BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


Sự Vi Diệu Của Đấng Giác Ngộ

Thích Nữ Ngọc Duyên
(Paññ
ā Paccayā)


  

[02]

LỜI DI GIÁO TRƯỚC KHI ĐỨC PHẬT NÍP BÀN

- Nầy Ananda, những ai sau khi ta tịch diệt, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình là y tựa cho chính mình, không y tựa một thứ gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tự vào một gì khác. Những người ấy là những vị Tối thượng trong hàng Tỳ-khưu của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi...

- Nầy Ananda, những ai đã tu tập bốn thần túc, thật nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo, nếu muốn, người ấy có thể sống đến một kiếp hoặc phần kiếp còn lại.

- Nầy Ananda, nay ta đã tu tập bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện ... nếu muốn Như Lai có thể sống đến một kiếp hoặc phần kiếp còn lại!

Tuy Thế Tôn đã gợi ý rõ ràng, và sự hiện tướng rõ ràng đến ba lần, nhưng Đại Đức Ananda không thể nhận hiểu, nên không thỉnh cầu Thế Tôn ở lại đến trọn kiếp, vì khi ấy tâm Đại Đức bị ác ma che án. Rồi Thế Tôn bảo Đại Đức Ananda lui ra. Liền khi ấy Ác ma đến chỗ Thế Tôn và thỉnh cầu như sau: "Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy diệt độ, bạch Thiện Thệ, Thiện Thệ hãy diệt độ! Vì đây là lời Thế Tôn đã nói: "Ác ma, Ta sẽ không diệt độ, nếu khi nào những vị Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ của ta, chưa thành những vị đệ tử chơn chánh, sáng suốt có kỷ luật, đa văn duy trì chánh pháp, sống theo chánh pháp, và sau khi học hỏi giáo lý chưa có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tích và giải thích rõ ràng ràng chánh pháp, khi có tà đạo khởi lên và chưa hàng phục một cách khéo léo." Bạch Đức Thế Tôn, nhưng nay các đệ tử của Thế Tôn đã trở thành những bậc đa văn, diễn giảng trình bày Chánh pháp một cách phân minh, rõ ràng ...

Như vậy, bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Thế Tôn nên diệt độ.

Đức Phật nói:

- Nầy Ác ma, hãy yên tâm, không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ, sau ba tháng kể từ ngày hôm nay.

Sau khi Thế Tôn hứa với Ác ma, tại đền Càpàla, Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác từ bỏ thọ hành để không duy trì mạng sống lâu hơn nữa. Khi ấy đại địa chấn động, sấm trời vang dậy, Thế Tôn hiểu được ý nghĩ sự chấn động của quả đất, Ngài liền nói lên bài kệ:

"Mạng sống có hạn hay vô hạn,
Tu sĩ từ bỏ không kéo dài.
Nội tâm chuyên nhất trú thiền định
Như thoát áo giáp đang mang mặc."

Lúc ấy, đại đức Ananda suy nghĩ: "Thật là kỳ diệu, thật là hy hửu, đại địa rung động, chấn động mạnh, sấm trời vang dậy khiến lông tóc dựng ngược, chẳng biết do nguyên nhân gì?" Rồi đại đức Ananda trở vào hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn, do nhân duyên gì đại địa rung động, chấn động mạnh, sấm trời vang dậy?

- Nầy Ananda, có tám nhân duyên:

1/ Địa cầu nầy được thành lập trên nước, nước ở trên gió, gió ở tại hư không, đến thời đại phong khởi lên, gió lớn làm nổi sóng nước. Khi nước nổi sóng thì quả đất rung động, chấn động mạnh.

2/ Có vị Sa Môn hay Bà La Môn, có thần thông, có đại uy lực, hoặc Chư Thiên có đại uy lực. Những vị nầy quán địa tánh có hạn, quán thủy tánh vô lượng, vị ấy có thể khiến quả đất nầy rúng động.

3/ Khi Bồ Tát ở cõi trời Tusita (Đâu Xuất), từ bỏ thân Chư Thiên, chánh niệm tỉnh giác nhập vào mẫu thai, thì khi ấy quả đất chấn động.

4/ Khi Bồ Tát chánh niệm ra khỏi mẫu thai, khi ấy quả đất chấn động.

5/ Khi Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Đẳng Giác, khi ấy quả đất chấn động

6/ Khi Như Lai chuyển bánh xe Pháp, khi ấy quả đất chấn động.

7/ Khi Như Lai chánh niệm giác tỉnh từ bỏ mạng sống, không duy trì nữa, khi ấy quả đất chấn động.

8/ Khi Như Lai tịch diệt Níp Bàn, khi ấy quả đất rung động, chấn động mạnh.

Rồi Thế Tôn nhắc lại rằng:

- Nầy Ananda, hôm nay tại đền Càpàla, Như Lai chánh niệm tỉnh giác từ bỏ thọ hành, để không duy trì mạng sống lâu hơn nữa, nên đại địa rung động, chấn động mạnh.

Nghe nói vậy, Đại Đức Ananda thưa:

- Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn hãy ở lại, bạch Thiện Thệ hãy ở lại cho trọn kiếp, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc cho loài Trời và người, xin thỉnh Thế Tôn hãy ở lại.

Thế Tôn nói:

- Thôi, đừng thỉnh cầu Như lai nữa. Nay ngươi thỉnh cầu Như lai không còn kịp nữa, vì Ta đã nhận lời của ác ma, sẽ Níp bàn sau ba tháng kể từ ngày hôm nay.

- Nầy Ananda, hãy đi mời tất cả Tỳ-khưu ở Vesalì tụ hợp lại giảng đường nầy.

Khi các Tỳ-khưu tập hợp lại. Thế Tôn nói:

- Nầy các Tỳ-khưu, những pháp do ta chứng ngộ và giảng dạy cho các ông, các ông phải khéo học hỏi, thực chứng tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn. Vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lợi ích cho đời.

Thế nào là pháp do ta chứng ngộ: "Tứ Niệm Xứ,Tứ Chánh Cần, Tứ Như ý Túc, Ngũ căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi, bát Chánh Đạo."

Nầy các Tỳ-khưu, đây là lời ta nhắn nhủ cho các ông: "Các hành là vô thường, hãy tinh tấn lên để tự giải thoát, không còn bao lâu nữa Như lai sẽ diệt độ."

"Ta đã già, dư mạng chẳng còn bao
Từ biệt các ngươi ta ra đi một mình.
Tự mình làm sở y cho chính mình.
Hãy tinh tấn chánh niệm giữ giới luật.
Nhiếp thúc ý chí bảo hộ tự tâm.
Ai tinh tấn trong pháp luật nầy.
Sẽ diệt sanh tử chấm dứt khổ đau."

- Nầy các Tỳ-khưu, chính vì không giác ngộ, không chứng đạt Tứ Thánh Đế, mà ta và các ông đã lâu đời phải trôi lăn trong biển sanh tử. Bốn pháp nầy được giác ngộ, chứng đạt thì tham ái một đời sống tương lai được trừ diệt.

Trong thời gian ở Bhandagàma, Ambalatthika, Nalanda v.v... Thế Tôn nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại nhiều lần ba pháp:Vô lậu học Giới Định Tuệ mà mọi đệ tử và bậc xuất gia cần phải hành trì:

"Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Định, sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các lậu hoặc, tức là Dục lậu, Hữu lậu (tri kiến lậu), Vô minh lậu."

Vào buổi sáng Thế Tôn đi khất thực ở thành Vesàli, trên con đường khất thực trở về, Thế Tôn nhìn Vesàli với cái nhìn của con voi chúa và nói:

- Nầy Ananda, lần nầy là lần cuối cùng Như Lai nhìn Vesàli...

Bốn Đại Giáo Pháp

Rồi tuần tự Thế Tôn đi đến Hatthigàma, Bhoganagara, tại đây Thế Tôn nói:

Nầy các Tỳ-khưu, Ta sẽ giảng "Bốn Đại Giáo Pháp", hãy nghe và suy niệm kỹ, Ta sẽ giảng.

"Xin vâng, bạch Thế Tôn", các vị Tỳ-khưu ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau:

1- Nầy Chư Tỳ-khưu, sau khi Như Lai diệt độ, có thể có vị Tỳ-khưu nói như sau: "Tôi tự thân nghe từ miệng Thế Tôn, tự thân lãnh thọ, đây là giáo pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư." Nầy Chư Tỳ-khưu, các ông không nên tán thán, không nên hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỷ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật. Sau khi đem so sánh và đối chiếu như vậy, nếu thấy chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thì các ông có thể kết luận: "Chắc chắn những lời nầy không phải lời của Đức Thế Tôn, và vị Tỳ-khưu ấy đã thọ giáo sai lầm." Thời các ông hãy từ bỏ chúng. Nhưng khi đem so sánh thấy chúng tương ứng với Kinh với Luật, thời các ông có thể kết luận: "Chắc chắn những lời nầy là lời dạy của Thế Tôn và vị Tỳ-khưu ấy đã thọ giáo chơn chánh." Nầy các Tỳ-khưu, như vậy là đại giáo pháp thứ nhất, các ông hãy thọ trì.

2- Nầy các Tỳ-khưu, nếu có vị Tỳ-khưu nói: "Tại trú xứ kia, có Tăng chúng ở với các vị Thượng Tọa, với các Thủ chúng. Tôi tự thân nghe từ miệng Tăng chúng, tự thân lãnh thọ, đây là Pháp, đây là Luật, như vậy là lời dạy của Bậc Đạo Sư." Nầy Chư Tỳ-khưu, các ông không nên tán thán, không nên hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỷ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật ... Đây là đại giáo pháp thứ hai, các ông hãy thọ trì.

3- Lại nữa, sẽ có những vị Tỳ-khưu nói như sau: "Tại trú xứ kia, có nhiều vị Tỳ-khưu Thượng Tọa, những vị nầy là bậc đa văn nghe nhiều, và được trao truyền Kinh điển, là bậc trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Đối với các bậc Trưởng lão ấy tôi được lãnh thọ, đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư." Nầy Chư Tỳ-khưu, các ông không nên tán thán, không nên hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải học hỏi kỷ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật ... Đây là đại giáo pháp thứ ba, các ông hãy thọ trì.

4- Nầy các Tỳ-khưu, trong tương lai sẽ có vị Tỳ-khưu nói như sau: "Tại trỳ xứ kia, có một vị Thượng Tọa, vị nầy là bậc đa văn nghe nhiều, được trao truyền Kinh điển, là bậc trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Tôi tự thân nghe từ vị Thượng Tọa ấy, tự thân lãnh thọ; đây là giáo pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của bậc Đạo Sư." Nầy Chư Tỳ-khưu, các ông không nên tán thán, cũng không nên phỉ báng lời nói của vị Tỳ-khưu ấy. Mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu cần phải được học hỏi kỷ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh và đối chiếu như vậy, nếu thấy chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thì các ông có thể kết luận rằng: "Chắc chắn những lời nầy không phải lời dạy của Đức Thế Tôn, Bậc A-La-Hán Chánh Đẳng Giác. Và vị Tỳ-khưu ấy đã thọ giáo không chơn chánh". Thời các ông hãy từ bỏ chúng. Nhưng khi đem so sánh thấy chúng tương ứng với Kinh với Luật, thời các ông có thể kết luận: "Chắc chắn những lời nầy là lời dạy của Thế Tôn và vị Tỳ-khưu ấy đã thọ giáo chơn chánh." Nầy các Tỳ-khưu, như vậy là đại giáo pháp thứ tư, các ông hãy thọ trì.

Nầy các Tỳ-khưu, bốn Đại giáo pháp nầy, các ngươi hãy thọ trì.

Năm Điều Sợ Hãi Trong Tương Lai.

Có năm điều sợ hãi trong tương lai. Nầy các Tỳ-khưu, tuy nay chưa sanh khởi, nhưng nó sẽ sanh khởi trong tương lai. Các ông cần phải hoàn toàn rõ biết chúng. Sau khi rõ biết, cần phải tinh tấn để đoạn trừ chúng.

1- Nầy các Tỳ-khưu, trong tương lai sẽ có những Tỳ-khưu trở thành những người thân không tu, giới không tu, tâm không tu, tuệ không tu. Do không tu tập, những người nầy nếu họ có ban hành đại giới cho người khác, họ không thể huấn luyện cho người khác trong tăng thượng giới, tăng thượng tâm, và tăng thượng tuệ.

Các người thọ đại giới từ nơi những người ấy cũng sẽ trở thành những người giống như vậy, thân không tu, giới không tu, tâm không tu, tuệ không tu . Nếu những người đó có truyền đại giới cho người khác, họ sẽ không thể huấn luyện cho những người khác trong tăng thượng giới, tăng thượng tâm và tăng thượng tuệ. Như vậy, do pháp ô nhiễm, nên luật ô nhiễm; do luật ô nhiễm nên pháp ô nhiễm. Đây là sự sợ hãi thứ nhất.

2- Lại nữa, nầy các Tỳ-khưu, các Tỳ-khưu trong tương lai sẽ trở thành những người thân không tu ... nhưng những người nầy lại làm y chỉ sư cho những người khác. Họ không thể huấn luyện cho những người khác trong tăng thượng giới ... Đây là sự sợ hãi thứ hai.

3- Lại nữa, trong tương lai sẽ có những Tỳ-khưu trở thành những người thân không tu, Giới không tu, Tâm không tu, Tuệ không tu. Với sự không tu tập, khi những người nầy thuyết về Thắng Pháp, hay về Quảng thuyết (Trí giải luận), họ bị rơi vào hắc pháp, không thể thấu hiểu rõ ràng. Đây là sự sợ hãi thứ ba.

4- Lại nữa, các Tỳ-khưu trong tương lai không tu tập... Do nhân không tu tập, đối với các Kinh tạng do Như Lai tuyên thuyết, thâm sâu, ý nghĩa sâu kín, siêu thế, liên hệ đến không, khi các kinh ấy được thuyết giảng, những người nầy không chịu nghe, không lắng tai, không để tâm an trú liễu giả, họ nghĩ rằng các kinh ấy không cần phải học thuộc lòng. Còn những kinh điển do các thi sĩ làm, những bài thi ca hoa mỹ, với những câu văn hoa, thuộc ngoại điển, các kinh ấy được thuyết giảng, những người ấy lại lắng nghe, trú tâm liễu giải và học thuộc lòng các loại kinh ấy. Nầy các Tỳ-khưu, đây là do pháp ô nhiễm, nên luật ô nhiễm; do luật ô nhiễm, nên pháp ô nhiễm. Đây là sự sợ hãi thứ tư.

5- Lại nữa, có những Tỳ-khưu trong tương lai thân không tu, Giới không tu, Tâm không tu, Tuệ không tu. Các vị Trưởng lão Tỳ-khưu ấy sẽ sống đầy đủ, biếng nhác dẫn đầu trong thối đọa, chúng từ bỏ không nghĩ đến sống viễn ly các dục, không hăng hái tinh tấn, để chứng đắc những pháp chưa chứng đắc, để chứng ngộ những pháp chưa chứng ngộ. Và quần chúng về sau sẽ đi theo tà kiến của họ. Những người ấy sẽ trở thành những người sống đầy đủ, biếng nhác dẫn đầu trong thối đọa. Như vậy, do pháp ô nhiễm, đưa đến luật ô nhiễm; do luật ô nhiễm, đưa đến pháp ô nhiễm. Đây là sự sợ hãi thứ năm.

Nầy các Tỳ-khưu, năm sợ hãi nầy, nay chưa sanh khởi, nhưng sẽ sanh khởi trong tương lai. Các ông cần phải hoàn toàn rõ biết. Sau khi hoàn toàn rõ biết, các ông cần phải tinh tấn để đoạn tận chúng.

Bảy Pháp Bất Thối

Trong thời gian còn lưu lại Magadha,

Đức Phật đó giảng cho Đại thần của Vua Ajàtasattu nghe 7 điều kiện thịnh suy của một quốc gia, khi ông tham vấn Thế Tôn về việc chinh phục nước Vajjì. Nhõn đó, Đức Phật cũng giảng 7 yếu tố thịnh suy của Giáo Pháp.

1- Nầy các Tỳ-khưu, khi nào chúng Tỳ-khưu thường hay tụ họp đông đảo với nhau, thời chúng Tỳ-khưu ấy sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

2- Nầy các Tỳ-khưu, khi nào chúng Tỳ-khưu tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tỏn trong niệm đoàn kết, và làm việc Tăng sự cũng trong niệm đoàn kết, thời chúng Tỳ-khưu ấy sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

3- Nầy các Tỳ-khưu, khi nào chúng Tỳ-khưu không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đó được ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành, thời chúng Tỳ-khưu ấy sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

4- Nầy các Tỳ-khưu, khi nào chúng Tỳ-khưu tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc Tỳ-khưu Thượng Tọa, những vị nầy là những vị giàu kinh nghiệm, niờn cao lạp trưởng, bậc cha của chúng Tăng, bậc Thầy của chúng Tăng và nghe theo những lời dạy của những vị nầy, thời chúng Tỳ-khưu ấy sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

5- Nầy các Tỳ-khưu, khi nào chúng Tỳ-khưu không bị chi phối bởi tham ỏi, tham ỏi nầy tác thành một đời sống khác, thời chúng Tỳ-khưu ấy sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

4- Nầy các Tỳ-khưu, khi nào chúng Tỳ-khưu thích sống những chỗ nhàn tịnh, thời chúng Tỳ-khưu ấy sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

7- Nầy các Tỳ-khưu, khi nào chúng Tỳ-khưu tự thân an trú chánh niệm, khiến các bạn đồng tu thiện chí chưa đến muốn đến ở, và các bạn đồng tu thiện chí đó đến ở, được sống an lạc, thời chúng Tỳ-khưu ấy sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

Nầy các Tỳ-khưu, khi nào bảy Pháp Bất Thối nầy được duy trì giữa các vị Tỳ-khưu, khi nào các vị Tỳ-khưu được dạy Bảy Pháp Bất Thối nầy, thời nầy các Tỳ-khưu, chúng Tỳ-khưu ấy sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.

TRÊN ĐƯỜNG ĐẾN KUSINÀRÀ

Rồi tuần tự, Thế Tôn đến đền Pàvà, tại vườn xoài của Cunda, một người thợ sắt. Cunda hoan hỷ thỉnh Thế Tôn cùng chúng Tỳ-khưu vào ngày mai đến dùng cơm. Sau khi dùng buổi cơm tại nhà người thợ sắt, Thế Tôn bị nhiễm bệnh rất khốc liệt, gần như sắp chết đến nơi (bệnh lỵ huyết). Nhưng Ngài chánh niệm tỉnh giác, nhẫn nại chịu đựng cơn bệnh. Rồi Thế Tôn nói với Đại Đức Ananda:

- Nầy Ananda, chúng ta hãy đi đến Kusinàrà.

"Xin vâng bạch Thế Tôn," Đại Đức Ananda vâng đáp Thế Tôn.

Khi đi đến một gốc cây, Thế Tôn lại bên đường và nói với Đại Đức Ananda:

"Nầy Ananda, hãy xếp tư áo Sanghàti. Ta cảm nghe mệt mỏi và muốn ngồi nghĩ."

"Xin vâng bạch Thế Tôn," Đại Đức Ananda vâng lời Thế Tôn và xếp tư áo Sanghàti lại.

Thế Tôn ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, và nói: "Nầy Ananda, hãy đem nước cho Ta. Ta nay đang khát và muốn uống nước."

- Bạch Thế Tôn, vừa mới có khoảng 500 cỗ xe chạy qua, nên nước bị khuấy động và bẩn đục. Bạch Thế Tôn, sông Kakutthà không xa ở đây, nước thuần tịnh, mát mẻ. Tại đó Thế Tôn có thể uống nước.

Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Đại Đức Ananda: "Nầy Ananda, hãy đem nước uống cho Ta. Ta nay đang khát và muốn uống nước."

Lần thứ hai, Đại Đức Ananda cũng bạch với Thế Tôn như trước

Lần thứ ba, Thế Tôn nói: "Nầy Ananda, hãy đem nước uống cho Ta. Ta nay đang khát và muốn uống nước."

"Xin vâng bạch Thế Tôn," Đại Đức Ananda vâng lời Thế Tôn, lấy bát và đi đến con sông nhỏ. Con sông đang chảy nông cạn, khuấy động và bẩn đục, khi Đại Đức Ananda đến, liền trở thành trong trẻo, sáng lạng, không bẩn đục.

Sau khi dùng bát lấy nước, Đại Đức Ananda đến chỗ Thế Tôn và bạch rằng:

- Bạch Thế Tôn, thật kỳ diệu thay! Thật hy hữu thay thần túc và uy lực của Như Lai. Con sông nhỏ đang nông cạn, khuấy động và bẩn đục nầy, khi con đến, liền trở thành trong trẻo, sáng lạng và không bẩn đục. Xin thỉnh Thế Tôn dùng nước. Xin thỉnh Thiện Thệ dùng nước!

Lúc bấy giờ, Pukkusa, giòng họ Mallà, đệ tử của Ngài Alàra Kàlàma đang đi trên con đường từ Kusinàrà đến Pàvà.

Pukkusa thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây, liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Pukkusa, bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu, bạch Thế Tôn, thật là hy hữu, trạng thái trầm tĩnh của một vị xuất gia

Bạch Thế Tôn, thuở xưa, thiền sư Alàra Kàlàma đang đi trên đường. Rồi Ngài bước xuống đường và ngồi xuống một gốc cây, không xa con đường để nghỉ trưa. Bạch Thế Tôn, lúc ấy có khoảng 500 cỗ xe đi ngang qua gần Ngài. Bạch Thế Tôn, có một người đi theo sau lưng đoàn xe ấy, đến chỗ thiền sư Alàra Kàlàma và nói rằng:

- Tôn giả có thấy khoảng 500 cỗ xe vừa đi qua không?

- Nầy Hiền giả, Ta không thấy.

- Tôn giả có nghe tiếng không?

- Nầy Hiền giả, Ta không nghe tiếng.

- Có phải Tôn giả đang ngủ không?

- Nầy Hiền giả, Ta không đang ngủ.

- Vậy có phải Tôn giả đang thức tỉnh?

- Nầy Hiền giả, Ta đang thức tỉnh.

- Tôn giả đang thức tỉnh nhưng không thấy khoảng 500 cỗ xe đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe tiếng. Bạch Tôn giả, cái áo của Tôn giả cũng bị lấm bụi.

Bạch Thế Tôn, người ấy liền tự nghĩ: "Thật là kỳ diệu, thật là hy hữu sự trầm tĩnh của vị xuất gia. Trong khi giác tỉnh, còn thức nhưng không thấy 500 cỗ xe vừa đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe tiếng." Sau khi tỏ sự thâm tín đối với thiền sư Alàra Kàlàma, vị ấy từ biệt.

Nầy Pukkusa, nhà ngươi nghĩ thế nào? Cái gì khó làm hơn, cái gì khó thực hiện hơn? Một người trong khi giác tỉnh, còn thức mà không thấy 500 cỗ xe đi ngang qua gần một bên, cũng không nghe tiếng. Hay một người đang giác tỉnh, còn thức, trong khi trời đang mưa, mưa tầm tả ào ào, trong khi điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, mà không thấy, cũng không nghe tiếng.

Bạch Thế Tôn, nói gì đến 500 cỗ xe nầy, cho đến 600 - 700 ... cho đến trăm ngàn cỗ xe, cũng không thể so sánh được.

Thật khó làm hơn, khó thực hiện được, một người đang giác tỉnh, còn thức, trong khi trời đang mưa, mưa tầm tả ào ào... mà không thấy, cũng không nghe tiếng.

Nầy Pukkusa, một thời, Ta ở Atumà, tại nhà đập lúa. Lúc bấy giờ trời mưa, mưa tầm tả ào ào, điện quang chớp lòa, sấm sét vang động, có hai anh em nông phu và bốn con bò đực bị sét đánh chết, nhưng Ta không thấy, cũng không nghe gì.

Khi được nghe nói vậy, Pukkusa, bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, sự tin tưởng của con đối với thiền sư Alàra Kàlàma, nay con đem rải rắc trước luồng gió lớn, đem thả trôi vào giòng nước cuốn. Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn! Hy hữu thay bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày. Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

Rồi Pukkusa đem dâng cặp áo màu kim sắc, vàng chói cho Thế Tôn và nói:

- Bạch Thế Tôn, cặp áo màu kim sắc, vàng chói nầy, mong Thế Tôn vì thương xót mà thâu nhận cho con.

- Nầy Pukkusa, hãy dâng cho ta một áo và dâng cho Ananda một áo.

Rồi Thế Tôn thuyết pháp cho Pukkusa. Sau khi được Đức Thế Tôn thuyết pháp, khích lệ làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ, Pukkusa liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Thế Tôn rồi từ biệt.

Sau khi Pukkusa đi chưa bao lâu, Đại Đức Ananda đem cặp áo màu kim sắc, vàng chói đặt trên thân Thế Tôn. Và khi cặp áo nầy đặt trên thân Thế Tôn. màu sắc sáng chói của áo như bị lu mờ đi. Đại Đức Ananda bạch Thế Tôn:

- Bạch thế Tôn, thật là kỳ diệu, bạch Thế Tôn, thật là hy hữu, sự thanh tịnh và sáng chói màu da của Như Lai. Bạch Thế Tôn, khi con đặt trên thân Thế Tôn, cặp áo màu kim sắc vàng chói, màu sắc sáng chói của áo như bị lu mờ đi.

- Thật vậy, nầy Ananda, có hai trường hợp, màu da của Như Lai hết sức thanh tịnh và sáng chói. Thế nào là hai?

Nầy Ananda, trong đêm Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác và trong đêm Như Lai sắp diệt độ Níp Bàn không còn dư y sanh tử. Nầy Ananda, đó là hai trường hợp, màu da của Như Lai hết sức thanh tịnh và sáng chói.

Nầy Ananda, khi canh cuối cùng đã mãn, tại Upavattana ở Kusinàrà, trong rừng Sàla của giòng họ Mallà, giữa hai cây Sàla Song thọ, Như Lai sẽ diệt độ. Nầy Ananda, chúng ta hãy đi đến sông Kakutthà.

Khi ấy, Thế Tôn nói với Đại Đức Ananda:

- Nầy Ananda, rất có thể có người làm cho thợ sắt Cunda hối hận: "Nầy Hiền giả Cunda, thật không lợi ích gì cho ngươi, thật là tai hại cho ngươi, vì Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ ngươi cúng dường, và nhập diệt." Nầy Ananda, ông cần phải làm tiêu tan sự hối hận ấy của thợ sắt Cunda:

- Nầy Hiền giả, thật lợi ích cho bạn, thật là công đức cho bạn, vì được Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ bạn cúng dường và viên tịch

- Nầy Hiền giả Cunda, tôi tự thân nghe, lời nói nầy của Thế Tôn: Có hai sự cúng dường vật thực đồng một quả phước như nhau, phước ấy lớn hơn, lợi ích lớn hơn các sự cúng dường vật thực khác, đó là:

. Bữa ăn trước khi Như Lai chứng Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

. Bữa ăn trước khi Như lai diệt độ Níp Bàn .

Do sự cúng dường nầy, Cunda sẽ được hưởng tuổi thọ, sắc đẹp, an lạc, danh tiếng, cõi trời và uy quyền.

Rồi Thế Tôn thốt lời như sau:

"Công đức người bố thí,
Luôn luôn được tăng trưởng,
Trừ được tâm hận th
ù,
Không chất chứa, chế ngự,
Kẻ chí thiện từ bỏ,
Mọi ác hạnh bất thiện,
Diệt trừ tham, sân, si,
Tâm giải thoát thanh tịnh."

Rồi Thế Tôn, cùng với đại chúng Tỳ-khưu đi đến bên kia sông Hiraññavati, tại Kusinàrà Upavattana, rừng Sàlà, khi đi đến nơi, Đức Thế Tôn liền nói với Đại Đức Ananda:

- Nầy Ananda, hãy trải chỗ nằm, đầu hướng về phía Bắc giữa hai cây Sàlà Song thọ. Nầy Ananda, Ta nay mệt mỏi, muốn nằm nghĩ.

- Xin vâng, bạch Đức Thế Tôn.

Thế Tôn nằm xuống, về phía hông bên phải, như dáng nằm con sư tử, hai chân để lên nhau chánh niệm giác tỉnh.

Lúc bấy giờ, cây Sàlà Song thọ trổ hoa trái mùa, tràn đầy cành lá. Những đóa hoa nầy rơi lên gieo khắp và tung vải trên thân Như Lai để cúng dường Ngài. Những thiên hoa Mandàrava từ trên hư không rơi xuống, gieo khắp và tung vải trên thân Như Lai để cúng dường Ngài. Bột trời chiên đàn từ trên hư không rơi xuống, gieo khắp và tung vải trên thân Như Lai để cúng dường Ngài . Nhạc trời trên hư không trổi dậy để cúng dường Như Lai. Thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Ngài.

Rồi Như Lai nói với Đại Đức Ananda:

- Nầy Ananda, các cây Sàlà Song thọ trổ hoa trái mùa ... Thiên hoa Mandàrava từ trên hư không rơi xuống, bột trời chiên đàn, nhạc trời trên hư không trổi dậy, Thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai. Nhưng nầy Ananda, như vậy không phải kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai một cách cao thượng. Nầy Ananda, nếu có vị Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ nào thành tựu chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh trong chánh pháp, hành trì đúng chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như lai với sự cúng dường tối thượng. Do vậy, hãy thành tựu chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh trong chánh pháp và hành trì đúng chánh pháp. Nầy các Tỳ-khưu, các ông hãy học tập như vậy.

Lúc bấy giờ, đại Đức Upavàna đứng trước mặt Thế Tôn và quạt cho Ngài. Thế Tôn quở trách và bảo: "Này Tỳ-khưu, hãy đứng sang một bên, chớ có đứng trước mặt Ta."

Đại Đức Ananda suy nghĩ: "Tôn Giả Upavàna nầy là thị giả sống gần và hầu cận Thế Tôn đã lâu ngày. Nay trong giờ cuối Thế Tôn lại quở trách Tôn giả Upavana!" Nghĩ thế, Đại Đức Ananda hỏi:

- Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì, Thế Tôn lại quở trách Đại Đức Upavàna?

- Nầy Ananda, có rất đông các vị Thiên thần ở mười phương thế giới tụ hội để chiêm ngưỡng Như lai trong giờ phúc cuối, cho đến 12 do tuần xung quanh Kusinara rừng Sàlà, không có một chỗ nào trống dù nhỏ cho đến đầu một sợi tóc, đều đầy những vị thiên thần có uy lực tụ họp.

Nầy Ananda các vị thiên thần than phiền rằng: "Chúng ta từ xa, rất xa đến đây để chiêm ngưỡng Như lai trong giờ phút cuối, mà vị Tỳ-khưu có uy lực nầy lại đứng án mặt Thế Tôn, khiến chúng ta không thấy được Thế Tôn!"

- Bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn đang nghĩ đến hạng Chư Thiên nào?

- Nầy Ananda, có hạng Chư Thiên ở trên hư không, nhưng tâm tư còn thế tục, những vị nầy khóc than với đầu bù tóc rối, khóc than với cánh tay duổi cao, thân bổ nhoài dưới đất lăn lộn qua lại: "Thế Tôn diệt độ quá sớm, Thiện Thệ Níp bàn quá sớm, Pháp nhản biến mất quá sớm. "

- Nầy Ananda, có những hạng Chư Thiên đã diệt trừ ái, những vị nầy bình thản, tỉnh giác chịu đựng, với tâm suy tư: "Các hành là vô thường, làm sao có thể khác được."

Đại Đức bạch rằng:

- Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn diệt độ, chúng con xử sự kim thân của Thế Tôn thế nào?

- Nầy Ananda, xử sự thân của Chuyển Luân Vương thế nào thời thân của Như Lai xử sự cũng như thế ấy.

- Nầy Ananda, có bốn thánh tích cần phải chiêm ngưỡng, cần tôn kính:

1- Nơi Như Lai đản sanh.
2- Nơi Như lai chứng ngộ Vô thượng Đẳng Giác.
3- Nơi Như Lai Chuyễn pháp Luân vô thượng.
4- Nơi Như Lai diệt độ Níp b
àn.

Những ai trong khi chiêm bái những thánh tích ấy, mà từ trần với tâm tính thành hoan hỷ, thì những người ấy sẽ được sanh cõi thiện, cảnh giới chư thiên.

Nầy Ananda, có bốn hạng người xứng đáng xây tháp:

1- Như Lai bậc A La Hán Chánh đẳng giác
2- Bậc Độc Giác Phật.
3- Đệ tử Thinh văn của Như Lai.
4- Vua Chuyễn Luân Vương.

Nầy Ananda, vì lý do gì, Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri đáng xây tháp, bậc Độc Giác Phật, đệ tử Thinh Văn của Như Lai, vua Chuyển Luân Vương xứng đáng xây Tháp? Vì những người nầy là những vị sống đúng Pháp, y cứ Pháp, tôn kính Pháp, lấy Pháp làm tràng phan, lấy Chánh pháp làm ngọn cờ, lấy Chánh Pháp làm tăng thượng. Do tâm hoan hỷ như vậy, khi từ trần được sanh lên cõi thiện, Thiên giới.

Thế Tôn nói như vậy xong, Đại Đức Ananda, đi vào trong tịnh thất đứng dựa cửa khóc: "Nay ta còn là người hữu học, còn phải tu tập, nay bậc Đạo Sư sắp diệt tịch ..."

Đức Phật cho gọi lại và nói:

- Thôi vừa rồi, nầy Ananda, chớ có buồn rầu, chớ có khóc than; nầy Ananda, có phải chăng, ta đã từng tuyên bố rằng mọi vật ưu ái, tốt đẹp đều phải sanh diệt và tử biệt?

Nầy Ananda, đã lâu ngày ông đối với Như lai, với thân nghiệp đầy lòng từ ái, an lạc, có một không hai. Vô lượng với khẩu nghiệp đầy lòng từ ái có một không hai. Vô lượng với ý nghiệp, đầy lòng từ ái có một không hai.

Nầy Ananda, ông đã tác thành công đức ấy, hãy cố gắng tinh tấn lên, ông sẽ chứng bậc vô lậu giải thoát không bao lâu.

Nầy Ananda, hãy đi vào Kusinàrà nói với dân Mallà rằng: "Đêm nay vào canh cuối Như Lai sẽ diệt độ, các ông hãy đi đến, để về sau không hối tiếc: "Thế Tôn diệt độ ở xứ chúng ta, mà chúng ta không được chiêm ngưỡng Như Lai."

Lúc ấy dân Mallà đang hội hợp ở giảng đường, khi nghe nói vậy, chúng đau khổ, sầu muộn, khóc than với đầu bù tóc rối, có kẽ khóc với cánh tay duổi cao, có kẽ khóc thân bổ nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: "Thế Tôn diệt độ quá sớm, Pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm."

Rồi dân Malla cùng vớí vợ con buồn rầu đi đến rừng Sàlà.

Đại Đức Ananda suy xét: Nếu ta để dân Malla đảnh lễ Thế Tôn từng người một thì đêm sẽ tàn trước, vậy ta hãy đễ dân Malla đảnh lễ từng gia tộc. Suy xét như thế, Đại đức Ananda thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn, gia tộc Malla nầy cùng với vợ con, đồ chúng, bạn bè đến cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn!

Lúc ấy, du sĩ ngoại đạo Subhadda ở Kusinàrà được nghe:" Tối nay, vào canh cuối cùng Sa Môn Gotama sẽ diệt độ".

Rồi Subhadda đi đến khu rừng Sàlà đến chỗ Đại Đức Ananda và xin vào diện kiến Thế Tôn.

Đại Đức Ananđa từ chối:

- Thưa Hiền giả, Thế Tôn đang mệt!

Ngoại đạo Subhadda van xin đến lần thứ ba rằng: "Thưa hiền giả Ananda, tôi được nghe các du sĩ ngoại đạo cao niên lạp lớn, nói rằng: "Như Lai đã xuất hiện ra đời và đêm nay, vào canh cuối cùng, Như lai sẽ diệt tịch Níp Bàn. Nay tôi có nghi vấn nầy, tôi tin Sa Môn Gotama có thể thuyết pháp giải được nghi cho Tôi. Hiền giả hãy cho phép tôi được diện kiến Sa môn.

Đức Phật biết sự việc, ngài bảo Đại Đức Ananda hãy để cho Subhadda vào. Những gì Subhadda hỏi là để hiểu, chớ không phải hỏi để làm phiền Như Lai. Rồi Subhadda vào đảnh lễ Thế Tôn và thưa rằng: "Thưa Sa Môn Gotama, tôi có nghe các vị tổ sư, những du sĩ ngoại đạo là bậc cao niên lạp lớn, khai sáng giáo pháp, các vị ấy đã tuyên bố rằng đã đắc A La Hán, có vị sẽ đắc Alahán trong tương lai."

Đức Phật nói: "Nầy Subhadda, hãy để yên vấn đề nầy qua một bên, ta sẽ thuyết pháp cho ngươi, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, ta sẽ giảng."

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn!

Rồi Thế Tôn giảng về chánh pháp như sau:

- Nầy Subhadda, trong pháp và luật nào không có Đạo Tám Chánh, thì nơi đó không có đệ nhất Sa môn, không có đệ nhị Sa môn, đệ tam hay đệ tứ Sa môn.

- Nầy Subhadda, ngoài lãnh vực nầy không có đạo quả giải thoát, những hệ thống ngoại đạo khác đều trống không, không có những bậc Sa môn, thánh Đạo thánh Quả.

- Nầy Subhadda, nếu Tỳ Kheo nào sống chơn chánh, thì đời nầy không vắng bóng những vị A-La-Hán.

Sau khi nghe pháp, du sĩ ngoại đạo Subhadda bạch Thế Tôn: "Thật hy hữu thay, Bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn. Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y Tỳ-khưu Tăng. Mong Thế Tôn chấp nhận cho con được xuất gia với Thế Tôn, con xin thọ đại giới.

Và du sĩ ngoại đạo Subhadda được thọ đại giới với Thế Tôn. Thọ đại giới không bao lâu, Đại Đức Subhadda ở một mình, an tịnh không phóng dật, tinh tấn, sống nhiệt tâm, cần mẫn. Và không bao lâu, Đại Đức Subhadda trở thành một vị A-La-Hán.

Lúc bấy giờ, Thế Tôn nói với Đại Đức Ananda:

- Nầy Ananda, nếu trong các ngươi có người nghĩ rằng: "Lời nói của Bậc Đạo Sư khônng còn nữa. Chúng ta không có Đạo Sư." Nầy Ananda, chớ có những tư tưởng như vậy, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Đạo Sư của các ông.

Và Thế Tôn nói với các vị Tỳ-khưu:

- Nầy các Tỳ-khưu, nay Ta khuyên dạy các ông "Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật." Đó là lời di huấn tối hậu của Như Lai.

Rồi Thế Tôn nhập định sơ thiền. Xuất sơ thiền, Ngài nhập nhị thiền. Xuất nhị thiền, Ngài nhập định tam thiền. Xuất tam thiền, Ngài nhập định tứ thiền. Xuất tứ thiền, Ngài nhập định Không vô biên xứ. Xuất không vô biên xứ, Ngài nhập định Thức vô biên xứ. Xuất Thức vô biên xứ, Ngài nhập định Vô sở hữu xứ. Xuất Vô sở hữu xứ, Ngài nhập định Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Xuất phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài nhập Diệt, thọ tưởng định.

Khi ấy, Đại Đức Ananda nói với Đại Đức Anuruddha:

- Thưa Tôn giả, Thế Tôn đã diệt độ?

- Nầy Hiền giả, Thế Tôn chưa diệt độ, Ngài mới nhập Diệt thọ tưởng định.

Rồi xuất Diệt thọ tưởng định, Ngài nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài nhập Vô sở hữu xứ định. Xuất Vô sở Hữu xứ, Ngài nhập Thức vô biên xứ định. Xuất Vô biên xứ, Ngài nhập Hư không vô biên xứ định. Xuất Hư không vô biên xứ, Ngài nhập định tứ thiền. Xuất tứ thiền, Ngài nhập định tam thiền. Xuất tam thiền, Ngài nhập định nhị thiền. Xuất nhị thiền, Ngài nhập định thiền. Rồi từ sơ thiền, Ngài nhập định tuần tự trở lên đến tứ thiền. Xuất tứ thiền, Ngài lập tức diệt độ Níp Bàn.

Thế Tôn vừa diệt độ, đại địa chấn động khủng khiếp, lông tóc dựng ngược, sấm trời vang động. Ngay khi Thế Tôn tịch diệt,

Phạm Thiên Sahampati, thốt lên bài kệ rằng:

"Chúng sanh ở trên đời,
từ bỏ thân ngũ uẩn.
Bậc Đạo Sư cũng vậy,
Đấng tuyệt luân tr
ên đời.
Bậc Đại h
ùng Giác ngộ,
Như Lai đã diệt độ.

Khi Thế Tôn diệt độ, Thiên chủ Sakka, thốt lên bài kệ:

"Các hành là vô thường.
Có sanh phải có diệt,
Đã sanh chúng phải diệt
Nhiếp chúng là an lạc."

Khi Thế Tôn tịch diệt, Đại Đức Anuruddha, thốt lên bài kệ:

"Không phải thở ra vào.
Chính tâm trú chánh định
Không tham ái tịch tịnh
Tu sĩ hướng diệt độ
Chính tâm tịnh bất động
Nhẫn chịu mọi cảm thọ
Như đ
èn sáng bị tắt
Tâm giải thoát hoàn toàn."

Khi Như Lai Níp Bàn, Đại Đức Ananda, thốt lên bài kệ rằng:

"Thật kink khủng bàng hoàng,
Thật râu tóc dựng ngược
Khi Bậc toàn thiện năng
Bậc Giác ngộ nhập diệt."

Rồi Đại Đức Anuruddha và Đại Đức Ananda luận bàn về chánh pháp suốt đêm còn lại.

Dân Mallà ở Kusinàrà gom góp hương, tràng hoa, tất cả nhạc khí ở Kusinàrà và năm trăm cuộn vải đi đến Upavattana, tại rừng Sàlà, chỗ kim thân của Thế Tôn. Và họ tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường kim thân Thế Tôn như vậy suốt bảy ngày. Sau đó, tám vị tộc trưởng Mallà, gội đầu, mặc áo mới với ý định khiêng nỗi kim thân Thế Tôn ra ngoài thành phía nam để làm lễ hỏa thiêu, nhưng không thể khiêng nỗi.

Các vị ấy liền hỏi Đại Đức Anuruddha: "Bạch Tôn giả, do nhân duyên gì, chúng con không khiêng nỗi kim thân của Thế Tôn?"

- Nầy Vàssetthà, vì ý định của các ngươi khác, ý định của Chư Thiên khác.

- Thưa Tôn giả, ý định của Chư Thiên là gì?

- Này các Vàsetthà, ý định của Chư Thiên như sau: "Chúng ta đã tôn trọng, cung kính, đảnh lễ, cúng dường kim thân Như lai. Nay chúng ta hãy khiêng kim thân Thế Tôn về hướng bắc của thành. Sau khi khiêng qua cửa phía bắc, hãy khiêng qua trung tâm của thành, rồi hướng về phía đông, khiêng qua cửa phía đông. Sau khi khiêng qua cửa phía đông, chúng ta sẽ thiêu kim thân Thế Tôn tại chỗ ấy."

- Bạch Tôn giả, ý định của Chư Thiên thế nào, ý định của chúng con cũng như vậy.

Lúc ấy, khắp cả Kusinàrà không một chỗ trống, cho đến đống bụi, đống rác, được rải la liệt lên đến đầu gối toàn hoa Mandaràva. Rồi dân Mallà bạch Đại Dức Ananda: "Bạch Tôn giả Ananda, chúng con phải xử sự như thế nào đối với kim thân Như Lai?"

- Nầy các Vàssetthà, xử sự thân Chuyển Luân Vương như thế nào, hãy xử sự kim thân Như Lai như thế ấy!

- Thưa Tôn giả Ananda, xử sự thân Chuyển Luân Vương phải như thế nào?

- Nầy các Vàssetthà, Thân Chuyển Luân Vương được vấn tròn với vải mới. Sau đó vấn thêm vải gai bện. Sau khi vấn với vải gai bện, lại vấn thêm lớp vải mới và tiếp tục như vậy cho đến năm trăm lớp cả hai loại vải. Rồi thân được đặt trong một hòm dầu bằng sắt, hòm sắt nầy được đặt trong một hòm sắt khác đậy kín. Xong, một giàn hỏa gồm mọi loại hương được xây dựng lên. Thân vị Chuyển Luân Vương được đem thiêu trên giàn hỏa nầy; và tại ngã tư đường, tháp vị Chuyển Luân Vương được xây dụng lên. Nầy các Vàsetthà, đó là pháp táng thân của vị Chuyển Luân Vương.

Nầy các Vàsetthà, pháp táng thân của vị Chuyển Luân Vương như thế nào, pháp táng thân của Như Lai cũng như thế ấy. Tháp của Như Lai phải được dựng lên tại ngã ba đường. Và những ai đem đến tại chỗ ấy vòng hoa hay hương thơm đảnh lễ tháp hay khởi tâm hoan hỷ khi đứng trước tháp, thời những người ấy sẽ được những lợi ích hạnh phúc lâu dài ở nhân Thiên.

Lúc bấy giờ, bốn vị tộc trưởng gội đầu, mặc áo mới, với ý định châm lửa thiêu giàn hỏa Thế Tôn, nhưng lửa không cháy.

Các vị thưa với Đại Đức Anuruddha:

- Thưa Tôn giả, do nhân duyên gì, chúng con châm lửa không cháy?

- Nầy các Vàsetthà, ý định của các ngươi khác, ý định của Chư Thiên khác!

- Thưa Tôn giả, ý định của Chư Thiên như thế nào?

Đại Đức Anuruddha đáp:

- Đại Đức Kassapa nay đang đi giữa đường cùng với đại chúng Tỳ-khưu khoảng 500 vị. Giàn hỏa Thế Tôn chỉ được đốt cháy khi Đại Đức Mahà Kassapa cúi đầu đảnh lễ Thế Tôn.

- Thưa Tôn giả, ý định Chư Thiên thế nào, hãy làm y như vậy.

Rồi Đại đức Mahà Kassapa đến tại đền Makuta Bandhana của những vị Mallà tại giàn hỏa Thế Tôn, khi đến, liền choàng áo phía một bên vai, chấp tay, đi nhiễu phía bên tay phải xung quanh giàn hỏa ba lần, cởi mở chân ra và cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn. Khi Đại Đức Mahà Kasssapa và 500 vị Tỳ-khưu đảnh lễ xong, giàn hỏa Thế Tôn tự bắt lửa cháy.

Khi thân Thế Tôn đã cháy, từ da ngoài cho đến da mỏng, thịt, dây gân và nước giữa các khớp xương, thảy đều cháy sạch không có tro, không có than, chỉ có xương xá lợi còn lại.

Khi thân Thế Tôn được thiêu cháy xong, một giòng nước từ hư không chảy xuống tưới tắt giàn hỏa, và một giòng nước từ cây Sàlà phun lên tưới tắt giàn hỏa Thế Tôn. Còn các người dân Mallà ở Kusinàrà dùng nước với mọi hương thơm tưới tắt giàn hỏa Thế Tôn.

Rồi các người dân Mallà đặt xá lợi Thế Tôn trong giảng đường, cung kính, đảnh lễ, cúng dường xá lợi Thế Tôn trong bảy ngày.

Hình bóng của Như Lai khuất dạng từ đây. Con đường hoằng pháp lợi sanh của Ngài trãi qua trong 45 năm. Cuộc đời hy sinh cao cả của Đức Thế Tôn, dù có dùng hàng vạn ngôn từ hoa mỹ để dẫn dụ cũng không thể nào diễn đạt cho hết ý nghĩa thâm sâu vi diệu trong các giáo lý hướng thượng và giải thoát.

Chúng ta nên thực hành theo lời di giáo của Ngài cho Tỳ-khưu, Tỳ-khưu Ni, nam nữ cư sĩ trước khi Ngài tịch diệt:

* Những ai sau khi ta tịch diệt, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình là y tựa cho chính mình, không y tựa một thứ gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một gì khác. Những người ấy là những vị Tối thượng trong hàng Tỳ-khưu của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi ...

* Nếu có vị Tỳ-khưu, Tỳ-khưu ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ nào thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như lai với sự cúng dường tối thượng. Do vậy, hãy thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp và hành trì đúng Chánh pháp. Nầy các Tỳ-khưu, các ông hãy học tập như vậy."

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01 | 02


Chân thành cám ơn chị Huyền Thanh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 11-2004)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 05-05-2005