trong phần 30 giới Nissaggiya pācittiya, điều giới thứ 18 Ðức Phật chế định ban hành rằng:

18- "Yo pana bhikkhu jātarūpa rajataṃ uggaṇheyya vā uggaṇhāpeyya vā upanikkhittaṃ vā sādiyeyya, nissaggiyaṃ pācittiyaṃ".

"Tỳ khưu nào tự mình thọ nhận vàng, bạc (tiền bạc) hoặc sai người thọ nhận vàng, bạc, hoặc hài lòng hoan hỉ vàng, bạc (tiền bạc) cất giữ dành cho riêng mình, Tỳ khưu ấy phạm giới pācittiya, cần phải xả bỏ vàng, bạc (tiền bạc) ấy".

19- "Yo pana bhikkhu nānappakārakaṃ rūpiyasaṃvohāraṃ samāpajjeyya, nissaggiyaṃ pācittiyaṃ".

"Tỳ khưu nào dùng tiền bạc (vàng, bạc) mua sắm thứ vật dụng nào, Tỳ khưu ấy phạm giới pācittiya, cần phải xả bỏ thứ vật dụng ấy".

20- "Yo pana bhikkhu nānappakārakaṃ kayavikkhayaṃ samāpajjeyya, nissaggiyaṃ pācittiyaṃ".

"Tỳ khưu nào mua bán, trao đổi, Tỳ khưu ấy phạm giới pācittiya, cần phải xả bỏ thứ vật dụng ấy".

[Bhikkhupātimokkhapāḷi, phần Nissaggiya pācittaya]

Ðức Phật đã chế định giới điều và ban hành đến tất cả Tỳ khưu, Tỳ khưu cần phải nghiêm chỉnh hành theo, không được phạm giới, phá giới.

Trường hợp phạm giới - cách sám hối

Nếu vị Tỳ khưu nào thọ nhận vàng, bạc (tiền bạc) riêng cho mình; trước tiên, cần phải xả bỏ vàng, bạc (tiền bạc) ấy, đúng theo cách thức mà Ðức Phật đã chế định trong giới luật của Tỳ khưu; sau đó, vị Tỳ khưu ấy mới được phép sám hối với một vị Tỳ khưu khác không có sabhāgāpatti [*] theo cách phạm giới pācittiya. Sau khi làm lễ sám hối xong, vị Tỳ khưu ấy có giới trong sạch trở lại.

[*] Sabhāgāpatti: Hai vị Tỳ khưu phạm giới có cùng đối tượng như nhau.Ví dụ: một vị giết muỗi, một vị giết kiến, hai vị Tỳ khưu này đều phạm giới pācittaya, không được phép sám hối với nhau.

Nếu vị Tỳ khưu nào dùng tiền bạc mua sắm thứ vật dụng nào dùng cho mình; trước tiên, cần phải xả bỏ thứ vật dụng ấy, đúng theo cách thức mà Ðức Phật đã chế định trong giới luật của Tỳ khưu; sau đó, vị Tỳ khưu ấy mới được phép sám hối với một vị Tỳ khưu khác không có sabhāgāpatti theo cách phạm giới pācittiya. Sau khi làm lễ sám hối xong, vị Tỳ khưu ấy có giới trong sạch trở lại.

Nếu vị Tỳ khưu nào mua bán, trao thứ vật dụng đổi không hợp với giới luật của Tỳ khưu; trước tiên, cần phải xả bỏ thứ vật dụng ấy, đúng theo cách thức mà Ðức Phật đã chế định trong giới luật của Tỳ khưu; sau đó, vị Tỳ khưu ấy mới được phép sám hối với một vị Tỳ khưu khác không có sabhāgāpatti theo cách phạm giới pācittiya. Sau khi làm lễ sám hối xong, vị Tỳ khưu ấy có giới trong sạch trở lại.

Trong giới luật Tỳ khưu, vị Tỳ khưu nào dùng tiền bạc mua sắm một thứ vật dụng nào dùng cho mình, thứ vật dụng ấy là vật làm cho phạm giới, không chỉ vị Tỳ khưu ấy không được phép sử dụng, mà còn các vị Tỳ khưu khác cũng không được phép sử dụng; thậm chí đem cho thứ vật dụng ấy đến vị Sa di, thì vị Sa di ấy cũng không được phép sử dụng nữa.

Như vậy, những thứ vàng, bạc, tiền bạc , vật dụng nào là vật làm cho phạm giới Tỳ khưu, Tỳ khưu cần phải xả bỏ những thứ ấy đúng theo cách thức của mỗi vật, mà Ðức Phật đã chế định trong giới luật của Tỳ khưu. Nếu vị Tỳ khưu nào không chịu xả bỏ thứ vật dụng ấy, thì dầu cho vị Tỳ khưu ấy có sám hối āpatti bao nhiêu lần đi nữa cũng không thể thoát khỏi āpatti (phạm giới).

Tai hại của sự phạm giới

Vị Tỳ khưu nào phạm giới: dầu giới nặng hay nhẹ, như giới tác ác, giới ác khẩu, thì vị Tỳ khưu ấy bị trở ngại cho sự tiến hóa trong mọi thiện pháp, nhất là trở ngại cho sự tiến hành thiền định tiến hành thiền tuệ, trở ngại cho sự chứng đắc các bậc thiền, Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn.

Trong Chú giải dạy:

"Āpannā āpattiyo’ti, sañcicca vītikkantā satta āpattikkhandhā, sañcicca vītikkantañhi antamaso dukkaṭadubbhāsitampi saggamagga-phalānaṃ antarāyaṃ karoti..." [Bộ Maṅgalatthadīpanī, phần Vinayakathā]

"Āpannā āpattiyo’ti": "Tỳ khưu đã phạm giới": nghĩa là Tỳ khưu có tác ý phạm phải 7 loại āpatti (phạm giới). Sự thật, điều nguy hại đối với Tỳ khưu có tác ý phạm phải āpatti, dầu chỉ là dukkaṭa āpatti (giới tác ác), dubbhāsita āpatti (giới ác khẩu) cũng có thể làm trở ngại cho sự tái sanh lên cõi trời dục giới, cho sự chứng đắc các bậc thiền định, Thánh Ðạo, Thánh Quả...".

Nếu vị Sa di, Tỳ khưu phạm giới ấy, chưa sám hối, chưa làm cho giới trở nên trong sạch trước khi chết, sau khi chết, do giới không trong sạch, thì khó tránh khỏi bị sa đoạ trong cõi ác giới.

Ðức Phật dạy:

"Sāpattikassa bhikkhave nirayaṃ vā vadāmi tiracchānayoniṃ vā’ti. Sāpattikasseva āpāyagamitā vuttā". [Bộ Saraṭṭhadīparūṭīkā , bộ Maṅgalaṭṭhadīpanū]

"Này chư Tỳ khưu, Như Lai răn dạy các con: đối với Tỳ khưu phạm āpatti (giới) sẽ tái sanh cảnh địa ngục, hoặc loài súc sanh. Ðối với Tỳ khưu phạm āpatti (giới) chỉ có con đường ác giới mà thôi".

Xin dẫn chứng:

Trong bộ Chú giải Pháp cú, tích Erakapatta-nāgarājavatthu tóm lược như sau:

Trong thời kỳ Ðức Phật Kassapa, một vị Tỳ khưu trẻ ngồi trên thuyền trong dòng sông Gaṅga, nước chảy xiết, vị Tỳ khưu ấy nắm bụi cỏ bên bờ sông, làm cho đứt lá cỏ, coi thường không sám hối āpatti. Sau đó, vị Tỳ khưu ấy một mình hành đạo trong rừng, đến lúc lâm chung hình ảnh lá cỏ hiện ra như quấn vào cổ, khi ấy, không có vị Tỳ khưu nào để sám hối āpatti, tâm hối hận phát sanh nghĩ rằng: "aparisuddhaṃ me sīlaṃ: giới của mình không trong sạch", nên sau khi vị Tỳ khưu ấy chết, do tâm ô nhiễm ấy, tái sanh làm loài súc sanh là long vương Erakapatta, đến thời kỳ Ðức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, long vương Erakapatta vẫn chưa thoát khỏi kiếp súc sanh.

Ðức Phật chế định giới điều cấm Sa di, Tỳ khưu thọ nhận vàng, bạc, tiền bạc dành riêng cho mình; nếu vị Sa di, Tỳ khưu nào thọ nhận vàng, bạc, tiền bạc riêng cho mình, thì vị Sa di, Tỳ khưu ấy phải phạm giới, giới không trong sạch.

Nếu Sa di, Tỳ khưu nào phạm giới do nguyên nhân thọ nhận vàng, bạc, tiền bạc trực tiếp từ thí chủ dâng đến mình, dẫn đến những tai hại cho đời sống phạm hạnh của Sa di, Tỳ khưu trong kiếp hiện tại và kiếp vị lai, thì thử hỏi:

- Thí chủ có được phước thiện bố thí thật hay không?

- Có phải thí chủ hộ độ Sa di, Tỳ khưu giữ gìn nghiêm chỉnh giới luật của Sa di, Tỳ khưu mà Ðức Phật đã chế định ban hành đến Sa di, Tỳ khưu hay không?

- Có phải thí chủ hành đúng theo lời giáo huấn của Ðức Phật hay không?

- Có phải thí chủ có bổn phận bảo tồn Phật giáo cho được trường tồn lâu dài trên thế gian này không?

V.v....

Ðó là những vấn đề mà thí chủ nên có trí tuệ suy xét đúng đắn, kỹ lưỡng trước khi làm một việc gì.

Làm đúng lời dạy của Ðức Phật, thì có phước.

Làm sai lời dạy của Ðức Phật, thì có tội.

Không làm thì không tạo nghiệp, khi đã làm rồi, thì đã tạo thiện nghiệp hoặc ác nghiệp, mà thiện nghiệp hoặc ác nghiệp đều do con người có quyền chủ động chọn lựa nên hay không nên. Nhưng quả của thiện nghiệp, ác nghiệp thì không có quyền chọn lựa, hoàn toàn bị động, phải chấp nhận như người thừa kế của nghiệp.

Thiện ghiệp cho quả an lạc.
Ác nghiệp cho quả khổ.

Người Phật tử có đức tin trong sạch nơi Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, chắc chắn không có một ai muốn hậu quả không tốt sẽ phát sanh đến cho mình và những bậc thân yêu kính mến của mình. Nhưng một khi đã làm không đúng theo lời dạy của Ðức Phật, đã tạo ác nghiệp rồi, thì dầu muốn dầu không cũng phải chấp nhận quả của thiện ác nghiệp của mình đã tạo.

Bởi vậy cho nên, người Phật tử cần phải nên học hỏi để hiểu biết rõ:

Thế nào là tạo thiện nghiệp?
Thế nào là tạo ác nghiệp?

Thế nào là tạo phước thiện?
Thế nào là tạo tội ác?

Nhờ sự hiểu biết đúng đắn, mới có trí tuệ sáng suốt chọn lựa:

Nên cố gắng tạo mọi thiện nghiệp, mọi phước thiện.
Nên cố gắng tránh xa mọi ác nghiệp, mọi tội ác....

Thì chắc chắn đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài cho mình, cho mọi người, mọi chúng sinh..., đồng thời duy trì Phật giáo được trường tồn lâu dài trên thế gian này, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc cho tất cả chúng sinh nhất là chư thiên và nhân loại.

Biết cách bố thí tạo phước thiện

- Phước thiện bố thí tiền bạc dâng gián tiếp đến Sadi, Tỳ khưu một cách hợp pháp

Thí chủ bố thí dâng tiền bạc trực tiếp đến cá nhân vị Sa di, vị Tỳ khưu là điều bất hợp pháp, vì làm cho vị Sa di, vị Tỳ khưu ấy phải phạm giới.

Trường hợp, người thí chủ có đức tin trong sạch nơi cá nhân vị Sa di, vị Tỳ khưu nào, có tác ý thiện tâm muốn làm phước hộ độ 4 thứ vật dụng cần thiết đặc biệt đến vị Sa di, vị Tỳ khưu ấy; nhưng tự mình không có điều kiện mua sắm những thứ vật dụng cần thiết làm phước bố thí trực tiếp dâng đến vị Sa di, vị Tỳ khưu ấy; thí chủ có thể làm phước thiện bố thí bằng một số tiền theo cách gián tiếp. Trước tiên, thí chủ trao số tiền ấy cho người trung gian "người hộ Tăng" (Veyyāvaccakara), có phận sự lo công việc giúp đỡ hộ độ Sa di, Tỳ khưu trong chùa, nhờ người hộ Tăng thay mặt mình lo mua sắm thứ vật dụng cần thiết để làm phước bố thí dâng đặc biệt đến cá nhân vị Sa di, vị Tỳ khưu ấy. Sau đó, thí chủ đến bạch cho vị Sa di, Tỳ khưu ấy biết rõ rằng:

Kính bạch Sư (Ðại Ðức), con có gởi một số tịnh tài (tiền) nhờ người hộ Tăng "tên A" thay mặt con tìm những thứ vật dụng cần thiết dâng đến Sư (Ðại Ðức), khi nào Sư (Ðại Ðức) cần đến thứ vật dụng nào, xin thỉnh Sư đến gặp người hộ Tăng "tên A" ấy, nhờ người ấy đi tìm thứ vật dụng ấy dâng đến Sư (Ðại Ðức).

Ðiều này đã được Ðức Phật cho phép trong giới thứ 10 trong phần 30 điều giới Nisssaggiya pācittiya.

Trong điều giới này, thí chủ muốn làm phước dâng một thứ vật dụng nào, bằng một số tiền tương đương, đến riêng cá nhân vị Tỳ khưu nào, vị Tỳ khưu ấy phải từ chối bằng khẩuthân, không được phép thọ nhận trực tiếp số tiền ấy, cũng không sai bảo người khác nhận cho mình. Nếu người thí chủ hỏi để biết người hộ Tăng, thì vị Tỳ khưu ấy có thể giới thiệu cho thí chủ được biết người hộ Tăng ấy. Ðiều trước tiên, thí chủ trực tiếp đến gặp người hộ Tăng và gởi số tiền, nhờ mua sắm giùm thứ vật dụng ấy. Sau đó, thí chủ đến bạch cho vị Tỳ khưu ấy biết. Khi nào vị Tỳ khưu ấy cần đến thứ vật dụng ấy, có thể đến gặp người hộ Tăng bảo rằng: Sư cần đến thứ vật dụng ấy. Người hộ Tăng đi tìm mua sắm thứ vật dụng ấy thay mặt thí chủ làm phước dâng đến vị Tỳ khưu ấy, thuộc về cá nhân thí, nên phước thiện bố thí được nhiều hay ít, tuỳ thuộc vào người thọ thí có giới đức trong sạch hay không trong sạch. Ðó là việc làm hợp với giới luật của Ðức Phật đã ban hành.

- Phước thiện bố thí tiền bạc dâng trực tiếp đến chư Tỳ khưu Tăng

Thí chủ có đức tin trong sạch đến chư Tỳ khưu Tăng, có tác ý thiện tâm muốn làm phước hộ độ 4 thứ vật dụng cần thiết đến chư Tỳ khưu Tăng. Thí chủ ấy có thể làm phước bố thí dâng một số tiền trực tiếp đến chung cho chư Tỳ khưu Tăng (không riêng cho cá nhân vị Tỳ khưu nào), để lo mua sắm những thứ vật dụng cần thiết đến chư Tỳ khưu Tăng. Vị Ðại Ðức đại diện chư Tỳ khưu Tăng có thể trực tiếp nhận số tiền ấy bằng khẩu (lời nói), nhưng không nên thọ nhận trực tiếp tiền bạc bằng thân [*], vì tiền bạc là vật mà Tỳ khưu không nên đụng chạm. Do đó, vị Ðại Ðức gọi người hộ Tăng cất giữ số tiền bạc ấy, và đi mua sắm những thứ vật dụng dâng chung đến chư Tỳ khưu Tăng.

[*] Tiền bạc, vàng, bạc, các đồ châu báu là những vật mà Tỳ khưu đụng chạm vào bị phạm giới dukkaṭa; nếu thọ nhận riêng cho mình thì phạm giới pācittiya, cần phải xả bỏ.

Thí chủ biết cách làm phước thiện bố thí đến chư Tỳ khưu Tăng, thuộc về Tăng thí, chắc chắn có phước thiện vô lượng, và có quả báu của phước thiện vô lượng kiếp.

* Phước thiện bố thí tiền bạc cúng dường Tam bảo

Thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có tác ý thiện tâm muốn dâng một số tiền, để cúng dường Tam bảo.

Cúng dường Phật bảo: xây cất chánh điện để tôn thờ Ðức Phật, tu sửa chánh điện, v.v....

Cúng dường Pháp bảo: ấn hành kinh sách, để truyền bá giáo pháp của Ðức Phật.

Cúng dường Tăng bảo: hộ độ 4 thứ vật dụng cần thiết như: y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh đến chư Tỳ khưu Tăng.

Vị Sa di, vị Tỳ khưu nào theo pháp học, nên mua sắm sách, vở ... dâng đến vị Sa di, vị Tỳ khưu ấy.

Vị Sa di, vị Tỳ khưu nào theo pháp hành, nên hộ độ đặc biệt y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh đến vị Sa di, vị Tỳ khưu ấy.

Nếu vị Sa di, vị Tỳ khưu bị lâm bệnh, nên hộ độ đặc biệt cứu chữa cho vị Sa di, vị Tỳ khưu ấy mau khỏi bệnh.

Thí chủ có đức tin trong sạch, có tác ý thiện tâm dâng tiền bạc dầu ít dầu nhiều tuỳ theo khả năng của mình cúng dường Tam bảo, chắc chắn có phước thiện bố thí vô lượng, có quả báu của phước thiện vô lượng kiếp.

Như vậy, thí chủ có thể làm phước thiện bố thí dâng một số tiền trực tiếp đến vị Ðại Ðức trụ trì chùa, hoặc một vị Ðại Ðức đại diện chư Tỳ khưu Tăng thọ nhận trực tiếp bằng khẩu (lời nói), nhưng không nên thọ nhận trực tiếp tiền bạc bằng thân. Vị Ðại Ðức ấy gọi người hộ Tăng trong chùa cất giữ số tiền ấy, để lo phụng sự ngôi Tam bảo.

Phật Giáo Tồn Tại

Giáo pháp Ðức Phật Gotama của chúng ta được tồn tại 5.000 năm trên thế gian, có nghĩa là đến thời điểm đó, Phật giáo hoàn toàn bị tiêu hoại, bị mất hẳn. Bởi vì, không còn có người nào học và hành, hiểu biết về Phật giáo nữa.

Phật giáo đó là pháp học Phật giáo, pháp hành Phật giáo pháp thành Phật giáo. Hoàn toàn thuộc về nội tâm, không có một hình thức nào.

Thời kỳ Phật giáo phát triển, nhờ các hàng Phật tử là bậc xuất gia và tại gia cư sĩ tinh tấn, kiên trì, chăm chỉ theo học pháp học, thông thuộc Tam tạng, Chú giải bằng ngôn ngữ Pāḷi, lời giáo huấn của Ðức Phật, và thực hành nghiêm chỉnh theo pháp hành giới, hành định, hành tuệ, dẫn đến kết quả chứng đắc 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

Ðến thời kỳ Phật giáo suy đồi; do các hàng Phật tử là bậc xuất gia, và tại gia cư sĩ dần dần chểnh mảng việc theo học pháp học, giảm dần đức tin, thiếu tinh tấn thực hành theo pháp hành giới, pháp hành định, pháp hành tuệ. Do đó, A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả bậc cao bị tiêu hoại từ từ, đến bậc Bất Lai Thánh Ðạo – bậc Bất Lai Thánh Quả; bậc Nhất Lai Thánh Ðạo – bậc Nhất Lai Thánh Quả; cho đến cuối cùng bậc Nhập Lưu Thánh Ðạo – Nhập Lưu Thánh Quả bậc thấp cũng suy đồi. Theo thời gian, trí tuệ kém dần, số hành giả tiến hành thiền tuệ không còn đúng theo Pháp hành Trung đạo, do đức tin giảm dần, nên việc gìn giữ giới không hoàn toàn trong sạch.

Sự tiêu hoại về pháp học Phật giáo, bắt đầu tiêu hoại Vi diệu pháp tạng bằng ngôn ngữ Pāḷi, còn Kinh tạng và Luật tạng, thì Phật giáo vẫn còn tồn tại.

Ðến khi tiêu hoại Kinh tạng bằng ngôn ngữ Pāḷi, còn Luật tạng, thì Phật giáo vẫn còn tồn tại.

Ðến khi Luật tạng tiêu hoại dần, chỉ còn hình thức Tỳ khưu mặc y màu lỏi mít, khi ấy Phật giáo vẫn còn tồn tại.

Cho đến khi hình thức chỉ còn một miếng vải màu y quấn nơi cổ hoặc cột cổ tay, vẫn còn nghe gọi tên "Tỳ khưu", khi ấy Phật giáo vẫn còn tồn tại. Cho đến không còn miếng vải màu y, cũng không còn ai gọi đến tên "Tỳ khưu" nữa, lúc ấy, thật sự Phật giáo hoàn toàn tiêu hoại trên thế gian. Như vậy, Luật tạng là nền tảng căn bản của Phật giáo.

Trong Chú giải Luật tạng dạy:

"Vinayo nāma Buddhasāsanassa āyu
Vinaye ṭhite, sāsanaṃ ṭhitaṃ hoti".

[Vinayapiṭaka aṭṭhakāthā, Parājikakaṇṇānidāna]

"Luật tạng là tuổi thọ Phật giáo,
Khi Luật tạng được trường tồn,
Thì Phật giáo được trường tồn".

Cho nên, công việc bảo tồn Phật giáo là phận sự chung của các hàng Phật tử: bậc xuất gia và hàng tại gia cư sĩ.

Phật giáo được phát triển hay suy đồi chính là do bên trong các hàng Phật tử; còn bên ngoài, người ngoài chắc chắn không thể làm cho Phật giáo được phát triển hoặc suy đồi.

Vậy, muốn cho pháp học Phật giáo được phát triển, mỗi người Phật tử cần phải học hỏi nghiên cứu, hiểu rõ đúng đắn theo Tam tạng – Chú giải bằng ngôn ngữ Pāḷi, lời giáo huấn của Ðức Phật và động viên khuyến khích người khác cũng học như vậy.

pháp hành Phật giáo được phát triển, mỗi người Phật tử cần phải gìn giữ giới cho được trong sạch, tinh tấn tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ đúng theo Pháp hành Trung đạo, và động viên khuyến khích người khác cũng hành như vậy.

Như vậy, Phật giáo có thể phát triển nơi người Phật tử này, lại có thể suy đồi nơi người Phật tử khác.

Phật giáo có thể phát triển nơi này, lại có thể suy đồi nơi khác.

Phật giáo có thể phát triển nơi dân tộc này, lại có thể suy đồi nơi dân tộc khác.

Cho đến khi Phật giáo không còn tồn tại nơi người nào cả, nơi dân tộc nào cả, khi ấy mới gọi là Phật giáo hoàn toàn tiêu hoại trên thế gian.

Giáo pháp của Ðức Phật Gotama trường tồn 5.000 năm trên thế gian. Như vậy, đến nay đã trải qua 2.546 năm rồi, phần thời gian còn lại 2.454 năm nữa. Cho nên, chúng ta nhận thấy Phật giáo đang suy đồi nơi một số người này, một dân tộc này, đó cũng là việc bình thường tự nhiên. Ðiều tốt hơn hết, mỗi người trong chúng ta, ai cũng có tâm niệm đúng đắn rằng: "Phật giáo đang hiện hữu trong tôi, tôi cố gắng tinh tấn, kiên trì làm cho Phật giáo được phát triển".

Như vậy, Phật giáo được trường tồn sẽ đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an vui cho tất cả chúng sinh, nhất là chư thiên và nhân loại.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04.a | 04.b | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Hộ Pháp đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 06-2003).

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 01-07-2003