Đàm luận Phật Pháp
- 35 -

Mười bài Tâm ca 
Phạm Duy
Sài Gòn, 1965

 

 [ Home ]

 

Phạm Duy hát: tamca01.mp3
Khánh Ly hát: tamca01_khanhly.mp3

TC 01
TÔI ƯỚC MƠ

(thơ Nhất Hạnh - Phạm Duy soạn thành Tâm ca)

Sáng nay vừa thức dậy
Nghe tin em gục ngã nơi chiến trường
Nhưng trong vườn tôi
Vô tình khóm tường vi
Vẫn nở thêm một đoá.
Tôi vẫn sống! Tôi vẫn ăn! Và tôi vẫn thở
Tôi vẫn sống! Tôi vẫn ăn! Và tôi vẫn thở
Nhưng biết bao giờ
Tôi mới được nói thẳng
Những điều tôi ước mơ? Biết bao giờ?
Biết bao giờ?
Tôi mới được
Tôi mới được
Nói những điều
Nói những điều
Tôi ước mơ, tôi ước mơ
Tôi ước mơ, tôi ước mơ...

* * *

 

Phạm Duy hát: tamca02.mp3
Khánh Ly hát: tamca02_khanhly.mp3

TC 02
TIẾNG HÁT TO

Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già
Lời tôi ca, lời tôi ca xin lúa đừng lo
Lời tôi thay cho tiếng đạn bay
Lời tôi xây cho vững tay cầy
Rồi đêm đêm xua ác mộng đầy
Lời ca êm ru giấc ngủ say
Tôi sẽ hát cho vơi thống khổ vơi dòng lệ nhòa
Một miền quê, một miền quê tim héo và khô
Lời tôi ca khâu vá tình thương
Lời hôm qua chắp nối Con Ðường 
Lời hôm nay vương tiếng Mẹ buồn
Lời mai đây cao ngút Trường Sơn.

Tôi sẽ hát to hơn những kẻ khơi ngọn lửa thù
Lời tôi ca, lời tôi ca như suối rừng thu
Lửa âm u ai đốt từ lâu
Miền quê tôi khan tiếng kêu gào
Lời tôi ca như nước nhiệm mầu
Thành mưa rơi cho dứt niềm đau
Lời tôi ca, lời tôi ca xua hãi hùng đi
Mùa xuân qua ai mất tuổi thơ
Lời tôi ca hôn má xuân già
Còn yêu nhau xin cứ mặn mà
Ðừng cho ai ăn cướp tình ta.

Tôi sẽ khóc to hơn đứa nhỏ đang ngồi vỉa hè
Trẻ bơ vơ, trẻ bơ vơ đi giữa vườn hoa
Hỏi thăm em, em có mẹ cha
Hỏi thăm em, em có ông bà
Hỏi thăm em, em có cửa nhà
Một ngày qua em mất cả ba.
Tôi sẽ khóc to hơn đứa nhỏ đang tìm nụ cười
Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi, xin đến gần tôi
Cùng em côi tôi có bàn tay
Và đôi môi tôi hát ăn mày
Chia hạt cơm rơi hay bát gạo đầy
Cùng ngủ ven sông hay gối bụi cây.

Tôi sẽ khóc cho em gái nhỏ theo mụ chủ nhà
Một chiều mưa, một chiều mưa đi trong ngõ bùn nhơ
Từ vườn quê ra chốn phồn hoa
Người em xua dĩ vãng đen nhoà
Rồi đêm đêm son phấn nhạt mờ
Mới nhận của tôi dâng mấy lời thơ
Tôi hát tiễn đưa dăm thiếu phụ quay về đường nhà
Lời tôi ca, lời tôi ca hun bếp lạnh tro
Lời như tơ như tóc tìm nhau
Giường thơm tho chăn gối tươi mầu
Mảnh gương to rơi vỡ ngày nào
Còn lại bao nhiêu vẫn soi rõ mặt nhau.

Tôi sẽ hát to hơn tiếng nhạc mơ hồ phòng trà
Nàng danh ca, nàng danh ca không có giọng ca
Nàng danh ca vo khúc tình ca
Thành vui điên hay khóc than vờ
Nồng hơi da hơn tiếng nhạc thừa
Nghẹn lời ca hay dứt đường tơ
Tôi muốn hát thay cho gánh cải lương gầy, một ngày
Về chợ quê, về chợ quê rung trống cầu may
Lời tôi thay anh kép già câm
Làm quân đi theo nữ anh hùng
Diệt loài gian hay giết nịnh thần
Và hoan hô ông lão hiền trung.

Tôi sẽ hát to nhưng hát nhỏ hơn lời mọi người
Một ngày nao, một ngày nao nghe bỗng đầy vơi
Toàn dân tôi ca hát niềm vui
Toàn dân tôi ca khúc yêu đời
Một ngày tan chinh chiến thật rồi
Toàn dân tôi vui sống thảnh thơi
Tôi sẽ hát to nhưng hát nhỏ như lời nguyện cầu
Lời yêu nhau, lời thương nhau cho đến dài lâu
Lời tôi ngoan như tiếng trùng kêu
Lời tôi vang như tiếng chuông chiều
Lời tôi cao như tiếng ngọn diều
Lời tôi sâu như tiếng tình yêu
Lời tôi sâu như tiếng tình yêu...

* * *

 

Phạm Duy hát: tamca03.mp3

TC 03
NGỒI GẦN NHAU

Ngồi gần ngồi gần nhau, vai sát vai nhau tựa đầu
Ngồi gần ngồi gần nhau, tay nắm tay cho thật lâu
Ngồi gần ngồi gần nhau, xin nói cho nhau một điều
Ngồi gần ngồi gần nhau cho nhiều
Ngồi vào đời nhỏ nhoi, trong kiếp sống đầy vơi
Ngồi gần người từ bi, bên lũ giết người kia
Ngồi gần loài giun dế, hay ác thú hùm beo
Mình vào ngồi đây với nhau.

Ngồi gần ngồi gần hơn, đôi mắt đôi mi lạ lùng
Ngồi gần ngồi gần hơn, đôi má đôi môi làm quen
Vào ngồi làm một đôi, trong tiếng than trong nụ cười
Vào ngồi làm đỏ đen cho đời
Ngồi gần loài ma quái, nghe tiếng nói lả lơi
Ngồi gần tình thương yêu, nghe rõ tiếng Bụt kêu
Gần người hùng trong trắng, bên lũ cướp của công
Ngồi thở dài hay ước mong.

Vào ngồi vào ngồi chung, trong sót thương trong bạo cường
Vào ngồi vào ngồi chung, trong bão mưa trong lửa tuôn
Ngồi ở gần mộ hoang, trong đám tân hôn vội vàng
Ngồi vào, ngồi đôi bên vui buồn
Ngồi vào rừng gươm súng, hay đứng giữa vườn bông
Ngồi chờ đàn chim non, hay đón tiếng đạn bom
Ngồi vào niềm yêu dấu hay giữa mối thù sâu
Mình ngồi vào đây với nhau.

Ngồi gần ngồi gần nhau, đây đó chung quanh địa cầu
Ngồi gần ngồi gần nhau, trong kiếp xưa, trong đời sau
Ngồi gần ngồi thật lâu, cho đến khi hai ngọn đầu
Thành một người trong nhau nguyện cầu
Ngồi vào một thế giới, không xấu tốt buồn vui
Ngồi vào niềm chơi vơi, không có sắc mầu phai
Ngồi vào đời không mới, không rách nát tả tơi
Một mình ngồi trong cái TA
Một mình ngồi trong cái TA
Một mình ngồi trong cái TA...

* * *

 

Phạm Duy hát: tamca04.mp3  
Thái Thanh hát:
tamca04_thaithanh.mp3

TC 04
GIỌT MƯA TRÊN LÁ

Giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già
Lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá.
Giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà
Thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về
Giọt mưa trên lá tiếng khóc oa oa
Ðứa bé chào đời cho chúng ta nụ cười
Giọt mưa trên lá tiếng nói bao la
Tóc trắng đậm đà êm ái ru tình già.

Giọt mưa trên lá tiếng nói thầm thì
Bóng dáng Phật về xoa vết thương trần thế
Giọt mưa trên lá tiếng nói tinh khôi
Lúc Chúa vào đời xin đóng đanh vì người
Giọt mưa trên lá tiếng khóc chơi vơi
Thế giới lạc loài chưa thoát ra phận người
Giọt mưa trên lá cố gắng nguôi ngoai
Nói với loài người: xin cứ nuôi mộng dài.

Giọt mưa trên lá bối rối, bồi hồi,
Ráo riết, miệt mài, em (anh) biết yêu lần cuối.
Giọt mưa trên lá bỡ ngỡ, xôn xao,
Cuống quít, dạt dào, anh (em) biết yêu lần đầu
Giọt mưa trên lá thấp thoáng, bơ vơ
Khép nép, đợi chờ, xa cách nhau vài giờ
Giọt mưa trên lá dĩ vãng xa xôi
Sớm tối bùi ngùi, xa cách nhau một đời.

Ù u u ú! Ù u u ú!
Ù u u ú! Ù u u ú!

* * *

 

Phạm Duy hát: tamca05.mp3
Khánh Ly hát:
tamca05.mp3

TC 05
ÐỂ LẠI CHO EM

(theo thơ Nguyễn Ðắc Xuân)

Ðể lại cho em này nước non mình
Ðể lại cho em một nước đẹp xinh
Một miền oai linh hiển hách
Chỉ còn dư vang thần thánh
Ðể lại cho em hèn kém của anh
Ðể lại cho em cuộc sống mệt nhoài
Ðể lại cho em hồn nước tả tơi
Ðường đời quanh co kẹt lối
Lòng người không căm giận dỗi
Ðể lại cho em tội lỗi qua rồi.

Nhưng em thương anh, thương anh cho nước phải giật mình
Nhưng em thương anh, thương anh cho tình lên sức sống
Nhưng em thương anh, thương anh cho tủi hờn đi xuống
Nhưng em thương anh, thương anh cho niềm kiêu hãnh vươn lên.

Ðể lại cho em một nước phân lìa
Ðể lại cho em một giống nòi chia
Hận thù nhân danh chủ nghĩa
Bạo tàn vênh vang bề thế
Ðể lại cho em giọt máu dân lành
Ðể lại cho em từng nấm mồ xanh
Chập chờn bay trong bại thắng
Ngọn cờ khăn sô mầu trắng
Ðể lại cho em một bãi sa trường.

Nhưng em thương anh, thương anh cho súng phải thở dài
Nhưng em thương anh, thương anh cho tầu bay khóc với
Nhưng em thương anh, thương anh cho lựu đạn im tiếng
Nhưng em thương anh, thương anh cho đường vũ khí qua tim.

Ðểi cho em cảnh khó quê nghèo
Dù rằng ruộng ta mầu mỡ phì nhiêu
Một bàn tay thơm mùi đất
Thành bàn tay hoen mầu xám
Ðể lại cho em một tấm lòng tham
Ðể lại cho em thành phố lên đèn
Bọn người tranh nhau một đám bụi đen
Lệ buồn rơi trong tửu điếm
Gửi người gian nan tiền tuyến
Ðể lại cho em giả dối đê hèn.

Nhưng em thương anh, thương anh em đón nhận gia tài
Nhưng em thương anh, thương anh ta cùng gom sức mới
Nhưng em thương anh, thương anh xin nhận lời tranh đấu
Nhưng em thương anh, thương anh đi tìm lối thoát cho nhau.

* * *

 

Phạm Duy hát: tamca06.mp3

TC 06
MỘT CÀNH CỦI KHÔ

Một cành củi khô
Một tờ lá uá
Một hòn cuội to
Một làn bụi mờ
Một ngọn cỏ may
Một vài miếng giấy
Một hạt mưa bay
Cuộc đời quanh đây mừng là biết mấy
Tình đầy trong tay và tình ở ngoài
Ở gần bên tôi hàng nghìn thế giới
Cùng nhờ nhau thôi, để buồn hay vui.

Một hàng rêu thưa
Một đàn kiến gió
Một nhện giăng tơ
Một ổ tò vò
Một giọng con ve kêu
Một điều con dế nói
Một lời thông reo
Một chiều xôn xao.
Cuộc đời quanh đây mừng là biết mấy
Tình đầy trong tay và tình ở ngoài
Ở gần bên tôi hàng nghìn thế giới
Cùng nhờ nhau thôi, để buồn hay vui.

Một mảng vai non
Một vòm tóc sáng
Một vành tai ngon
Một cổ tròn tròn
Một làn mi cong
Một vùng má nóng
Một hàm răng trong
Một bàn tay thuôn.
Cuộc đời quanh đây mừng là biết mấy
Tình đầy trong tay và tình ở ngoài
Ở gần bên tôi hàng nghìn thế giới
Cùng nhờ nhau thôi, để buồn hay vui...

Cuộc đời quanh đây
Mừng là biết mấy.

* * *

 

Phạm Duy hát: tamca07.mp3

TC 07
KẺ THÙ TA

Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai?
Kẻ thù ta tên nó là gian ác
Kẻ thù ta tên nó là vô lương
Tên nó là hận thù
Tên nó là một lũ ma (thế thì)

Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai?

Kẻ thù ta mang áo mầu chủ nghĩa
Kẻ thù ta mang lá bài tự do
Mang cái vỏ thật to
Mang cái rổ danh từ
Mang cái mầm chia rẽ chúng ta (thế thì)

Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai?

Người người ơi thương xót người nhỏ bé
Người người ơi thương xót người ngây thơ
Thương xót người bị mua
Thương xót người bị lừa
Thương xót người thương xót ta (thế thì)

Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai

Kẻ thù ta tên nó là vu khống
Kẻ thù ta tên nó là vô minh
Tên nó là lòng tham
Tên nó là tị hiềm
Tên nó là sự ghét ghen (thế thì)

Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai

Kẻ thù ta trong mắt thèm lơ láo
Kẻ thù ta trong góc đầu tự kiêu
Trong cõi lòng quạnh hiu
Trong óc hẹp tiêu điều
Trong giấc mộng xâm chiếm nhau (thế thì)

Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nẵm đây nẵm ngay ở mỗi ai

Người người ơi yêu mến người mãi mãi
Người người ơi yêu mến người không nguôi
Yêu mến người đầy vơi
Yêu mến người đêm ngày
Yêu mến người ta nắm tay (thế thì)

Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai?
Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai!

* * *

 

Phạm Duy hát: tamca08.mp3
Ý Lan hát:
tamca08_ylan.mp3

TC 08
RU NGƯỜI HẤP HỐI

Ru người hấp hối bằng chiều lam tỏa khói
Ru người phơi phới bằng nắng vói lưng đồi
Ru bằng tiếng nói của trái tim muôn loài
Ru người hấp hối, ru cuộc tình đang đứt hơi.
Ôi kiếp sống bộn bề, kiếp sống chàn chề
Thấm thía hiền hòa, chất chứa lọc lừa, tỉnh và mê!
Ôi kiếp sống bềnh bồng, ấm áp lạnh lùng
Chói sáng mịt mùng, kiếp sống dài dòng mọi sầu thương.
Ôi cái chết tuyệt vời, đến với đời người
Giữ vững một lời, cái chết nghìn đời chẳng hề phai
Ôi cái chết thật thà, cái chết mặn mà
Ðến đúng ngày giờ, cái chết hẹn hò tự ngàn xưa!

Ru người thiêm thiếp nằm im gương mặt sáng
Ru hồn trong trắng như bé lúc sơ sinh
Ru lòng êm ấm, ru tấm thân yên lành
Ru người đang chết trong hoà bình hay chiến tranh.
Ôi kiếp sống bộn bề, kiếp sống chàn chề
Thấm thía hiền hòa, chất chứa lọc lừa, tỉnh và mê!
Ôi kiếp sống bềnh bồng, ấm áp lạnh lùng
Chói sáng mịt mùng, kiếp sống dài dòng mọi sầu thương.
Ôi cái chết tuyệt vời, đến với đời người
Giữ vững một lời, cái chết nghìn đời chẳng hề phai
Ôi cái chết thật thà, cái chết mặn mà
Ðến đúng ngày giờ, cái chết hẹn hò tự ngàn xưa!

Ru người đang chết và người không sợ chết
Ru bằng tiếng hát của thế giới vô biên
Ru bằng muôn mắt của ánh sao (đang) đi tìm
Ru người đã thoát ra lồng tình hay cũi duyên.
Ôi kiếp sống bộn bề, kiếp sống chàn chề
Thấm thía hiền hòa, chất chứa lọc lừa, tỉnh và mê!
Ôi kiếp sống bềnh bồng, ấm áp lạnh lùng
Chói sáng mịt mùng, kiếp sống dài dòng mọi sầu thương.
Ôi cái chết tuyệt vời, đến với đời người
Giữ vững một lời, cái chết nghìn đời chẳng hề phai
Ôi cái chết thật thà, cái chết mặn mà
Ðến đúng ngày giờ, cái chết hẹn hò tự ngàn xưa!
Cái chết hẹn hò từ nghìn xưa!
Cái chết hẹn hò từ nghìn xưa!
Cái chết hẹn hò từ nghìn xưa!

* * *

 

Phạm Duy hát: tamca09.mp3

TC 09
TÔI BẢO TÔI MÃI MÀ TÔI KHÔNG NGHE

Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe không nghe
Cứ muốn đi về nẻo đường mình thường mong ước
Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe không nghe
Cứ cố tin rằng lòng người còn trong, còn trắng
Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe không nghe
Nhất quyết yêu người, cả người thực thà gian dối
Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe không nghe
Cứ cố yêu người dù rằng người đang lừa người.

Ðời sinh tôi ra tôi ra như thế!
Ðời sinh tôi ra tôi ra như thế!
Thương tôi thương tôi cho sống say mê
Không thương không thương xin giết tôi đi!

Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe không nghe
Mới chớm yêu đời lại buồn vì đời mau hết
Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe không nghe
Mới biết ái tình là ngờ mình yêu còn ít
Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe không nghe
Quyến luyến bạn bè để rồi về nhà mong nhớ
Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe không nghe
Cứ thích la cà để rồi chợt thương người nhà.

Ðời sinh tôi ra tôi ra như thế!
Ðời sinh tôi ra tôi ra như thế!
Thương tôi thương tôi cho sống say mê
Không thương không thương xin giết tôi đi!

Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe không nghe
Cứ nói những lời mọi người hằng ngày không nói
Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe không nghe
Cứ chối không làm đàn cừu làm con vẹt nữa
Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe không nghe
Cứ hát những lời buồn rầu mà người ta giấu
Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe không nghe
Cứ hát vui đùa chọc cười người quên nụ cười.

Ðời sinh tôi ra tôi ra như thế!
Ðời sinh tôi ra tôi ra như thế!
Thương tôi thương tôi cho sống say mê
Không thương không thương xin giết tôi đi!

Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe không nghe
Ðứng giữa hận thù chỉ ngờ mình là Horace
Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe không nghe
Chiến đấu quân thù mà tìm chưa ra thù ghét
Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe không nghe
Thấy máu quân thù chỉ buồn và thề không uống
Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe không nghe
Thấy xác lăn quay không say không thích phanh thây.

Ðời sinh tôi ra tôi ra như thế!
Ðời sinh tôi ra tôi ra như thế!
Thương tôi thương tôi cho sống say mê
Không thương không thương xin giết tôi đi!

* * *

 

Phạm Duy hát: tamca10.mp3
Nguyễn Đức Quang & nhóm Du ca: tamca10_duca.mp3

TC 10
HÁT VỚI TÔI

Hát với tôi trong nỗi vui hay trong cơn buồn
Hát với tôi qua tiếng reo hay bằng lời than
Ðời đẹp thì ta hát vẻ vang
Ðời buồn thì ta hát nỉ non
Ðừng ngậm miệng im hơi thành xác không hồn
Hát với tôi khen rất ngoan hay là chửi toang
Ðời này tròn hay méo rồi vuông
Ðời còn cần ta hát nhặt khoan
Một nghìn đời sau ta còn hát ầm vang.

Hát với tôi nào! Hát với tôi nào!
Hát với nhau những lời hôm nay cùng hát
Hát với tôi nào! Hát với tôi nào!
Hát với nhau những lời của người Việt Nam.

Hát với tôi trong lúc chơi hay trong khi làm
Hát với tôi trong đám đông hay trong phòng loan
Từ vỉa hè thơm cát bụi đen
Từ ruộng đồng xanh ngát thần tiên
Từ biển vàng lời ca vượt sóng lên ngàn
Hát với tôi thương lúa non không ưa phũ phàng
Hát với tôi thương cánh hoa sớm nở chiều tan
Buồn vì người gieo giắc lầm than
Mừng vì còn mong ước người hơn
Vì lòng còn tin yêu còn hát nghìn năm.

Hát với tôi nào! Hát với tôi nào!
Hát với nhau những lời hôm nay cùng hát
Hát với tôi nào! Hát với tôi nào!
Hát với nhau những lời của người Việt Nam.

Hát với tôi khi sắp chui vô trong quan tài
Hát với tôi khi mới mang thân phận bào thai
Vào cuộc tình đôi lứa sục sôi
Vào tuổi già êm như làn khói lưng trời
Hát với tôi trong cõi tim sâu xa tuyệt vời
Hát với tôi vươn mãi ra đến tận mù khơi
Ðừng thèm nhờ máy hát lạ tai
Ðừng thèm nhờ ai hát hộ ai
Ðể lòng mình dâng lên miệng hát đầy vơi.

Hát với tôi nào! Hát với tôi nào!
Hát với nhau những lời hôm nay cùng hát
Hát với tôi nào! Hát với tôi nào!
Hát với nhau những lời của người Việt Nam.

* * *

 

 

 

 
Phạm Duy:

Cách nhìn vào quê hương, nhận diện lại quê hương của tôi trong Tâm Ca :

·         Tâm Ca số 1 - Tôi Ước Mơ: nhận diện cái bi đát của xã hội trong giai đoạn ấy.

·         Tâm Ca số 2 - Tiếng Hát To: là thái độ của tác giả trước sự bi đát đó.

·         Tâm Ca số 3 - Ngồi Gần Nhau: nhận diện sự chia rẽ dân tộc và kêu gọi đoàn kết.

·         Tâm Ca số 4 và số 6 - Giọt Mưa Trên Lá, Một Cành Củi Khô: nhận diện lại thiên nhiên, siêu nhiên, đời sống con người khi được (hay bị) đặt vào cái thiên nhiên đó và trái tim của nó hướng về những điều siêu nhiên kia.

·         Tâm Ca số 5 - Ðể Lại Cho Em: nhận diện lại gia tài của người đi trước để lại cho người đi sau.

·         Tâm Ca số 7 - Kẻ Thù Ta: nhận diện kẻ thù.

·         Tâm Ca số 8 - Ru Người Hấp Hối: nhận diện cái chết.

·         Tâm Ca số 9 - Tôi Bảo Tôi Mãi Mà Tôi Không Nghe: nhận diện chính mình.

·         Tâm Ca số 10 - Hát Với Tôi: một tuyên ngôn, trình bày lại thái độ (và lời mời gọi) của tác giả sau khi ta đã có cơ hội nhận diện lại mọi sự trong đời như thế.

Xét về nội dung thì ta thấy rõ đó là nhũng bài hát của lương tâm, xét về hình thức thì đó là những bài hát rất giản dị, không chau chuốt mà còn có vẻ nghèo nàn là khác ...

 


 

Phạm Duy Và Tâm Ca: Lần Ðầu Tiên Tôi Thấy Ông Lão Tử Lầm

Thích Mãn Giác
(báo Bách Khoa tháng 3, 1966)

*

Lần đầu tiên, trong chốc lát, tôi nhận thấy ông Lão Tử bị lầm. Ông Lão Ðam vốn chống sự hiện hữu của lễ nhạc và tác dụng của nó. Hình như ông cho rằng lễ nhạc hiện hữu (trong trường hợp tôi nói đây là nhạc) thì xã hội nhân sinh mất hướng thượng và chỉ xuống dốc.

Suy đến cực vi cực diệu thì Phật giáo của chúng tôi và Lão giáo của phái vô vi có chỗ tương đồng cho nên trong khi mặc áo tu hành, chúng tôi vẫn dành một chỗ đáng tôn kính trong tâm tư. Nhưng có một hôm gần đây...

Vâng, đúng rồi, có một hôm gần đây, vào ngày mồng ba tháng ba năm dương lịch này, tôi nói chuyện về Ảnh Hưởng Phật Giáo Nhật Bổn Sau Ðệ Nhị Thế Chiến trước một số đông giáo chức Phật tử Huế tại chùa Từ Ðàm. Và ngay tại chỗ diễn giả vừa dứt lời thì ban dân ca của Phạm Duy trình bày Tâm Ca và Trầm Ca. Trong khi Phạm Duy trình diễn, có cả một người Mỹ lấy tên Việt là Túy Phượng đứng ra ca một bài Tâm Ca.

Xin thú thật là khi nghe anh Phạm Duy trình bày bài Kẻ thù ta đâu có phải là người tôi đã ứa nước mắt... Và có thể nói là tâm hồn tôi đã trải qua một tráng thái phong phú chưa từng có trong đời tu hành của tôi. Tôi nói phong phú mà không nói xúc động, cảm động... vì đó là một trạng thái mà ngôn ngữ không diễn tả được: tôi đã dùng tất cả cái nhất trí của toàn diện phần hồn của một con người để đón tất cả những âm thanh từ những bài Tâm Ca và Trầm Ca nói chung, từ bài Giọt Mưa Trên Lá tới bài Nỗi Buồn Nhược Tiểu nói riêng, vọng lên và đi thẳng vào tôi như đi vào diện tích của một mảnh đất trống cũng như một khoảng không gian trống trải nào đó; đón hết cả một ngọn gió lớn không loại đi một hơi thở thiên nhiên thoang thoáng nào. Chung quanh tôi lúc ấy có cả một xã hội nhân sinh rất nhỏ gồm có thính giả đã nghe Phạm Duy trình bày Tâm Ca, ấy thế mà chính tôi quên mất sự có mặt của thiên hạ và sự hiện diện của chính mình; cả tấm lòng của con người tôi tan vào thính giác, tràn vào cõi tế vi nhất của tâm hồn và hoà vào tế bào của cơ thể. Tôi lạ quá : có lẽ người ngồi đồng đón linh hồn những người đã khuất vào cơ thể biến thành những cá nhân khác... cũng thế thôi !

Bỗng sực nhớ: dân tộc tôi đang đau thương vì chiến tranh, đương hận thù vì máu xương, đương khóc, đương than... đương cùng với cơ thể và tâm hồn đương tiếc đương thương của chính tôi... đương hoà đương tan vào nhạc thương nhạc than của Tâm Ca và Trầm Ca khóc chuyện khói lửa chiến tranh của đất nước. Tiếng thở than chung vọng lên: tôi tưởng như nghe tiếng thở than của chính mình từ cõi sâu xa nhất của chính tâm tư mình vọng lên mênh mông và vun vút...

Có lẽ họ Phạm cho là những nỗi, những niềm, những mối có tên trong từ điển là gian ác, vô lương, tị hiềm, tự kiêu... thường ăn sâu mọc lông mọc cánh trong tâm hồn con người, cần phải nhổ nó đi, dứt nó đi... thay vào đó những thực thể tâm lý khác có tên là từ bi, bác ái, hỷ xả...Thì rồi tự nhiên căm hờn ghen ghét mất, và chiến tranh cũng mất theo. Con người mới sẽ hiện ra trên trái đất.

Tôi cũng đồng ý với Tchékov và Fédérico Fellini, một người xưa và một người nay, hai người đều có ý nói rằng nghệ sĩ là người chỉ có một sứ mạng phản ánh nhân sinh mà thôi. Còn việc cải tạo nhân sinh hay việc giải quyết những vấn đề nhân sinh gây đau thương là của các nhà luân lý hay là của những nhà an bang tế thế. Nghệ sĩ giỏi thì tác phẩm (văn, thi, hoạ, nhạc...) có giá trị; nghệ sĩ dở thì tác phẩm thiếu giá trị và bị lịch sử loại đi.

Dân tộc Việt Nam đương chịu đau thương vì chiến tranh. Phạm Duy là người phản ảnh đúng cái đau thương ấy và làm cho thiên hạ cảm động. Phạm Duy không phải là nhà luân lý mà cũng chẳng phải là chính trị. Ở đời ai lo việc nấy, ai có sứ mạng nấy. Chung nhau mà lo thì lo được việc chung. ''Dẫm lên chân nhau'' thì hình như chỉ có một tác dụng là gây xáo trộn bất lợi cho đại cuộc.

Ðã đành là ai cũng cầu nguyện cho có nhiều Maxime Gorki, Jack London... nhưng nếu lúc nào chúng ta cũng đòi cho có Maxime Gorki thì lại là ảo tưởng hơn ai hết, hơn lúc nào hết. Ðó là chưa nói tới văn nghệ gây xúc động được là làm được việc lớn rồi. Việc lớn khác sẽ đến sau. Nghe nhạc Phạm Duy sẽ cảm xúc. Sự buồn thương sẽ biến thành thương tiếc. Niềm thương tiếc sẽ biến thành giận hờn. Và có giận hờn thì mới vùng dậy. Khi con người vùng dậy là lịch sử gióng chuông. Chuông lịch sử gióng lên tức thiên hạ đứng lên.

Nhà nghệ sĩ dù sao cũng là người có công đánh tiếng chuông thứ nhất -- lúc đầu. Dù chỉ là tiếng chuông suông cho người ta xúc động suông mà thôi! Phải vậy chăng? Vậy thì nghệ sĩ là kẻ có công rồi đó. Sao chúng ta lại phủ nhận? Tội nghiệp cho họ!

Bây giờ độc giả đã hiểu tại sao tôi lại nói ở đầu bài này rằng trong một chốc lát, tôi đã thấy ông Lão Tử lầm... vì chính tôi, tôi thâu nhận tác dụng của lễ nhạc. Và ở trường hợp này là Nhạc vậy. Không phải bỏ lễ nhạc đi thì con người mới trở về được cái đắc nhất hay lẽ vô vi của Lão Giáo. Lễ nhạc đã có rồi thì phải dùng nhạc để hướng con người về bản thể trạm tịch thường hằng. Nghĩa là nhạc có tác dụng giáo hoá vậy.

Khi loài người chưa phát sinh và có mặt trên trái đất thì ông Lão Tử có lý. Ngày nay, lễ nhạc đã cùng với loài người phát sinh rồi thì ông Lão Tử đáng tôn kính lại không hợp lý nữa, ngược lại ông Khổng Tử có lý hơn vì ông Vạn thế sư biểu là người đặt vấn đề tác dụng văn hoá của âm thanh.

Ngay đến nhạc của cửa Thiền, chúng tôi cũng đã có từ ngàn xưa. Nói gì xa xôi, hãy nói chuyện gần. Ðó chỉ vì nghe mãi nghe quen nên tiếng mõ sớm, tiếng chuông chiều trở nên thông thường đấy thôi. Thực ra những âm thanh thông thường hằng ngày ấy đã từng tác dụng. Con người vốn không kiểm soát nổi cái cõi cực tế cực vi của tiềm thức và vô thức.

Vả lại tôi chưa từng thấy âm nhạc tôn giáo nào thúc đẩy sự hờn oán bao giờ, Từ trong mọi Phật đường, giáo đường bước ra người ta vốn muốn gần nhau. Nhưng đi sâu vào đời sống ồn ào, tạm thể nó mới biến đi đấy thôi.

Thích Mãn Giác
Báo Bách Khoa - Saigon


 

Viết Về Tâm Ca

Thích Nhất Hạnh
(trích trong bài Nhận Diện, trong cuốn sách Nói Với Tuổi Hai Mươi)

Chưa bao giờ tôi khóc khi nghe người ta hát. Thế mà tối hôm đó nước mắt tôi cứ chực trào xuống trong suốt thời gian tôi ngồi nghe nhạc sĩ Phạm Duy hát bài tâm ca số 5 của anh. Buổi họp mặt gồm có ba trăm thanh niên nam nữ, phần lớn là những người đang theo học trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, một số các vị giáo sư và thân hữu của trường. Bài tâm ca mang tên là Ðể Lại Cho Em, những lời tự thú của một người anh bốn mươi tuổi nói với em hai mươi tuổi. Phải, đúng là những lời tự thú. Những lời tự thú thẳng thắn, đầy ân hận, đầy đau thương; những lời tự thú làm cho xót thương dâng lên tràn ngập lòng người, người của thế hệ đi trước cũng như của thế hệ đi sau. Những lời tự thú khiến cho giận hờn và trách móc tan biến và khiến cho nguồn thông cảm được khơi mở. Trong ánh mắt của những trẻ tuổi hôm ấy, tôi quả đã đọc thấy tha thứ và tin yêu.

Tôi rưng rưng nước mắt, vì tôi được nghe chính tiếng nói của lòng tôi, tiếng tự thú của lòng tôi, do một nhạc sĩ tài ba hát lên. Phạm Duy đã hát gì? Thế hệ của những người đi trước -- là chúng tôi -- đã để lại cho thế hệ đi sau -- là những người em hai mươi tuổi ngày hôm nay -- những hèn kém, những tội lỗi của họ. Một giải non sông gấm vóc, một miền oai linh hiển hách bây giờ chỉ còn là một mảnh đất chia cắt, cày xới lên bởi bom đạn. Hận thù nhân danh chủ nghĩa, bạo lực vênh vang bề thế, các anh đã để lại cho các em những giọt máu dân lành, những nấm mồ chưa xanh cỏ, những khăn sô, những thành buồn trong đó loài người tranh nhau từng đám bụi đen. Các anh đã vụng về, đã hèn kém, đã để lại cho em một quê hương nghèo khổ, đói lạnh, dù ruộng đồng của tổ quốc ta vốn rất mầu mỡ phì nhiêu. Ðường về tương lai nghẽn lối, bàn tay anh đang lẽ phải thơm tho mùi đất nay thành ra hôi mùi thuốc súng; các anh đã để lại cho các em những giả dối, đê hèn và vụng dại của các anh. Nhưng cơ sự đã xẩy ra như thế rồi, xin các em đừng trách móc hờn giận: hãy thương chúng tôi và hãy can đảm nhận và hãy can đảm nhận lấy cái gia tài khốn khổ khốn nền do các anh để lại. Nếu chúng ta biết thương nhau, nếu các em biết thương yêu và tha thứ cho chúng tôi, nếu chúng ta cùng gom sức mới, cùng nhận lời tranh đấu thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ tìm được một lối thoát cho nhau. Nếu các em biết tha thứ thì hồn nước cũng sẽ giật mình, đời chúng ta thêm sức sống, tủi hờn sẽ lắng xuống và niềm kiêu hãnh sẽ dâng lên. Nếu các em biết thương yêu và tha thứ thì súng đạn cũng sẽ phải thở dài, tàu bay cũng phải khóc, lựu đạn sẽ phải im tiếng và quê hương ta sẽ không không còn là một bãi chiến trường.

Một bài hát như thế quả thực đã là tiếng nói phát ra từ tâm niệm thành khẩn, từ ý thức trách nhiệm, từ những khổ đau của nhận thức. Một bài hát như thế không còn là một bài hát nữa. Ðó là máu, đó là xương, đó là linh hồn, đó là những khúc ruột quặn đau, đó là sự sống. Chúng tôi, những người anh bốn mươi tuổi hôm nay nhân danh Mẹ tổ quốc, Mẹ tình thương, chờ mong em đáp lại tiếng kêu bi thương đó, kêu gọi em trở về với tình huynh đệ, ngồi lại bên nhau, bàn bạc với nhau để tìm ra một lối thoát. Em đừng oán giận trách móc nữa, và cũng đừng nghĩ rằng những điều chúng tôi nói, chúng tôi viết đây là những lời than trách, nhục mạ, lên án tuổi trẻ nữa. Tôi biết tuổi trẻ còn nhiều trong trắng, còn nhiều tha thứ. Tôi biết em sẵn sàng tha thứ, cũng như chúng tôi cũng từng đã biết tha thứ cho những vụng dại, những thành kiến của lớp người đã làm cho chúng tôi khổ đau.

Em hãy nhìn lại chúng tôi: trán chúng tôi cũng bị cày lên những đường nét ưu tư, khổ đau, mắt chúng tôi vì cát bụi cuộc đời cũng không còn trong xanh nữa; niềm tin và sự trong trắng của tâm hồn cũng đã sứt mẻ và vỡ nát nặng nề. Chúng tôi cũng đã bơ vơ như em bây giờ còn đang bơ vơ. Chúng tôi nào phải là muốn lên giọng đạo đức để nhục mạ em. Ðến nước này mà còn nhục mạ nhau, còn lên giọng đạo đức với nhau thì quả thực là chúng ta đã điên mất rồi. Quê hương thân yêu tan nát, chúng ta, những người lớn cũng như người nhỏ, hầu như không còn là chúng ta nữa. Chúng ta đã đổ trách nhiệm lên đầu nhau, đổ oán giận lên đầu nhau, để càng xa nhau, để càng không hiểu nhau. Ðau thương đã lớn lao quá rồi, chúng ta đừng gây nhiều thêm nữa. Trong giai đoạn này chỉ có lòng xót thương mới có thể giúp cho chúng ta còn là chúng ta, mới có thể giúp cho chúng ta có đủ bình tĩnh và thương yêu để tự lái con thuyền chúng ta ra khỏi cơn bão táp.

Hãy hướng về chắp tay xót thương cho tổ quốc, cho giống nòi, xót thương Mẹ, xót thương Em, xót thương mảnh vườn xanh xưa của thời thơ ấu. Chất liệu xót thương sẽ biến khổ đau thành hoa trái ngọt ngào. Thương nhau chúng ta sẽ tìm thấy con đường. Thương nhau chúng ta sẽ làm nên lịch sử.

Thích Nhất Hạnh

[ Home ]

17-07-2017