BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Họ đã nghĩ như thế
Giác Nguyên dịch Việt


  

[20]

Ðại đức Vajiro

Nếp sống chia sẻ


Tiểu sử:

Ðại đức Jajiro (Pill Sunton) sinh năm 1953 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ðại đức đã từng học tại trường Lancing College, rồi sau đó lại theo học ngành kinh tế ở đại học Bath University. Cả hai trường này đều ở Anh Quốc và năm 1974 đại đức đã tốt nghiệp đại học với số điểm xuất sắc. Vào đúng thời gian này, một người bạn đã rủ đại đức đến tham dự một thiền khóa mười ngày tại trung tâm Phật giáo Oakenholt. Sau đó, đại đức đã tiếp tục dự thêm các thiền khóa khác trong thời gian 1976 và 1977. Năm 1977, nghe tin thiền sư Ajahn Chah cùng Ngài Ajahn Sumedho sang viếng thăm Oakenholt, đại đức đã đến chùa Hampstead để gặp gỡ hai vị. Sau lần gặp gỡ này, đại đức đã là một thiền sinh xuất sắc. Năm 1978 đại đức xin được làm giới tử và sống ở Chithurst trong ít lâu trước khi đi qua chùa Pah Pong ở Thái lan. Năm 1979 đại đức tu sa di và một năm sau thì thọ cụ túc giới với Ngài Ajahn Chah.

Ðại đức Vajiro đã quay lại Anh quốc năm 1984 và đã cùng các huynh đệ xây dựng trung tâm phật giáo Amaravati. Hiện nay đại đức đang sống tại Chithurst.

Bài viết dưới đây là phần trích lại từ một thời pháp của đại đức tại Chithurst năm 1988.


Nếp Sống Chia Sẻ

Cảm giác phân biệt là một cảm nghiệm về sự hiện hữu của mọi loài chung quanh mình. Chúng ta có thể nhận ra điều đó trong chính bản thân hoặc thậm chí trong cả các loài thú vật. Cái ý thức về người này, vật nọ hoặc tự xác định lấy sự khác biệt giữa mình với người khác, đó chính là thái độ phân biệt. Chúng ta luôn cố gắng bằng đủ mọi cách để trang bị và nâng cấp tinh thần phân biệt đó của mình. Có thể nói rằng mọi nỗ lực đó của chúng ta đều là những hình thức khác nhau của sự chấp thủ. Chúng ta chấp thủ đủ mọi thứ và luôn tự tạo cho mình một môi trường để duy trì nó. Cái gì chúng ta cũng muốn giữ lại cho riêng mình cả, từ cái nhỏ nhoi cho đến cái to tát nhất. Như đã nói thì càng chấp thủ cũng chỉ có nghĩa là chúng ta càng củng cố thêm cái tinh thần phân biệt.

Một hình thức tinh vi khác của sự chấp thủ tức tinh thần phân biệt chính là thái độ Ðồng Hóa, Thỏa Hiệp. Kể cả trường hợp chúng ta có cố tình dứt bỏ một cái gì đó thì trong tự đáy lòng, chúng ta vẫn nghĩ đến một sự đánh đổi. Như vậy thì cuộc tu của chúng ta lúc này cứ giống như một kiểu đi chợ. Chúng ta chịu mất tiền để có được một thứ gì đó. Tinh thần tu tập như vậy chỉ giữ lại được ý nghĩa mặc cả và tính toán và chúng ta lúc này đã tự vô tình tạo thêm cho mình một chướng ngại trên đường tu với bức rào cản của tinh thần phân biệt.

Vấn đề chưa hết đâu, trong những trường hợp đặc biệt hơn, thì tinh thần chấp thủ, phân biệt còn được ngụy trang trong một tấm lòng hào sảng vị tha. Với nó, người ta có thể nhận thức rõ ràng cái tinh thần phân biệt không cần thiết kia để có thể nuôi lớn một lý tưởng sống chia sẻ một cách trọn vẹn. Có điều là tinh thần cởi mở đó lại cũng chỉ là một sự sắp xếp kín đáo để đánh đổi được cái niềm vui của một người không chấp thủ!

Như vậy thì trong tinh thần phân biệt, mọi nỗ lực kể cả nỗ lực vượt thoát chính nó chỉ là những nguồn sức mạnh nuôi lớn nó mà thôi. Ý tưởng giải thoát đặt trên cơ sở của sự chấp thủ thì trước sau gì cũng chỉ là một vòng lẩn quẩn. Trong trường hợp đó, có lẽ bố thí là một pháp môn hữu hiệu nhất để chúng ta có thể vận dụng trong ý nghĩa đối trừ tư tưởng phân biệt. Ở đây tôi muốn nói tới một thái độ bố thí thật sự, một cách cho ra mà không cần nhận lại. Ðó không phải là một cách cho mang tính mặc cả hay ban phát. Cho chỉ có nghĩa là cho, là buông tay một cách hết mình mà không hề muốn giữ lại cho bản thân bất cứ cái gì. Ðem chia sẻ cho ai đó một món đồ, thì chúng ta cũng trao hết cho họ tất cả tấm lòng của mình, không nghĩ đến chuyện thù tạc và đây mới chính là cách cho mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây.

Có lắm trường hợp chúng ta bố thí nhưng bố thí một cách khiếm khuyết, một kiểu cho không được trọn vẹn. Chúng ta có bao giờ chịu tìm hiểu về ý nghĩa của pháp môn bố thí để có thể hoàn chỉnh nó ngay trong cuộc tu của mình, đồng thời cũng tìm hiểu luôn ý nghĩa công đoạn của pháp môn bố thí trong suốt quá trình tu học trước khi thật sự giải thoát. Pháp môn bố thí là chặng đường đầu tiên của chặng đường tu đạo Ba La mật. Trên ý nghĩa tổng quan thì chúng ta đều hiểu rằng bố thí Ba La Mật là pháp Ba La Mật cuối cùng mà Bồ Tát bổ túc trước khi thành Phật nhưng trên văn bản kinh điển thì ta lại thấy pháp môn Ba La Mật này được xếp ở vị trí đầu tiên.

Tôi nhớ có lần Ngài Thiền sư Buddhadàsa đã từng bảo rằng nếu chúng ta có thể hoàn tất một pháp môn Ba La Mật nào đó thôi thì các pháp môn Ba La Mật còn lại cũng sẽ được thành tựu trọn vẹn theo. Tôi nghĩ rằng câu nói đó rất quan trọng khi chúng ta bàn về phép bố thí, bởi ít nhất chúng ta cũng có thể thấy rằng một khi thực hiện pháp môn bố thí với tâm trạng hoàn toàn cởi mở, vô cầu vô chấp thì ngay giây phút đó các đức tánh khác (ở đây ta có thể gọi thẳng là các Ba La Mật) cũng cùng lúc được thực hiện hoàn chỉnh.

Nói một cách dễ hiểu, sự có mặt của các pháp Ba La Mật trong khoảnh khắc bố thí chính là từng khía cạnh tâm lý tương quan. Trí Tuệ Ba La Mật ở đây là khả năng nhận biết một cách rõ ràng về thời điểm, nơi chốn và những gì được đem cho. Chân Thật Ba La Mật lúc này chính là thái độ nghiêm cẩn và trân trọng khi bố thí. Nhẫn Nại Ba La Mật trong trường hợp này chính là khả năng chấp nhận một cách tự nguyện những giới hạn về tâm lý hoặc hoàn cảnh bất trắc nào đó có thể xảy ra trong lúc bố thí. Ly Dục Ba La Mật ở đây là thái độ khước từ khái niệm sở hữu. Nghị lực nâng bước cho những khía cạnh tâm lý trên chính là Tinh Tấn Ba La Mật. Tinh thần độ lượng không phân biệt trong nghĩa cử bố thí chính là Từ Tâm Ba La Mật và Hành Xả Ba La Mật. Còn Bất Thối Ba La Mật (Chí Nguyện Ba La Mật) thì dĩ nhiên không thể thiếu được trong lúc này rồi. Ðó chính là thái độ dứt khoát không do dự để có thể chia sẻ cái mình có đến người khác mà không phân vân lưỡng lự.

Ðến đây thì chúng ta đã có thể nhận ra được sự hiện diện cùng lúc của các pháp Ba La Mật ngay trong chính giây phút thực hiện bố thí Ba La Mật rồi, vậy thì chúng ta cũng nên tự hỏi lòng mình xem đã có lần nào biết cho ra một cách trọn vẹn như vậy hay không. Nhớ lại hồi còn ở Thái Lan tôi đã phải khó khăn lắm mới có được một bài học về tinh thần hào sảng. Lúc mới tu, trong những giờ đi khất thực, tôi đã thấy những ông già bà cả trong thôn xóm cứ dắt nhau ra lề đường đặt bát cho tôi đủ thứ hết: Cơm, bánh, trái cây, đường, kẹo... có thể nói là họ có cái gì cho cái đó. Nhìn thấy nét mặt hân hoan của họ tôi cứ suy nghĩ vẩn vơ mà không hiểu được tại sao người ta lại có thể tốt bụng với tôi đến vậy, tốt bụng một cách thiệt thà đối với những người chưa hề giúp đỡ được gì cho mình. Tôi thấy tất cả những người đến đặt bát như đều có chung một niềm tịnh tín thật kỳ lạ. Thậm chí có những lần không thấy chúng tôi xuống làng khất thực, các Phật tử địa phương còn dẫn nhau lên chùa hỏi đủ chuyện. Họ sợ chúng tôi bị bệnh hay gặp chuyện gì. Thái độ của họ càng làm tôi ngạc nhiên hơn. Lúc đó tôi đã tìm gặp đại đức Jararo rồi nói hết những suy nghĩ của mình. Tôi nhớ đại đức Jararo đã nói với tôi một câu thật đơn giản nhưng cũng nhờ đó mà tôi có được một bài học thật hay:

- Sư sẽ không bao giờ hiểu được ý nghĩa của cách Cho nếu sư chưa học được cách Nhận, và sư sẽ không thể nào hiểu được ý nghĩa của cách Nhận nếu sư chưa hiểu được ý nghĩa của cách Cho.

Có đến hai cách cho và cũng có hai cách nhận. Cách nhận thứ nhất là bằng thái độ tri ơn, sự cảm nhận được tấm lòng của người đã san sẻ cho mình và cách nhận thứ hai là ngửa bàn tay mà thấm thía tinh thần xả kỷ cho kẻ giúp mình để từ đó tự có một thái độ tâm lý kính phục. Khi ta biết kính phục người khác thì cũng có nghĩa là một điều hết sức cần thiết để giúp ta vượt qua được tinh thần phân biệt.

Cho, cũng có nhiều cách. Ta có thể chia sẻ cho người khác rất nhiều thứ như thức ăn, thuốc men, áo quần, tiền bạc và cả những thời gian, công sức hoặc thậm chí chỉ một tấm lòng kín đáo thôi. Nhưng không phải lúc nào cho cũng có nghĩa là chối bỏ sở hữu bởi có nhiều lúc cho cũng là một hình thức chấp thủ, mặc cả. Cách cho quan rọng nhất là cách cho bằng thái độ mở rộng bàn tay, trải rộng tâm hồn và không nghĩ nhớ gì tới những cái mà mình sẽ có được từ thái độ hào sảng đó. Ðó là một cách cho hồn nhiên, tự tại Và cho ở đây chỉ có nghĩa là cho ra.

Nói như vậy, cách cho đẹp nhất chính là cách cho bằng tinh thần của thiền quán: Chỉ biết cho đi mà không hề nghĩ đến việc nhận lại. Cho chỉ biết là cho. Trong toàn bộ pháp môn thiền quán cũng đã dạy ta như thế: Hãy luôn sống Tỉnh Thức và Chánh Niệm đối với tất cả những gì đang xảy ra. Người hành giả chỉ sống trọn vẹn với từng giây phút hiện tại mà không bận tâm mong đợi bất cứ cái gì. Bởi chính thái độ mong đợi đó, dù là mong đợi một thành quả tu học cũng vẫn cứ là một thái độ mặc cả, chấp thủ và phân biệt trong khi chính chúng lại là những cái mà chúng ta cần phải vượt qua.

Một nội tâm chuyên chú là điều mà chúng ta cần phải thực hiện trong tất cả mọi thời điểm. Chúng ta chú niệm vào hơi thở nhưng không chờ bất cứ cái gì từ nó. Chúng ta chú niệm vào từng động tác, cử chỉ của chính mình, chú ý vào từng góc cạnh của đời sống sinh hoạt bằng một tâm hồn thật sự rộng mở: Ghi nhận tất cả rồi để mặc chúng trôi đi bằng thái độ của một người ngắm nhìn dòng nước đang xuôi chảy: Nhận thức rõ ràng sự biến dịch của nó mà không mong đợi nó sẽ mang lại cho mình một hoa trái hay bất cứ thứ quà tặng nào khác. Tinh thần tu tập này cũng là một cách xả bỏ, bố thí. Có hiểu được một cách tận tường như vậy chúng ta mới thấy được pháp môn bố thí là cả một vấn đề tu học quan trọng, một con đường dẫn đến sự hoàn chỉnh nhân cách và đạo hạnh tuyệt vời nhất.

Tôi nghĩ rằng tất cả những điều vừa nói và tất cả những gì mà chúng ta cần phải thực hiện không phải chỉ đơn giản được đi ra từ những trang kinh điển mà ngược lại tôi nghĩ rằng một phần lớn vấn đề phải được chúng ta giải quyết ngay trong chính cuộc tu của mình. Và lời sau cùng, tôi nhắc lại, Biết Cho là bước khởi hành đồng thời cũng là bước đi cuối cùng của người tu học.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | Trang kế


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Giác Ðẳng đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 04-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

last updated: 01-10-2003