BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Hành Hương Xứ Phật

Phạm Kim Khánh


-02-

BỐN CHỖ ĐỘNG TÂM

Vào những ngày sắp nhập diệt, tại Kusinārā, Đức Phật có lời dạy Đức Ānanda như sau:

Có bốn thánh tích mà người thiện tín có tâm đạo nhiệt thành đến chiêm ngưỡng với lòng thành kính và tôn sùng sẽ khơi dậy những cảm xúc gợi hứng. Bốn nơi ấy là:

* Nơi Bồ Tát Đản Sanh (Lumbini, Lâm Tỳ Ni)
* Nơi Đức Phật Thành Đạo (Bodh Gayā, Bồ Đề Đạo Tràng)
* Nơi Đức Phật Chuyển Pháp Luân (Isipatana, Lộc Uyển, nay là Sarnath)
* Nơi Đức Phật Nhập Diệt (Kusinārā, Câu Thi Na, nay là Kāsi)

Đức Phật dạy tiếp:

"... Này Ānanda, những ai trút hơi thở cuối cùng với niềm tin vững chắc trong khi hoan hỷ chiêm bái các thánh tích ấy, sẽ tái sanh vào nhàn cảnh." - (Parinibbāna Sutta, Kinh Đại Niết Bàn)

Vừa nghe qua lời dạy này ta có thể thắc mắc và tự hỏi, "Chỉ có đến viếng và chiêm ngưỡng nơi thánh địa này với lòng tôn sùng kỉnh mộ mà nếu chẳng may thân hoại mạng chung, khách hành hương sẽ tái sanh vào nhàn cảnh. Phải chăng đây là phép lạ? Có phải chăng nơi đây oai lực của Đức Phật sẽ giúp người ấy tái sanh tốt đẹp?" Trong Phật Giáo không có phép lạ. Thông thường ta gọi một diễn biến nào là phép lạ chỉ vì không thông hiểu nguyên nhân. Trong thực tế, tất cả đều là nhân và quả. Hột là nhân. Đất, nước, ánh sáng, không khí v.v... là điều kiện, hay duyên. Hột nhờ được trợ duyên, sanh ra cây, cây trổ trái. Trái ấy là quả. Gieo giống nào thì gặt quả nấy. Hột cam sẽ trổ quả cam ngon ngọt. Hột ớt sẽ trổ sanh trái ớt cay. Nhân thiện sẽ trổ quả lành. Nhân bất thiện sẽ trổ quả dữ. Đó là định luật thiên nhiên, không phải Đức Phật hay nhân vật nào khác tạo nên. Đã gieo nhân tức phải gặt quả, lúc này, nơi này hay lúc khác, nơi khác, ở kiếp hiện tại hay trong tương lai. Ngày hôm nay ta gặt hái những gì chính ta đã gieo trong hiện tại hay trong quá khứ.

"Đã gieo giống nào sẽ gặt quả nấy. Hành thiện sẽ thâu gặt quả lành, hành ác gặt quả dữ. Hãy gieo giống tốt, ta sẽ gặt quả lành". (Samyutta Nikāya, Tạp A Hàm, quyển I, trang 227)

Trong lãnh vực tinh thần đạo đức, định luật nhân quả được gọi là nghiệp báo. Do nghiệp báo, mỗi người đi vào cuộc đời như thế nào thích ứng với điều mình đáng được như thế, không nhiều hơn, cũng không kém hơn. Hoàn cảnh của mỗi người trong đời sống, cùng với những phần vui buồn khác nhau nhiều hay ít, chỉ là hậu quả của những hành động thiện hay bất thiện trong quá khứ. Mỗi người thêu dệt màn lưới số phận của mình. Mỗi người là vị kiến trúc sư xây dựng tương lai cho mình, và như Đức Phật dạy:

"Chúng sanh là chủ nhân của hành động mình. Và hành động là cái thai bào từ trong ấy chúng sanh được sanh ra. Bất luận hành động nào mà chúng sanh đã làm -- thiện hay bất thiện -- chúng sanh cũng là người thừa kế, lãnh trọn hậu quả của những hành động ấy." - (Anguttara Nikāya, Tăng Nhứt A Hàm)

Định luật nghiệp báo không tùy thuộc nơi quyền lực độc đoán nào từ bên ngoài mà nằm trong chính bản chất của sự vật theo đó hành động đương nhiên phải đưa đến hậu quả tương ứng. Mỗi hoàn cảnh là giai đoạn hậu quả của nghiệp đã tạo trước đó.

Không phải Đức Phật ban hành, mà Ngài chỉ là người khám phá ra định luật thiên nhiên ấy, rồi từ bi chỉ dạy cho chúng sanh. Ngài chỉ hành động như một vị thầy, vạch lối chỉ đường cho chúng ta. Đi trên con đường hay không là do chính ta. Ngài không thể đi cho chúng ta đến, không thể ăn cho chúng ta no, cũng không thể ban phước giúp ai tái sanh vào cảnh giới nhàn lạc.

"Làm ác do ta, làm cho ta nhơ bẩn do nơi ta. Không làm ác do ta, làm cho ta trong sạch cũng do nơi ta. Cả hai, nhơ bẩn và trong sạch chỉ tùy thuộc nơi ta. Không ai có thể làm cho ta trong sạch."

Đức Phật tuyên ngôn:

"Phước báu và tội lỗi mà con người tạo ra là tất cả những gì mà con người làm chủ, là những gì đưa con người từ nơi này ... là những gì luôn luôn chạy theo bén gót con người như bóng theo hình. Vậy, từ đây con người hãy tích trử cái tốt để đem đi nơi khác trong tương lai. Hãy tạo một nền tảng vững chắc cho thế gian ngày mai". (Kindred Sayings, Tương Ưng, phần I, trang 98)

Vào những giờ phút lâm chung Đức Phật dạy Đức Ānanda như sau:

"Như vậy, này Ānanda, hãy lấy chính con làm hải đảo của con. Chính con làm nương tựa cho con. Không nên ỷ lại nơi ai khác để làm chỗ nương tựa. Hãy bám sát Giáo Pháp như một hải đảo. Hãy bám sát Giáo Pháp như chỗ nương tựa. Không trông cậy nơi ai để làm chỗ nương tựa. Bất luận ai, này Ānanda, dầu trong hiện tại hay sau khi Như Lai viên tịch, lấy chính mình làm hải đảo cho mình, không nương tựa nơi nào ở ngoại cảnh -- chính những người ấy trong nhóm môn đệ của Như Lai, này Ānanda, sẽ tiến đạt đến mức cao tuyệt đỉnh! Nhưng những người ấy phải tận lực gia công để tiến hóa." - (Parinibbāna Sutta, Kinh Đại Niết Bàn)

Vì sao Đức Phật dạy rằng, "người thiện tín có tâm đạo nhiệt thành đến chiêm ngưỡng với lòng thành kính và tôn sùng ... nếu trút hơi thở cuối cùng trong niềm tin vững chắc lúc đi hành hương, sẽ tái sanh vào nhàn cảnh?"

Trong khi hành hương đến bốn nơi "động tâm", cảnh vật phô bày trước mắt gợi cho ta hồi nhớ những giai đoạn khác nhau trong tiểu sử của Đức Bổn Sư và khuyến khích ta tưởng niệm ân đức Ngài. Trong cả trăm, cả ngàn, cả trăm ngàn kiếp sống, Ngài luôn luôn vững bước trên đường phục vụ, hy sanh tất cả những gì mà chúng ta cho là quý báu nhất, tất cả những gì mà chúng ta cố giữ, cố bám. Ngài hy sanh đến cả thân mạng.

Chúng ta khấu đầu đảnh lễ Ngài, không phải vì sợ sệt, cũng không khấn vái cầu xin điều chi. Chỉ có sự kỉnh mộ, kính mến tri ân, kính mến nhiệt thành, không vụ lợi, không vị kỷ. Ta kính mến với lòng tín nhiệm, với sự tin tưởng ngày càng tăng trưởng.

Niềm tin này là một tia lửa nhỏ mà nếu thận trọng giữ gìn, sẽ trở thành một thứ lửa có khả năng thiêu đốt tất cả bợn nhơ, những gì ô nhiễm trong tâm.

Tâm ta vốn chứa đựng ít nhiều bợn nhơ. Nếu để nó tự nhiên trôi chảy mà không chuyển hướng, cái tâm hoang dại ấy sẽ lôi cuốn ta vào những hoàn cảnh khó khăn, phiền phức và ô nhiễm. Niềm tin nơi Phật, Pháp, Tăng, là một năng lực hùng mạnh được ví như hòn ngọc ma li. Ngọc ma li có bẩm chất làm cho nước đục trở thành trong, nước dơ thành sạch. Cũng dường thế ấy, niềm tin nơi Tam Bảo có khuynh hướng nâng cao mức độ bình thường của tâm, làm cho tâm trở nên tinh vi tế nhị hơn, trong sạch hơn, và lọc bỏ những gì thô kịch, nhơ bẩn.

Nếu chẳng may, ta lìa đời trong lúc đang đi hành hương, nhiệt thành chiêm bái các thánh tích thì vào lúc lâm chung, chính cái tâm trong sạch ấy là cận tử nghiệp (āsanna kamma), đưa ta đi tái sanh.

Căn cứ trên khả năng báo ứng ta có thể phân biệt bốn loại nghiệp: trọng nghiệp, thường nghiệp, cận tử nghiệp và tích trử nghiệp.

Trọng Nghiệp là nghiệp nặng, vì nó chắc chắn trổ quả trong kiếp hiện tại hay kiếp kế, sau kiếp hiện tại. Nếu là một trọng nghiệp thuộc về loại thiện, thì đó là thành quả của Thiền (Jhāna). Người đắc Thiền, như Tam Thiền Sắc Giới chẳng hạn, thì hưởng quả vị của Thiền ấy trong kiếp hiện tại và trong kiếp kế. Nếu là một trọng nghiệp thuộc loại bất thiện, thì đó là hậu quả của một trong năm tội ác gọi là ngũ nghịch trọng tội: giết cha, giết mẹ, giết một vị A La Hán, gây thương tích cho Đức Phật, và chia rẽ Tăng Già.

Thường Nghiệp là hành động hằng ngày, những việc làm mà hằng ngày ta hay làm hay nhớ đến, hoặc những việc mà ta ưa thích. Những thói quen, lành hay dữ, dần dần trở thành bản chất tự nhiên và ít nhiều uốn nắn tâm tánh con người. Trong khi nhàn rỗi, tâm thường duyên theo những tư tưởng, những hành vi quen thuộc một cách tự nhiên, lắm khi vô ý thức. Cùng một thế ấy, trong giờ phút lâm chung, trừ khi bị một ảnh hưởng nào mạnh hơn, ta thường nhớ lại những hành vi và tư tưởng quen thuộc. Như bác sĩ thì nhớ bệnh nhân, giảng sư thì nhớ cử tọa v.v...

Cận Tử Nghiệp là hành vi cuối cùng, hay hành vi nào mà chập tư tưởng cuối cùng nhớ đến trước khi lâm chung. Vì lẽ ấy, trong các xứ Phật Giáo thường có tập tục nhắc nhở người sắp lìa trần những hành vi tốt đẹp của họ trong đời sống, hay giúp đỡ, khuyến khích họ tạo một nghiệp lành ngay trước giờ lâm chung như bố thí, đọc kinh, niệm Phật v.v...

Nghiệp Tích Trử, gồm tất cả những loại nghiệp không có kể trong ba loại trên.

Trong trường hợp người lìa trần trong khi hành hương thì vào lúc lâm chung, chập tư tưởng cuối cùng của vị này thấm nhuần sâu đậm những ý tưởng tri ân, kỉnh mộ, từ bi v.v... hướng về Đức Phật, cùng với những cảm kích trong sạch và mạnh mẽ. Đây là loại cận tử nghiệp có tánh cách thiện. Thiện nghiệp này sẽ đưa đi tái sanh vào cảnh giới nhàn lạc.

Không phải các thánh tích có quyền năng hay phép lạ gì "đưa người có tâm đạo nhiệt thành, chiêm ngưỡng với lòng thành kính tái sanh vào nhàn cảnh", mà chính xác hơn, ta có thể nói rằng những di tích thiêng liêng này làm tăng trưởng niềm tin của người có tâm đạo nhiệt thành. Niềm tin nơi Tam Bảo có đặc tánh thanh lọc tâm, và chính tâm trong sạch ấy đưa tái sanh vào một cảnh giới thích ứng, tức là nhàn cảnh.

Hình ảnh:

 
Lumbini, nơi Bồ Tát Đản Sanh

 

 
Bodh Gayā, nơi Đức Phật Thành Đạo

 

 
Sarnath, nơi Đức Phật Chuyển Pháp Luân

 

 
Kusinārā, nơi Đức Phật Nhập Đại Niết Bàn

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | Mục lục


Chân thành cám ơn Bác Phạm Kim Khánh đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 09-2004)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 20-09-2004