Đàm luận Phật Pháp
- 68 -

In the Buddha’s Words – An Anthology of Discourses from the Pali Canon
Bhikkhu Bodhi (2005)


Những lời Phật dạy – Một bản trích lục các bài giảng từ kinh điển Pali
Tỳ-khưu Bodhi (2005)   

 
ibw.jpg
ibw.jpg
939 * 900
mucluc.jpg
mucluc.jpg
1235 * 868

 

Dàn bài

CHƯƠNG VIII – TU TẬP TÂM

Dẫn nhập

1. Tâm Là Chìa Khóa (AN 1:iii)

2. Phát Triển Đôi Kỹ Năng

(1) An Chỉ Và Minh Quán (AN 2:iii)

(2) Bốn Cách Đưa Đến Quả A-La-Hán (AN 4:70)

(3) Bốn Hạng Người (AN 4:94)

3. Các Trở Ngại Của Sự Phát Triển Tâm (SN 46:55)

4. Sự Tinh Luyện Tâm (AN 3:100)

5. Loại Trừ Các Ý Tưởng Xao Lãng (MN 20)

6. Tâm Từ (MN 21)

7. Sáu Tùy Niệm (AN 6:10)

8. Bốn Thiết Lập Niệm (MN 10)

9. Quán Niệm Hơi Thở (SN 54:13)

10. Thành Tựu Tinh Thông (SN 28:1)

–ooOoo–

CHƯƠNG VIII – TU TẬP TÂM

Dẫn nhập

Sau khi trình bày một cái nhìn tổng quan của con đường siêu thế trong chương trước, trong chương này và chương tiếp theo, tôi dự định sẽ tập trung nhiều hơn vào hai khía cạnh của con đường này như mô tả trong kinh tạng Nikāya, thiền định và trí tuệ. Quyết tâm tuân giữ giới luật – trong kinh tạng Nikāya, đặc biệt là giữ trọn vẹn các giới luật tu sĩ – được gọi là tu tập trong giới luật bậc cao (tăng thượng giới, adhisı̄la-sikkhā). Nguyên tắc đạo đức, nếu tuân giữ thường xuyên, truyền vào tâm với lực thanh tịnh của giới đức, tạo ra hỷ lạc và lòng tín thành nơi Giáo Pháp.

Sau khi được thành lập trên nguyên tắc đạo đức, người đệ tử bắt đầu tập hành thiền, để an định tâm và vượt qua các chướng ngại trên tiến trình đưa đến trí tuệ. Bởi vì hành thiền đưa tâm lên cao hơn mức độ thông thường, giai đoạn thực hành này gọi là huân tập tâm ở mức cao (tăng thượng tâm, adhicittasikkhā). Bởi vì sự huân tập đó đưa đến trạng thái tĩnh lặng và vắng lặng, nên được gọi là phát triển sự an chỉ (samathabhāvanā). Thực tập thành công đưa đến mức tâm định thâm sâu hay tâm hợp nhất (samādhi), và cũng được biết như trạng thái nội tâm an định (ajjhattaṃ cetosamatha). Loại tâm định nổi tiếng nhất được ghi nhận trong kinh tạng Nikāya là bốn thiền-na (jhāna), tạo nên chánh định (sammā samādhi) của Bát chi Thánh đạo. Cao hơn bốn thiền-na nầy là bốn thành tựu vô sắc (arūpasamāpatti), đưa tiến trình hợp nhất tâm ở mức độ tinh tế hơn. 

Giai đoạn thứ ba của thực hành là huân tập trí tuệ cao hơn (tăng thượng tuệ, adhipaññā-sikkhā), được thiết kế để đánh thức minh kiến trực tiếp về bản chất thật sự của mọi pháp như đã trình bày trong giáo pháp của Đức Phật. Vấn đề này sẽ được trình bày chi tiết trong chương tiếp theo.

Trong đoạn đầu tiên dưới đây, Kinh văn VIII,1, là sưu tập các lời dí dỏm ngắn, nhấn mạnh việc cần thiết phải nuôi dưỡng tâm. Các lời nói được trình bày từng cặp đôi. Trong mỗi đôi, câu đầu nói về những nguy hiểm của tâm hoang vu, câu sau đề cao các lợi ích của tâm có tu tập. Tâm hoang vu là con mồi dễ dàng cho các ô uế – tham, sân, si và các tâm liên hệ. Các ô uế này tạo ra nghiệp bất thiện, đưa đến kết quả đau khổ ngay trong kiếp này và các kiếp sau. Vì các ô uế đó là nguyên nhân của đau khổ và ràng buộc, con đường giải thoát cần phải có một tiến trình tỉ mỉ tu tập tâm để nhiếp phục các ô uế và tối hậu, dứt bỏ chúng từ nơi làm tổ trong các hốc sâu của tâm thức. Qua sự tu tập tâm, hạnh phúc, tự do và an bình sẽ được sinh khởi.

Phát triển tâm, đối với kinh tạng Nikāya, có nghĩa là phát triển an chỉ (samatha) và minh quán (vipassanā). Kinh văn VIII,2(1) ghi rằng khi an chỉ phát triển, sẽ đưa đến định và tâm giải thoát khỏi các ô uế cảm tính như tham dục và sân hận. Khi minh quán được phát triển, sẽ đưa đến tuệ minh sát cao hơn về bản chất thật sự của mọi hiện tượng và giải thoát tâm vĩnh viễn khỏi vô minh. Như thế, hai pháp cần thiết nhất để tu tập tâm là Chỉ và Quán.

Vì định là căn bản của trí tuệ, kinh tạng Nikāya thông thường xem phát triển an chỉ là điều kiện tiên quyết để phát triển minh kiến. Tuy nhiên, vì căn cơ khác nhau của các hành giả, nhiều bài kinh cho phép các cách tiếp cận khác nhau cho tiến trình này. Kinh văn VIII,2(2) nói về bốn cách tiếp cận để tu tập tâm:

1.   Phương cách đầu tiên, cách cổ điển, là phát triển Chỉ trước và sau đó là Quán. Gọi là “an chỉ” nghĩa là các thiền-na hay – theo các chú giải Pāli – một trạng thái gần với thiền-na gọi là “cận định” (upacārasamādhi).

2.   Phương cách thứ hai là phát triển Quán trước, Chỉ sau. Vì không thể có minh kiến thật sự nếu không có định, những hành giả theo pháp nầy – có lẽ là những vị có căn cơ thông minh – đầu tiên dùng định như là căn bản để có minh kiến về bản chất thật sự của hiện tượng. Tuy nhiên, mức định như thế, dù đủ cho minh kiến, không đủ mạnh để đột phá vào con đường siêu thế. Những hành giả đó phải trở lại công phu hợp nhất tâm trước khi tiếp tục phát triển tuệ quán. Tuệ quán như thế, dựa trên định, sẽ lên đến đỉnh điểm của con đường siêu thế.

3.   Phương cách thứ ba là phát triển Chỉ và Quán tiếp đôi. Hành giả đầu tiên đạt đến một mức định đặc biệt, như thiền-na hữu sắc hay vô sắc, và rồi dùng đó như cơ sở cho tuệ quán. Sau khi có tuệ quán, vị ấy trở về định, đạt đến một mức thiền-na hữu sắc hay vô sắc khác, và dùng làm cơ sở cho tuệ quán. Cứ tiếp tục như thế cho đến khi vị ấy đạt được con đường siêu thế.

4.   Phương cách thứ tư không được mô tả rõ ràng. Kinh nói “tâm của vị tỳ-khưu bị dao động về các lời giảng dạy”, và sau đó một thời gian, vị ấy đắc định và đạt đến con đường siêu thế. Câu này nói về vị hành giả đầu tiên có mong muốn mãnh liệt để thông hiểu Giáo Pháp, và mãnh liệt như thế làm cho hành giả không thể tập trung vào bất cứ đề mục hành thiền nào. Sau đó, với sự giúp đỡ của một số điều kiện hỗ trợ, vị ấy điều phục tâm, đắc định, và đạt được con đường siêu thế.

Kinh văn VIII,2(3) một lần nữa khẳng định rằng cả Chỉ và Quán đều cần thiết, và cũng nêu ra những kỹ năng cần thiết trong việc tu tập hai pháp nầy. Tu tập Chỉ cần phải có kỹ năng an lập, an trú, nhất tâm, định tĩnh. Tu tập Quán cần phải có kỹ năng quan sát, thẩm tra, thấu rõ các hiện tượng hữu vi, gọi là các “hành” (saṅkhārā). Tương đồng với kinh văn trước, bài kinh nầy xác nhận có những hành giả bắt đầu bằng phát triển tâm an chỉ, các vị khác bắt đầu bằng phát triển tuệ quán, các vị khác tu tập chỉ quán tiếp đôi. Nhưng dù các hành giả có thể khởi đầu khác nhau, cuối cùng các vị ấy cũng cần có một sự cân bằng hòa điệu giữa Chỉ và Quán. Điểm cân bằng chính xác giữa Chỉ và Quán khác nhau ở mỗi vị, nhưng khi hành giả đạt đến mức cân bằng thích hợp, Chỉ và Quán kết hợp thành lực đưa đến tri kiến Tứ diệu đế. Tri kiến nầy – trí tuệ siêu thế – xảy ra ở bốn tầng bậc rõ ràng, đó là bốn giai đoạn thực chứng, lần lượt diệt trừ vô minh cùng với các lậu hoặc liên hệ. Kinh văn VIII,2(2) đề cập những lậu hoặc nầy trong cụm từ “kiết sử và tùy miên”.

Các trở ngại chính trong tu tập Chỉ và Quán được gọi chung là “năm triền cái”, mà chúng ta đã thấy trong phần mô tả mở rộng của sự huân tập từng bước (xem Kinh văn VII,4). Kinh văn VIII,3 ghi rằng như các tạp chất khác nhau trong nước đã ngăn không cho ta thấy rõ gương mặt của ta phản chiếu trong một chậu nước, cũng vậy, năm triền cái nầy ngăn cản không cho ta thông hiểu đúng những lợi ích của ta và của người khác. Vì thế, nỗ lực ban đầu của hành giả phải được dành cho công việc khắc phục các triền cái. Một khi chúng được khắc phục, chắc chắn sẽ có kết quả tốt trong công phu tu tập Chỉ và Quán.

Kinh văn VIII,4 so sánh các giai đoạn kế tiếp trong tiến trình tu tập tâm như công việc lọc vàng. Tu sĩ hành thiền bắt đầu bằng cách loại bỏ các uế nhiễm loại thô tạp của hành vi về thân, khẩu, ý. Việc nầy được thực hiện bằng giới luật và cần mẫn nội soi. Sau đó, vị ấy loại bỏ uế nhiễm loại trung của các ý tưởng bất thiện: ý tưởng tham dục, sân hận và tác hại. Kế tiếp, vị ấy loại bỏ các uế nhiễm loại vi tế của các ý tưởng quanh co. Cuối cùng, vị ấy phải loại bỏ luôn cả các ý tưởng về Pháp, đây là sự ngăn che vi tế nhất. Khi tất cả các ý tưởng xao lãng đó được loại bỏ, hành giả đạt được trạng thái “nhất tâm” (ekodibhāva), là cơ sở để phát triển sáu “minh trí trực tiếp” (lục thông, abhiññā) đưa đến đỉnh cao là quả A-la-hán, minh trí về sự diệt tận các lậu hoặc (lậu tận thông).

Kinh tạng Nikāya đôi khi so sánh tiến trình tâm như là làm thuần hóa một con thú hoang. Như một người huấn luyện thú vật phải dùng nhiều kỹ thuật khác nhau để kiểm soát con thú, thiền giả phải sử dụng nhiều phương pháp để điều ngự tâm. Chỉ làm quen với một kỹ thuật thiền là chưa đủ; vị ấy phải có thiện xảo với nhiều phương cách để đối trị với những trở ngại tinh thần khác nhau. Trong Kinh văn VIII,5, Đức Phật giảng về năm kỹ thuật phụ trợ – ở đây gọi là “tướng” (nimitta) – mà một vị tu sĩ có thể dùng để loại trừ các tư tưởng bất thiện liên quan đến dục, sân, và si. Vị nào thành công khắc phục các tư tưởng xao lãng qua việc sử dụng các phương cách đó được gọi là “đạo sư của pháp an trú tầm”.

Các bài kinh dạy nhiều phương cách hành thiền khác nhau nhắm đến tạo ra sự định tâm. Một công thức phổ thông là chọn đề mục thiền đặc biệt để đối trị trạng thái tâm bất thiện mà vị ấy dự định khắc phục. Như thế, quán bản chất bất tịnh của thân thể (xem Kinh văn VIII,8) là để đối trị tham dục; quán lòng từ để đối trị sân hận; quán hơi thở để đối trị trạo cử, và quán vô thường để đối trị tính tự phụ “tôi là”. Quán về vô thường là đề mục thiền minh sát, và ba đề mục kia thuộc về thiền an chỉ. Lòng từ là tâm đầu tiên của bốn phạm trú (brahmavihāra) hay bốn tâm vô lượng (appamaññā) đã được đề cập vắn tắt trong chương V: đó là bốn tâm không giới hạn của từ, bi, hỷ, xả. Bốn tâm nầy lần lượt đối trị sân hận, tác hại, bất mãn, và thiên vị. Bởi vì tôi đã đưa vào một đoạn kinh tiêu chuẩn của Kinh tạng về các phạm trú có liên quan đến hành thiền để làm cơ sở tạo phước báo – xem Kinh văn V,5(2), để có một cái nhìn khác về pháp hành nầy, tôi đưa vào đây, trong Kinh văn VIII,6, một đoạn của bài kinh nổi tiếng “Ví dụ cái Cưa,” cho thấy cách thực hành lòng từ.

Qua nhiều thế kỷ, các đề mục hành thiền phổ thông nhất trong giới cư sĩ Phật tử có lẽ là sáu tùy niệm (anusati): niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí và niệm Thiên. Kinh văn VIII,7 là nguồn kinh điển quan trọng cho các pháp thiền nầy. Các chủ đề đó đặc biệt gần gũi với con tim và kinh nghiệm sống hằng ngày của những ai đang sống tại gia, trong một nền văn hóa đậm đà bản sắc Phật giáo. Các phương pháp hành thiền nầy lần lượt làm phong phú và nâng đỡ đời sống của họ, đưa họ tiếp xúc tinh thần gần hơn với các lý tưởng của niềm tin trong đạo. Ba đề mục đầu tiên chủ yếu quán niệm về niềm tin nơi Tam Bảo; nhưng trong khi họ bắt đầu với niềm tin, họ tạm thời thanh tịnh tâm, loại trừ cấu uế, và đưa đến duy trì tâm định. Tùy niệm về giới đức phát triển từ sự giữ giới, một pháp hành nhằm mục đích tự lợi. Tùy niệm về lòng bố thí tạo lập từ sự thực hành việc chia sẻ, một pháp hành vị tha. Tùy niệm về chư thiên là tùy niệm về kết quả của lòng tin, lòng quảng đại và trí tuệ, sẽ chín muồi trong các kiếp sau.

Bài kinh giảng thường được xem bao gồm những hướng dẫn hành thiền đầy đủ nhất là Kinh Lập Niệm hay Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna Sutta). Có hai phiên bản bài kinh nầy, phiên bản dài trong Trường bộ, phiên bản trung bình ở Trung Bộ. Bản dài khác với bản trung bình ở phần phân tích mở rộng về Tứ Thánh Đế, có lẽ nguyên thủy là một chú giải sơ bộ được đưa vào bài kinh. Bản trung bình được đưa vào đây như là Kinh văn VIII,8. Toàn bộ một chương trong Tương ưng bộ – chương Tương ưng Lập niệm (Satipaṭṭhāna-saṃyutta), cũng dành cho hệ thống hành thiền nầy.

Bài kinh Lập Niệm không đề nghị một đề mục hành thiền duy nhất hay một pháp hành thiền duy nhất. Mục đích của bài kinh là giải thích làm thế nào để thiết lập một chế độ chiêm niệm cần thiết để thực chứng Niết-bàn. Khung tâm thức thích hợp được thiết lập, như ngụ ý trong tựa bài kinh, được gọi là “thành lập niệm”. Từ “satipaṭṭhāna có lẽ nên hiểu như là một hợp từ của “sati”, niệm hay tỉnh thức, và “upaṭṭhāna”, thành lập. Vì thế “thành lập niệm” có lẽ là cách dịch tốt nhất nắm bắt được ý nghĩa nguyên thủy. Theo công thức tiêu chuẩn kèm theo mỗi bài tập, mỗi “satipaṭṭhāna” là một phương thức trú xứ (viharati). Phương thức trú xứ nầy có liên quan đến quan sát các đối tượng trong một khung tâm thức thích hợp. Khung tâm thức đó gồm có ba phẩm chất tích cực: nhiệt tâm (ātāpa), niệm (sati), và tỉnh giác (hiểu biết rõ ràng, sapajañña). Từ “sati” nguyên thủy có nghĩa là trí nhớ, nhưng trong ngữ cảnh nầy, có nghĩa là ghi nhớ hiện tại, một sự nhận thức bền vững về những gì đang xảy ra cho ta và trong ta vào mỗi lần trực nghiệm. Niệm, trong những giai đoạn đầu tiên, có liên quan đến giữ tâm quán sát liên tục vào đối tượng, có nghĩa liên tục giữ đối tượng trong tâm. Niệm ngăn ngừa tâm tuột đi, lang thang đến nơi khác qua những ý tưởng ngẫu nhiên, tạo thành hý luận và quên lãng. Niệm thường được xem xảy ra với kết hợp chặt chẽ với “tỉnh giác”, một sự hiểu biết rõ ràng về những gì hành giả đang trực nghiệm.

Công thức mở đầu của bài kinh nói rằng hành giả tham gia vào việc thực hành nầy sau khi “đã chế ngự tham dục và ưu sầu trên đời” (vineyya loke abhijjhā-domanassaṃ).  Cụm từ “đã chế ngự” không nhất thiết phải hiểu rằng hành giả trước tiên phải vượt qua ham muốn và ưu sầu – theo Chú giải, có nghĩa là dục tham và sân hận và từ đó đại diện cho năm triền cái – trước khi hành giả thực hành lập niệm. Cụm từ đó có thể hiểu là chính sự thực hành là phương tiện để chế ngự tham dục và ưu sầu. Như thế, trong khi chế ngự các ảnh hưởng ngăn che của tham lam và sân hận, thiền giả làm khơi dậy các phẩm chất tích cực của nhiệt tâm, niệm, và tỉnh giác, và quán soi bốn lĩnh vực đối tượng: cơ thể, các cảm thọ, các trạng thái tâm, và các hiện tượng (thân, thọ, tâm, pháp). Đây là bốn lĩnh vực đối tượng phân chia việc quan sát tỉnh thức thành bốn sự thành lập niệm.

Bốn lĩnh vực đối tượng này chia phần mô tả kinh Lập Niệm thành bốn đoạn chính. Hai trong số đoạn nầy, đoạn đầu và đoạn cuối, có nhiều phân đoạn. Khi tổng cộng các phân đoạn, chúng ta có được hai mươi mốt đề mục hành thiền. Nhiều đề mục nầy có thể dùng để phát triển an chỉ (samatha), nhưng toàn thể hệ thống lập niệm dường như đặc biệt được thiết kế để phát triển minh quán (vipassana). Những đoạn chính trong cách phân chia nầy như sau:

1. Quán thân (kāyānupassanā).  Gồm có mười bốn đề mục: quán niệm hơi thở; quán bốn oai nghi; quán thân hành; quán thân ô trược (qua quan sát các bộ phận của cơ thể); quán tứ đại; và chín đề mục quán tử thi, những pháp quán tử thi qua các giai đoạn hư thối.

2. Quán thọ (vedanānupassanā). Cảm thọ chia làm ba loại chính – lạc, khổ, không khổ không lạc – và mỗi loại thọ được phân biệt thêm về cảm thọ nơi thân xác hay ở tâm. Tuy nhiên, bởi vì chúng chỉ là cảm thọ, quán thọ được xem chung là một đề mục.

3. Quán tâm (cittānupassanā). Đây là một đề mục về tâm, phân biệt thành tám đôi trạng thái tâm đối nghịch.

4. Quán pháp (dhammānupassanā). Từ “pháp” (dhammā) ở đây có lẽ để chỉ các hiện tượng, được phân thành năm loại chi phối bởi lời dạy của Đức Phật, là Giáo pháp (Dhamma, Pháp). Như thế, “quán pháp” có ý nghĩa kép, là các pháp (dhammas, hiện tượng) được quán bằng Giáo pháp (Dhamma). Năm phân hạng là: năm triền cái, năm uẩn, sáu nội xứ và sáu ngoại xứ, bảy giác chi, và Tứ Thánh Đế. 

Mặc dù không nói rõ trong bài kinh, một chuỗi tăng tiến dường như ngụ ý bằng các điều khoản mô tả mỗi pháp quán. Trong quán niệm hơi thở, hành giả tiến dần đến các mực độ an định vi tế; trong pháp quán thọ, hành giả tiến đến các cảm thọ phi cơ thể không lạc không khổ; trong pháp quán tâm, hành giả tiến đến trạng thái tâm tập trung và giải thoát. Những điều này cho thấy các diễn tiến trong pháp quán giúp tăng cường mức định tâm. Trong pháp quán các pháp, tầm quan trọng chuyển hướng đến minh sát. Hành giả bắt đầu bằng cách quan sát và chế ngự năm triền cái. Chế ngự năm triền cái đánh dấu thành công trong định tâm. Với tâm định, hành giả quán năm uẫn và sáu xứ. Khi quán niệm có đà phát triển, bảy giác chi hiện rõ ra, và phát triển bảy giác chi đưa đến đỉnh điểm về tri kiến Tứ Thánh Đế. Tri kiến Tứ Thánh Đế giải phóng tâm khỏi các lậu hoặc, và như thế, đưa đến chứng đắc Niết-bàn. Do đó, hệ thống hành thiền nầy đáp ứng tiềm năng Đức Phật đã giảng để hướng dẫn trực tiếp đến thực chứng Niết-bàn.

Mỗi bài tập quán niệm chính được bổ sung bằng một đoạn phụ trợ, một “điệp khúc” với bốn phân đoạn. Phân đoạn thứ nhất cho biết thiền giả quán đề mục bên trong (bên trong kinh nghiệm của chính mình), bên ngoài (suy gẫm như thể xảy ra với kinh nghiệm của người khác), và cả hai. Việc này đảm bảo hành giả có được một cái nhìn cân bằng và đầy đủ về đối tượng. Phân đoạn thứ hai cho biết hành giả quán đề mục vốn được sinh khởi, bị đoạn diệt,  được sinh khởi lẫn bị đoạn diệt. Điều này soi sáng tính chất vô thường, và do đó đưa đến tuệ minh về ba đặc tướng: vô thường, khổ, và vô ngã (anicca, dukkha, anattā). Phân đoạn thứ ba dạy thiền giả đơn thuần ghi nhận đối tượng với mức độ cần thiết cho tri kiến và niệm vững bền. Phân đoạn thứ tư chỉ rõ thiền giả an trú vào trạng thái tâm hoàn toàn xả ly, không dính chấp vào bất cứ việc gì trên đời. 

Trong bài kinh Lập Niệm, quán niệm hơi thở (ānāpānasati ) được đưa vào như chỉ là một đề mục hành thiền trong nhiều đề mục khác, nhưng kinh tạng Nikāya gán cho pháp thiền ấy một vị trí có tầm quan trọng cơ bản. Đức Phật nói Ngài dùng pháp quán niệm hơi thở như là đề mục hành thiền chính để chứng đạt giác ngộ (xem SN 54:8). Trong cuộc đời giảng dạy, thỉnh thoảng Ngài sống ẩn dật và dành trọn thời gian cho việc “định tâm bằng quán niệm hơi thở,” và Ngài đã vinh danh pháp quán đó qua cách gọi đó là “trú xứ của Như Lai (Như Lai trú)” (SN 54:11).

Quán niệm hơi thở là chủ đề của trọn một chương trong Tương ưng bộ (SN 54, Ānāpānasaṃyutta, Tương ưng Hơi thở vô ra). Trong khi kinh Lập Niệm giải thích quán niệm hơi thở qua công thức bốn bước, các bài kinh trong Tương ưng bộ mở rộng thành mười sáu bước. Kinh văn VIII,9, trong Tương ưng Hơi thở vô ra, mô tả mười sáu bước đó. Bởi vì các bước nầy không cần thiết phải tuần tự nhưng có phần trùng lặp, chúng có thể xem như là các khía cạnh chứ không phải là các bước thật sự. Mười sáu bước được gom lại thành bốn nhóm bộ bốn, mỗi bộ tương ứng với một trong bốn cách lập niệm. Bộ bốn đầu tiên là bốn khía cạnh đã đề cập trong kinh Lập Niệm trong đoạn về quán thân, nhưng các bộ bốn kia mở rộng việc thực hành đến quán thọ, quán tâm, và quán pháp. Vì vậy, phát triển quán niệm hơi thở có thể thực hiện không chỉ là một nhưng tất cả bốn sự thiết lập niệm. Bốn nền tảng của niệm, dựa trên quán niệm hơi thở, lần lượt hoàn tất bảy giác chi; và điều nầy đưa đến tuệ tri và giải thoát. Bài giảng nầy cho thấy quán niệm hơi thở là pháp thiền đầy đủ, bắt đầu bằng chú tâm đơn giản vào hơi thở và đưa đến đỉnh điểm của giải thoát vĩnh viễn của tâm.

Cuối cùng, trong Kinh văn VIII,10, Tôn giả Xá-lợi-phất, vị đệ tử hàng đầu của Đức Phật, đã chứng minh sự thành đạt làm chủ được tâm. Khi trả lời các câu hỏi của Tôn giả Ānanda, ngài giải thích như thế nào ngài có thể an trú trọn vẹn một ngày trong mỗi tầng thiền-na và thành tựu vô sắc, cũng như thành tựu đặc biệt trong diệt thọ tưởng định (saññāvedayitanirodha). Trong mỗi trường hợp, vì ngài là một vị A-la-hán, ngài có thể làm như thế mà không dính mắc vào các thành tựu nầy, vì ngài không khởi lên ý nghĩ “tôi là” và “của tôi”.

 

* * *

TRÍCH LỤC

CHƯƠNG VIII – TU TẬP TÂM

1. TÂM LÀ CHÌA KHÓA

1. Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỳ-khưu, lại khó sử dụng, như tâm không được tu tập. Tâm không được tu tập thì khó sử dụng.

2. Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỳ-khưu, lại dễ sử dụng, như tâm được tu tập. Tâm được tu tập thì dễ sử dụng.

3. Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỳ-khưu, lại đưa đến bất lợi lớn, như tâm không được tu tập. Tâm không được tu tập đưa đến bất lợi lớn.

4. Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỳ-khưu, lại đưa đến lợi ích lớn, như tâm được tu tập. Tâm được tu tập đưa đến lợi ích lớn.

9. Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỳ-khưu, đem lại đau khổ, như tâm không được tu tập, không được làm cho sung mãn. Tâm không được tu tập, không được làm cho sung mãn, đem lại đau khổ.

10. Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỳ-khưu, đem lại an lạc, như tâm được tu tập, được làm cho sung mãn. Tâm được tu tập, được làm cho sung mãn, đem lại an lạc.

(AN 1:iii)

 

2. PHÁT TRIỂN ĐÔI KỸ NĂNG

(1) An Chỉ Và Minh Quán

Có hai pháp này, này các tỳ-khưu, thuộc thành phần minh. Thế nào là hai? Chỉ và Quán.

Chỉ được tu tập, sẽ có lợi ích gì? Tâm được tu tập. Tâm được tu tập, sẽ có lợi ích gì? Cái gì thuộc về tham được đoạn tận.

Quán được tu tập, sẽ có lợi ích gì? Tuệ được tu tập. Tuệ được tu tập, sẽ có lợi ích gì? Cái gì thuộc vô minh được đoạn tận.

Bị tham làm uế nhiễm, tâm không thể giải thoát. Bị vô minh làm uế nhiễm, tuệ không được phát triển. Như thế, do ly tham, là tâm giải thoát. Do đoạn vô minh, là tuệ giải thoát.

(AN 2:iii)

 

(2) Bốn Cách Đưa Đến Quả A-la-hán

Một thời, Tôn giả Ānanda sống ở Kosambī, tại khu vườn Ghosita. Tại đấy, Tôn giả Ānanda gọi các tỳ-khưu:

– Thưa các chư hiền giả!

– Thưa vâng, Hiền giả. Các tỳ-khưu ấy vâng đáp Tôn giả.

Tôn giả Ānanda nói như sau:

– Vị tỳ-khưu hay tỳ-khưu-ni nào tuyên bố trước mặt tôi rằng, đã chứng được quả A-la-hán, tất cả các vị ấy đã thực hành một trong bốn phương cách này. Thế nào là bốn?

Ở đây, này chư hiền, vị tỳ-khưu tu tập Quán, có Chỉ đi trước; do vị ấy tu tập Quán có Chỉ đi trước, con đường được sinh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

Lại nữa, này chư hiền, vị tỳ-khưu tu tập Chỉ, có Quán đi trước. Do vị ấy tu tập Chỉ có Quán đi trước, con đường được sinh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

Lại nữa, này chư hiền, vị tỳ-khưu tu tập cả hai Chỉ và Quán gắn liền với nhau. Do vị ấy tu tập cả hai Chỉ và Quán gắn liền với nhau, con đường được sinh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

Lại nữa, này chư hiền, vị tỳ-khưu bị các dao động đối với các pháp được hoàn toàn dứt sạch. Nhưng sẽ đến lúc khi tâm của vị ấy an trú, an tọa, nhất tâm, định tĩnh. Với vị ấy, con đường sinh khởi. Vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn. Do vị ấy thực hành con đường ấy, tu tập, làm cho sung mãn, các kiết sử được đoạn tận, các tùy miên được chấm dứt.

Này chư hiền, vị tỳ-khưu hay tỳ-khưu-ni nào tuyên bố trước mặt tôi rằng, đã chứng được quả A-la-hán, tất cả các vị ấy đã thực hành một trong bốn phương cách này.

(AN 4:170)

 

(3) Bốn Hạng Người

– Này các tỳ-khưu, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các tỳ-khưu, có hạng người chứng được nội tâm an chỉ, không chứng được tăng thượng tuệ pháp quán. Ở đây, này các tỳ-khưu, có hạng người chứng được tăng thượng tuệ pháp quán, không chứng được nội tâm an chỉ. Ở đây, này các tỳ-khưu, có hạng người không chứng được nội tâm an chỉ, không chứng được tăng thượng tuệ pháp quán. Ở đây, này các tỳ-khưu, có hạng người chứng được nội tâm an chỉ, chứng được tăng thượng tuệ pháp quán.

Tại đây, này các tỳ-khưu, có người chứng được nội tâm an chỉ, không chứng được tăng thượng tuệ pháp quán. Vị này sau khi đi đến người chứng được tăng thượng tuệ pháp quán, cần phải hỏi như sau: “Thưa hiền giả, các hành cần phải thấy thế nào, các hành cần phải biết thế nào, các hành cần phải quán thế nào?” Người ấy trả lời cho vị này như đã được thấy, như đã được biết rõ: “Các hành cần phải được thấy như thế này; các hành cần phải được biết như thế này; các hành cần phải quán như thế này.” Vị này sau một thời gian, chứng được cả nội tâm an chỉ lẫn tăng thượng tuệ pháp quán.

Tại đây, này các tỳ-khưu, có người chứng được tăng thượng tuệ pháp quán, không chứng được nội tâm an chỉ. Vị này sau khi đi đến người chứng được nội tâm an chỉ, cần phải hỏi như sau: “Thưa hiền giả, tâm cần phải an lập thế nào? Tâm cần phải an trú thế nào? Tâm cần phải nhất tâm thế nào? Tâm cần phải định tĩnh thế nào?” Người ấy trả lời cho vị này như đã được thấy, như đã được biết rõ: “Tâm cần phải an lập như thế này; tâm cần phải an trú như thế này; tâm cần phải hợp nhất như thế này; tâm cần phải định tĩnh như thế này.” Vị ấy sau một thời gian, chứng được cả tăng thượng tuệ pháp quán lẫn nội tâm an chỉ.

Tại đây, này các tỳ-khưu, có người này không chứng được nội tâm an chỉ, không chứng được tăng thượng tuệ pháp quán. Vị này sau khi đi đến người chứng nội tâm an chỉ, chứng được tăng thượng tuệ pháp quán, người này cần phải hỏi như sau: “Thưa hiền giả, tâm cần phải an lập thế nào? Tâm cần phải an trú thế nào? Tâm cần phải hợp nhất thế nào? Tâm cần phải định tĩnh thế nào? Các hành cần phải thấy thế nào? Các hành cần phải biết thế nào? Các hành cần phải quán thế nào?” Người ấy trả lời cho vị này như đã được thấy, như đã được biết rõ: “Tâm cần phải an lập như thế này; tâm cần phải an trú như thế này; tâm cần phải hợp nhất như thế này; tâm cần phải định tĩnh như thế này. Các hành cần phải thấy như thế này; các hành cần phải biết như thế này; các hành cần phải quán như thế này.” Vị ấy, sau một thời gian chứng được cả nội tâm an chỉ lẫn tăng thượng tuệ pháp quán.

Tại đây, này các tỳ-khưu, có người chứng được nội tâm an chỉ, chứng được tăng thượng tuệ pháp quán. Vị này, sau khi an trú trong các thiện pháp, cần phải tu tập chú tâm vào sự đoạn diệt các lậu hoặc.

(AN 4:94)

3. CÁC TRỞ NGẠI CỦA SỰ PHÁT TRIỂN TÂM

Rồi bà-la-môn Saṅgārava đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, nói với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, vị ấy liền ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, bà-la-môn Saṅgārava thưa với Thế Tôn:

– Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, có khi các chú thuật mà tôi học thuộc lòng lâu ngày lại không nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng? Do nhân gì, do duyên gì, thưa Tôn giả Gotama, có khi các chú thuật mà tôi không học thuộc lòng lâu ngày, lại nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật được học thuộc lòng?

– Này bà-la-môn, khi trú với tâm bị dục tham xâm chiếm, bị dục tham chi phối và không như thật rõ biết sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên; khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; không như thật biết và thấy lợi ích của người; không như thật biết và thấy lợi ích cả hai. Cho nên, các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

Ví như, này bà-la-môn, một bát nước trộn lẫn với thuốc nhuộm gôm lắc, hay màu đỏ tía, hay màu xanh, hay màu vàng. Khi ấy, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, không có thể như thật biết được, thấy được. Cũng vậy, này bà-la-môn, khi trú với tâm bị dục tham xâm chiếm, ... các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

Lại nữa, này bà-la-môn, khi trú với tâm bị sân xâm chiếm, bị sân chi phối, không như thật biết sự xuất ly khỏi sân đã khởi lên; khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; không như thật biết và thấy lợi ích của người; không như thật biết và thấy lợi ích cả hai. Cho nên, các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

Ví như, này bà-la-môn, một bát nước được lửa đun sôi, sôi lên sùng sục, sôi lên cuồn cuộn. Khi ấy, một người có mắt muốn ngắm mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này bà-la-môn, khi trú với tâm bị sân xâm chiếm, ... các chú thuật được học thuộc lòng không thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

Lại nữa, này bà-la-môn, khi trú với tâm bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, bị hôn trầm thụy miên chi phối, không như thật biết sự xuất ly ra khỏi hôn trầm thụy miên đã khởi lên; khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; không như thật biết và thấy lợi ích của người; không như thật biết và thấy lợi ích cả hai. Cho nên, các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

Ví như, này bà-la-môn, một bát nước bị rong rêu che phủ. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm khuôn mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này bà-la-môn, khi trú với tâm bị hôn trầm thụy miên xâm chiếm, ... còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

Lại nữa, này bà-la-môn, khi trú với tâm bị trạo hối xâm chiếm, bị trạo hối chi phối, không như thật biết sự xuất ly khỏi trạo hối đã khởi lên; khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy lợi ích của mình; khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích của người; khi ấy, không như thật biết và thấy lợi ích cả hai. Cho nên, các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

Ví như, này bà-la-môn, một bát nước bị gió thổi, dao động, chấn động, nổi sóng. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm khuôn mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này bà-la-môn, khi trú với tâm bị trạo hối xâm chiếm, ... còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

Lại nữa, này bà-la-môn, trong khi trú với tâm bị nghi hoặc xâm chiếm, bị nghi hoặc chi phối, và không như thật biết sự xuất ly khỏi nghi hoặc đã khởi lên; khi ấy, người ấy không như thật biết và thấy sự lợi ích của mình; khi ấy, không như thật biết và thấy sự lợi ích của người; khi ấy, không như thật biết và thấy sự lợi ích cả hai. Cho nên, các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

Ví như, này bà-la-môn, một bát nước bị khuấy động, khuấy đục, khuấy bùn, đặt trong bóng tối. Ở đây, một người có mắt muốn ngắm khuôn mặt của mình, không thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này bà-la-môn, khi trú với tâm bị nghi hoặc xâm chiếm, ... còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

Ðây là nhân, đây là duyên, này bà-la-môn, có khi các chú thuật được học thuộc lòng lâu ngày lại không thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật không được học thuộc lòng.

Này bà-la-môn, khi trú với tâm không bị dục tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi hoặc xâm chiếm, khi ấy, các chú thuật không được học thuộc lòng lâu ngày lại có thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

Ví như, này bà-la-môn, một bát nước không trộn lẫn với thuốc nhuộm màu, không sôi lên sùng sục, không bị rong rêu che phủ, không bị gió thổi dao động và nổi sóng, trong sáng, tĩnh lặng, tinh khiết, đặt giữa ánh sáng. Khi ấy, một người có mắt muốn ngắm bóng mặt của mình, có thể như thật biết và thấy được. Cũng vậy, này bà-la-môn, khi trú với tâm không bị dục tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi hoặc xâm chiếm, khi ấy, các chú thuật không được học thuộc lòng lâu ngày cũng được nhớ đến, còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

Ðây là nhân, đây là duyên, này bà-la-môn, có khi các chú thuật không được học thuộc lòng lâu ngày lại có thể nhớ đến được, còn nói gì các chú thuật đã được học thuộc lòng.

Khi được nói vậy, bà-la-môn Saṅgārava bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng những gì bị quăng ngã xuống, hay trình bày cái gì bị che kín, hay chỉ đường cho người bị lạc hướng, hay cầm đèn sáng vào bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện thuyết giảng. Chúng con nay xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.

(SN 46:55, giản lược)

4. SỰ TINH LUYỆN TÂM

Này các tỳ-khưu, có những uế nhiễm thô tạp của vàng như bụi, cát, đá, sạn và đá sỏi. Người đãi lọc bụi hay đệ tử của người đã lọc bụi đem đổ vào trong cái máng, rồi rửa sạch qua, rửa sạch lại, rửa sạch thêm nữa.

Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, còn lại những uế nhiễm bậc trung của vàng, như cát đá, sạn tế nhị và các hột cát thô tạp. Người đãi lọc bụi hay đệ tử của người đãi lọc bụi rửa sạch, rửa sạch thêm nữa, rửa sạch hoàn toàn.

Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, còn lại những uế nhiễm tế nhị, như cát mịn và cát bụi đen. Người đãi lọc bụi hay đệ tử của người đãi lọc bụi rửa sạch, rửa sạch thêm nữa, rửa sạch hoàn toàn.

Làm xong như vậy, làm như vậy hoàn tất, chỉ còn lại bụi vàng.

Rồi người thợ vàng hay đệ tử người thợ vàng bỏ bụi vàng ấy vào trong cái lò, rồi thụt ống bệ, thụt ống bệ thêm, thụt ống bệ cho đến khi vàng bắt đầu chảy, nhưng không chảy ra khỏi miệng lò. Vàng ấy được thụt bệ, được thụt bệ thêm nữa, được thụt bệ hơn nữa, nhưng không chảy ra khỏi miệng lò, chưa làm xong, chưa sạch các uế nhiễm, chưa có nhu nhuyễn, chưa có kham nhậm, chưa có sáng chói. Vàng ấy còn có thể bể vụn và chưa có thể được tác thành tốt đẹp.

Có một thời, này các tỳ-khưu, người thợ vàng hay đệ tử người thợ vàng ấy lại thụt bệ, thụt bệ thêm nữa, thụt bệ hơn nữa, cho đến khi vàng chảy ra khỏi lò. Vàng ấy lại được thụt bệ, được thụt bệ thêm nữa, được thụt bệ hơn nữa, cho đến khi vàng ấy chảy ra khỏi lò, được làm xong, được sạch các uế nhiễm, được nhu nhuyễn, được kham nhậm, và được sáng chói. Vàng ấy còn không bị bể vụn và có thể tác thành tốt đẹp. Và loại trang sức nào người ấy muốn, như vàng lá, hay nhẫn, hay vòng cổ, hay dây chuyền, người ấy có thể làm thành như ý muốn.

Cũng vậy, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu tu tập tăng thượng tâm, còn tồn tại các kiết sử thô tạp, thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành. Tỳ-khưu có tư lự, có thông minh, từ bỏ, gột sạch, chấm dứt, không cho sinh khởi lại.

Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, tỳ-khưu tu tập tăng thượng tâm, còn tồn tại các kiết sử thuộc bậc trung, dục tầm, sân tầm, hại tầm. Tỳ-khưu có tư lự, có thông minh, từ bỏ, gột sạch, chấm dứt, không cho sinh khởi .

Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, tỳ kheo tu tập tăng thượng tâm, còn tồn tại các kiết sử tế nhị, như tư tưởng về gia tộc, tư tưởng về quốc độ, tư tuởng không bị khinh rẻ. Tỳ-khưu có tư lự, có thông minh, từ bỏ, gột sạch, chấm dứt không cho chúng sinh khởi.

Làm như vậy xong, làm như vậy hoàn tất, chỉ còn lại các pháp tầm (tư tưởng về pháp).

Ðịnh như vậy không có an tịnh, không có thù thắng, không được khinh an, không đạt đến nhất tâm, nhưng là một trạng thái chế ngự thường xuyên dằn ép. Nhưng đến một thời, này các tỳ-khưu, tâm của vị ấy được nội trú, lắng đứng lại, được nhất tâm, được định tĩnh. Ðịnh ấy được an tịnh, được thù diệu, được khinh an, đạt đến nhất tâm, không phải một trạng thái chế ngự thường xuyên dằn ép, tùy thuộc vào pháp gì tâm người ấy hướng đến để thắng tri, để chứng ngộ; vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy, dù thuộc loại xứ nào.

Nếu vị ấy ước muốn: “Ta sẽ chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân, hiện hình, biến hình, đi ngang qua vách, qua tường, qua núi, như đi ngang hư không, độn thổ, trồi lên ngang qua đất liền, ngồi kiết già đi đến hư không như con chim, với bàn tay chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến cõi phạm thiên;” vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dù thuộc loại xứ nào.

Vị ấy nếu ước muốn: “Với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, ta có thể nghe hai loại tiếng chư thiên và loài người;” vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.

Nếu vị ấy ước muốn: “Mong rằng với tâm của mình có thể biết tâm của các loại chúng sinh khác, tâm của các loài người khác. Tâm có tham biết là tâm có tham. Tâm không tham biết là tâm không tham. Tâm có sân biết là tâm có sân. Tâm không sân biết là tâm không sân. Tâm có si biết là tâm có si. Tâm không si biết là tâm không si. Tâm chuyên chú biết là tâm chuyên chú. Tâm tán loạn biết là tâm tán loạn. Ðại hành tâm biết là đại hành tâm. Không phải đại hành tâm biết là không phải đại hành tâm. Tâm chưa vô thượng biết là tâm chưa vô thượng. Tâm vô thượng biết là tâm vô thượng. Tâm thiền định biết là tâm thiền định. Tâm không thiền định biết là tâm không thiền định.Tâm giải thoát biết là tâm giải thoát. Tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát;” vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dù thuộc loại xứ nào.

Nếu vị ấy ước muốn: “Ta sẽ nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Ta sẽ nhớ rằng: ‘Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sinh tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sinh tại đây;’” vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dù thuộc loại xứ nào.

Nếu vị ấy ước muốn: “Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, ta thấy sự sống và chết của chúng sinh. Ta biết rõ chúng sinh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Các chúng sinh ấy làm những ác nghiệp về thân, ngữ và ý, phỉ báng các bậc thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục, đọa xứ. Các chúng sinh nào làm những thiện hạnh về thân, ngữ và ý, không phỉ báng các bậc thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những vị này, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh lên các cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này. Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, ta có thể thấy sự sống chết của chúng sinh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ;” vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dù thuộc loại xứ nào.

Nếu vị ấy ước muốn: “Do đoạn diệt các lậu hoặc ngay trong hiện tại, với thắng trí, ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát;” vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dù thuộc loại xứ nào.

(AN 3:100)

5. LOẠI TRỪ CÁC Ý TƯỞNG XAO LÃNG

1. Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn trú ở Sāvatthī (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc). Tại đấy, Thế Tôn gọi các tỳ-khưu: “Chư tỳ-khưu.” –“Thưa vâng, bạch Thế Tôn,” các tỳ-khưu ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn thuyết giảng như sau:

2. – Chư tỳ-khưu, tỳ-khưu muốn thực tu tăng thượng tâm cần phải thường thường tác ý năm tướng. Thế nào là năm?

3. (i) Ở đây, tỳ-khưu y cứ tướng nào, tác ý tướng nào, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si sinh khởi, thời này các tỳ-khưu, tỳ-khưu ấy cần phải tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện, không phải tướng kia. Nhờ tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện, không phải tướng kia, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Ví như một người thợ mộc thiện xảo hay đệ tử một người thợ mộc, dùng một cái nêm nhỏ đánh bật ra, đánh tung ra, đánh văng ra một cái nêm khác; cũng vậy, khi một tỳ-khưu y cứ tướng nào, tác ý tướng nào, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si sinh khởi, thời này chư tỳ-khưu, tỳ-khưu ấy cần phải tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện, không phải tướng kia. Nhờ tác ý một tướng khác liên hệ đến thiện, khác với tướng kia, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh.

4. (ii) Nếu tỳ-khưu ấy khi tác ý một tướng khác với tướng kia, liên hệ đến thiện, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si vẫn khởi lên, tỳ-khưu ấy cần phải quán sát các nguy hiểm của những tầm ấy: “Ðây là những tầm bất thiện, đây là những tầm có tội, đây là những tầm có khổ báo.” Nhờ quán sát các nguy hiểm của những tầm ấy, các bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Ví như một người đàn bà hay người đàn ông trẻ tuổi, trong tuổi thanh xuân, tánh ưa trang sức nếu một xác rắn, hay xác chó, hay xác người được quàng vào cổ, người ấy phải lo âu, xấu hổ, ghê tởm. Cũng vậy, nếu tỳ-khưu ấy nhờ quán sát ... nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh.

5. (iii) Nếu tỳ-khưu ấy trong khi quán sát các nguy hiểm của những tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si vẫn khởi lên, tỳ-khưu ấy cần phải không ức niệm, không tác ý những tầm ấy. Nhờ không ức niệm, không tác ý các tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Ví như một người có mắt, không muốn thấy các sắc pháp nằm trong tầm mắt của mình, người ấy nhắm mắt lại hay ngó qua một bên. Cũng vậy, nếu tỳ-khưu ấy, nhờ không ức niệm, không tác ý ... nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh.

6. (iv) Nếu tỳ-khưu ấy trong khi không ức niệm, không tác ý các tầm ấy, các ác, bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si vẫn khởi lên, tỳ-khưu ấy cần phải tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tầm ấy. Nhờ tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tầm ấy, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Ví như một người đang đi mau, suy nghĩ: “Tại sao ta lại đi nhanh? Ta hãy đi chậm lại.” Trong khi đi chậm, người ấy suy nghĩ: “Tại sao ta lại đi chậm? Ta hãy dừng lại.” Trong khi dừng lại, người ấy suy nghĩ: “Tại sao ta lại dừng lại? Ta hãy ngồi xuống.” Trong khi ngồi, người ấy suy nghĩ: “Tại sao ta lại ngồi? Ta hãy nằm xuống.” Như vậy người ấy bỏ dần các cử chỉ thô cứng nhất và làm theo các cử chỉ tế nhị nhất. Cũng vậy, nếu tỳ-khưu ấy nhờ tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tầm ấy ... nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh.

7. (v) Nếu tỳ-khưu ấy trong khi tác ý đến hành tướng các tầm và sự an trú các tầm, các ác, bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si vẫn khởi lên, tỳ-khưu ấy cần phải nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm. Nhờ nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh. Ví như một người lực sĩ nắm lấy đầu một người ốm yếu, hay nắm lấy vai, có thể chế ngự, nhiếp phục, và đánh bại. Cũng vậy, nếu tỳ-khưu ấy nhờ nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm, ... nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh.

8. Chư tỳ-khưu, nếu tỳ-khưu, trong khi y cứ tướng nào, tác ý tướng nào, các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si sinh khởi. tỳ-khưu ấy tác ý một tướng khác, liên hệ đến thiện, khác với tướng kia, các ác, bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được diệt trừ, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh.

Tỳ-khưu ấy, nhờ quán sát sự nguy hiểm các tầm ấy, các ác, bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh.

Tỳ-khưu ấy, nhờ không ức niệm, không tác ý các tầm ấy, các ác, bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh.

Tỳ-khưu ấy, nhờ tác ý hành tướng các tầm và an trú các tầm, các ác, bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh.

Tỳ-khưu ấy, nhờ nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm, các ác, bất thiện tầm liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si được trừ diệt, đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tĩnh.

Tỳ-khưu ấy được gọi là đã an trú trong đạo tầm pháp môn. Vị ấy có thể tác ý đến tầm nào vị ấy muốn, có thể không tác ý đến tầm nào vị ấy không muốn. Vị ấy đã đoạn trừ khát ái, đã giải thoát các kiết sử, khéo chinh phục kiêu mạn, đã chấm dứt khổ đau.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các tỳ-khưu ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

(MN 20: Vitakkasaṇṭhāna Sutta, Kinh An trú tầm)

6. TÂM TỪ

11. Này chư tỳ-khưu, có năm loại ngôn ngữ mà các ông có thể dùng khi nói với các người khác: “Ðúng thời hay phi thời, chân thực hay không chân thực, nhu nhuyễn hay thô bạo, có lợi ích hay không lợi ích, với từ tâm hay với sân tâm.” Khi nói với các người khác, các ông có thể nói đúng thời hay phi thời. Khi nói với các người khác, các ông có thể nói lời chân thực hay nói lời không chân thực. Khi nói với các người khác, các ông có thể nói lời nhu nhuyễn hay nói lời thô bạo. Khi nói với các người khác, các ông có thể nói lời lợi ích hay nói lời không lợi ích. Khi nói với các người khác, các ông có thể nói với từ tâm hay với sân tâm. Chư tỳ-khưu, ở tại đây, các ông cần phải học tập như sau: “Chúng ta sẽ giữ tâm của chúng ta không biến nhiễm, chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ; chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận. Chúng ta sẽ sống biến mãn người này với tâm câu hữu với từ. Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân.” Chư tỳ-khưu, các ông cần phải học tập như vậy.

20. Chư tỳ-khưu, như những kẻ đạo tặc hạ liệt, dùng cưa hai lưỡi mà cưa tay, cưa chân; dù vậy, nếu một ai ở đây khởi ý nhiễm loạn, người ấy do vậy không phải là người thực hành giáo pháp của Ta. Ở đây, chư tỳ-khưu các ông phải học tập như sau: “Chúng ta sẽ giữ tâm của chúng ta không biến nhiễm; chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ; chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận. Chúng ta sẽ sống bao phủ người này với tâm câu hữu với từ. Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân.” Chư tỳ-khưu, các ông cần phải học tập như vậy.

21. Và này chư tỳ-khưu, nếu các ông luôn luôn suy tư lời dạy ví dụ cái cưa này, các ông có thấy loại ngôn ngữ nào, dầu tế nhị hay thô bạo, mà các ông không kham nhẫn được chăng?

– Bạch Thế Tôn, không.

– Chư tỳ-khưu, do vậy, hãy luôn luôn suy tư lời dạy ví như cái cưa này, và các ông sẽ được hạnh phúc an lạc lâu dài.

(MN 21: Kakacūpama Sutta, Kinh Ví dụ cái cưa)

7. SÁU TÙY NIỆM

Một thời, Thế Tôn trú giữa các vị Thích-ca, tại Kapilavatthu, khu vườn Nigrodha. Rồi họ Thích Mahānāma đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, họ Thích Mahānāma bạch Thế Tôn:

– Vị thánh đệ tử này, bạch Thế Tôn, đã đi đến quả, đã liễu giải giáo pháp, đời sống gì vị ấy sống một cách sung mãn?

– Này Mahānāma, thánh đệ tử nào đã đi đến quả, đã liễu giải giáo pháp, với nếp sống này, sống một cách sung mãn. Ở đây, vị thánh đệ tử tùy niệm Như Lai: “Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.” Khi thánh đệ tử tùy niệm Như Lai, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực nhờ dựa vào Như Lai. Một thánh đệ tử, với tâm chánh trực, được nghĩa tín thọ, được pháp tín thọ, được hân hoan liên hệ đến pháp. Người có hân hoan, nên hỷ sinh. Người có hỷ, nên thân được khinh an. Với thân khinh an, vị ấy cảm giác lạc thọ. Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh. Vị thánh đệ tử này, được nói như sau: “Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Phật.”

Lại nữa, này Mahānāma, vị thánh đệ tử tùy niệm Pháp: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được những bậc trí tự mình giác hiểu.” Khi thánh đệ tử tùy niệm Pháp, ... “Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Pháp.”

Lại nữa, này Mahānāma, thánh đệ tử tùy niệm Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Ứng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám vị. Chúng đệ tử Thế Tôn này đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở đời.” Khi Thánh đệ tử tùy niệm chúng Tăng, ... “Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Tăng.”

Lại nữa, này Mahānāma, vị thánh đệ tử tùy niệm các Giới của mình: “Giới không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị vết chấm, không có uế tạp, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến thiền định.” Khi thánh đệ tử tùy niệm Giới, ... “Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Giới.”

Lại nữanày Mahānāma, vị thánh đệ tử tùy niệm Bố Thí của mình: “Thật là được lợi cho ta, thật là khéo được lợi cho ta, vì rằng với quần chúng bị cấu uế xan tham chi phối, ta sống trong gia đình, với tâm không bị cấu uế của xan tham chi phối, bố thí rộng rãi với bàn tay sạch sẽ, ưa thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, ưa thích phân phát vật bố thí.” Khi thánh đệ tử tùy niệm Bố Thí, ... “Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Thí.”

Lại nữa, này Mahānāma, vị thánh đệ tử tu tập tùy niệm Thiên: “Có chư thiên ở nhiều cõi trời khác nhau. Chư thiên ấy có đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới, đầy đủ nghe pháp, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ. Chư thiên ấy sau khi chết ở chỗ này, được sinh tại chỗ kia. Ta cũng có đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới, đầy đủ nghe pháp, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ như thế.” Khi vị ấy niệm tín, giới, nghe pháp, bố thí và trí tuệ của mình và của chư thiên ấy; tâm không bị tham chi phối, ... “Với quần chúng không bình thản, vị ấy sống bình thản. Với quần chúng có não hại, vị ấy sống không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Thiên.”

Này Mahānāma, vị thánh đệ tử nào đã đi đến quả, đã liễu giải giáo pháp, vị ấy sống một cách sung mãn với nếp sống như thế.

(AN 6:10)

8. BỐN PHÁP THIẾT LẬP NIỆM

1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở xứ Kuru (Câu-lâu), Kammāsadhamma (Kiềm-ma Sắt-đàm) là đô thị của xứ Kuru. Rồi Thế Tôn gọi các tỳ-khưu:

– Này các tỳ-khưu.

Các Tỳ-khưu vâng đáp Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn.

2. Thế Tôn thuyết như sau:

– Này các tỳ-khưu, đây là con đường nhất hướng để thanh tịnh hóa chúng sinh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh đạo, chứng ngộ Niết-bàn – đó là bốn pháp lập niệm.

3. Thế nào là bốn? Này các tỳ-khưu, tỳ-khưu sống quán thân như thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm,  chế ngự tham ưu ở đời; sống quán thọ như các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, chế ngự tham ưu ở đời; sống quán tâm như tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, chế ngự tham ưu ở đời; sống quán pháp như các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, chế ngự tham ưu ở đời.

(Quán thân)

[1. Quán hơi thở]

4. Và này các tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu sống quán thân như thân? Ở đây, tỳ-khưu đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi xuống. Sau khi xếp tréo chân, lưng thẳng,  và an trú niệm trước mặt, vị ấy thở vô với ghi nhận rõ ràng, vị ấy thở ra với ghi nhận rõ ràng. Thở vô dài, vị ấy biết rõ: “Tôi thở vô dài;” hay thở ra dài, vị ấy biết rõ: “Tôi thở ra dài;” hay thở vô ngắn, vị ấy biết rõ: “Tôi thở vô ngắn;” hay thở ra ngắn, vị ấy biết rõ: “Tôi thở ra ngắn.” “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô,” vị ấy tập; “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập; “An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở vô,” vị ấy tập; “An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập. Như người thợ quay hay học trò người thợ quay thiện xảo khi quay dài, biết rõ: “Tôi quay dài,” hay khi quay ngắn, biết rõ: “Tôi quay ngắn.” Cũng vậy, tỳ-khưu thở vô dài, biết rõ: “Tôi thở vô dài;” ...  “An tịnh toàn thân, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập.

5. Như vậy, vị ấy sống quán thân như thân bên trong hay sống quán thân như thân bên ngoài; hay sống quán thân như thân bên trong và bên ngoài. Hay vị ấy sống quán tính sinh khởi trong thân; hay sống quán tính diệt tận trong thân; hay sống quán tính sinh và diệt trong thân. Hay nhận thức “có thân đây”được thiết lập nơi vị ấy với mức độ cần thiết để hiểu biết và ghi nhớ đầy đủ. Và vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Này các tỳ-khưu, như vậy là tỳ-khưu sống quán thân trên thân.

[2. Bốn oai nghi]

6. Lại nữa, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu đi, biết rõ: “Tôi đi;” hay đứng, biết rõ: “Tôi đứng;” hay ngồi, biết rõ: “Tôi ngồi;” hay nằm, biết rõ: “Tôi nằm.” Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy biết rõ thân như thế ấy.

7. Như vậy, vị ấy sống quán thân như thân bên trong hay sống quán thân như thân bên ngoài; hay sống quán thân như thân bên trong và bên ngoài ... Và vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Này các tỳ-khưu, như vậy là tỳ-khưu sống quán thân trên thân.

[3. Hiểu biết rõ ràng]

8. Lại nữa, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu khi bước tới bước lui, biết rõ việc mình đang làm; khi nhìn tới nhìn lui, biết rõ việc mình đang làm; khi co tay, khi duỗi tay, biết rõ việc mình đang làm; khi mang áo Sanghati (Tăng-già-lê), mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm; khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm; khi đại tiện, tiểu tiện, biết rõ việc mình đang làm; khi đi, đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng, biết rõ việc mình đang làm.

9. Như vậy, vị ấy sống quán thân như thân bên trong hay sống quán thân như thân bên ngoài; hay sống quán thân như thân bên trong và bên ngoài ... Và vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Này các tỳ-khưu, như vậy là tỳ-khưu sống quán thân trên thân.

[4. Thân bất tịnh]

10.Lại nữa, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu quán sát thân này, từ bàn chân trở lên, từ đỉnh tóc trở xuống, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt. Trong thân này: “Ðây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu.” Cũng như một bao chứa, hai đầu trống đựng đầy các loại hột như gạo, lúa, đậu xanh, đậu lớn, mè, gạo đã xay rồi. Một người có mắt, đổ các hột ấy ra và quán sát: “Ðây là hột gạo, đây là hột lúa, đây là đậu xanh, đây là đậu lớn, đây là mè, đây là hột lúa đã xay rồi.” Cũng vậy, tỳ-khưu quán sát thân này ... chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt. Trong thân này: “Ðây là tóc, lông, ... nước tiểu.”

11. Như vậy, vị ấy sống quán thân như thân bên trong hay sống quán thân như thân bên ngoài; hay sống quán thân như thân bên trong và bên ngoài ... Và vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Này các tỳ-khưu, như vậy là tỳ-khưu sống quán thân trên thân.

[5. Bốn đại]

12. Lại nữa, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu quán sát thân này, ở bất cứ vị trí hay oai nghi nào, chỉ gồm có các phần tử: “Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại.” Như một người đồ tể thiện xảo, hay đệ tử của một người đổ tể, giết một con bò, ngồi cắt chia từng phần tại ngã tư đường. Cũng vậy, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu quán sát thân này, ở bất cứ vị trí hay oai nghi nào, chỉ gồm có các phần tử: “Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại.”

13. Như vậy, vị ấy sống quán thân như thân bên trong hay sống quán thân như thân bên ngoài; hay sống quán thân như thân bên trong và bên ngoài ... Và vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Này các tỳ-khưu, như vậy là tỳ-khưu sống quán thân trên thân.

[6-14. Chín pháp quán tử thi]

14. Lại nữa, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa một ngày, hai ngày, ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối ra, tỳ-khưu quán thân ấy như sau: “Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy.”

15. Như vậy, vị ấy sống quán thân như thân bên trong hay sống quán thân như thân bên ngoài; hay sống quán thân như thân bên trong và bên ngoài ... Và vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Này các tỳ-khưu, như vậy là tỳ-khưu sống quán thân trên thân.

16. Lại nữa, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, bị các loài quạ ăn, hay bị các loài diều hâu ăn, hay bị các chim kên ăn, hay bị các loài chó ăn, hay bị các loài giả can ăn, hay bị các loài côn trùng ăn, tỳ-khưu quán thân ấy như sau: “Thân này tánh chất là như vậy, bản chất là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy.”

17. Như vậy, vị ấy sống quán thân như thân bên trong hay sống quán thân như thân bên ngoài; hay sống quán thân như thân bên trong và bên ngoài ... Và vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Này các tỳ-khưu, như vậy là tỳ-khưu sống quán thân trên thân.

18-24. Này các tỳ-khưu, lại nữa, tỳ-khưu như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, với các bộ xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại ... với các bộ xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt nhưng còn dính máu, còn được các đường gân cột lại ... với các bộ xương không còn dính thịt, dính máu, còn được các đường gân cột lại, chỉ còn có xương không dính lại với nhau, rải rác chỗ này chỗ kia. Ở đây là xương tay, ở đây là xương chân, ở đây là xương ống, ở đây là xương bắp vế, ở đây là xương mông, ở đây là xương sống, ở đây là xương đầu, tỳ-khưu quán thân ấy như sau: “Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy.”

25. Như vậy, vị ấy sống quán thân như thân bên trong hay sống quán thân như thân bên ngoài; hay sống quán thân như thân bên trong và bên ngoài ... Và vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Này các tỳ-khưu, như vậy là tỳ-khưu sống quán thân trên thân.

26-30. Lại nữa này các tỳ-khưu, tỳ-khưu như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn toàn xương trắng màu vỏ ốc ... chỉ còn một đống xương lâu hơn ba năm ... chỉ còn là xương thối trở thành bột, tỳ-khưu quán thân ấy như sau: “Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy.”

31. Như vậy, vị ấy sống quán thân như thân bên trong hay sống quán thân như thân bên ngoài; hay sống quán thân như thân bên trong và bên ngoài ... Và vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Này các tỳ-khưu, như vậy là tỳ-khưu sống quán thân trên thân.

(Quán thọ)

32. Này các tỳ-khưu, như thế nào là tỳ-khưu sống quán thọ như các thọ? Ở đây tỳ-khưu khi cảm giác lạc thọ, biết rõ: “Tôi cảm giác lạc thọ;” khi cảm giác khổ thọ, biết rõ: “Tôi cảm giác khổ thọ;” khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ, biết rõ: “Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ.” Hay khi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất, biết rõ: “Tôi cảm giác lạc thọ thuộc vật chất;” hay khi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất, biết rõ: “Tôi cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất.” Hay khi cảm giác khổ thọ thuộc vật chất, biết rõ: “Tôi cảm giác khổ thọ thuộc vật chất;” hay khi cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất, biết rõ: “Tôi cảm giác khổ thọ không thuộc vật chất.” Hay khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất, biết rõ: “Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ thuộc vật chất;” hay khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất, biết rõ: “Tôi cảm giác bất khổ bất lạc thọ không thuộc vật chất.”

33. Như vậy, vị ấy sống quán thọ như các thọ bên trong; hay sống quán thọ như các thọ bên ngoài; hay sống quán thọ như các thọ bên trong và bên ngoài. Hay vị ấy sống quán tính sinh khởi trong các thọ, hay sống quán tính diệt tận trong các thọ; hay sống quán tánh sinh và diệt trong các thọ. Hay nhận thức “có cảm thọ đây”được thiết lập nơi vị ấy với mức độ cần thiết để hiểu biết và ghi nhớ đầy đủ. Và vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Này các tỳ-khưu, như vậy là tỳ-khưu sống quán thọ như các thọ.

(Quán tâm)

34. Này các tỳ-khưu, như thế nào là tỳ-khưu sống quán tâm như tâm? Ở đây, tỳ-khưu với tâm có tham, biết rõ: “Tâm có tham;” hay với tâm không tham, biết rõ: “Tâm không tham.” Hay với tâm có sân, biết rõ: “Tâm có sân;” hay với tâm không sân, biết rõ: “Tâm không sân.” Hay với tâm có si, biết rõ: “Tâm có si;” hay với tâm không si, biết rõ: “Tâm không si.” Hay với tâm thâu nhiếp, biết rõ: “Tâm được thâu nhiếp.” Hay với tâm tán loạn, biết rõ: “Tâm bị tán loạn.” Hay với tâm quảng đại, biết rõ: “Tâm được quảng đại;” hay với tâm không quảng đại, biết rõ: “Tâm không được quảng đại.” Hay với tâm hữu hạn, biết rõ: “Tâm hữu hạn.” Hay với tâm vô thượng, biết rõ: “Tâm vô thượng.” Hay với tâm có định, biết rõ: “Tâm có định;” hay với tâm không định, biết rõ: “Tâm không định.” Hay với tâm giải thoát, biết rõ: “Tâm có giải thoát;” hay với tâm không giải thoát, biết rõ: “Tâm không giải thoát.”

35. Như vậy vị ấy sống quán tâm như tâm bên trong; hay sống quán tâm như tâm bên ngoài; hay sống quán tâm như tâm bên trong và bên ngoài. Hay sống quán tính sinh khởi trong tâm; hay sống quán tính diệt tận trong tâm; hay sống quán tánh sinh và diệt trong tâm. Hay nhận thức “có tâm đây”được thiết lập nơi vị ấy với mức độ cần thiết để hiểu biết và ghi nhớ đầy đủ. Và vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Này các tỳ-khưu, như vậy là tỳ-khưu sống quán tâm như tâm.

(Quán pháp)

[1. Năm triền cái]

36. Này các tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu sống quán pháp trên các pháp? Ở đây, tỳ-khưu sống quán pháp như các pháp đối với năm triền cái. Và này các tỳ-khưu, thế nào là tỳ-khưu sống quán pháp như các pháp đối với năm triền cái? Này các tỳ-khưu, ở đây, tỳ-khưu trong tâm có ái dục, biết rõ: “Trong tâm tôi có ái dục;” hay trong tâm không có ái dục, biết rõ: “Trong tâm tôi không có ái dục.” Và với ái dục chưa sinh nay sinh khởi, vị ấy biết rõ như vậy; và với ái dục đã sinh nay được đoạn diệt, vị ấy biết rõ như vậy; và với ái dục đã được đoạn diệt, tương lai không sinh khởi nữa, vị ấy biết rõ như vậy.

Hay trong tâm có sân hận ... Hay trong tâm có hôn trầm thụy miên ... Hay trong tâm có trạo hối ... Hay trong tâm có nghi, biết rõ: “Trong tâm tôi có nghi;” hay trong tâm không có nghi, biết rõ: “Trong tâm tôi không có nghi.” Và với nghi chưa sinh nay sinh khởi, vị ấy biết rõ như vậy; và với nghi đã sinh nay được đoạn diệt, vị ấy biết rõ như vậy; và với nghi đã được đoạn diệt, tương lai không sinh khởi nữa, vị ấy biết rõ như vậy.

37. Như vậy vị ấy sống quán pháp như các pháp bên trong; hay sống quán pháp như các pháp bên ngoài; hay sống quán pháp như các pháp bên trong và bên ngoài. Hay vị ấy sống quán tính sinh khởi trong các pháp; hay sống quán tính diệt tận trong các pháp; hay sống quán tánh sinh và diệt trong các pháp. Hay nhận thức “có pháp đây”được thiết lập nơi vị ấy với mức độ cần thiết để hiểu biết và ghi nhớ đầy đủ. Và vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Này các tỳ-khưu, như vậy là tỳ-khưu sống quán pháp như các pháp đối với năm triền cái.

[2. Năm uẩn]

38. Lại nữa, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu sống quán pháp như các pháp đối với năm thủ uẩn. Và thế nào là tỳ-khưu sống quán pháp như các pháp đối với năm thủ uẩn? Ở đây, tỳ-khưu suy tư: “Ðây là sắc, đây là sắc tập, đây là sắc diệt. Ðây là thọ, đây là thọ tập, đây là thọ diệt. Ðây là tưởng, đây là tưởng tập; đây là tưởng diệt. Ðây là hành, đây là hành tập, đây là hành diệt. Ðây là thức, đây là thức tập, đây là thức diệt.”

39. Như vậy vị ấy sống quán pháp như các pháp bên trong; hay sống quán pháp như các pháp bên ngoài; hay sống quán pháp như các pháp bên trong và bên ngoài. Hay vị ấy sống quán tính sinh khởi trong các pháp; hay sống quán tính diệt tận trong các pháp; hay sống quán tánh sinh và diệt trong các pháp. Hay nhận thức “có pháp đây”được thiết lập nơi vị ấy với mức độ cần thiết để hiểu biết và ghi nhớ đầy đủ. Và vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Này các tỳ-khưu, như vậy là tỳ-khưu sống quán pháp như các pháp đối với năm uẩn.

[3. Sáu xứ]

40. Lại nữa, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu sống quán pháp như các pháp đối với sáu nội xứ và ngoại xứ. Và thế nào là tỳ-khưu sống quán pháp như các pháp đối với sáu nội xứ và ngoại xứ? Ở đây, tỳ-khưu biết rõ con mắt và biết rõ các sắc, do duyên hai pháp này, kiết sử sinh khởi, vị ấy biết rõ như vậy; và với kiết sử chưa sinh nay sinh khởi, vị ấy biết rõ như vậy; và với kiết sử đã sinh nay được đoạn diệt, vị ấy biết rõ như vậy; và với kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sinh khởi nữa, vị ấy biết rõ như vậy.

Tỳ-khưu biết rõ tai và biết rõ các tiếng ... biết rõ mũi và biết rõ các hương ... biết rõ lưỡi và biết rõ các vị ... biết rõ thân và biết rõ các xúc, biết rõ ý và biết rõ các pháp; do duyên hai pháp này, kiết sử sinh khởi, vị ấy biết rõ như vậy; và với kiết sử chưa sinh nay sinh khởi, vị ấy biết rõ như vậy; và với kiết sử đã sinh nay được đoạn diệt, vị ấy biết rõ như vậy; và với kiết sử đã được đoạn diệt, tương lai không sinh khởi nữa, vị ấy biết rõ như vậy.

41. Như vậy vị ấy sống quán pháp như các pháp bên trong; hay sống quán pháp như các pháp bên ngoài; hay sống quán pháp như các pháp bên trong và bên ngoài. Hay vị ấy sống quán tính sinh khởi trong các pháp; hay sống quán tính diệt tận trong các pháp; hay sống quán tánh sinh và diệt trong các pháp. Hay nhận thức “có pháp đây”được thiết lập nơi vị ấy với mức độ cần thiết để hiểu biết và ghi nhớ đầy đủ. Và vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Này các tỳ-khưu, như vậy là tỳ-khưu sống quán pháp như các pháp đối với sáu nội xứ và ngoại xứ.

[4. Bảy giác chi]

42. Lại nữa, này các tỳ-khưu, tỳ-khưu sống quán pháp như các pháp đối với bảy giác chi. Và thế nào là tỳ-khưu sống quán pháp như các pháp đối với bảy giác chi? Ở đây, tỳ-khưu trong tâm có niệm giác chi, biết rõ: “Trong tâm tôi có niệm giác chi;” hay trong tâm không có niệm giác chi, biết rõ: “Trong tâm tôi không có niệm giác chi.” Và với niệm giác chi chưa sinh nay sinh khởi, vị ấy biết rõ như vậy; và với niệm giác chi đã sinh, nay được tu tập viên thành, vị ấy biết rõ như vậy.

Hay yỳ-khưu trong tâm có trạch pháp giác chi ... có tinh tấn giác chi ... có hỷ giác chi ... có khinh an giác chi ... có định giác chi ... có xả giác chi, biết rõ: “Trong tâm tôi có xả giác chi;” hay trong tâm không có xả giác chi, biết rõ: “Trong tâm tôi không có xả giác chi.” Và với xả giác chi chưa sinh nay sinh khởi, vị ấy biết rõ như vậy; và với xả giác chi đã sinh nay được tu tập viên thành, vị ấy biết rõ như vậy.

43. Như vậy vị ấy sống quán pháp như các pháp bên trong; hay sống quán pháp như các pháp bên ngoài; hay sống quán pháp như các pháp bên trong và bên ngoài. Hay vị ấy sống quán tính sinh khởi trong các pháp; hay sống quán tính diệt tận trong các pháp; hay sống quán tánh sinh và diệt trong các pháp. Hay nhận thức “có pháp đây”được thiết lập nơi vị ấy với mức độ cần thiết để hiểu biết và ghi nhớ đầy đủ. Và vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Này các tỳ-khưu, như vậy là tỳ-khưu sống quán pháp như các pháp đối với bảy giác chi.

[5. Bốn Thánh Đế]

44. Lại nữa, này các tỳ-khưu, vị ấy sống quán pháp như các pháp đối với Bốn Thánh đế. Và thế nào là tỳ-khưu sống quán pháp như các pháp đối với Bốn Thánh đế? Ở đây, tỳ-khưu như thật biết rõ: “Ðây là Khổ;” như thật biết rõ: “Ðây là Khổ tập;” như thật biết rõ: “Ðây là Khổ diệt;” như thật biết rõ: “Ðây là Con đường đưa đến Khổ diệt.”

45. Như vậy vị ấy sống quán pháp như các pháp bên trong; hay sống quán pháp như các pháp bên ngoài; hay sống quán pháp như các pháp bên trong và bên ngoài. Hay vị ấy sống quán tính sinh khởi trong các pháp; hay sống quán tính diệt tận trong các pháp; hay sống quán tánh sinh và diệt trong các pháp. Hay nhận thức “có pháp đây”được thiết lập nơi vị ấy với mức độ cần thiết để hiểu biết và ghi nhớ đầy đủ. Và vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Này các tỳ-khưu, như vậy là tỳ-khưu sống quán pháp như các pháp đối với Bốn Thánh Đế.

(Kết luận)

46. Này các tỳ-khưu, vị nào tu tập bốn pháp lập niệm này như vậy trong bảy năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.

Này các tỳ-khưu, không cần gì đến bảy năm, một vị nào tu tập bốn pháp lập niệm này như vậy trong sáu năm, ... trong năm năm, ... trong bốn năm, ... trong ba năm, ... trong hai năm, ... trong một năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.

Này các tỳ-khưu, không cần gì đến một năm, một vị nào tu tập bốn pháp lập niệm này như vậy trong bảy tháng, ... trong sáu tháng, ... trong năm tháng, ... trong bốn tháng, ... trong ba tháng, ... trong hai tháng, ... trong một tháng, ... trong nửa tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.

Này các tỳ-khưu, không cần gì nửa tháng, một vị nào tu tập bốn pháp lập niệm này như vậy trong bảy ngày, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay  nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn.

46. Này các tỳ-khưu, đây là con đường nhất hướng để thanh tịnh hóa chúng sinh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh đạo, chứng ngộ Niết-bàn – đó là bốn pháp lập niệm.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các tỳ-khưu ấy hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

(MN 10: Satipaṭṭāna Sutta, Kinh Niệm xứ)

9. QUÁN NIỆM HƠI THỞ

Tại Sāvatthī. Tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Ngài, rồi ngồi xuống một bên, tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, có một pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bốn pháp? Bốn pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bảy pháp? Bảy pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn hai pháp?

– Này Ānanda, có một pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bốn pháp. Bốn pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bảy pháp. Bảy pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn hai pháp.

– Một pháp ấy là gì, bạch Thế Tôn, được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bốn pháp? Bốn pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bảy pháp? Bảy pháp được tu tập được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn hai pháp?

– Này Ānanda, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bốn pháp lập niệm. Bốn pháp lập niệm được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn bảy giác chi. Bảy giác chi được tu tập, được làm cho sung mãn, làm cho viên mãn minh và giải thoát.

[i. Thực hiện bốn pháp lập niệm]

Ðịnh niệm hơi thở vô, hơi thở ra tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, làm cho viên mãn bốn pháp lập niệm?

Ở đây, này Ānanda, tỳ-khưu đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi xuống. Sau khi xếp tréo chân, lưng thẳng, và an trú niệm trước mặt, vị ấy thở vô với ghi nhận rõ ràng, vị ấy thở ra với ghi nhận rõ ràng.

Thở vô dài, vị ấy biết rõ: “Tôi thở vô dài.” Hay thở ra dài, vị ấy biết rõ: “Tôi thở ra dài.” Hay thở vô ngắn, vị ấy biết rõ: “Tôi thở vô ngắn.” Hay thở ra ngắn, vị ấy biết rõ: “Tôi thở ra ngắn.” “Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở vô,” vị ấy tập. “Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô,” vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập.

“Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô,” vị ấy tập. “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô,” vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập. “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô,” vị ấy tập. “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập. “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô,” vị ấy tập. “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập.

“Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô,” vị ấy tập. “Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập. “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô,” vị ấy tập. “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập. “Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô,” vị ấy tập. “Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô,” vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập.

“Quán vô thường, tôi sẽ thở vô,” vị ấy tập. “Quán vô thường, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập. “Quán ly tham, tôi sẽ thở vô,” vị ấy tập. “Quán ly tham, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập. “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô,” vị ấy tập. “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô,” vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập.

Khi nào, này Ānanda, tỳ-khưu thở vô dài, vị ấy biết rõ: “Tôi thở vô dài.” ... “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập; khi ấy, tỳ-khưu sống quán thân như thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, chế ngự tham ưu ở đời. Vì cớ sao? Này Ānanda, Ta gọi đây là một loại thân, tức là thở vô thở ra. Do vậy, này Ānanda, khi ấy, tỳ-khưu quán thân như thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, chế ngự tham ưu ở đời.

Khi nào, này Ānanda, tỳ-khưu thực hành: “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô,” vị ấy tập ... “An tịnh tâm hành tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập; khi ấy, tỳ-khưu sống quán thọ như các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, chế ngự tham ưu ở đời. Vì cớ sao? Này Ānanda, Ta gọi đây là một loại cảm thọ, tức là thở vô thở ra. Do vậy, này Ānanda, khi ấy, tỳ-khưu quán thọ như các cảm thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, chế ngự tham ưu ở đời.

Khi nào, này Ānanda, tỳ-khưu thực hành: “Cảm giác tâm, tôi sẽ thở vô,” vị ấy tập ... “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập; khi ấy, tỳ-khưu sống quán tâm như tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, chế ngự tham ưu ở đời. Vì cớ sao? sự tu tập định niệm hơi thở không thể đến với kẻ thất niệm, không có tỉnh giác. Do vậy, này Ānanda, khi ấy, tỳ-khưu quán tâm như tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, chế ngự tham ưu ở đời.

Khi nào này Ānanda, tỳ-khưu thực hành: “Quán vô thường, tôi sẽ thở vô,” ... “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập; khi ấy, tỳ-khưu sống quán pháp như các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, chế ngự tham ưu ở đời. Vị ấy, do đoạn trừ tham ưu, sau khi thấy với trí tuệ, khéo nhìn sự vật với niệm xả ly. Do vậy, này Ānanda, khi ấy, tỳ-khưu quán pháp như các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm, chế ngự tham ưu ở đời.

Định niệm hơi thở, này Ānanda, được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho bốn pháp lập niệm được viên mãn.

[ii. Làm viên mãn bảy giác chi]

Tu tập như thế nào, này Ānanda, làm cho sung mãn như thế nào, bốn pháp lập niệm làm cho viên mãn bảy giác chi?

Trong khi, này Ānanda, tỳ-khưu sống quán thân như thân, niệm được an trú; khi ấy, tỳ-khưu có niệm, không phải thất niệm. Này Ānanda, khi tỳ-khưu an trú niệm, không phải thất niệm, thì niệm giác chi, đối với tỳ-khưu ấy, được thành tựu. Khi tỳ-khưu tu tập niệm giác chi, niệm giác chi được tu tập đi đến viên mãn. Vị ấy trú niệm như vậy, với trí tuệ quyết trạch, tư sát, thành tựu quán pháp ấy.

Trong khi, này Ānanda, tỳ-khưu sống niệm như vậy, với trí tuệ quyết trạch, tư sát và đi đến quán sát ấy; khi ấy, trạch pháp giác chi bắt đầu phát khởi trong tỳ-khưu ấy. Khi tỳ-khưu tu tập trạch pháp giác chi; khi ấy, nhờ tu tập, trạch pháp giác chi đi đến viên mãn. Khi vị ấy với trí tuệ, quyết trạch, tư sát và thành tựu quán sát pháp ấy, thời tinh tấn, không thụ động bắt đầu phát khởi nơi vị ấy.

Trong khi, này Ānanda, tỳ-khưu với trí tuệ quyết trạch, tư sát và thành tựu quán sát pháp ấy, thì tinh tấn, không thụ động phát khởi trong tỳ-khưu ấy. Khi tỳ-khưu tu tập tinh tấn giác chi; khi ấy, nhờ tu tập, tinh tấn giác chi đi đến viên mãn. Với vị có tinh cần, có tinh tấn, hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên.

Trong khi, này Ānanda, tỳ-khưu tinh cần, tinh tấn, hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên; khi ấy, hỷ giác chi bắt đầu phát khởi trong tỳ-khưu ấy. Khi tỳ-khưu tu tập hỷ giác chi; khi ấy, nhờ tu tập, hỷ giác chi đi đến viên mãn. Với vị có tâm hoan hỷ, thân được khinh an, tâm được khinh an.

Trong khi, này Ānanda, tỳ-khưu với tâm hoan hỷ, thân được khinh an, tâm được khinh an; khi ấy, khinh an giác chi bắt đầu phát khởi trong tỳ-khưu ấy. Khi tỳ-khưu tu tập khinh an giác chi; khi ấy, nhờ tu tập, khinh an giác chi đi đến viên mãn. Với vị có thân khinh an, lạc hiện hữu. Với vị có lạc, tâm được định tĩnh.

Trong khi, này Ānanda, tỳ-khưu có tâm khinh an, được an lạc, tâm được định tĩnh; khi ấy, định giác chi bắt đầu phát khởi trong tỳ-khưu ấy. Trong khi, tỳ-khưu tu tập định giác chi; khi ấy, định giác chi, nhờ tu tập, đi đến viên mãn. Vị ấy với tâm định tĩnh như vậy, khéo trú xả nhìn sự vật.

Trong khi, này Ānanda, tỳ-khưu với tâm định tĩnh khéo trú xả nhìn sự vật như vậy; khi ấy, xả giác chi bắt đầu phát khởi trong tỳ-khưu ấy. Khi Tỳ-khưu tu tập xả giác chi; khi ấy, xả giác chi, nhờ tu tập, đi đến viên mãn.

Trong khi, này Ānanda, tỳ-khưu trú, quán thọ như các cảm thọ ... quán tâm như tâm ... quán pháp như các pháp ...

Trong khi, này Ānanda, tỳ-khưu với tâm định tĩnh khéo trú xả nhìn sự vật như vậy; khi ấy, xả giác chi bắt đầu phát khởi trong tỳ-khưu ấy. Khi Tỳ-khưu tu tập xả giác chi; khi ấy, xả giác chi, nhờ tu tập, đi đến viên mãn.

Tu tập như vậy, này Ānanda, làm cho sung mãn như vậy, bốn pháp lập niệm làm viên mãn bảy giác chi.

[iii. Làm viên mãn minh và giải thoát]

Tu tập như thế nào, này Ānanda, làm cho sung mãn như thế nào, bảy giác chi làm viên mãn minh và giải thoát?

Ở đây, này Ānanda, tỳ-khưu tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ; tu tập trạch pháp giác chi ...; tu tập tinh tấn giác chi ...; tu tập hỷ giác chi ...; tu tập khinh an giác chi ...; tu tập định giác chi ...; tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ.

Tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, bảy giác chi làm viên mãn minh và giải thoát.

(SN 54:13)

10. THÀNH TỰU TINH THÔNG

Một thời Tôn giả Sāriputta trú ở Sāvatthī (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc). Rồi Tôn giả Sāriputta, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Sāvatthī để khất thực. Ði khất thực xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực về, Tôn giả đi đến Andhavana để nghỉ trưa. Sau khi đi vào rừng Andha, Tôn giả đến ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây.

Rồi Tôn giả Sāriputta, vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy, đi đến Jetavana, vườn ông Anāthapiṇḍika. Tôn giả Ānanda thấy Tôn giả Sāriputta từ xa đi đến; sau khi thấy, liền nói với Tôn giả Sāriputta:

– Hiền giả Sāriputta, các căn của hiền giả lắng dịu, sắc mặt được thanh tịnh, trong sáng. Hôm nay, hiền giả an trú với sự an trú nào?

– Ở đây, này hiền giả, ly dục, ly pháp bất thiện, tôi chứng đạt và an trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sinh, có tầm, có tứ. Này hiền giả, tôi không khởi lên ý nghĩ: “Tôi đang chứng nhập thiền thứ nhất,” hay "Tôi đã chứng nhập thiền thứ nhất,” hay "Tôi đã ra khỏi thiền thứ nhất.”

– Như vậy chắc chắn hiền giả trong một thời gian dài, đã khéo nhổ tận gốc các tùy miên ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn. Do vậy, hiền giả không khởi lên những ý nghĩ đó.

[Trong một dịp khác, Tôn giả Sāriputta nói:]

– Ở đây, này hiền giả, làm cho lắng dịu tầm và tứ, tôi chứng đạt và an trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sinh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tôi không có khởi lên ý nghĩ: “Tôi đang chứng nhập thiền thứ hai,” hay "Tôi đã chứng nhập thiền thứ hai,” hay "Tôi đã ra khỏi thiền thứ hai.”

– Như vậy chắc chắn hiền giả trong một thời gian dài, đã khéo nhổ tận gốc các tùy miên ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn. Do vậy, hiền giả không khởi lên những ý nghĩ đó.

[Trong một dịp khác, Tôn giả Sāriputta nói:]

– Ở đây, này hiền giả, ly hỷ và trú xả, niệm và tỉnh giác, thân cảm lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là: “Xả niệm lạc trú,” tôi chứng đạt và an trú thiền thứ ba. Này hiền giả, tôi không khởi lên ý nghĩ: “Tôi đang chứng nhập thiền thứ ba,” hay "Tôi đã chứng nhập thiền thứ ba,” hay "Tôi đã ra khỏi thiền thứ ba.”

– Như vậy chắc chắn hiền giả trong một thời gian dài, đã khéo nhổ tận gốc các tùy miên ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn. Do vậy, hiền giả không khởi lên những ý nghĩ đó.

[Trong một dịp khác, Tôn giả Sāriputta nói:]

– Ở đây, này hiền giả, xả lạc và xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, tôi chứng đạt và an trú thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này hiền giả, tôi không khởi lên ý nghĩ: “Tôi đang chứng nhập thiền thứ tư,” hay "Tôi đã chứng nhập thiền thứ tư,” hay "Tôi đã ra khỏi thiền thứ tư.”

– Như vậy chắc chắn hiền giả trong một thời gian dài, đã khéo nhổ tận gốc các tùy miên ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn. Do vậy, hiền giả không khởi lên những ý nghĩ đó.

[Trong một dịp khác, Tôn giả Sāriputta nói:]

– Ở đây, này hiền giả, vượt lên hoàn toàn sắc tưởng, đoạn diệt hữu đối tưởng, không tác ý các dị tưởng, với ý nghĩ: “Hư không là vô biên,” tôi chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Này hiền giả, tôi không khởi lên ý nghĩ: “Tôi đang chứng nhập Không vô biên xứ,” hay "Tôi đã chứng nhập Không vô biên xứ,” hay "Tôi đã ra khỏi Không vô biên xứ.”

– Như vậy chắc chắn hiền giả trong một thời gian dài, đã khéo nhổ tận gốc các tùy miên ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn. Do vậy, hiền giả không khởi lên những ý nghĩ đó.

[Trong một dịp khác, Tôn giả Sāriputta nói:]

– Ở đây, này hiền giả, vượt qua hoàn toàn Không vô biên xứ, với ý nghĩ: “Thức là vô biên,” tôi chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ. Này hiền giả, tôi không khởi lên ý nghĩ: “Tôi đang chứng nhập Thức vô biên xứ,” hay "Tôi đã chứng nhập Thức vô biên xứ,” hay "Tôi đã ra khỏi Thức vô biên xứ.”

[Trong một dịp khác, Tôn giả Sāriputta nói:]

– Ở đây, này hiền giả, vượt qua hoàn toàn Thức vô biên xứ, với ý nghĩ: “Không có vật gì,” tôi chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Này hiền giả, tôi không khởi lên ý nghĩ: “Tôi đang chứng nhập Vô sở hữu xứ,” hay "Tôi đã chứng nhập Vô sở hữu xứ,” hay "Tôi đã ra khỏi Vô sở hữu xứ.”

– Như vậy chắc chắn hiền giả trong một thời gian dài, đã khéo nhổ tận gốc các tùy miên ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn. Do vậy, hiền giả không khởi lên những ý nghĩ đó.

[Trong một dịp khác, Tôn giả Sāriputta nói:]

– Ở đây, này hiền giả, vượt qua hoàn toàn Vô sở hữu xứ, tôi chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Này hiền giả, tôi không khởi lên ý nghĩ: “Tôi đang chứng nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ,” hay "Tôi đã chứng nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ,” hay "Tôi đã ra khỏi Phi tưởng phi phi tưởng xứ.”

– Như vậy chắc chắn hiền giả trong một thời gian dài, đã khéo nhổ tận gốc các tùy miên ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn. Do vậy, hiền giả không khởi lên những ý nghĩ đó.

[Trong một dịp khác, Tôn giả Sāriputta nói:]

– Ở đây, này hiền giả, vượt qua hoàn toàn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tôi chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định. Nhưng này hiền giả, tôi không khởi lên ý nghĩ: “Tôi đang chứng nhập Diệt thọ tưởng định,” hay " Tôi đã chứng nhập Diệt thọ tưởng định,” hay "Tôi đã ra khỏi Diệt thọ tưởng định.”

– Như vậy chắc chắn hiền giả trong một thời gian dài, đã khéo nhổ tận gốc các tùy miên ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn. Do vậy, hiền giả không khởi lên những ý nghĩ đó.

(SN 28:1-9)

* * *

Nguồn:

1)     In the Buddha’s Words - An Anthology of Discourses from the Pali Canon, Bhikkhu Bodhi, 512 pages, US$18.95. ISBN 9780861714919
  http://www.wisdompubs.org/book/buddha%E2%80%99s-words  
   http://www.bookdepository.com/Buddhas-Words-Bhikkhu-Bodhi/9780861714919

2)     E-book: http://budsas.net/sach/en43.zip

 [ Home ]

09-10-2015