BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


37 PHẨM TRỢ ĐẠO
Một Toát Yếu Về Những Yếu Tố Cần Thiết Cho Sự Giác Ngộ

Ngài Hoà Thượng LEDI SAYADAW
Phạm Kim Khánh dịch


Chương IX

Thực hành các phẩm trợ đạo như thế nào?

Những chúng sanh đã gặp Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana) trước tiên phải kiên cố vững chắc trong Giới Tịnh (sìla-visuddhi) và sau đó tận lực cố gắng thành tựu các Phẩm Trợ Ðạo (Bodhipakkhiya-dhamma, những yếu tố của sự Giác Ngộ), nhằm bước vào Dòng Suối của các bậc Thánh Nhân (ariya sota).

Giờ đây Sư vắn tắt mô tả phương pháp thực hành các Phẩm Trợ Ðạo nầy.

Thực hành các Phẩm Trợ Ðạo (Bodhipakkhiya- Dhammà) là thực hành bảy Giai Ðoạn Thanh Lọc Tâm (satta visuddhi, Thanh Tịnh Ðạo).

Riêng giai đoạn Tâm Tịnh (citta-visuddhi) chỉ cần thiết cho người hành thiền Vắng Lặng (samatha) [1].

Giai đoạn "Ðạo Phi Ðạo Tri Kiến Tịnh" (maggà-magga-nànadassana-visuddhi) chỉ cần thiết cho những vị có nhiều ngã mạn (adhimànika) [2], nghĩ rằng mình đã chứng đắc những Thánh Ðạo và Thánh Quả nhưng trong thực tế chưa đắc.

Những giai đoạn Giới Tịnh, Tâm Tịnh, Ðoạn Nghi Tịnh, Ðạo Tri Kiến Tịnh và giai đoạn siêu thế Tri Kiến Tịnh -- áp dụng cho nhiều hạng hành giả khác nhau.

Trong năm giai đoạn Thanh Lọc nầy, giai đoạn Giới Tịnh đã có được giải thích trong Chương VIII, khi đề cập đến nhóm Giới trong Bát Chánh Ðạo. Giới Tịnh là trong sạch hành trì "tám giới chấm dứt bằng Chánh Mạng như giới thứ tám", àjivatthamaka-sìla [3].

Tâm Tịnh (citta-visuddhi) có thể được thực hành qua pháp Niệm Thân (kàyagatàsati). Trong pháp hành nầy vài vị Niệm Hơi Thở (ànàpana-sati); và thông thường, có thể nói rằng nếu chăm chú gom tâm vào hơi-thở-ra thở-vào bất luận lúc nào và trong bất luận oai nghi nào, hành giả có thể củng cố pháp Niệm Thân. Vài vị thực hành pháp Niệm Thân xuyên qua bốn oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm (iriyàtha) đúng theo kinh điển (Satipatthàna Sutta, Kinh Tứ Niệm Xứ): "Khi đi, hành giả hay biết 'Tôi đang đi' v.v..." Những vị khác hành pháp "Giác Tỉnh Chú Niệm" (sati-sampajanna) những tác động của thân (Xem Satipatthàna Sutta) ; vài vị khác nữa gom tâm vào 32 phần trong thân. Năm phần đầu là tóc, lông, móng, răng, da và pháp hành nầy được gọi là taca-pancaka, "nhóm năm phần da". Pháp Niệm Thân (kàyatàsati) sẽ được kiên cố thiết lập nếu hành giả có thể gom tâm vững chắc an trụ vào những phần ấy như ý muốn. Cũng có thể gom tâm hướng vào xương trong thân. Pháp Niệm Thân cũng có thể vững chắc nếu hành giả gom tâm an trụ vào xương sọ. Từ lúc đầu, nếu tiến trình danh và sắc (nàma-rùpa) dính liền với thân (tức những cơ năng hay sinh hoạt của danh và sắc và tâm chú niệm vào đó của hành giả) có thể được rõ ràng phân tách và biện giải, và nếu tâm niệm chuyên chú bền vững không lay động, pháp Niệm Thân ắt được vững chắc thiết lập. Trên đây là phương pháp Niệm Thân, được mô tả một cách ngắn gọn và rõ ràng.

Công trình Thanh Lọc Chánh Kiến (ditthi-visuddhi, kiến tịnh) có thể được xem là đã hoàn mãn thành tựu nếu hành giả có thể phân tách và nhận thức rõ sáu nguyên tố (xem chú thích, chương III). Công trình "Ðoạn Nghi Tịnh" (Kankhàvitarana-visuddhi) được xem là đã viên mãn thành tựu nếu hành giả nhận ra rõ ràng những nguyên nhân của sáu nguyên tố được đề cập ở phần trên. Phải nhận thức rõ ràng rằng những nguyên nhân làm khởi sanh sáu nguyên tố đất, nước, lửa, gió và không gian (pathavi, àpo, tejo, vàyo và akàsa) là nghiệp (kamma), thức (citta), thời tiết (utu), và thức ăn (àhàra) [4] và nguyên nhân làm khởi sanh sáu loại thức (citta: nhãn thức, v.v... là những cảnh đối tượng tương ứng.

"Ðạo Tri Kiến Tịnh" (patipadà-nànadassana-visuddhi) hàm ý là nhận rõ ba đặc tướng Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Nếu nhận thức rõ ràng ba đặc tướng ấy trong sáu nguyên tố đề cập ở trên là đã hoàn mãn công trình Thanh Lọc nầy.

Giai đoạn Thanh Lọc siêu thế xuyên qua công trình Tri Kiến Tịnh (lokuttara-nànadassana-visuddhi) bao gồm sự chứng ngộ liên quan đến bốn Thánh Ðạo (như của Nhập Lưu Ðạo v.v...; magga-nàna, Ðạo Tuệ)

Phần trên đây chính xác chỉ rõ năm giai đoạn Thanh Lọc (ở khoảng giữa).


Ghi chú:

[1] Theo sách Thanh Tịnh Ðạo (Visuddhi-magga), trạng thái Cận Ðịnh (upacàra-samàdhi) cũng được bao gồm trong Tâm Tịnh (citta-visuddhi). Chính mức định tâm nầy cần thiết cho thiền Minh Sát. (Chủ Biên)

[2] Xem danh từ adhimànika được giải thích trong The Wheel số 61/ 62, trang 43, chú thích số 3. (Chủ Biên)

[3] Xem chú thích, Phần Nhập Ðề.

[4] Xem "Manual of Insight" (Wheel 31/ 32), trang 47.

-ooOoo-

Ðầu trang | 00 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10
Bản dịch Anh ngữ

Chân thành cám ơn Bác Phạm Kim Khánh đã gửi tặng bản điện tử (Bình Anson, 05-2002)


[Trở về trang Thư Mục]
updated: 11-05-2002