Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Khái lược Duyên Hệ

Tỳ khưu Chánh Minh

DL 2008 – PL 2552

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


[1.2]

7- Hổ tương duyên(Aññamaññapaccaya)

1- Định nghĩa.

Aññamañña là “lẫn nhau” hay “qua lại”.

Hổ tương duyên là mãnh lực trợ giúp qua lại, nghĩa là năng trợ giúp sở và sở cũng trợ giúp năng.

Pāli có giải thích:

-Aññamaññaṃ hutvā paccayo = aññamaññapaccayo.

“Sự trợ giúp qua lại đang có, gọi là hổ tương duyên.”

2- Chi pháp.

- Năng duyên. Tâm và tâm sở + sắc Tứ đại + sắc Ý vật.

- Sở duyên. Tâm và tâm sở + sắc tứ đại + sắc Ý vật

- Phi sở duyên. Ngoại trừ sắc Ý vật là phi sở duyên bất định. Các sắc Y sinh còn lại là phi sở duyên nhất định.

Sắc ý vật là phi sở duyên bất định, vì vào thời điểm Tục sinh, sắc Ý vật và tâm Tục sinh tác dụng lẫn nhau theo cách Hổ tương duyên.

Vào thời bình nhật chúng là phi sở duyên nhất định.

3- Giải thích.

Hổ tương duyên là nói lên ý nghĩa “nhân quả tương trợ lẫn nhau”, hay “năng và sở trợ giúp lẫn nhau”.

Có thể hiểu sự tương quan này qua ví dụ: Ba cái cây chụm đầu vào nhau, mỗi cây lệ thuộc vào 2 cây kia; khi một cây ngã xuống thì hai cây kia cũng ngã theo.

Nếu có người bảo: “Tâm sở sinh lên không thể thiếu tâm làm nền tảng”, chúng ta chấp nhận. Vì Đức Phật có dạy:

“Manopubbaṅgamā dhammā… Ý dẫn đầu các pháp [1] .

Vì sao ý dẫn đầu các pháp? Vì chức năng “hướng dẫn (pubbaṅgamā)” của tâm vượt trội hơn các tâm sở.

Nếu có người bảo:“Tâm sinh lên do có tâm sở là nhân”, chúng ta chấp nhận, vì một trong bốn nhân sinh tâm là “có tâm sở” [2] .

Ví như không có 7 báu thì không được gọi là vua Chuyển luân, dù 7 báu là vật phụ tùng của vua Chuyển luân.

Cũng vậy tuy tâm sở tùy thuộc tâm, nhưng không có tâm sở thì không có tâm.

Đó là ý nghĩa “hổ tương”.

Trong mô thức hổ tương duyên này, có ba cách:

- Bốn danh uẩn (thọ, tưởng, hành, thức uẩn) hổ trợ lẫn nhau.

- Tứ đại hổ trợ lẫn nhau.

- Khi nhập thai (okkanti) tâm Tục sinh và sắc Ý vật hổ trợ lẫn nhau.

Trong các sắc Y sinh, chỉ có sắc Ý vật tương trợ cho tâm mà thôi. Tuy một số sắc được sinh ra từ tâm, nhưng chúng không thể hổ trợ cho tâm, do đó chúng không là Hổ tương duyên.

Như sắc Thân biểu tri (kāyaviññattirūpa), sắc Ngữ biểu tri (vācāviññattirūpa) do tâm sinh ra nhưng không thể hổ trợ tâm. Do vậy chúng là phi sở duyên nhất định.

Cũng nên phân biệt rõ Đồng sinh duyên và Hổ tương duyên là:

- Hổ tương duyên vừa đồng sinh vừa tương trợ.

- Còn Đồng sinh duyên chỉ là “cùng có mặt” mà thôi.

Như Đức Nāgasena (Natiên) được ông trưởng giả hộ độ trên đường đến Pātaliputta (Hoathịthành) và Đức Natiên thuyết pháp độ ông trưởng giả chứng quả Dựlưu  [3] . Đây là minh họa cho Hổ tương duyên.

8- Y duyên (Nissayapaccaya).

1- Định nghĩa.

Y duyên là mãnh lực trợ giúp bằng cách làm chỗ nương nhờ cho pháp khác.

Pāli có giải thích:

- Nissayanti etthati = nissayo: Dựa vào, gọi là “nương nhờ”.

- Adhiṭṭhānakāravasena vā nissakāravasena vā paccuppanna dhammehi siyati nissayatīti = nissayo:

Pháp sở duyên được ủng hộ hay nương trú vững vàng, gọi là “nương nhờ”.

- Adhiṭṭhānākārena nissayākārena ca upakāralo dhammo = nissaya paccayo:

“ Pháp trợ giúp vững vàng và ủng hộ cho những pháp nương nhờ, gọi là y duyên”.

2- Chi pháp.

- Năng duyên: Tứ danh uẩn + sáu sắc vật (vatthurūpa) [4]

- Sở duyên:Tứ danh uẩn

- Phi sở duyên: Sắc pháp.

3- Giải thích.

Nên hiểu y duyên (nissayapaccaya) theo nghĩa nào?

Theo nghĩa “nương tựa” như Kinh Tạng (suttanta) đề cập.

Ví như trái đất là nơi nương tựa của người, loài vật, cây cối …

Hoặc: Người trú trong nhà, trong dinh thự, hoàng cung; vị Tỳkhưu trú trong tự viện (vihāra), chư thiên trú trong thiên cung….

Nhà, dinh thự, hoàng cung, tự viện, thiên cung nương trên đất (hoặc trên hư không). Toàn bộ thế gian này đều nương tựa lẫn nhau.

Cách nương tựa để tồn tại và vững mạnh như thế, gọi là y duyên.

Và đó cũng là mối liên hệ “nương tựa lẫn nhau của nhân quả”.

Về năng duyên có hai phần: Tứ danh uẩn và sáu sắc vật.

* Tứ danh uẩn.

 Tương tự như Đồng sinh duyên, cách trợ sinh và ủng hộ của y duyên là “năng - sở” cùng có mặt.

Chỉ khác khía cạnh “năng là chỗ nương nhờ của sở”.

“Vừa đồng sinh vừa làm chỗ nương vững chắc” , nên Y duyên còn có tên là “đồng sinh y duyên (sahājātanissayapaccayo”).

* Sáu sắc vật: Được phân tích thành hai cách:

- Sáu vật sinh trước làm chỗ nương nhờ cho tâm sinh sau, gọi là “Vật tiền sinh y duyên” (vatthupurejātanissaya paccayo).

-Vật làm cảnh cho tâm sinh lên, bám vào, gọi là “Cảnh vật tiền sinh y duyên (vatthārammaṇapurejātanissayapaccaya).

Tức là vật (vatthu) vừa là chỗ nương trú của tâm vừa là cảnh của tâm.

Ví như có hai người vào căn nhà, một người quan sát chung quanh căn nhà, một người quan sát căn nhà.

- Người thứ 1 ví như “Vật tiền sinh y duyên”, tuy ở trong nhà mà quan sát bên ngoài, cũng vậy tâm nương trú vật nhưng nhận biết cảnh khác ( như tâm Nhãn thức nương trú nơi thần kinh nhãn, nhận biết cảnh sắc…).

- Người 2 ví như “Cảnh vật tiền sinh y duyên”, ở trong nhà đồng thời biết trong nhà. Cũng vậy, tâm nương sắc Ý vật đồng thời nhận sắc Ý vật làm cảnh.

Cách quan hệ “đồng sinh y duyên”.

1- Sắc là chỗ nương cho danh, theo đồng sinh y duyên.

Vào thời Tục sinh, tâm Tục sinh và sắc Ý vật tục sinh đồng xuất hiện, sau một sátna tiểu thì sắc Ý vật là chỗ nương trú của tâm.

Đây là nói đến khía cạnh “sắc là chỗ nương cho danh, theo cách đồng sinh y duyên”.

Hoặc giả, người chấp giữ tà kiến “tự ngã”, cho rằng “sắc là ta”, thì sắc là Y duyên cho danh uẩn.

Và năng - sở có khi cùng hiện khởi, có khi không cùng hiện khởi.

2 -Danh là chỗ nương nhờ cho danh, theo đồng sinh y duyên.

Một danh uẩn là nơi nương tựa cho ba uẩn, khi mất một uẩn thì tất cả đều không còn.

Có thể hai danh uẩn là nơi nương cho 2 danh uẩn; ba danh uẩn là nơi nương cho một danh uẩn.

Lại nữa, khi một người chấp giữ tà kiến “tự ngã” cho rằng: “thọ là ta, hành là ta, tưởng là ta, thức là ta”.

Bấy giờ “chính tâm sở Tà kiến” là Y duyên cho tâm cùng các tâm sở khác.

Một người tự hào về điều mình có được, bấy giờ tâm sở Ngã mạn là Y duyên cho các pháp đồng sinh với chúng.

Khi tâm đắm nhiễm vào sắc, thinh, hương, vị xúc hay pháp; bấy giờ tâm sở Tham là Y duyên cho các pháp đồng sinh với nó

Nói cách khác, chính Tham, Mạn, Tà kiến là Y duyên cho các danh uẩn đồng sinh với nó tùy theo trường hợp.

Tương tự như thế với các tâm sở bất thiện khác.

Khi một người quán xét thấy 5 uẩn là vô thường, khổ, vô ngã, bấy giờ “tâm sở Trí là Y duyên cho các danh uẩn cùng sinh với nó.

Hoặc giả người chú ý ghi nhận (sati - niệm) sự diễn diến của danh sắc sinh diệt, bấy giờ tâm sở Niệm là Y duyên cho các danh uẩn đồng sinh.

Tương tự như thế với các pháp thiện khác.

Trong một cuộc thảo luận về ba hạng: Người Tín giải (saddhāvimutta), người Thân chứng (kāyasakkhī) và người Kiến chí (diṭṭhippatta).

- Đức Samiddha “chấp nhận người Tín giải thù diệu hơn hai người kia; vì hạng người này Tín quyền tăng thượng (adhimattaṃ)”.

- Đức MahāKoṭṭhita thì cho rằng “người Thân chứng thù diệu hơn hai hạng người kia, vì hạng người này có Định quyền tăng thượng”.

- Đức Sāriputta thì cho rằng “người Kiến chí thù diệu hơn hai hạng người kia, vị hạng này có Tuệ quyền tăng thượng” [5] .

Người Tín giải là người nương vào đức tin, phát triển tuệ quán chứng đạt quả Dự lưu. Với người này đức tin (saddhā) là Y duyên.

Người Thân chứng là người nương vào Định, phát triển tuệ quán chứng quả Dự lưu. Với người này Định là Y duyên.

Người Kiến chí là người nương vào trí tuệ, phát triển tuệ quán chứng quả Dự lưu. Với người này Trí là Y duyên.

A- Vật sinh tiền y duyên (Vatthupurejātanissayapaccaya).

1- Định nghĩa.

Là sắc vật (vatthurūpa) sinh trước, làm chỗ nương nhờ cho tâm sinh lên sau [6] . Gọi là “vật sinh tiền y duyên”.

2- Chi pháp.

Năng duyên. Là sáu sắc vật sinh trước.

Sở duyên. Tâm nương vật sinh sau.

Phi sở duyên. Sắc pháp và tâm không nương vật.

3- Giải thích.

Sáu sắc vật là:

- Sắc thần kinh Nhãn (cakkhupasāda). Là nơi nương cho 2 tâm Nhãn thức.

- Sắc thần kinh Nhĩ (sotapasāda). Là nơi nương cho 2 tâm Nhĩ thức.

- Sắc thần kinh tỷ (ghānapasāda). Là nơi nương cho 2 tâm Tỷ thức.

- Sắc thần kinh Thiệt (jvhāpasāda). Là nơi nương cho 2 tâm Thiệt thức.

- Sắc thần kinh Thân (kāyapasāda). Là nơi nương cho 2 tâm Thân thức.

- Sắc Ý vật (hadayavatthu). Là nơi nương cho 111 tâm còn lại.

Trong 111 tâm này, 2 tâm Tiếp thâu (sampaṭicchanacitta) và tâm Hướng ngũ môn (pañcadvāravajjanacitta) được gọi là Ý giới (manodhātu) vì chúng chỉ biết 5 cảnh: Sắc, thinh, mùi, vị, và xúc.

Một trăm lẻ tám tâm còn lại gọi là “ý thức giới” (manoviññāṇadhātu).

Ý giới biết 5 cảnh hiện tại nhất định, 108 tâm còn lại biết cảnh cả 3 thời.

“Năm đôi thức”, mỗi thức chỉ biết một cảnh tương ứng nhất định.

Vì sao ba tâm Quan sát (santīraṇacitta) cũng là tâm quả vô nhân lại biết 5 cảnh hiện tại bất định?

Ý giới chỉ biết độc nhất 5 cảnh hiện tại, nên gọi là biết nhất định, còn 3 tâm Quan sát có thêm chức năng Na cảnh (tadālambana), là hưởng cảnh còn dư sót, nên chúng biết nhiều cảnh hơn.

Do đó chúng biết 5 cảnh hiện tại bất định, nghĩa là “có khi biết, có khi không”.

Nói cách khác, khi thấy có tâm Hướng ngũ môn, hay tâm Tiếp thâu chúng ta biết ngay là “có cảnh hiện tại”, còn khi thấy có tâm Quan sát đang làm phận sự Na cảnh, thì chưa hẵn đó là “cảnh hiện tại”.

Trong thời bình nhật, sáu sắc vật này phải sinh trước tâm ít nhất là 1 sátna tiểu, để tâm sinh lên sau có chỗ nương trú, do vậy chúng được gọi là “sinh tiền” (purejāta).

Về sắc Ý vật, chúng chỉ “đồng sinh với tâm Tục sinh trong thời tục sinh” (như đã giải).

Khi tâm hữu phần thứ 1 sinh lên, nó nương trú vào sắc Ý vật và bấy giờ sắc ý vật này là “sinh tiền” đối với tâm hữu phần 1, rồi tâm hữu phần thứ 2 sinh lên cũng nương vào sắc Ý vật … và cứ như thế suốt kiếp sống.

Các tâm (ngoài “năm đôi thức”) đều nương trú vào sắc Ý vật cho đến hết kiếp sống như tâm hữu phần.

Vào thời tử, tâm Tử (cuticitta) diệt thì sắc Ý vật cũng diệt, chẳng những sắc ý vật diệt mà toàn bộ sắc nghiệp đều diệt.

Như thế nào?

 Chúng ta biết rằng “đời sống sắc pháp bằng 17 lần đời sống tâm pháp, hay 51 sátna tiểu (so với tâm) [7] .

Kể từ tâm tử trở lui về trước 17 sátna (số 17 này kể luôn cả tâm tử), các sắc nghiệp bắt đầu diệt mà không sinh, cho đến khi tâm tử diệt thì chúng đồng diệt với tâm tử.

1- Sắc vật sinh trước trợ cho tâm sinh lên sau như thế nào?

Có bốn cách:

a- Sátna trụ của sáu vật sinh trước.

b- Năm sắc thần kinh sinh lên vào sátna trụ tâm Tục sinh.

Đây là nói đến chúng sinh thấp và hóa sinh.

c- Sắc Ý vật sinh khi vị Thánh xuất thiền diệt.

Tương tự như vào lúc tục sinh.

d- Sắc hữu vật đồng sinh với tâm thứ 17 kể từ tâm Tử trở về trước.

2- Tâm không nương vật là loại tâm nào?

Đó là những tâm sinh trong cõi Vô sắc, tổng quát là 72 tâm = 8 tâm Tham + 2 tâm Si + tâm Hướng ý môn + 8 tâm Đại thiện + 8 tâm Đại hạnh + 12 tâm thiền Vô sắc + 35 tâm Siêu thế ( trừ 5 tâm Sơ đạo).

B- Cảnh-vật sinh tiền y duyên (Vatthārammaṇapurejātanissayapaccaya).

1- Định nghĩa.

Cảnh - vật sinh tiền y duyên là mãnh lực trợ sinh bằng vật sinh trước làm chổ nương cho tâm sinh lên sau, đồng thời lại là cảnh cho tâm nắm lấy.

2- Chi pháp.

- Năng duyên.

Là sắc Ý vật sinh vào sátna sinh của tâm hữu phần thứ 16 kể từ tâm Tử lui lại, làm cảnh cho tâm.

- Sở duyên.

Là những tâm khách trong lộ tử, có 32 tâm = tâm Hướng ý môn + 29 đổng lực dục giới (javanakāmavacara) + 2 tâm thông (iddhipādacitta) và 44 tâm sở hợp (trừ Tật, Lận, Hối, Giới phần và Vô lượng phần).

- Phi sở duyên.

*- Nhất định: Sắc pháp + Năm đôi thức + Ý giới + tâm Siêu thế + tâm Đáo đại và 38 tâm sở hợp.

*- Bất định: Là 41 tâm Dục giới ( trừ “năm đôi thức” + Ý giới) và 52 tâm sở hợp.

3- Giải thích.

a- Về năng duyên.

Vào thời điểm cận tử, với những chúng sinh có tâm lực mạnh có thể nhận biết “sự chết” đang tiến dần đến, như “chết ở chân, chết đến bụng, chết đến ngực …”.

Hoặc giả có một số chúng sinh bị tử vong bất ngờ (như bị tai nạn, bị chém, bị bắn vào đầu, vào tim…) trước khi chết vài giây, chúng sinh ấy nhận “sắc ý vật làm cảnh”.

Nên ghi nhận rằng: “Vật - cảnh sinh tiền y duyên” là cách đặc biệt trong lộ tử, chỉ có cho một số chúng sinh”.

Chi pháp năng duyên ở đây chỉ cho sắc Ý vật sinh vào sátna sinh của tâm hữu phần thứ 16 kể từ tâm Tử lui về trước (tính cả tâm Tử là 17 sátna).

Chính nhóm Ý vật vừa sinh này, cùng diệt với tâm Tử vào sátna diệt. Kể từ khi nhóm Ý vật này sinh lên, không còn nhóm Ý vật nào sinh lên nữa và mỗi sátna tiểu có một nhóm Ý vật diệt.

Chính nhóm Ý vật sau cùng này làm cảnh cho tâm đổng lực trong lộ tử”.

Vì sao? Vì chúng đang ở giai đoạn phát triển.

Trong thời bình nhật có bao nhiêu nhóm Ý vật?

Có tất cả 51 nhóm Ý vật trong thời bình nhật. Như thế nào?

Chúng ta trở lại thời điểm Tục sinh.

Vào sátna sinh của tâm Tục sinh, có một nhóm Ý vật sinh lên.

Theo quy luật sắc pháp “cứ một sátna tiểu thì sinh lên một nhóm”, nên vào sátna trụ của tâm Tục sinh, nhóm Ý vật 2 sinh lên (bấy giờ nhóm sắc Ý vật 1 trở thành chỗ nương cho tâm Tục sinh), vào sátna diệt của tâm Tục sinh, nhóm Ý vật 3 sinh lên. Như vậy, sau khi tâm tục sinh diệt đã có 3 đoàn Ý vật.

Sự sinh lên của nhóm sắc Ý vật cứ như thế, cho đến 17 sátna tâm (kể luôn sátna tâm Tục sinh), bấy giờ đã có 51 đoàn sắc Ý vật.

Đoàn sắc ý vật đầu tiên (số 1) đã có tuổi thọ là 51 sátna tiểu, nên đến sátna sinh của tâm thứ 18, nhóm Ý vật này diệt và một nhóm Ý vật mới sinh lên.

Kể từ thời điểm này cứ một sátnatiểu có một nhóm Ý vật diệt, một nhóm Ý vật mới sinh lên.

Và 51 nhóm Ý vật vẫn luôn luôn tròn đủ, gọi là bình số.

b- Về sở duyên.

Vì sao tâm đổng lực trong lộ tử của Vật - cảnh sinh tiền y duyên là đổng lực Dục giới?

Vì không có cảnh thiền, cảnh Nípbàn nên các tâm Thiền lẫn tâm Siêu thế không sinh lên.

Vì sao có tâm Sinh tiếu (hasituppāda)?

Vị Thánh Alahán khi sắp Nípbàn nhận sắc ý vật làm cảnh trong lộ cận tử cuối cùng, Ngài vui theo thói quen, dĩ nhiên những lộ cận tử trước đó tâm Ngài hướng về tịch tịnh, và lộ cận tử này xuất hiện sau cùng.

Vì sao có những đổng lực thọ hỷ?

Thông thường chúng sinh đứng trước cái chết, thường sợ hãi, nhưng vẫn có người nở nụ cười mãn nguyện trước khi chết.

Vì sao có tâm thông?

 Với những vị tu tập thiền định chứng đạt pháp thần thông, trước khi chết các Ngài thể hiện ân đức của thượng nhân pháp.

Như Đức Ānanda hiện thông khi viên tịch … khi ấy phải “nhận sắc Ý vật làm cảnh” để “nguyện lực trước đó” được thành tự sau khi Ngài viên tịch.

Ví như “lời dặn dò cuối cùng của người sắp chết”. Sau khi người ấy chết, “lời dặn dò” ấy được thực hiện.

Ở đây “lời dặn dò ấy” là năng lực thần thông.

Vì sao không có các tâm sở: Tật (ganh tỵ), lận (keo kiệt), hối, Giới phần và Vô lượng phần?

Vì không có cảnh cho chúng sinh lên.

- “Ganh tỵ” (Tật) sinh lên khi “không hài lòng với thành công của người”.

- “Bỏn xẻn” (Lận) sinh lên “khi không muốn buông lìa những gì mình có”.

- Hối hận sinh lên khi nghĩ đến “điều ác đã làm, điều thiện bỏ qua”.

- Chánh ngữ sinh lên “khi nói thật”.

- Chánh nghiệp sinh lên khi “làm việc chân chánh”.

- Chánh mạng sinh lên khi “nuôi mạng đúng đắn”.

- Bi sinh lên khi gặp cảnh “chúng sinh đau khổ”.

- Tùy hỷ sinh lên khi gặp cảnh là “chúng sinh hạnh phúc”.

c- Về phi sở duyên.

 Sắc Ý vật chỉ làm cảnh trong lộ tử, do đó “năm đôi thức + Ý giới + các tâm thiền và tâm Siêu thế không hiện khởi, điều này đã rõ ràng.

Riêng 41 tâm Dục giới còn lại, có khi chúng nhận sắc Ý vật làm cảnh hoặc không nhận sắc Ý vật làm cảnh trong lộ tử, nên là phi sở duyên nhất định.

9- Cận y duyên (Upanissayapaccaya).

1- Định nghĩa.

Upanissaya = upa (gần, thân cận) + căn ni (đến) + căn SI (giao thiệp, phục vụ).

Tiếp đầu ngữ upa có mục đích “nhấn mạnh”.

Như nói “tôi quen thân với anh A”, so với “tôi quen với anh A”.

Cận y duyên là mãnh lực trợ giúp ủng hộ bằng cách làm chỗ nương nhờ rất vững chắc.

Ví như con nương nhờ cha mẹ tốt đẹp hơn so với nương nhờ nơi quyến thuộc.

Đức Phật có dạy: “Attā hi attano nātho; ko hi nātho paro siya …:

“Ta là nơi nương chính ta; người khác ai là nơi nương … [8] .

Theo ý nghĩa Phật ngôn trên, ta là “cận y” của chính ta.

Pāli có giải thích:

- Bhuso nissayo = upanissayo: Nương dựa trọn vẹn, gọi là cận y.

- Balavarato nissayoti = upanissayo: Nơi nương có sức mạnh lớn, gọi là cận y.

- Upanissayabhāvena upakārako dhammo = upanissayapaccayo:

“Pháp nâng đở bằng cách thân cận làm cho tăng trưởng, gọi là cận y duyên.

-Balātarabhāvena upakārako dhammo = upanissayapaccayo:

“Pháp nâng đở có nhiều sức mạnh làm cho tăng trưởng, gọi là cận y duyên”.

Do tính chất “nhấn mạnh” nên cận y duyên được phân tích thành ba duyên là: Cảnh cận y duyên (ārammaṇūpanissaya paccaya), Vô gián cận y duyên (anantarūpanissayapaccaya) và Thường cận y duyên (pakatūpanissayapaccaya).

Y duyên ví như đất là nơi nương cho cây, còn Cận y duyên ví như mưa thuận gió hòa giúp cho cây tăng trưởng lớn mạnh.

“S. Z. Aung phiên dịch upanissaya là “điều kiện đầy đủ”, như 5 ác trọng nghiệp là giết mẹ, giết cha … sẽ là “điều kiện đầy đủ” để tạo quả tái sinh trong khổ cảnh” [9] .

2- Giảng giải.

1- Cận y duyên theo Kinh tạng (Suttanta) .

Đó là các bài kinh như “giao du với bạn lành”, “không giao du với bạn xấu”, “sống trong làng”, “ngụ trong rừng”….

Xin trích dẫn một vài điều như sau:

“Pāṇātipāto, bhikkhave, āsevito bhāvito bahulīkato nirayasaṃvattaniko tiracchānayonisaṃvattaniko pettivisayasaṃvattaniko…

“Này các tỳkhưu, sát sinh được thực hiện tăng thịnh, được thực hiện nhiều, đưa đến địa ngục, đưa đến loài bàng sinh, đưa đến cõi ngạ quỷ [10] .

“Kalyāṇamittassa, bhikkhave, anuppannā ceva kusalā dhammā upajjhanti uppannā…

Với người làm bạn với thiện, này các tỳkhưu, các pháp thiện chưa sinh được sinh khởi [11]

Na bhaje pāpake mitte; na bhaje purisādhame.

Bhajetha mitte kalyāṇe; bhajetha purisuttame.

“Không kết giao bạn xấu; không kết giao người ti tiện

Kết giao với bạn tốt, kết giao người cao quý.” [12]

Hoặc như Đức Anuruddha ngăn oai nghi nằm trong 55 năm, Đức Ānanda ngăn oai nghi nằm suốt 40 năm còn lại sau khi Đức Phật viên tịch…

“Ngăn oai nghi nằm” là Cận y duyên của các Ngài.

Lại nữa, năm định luật (pañcaniyāma):

- Định luật hạt giống (bījaniyāma).

- Định luật thời tiết (utuniyāma).

- Định luật tâm (cittaniyāma).

- Định luật về nghiệp quả (kammavipākaniyāma).

- Định luật pháp (dhammaniyāma).

Đó là “Cận y duyên”cho ba cõi: Dục, Sắc và Vô sắc giới.

2- Cận y duyên theo Tạng Thắng pháp (abhidhammapitaka).

Theo Tạng Thắng pháp: Tất cả tâm + tâm sở, sắc pháp, chế định, người, trú xứ, khí hậu luôn cả ba thời đều có thể trở thành Cận y duyên.

Bộ Paṭṭhāna có ghi:

Utubhojanampi upanissayapaccayena paccayo”.

Khí hậu (utu), vật thực cũng trợ giúp bằng cận y duyên.

Puggalopi upanissayapaccayena paccayo

“Người (puggala) cũng trợ giúp bằng cận y duyên.”

Senāsanampi upanissayapaccayena paccayo

Trú xứ (senāsana) cũng trợ giúp bằng cận y duyên.” [13]

a- Chế định là cận y duyên.

Rất nhiều ý nghĩa cùng sự định danh của Đức Phật trong Tam Tạng, đó là “cận y” cho chư tỳkhưu chiêm nghiệm pháp được Đức Thế Tôn thuyết giảng, như Phật ngôn:

“… Dhammaṃ anussaraṃ bhikkhu; saddhammā na parihāyati.

“Tỳkhưu tưởng niệm pháp; sẽ không rời diệu pháp.” [14]

Thực tế, tất cả pháp chế định chỉ có được khi có những sự kiện “để từ đó định đặt ra ngôn từ cùng ý nghĩa”, ngoài ra không có pháp thực tính (sabhāva) chi cả.

Tuy “sự kiện” chấm dứt, nhưng chúng khiông chấm dứt, chúng chỉ bị “quên lảng” mà thôi.

Như tên gọi Sumedha để chỉ cho 1 danh sắc, khi danh sắc ấy còn tồn tại, tên gọi Sumedha vẫn còn. Khi danh sắc ấy diệt thì danh tự “Sumedha” tạm dừng, và sẽ xuất hiện khi Đức Phật nhắc lại Bổn sự của Ngài.

Nípbàn và pháp chế định (paññatti) là những pháp “ngoài thời gian (kālavimutta - ngoại thời)”, đó là những pháp “không sinh”, nên “bất diệt”.

Ý nghĩa “Không sinh và bất diệt” của chế định ở đây, nên hiểu theo nghĩa “ngoại thời”, không có nghĩa là “không có kết thúc theo thời gian”.

Vào một lúc nào đó chúng cũng biến mất, như một số cổ ngữ không có ai đọc được hay đã mất. Để rồi sau đó, có người tìm ra cách thức đọc những cổ tự, thế là ý nghĩa cùng danh tự đó sẽ “sống lại”.

*- Chế định trong hiện tại là cận y duyên.

Là những ngôn ngữ, danh tự dùng thường xuyên trở thành thói quen, như người Phật tử thì thường “mô Phật” một cách tự nhiên, người thô lỗ thì thường văng tục …

Hay các nhà thơ, nhà văn, Phật tử… cũng nương chế định trong hiện tại, như “trích cú tầm chương”.

Vị Tỳkhưu học thuộc lòng kinh điển. Văn tự trong kinh điển là cận y duyên với vị ấy…

Đây là “chế định” trong hiện tại trở thành cận y.

*- Chế định quá khứ là cận y duyên.

Chế định ở những kiếp trước trước cũng có thể trở thành “cận y”, như trường hợp “những thần đồng ngoại ngữ”, “thần đồng toán học”…

Trưởng lão Pilindavaccha thường gọi các tỳkhưu là “kẻ thấp hèn”, chư Tỳkhưu trình lên Đức Phật về chuyện này, Đức Phật dạy: “Tỳkhưu Pilindavaccha không có ý khinh thường các bậc đồng phạm hạnh, chỉ vì đó là thói quen trong quá khứ.

Trong quá khứ vị này đã 500 kiếp là Bàlamôn, thường nói như vậy, nên thành thói quen” [15] .

 Hay như 500 con dơi trong thời Đức Phật Kassapa (Cadiếp) thường nghe chư tỳkhưu tụng tạng Thắng pháp (Abhidhamma) với tâm hoan hỷ dù chúng không hiểu nghĩa. Khi mệnh chúng chúng được sinh về cõi trời.

Đến thời Đức Phật hiện tại, chúng tái sinh là 500 thanh niên, xuất gia với Trưởng lão Sāriputta khi chứng kiến được uy lực Song thông của Đức Phật.

Vào mùa an cư này (hạ thứ 7), Đức Phật ngự lên cung trời Đạo lợi, thuyết Tạng Thắng pháp (abhidhamma) để tế độ vị Thiên tử Māya (thân mẫu Bồtát Siddhatta).

Vào buổi sáng, sau khi đi khất thực ở xứ Bắc Cưu lô châu (Utaradīpa). Ngài an nghỉ ờ chân thành Saṅkassa, Đức Sāriputta đến chân thành Saṅkassa phục vụ Đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn tóm tắt thời pháp thoại đã giảng nơi cung trời Đạo Lợi, bảo Đức Sāriputta (Xálợiphất) dạy cho 500 vị tân Tỳkhưu ấy.

Và 500 vị tân Tỳkhưu trở thành những vị Tỳkhưu thông Tạng Thắng pháp trước nhất và chứng quả Dự lưu. [16] 

*- Chế định trong tương lai là “cận y ” như thế nào?

Một số thiện gia có ước nguyện “nghe được pháp của Đức Phật Chánh giác vị lai”….

Hoặc như vua Bình sa (Bimbisāra) thỉnh cầu Bồtát “khi đắc đạo” trở về tế độ Dức vua.

b- Sắc pháp là cận y duyên.

Là những sắc cảnh trong quá khứ, sẽ hấp dẫn tâm một cách tự nhiên trong hiện tại. Như có người chỉ “yêu thích màu hồng” nhưng “khó chịu với màu trắng”…

Một số người bị “kinh hoàng do lửa”, nay thấy lại “ánh lửa”, phát sinh sợ hãi ….

Một vị đệ tử của Đức Sāriputta (Xálợiphất) từng là thợ bạc 500 kiếp trong quá khứ, khi Đức Sāriputta dạy đề mục thể trược.

Trong 4 tháng dài, ấn tướng không phát sinh cho người đệ tử; Đức Sāriputta đưa người đệ tử đến yết kiến Đức Thế Tôn.

Sau khi Đức Sāriputta ra đi, Đức Thế Tôn hóa ra cánh sen vàng, bảo vị tân Tỳkhưu quán xét và sau cùng vị ấy chứng quả Alahán [17] .

Do trong quá khứ đã từng thấy “sắc tốt”, nên “sắc thể trược” không hấp dẫn tâm vị ấy, chỉ có sắc tốt là “cánh sen vàng” là cận y của vị ấy.

Những sắc pháp trong hiện tại là cận y cho tâm, như “thích uống trà, thích uống rượu”, “thích màu hồng”…

Những sắc pháp trong tương lai cũng trở thành cận y.

Như những cảnh thiên giới xinh đẹp, những địa vị Vua, quan ... sẽ hấp dẫn chúng sinh, khiến người này tích cực tạo thiện nghiệp …

Tiền thân Hoàng Hậu Anojā cúng dường hoa anojā đến bảo tháp Đức Phật Kassapa, bà nguyện những kiếp về sau có được màu da như màu hoa anojā. [18]

c- Tâm và tâm sở là “cận y duyên”.

Tâm và tâm sở được phân theo ba tính: Pháp thiện, pháp bất thiện và pháp vô ký.

*- Pháp thiện là cận y.

Là người những kiếp trước trước thường thực hành thiện pháp, nay thiện pháp ấy hiện khởi một cách tự nhiên.

Như trường hợp tiền thân Ngài Mahā Kassapa và bà Bhaddā, trước đây thường sống đời phạm hạnh nhiều kiếp sống với nhau.

Trong kiếp này, do áp lực gia đình, tuy hai người phải kết hôn nhưng vẫn sống đời phạm hạnh, xem nhau như tình bạn  [19] .

Người kiếp trước trước hay trong kiếp này thường bố thí, trì giới… là “cận y” cho pháp quán. thiền định, thắng trí, Đạo - quả Siêu thế phát sinh trong hiện tại.

Hoặc như trường hợp vua Mahā Kappina, Hoàng hậu Anojā cùng 1000 ngàn quan Đại thần và phu nhân; trong kiếp trước thường xuyên niệm tưởng ân đức Tam bảo.

Khi nghe Tam bảo xuất hiện trên thế gián, cả vua Mahā Kappina cùng 1.000 quan đại thần, bỏ kinh thành ra đi, tìm Đức Thế Tôn để nghe pháp.

 Tương tự như thế, Hoàng hậu Anojā cùng 1.000 vị phu nhân cũng bỏ kinh thành ra đi. Và tất cả đều chứng quả Thánh quả Alahán [20] .

Đức Phật có dạy:

“Purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ kusalānaṃ dhammānaṃ upanissayapaccayena paccayo”….

“Pháp thiện sinh trước trước trợ cho pháp thiện sinh sau sau bằng cận y duyên…. [21]

Ám chỉ những gì thường làm thuần thục trong quá khứ sẽ trợ giúp trong hiện tại hay vị lai.

Pháp thiện nào tạo cận y cho thiền định, thắng trí và Đạo quả?

Đó là hai pháp: Tâm giải thoát và tuệ giải thoát.

“Sīle patiṭṭhāya naro sapañño, cittaṃ paññañca bhāvayaṃ.

Ātāpī nipako bhikkhu, so imaṃ vijaṭaye jataṃ”.

“Trú giới người có trí; tu tập tâm và tuệ.

Nhiệt tâm và thận trọng; tỳkhưu thoát trói buộc” [22] .

Tâm giải thoát ám chỉ “Thiền chỉ tịnh” (samādhijhāna); tuệ giải thoát ám chỉ thiền quán (vipassanājhāna).

Trong Sớ giải kinh Pháp cú có ghi nhận:

Trong thời Đức Phật Kassapa (Cadiếp), có 500 vị Tỳkhưu thường quán Vô thường, nên Đức Phật thuyết lên kệ ngôn:

“Sabbe saṅkhārā aniccā’ti; yadā paññāya passati.

Atha nibbindati dukkhe; esa maggo visuddhiyā.

 “Pháp hữu vi vô thường; với tuệ quán như vậy.

Đau khổ được lìa bỏ; đó là đường an tịnh” [23] .

Tương tự như vậy với quán khổ, quán vô ngã.

Tiền kiếp của Ngài Cūlapanthaka là vị vua. Một hôm Đức vua dùng khăn lau mình, thấy khăn nhơ bẩn liền quán xét về thể trược.

Trong thời Đức Phật Gotama còn tại tiền, Đức vua nay là Tỳkhưu Cūla Panthaka, Đức Phật bảo nNgài hãy vò chiếc khăn tay.

Khi vò chiếc khăn tay, Ngài nhận thấy nó “trước đây sạch, khi chạm vào thân này, nó trở nên nhơ bẩn”.

Thế rồi, Ngài Cūlapanthaka quán xét về thể trược quả Alahán cùng với Hóa tâm minh [24] 

Hoặc như bốn truyền thống bậc Thánh khi xưa là:

- Biết đủ với bất cứ y phục nào.

- Biết đủ với bất cứ đồ ăn khất thực nào.

- Biết đủ với bất cứ sàng tọa nào.

-Ưa thích tu tập (bhāvaṇā), vui thích tu tập, ưa thích đoạn tận (pahāna), vui thích đoạn tận [25]  là thường cận y cho vị hành giả thực hành pháp.

Đạo Siêu thế, thiền định, thắng trí sẽ sinh, là “cận y” cho hành giả tích cực tu tập thiền định hay thiền quán...

Với vị thường an trú trong thiền tịnh hay thiền quả, thiền tịnh hay thiền quả là “cận y” trong hiện tại…

*- Pháp bất thiện là cận y duyên.

Như người trước đây chấp hẳn một lại tà kiến nào đó, nay gặp lại loại tà kiến ấy, liền thích thú đón nhận ngay, điển hình như Tỳkhưu Sunakkhatta người Licchavī sùng bái đạo sĩ lõa thể. [26]

Hoặc người cột oan trái trong quá khứ, khi gặp lại sẽ tìm cách hại nhau…

Trong hiện tại, người thích thú với đường lối khổ hạnh, như hạnh con chó, hạnh con bò [27] , thường xuyên thực hành theo đường lối đó.

Hay trong hiện tại, tâm người đắm say dục lạc, thường phát khởi tâm theo đường hướng ấy một cách tự nhiên…

Người “muốn trả thù” trong tương lai, hiện tại người ấy suy tính lập kế để hãm hại kẻ thù, hoặc rèn luyện kỷ năng sát hại tinh xảo…

Đây là bất thiện trong tương lai là “cận y”.

*- Pháp vô ký là cận y duyên.

Như sự thờ cúng các ngẫu tượng được truyền từ đời này sang đời khác …

Những hình ảnh sẽ có trong tương lai được tạo dựng để lễ bái, như tượng Đức Phật Di-lặc …

Trong hiện tại thì đền, miếu được tân tạo, một số ngẫu tượng được hình thành ….

Uy quyền tối cao, sự giàu có, quyền lực, sự thịnh vượng đạt được trong tương lai cũng là những “cận y” liên quan đến hiện tại.

Vì người mong muốn có những kết quả trên, sẽ cố gắng thực hành theo nhiều phương cách: Thiện cũng có, bất thiện cũng có để đạt được trong tương lai.

 Các sinh thú tốt đẹp, các quả lành của thiện nghiệp trong tương lai hay những kiếp sau sau đó, cũng là “cận y” trong hiện tại.

Chúng sinh này sẽ tích cực thường xuyên thực hành thiện nghiệp

Những ai muốn đạt Nípbàn trong kiếp hiện tại thì thực hành những pháp dẫn tới giác ngộ.

Những ai mong muốn đạt nibbāna trong những kiếp sau, khi các vị Phật xuất hiện thì thực hành thập độ.

Ở đây, nibbāna là “cận y” cho việc tu tập này.

d- Khí hậu là cận y duyên.

Hai chất lửa nóng và lạnh tạo ra khí hậu, nên utu ở đây được dịch là “khí hậu”.

Có một số chúng sinh chỉ thích hợp với mùa này, không thích hợp với mùa khác, như có người khó ngủ trong mùa có trăng ... hay có người điên theo mùa. [28]

Khí hậu là “cận y” trong hiện tại.

Như đến thời vụ, con người cày, bừa, gieo hạt… Vào mùa lạnh loài dơi, loài gấu trắng ngủ vùi ...Vào mùa thiên di các loài chim ra đi…

Khí hậu là “cận y” trong tương lai.

Như mong muốn gặt mùa trong mùa đông, con người vẫn còn cày và gieo hạt trong mùa mưa …

e- Vật thực là cận y duyên.

Một số chúng sinh bị dị ứng với một số loại thực phẩm, hay ưa thích một số thực phẩm…

f- Người là cận y duyên.

Ở đây, tuy Đức Phật Nípbàn nhưng Giáo Pháp và Tăng chúng của Ngài, có mối quan hệ nhân quả với các thế hệ sau sau theo cách “cận y” để gieo trồng thiện nghiệp…

Đức Phật là “cận y duyên” thuộc quá khứ.

Trong hiện tại, các bậc tiền bối của chúng ta như cha mẹ, thầy tổ, các vị trưởng lão tỳkhưu …

Hoặc các Bàlamôn có trí, những triết gia, những đức vua đầy năng lực và sáng suốt …

Tất cả đều có mối quan hệ nhân quả tới các thế hệ kế tiếp theo cách của “cận y ”.

Những thế hệ tương lai đi theo con đường của họ, chấp nhận chủ thuyết, cách thức, hành xử … của họ, tham gia vào nhiều tôn giáo; học nhiều ngành nghệ thuật, khoa học; cách thức cai quản các thôn xóm, làng mạc, thị trấn, thành phố, quốc độ; các kỷ thuật làm nhà, đóng thuyền, phương tiện di chuyển như xe, phi cơ … khai thác quặng mỏ, kỷ thuật luyện kim để tích lũy vàng, bạc, đá quý , ngọc… Do vậy, thế gian phát triển không ngừng.

Đây là “người là cận y” trong hiện tại.

Đức Phật vị lai là Metteyya (Di -lặc), là “cận y” cho thế hệ hiện tại hay trước đó.

Giáo Pháp và Tăng đoàn sẽ có của Đức Phật Di - lặc là “cận y” cho hàng phật tử trong hiện tại, để thành tựu, giới, văn, thí, tuệ....

Đức Phật Metteya là cận y “tương lai”.

g- Trú xứ là cận y duyên.

Kinh thành Kusinārā trong thời Đức Phật, trước đó là kinh đô Kusavatī của vua Chuyển Luân Đại Thiện Kiến, nơi đây Bồtát đã 7 lần mệnh chung và lần thứ 8 thì Đức Phật viên tịch [29] . Đây là trú xứ quá khứ là cận y .

Trong hiện tại, những hang động, nhà cửa, lâu đài là “cận y” cho những người sống nơi đó.

Hoặc bài kinh “Khu rừng” trong Trung bộ kinh:

- Khu rừng nào pháp tấn hóa vật thực kém khuyết, nên ở.

-Khu rừng nào pháp tấn hóa, vật thực đầy đủ, không bỏ đi nơi khác…

Là trú xứ “cận y” hiện tại.

Hay các vị thiền tịnh độc cư thường trú nơi thanh vắng.

Kinh đô Pātaliputta (Hoathịthành) là trú xứ tương lai cho vua Axàthế cùng các vị vua sau này…

3- Phân tích.

Các Giáo thọ sư tiền bối phân tích cận y duyên thành ba duyên phụ là:

- Cảnh cận y duyên (ārammaṇūpanissayapaccaya).

- Vô gián cận y duyên (anantarūpanissayapaccaya).

- Thường cận y duyên (pakatūpanissaya).

Vì sao gọi là Cảnh cận y (ārammaṇūpanissaya)?

Vì cảnh vượt trội (ārammaṇika) hơn pháp sở duyên là tâm.

Cảnh cận y là “điều kiện đủ” và mạnh ở bên ngoài (dòng tâm).

Những “điều kiện đủ - mạnh” thường có ở bên ngoài, là đất đai, núi, sông, biển, chỗ ở của chúng sinh, khí hậu, mặt trăng, mặt trời, các hành tinh, mưa, nắng, gió, lạnh, nóng … là những điều có ích lợi cho cuộc sống sinh chúng.

Hoặc chúng là điều kiện vật chất tốt để tạo những thiện nghiệp như bố thí, trì giới, cung kỉnh (như Phật tử lễ bái kim thân Phật)… hay tạo những ác bất thiện nghiệp, để rồi cho quả lạc hay quả khổ.

Vì sao gọi là Vô gián cận y (anantarūpanissaya)?

 Vì tâm trước là nền tảng chính, giúp cho tâm sau sinh lên ngay lập tức.

Vô gián cận y là “điều kiện đủ và mạnh” ở bên trong.

Những “điều kiện đủ và mạnh” ở bên trong, là những gì diễn tiến bên trong của một chúng sinh hữu tình.

Vô gián cận y như người mẹ có ảnh hưởng lớn với đứa con trong thai bào, cũng vậy tâm trước có ảnh hưởng lớn với tâm sinh sau.

Vì sao gọi là Thường cận y (pakatūpanissaya)?

Vì đó là bản chất vững chắc quen thuộc, thường có.

Hai duyên trước: Cảnh cận y duyên và Vô gián cận y duyên, mỗi duyên đảm nhận một lãnh vực.

Riêng Thường cận y bao gồm cả hai “bên ngoài lẫn bên trong”.

Nếu Vô gián cận y là “điều kiện đủ - mạnh” ở bên trong một cách cấp thời, hạn hẹp, thì Thường cận y là “điều kiện đủ - mạnh” ở bên trong lẫn bên ngoài, dài hạn và rộng lớn.

Như những gì thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng và nhận thức, được trải qua trong kiếp sống này hàng ngày, hàng tháng, hàng năm thậm chí sau hàng trăm năm, nếu có nhân thích hợp chúng sẽ hiện khởi trở lại.

Như người nhớ về quá khứ sẽ thốt “tôi đã nhìn thấy nó trước đây”, “tôi đã nghe điều này trước đây”…

Chư thiên, Ngạ quỷ có thể nhớ được những kiếp trước một cách tự nhiên, cũng vậy, một số người cũng có thể nhớ lại được kiếp trước của mình mà không cần phải tu tập thiền tịnh, đắc Túc mạng minh.

Nếu một trong hàng trăm ngàn cảnh trải qua trước đây, sau này có điều kiện thích hợp, chúng sẽ “trạng lại ” ít, nhiều hay tất cả trong dòng tâm.

A- Cảnh cận y duyên (Ārammaṇūpanissayapaccayo).

Là mãnh lực trợ giúp, nâng đở bằng cách làm thành cảnh rất vững mạnh.

Chi pháp của cảnh cận y duyên giống như chi pháp cảnh trưởng duyên, nhưng có sự khác biệt như sau:

Cảnh trưởng duyên là nói đến khía cạnh quan trọng (garu) của cảnh đối với tâm, còn cảnh cận y duyên là nói đến khía cạnh sức mạnh (bala) của cảnh đối với tâm.

Sách Thanh Tịnh đạo có ghi nhận:

Iti garukattabbamattaṭṭhena ārammaṇādhipati:

Như vậy, cảnh trưởng có nghĩa là “quan trọng”.

Balavakāraṇatṭthena ārammaṇūpanissayoti…

Cảnh cận y có nghĩa là “tạo ra sức mạnh”.” [30]

Cảnh quan trọng như thế nào?

Như người bố thí, trì giới… khi xem xét lại “chú ý” đến các việc thiện của mình đã làm.

Khi xuất khỏi thiền, vị hành giả chú ý đến thiền chứng, xem xét lại (phản khán) những chi thiền.

Các bậc hữu học, chú ý đến tâm Gotrabhū (Chuyển tánh) hay tâm Tiến bậc (vodanā) khi xem xét lại Đạo - quả Siêu thế, sau khi ra khỏi lộ đắc đạo.

Vì sao? Vì đó là nhân của tâm Đạo, có nhận biết được 2 loại tâm này, vị ấy xác định được tầng Thánh mà mình đã chứng đạt. (sđd).

Cảnh có sức mạnh như thế nào?

Như người trước đây thường nắm giữ tà kiến, nay nghe những chủ thuyết “tà kiến cũ”, thì hoan hỷ chấp nhận không cần suy xét.

Hoặc như người trước đây bị một cảnh tượng nào gây kinh hoàng, nay gặp lại cảnh ấy tâm kinh hoàng ngay.

Hay những người trước đây hài lòng với cảnh nào, nay gặp lại tâm không thể cưởng lại, như những trường hợp thần đồng âm nhạc Mozart, Betthoven…

B-Vô gián cận y duyên (Anantarūpanissayapaccayo).

“Vô gián cận y duyên” là mãnh lực trợ giúp, ủng hộ bằng cách “liên tiếp” rất vững mạnh.

Chi pháp của vô gián cận y duyên giống như chi pháp vô gián duyên, nhưng có sự khác biệt là:

- Vô gián duyên là “khả năng làm sinh khởi một tâm kế tục”.

- Vô gián cận y duyên cũng tương tự như vậy nhưng có tính cách mạnh mẽ hơn.

Ví như giòng nước chảy bình thường và giòng nước chảy xiết.

Ngài Buddhaghosa có giải thích:

“Evaṃ santepi attano attano anantarā anurūpassa cittuppādassa pavattanasamatthatāya anantarā:

“Như vậy, nên biết do tính chất có thể khiến tâm phát sinh sau không gián đoạn, thích hợp thứ tự “như chính mình” (attano),

“Purimacittassa pacchimacittuppādane balavatāya anantarūpanissayatā veditabbā:

Tâm đầu tiên có sức mạnh trợ cho tâm sinh lên sau, nên hiểu đó là vô gián cận y”(sđd).

Như vậy, Vô gián cận y duyên chỉ cho những tâm trong lộ đổng lực.

Vì 7 sátna đổng lực thỏa mãn hai điều kiện: Tâm sinh lên sau giống như tâm trước; tâm trước có sức mạnh giúp tâm sau sinh lên  [31] .

c- Thường cận y duyên (Pakatūpanissayapaccaya).

 1- Định nghĩa.

Chữ pakati nghĩa là “tự nhiên”.

“Thường cận y duyên” là mãnh lực trợ giúp vững mạnh theo cách “tự nhiên”, hay trở thành thói quen.

Như “ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”.

Vì sao trở thành thói quen? Vì thường làm, thường thực hiện.

2- Chi pháp.

- Năng duyên: Tâm + tâm sở + sắc pháp + chế định có sức mạnh (trừ chế định nghiệp xứ).

- Sở duyên: Tâm + tâm sở sinh sau sau.

- Phi sở duyên. Sắc pháp.

3- Giải thích.

a-Pakati (tự nhiên) là gì?

Những điều “tự nhiên”bao gồm tâm, tâm sở, người, trú xứ, luôn cả chế định (paññatti), cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai.

Sách Thanh Tịnh Đạo cũng ghi nhận:

“Pakati nāma attano santāne nipphādito vā saddhāsīlādi upasevito vā utubhojanādi:

Người hay hậu duệ sinh lên liên tục, hoặc tín - giới, hoặc khí hậu (utu), thực phẩm, gọi là tự nhiên (pakati)  [32] .

Thường cận y là gì?.

Gọi là “Thường cận y” bao gồm 2 điều kiện: Diễn tiến một cách tự nhiên và có nhiều sức mạnh.

Trợ giúp bằng cách “diễn tiến tự nhiên và có nhiều sức mạnh, gọi là Thường cận y duyên” (pakatūpanissayapaccaya).

Thường cận y là những gì thường thực hành, thường duy trì trước đây, nay phản xạ trở lại một cách tự nhiên.

Giữa cận ythường cận y có sự khác biệt nhau là:

Cận y là “nơi nương vững mạnh”, còn thường cận y là “thường nương nơi vững mạnh”, hay “thường thực hành trở thành một phản xạ tự nhiên”.

Như Đức Phật là cận y cho toàn thể Phật giáo đồ; người thường thực hành thiền tịnh theo lời dạy của Đức Phật là “thường cận y ”….

Có Phật ngôn:

“Yogā ve jāyati bhūri; ayogā bhūrisaṅkhayo.

Etaṃ dvedhā pathaṃ ñatvā; bhavāya vibhavāya ca.

Tath’attānaṃ niveseyya; yathā bhūri pavaḍḍhati.

 “Hành thiền trí tuệ sinh; không thiền trí hoại diệt.

Đã biết hai con đường; có và không có.

Hãy tự mình cố gắng; khiến trí được tăng trưởng” [33] .

b-Người là “ thường cận y”.

Là trong quá khứ từng nương nhờ người, nay nương nhờ theo cách tự nhiên

Như trong những mẫu chuyện tiền thân (jātaka), Bồtát trong quá khứ đã từng là nơi nương nhờ cho các đệ tử, nay Đức Phật cũng là nơi nương nhờ cho hậu thân các vị ấy. Điển hình như nàng Kānā [34]

c- Chế định là thường cận y.

Như Pháp học được Đức Thế Tôn thuyết giảng, chư Tỳ khưu cố gắng học thuộc lòng.

Chư Tỳkhưu thường tụng niệm kinh điển, kinh điển là thường cận y cho các Ngài.

d- Những truyền thống gia tộc là thường cận y.

Là những truyền thống mà một hậu duệ của dòng dõi ấy phải gìn giữ, thường xuyên thực hành điều ấy.

Như thanh niên Siṅgala mỗi buổi sáng ra khỏi thành Vương xá (Rājagaha) với toàn thân đẩm nước, hướng về 6 phương đảnh lễ, do vâng theo lời cha dạy [35] .

e- Đức tin là thường cận y.

Người có niềm tin nhân quả, nghiệp báo hay tin vào lời dạy của Đức Thế Tôn, thường thực hành những thiện nghiệp, trở thành thường cận y, như kệ ngôn Pháp cú:

“Māvamaññetha puññassa; na maṃ taṃ āgamissati.

Udabindunipātena; udakumbho’pi pūrati.

Pūrati dhīro puññassa; thokathokaṃ pi ācinaṃ”.

Chớ chê khinh thiện nhỏ; không kết quả đến mình.

Nước kia từng giọt nhỏ; bình kia sẽ tràn đầy.

Bậc trí thiện tràn đầy; do tích lũy từng chút.” [36]

f- Giới là thường cận y.

Hành giả tu tập thiền chỉ tịnh hay thiền minh sát phải nương tựa vào giới mới có kết quả.

Do đó, hành giả thường quán xét lại giới hạnh của mình, thường xuyên giúp giới được trong sạch.

Các thường cận y bất thiện cũng tương tự như vậy.

Trong bộ Paṭṭhāna có nêu rõ ràng, như: Pháp thiện trước trước trợ pháp sau sau thiện bằng cận y duyên

- Pháp bất thiện trước trước trợ cho pháp bất thiện sinh sau sau bằng cận y duyên… (sẽ giải thích trong phần “tam đề thiện”).

10- Sinh tiền duyên (Purejātapaccaya).

1- Định nghĩa.

Sinh tiền duyên là mãnh lực trợ giúp bằng cách sinh ra trước.

Nghĩa là năng duyên sinh ra trước, giúp cho sở duyên sinh ra sau được vững mạnh.

Pāli có giải thích:

Purejāyiddhāti = purejāto:

“Xuất hiện trước, gọi là “sinh trước”.

Purejato ca so paccayo cāti = purejātapaccayo:

“Xuất hiện trước để trợ giúp, gọi là Sinh tiền duyên”.

Nên ghi nhận: “Gọi là sinh tiền duyên là chỉ cho cái sinh trước đang hiện hữu, không phải chỉ cho cái sinh trước (đã diệt)”.

2- Phân tích.

Sự liên hệ (paccaya) giữa pháp sinh trước (năng duyên) và pháp sinh sau (sở duyên) có 3 duyên:

- Vật sinh tiền duyên (vatthupurejātapaccaya).

- Vật cảnh sinh tiền duyên (vatthārammaṇapurejātapaccaya).

Hai duyên này được giải thích trong phần Y duyên (nissayapaccaya), chỉ khác khía cạnh “có nương nhờ” và “không nương nhờ” mà thôi.

- Cảnh sinh tiền duyên (ārammaṇapurejātapaccaya).

Cảnh sinh tiền duyên (Ārammaṇapaccaya).

1- Định nghĩa.

Cảnh sinh tiền duyên là mãnh lực trợ giúp bằng cách sinh ra trước, đồng thời là cảnh giúp cho tâm sinh lên sau nhận lấy.

2- Chi pháp.

- Năng duyên. Là 18 sắc thành tựu [37]  (nipphannarūpa) sinh trước, đang làm cảnh.

- Sở duyên.

*- Nhất định. Năm đôi thức + Ý giới  [38] .

*- Bất định. Là 41 tâm Dục giới (còn lại) + 2 tâm Thông và 50 tâm sở hợp (trừ Vô lượng phần).

- Phi sở duyên.

- Nhất định: Sắc pháp + 27 tâm Đáo đại + 40 tâm Siêu thế.

- Bất định: 41 tâm Dục giới (trừ năm đôi thức + Ý giới) khi không bắt 18 sắc thành tựu làm cảnh.

3- Giải thích.

a- Về năng duyên.

Trong 18 sắc thành tựu (còn gọi là sắc hiển lộ) có 7 sắc làm cảnh cho 5 đôi thức và Ý giới là: 4 sắc cảnh (gocararūpa) và đất, lửa gió.

Mười một sắc còn lại làm cảnh pháp cho Ý thức giới.

Như âm thanh của tiếng đàn chỉ xuất hiện khi có sự va chạm vào dây đàn, cũng vậy tâm chỉ sinh lên khi có cảnh va chạm vào 5 sắc vật (năm sắc thần kinh).

Dây đàn và vật va chạm có trước và đang hiện hữu, cũng vậy cảnh và 5 sắc thần kinh có trước đang hiện hữu giúp cho một trong 5 đôi thức + Ý giới sinh lên sau.

Mối liên hệ này được gọi là Cảnh sinh tiền duyên.

Mười một sắc còn lại chỉ có thể làm cảnh khi xâm nhập vào Ý môn [39] .

Trong chi pháp năng duyên của Sinh tiền duyên, bộ Thanh Tịnh Đạo chỉ nêu ra 11 sắc, đó là: Sáu sắc vật và 5 sắc cảnh.

“So pañcadvāre vatthārammaṇahadayavatthuvasena ekādasavidhohoti:

Có 11 thứ là: 5 môn, 5 cảnh và sắc ý vật liên hệ nhau” [40] .

Chúng làm cảnh ra sao?

- Năm sắc cảnh làm “cảnh” cho tâm nhận biết. Điều này dễ hiểu.

- Năm sắc thần kinh là cảnh.

Như người nhận biết “mắt của mình tinh tường hay nhìn không rõ”, “tai của mình thính hay bị lãng”, “mũi nghẹt hay nhạy bén”, “lưỡi khô đắng hay tốt”, “thân nhạy cảm hay dơ bẩn”….

Khi năm sắc thần kinh làm cảnh cho tâm, chúng có tên gọi là “Cảnh - vật sinh tiền (vatthārammaṇapurejāta), vì chúng hội đủ ba điều kiện: Là vật để tâm nương trú, là cảnh để tâm nhận biết, đồng thời chúng sinh trước.

Về sắc ý vật (hadayavatthu).

Sắc Ý vật trợ giúp cho tâm sinh lên có 4 cách:

- Vào thời điểm tục sinh, là Đồng sinh duyên, vì sắc Ý vật đồng sinh với tâm Tục sinh.

- Vào thời bình nhật, là Sinh tiền duyên.

- Khi không bị tâm nhận biết, sắc Ý vật là “vật sinh tiền”.

- Khi bị tâm nhận biết, nó là “cảnh - vật sinh tiền”

- Sắc nước là cảnh.

Như nhận biết “sự kết dính hay tan rã” của các vật chất.

- Sắc tính (bhāvarūpa) là cảnh.

Là nhận biết tướng trạng nam hay nữ đang có nơi thân của mình, hay của người khác.

- Sắc vật thực là cảnh.

Như nhận biết loại vật thực này là bổ dưỡng, loại này là độc hại …

- Sắc Mạng quyền là cảnh.

Như nhận biết tuổi thọ của ta có được như vầy như vầy (còn trẻ, trung niên hay đã già)…

Giữa cảnh duyên và cảnh tiền sinh duyên khác nhau như thế nào?

Cảnh duyên là đề cập tổng quát “những pháp làm cảnh cho tâm” bao gồm cả ba thời.

Còn Cảnh sinh tiền duyên chỉ đề cập đến 18 sắc thành tựu đang tồn tại, làm cảnh cho tâm, tức là “thời hiện tại”.

Vì 18 hiển sắc có thể là cảnh quá khứ, như người nhớ lại tuổi thanh xuân của mình …

Chúng có thể trở thành cảnh vị lai, như người suy gẫm “tuổi già sẽ theo sau”…

Chỉ khi nào 18 hiển sắc là cảnh hiện tại của tâm, bấy giờ chúng mới là năng duyên của Cảnh sinh tiền duyên

Mười tám hiển sắc khi làm cảnh, có 2 vai trò:

- Là cảnh trưởng với tâm dính mắc, ưa thích chúng …

- Là Cảnh sinh tiền cận y duyên.

Nói cách khác, tùy theo vai trò chúng thể hiện, chúng có tên gọi theo tương ứng.

Ví như người kép hát khi hóa trang là vua thì được người khác gọi là “hoàng thượng”, khi hóa trang là người hầu già thì được gọi là “lão bộc hay lão nô”…

b- Về sở duyên.

Khi 7 sắc cảnh làm thành cảnh thì 5 đôi thức sinh khởi theo tương ứng, như:

- Khi cảnh sắc xuất hiện nơi thần kinh Nhãn, tâm nhận biết chúng trước tiên là “Hướng ngũ môn”, kế đến là tâm Nhãn thức, rồi tâm Tiếp thâu sampaṭicchana) …

- Khi cảnh thinh xuất hiện nơi thần kinh Nhĩ, tâm Hướng ngũ môn nhận biết chúng trước tiên, kế đến là tâm Nhĩ thức, tâm Tiếp thâu…

- Khi cảnh mùi xuất hiện ở thần kinh Tỷ, tâm Hướng ngũ môn nhận biết chúng trước tiên. kế đến là tâm Tỷ thức, tâm Tiếp thâu…

 - Khi cảnh vị xuất hiện ở thần kinh Thiệt, tâm Hướng ngũ môn nhận biết chúng trước tiên, kế đến là tâm Thiệt thức, tâm Tiếp thâu

- Khi cảnh xúc xuất hiện ở tthần kinh Thân, tâm Hướng ngũ môn nhận biết chúng trước tiên, kế đến là tâm Thân thức, tâm Tiếp thâu …

Mỗi đôi thức chỉ biết một cảnh, Ý giới chỉ biết 5 cảnh này, nên gọi là “sở duyên nhất định”.

Còn 3 tâm Quan sát (santīrana) biết cả cảnh danh pháp khi chúng làm phận sự Nacảnh (tadālambanakicca), nên gọi là sở duyên bất định.

Tương tự như thế với những tâm Dục giới còn lại.

c- Về phi sở duyên.

Sắc pháp và hai tâm sở Bi (karuṇā) và tâm sở Tùy hỷ (muditā) , tâm Đáo đại và 40 tâm Siêu thế là phi sở duyên nhất định.

- Sắc pháp là phi sở duyên.

Khi 18 hiển sắc là năng duyên, chúng là phi sở duyên. Mười sắc còn lại chúng không là năng duyên cũng không là sở duyên, nên chúng cũng là phi sở duyên.

- Sở dĩ Bi và Tùy hỷ là phi sở duyên nhất định vì chúng chỉ nhận biết cảnh là “chúng sinh”.

-Tâm Đáo đại chỉ bắt cảnh thiền, tâm Siêu thế chỉ nhận cảnh Nípbàn.

Do đó là phi sở duyên nhất định.

Những tâm + tâm sở còn lại, chúng là phi sở duyên khi không bắt 18 sắc thành tựu làm cảnh. Nên gọi là “phi sở duyên bất định”.

11- Sinh hậu duyên (Pacchājātapaccaya).

1- Định nghĩa.

Sinh hậu duyên là mãnh lực trợ giúp bằng cách sinh ra sau, nhưng giúp cho pháp sinh trước được vững mạnh.

Ví như lễ hội sắp tổ chức, mọi người rộn ràng, sắp xếp cho lễ hội được chu đáo.

Pāli có giải thích:

- Pacchā jāyatīti pacchājato: “Xuất hiện sau, gọi là sinh sau”.

- Pacchā jāto ca so paccayo cāti pacchājātapaccayo: “Sinh ra sau để trợ giúp, gọi là sinh hậu duyên”.

- Pacchājāto hutvā upakārako dhammo = pacchājātapaccayo:

“Sinh ra sau, nhưng trợ giúp cho pháp sinh ra trước được vững mạnh, gọi là Sinh hậu duyên.”

Sách Thanh Tịnh Đạo có giải thích:

“Purejātānaṃ rūpadhammānaṃ upatthambhakattena upakārako arūpadhammo pacchājātapaccayo:

“Pháp vô sắc ủng hộ, trợ giúp cho pháp sắc sinh trước, gọi là sinh hậu duyên” [41] .

2- Chi pháp:

a- Năng duyên: Gồm 117 tâm [42]  sinh sau (kể từ tâm hữu phần thứ 1 trở đi) và tâm sở hợp.

- Nhất định: 2 tâm Sân+ 5 đôi thức+ Ý giới+ 11 tâm Na cảnh (tadālambana) + tâm Sinh tiếu + 15 tâm Sắc giới + 5 tâm Sơ đạo trong cõi ngũ uẩn.

- Bất định: 8 tâm Tham+ 2 tâm Si+ tâm Hướng ý môn + 8 tâm Đại thiện + 8 Đại hạnh + 8 tâm đổng lực Vô sắc + 35 tâm Siêu thế (trừ 5 tâm Sơ đạo).

b- Sở duyên: Sắc 3 nhân sinh và 4 nhân sinh đang trụ, do đồng sinh với tâm trước đó.

c- Phi sở duyên: 121 tâm + sắc tâm + sắc nghiệp tục sinh+ sắc vật thực + sắc khí hậu (utujarūpa) + sắc nghiệp bình nhật + sátna sinh (uppādakhaṇa) trong thân của chúng sinh hữu tình + sắc ngoại + sắc nghiệp Vô tưởng.

3- Giải thích.

Sinh hậu duyên là phương thức tuy sinh sau nhưng trợ giúp cho pháp sinh trước đó được vững mạnh.

Như những trận mưa giúp cho những hồ nước, trạm chứa nước xây dựng trước đó được tràn đầy.

Hay như mưa giúp cho cây, rau, lúa … gieo trồng trước đó được nẩy mầm, lớn mạnh.

Sinh hậu duyên là nói đến sự trợ giúp của tâm đối với sắc pháp sinh trước.

Mỗi tâm sinh sau (trừ bốn tâm quả Vô sắc) có mối quan hệ nhân quả với nhóm sắc pháp đang tồn tại có trước.

a- Sở duyên là sắc pháp.

1’ - Thế nào là sắc pháp sinh trước?

Sắc nghiệp đồng sinh với tâm Tục sinh trong cõi ngũ uẩn, chúng là sắc pháp sinh trước so với tâm hữu phần thứ 1.

Tương tự như thế với chuỗi dài sinh - diệt của danh-sắc.

Nói rõ hơn thì: Những sắc pháp sinh ra trước tâm một sátna tiểu, gọi là sắc pháp sinh trước so với tâm ấy.

 2’-Thế nào là sắc ba nhân tạo? Thế nào là sắc bốn nhân tạo?

Có bốn nhân tạo ra sắc pháp là: Sắc do nghiệp tạo (kammajarūpa); sắc do tâm tạo (cittajarūpa), sắc do âm dương tạo (utujarūpa); sắc do vật thực tạo (āhārarūpa).

* Sắc do nghiệp tạo.

 Nghiệp ở đây chỉ cho tâm sở Tư có trong 12 tâm bất thiện, 8 tâm Đại thiện và 5 tâm thiện sắc giới (= 25 tâm).

Tâm Đạo có chức năng diệt nghiệp nên không tạo ra sắc nghiệp.

Nghiệp tạo ra được 9 sắc là: 5 sắc thần kinh, 2 sắc tính (bhāva), sắc Ý vật và sắc Mạng quyền.

Nhưng các sắc pháp không bao giờ sinh riêng lẻ, chúng sinh lên theo nhóm (kalāpa).

Tối thiểu chúng phải kết hợp với nhóm sắc bất ly  [43] , tạo ra nhóm 9, nhóm 10, nhóm 11, nhóm 12.

 Các nhóm sắc này có 4 sự đồng: Đồng sinh, đồng diệt, đồng nương (nền tảng), đồng hiện hữu. Như có Pāli văn:

“Ekuppāda ekanirodhā ekanissaya sahavuttino ekavisati rūpakalāpa nāma:

“Đồng sinh, đồng diệt, đồng nương (nền tảng), đông hiện hữu, gọi là nhóm sắc.” [44]

Nghiệp tạo ra được 9 nhóm sắc là:1

a’- Nhóm Nhãn (cakkhudasakakalāpa): Gồm 10 sắc là: nhóm bất ly + sắc thần kinh Nhãn + sắc Mạng quyền (jīvitindriyarūpa).

b’- Nhóm Nhĩ (sotadasakakalāpa): Gồm 10 sắc là: nhóm bất ly + sắc thần kinh Nhĩ + sắc Mạng quyền.

c’- Nhỏm Tỷ (ghānadasakakalāpa): Gồm 10 sắc là: nhóm bất ly + sắc thần kinh Tỷ + sắc Mạng quyền.

d’- Nhóm Thiệt (jīvhādasakakalāpa): Gồm 10 sắc là : nhóm bất ly + sắc thần kinh Thiệt + sắc Mạng quyền.

e’- Nhóm Thân (kāyadasakakalāpa): Gồm 10 sắc là: nhóm bất ly + sắc thần kinh Thân + sắc Mạng quyền.

f’ - Nhóm Ý vật (hadayavatthudasakakalāpa): Gồm 10 sắc là : nhóm bất ly + sắc ý vật (hadayavatthu) + sắc mạng quyền.

g’- Nhóm Nữ tính (itthibhāvadasakakalāpa): Gồm 10 sắc là: nhóm bất ly + sắc Nữ tính (itthibhāva) + sắc Mạng quyền.

h’ – Nhóm Nam tính (purisabhāvadasakakalāpa): Gồm 10 sắc là: nhóm bất ly + sắc Nam tính (purisabhāva) + sắc Mạng quyền.

i’- Nhóm mạng quyền: Gồm 9 sắc là: nhóm bất ly + sắc Mạng quyền.

Tính nhóm thì có 9 nhóm như trên, tính riêng lẻ thì nghiệp tạo ra được 18 sắc: 8 sắc bất ly + sắc hư không + 9 sắc nghiệp.

* Sắc do tâm tạo.

Ngoại trừ 5 đôi thức và 4 tâm quả Vô sắc giới không tạo ra sắc pháp, các tâm còn lại đều có khả năng tạo ra sắc pháp.

Sắc do tâm tạo hiện khởi kể từ tâm hữu phần thứ 1 sau tâm Tục sinh trở đi.

Sắc do tâm tạo chỉ khởi lên vào sátna sinh (uppādakhaṇa) của tâm, vào sátna trụ hay sátna diệt tâm đã yếu nên không tạo sắc tâm.

Trong 109 tâm  [45] tạo sắc.

- Những tâm Thiền rất cần thiết, những tâm này tạo ra sắc tâm, sắc tâm này có năng lực rất mạnh, giúp cho cơ thể sống không cần vật thực trong thời gian nhập thiền nhiều ngày.

-Tâm quả Siêu thế lại càng có năng lực cao hơn.

- Hai tâm thông tạo ra sắc tâm kỳ diệu, có thể bay bổng trên không, đi xuyên qua đất, nước …

Tâm tạo ra 6 nhóm sắc:

a’- Nhóm bất ly.

b’- Nhóm Thân biểu tri (kāyaviññattidasakakalāpa): Gồm 9 sắc: 8 sắc bất ly + sắc Thân biểu tri.

c’- Nhóm Ngữ - thinh biểu tri ( saddavacīviññattidasakakalāpa): Gồm 10 sắc: 8 sắc bất ly+ sắc Thinh + sắc Ngữ biểu tri.

d’- Nhóm đặc biệt (vikārokalāpa): Gồm 11 sắc: 8 sắc bất ly + 3 sắc đặc biệt.

e’- Nhóm Thân đặc biệt: Gồm 12 sắc: 8 sắc bất ly + sắc Thân biểu tri + 3 sắc đặc biệt.

f’- Nhóm Ngữ đặc biệt: Gồm 12 sắc: 8 sắc bất ly + sắc Ngữ biểu tri + 3 sắc đặc biệt.

Tính nhóm thì như vậy, tính riêng lẽ thì tâm tạo được 15 sắc: 8 sắc bất ly + sắc hư không + sắc Thinh + 2 sắc tiêu biểu + 3 sắc đặc biệt.

* Sắc do thời tiết tạo (utujarūpa).

Sắc thời tiết (sắc âm dương) chính là sắc lửa bao gồm cả “nóng và lạnh (sītuṇhotusamaññatā)” ở giai đoạn trụ, bắt đầu tạo ra sắc pháp bên trong hay bên ngoài tùy theo trường hợp.

Sắc này được gọi là sắc do thời tiết tạo.

Vào sátna trụ của tâm Tục sinh, chính sắc lửa (nóng hay lạnh) có trong sắc nghiệp phối hợp với sắc lửa (nóng hay lạnh) bên ngoài, tạo ra sắc mới.

Sắc này được gọi là sắc thời tiết do nghiệp tạo.

Sắc thời tiết (lửa nóng hay lửa lạnh) tạo ra 4 nhóm:

1’- Nhóm bất ly.

2’- Nhóm Thinh, có 9 sắc: 8 sắc bất ly + sắc thinh.

3’- Nhóm đặc biệt, có 11 sắc : 8 sắc bất ly + 3 sắc đặc biệt,

4’- Nhóm Thinh đặc biệt, có 12 sắc: 8 sắc bất ly + sắc Thinh + 3 sắc đặc biệt.

Theo nhóm là vậy, tính riêng lẻ thì sắc do thời tiết tạo có 13 sắc: 8 sắc bất ly + sắc hư không + sắc Thinh + 3 sắc đặc biệt.

 Và nhóm bất ly, nhóm thinh thuộc sắc thời tiết ngoại (sắc thời tiết bên ngoài).

Còn nhóm đặc biệt, nhóm Thinh đặc biệt thuộc sắc thời tiết nội.

* Sắc do vật thực tạo (āhārajarūpa).

Là dưỡng tố (ojā) bên ngoài lẫn bên trong.

Dưỡng tố bên trong được dưỡng tố bên ngoài trợ giúp mới sinh ra sắc pháp, cả hai phải ở vào giai đoạn trụ.

Có 2 nhóm do vật thực tạo:

a’- Nhóm bất ly.

b’- Nhóm đặc biệt, có 11 sắc : 8 sắc bất ly + 3 sắc đặc biệt.

 Tính nhóm là như vậy, nếu tính riêng lẽ thì sắc do vật thực tạo có 12 sắc: 8 sắc bất ly + sắc hư không + 3 sắc đặc biệt.

Tổng cộng có 21 nhóm sắc [46] , trong đó có 19 nhóm thuộc sắc nội và 2 nhóm thuộc sắc ngoại (do thời tiết tạo).

Từ 21 nhóm sắc này, chúng ta thấy:

- Sắc không nhân tạo: Là sắc già cỗi (jaratārūpa - sắc dị) và sắc diệt (aniccārūpa).

- Sắc do một nhân tạo là: 2 sắc biểu tri (do tâm tạo), 9 sắc nghiệp (do nghiệp tạo).

- Sắc do 2 nhân tạo là: Sắc Thinh (do tâm và khí hậu tạo).

- Sắc do ba nhân tạo là: 3 sắc đặc biệt (do tâm, khí hậu và vật thực tạo).

- Sắc do bốn nhân tạo gồm là 11 sắc: Đoàn bất ly (avinibbhogarūpa) [47] + sắc hư không (ākāsarūpa) + sắc sinh (uppaccayarūpa) + sắc tăng trưởng (santatirūpa - sắc tiến).

Khi nói “sắc do ba nhân tạo” là nói đến 3 sắc đặc biệt.

Khi nói “sắc do bốn nhân tạo” là nói đến 11 sắc.

Hỏi - Vì sao sở duyên chỉ đề cập đến sắc ba hay bốn nhân tạo, không đề cập đến sắc một hay hai nhân tạo?

Đáp.

* Sắc không nhân tạo. Là sắc già cỗi và sắc diệt.

Hai loại sắc này đang trên đường hoại diệt, chúng không thể tăng trưởng. Tâm sinh lên cũng không giúp được gì cho chúng, nên 2 sắc này không thuộc sở duyên.

* Sắc một nhân tạo: Gồm 2 sắc biểu tri và 9 loại sắc nghiệp.

 - Hai sắc biểu tri đồng sinh đồng diệt với tâm, nên tâm không thể trợ giúp theo cách sinh hậu duyên.

- Chín loại sắc nghiệp diễn hoạt theo hướng riêng của nghiệp.

Chúng hổ trợ cho tâm theo cách vật sinh tiền duyên, tâm không thể trợ giúp chúng theo cách sinh hậu.

Ví như nước sông xuôi chảy có thể giúp cho cây hai bên bờ, cây hai bên bờ dù có sinh sau hay trước cũng không giúp cho dòng sông.

* Sắc 2 nhân tạo. Là sắc thinh.

- Sắc thinh do tâm tạo khi thốt ra chúng trở thành sắc ngoại phần.

- Sắc thinh do khí hậu tạo thì không liên quan gì đến tâm.

Về ba sắc đặc biệt.

- Sắc đặc biệt do khí hậu tạo. Chúng không liên quan gì đến tâm.

- Sắc đặc biệt do vật thực tạo. Như thức ăn loại cứng loại mềm … chúng không là sở duyên của sinh hậu duyên.

- Sắc đặc biệt do tâm tạo. Tâm sinh lên sau trợ giúp cho ba sắc đặc biệt này. Ba sắc đặc biệt này do tâm sinh trước đó tạo ra. Vì 3 sắc đặc biệt có tuổi thọ là 51 sátna tiểu.

Như trường hợp, có người trước nói nhỏ, sau nói lớn hơn. Hay các ca sĩ “lên bổng xuống trầm”…

Mặt khác, sắc được tâm trợ giúp phải ở vào giai đoạn trụ (49 sátna tiểu), không ở vào sátna sinh hay sátna diệt.

b- Năng duyên là danh pháp.

1’- Tâm sinh sau là tâm nào?

Ở đây, không đề cập đến loại tâm, tâm sinh sau mang ý nghĩa thời sátna (khaṇakāla).

Trong một kiếp sống, tâm Tục sinh là tâm sinh lên trước tiên, không sinh sau bất kỳ sátna tâm nào.

Như vậy “tâm sinh sau” chỉ cho sátna tâm hữu phần thứ 1 sau sátna tâm Tục sinh, và tâm Tử là sátna tâm sau cùng.

Nói cách khác, kể từ tâm hữu phần thứ 1 cho đến satna áp chót trước tâm Tử; mỗi sátna tâm ấy “sinh trước một tâm và sinh sau một tâm”.

2’-Tâm sinh sau trợ giúp sắc sinh trước vào thời điểm nào?

* Tâm sinh sau trợ giúp cho sắc sinh trước chỉ diễn ra trong thời bình nhật.

Vào thời điểm tục sinh, chưa có Sinh hâu duyên vì khi ấy cả tâm và sắc đồng sinh.

3’- Vì sao gọi “năng duyên nhất định”, “năng duyên bất định?.

- Năng duyên nhất định.

Là những tâm chỉ lưu chuyển trong cõi ngũ uẩn.

Tâm Sơ đạo chỉ có trong cõi ngũ uẩn, không có trong cõi Vô sắc, vì vị Thánh đệ tử Dự lưu phải “do nghe” mới chứng đắc.

Nói rộng hơn “sự chứng đạo Dự lưu phải nương vào sắc pháp”, hoặc do nghe, hoặc do thấy, hoặc do xúc chạm ...

Bậc Chánh giác hay bậc Độc Giác tuy “không thầy chỉ dạy”, các Ngài vẫn phải chứng đắc lần lượt các Đạo Dư lưu, đạo Nhất lai, Đạo Bất lai và Đạo Alahán, nhưng thời gian 4 đạo xuất hiện rất nhanh, chỉ xảy ra trong chớp mắt.

Khi chứng Dự lưu các Ngài vẫn nương vào sắc pháp rồi triển khai tuệ quán, như Bồtát Siddhattha (Sĩđạtta) nương vào “hơi thở” quán xét theo lý duyên khởi, thành tựu Vô thượng Chánh Giác.

Các bậc Độc Giác thì do nghe, do thấy …. triển khai tuệ quán, thành tựu quả vị Paccekabuddha (Bíchchi Phật).

Nên tâm Sơ đạo là “năng duyên nhất định”.

- Năng duyên bất định.

Là những tâm lưu chuyển trong ba cõi.

Khi chúng lưu chuyển trong cõi Vô sắc, chúng là phi năng duyên; khi chúng lưu chuyển trong cõi ngũ uẩn, chúng là năng duyên.

4’- Cõi Vô sắc không có tâm Sơ Đạo, vì sao có tâm Sơ quả?.

Một chúng sinh cõi ngũ uẩn, khi chứng đạt thiền Vô sắc trước, nghe pháp chứng được Sơ đạo.

Bấy giờ vị Thánh Dự lưu ấy có khả năng an trú trong thiền quả (là nhập thiền Vô sắc với tâm Sơ quả sinh lên vô số, tương tự như tâm thiền Vô sắc trong lộ nhập định).

Khi mệnh chung vị Thánh Sơ quả tái sinh về cõi Vô sắc, tại nơi này vị ấy có khả năng nhập lại quả định, do đó tâm quả Dự lưu xuất hiện trong cõi Vô sắc, dù cõi này không có tâm Sơ đạo.

12- Tập hành duyên (Āsevanapaccaya).

1- Định nghĩa.

Āsevana là “sự lập đi lập lại như vậy”, nên gọi là “tập hành”.

Tập hành duyên (āsevanapaccaya) là cách trợ giúp, ủng hộ bằng cách “lập đi lập lại”.

Pāli có giải thích:

- Āpunappanaṃ sevanaṃ = āsevanaṃ:

“Sự thực hành được lập đi lập lại, gọi là tập hành.”

-Āsevanaṃ ca taṃ paccayaṃ cā ti = āsevanapaccayaṃ:

Trợ giúp bằng cách chính nó được lập đi lập lại, gọi là tập hành duyên.

Sách Thanh Tịnh Đạo có giải thích:

Āsevanaṭṭhena antaranaṃ paguṇabalavabhāvāya upakārako dhammo āsevanapaccayo:

Tập hành với ý nghĩa “liên tục thực hiện tốt đẹp, tạo ra (āya) năng lực (bala)”, để ủng hộ pháp liên hệ, gọi là tập hành duyên [48] .

2- Chi pháp.

- Năng duyên là: 47 tâm đổng lực hiệp thế  [49] (trừ sátna đổng lực cuối trong lộ đổng lực).

- Sở duyên: 67 tâm đổng lực  [50]  sinh nối tiếp (trừ sátna thứ 1 trong lộ đổng lực).

- Phi sở duyên: (Sátna 1) tâm đổng lực Dục giới trong lộ đổng lực [51] , 2 tâm hướng môn (dvāravajjanacitta), 52 tâm quả [52]  + sắc pháp.

3- Giải thích.

a- Thuật ngữ āsevana được hiểu theo nghĩa nào?

 Được hiểu theo nghĩa “thường xuyên lập đi lập lại để thuần thục hơn”.

Như người học thuộc bài kinh, rồi tụng bài kinh ấy nhiều lần khiến “sự thuộc lòng” càng thuần thục và bài kinh càng tăng thêm uy lực.

Chữ paguṇabhāva (trở nên thuần thục), là “sự thành thạo, điêu luyện”.

Như người thợ điêu khắc, thường xuyên chạm trổ nên nghệ thuật chạm trổ càng tinh xảo hơn.

b- Tập hành duyên theo kinh Tạng.

 Trong nhiều bài kinh, Đức Phật thường lập đi lập lại những đoạn kinh, giúp cho chư Tỳkhưu thấu đáo giáo nghĩa theo chân pháp.

Đây cũng là một dạng “Tập hành duyên”.

Vì các vị Tỳkhưu nghe lần đầu, trí quán xét chưa thuần thục, nghe lại lần 2, lần 3 thì sự “thấu hiểu ý nghĩa” càng rõ ràng và sắc bén hơn.

Hoặc là: “Satipaṭṭhānaṃ bhāveti (tu tập niệm xứ)”.

 - “Sammappadhānaṃ bhāveti (tu tập chánh cần)”.

- “Satisambojjhaṅgaṃ bhāveti (tu tập niệm giác chi)”.

- “Dhammavicaya sambojjhaṅgaṃ bhāveti (tu tập trạch pháp giác chi)”.

- “Sammādiṭṭhiṃ bhāveti (tu tập chánh kiến)”.

- “Sammāsaṅkappaṃ bhāveti (tu tập chánh tư duy)”…

Trong những đoạn này “bhāveti” có nghĩa là nỗ lực thực hành trong một ngày, bảy ngày, một tháng , 7 tháng, một năm hay bảy năm.

Hoặc là: …“Puññāṃ ce puriso kalyā; kayirāth’etaṃ punappunaṃ.

Tamhi chandaṃ kayirātha; sukho puññassa uccayo.

“Nếu người làm điều thiện; hãy tiếp tục làm thêm.

Hãy ước muốn điều thiện; chứa thiện được an lạc”. (HT. TMC dịch). [53]

Các nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện được lập lại nhiều lần trong hiện kiếp hay trong quá khứ, chúng xuất hiện theo mối quan hệ nhân quả, hạnh phúc hay đau khổ sẽ hình thành theo tương ứng.

 Như cậu bé thường niệm kệ “cung kỉnh Đức Phật”, cậu thoát khỏi tai nạn bị dạ xoa làm hại. [54]

Trong những kệ ngôn trên, ý nghĩa āsevana (tập hành) rất rõ ràng, như:

- Yesaṃ divā ca ratto ca; niccaṃ buddhagatāsati:

Bất luận ngày hay đêm; thường niệm ân đức Phật.”

- Yesaṃ divā ca ratto ca; niccaṃ dhammagatāsati:

Bất luận ngày hay đêm; thường niệm ân đức Pháp.”

- Yesaṃ divā ca ratto ca; niccaṃ saṅghagatāsati

“Bất luận ngày hay đêm; thường niệm ân đức Tăng.”…

Hay câu chuyện đồ tể Cunda hành nghề mổ heo 55 năm, khi gần chết ác quả trổ, khiến y gào thét như heo bị chọc tiết, sau khi mệnh chung rơi vào địa ngục Avīci (Atỳ) [55] .

Trong quá khứ những bất thiện nghiệp hay thiện nghiệp được lập đi lập lại nhiều lần, chúng có thể trở thành chướng nghiệp cho những quả thiện hay quả bất thiện trong hiện tại.

Như có người hành ác trong hiện tại nhưng họ vẫn an lành, đó là do những thiện nghiệp trong quá khứ cản trở những ác quả quá khứ lẫn hiện tại.

Có người hành thiện trong hiện tại nhưng do ác nghiệp thực hiện thường xuyên trong quá khứ, nên người này luôn gặp những đau khổ.

Đức Phật có dạy:

“Pāpo’pi passati bhadraṃ; yāva pāpaṃ na paccati

Yadā ca paccati pāpaṃ; atha pāpo pāpāni passati.

“Kẻ ác thấy là hiền; khi ác ấy chưa chín.

Khi nào ác chín rồi; kẻ ấy thấy ác khổ.”

“Bhadro’pi passati pāpaṃ; yāva bhadraṃ napaccati.

Yadā ca paccati bhadraṃ; atha bhadrāni passati.

“Người hiền thấy là ác; khi hiền ấy chưa chín.

Khi nào hiền chín rồi; người ấy thấy hiền thiện” [56] .

Mặt khác, āsevana (tập hành) còn mang ý nghĩa “luân hồi”, vì sự “tái sinh” cứ mãi “lập đi lập lại” với kẻ phàm phu, với người chưa diệt trừ tận gốc ái dục (taṅhā).

“Seyyathāpi, bhikkhave, daṇḍo uparivehāsaṃ khitto sakimpi mūlena nipatati, sakimpi majjhena nipatati, sakimpi antena nipatati.

“Ví như, này các Tỳkhưu, một cây gậy được ném lên trên hư không, khi thì rơi trên đầu gốc, khi thì rơi chặng giữa, khi thì rơi đầu ngọn.

Evameva kho, bhikkhave, avijjānīvaraṇā sattā taṇhāsaṃyojanā sandhāvantā saṃsarantā sakimpi asmā lokā paraṃ lokaṃ gacchanti, sakimpi parasmā lokā imaṃ lokaṃ āgacchanti”.

 Cũng vậy, này các Tỷkưu, các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc, lưu chuyển luân hồi, khi thì từ thế giới này đi thế giới khác, khi thì từ thế giới khác đến thế giới này”.

“Taṃ Kissa hetu? Anamataggoyaṃ, bhikkhave, saṃsāro. Pubbā koṭi na paññāyati avijjānīvaraṇā sattānaṃ taṅhāsaṃyojanānaṃ sandhāvataṃ saṃsarataṃ”.

Vì sao? Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỳkhưu, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc.

“Evaṃ dīgharattaṃ kho, bhikkhave, dukkhaṃ paccanubhūtaṃ tibbaṃ paccanubhūtaṃ byasanaṃ paccanubhūtaṃ, kaṭasī vaḍḍhitā.

“Cũng vậy, đã lâu ngày, này các Tỳkhưu, các Thầy chịu đựng khổ, chịu đựng thống khổ, chịu đựng tai họa, và các mộ phần ngày một lớn lên.

Yāvañcidaṃ bhikkhave, alameva sabbasaṅkhāresu nibbindituṃ, alaṃ virajjituṃ, alaṃ vimuccitun‘ti”.

Cho đến như vậy, này các Tỳkhưu, là vừa đủ để nhàm chán, là vừa đủ để từ bỏ, là vừa đủ để giải thoát đối với tất cả các hành.” (HT. Thích Minh Châu dịch) [57] .

Trong thế gian này, rõ ràng nhiều kỳ tích xuất hiện, nhờ được lập đi lập lại nhiều lần, như người xạ thủ đại tài “trăm phát trúng trăm” cũng nhờ luyện tập nghệ thuật bắn cung thường xuyên.

Những kinh nghiệm dồi dào cũng nhờ thực hành công việc ấy nhiều lần.

Những thành tựu tốt đẹp về nghệ thuật, khoa học, văn học, thuật hùng biện… cũng từ hành động, lời nói, ý nghĩ được lập đi lập lại không ngừng.

Vị Bồtát thành tựu được nguyện vọng Chánh đẳng giác, Độc Giác hay Thánh Alahán cũng do lập đi lập lại nhiều lần những pháp độ (pāramī) …

c- Tập hành duyên theo tạng Diệu pháp.

Đức Phật có dạy:

“Purimā purimā kusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ kusalānaṃ dhammānaṃ āsevanapaccayena paccayo”.

“Các pháp thiện sinh kế trước trợ cho các pháp thiện sinh kế sau bằng Tập hành duyên”.

“Purimā purimā akusalā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ akusalānaṃ dhammānaṃ āsevanapaccayena paccayo”.

“Các pháp bất thiện sinh kế trước, trợ cho các pháp thiện sinh kế sau bằng Tập hành duyên”.

“Purimā purimā kiriyābyākatā dhammā pacchimānaṃ pacchimānaṃ kiriyābyākatānaṃ dhammānaṃ āsevanapaccayena paccayo”.

“Các pháp vô ký hạnh (kiriyābyākatā) trở cho các pháp vô ký hạnh bằng Tập hành duyên”. [58]

 Theo ý nghĩa lời dạy trên, Đức Phật nhấn mạnh đến “purimā (trước đó) và “pacchimānaṃ (sau đó)”, đồng thời pháp thiện giúp pháp thiện; pháp bất thiện giúp pháp bất thiệnpháp vô ký hạnh giúp pháp vô ký hạnh.

Rõ ràng Ngài chỉ những tâm đổng lực có cùng đặc tính (thiện, bất thiện, vô ký hạnh) [59]  và những tâm này chỉ xuất hiện trong lộ đổng lực.

Trong phạm vi hạn hẹp là lộ đổng lực, khi mở rộng phạm vi, lộ đổng lực thiện nối tiếp lộ đổng lực thiện và những lộ đổng lực thiện cứ lập đi lập lại liên tục.

Khi lộ đổng lực thiện có sức mạnh đầy đủ, điều bất ngờ sẽ xảy ra “khi pháp trợ đạo sung mãn” dẫn đến chứng đạt Nípbàn.

Ví như hai thanh tre khô cọ xát vào nhau liên tục, đến một lúc nào đó xuất hiện tia lửa.

Kinh văn cũng có ghi:

“Kalyānamittassetaṃ, bhikkhave, bhikkhuno pāṭikaṅkhaṃ satta bojjhaṅge bhāvessati, satta bojjhaṅge bahulikarissati

“Tỳkhưu làm bạn với thiện, này các Tỳkhưu, được chờ đợi rằng: bảy giác chi sẽ được tu tập, bảy giác chi sẽ được làm cho sung mãn” [60] .

d- Sự khác biệt giữa đổng lực vô gián (anantarajavana) và đổng lực tập hành (āsevanajavana) ra sao ?

 - Đổng lực Vô gián chỉ là “mãnh lực trợ giúp bằng cách không gián đoạn”.

- Còn đổng lực Tập hành, ngoài sự liên tục có có thêm “lan tỏa sức mạnh”.

Ví như hai học sinh, một phải ở lại lớp, một được lên lớp trên; hai học sinh cùng “liên tục học”, nhưng học sinh thứ hai tăng trưởng học vấn hơn.

Hay như vòng hoa không hương và vòng hoa có hương thơm.

Parivāsita theo nghĩa đen có nghĩa là “đã tỏa hương”, nghĩa bóng là “đã tạo cảm hứng”.

Cũng vậy, với tâm có sức mạnh sẽ tạo ảnh hưởng đến tâm kế tục, truyền “cảm hứng – ám chỉ thọ (vedanā)” đến tâm sau.

Tuy đổng lực trước diệt nhưng ảnh hưởng nó vẫn còn, như cánh hoa tuy rụng nhưng hương thơm còn phảng phất. Và mỗi đổng lực xuất hiện kế tục sẽ mạnh hơn đổng lực trước.

Chính vì thế, năng duyên trong Tập hành duyên không đề cập đến 2 tâm hướng môn (dvāravajjana).

e- Vì sao tâm Đạo không trợ giúp cho tâm quả Siêu thế trong lộ đắc đạo theo cách Tập hành duyên?

Tâm quả Siêu thế tuy là quả của tâm Đạo, nhưng “nhiệm vụ sát trừ phiền não của tâm đạo đã kết thúc”.

Như người hoàn thành công việc rồi, “công việc ấy” không còn trợ giúp cho người thi công sau đó nữa.

Mặt khác, với ý nghĩa “tăng cường sức mạnh” của Tập hành duyên, điều này chỉ có được với bốn sátna đổng lực đầu, ba sátna đổng lực cuối đã yếu dần và yếu nhất là sátna đổng lực thứ 7.

Sátna thứ tư trong lộ đổng lực là sátna quyền (indriya), minh họa theo bảng tâm lộ như sau [61] :

Bh – R – D – K – C – C – C – C (Quyền) – C – C – C – Bh – Bh  

Lại nữa, với ý nghĩa “lập đi lập lại” của Tập hành duyên, thì pháp thiện giúp cho pháp thiện, pháp bất thiện giúp cho pháp bất thiện, pháp vô ký giúp cho pháp vô ký (như Phật ngôn ở trước).

Trong khi ấy, tâm Đạo là pháp thiện, tâm quả Siêu thế là pháp vô ký, nên tâm Đạo không trợ giúp cho tâm quả Siêu thế theo cách Tập hành duyên.

f- Còn trong lộ nhập thiền quả thì như thế nào?

Trong lộ nhập thiền quả, tâm quả Siêu thế trước trợ giúp cho tâm quả Siêu thế sinh kế tục bằng Vô gián duyên, không theo cách Tập hành duyên.

 Vì rằng: Tâm quả Siêu thế có “sức mạnh” ưu thắng rồi, tâm quả Siêu thế cùng loại không thể trợ giúp gì thêm nữa.

Do đó, tâm quả Siêu thế trong lộ nhập thiền quả không có “Tập hành duyên”.

13- Nghiệp duyên (Kammapaccaya).

 1- Định nghĩa.

Nghiệp duyên (kammapaccaya) là sự trợ giúp bằng cách “tạo tác”.

Pāli có giải thích:

- “Karanaṃ = kammaṃ: Hành động, gọi là nghiệp”.

-“Karoti patisaṅkharotīti = kammaṃ: Sắp đặt, tạo tác, gọi là nghiệp”.

-“Kammaṃ ca taṃ paccayo cāti = kammapaccayaṃ:

“Trợ giúp bằng cách sắp đặt hay tạo tác, gọi là nghiệp duyên”.

Sách Thanh Tịnh Đạo giải thích:

“Cittapayogasaṅkhātena kiriyabhāvena upakārako dhammo kammapaccayo:

Pháp trợ giúp bằng cách tạo tác, giúp tâm hành động, gọi là nghiệp duyên [62] .

Cái gì là nghiệp? Chính là tâm sở Tư (cetanācetasika).

Như Phật ngôn ngôn: “Cetanāhaṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi:

Này các tỳkhưu, Như Lai tuyên thuyết, chính “sự cố ý” là nghiệp.”

3- Phân tích.

“Sự cố ý - cetanā” là nghiệp. Cetanā thường đi chung với những “cận sự” của mình, đó là những tâm sở trong nhóm hành uẩn (saṅkhārakkhandhā) trừ tâm sở Thọ (vedanā) và tâm sở Tưởng (saññā).

Có nhóm tâm sở “cộng sự” với tâm sở Tư, nhóm này chỉ chuyên tạo tác những điều tốt, thuật ngữ gọi là “nghiệp thiện” (kusalakamma), như bố thí, lễ bái, giữ giới …

Có nhóm chỉ tạo tác những điều không tốt, thuật ngữ gọi là “nghiệp bất thiện” (akusalakamma), như sát sinh, trộm cắp, nói dối …

Có nhóm tạo những điều không tốt cũng không xấu, thuật ngữ gọi là “nghiệp vô ký” (abyākatakamma), như đi, đứng, nằm ngồi, ợ, ngáp …

Đức Phật có dạy:

“Atthi, bhikkhave, kammaṃ kaṇhaṃ kaṇhavipākaṃ.

Này các Tỳkhưu, có nghiệp đen quả đen,

“Atthi, bhikkhave, kammaṃ sukkaṃ sukkavipākaṃ.

Này các Tỳkhưu, có nghiệp trắng quả trắng.

“Atthi, bhikkhave, kammaṃ kaṇhasukkaṃ kaṇhasukkavipākaṃ.

Này các Tỳkhưu, có nghiệp đen trắng, quả đen trắng.

“Atthi, bhikkhave, kammaṃ akaṇha-asukkaṃ akaṇha-asukkavipaakaṃ kammakkhayāya saṃvattati

Này các Tỷ kheo, có nghiệp không đen không trắng, quả không đen không trắng, nghiệp đưa đến nghiệp đoạn diệt” [63] .

Ở đây, nghiệp đen trắng nên hiểu là “nghiệp đen xen lẫn nghiệp trắng”, như đậu xanh và đậu đen trộn lẫn vào nhau, nhưng mỗi hạt đậu đều riêng biệt.

Tùy theo tâm sở Tư cùng nhóm “cộng sự” tạo tác, nghiệp duyên phân ra làm hai loại:

a- Đồng sinh nghiệp duyên (sahajātakammapaccaya).

b- Dị thời nghiệp duyên (nānakkhaṇikakammapaccaya).

“Thời” ở đây là thời sátna (kālakhaṇa); khác sátna (nānakkhaṇika) có hai cách:

- Liên tiếp sátna, gọi là “Vô gián nghiệp duyên” (anantarakamma paccaya).

Tức là nhân và quả liên tục nhau không gián đoạn.

- Cách xa qua nhiều sátna, gọi là “dị thời nghiệp duyên” (nānakkhaṇikapaccaya). Tức là nhân - quả cách xa nhiều sátna.

A- Đồng sinh nghiệp duyên (Sahajātakammapaccaya).

1-Định nghĩa.

Gọi là nghiệp đồng sinh là tâm sở Tư cùng sinh với các tâm sở và tâm.

Gọi là Đồng sinh nghiệp duyên là mãnh lực trợ giúp của tâm sở Tư đối với các pháp đồng sinh.

Pāli có giải thích:

-“Kāyaṅgavācaṅgacittaṅgābhisaṅkharaṇabhūtena cittappayogasaṅkhātena kiriyābhāvena paccayo upakāratoti = kammapaccayo:

Pháp trợ giúp bằng cách tạo tác, giúp tâm, thân, ngữ hành động, gọi là “nghiệp duyên”.

2- Chi pháp.

- Năng duyên: Tâm sở Tư trong tất cả tâm.

- Sở duyên: Tâm và 51 tâm sở hợp (trừ tâm sở Tư) + sắc tâm + sắc nghiệp Tục sinh.

- Phi sở duyên: Tâm sở Tư trong tất cả tâm + sắc nghiệp bình nhật + sắc Vật thực + sắc khí hậu (utujarūpa) + sắc ngoại + sắc nghiệp Vô tưởng.

3- Giải thích.

*- Về năng duyên.

a-Tại sao gọi là nghiệp? Vì đó là chức năng đặc biệt của tâm sở Tư.

Chức năng đặc biệt này là “sự tạo tác”, tức là “ đang thực hiện”.

Một danh từ khác chỉ cho tâm sở Tư là saṅkhāra (hành), như:

“Saṅkhāra paccayā viññāṇaṃ : Hành duyên cho thức”.

Nhưng không phải “hành” (saṅkhāra) nào cũng chỉ cho tâm sở Tư, như gió thổi làm sóng biển nổi dậy cũng là hành (saṅkhāra), nhưng không do tác động của tâm sở Tư.

Khi có bất kỳ “việc làm” nào của thân, khẩu và ý thì đó chính là “tác lực của tâm sở Tư”.

Chính tâm sở Tư vừa “tạo tác” vừa “đôn đốc” các tâm sở trong nhóm cùng “tạo tác” và tất cả lại xuất phát từ “ sự mong muốn” (chanda).

Nếu tâm sở Tư được ví như kỷ sư trưởng của một công trình, vừa điều hành các cộng sự vừa thực hiện công trình, thì dục (chanda) ví như kiến trúc sư, người thiết kế bản vẽ.

Trong các hành động: Thân hành, ngữ hành, ý hành, thì ý hành được xem là quan trọng nhất. Như Phật ngôn:

“Manopubbaṅgamā dhammā; manoseṭṭhā manomayā.

Manasā ce padutṭṭhena; bhāsati vā karoti vā.

Tato naṃ dukkhamanveti; cakkaṃ’vā vahato padaṃ:

“Ý dẫn đầu các pháp; ý là chủ ý tạo.

Với ý ác điều hành; khi nói hoặc khi làm.

Đau khổ sẽ theo sau; như bánh xe theo vật kéo”.

““Manopubbaṅgamā dhammā; manoseṭṭhā manomayā.

Manasā ce pasannena; bhāsati vā karoti vā.

Tato naṃ sukhamanveti; chāyā’va anapāyinī:

“Ý dẫn đầu các pháp; ý là chủ ý tạo.

Với ý tốt điều hành; khi nói hoặc khi làm.

An lạc sẽ theo sau; như bóng không rời hình” [64] .

Hoặc kamma (nghiệp) được hiểu theo cách khác là: “Do có nghiệp nên chúng sinh hoạt động”. Bằng phương tiện nào? Bằng thân, ngữ, ý.

Ở đây, “thực hiện về thân” có nghĩa là đi, đứng, ngồi, nằm, bước tới, bước lui, thậm chí là mở mắt, nhắm mắt ...

Thực hiện về ngữ”, là tạo ra những âm thanh như nói, cười, la, khóc, than van, rên rỉ ….

“Thực hiện về ý” là suy nghĩ thiện, bất thiện hay không thiện không bất thiện, như ý tham đắm, ý khó chịu , ý từ hòa, ý thương người, ý muốn đi, ý muốn ngủ …

Tóm lại, các chức năng thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, suy gẫm tương quan với 5 giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) và ý.

Các giác quan và ý sinh lên do nghiệp … nên nói “do có nghiệp chúng sinh hoạt động”.

* Về sở duyên.

- Vào thời điểm tục sinh.

Tâm Tục sinh và tâm sở hợp (trừ tâm sở Tư) [65] , cùng sắc nghiệp tục sinh, chúng cùng sinh lên với tâm sở Tư trong tâm Tục sinh.

- Vào thời bình nhật.

Tâm và tâm sở hợp cùng sinh lên với tâm sở Tư.

Ngoại trừ “năm đôi thức” không tạo sắc tâm, những tâm khác tạo ra sắc tâm [66] , nên sắc tâm cũng đồng sinh với tâm.

B- Vô gián nghiệp duyên (Anantarakammapaccaya).

1- Định nghĩa.

Vô gián nghiệp duyên là mãnh lực trợ giúp của tâm sở Tư theo cách không gián đoạn.

2- Chi pháp.

 - Năng duyên. Tâm sở Tư trong tâm Đạo.

- Sở duyên. Tâm quả Siêu thế và 36 tâm sở hợp sinh kế tục tâm Đạo trong lộ đắc đạo.

- Phi sở duyên. Những tâm ngoài tâm quả Siêu thế sinh kế tiếp tâm Đạo + sắc pháp.

3- Giải thích.

 Vô gián nghiệp duyên tương tự như Vô gián duyên, chỉ khác là “nêu lên chi tiết”, như sau:

Năng duyên chỉ chọn tâm sở Tư trong tâm Đạo. Tức là chỉ cô đọng trong lộ đắc đạo, không đề cập đến các tâm lộ khác.

Tại sao?

Vì sau tâm Đạo là tâm quả Siêu thế ngay, tâm quả Siêu thế là “kết quả” của tâm sở Tư trong tâm Đạo, nên gọi là Vô gián nghiệp duyên.

Cỏn tâm sở Tư trong tâm thiện hay tâm bất thiện sẽ cho quả khác thời gian cách xa.

Tâm sở Tư trong tâm vô ký không cho kết quả khác thời kỳ, nên chỉ là “Đồng sinh nghiệp duyên”.

C- Dị thời nghiệp duyên (Nānakkhaṇikakammapaccaya).

1- Định nghĩa.

Dị thời nghiệp duyên là mãnh lực trợ giúp của tâm sở Tư đối với các pháp được trợ giúp cách xa thởi gian.

Ví như lời di chúc của người quá cố, được con cháu thực hiện sau này.

Nānākkhaṇikā cetanā (tâm sở Tư khác sátna) là tâm sở Tư không cùng thời gian với kết quả.

Tức là thời điểm tâm sở Tư khởi lên là khác, thời điểm tâm quả khởi lên là khác.

Pāli có giải thích:

- Nā nākhaṇo = nānakkhaṇo: Khác sátna, gọi là khác thời (dị thời).

- Attano pācayuppannadhamma pavattikkhaṇato visuṃ bhūte atite nānākhaṇesidahāti = nānakkhaṇo:

Những pháp sở duyên thuộc về thời bình nhật, được thành tựu tiến hóa riêng, khác sátna chính nó (attano) ban đầu, gọi là khác thời (dị thời).

- Nānakkhaṇo pavattaṃ kamma nānakkhaṇikammaṃ:

“ Nghiệp sinh ra khác khác sátna ban đầu, gọi là nghiệp khác thời (nghiệp dị thời).

- Nānakkhaṇikakamma hutvā upakārako dhammo = nānakkhaṇikakammapaccayo:

Pháp ủng hộ, trợ giúp theo cách “nghiệp” khác khác sátna, gọi là nghiệp dị thời duyên.

2- Chi pháp.

- Năng duyên: Tâm sở Tư hợp trong tâm thiện hay tâm bất thiện (trong quá khứ)

- Sở duyên: Sắc nghiệp + tâm quả và tâm sở hợp (trừ tâm sở Tư), trong hiện tại.

- Phi sở duyên: Tâm thiện, tâm bất thiện, tâm Duy tác + sắc tâm, sắc ngoại, sắc vật thực, sắc khí hậu.

3- Giải thích.

Sự trợ giúp của nghiệp thiện, bất thiện hay không thiện không bất thiện đối với các pháp liên hệ có hai cách: Đồng sinh và khác thời gian.

 “Khác thời gian” (nānakkhaṇika) là: Quá khứ liên hệ đến hiện tại, hiện tại liên hệ đến vị lai và quá khứ liên hệ đến vị lai.

- Quá khứ liên hệ đến hiện tại. Là tâm sở Tư trong quá khứ, tạo ra tâm quả trong hiện tại.

- Hiện tại liên hệ đến vị lai. Là tâm sở Tư trong hiện tại, tạo ra tâm quả ở vị lai.

- Quá khứ liên hệ đến vị lai. Là những nghiệp trong quá khứ chưa cho quả trong hiện tại, chúng sẽ cho quả trong tương lai.

Nānakkhaṇika chỉ cho “nghiệp và quả của nghiệp” không cùng thời gian.

Ngay cả khi Thánh đạo sinh lên, kế tiếp là Thánh quả vẫn gọi là “nghiệp khác thời gian” (nānakkhaṇika).

Sự trợ giúp của tâm sở Tư (kamma) đối với các pháp có liên hệ với nghiệp khác thời gian, gọi là Dị thời nghiệp duyên.

Trong mối quan hệ theo cách này, biểu hiện năng lực của tâm sở Tư rất đặc biệt.

Tâm sở Tư tuy diệt rồi nhưng năng lực của tâm sở Tư vẫn còn, nó như sức mạnh của người xạ thủ, “hành động” bắn tên đã dứt, nhưng mũi tên vẫn lao đi do sức mạnh ấy.

Cũng vậy, những nghiệp thiện hay bất thiện đã tạo đã chấm dứt, nhưng “năng lực cho kết quả” vẫn còn.

Điển hình như người tạo thiện nghiệp trong hiện tại khi mệnh chung tái sinh về thiên giới và thân người đã chuyển đổi thành thân chư thiên.

Hay người tạo ác bất thiện nghiệp trong hiện tại sẽ cho thân hình xấu xa ở cõi địa ngục, ngạ quỷ hay súc sinh.

Năng lực ấy sẽ cho quả khi có điều kiện thuận lợi cho chúng.

Điều kiện thuận lợi ấy là gì? Đó là những điều kiện như:

- Thời tiết (utu).

Như 7 vị tỳkhưu trong quá khứ nhốt con kỳ đà trong hang, trong thời Đức Phật bị mưa gió làm sụp tảng đá lớn chặn cửa hang, khiến 7 vị phải bị nhốt 7 ngày. [67]

- Do chạm vào đối tượng có ân đứccao trọng.

Như vua Suppabuddha (Thiện Giác) chận đường đi khất thực của Đức Thế Tôn, 7 ngày sau bị đất rút.

Hoặc công tử Maṭṭhakuṇḍalī chỉ cung kỉnh Đức Phật, được sinh thiên. [68]

- Do sự tinh cần.

 Như Trưởng lão Cakkhupāla do tinh tấn hành đạo, khiến nghiệp ác làm mù mắt người trong quá khứ có cơ hội sinh khởi [69] .

- Do tâm ước nguyện.

 Như nàng Patipūjikā tạo thiên nghiệp mong được tái sinh về thiên giới, sum hợp với vị thiên tử là người chồng trước [70]

- Ngoài ra còn rất nhiều điều kiện khác như: Do thời kỳ, do oan trái …

Nhưng nếu không có cơ hội thích hợp, năng lực ấy vẫn tiềm ẩn cho đến hàng trăm, hằng ngàn, hằng triệu kiếp sống.

Năng lực tiềm ẩn ấy chỉ chấm dứt khi vị ấy viên tịch (parinibbāna).

Có những năng lực cho quả rồi, vẫn còn tiềm ẩn, mặc dù dường như chỉ có kết quả một lần.

Như những nghiệp thiện thiền, cho quả ngay kiếp kế tục nếu như không bị hoại do tạo ra một ác trọng nghiệp, như trường hợp Devadatta (Đềbàđạtđa), tuy vị ấy chứng được 5 thiền chứng cùng năm pháp thần thông phàm, nhưng tạo ra ác trọng nghiệp là “muốn lãnh đạo Tăng chúng”, khi có tư tưởng ấy, các thiền chứng và 5 pháp thần thông bị hoại.

Và Devadatta phải rơi xuống địa ngục Āvici (Atỳ) khi tạo 2 ác trọng nghiệp “làm chảy máu phật” và “chia rẽ Tăng chúng”.

Với người chứng thiền, kiếp sau sẽ sinh về Phạm thiên giới, dứt kiếp Phạm thiên sẽ tái sinh về cõi nhân loại.

Dường như năng lực nghiệp thiện Đáo đại ấy không còn.

Thật ra, năng lực ấy vẫn tiềm ẩn, khi vị ấy chứng Đạo, lập tức sẽ “sinh lên với tâm đạo”.

Như Đức Sāriputta đứng quạt hầu Đức Thế Tôn, nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng kinh “nhiều cảm thọ” cho du sĩ Dīghānakkha (Trường trão) cháu của Ngài.

Đức Xálợiphất đưa tâm quán xét chứng quả Alahán cùng tuệ phân tích và các pháp thần thông  [71] .

Đức Xálợiphất thường nhập định Diệt thọ tưởng, điều này chứng tỏ Ngài thành tựu được tâm Tứ quả Siêu thế Ngũ thiền.

Và cho thấy rằng “ngũ thiền đã sinh chung (sahajāta) với tâm Tứ Đạo”. Trường hợp này gọi là “thiền sinh chung với Đạo”.

Ngài Cūla Panthaka khi chứng quả Alahán có cả “Hóa tâm minh”, điều này gọi là “thần thông sinh chung với tâm Đạo”.

Trong ba loại nghiệp dị thời, chủ yếu là nghiệp thiện và nghiệp bất thiện.

Những pháp liên quan với chúng là 52 tâm quả [72]  cùng với 37 tâm sở hợp (trừ tâm sở Tư) và sắc do nghiệp sinh.

14- Quả duyên (Vipākapaccaya).

1- Định nghĩa.

Quả duyên là mãnh lực trợ giúp bằng “kết quả của nghiệp”.

Chữ vipāka thường được dịch là “dị thục”; dị là khác, thục là chín muồi.

Vipāka = vi (khác)+ pāka (sự nấu chín).

Pāli có giải thích:

-Pahayakapahātabbabhāvena aññamañña viruthudhānaṃ kusalākusalānaṃ pākāti = vipāka:

Sự chín muồi (pāka) thiện hay bất thiện, diễn tiến (bhāvena) tốt hay xấu, trái ngược nhau, gọi là quả (vipāka).

-“S’āvajja anavajjabhāvena vā kaṇhasukkabhāvenava aññamaññavisiddhānaṃ kusalākusalānaṃ pākāti = vipāka:

“Sự chín muồi thiện hay bất thiện, diễn tiến theo cách đen hoặc trắng, hay diễn tiến bị chê trách (anavajja) hoặc không bị chê trách (avajja), gọi là quả.”

-“Vipāko ca so pacvcayo cāti = vipākapaccayo:

Liên hệ nhau bằng quả, gọi là quả duyên.

- Vipacanabhāvena paccayo upakārakoti = vipākapaccayo:

“Trợ giúp theo cách “diễn tiến bị nung nấu sai biệt (vi + paccana)”, là quả duyên.

Sách Thanh Tịnh Đạo có giải thích:

-“Nirussāhasantabhāvena nirussāhasantabhāvāya upakārako vipāka dhammo = vipākapaccayo.

“Pháp dị thục quả (vipāka) trợ giúp bằng cách “thành tựu sự yên lặng (santa)”, diễn tiến sự yên lặng gọi là quả duyên.” [73]

2- Chi pháp.

- Năng duyên. 52 tâm quả và 38 tâm sở hợp [74] .

- Sở duyên. 52 tâm quả và 38 tâm sở hợp khi không là năng duyên + sắc nghiệp tục sinh + sắc tâm quả (trừ 2 sắc tiêu biểu).

- Phi sở duyên. Tâm thiện, tâm bất thiện, tâm duy tác và 52 tâm sở hợp + sắc nghiệp bình nhật + sắc nghiệp Vô tưởng + sắc ngoại + sắc khí hậu + sắc vật thực + sắc tâm của những tâm thiện hay tâm bất thiện hoặc tâm duy tác.

3- Giải thích.

a -Vì sao Sở duyên có chi pháp là 52 tâm quả và 38 tâm sở hợp?

Lấy một tâm Nhãn thức để minh họa.

Tâm Nhãn thức có 7 tâm sở Tợ tha hợp; toàn bộ tám pháp này đều là “kết quả thiện hay bất thiện của tâm sở Tư trước đó”.

Khi tâm sở Xúc trong tâm nhãn thức là năng duyên, sẽ trợ giúp cho tâm Nhãn thức sinh lên. Khi ấy tâm Nhãn thức là sở duyên.

Các tâm quả khác cũng tương tự như thế.

Một tâm quả có bốn nhóm : Thọ, tưởng, hành và thức uẩn.

Khi một uẩn là năng duyên như thọ uẩn chẳng hạn thì ba uẩn còn lại là sở duyên.

Như Đức Phật dạy:

- “Vipāka cattāro khandhā arūpino aññamaññaṃ vipākapaccayena paccayo”.

Bốn uẩn quả vô sắc trợ lẫn nhau bằng dị thục quả duyên” [75] .

Do đó, chi pháp sở duyên là 52 tâm quả và 38 tâm sở hợp.

b- Nên hiểu “dị thục quả” theo cách nào?

Trước tiên, nên hiểu “dị thục quả” (vipāka) theo thời sát na, tức là các tâm quả.

Dị thục quả còn được hiểu theo nghĩa “kiếp sống”.

Một chúng sinh được sinh ra, đó là kết quả có từ nghiệp (kamma).

Đức Phật có dạy:

“… sattā kammayonī : … chúng sinh có nghiệp là thai tạng [76] .

Trong lãnh vực này, dị thục quả được hiểu theo nghĩa “bị nung nấu đặc biệt” (vipaccana) và theo nghĩa “thay đổi”.

* Theo nghĩa “bị nung nấu”.

Chúng sinh được sinh làm người là do quả của nghiệp thiện.

Quả ấy kéo dài suốt cuộc sống của chúng sinh ấy, danh sắc của chúng sinh này luôn bị “nung nấu (paccana) để cuối cùng đi đến hoại diệt (là chết).

Và sự kiện sinh - trụ - diệt đều có cho tất cả chúng sinh, ngay cả Đức Chánh Đẳng Giác cũng không ngoại lệ.

* Theo nghĩathay đổi”.

Ngoài ý nghĩa “bị nung nấu”, paccana còn mang ý nghĩa “thay đổi”.

Như thế nào?

Nên hiểu mỗi nghiệp (kamma) có bốn đặc trưng (avaṭṭhā) hay sự tiếp diễn là:

- Đặc trưng của tâm sở Tư (cetanāvatṭṭhā).

- Đặc trưng của nghiệp (kammāvaṭṭhā).

- Đặc trưng của dấu hiệu (nimittāvaṭṭhā).

- Đặc trưng của quả dị thục (vipākāvaṭṭhā).

1’ - Đặc trưng của tâm sở Tư là “tạo tra” và “ đôn đốc các pháp đồng sinh trong nhóm [77]  cùng làm phận sự tạo ra” hay là “thay đổi bản chất cũ thành bản chất mới”.

Như từ tâm tham (bản chất bất thiện), tạo ra các tâm quả bất thiện (bản chất vô ký); từ tâm sở Tín thiện thành ra tâm sở Tín vô ký (trong tâm quả thiện hữu nhân) … .

2’- Đặc trưng của nghiệp (kammāvaṭṭhā).

 Tuy tâm sở Tư diệt rồi, nhưng năng lực của nó không diệt, nó tiềm ẩn theo danh sắc của chúng sinh, khi có cơ hội thì nó bộc phát lên.

Điều này được gọi là “đặc trưng của nghiệp” hay sự thay đổi do năng lực của tâm sở Tư.

Ví như “sức mạnh của thuốc nổ”, nó tiềm ẩn trong khối thuốc nổ. Khi tia lửa xẹt vào, lập tức khối thuốc nổ phóng thích ra một năng lượng lớn.

3’- Đặc trưng của dấu hiệu (nimittāvaṭṭhā).

Khi sắp sinh khởi, nghiệp (kamma) sẽ báo trước những “dấu hiệu” sắp xảy ra.

Như vị chư thiên khi sắp mệnh chung thấy được 5 điều báo trước là: Vòng hoa trang điểm héo úa; y phục và vật trang sức trở nên cũ, thiên quang bớt sáng, mồ hôi nách chảy ra và tâm không an vui.

Hay như Bồtát sắp chứng quả Vô thượng Chánh giác, Ngài nằm thấy 5 điều đại mộng [78] .

Hoặc những người đại phước khi tái sinh hay sinh ra có những điều kỳ diệu xuất hiện. Như trưởng giả Citta khi sinh ra, có một trận mưa hoa rơi xuống … [79]

Những dấu hiệu của nghiệp được gọi là “điềm nghiệp”.

Dấu hiệu của nghiệp xuất hiện rõ ràng nhất vào lúc cận tử .

Vào thời điểm cận tử, nếu năng lực của nghiệp đã tạo, không hiển lộ tạo thành cảnh nghiệp (kammārammaṇa) như thấy “đang bố thí, đang tu thiền”… hay “đang sát sinh, đang trộm cắp ...”, thì dấu hiệu của nghiệp sẽ hiển lộ, như thấy bông hoa, vật thực … hay thấy dụng cụ giết chúng sinh khác … gọi là nimittārammaṇa (cảnh nghiệp tướng).

Cảnh giới tái sinh (gatinimitta – thú tướng) như cảnh thiên giới, cảnh địa ngục, cảnh ngạ quỷ … cũng là dấu hiệu của nghiệp.

Đây là “đặc trưng của dấu hiệu”, hay sự “thay đổi dấu hiệu ”.

Vì những dấu hiệu ấy chỉ mô phỏng chứ không phải “đúng” như ban đầu khi tạo nghiệp.

4’- Đặc trưng của quả (vipākāvaṭṭhā).

Nếu người sắp chết với sự chú ý vào một trong ba cảnh trên (cảnh nghiệp, cảnh nghiệp tướng, cảnh thú tướng), thì năng lực của nghiệp tự chuyển hóa tạo ra tâm quả cho tái sinh vào kiếp sống mới.

Tâm quả ấy tự chuyển đổi danh sắc ấy cho phù hợp với môi trường mới.

Như cùng là tâm quả tam nhân dục giới, nhưng khi tái sinh vào cõi nhân loại, tâm quả ấy chuyển đổi danh sắc chúng sinh ấy phù hợp với cõi nhân loại.

Nếu cho tái sinh vào cõi chư thiên thì tâm quả ấy chuyển đổi danh sắc cho phù hợp với cõi thiên giới.

Ngay trong thời bình nhật, tâm quả cũng chuyển đổi danh sắc của chúng sinh ấy, như người có quả thiện sinh khởi thì dung sắc tươi nhuận, ít bệnh hoạn …

Trái lại khi quả bất thiện trổ thì dung sắc tiều tụy, xanh xao, sức khỏe thối giảm, bịnh hoạn …

Như trường hợp Ngài Soreyya là điển hình, từ thân nam chuyển thành thân nữ, rồi từ thân nữ chuyển thành thân nam  [80] .

Điều này được gọi là “đặc trưng của quả” hay “ thay đổi của quả”.

c- Diễn tiến của “thay đổi khác thời kỳ (vipaccana) như thế nào?”.

 Trong kiếp sống của một chúng sinh, ba “đặc trưng (avaṭṭhā) đầu” là diễn tiến của nghiệp.

“Đặc trưng của quả” là chỉ cho nghiệp đã “trưởng thành” (còn gọi là quả chín muồi).

 Và quả dị thục (vipāka) là chỉ cho “các tâm và tâm sở đã chín muồi”, chuyển sang thể dạng khác, đó là “đặc trưng của quả”.

Nói cách khác “quả dị thục” là chỉ cho “nghiệp đã trưởng thành”.

Như một cây cho quả phải ở độ trưởng thành, cũng vậy quả dị thục là tên gọi chỉ cho nghiệp “chín muồi”. Sự diễn tiến của dị thục quả rất bình lặng, đến nổi khó nhận biết rõ, chỉ khi nào chúng “bộc phát” nmới nhận ra chúng.

Như khi nhận thấy sắc xấu hoặc sắc tốt, đó là “kết quả từ tâm sở bất thiện hay từ tâm sở thiện có trước đó”, nhưng rất khó nhận ra chúng thuộc loại bất thiện nào, loại thiện nào. Chỉ khi “bị bịnh” hay “bị tổn thất tài sản…” hoặc khi “sung mãn tài sản” hay “thăng quan, tiến chức …”, bấy giới mới nhận ra “dị thục quả” rõ nét.

Chúng sinh là người, chư thiên, Phạm thiên đó là do dị thục quả thiện diễn tiến, còn chúng sinh địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh là do dị thục quả bất thiện diễn tiến.

Nhưng cho dù là quả dị thục nào chăng nữa, chúng vẫn diễn tiến một cách bình lặng.

Như những trái xoài rất mềm và mỏng manh khi chín, hay những quả cứng đắng, chúng đều có sự “diễn tiến bình lặng”.

Cũng vậy, các trạng thái quả dị thục rất yên tịnh do chúng không hoạt động và không có tác nhân kích thích [81] .

Chúng rất yên tịnh đến nỗi mà các ngoại cảnh không xâm nhập vào được, do đó các tâm quả làm việc Tục sinh chỉ biết một cảnh duy nhất.

Ví như người bị nhốt trong lồng kín bịt sắt, cảnh bên ngoài không thể xâm nhập vào, người ấy chỉ biết “khung trời” ấy mà thôi.

Chữ “bình lặng” ở đây là chỉ cho ý nghĩa này, không phải “bên trong cũng bình lặng”.

Chính bên trong tâm hữu phần cũng có sự “biến động” nên tâm hữu phần cũng sinh diệt liên tục.

Lại nữa, trong giai đoạn còn non yếu, tâm mới sinh lên luôn nhận cảnh mờ mờ, không rõ ràng.

Vì vậy, tâm mới không có khả năng xuất hiện trong quá trình suy nghĩ hay phản chiếu cảnh như thế này … như thế này …

Vì thế, chúng sinh này không thể nhớ “thuở nhỏ lúc một tuổi ta như thế này … như thế này.

d- Sự trưởng thành của nghiệp ở độ tuổi nào?

Tùy theo phước duyên của chúng sinh mà độ tuổi trưởng thành của nghiệp khác nhau.

Có những chúng sinh phải yểu tử trong thai bào, hay một tuổi, hai tuổi …

Có những chúng sinh có nghiệp thiện nhiều, là những “thần đồng toán học, ngữ học, âm nhạc…” ở độ 3 tuổi, 4 tuổi …

Đối với những nghiệp cực thiện có thể tác thành Đạo quả Siêu thế, chí ít cũng phải 7 tuổi.

Vì có những vị thành tựu địa vị bậc Thánh ở lứa tuổi này, tuổi thấp hơn không hề có.

Do đó, mối quan hệ lẫn nhau theo cách không hoạt động, không kích thích và yêntịnh là chức năng của dị thục quả (vipāka).

Lời giải thích của Ngài Buddhghosa là nêu lên chức năng của nghiệp như đã giải.

Và 52 tâm quả cùng các tâm sở hợp có mối quan hệ tác động, qua lại với nhau (các uẩn trợ giúp lẫn nhau), cũng như chúng tạo ra các sắc nghiệp trong thời Tục sinh và những sắc tâm quả (ngoại trừ 5 đôi thức) trong cuộc sống.

 



 [1] - Dhp. Kệ ngôn số 1- 2.

 [2] - Nhân sinh tâm (tổng quát) có bốn là: Nghiệp quá khứ, có cảnh, có tâm sở, có vật nương (xem Tỳkhưu Chánh Minh (s). Tâm vấn đáp).

 [3] - Đại trưởng lão Giới Nghiêm (d). Mi-Tiên vấn đáp (Milindapañhā) - Phần ngoại thuyết.

 [4] - Là 5 sắc thần kinh và sắc ý vật.

 [5] - A.i, 118. Pháp ba chi. Kinh Samiddha ( Samiddhasuttaṃ)

 [6] - Tâm cùng tâm sở phối hợp chung, từ đây chỉ gọi tắt là tâm, độc giả nên hiểu là “có tâm sở phối hợp” – Ns.

 [7] - Mỗi sátna tâm có ba sátna tiểu là : Sinh - trụ - diệt x 17 = 51 sátna tiểu.

 [8] -Dhp. kệ ngôn 160.

 [9] - Trích trong Vi diệu pháp Toát yếu. Đức Nārada soạn. Ô. Phạm Kim Khánh dịch; tr.441. 

 [10] - A.iv, 247. Pháp 8 chi , kinh “Quả ác hạnh” (duccaritavipaakasuttaṃ).

 [11] - A.i, 14. Phẩm làm bạn với thiện.

 [12] - Dhp. Câu 78.

 [13] - Ptn, 1.1.10.

 [14] —Dhp. Câu số 364.

 [15] - Luật phân tích tỳkhưu.

 [16] - DhpA. Câu số 181.

 [17] - DhpA. Câu số 285.

 [18] - DhpA. Câu số 79

 [19] - Thera. Chuyện Ngài Mahākassapa.

 [20] - DhpA. Câu số 79

 [21] - Ptn; 1. 1. 10.

 [22] - S.i, 13, Tương Ưng Chư thiên (Devatāsaṃyuttaṃ), kinh Triền phược (Jaṭāsuttaṃ).

 [23] - Dhp. Câu 277.

 [24] - DhpA. Câu số 25.

 [25] - A.ii, 27. Pháp bốn chi. Kinh Truyền thống bậc Thánh  (ariyavaṃsasuttaṃ).

 [26] -  D.iv;  kinh Pāṭika.

 [27] - M.ii, kinh số 57. Hạnh con chó.

 [28] - Như nhà thơ Hàn Mặc Tử, khi trăng tròn, bịnh hủi của ông trở nên nặng, khiến ông đau nhức khôn tả.

 [29] - D.iii. Kinh Đại Thiện kiến vương (Mahāsudassanasuttanta).

 [30] - Vsm. Chương 17, 602.

 [31] - Đây là nói theo cách thông thường, trong lộ chứng thiền, nhập thiền, đắc đạo lại là cách đặc biệt của Vô gián cận y duyên

 [32] - Vsm. Chương 17, 602.

 [33] - Dhp. Câu 282.

 [34] ‑ JA. Chuyện số

 [35] - D.iii. Kinh Giáo thọ ThiCalaviệt (Siṅgalovādasutta).

 [36] - Dhp. Câu số 122.

 [37] - Là : Tứ đại + 6 sắt vật nương (vatthu) + 4 sắc cảnh + 2 sắc tính + sắc mạng quyền + sắc vật thực.

 [38] - Ba ý giới là: 2 tâm Tiếp thâu + tâm Hướng ngũ môn.

Mười tâm sở hợp là: 13 tâm sở Tợ tha – (cần + hỷ + dục).

 [39] - Ý môn là 19 tâm hữu phần: 2 tâm quan sát xả thọ + 8 đại quả + 5  tâm quả thiền Sắc giới + 4 tâm quả thiền Vô sắc. 

 [40] - Vsm. Chương 17. 603.

 [41] - Vsm- Chương 17. 604.

 [42] - Trừ bốn tâm tâm quả Vô sắc, vì chúng không tạo ra sắc pháp.

 [43] -  Sắc bất ly (vinibbhogarūpa)pa), vì chúng không thể tách lìa nhau nê gọi là bất ly. Gồm 8 sắc cơ bản” Tứ đại + sắc , mùi + vị và vật thực. Nếu tính thêm sắc hư không (là khoảng giữa 2 sắc pháp) thành ra 9.

 [44] - Abhs. Chươngvi. Kalāpa – yocanā (các nhóm sắc pháp).

 [45] - Là 121 tâm – (10 thức + 4 quả vô sắc) + 2 tâm thông = 109 tâm.

Tính hẹp thì : 89 tâm – (1o thức + 4 quả vô sắc) + 2 tâm thông = 77 tâm.

 [46] -  9 nhóm do nghiệp tạo + 6 nhóm do tâm tạ0 +  2 nhóm do vật thực tao + 4  nhóm do âm dương tạo. 

 [47] -Đoàn bất ly gồm 8 sắc cơ bản là : Tứ đại +  (màu) sắc, mùi, vị và vật thực.

 

 [48] - Vsm. Chương 17. 

 [49] - 12 tâm bất thiện + tâm sinh tiếu + 8 đại thiện + 8 đại tố+ 9 thiện đáo đại + 9 duy tác đáo đại.

 [50] ‑ Là 12 tâm bất thiện + tâm Sinh tiếu + 8 tâm Đại thiện + 8 tâm Đại hạnh + 9 tâm thiện Đáo đại + 9 tâm Duy tác Đáo đại + 20 tâm Đạo (Maggacitta) = 67 tâm.

 [51] - Javanavithī (lộ đổng lực).

 [52] - 15 tâm quả vô nhân + 8 tâm Đại quả + 9 tâm quả Đáo đại + 20 tâm quả Siêu thế = 52 tâm quả.

 [53] - Dhp. Câu 118.

 [54] - DhpA. Câu số 296 – 301.

 [55] - DhpA.câu số 15.

 [56] - Dhp. Câu số 119 -120.

 [57] - S.ii, 184. Tương Ưng Vô Thỉ (Anamataggasaṃyuttaṃ), kinh Cây gậy (Daṇḍasuttaṃ).

 [58] - Ptn. Chương 1. 10.

 [59] - Không kể tính vô ký quả. Nếu tính “giống” thì có 3 giống “giống thiện, giống bất thiện và giống duy tác”.

 [60] - S.v, 78. Tương ưng giác chi (bojjhaṅgasamyuttaṃ). Kinh Ví dụ mặt trời (Suriyūpamasuttaṃ).

 [61] - Xem thêm Quy trình tâm pháp về lộ đắsc đạo.

 [62] - Vsm. Chương 17. 606.

 [63] - A.ii,  23o. Pháp bốn chi. Kinh Tóm tắt (saṃkhittasuttaṃ)

 [64] - Dhp. Câu 1-2.

 [65] - Tâm sở Tư trong trường hợp này là năng duyên, do đó nó không thuộc sở duyên.

 [66] - Sắc do tâm tạo, tính rộng có 15  sắc là: 8 sắc bất ly, sắc hư không, 3 sắc đặc biệt, 2 sắc tiêu biểu, sắc thinh. Nếu tính thêm một sắc tướng trạng (sinh, tiến, dị, diệt) thì thành 16 sắc. Trong đó, 2 sắc tiêu biểu đồng sinh đồng diệt với tâm, những sắc còn lại “đồng sinh nhưng không đồng diệt”.

 

 [67] - DhpA. Câu 127.

 [68] - DhpA. Câu số 2.

 [69] - DhpA. Câu số 1.

 [70] - DhpA. Câu số 48.

 [71] - Đức Xálơịphất đ65 nhất về trí tuệ và là bậc đệ nhị Thần thông.

Đức Mụckiềnliên là đệ nhất thần thông và đệ nhị trí tuệ. 

 [72] -15 tâm quả vô nhân + 8 tâm quả dục giới, + 5 tâm quả Sắc giới + 4 tâm quả Vô Sắc giới + 20 tâm quả Siêu thế.

 [73] - Vsm. Chương 17. 607.

 [74] - 52 tâm quả = 15 tâm quả vô nhân + 8 tâm quả Dục giới + 9 tâm quả đáo đại + 20 tâm quả Siêu thế. Nói gọn là 32 tâm quả hiệp thế + 20 tâm quả Siêu thế.

38 tâm sở hợp = 13 tâm sở Tợ tha + 25 tâm sở Tịnh hảo.

 [75] - Ptn. 1.15.

 [76] - M.i, Kinh Tiểu Nghiệp phân biệt (Cūlakammavibhaṅgasuttaṃ).

 [77]  - Tức là nhóm hành uẩn gồm 50 tâm sở (trừ Thọ và Tưởng).

 [78] - A.iii, 242. Pháp 5 chi. Kinh Mộng.

 [79] - DhpA. Câu số 73 – 74.

 [80] - DhpA. Câu số  43.

 [81] - Ám chỉ tâm hữu phần (bhavaṅgacitta).

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 1.1 | 1.2 | 1.3 | 2.1 | 2.2 | 2.3

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 2008).

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 20-04-2009