Đàm luận Phật Pháp
- 322 -

Tỉnh thức trước bệnh tật và cái chết
Lời Phật dạy trong kinh văn nguyên thủy

22. NHỮNG LỜI CUỐI CỦA MỘT CƯ SĨ THÀNH ĐẠT  

 
1_mucluc-22.jpg
1_mucluc-22.jpg
1254 * 931
2_donggt.jpg
2_donggt.jpg
1234 * 870
3_10kiet4qua.jpg
3_10kiet4qua.jpg
1310 * 797
4_duluuphan.jpg
4_duluuphan.jpg
1332 * 920
5_duluuphan2.jpg
5_duluuphan2.jpg
1308 * 890
6_cusi.jpg
6_cusi.jpg
1268 * 891

 

XXII

22. NHỮNG LỜI CUỐI CỦA MỘT CƯ SĨ THÀNH ĐẠT      
Bhikkhu Anālayo, Mindfully facing disease and death (2017)

XXII.1 GIỚI THIỆU

Sau nhiều chương trình bày về cái chết như là một cơ hội để phát triển tuệ quán, chương này và chương tiếp theo lần lượt trình bày về những vị đã chứng đạt tuệ quán thâm sâu và cái chết của các vị ấy là một cơ hội để giảng dạy lại cho những người khác. Tương tự như trường hợp ngài Khemaka, thảo luận ở Chương 11, bài kinh trong chương này ghi lại câu chuyện về người bệnh là người truyền dạy. Nhân vật chính ở đây là gia chủ Citta (Chất-đa, Chất-đa-la), một vị cư sĩ đã được nhiều bài kinh ghi nhận đã có nhiều thành tựu.

Một bài kinh trong Tương ưng bộ (SN 17.23) và bài kinh tương ứng trong Tăng nhất A-hàm (EĀ 9.1) xem Citta như là một cư sĩ tại gia gương mẫu. Cả hai bài kinh đều ghi lời khen của Đức Phật rằng nếu có bà mẹ hướng dẫn cho con, và nếu con trai của bà quyết định sống đời tại gia thì người con trai ấy phải noi gương gia chủ Citta. Đức Phật giải thích rằng cùng với ông Hatthaka, Citta là một trong hai vị gia chủ xứng đáng là tiêu chuẩn cho các vị đệ tử cư sĩ.

Theo danh sách của các vị đệ tử cư sĩ nổi tiếng ghi trong Tăng chi bộ (AN 1.14), Citta là vị đệ tử cư sĩ có tài thuyết pháp tối thắng. Bài kinh Tăng nhất A-hàm tương đương ghi rằng ông là vị cư sĩ có trí tuệ bậc nhất trong hàng nam cư sĩ đệ tử (EĀ 6.1).

Các khả năng hành thiền của ông Citta trở nên nổi bật trong một bài kinh ghi lại rằng ông đã khôn ngoan đánh bại thủ lĩnh của những người theo Kỳ-na giáo trong một cuộc tranh luận, qua đó, ông khẳng định rằng ông đã đắc thiền-na (SN 41.8). Một bài kinh khác cho biết không những ông thành thạo trong công phu nhập định nhưng ông cũng có tuệ quán, vì ông đã đắc quả Bất Lai (SN 41.9, SĀ 573).

Nhiều bài kinh ghi lại kỹ năng giảng dạy của ông, ngay cả đối với các vị tu sĩ khác. Một bài kinh ghi lại câu chuyện về một nhóm các tỳ-khưu bàn luận và có những ý kiến khác nhau về tác động và vận hành của các kiết sử. Citta tham gia bàn luận và giải thích rõ ràng với ví dụ về hai con bò bị cột ách lại với nhau. Con bò này không phải là kiết sử của con bò kia, nhưng cái ách giữa hai con bò là những gì trói buộc chúng lại. Tương tự như thế, căn và trần tự chúng không phải là kiết sử. Kiết sử là là ở tâm tham ái khởi sinh do duyên của chúng (SN 41.1).

Như thế là trong bài kinh trên là các vị tỳ-khưu, tiêu biểu cho đời sống quy ẩn, đã nhận được lời giải thích rõ ràng từ một vị hành giả cư sĩ có nhiều thành tựu. Khi sống trong thế gian bận rộn với tình trạng không nhiều thuận lợi cho tu tập chuyên sâu, rõ ràng là ông Citta đã thành công khi đối phó với những trải nghiệm về các đối tượng giác quan (hay các trần) trong đời sống tại gia trong phương cách làm suy giảm các kiết sử và lòng ham muốn của ông. Ông là một bằng chứng sống động cho thấy vấn đề là ở cái ách giữa hai con bò, không phải ở một trong hai con bò đó.

Trong một dịp khác, Citta được ghi nhận là đã giải thích chi tiết cho một vị tỳ-khưu về ý nghĩa của một câu nói ngắn gọn của Đức Phật (SN 41.5, SĀ 566), và trong một dịp khác, ông đã giải thích cho một tỳ-khưu khác về sự khác biệt của các loại tâm giải thoát (SN 41.7, SĀ 567). Bên cạnh trình bày trí tuệ thâm sâu của Citta, các bài kinh này xác nhận thêm một điểm đã được nêu ra từ trước, đó là các bài kinh trong Phật giáo Sơ kỳ không xem tuệ quán chỉ đặc biệt dành riêng cho hàng tu sĩ. Các vị cư sĩ đệ tử chẳng những có khả năng thu nhận nhưng lời dạy thâm sâu và thành đạt mức độ giác ngộ cao, mà họ còn có thể có khả năng thuyết giảng và giải thích giáo pháp cho các vị tu sĩ, như rõ ràng trong trường hợp của ông Citta.

Bài kinh sau đây được trích từ Tạp A-hàm (SĀ 575), bài kinh tương đương cũng được tìm thấy trong Tương ưng bộ (SN 41.10). Trong bài kinh, ông Citta nằm trên giường trong giờ phút lâm chung. Dù vậy, đây là thêm một ví dụ điển hình khác về vai trò của ông, ông vẫn giảng Pháp khi cận kề cái chết và hiển thị sự tự do thoát khỏi mọi ràng buộc của một hành giả đã đạt đến một mức độ cao trong tu tập phát triển tuệ giải thoát.

XXII2 KINH VĂN

SĀ 575
BỆNH TƯỚNG
Hòa thượng Thích Đức Thắng dịch
Bình Anson hiệu đính dựa theo bản Anh dịch của Bhikkhu Anālayo

Tôi nghe như vầy. Một thời, Phật ở trong khu vườn xoài tại làng Ambātaka, cùng số đông các vị tỳ-khưu Trưởng lão.

Bấy giờ trưởng giả Chất-đa-la (Citta) bị bệnh khổ, các thân thuộc vây quanh. Có nhiều vị trời đến chỗ trưởng giả Chất-đa-la, bảo rằng: “Này trưởng giả, ông nên phát nguyện làm Chuyển luân vương.”

Trưởng giả Chất-đa-la nói với chư thiên: “Nếu làm Chuyển luân vương; thì đó cũng là vô thường, khổ, không, vô ngã.”

Rồi, các quyến thuộc bảo trưởng giả: “Ông nên buộc niệm lại! Ông nên buộc niệm lại!”

Trưởng giả Chất-đa-la nói với các quyến thuộc: “Vì sao các ông dạy tôi phải buộc niệm lại?”

Những quyến thuộc ấy nói rằng: “Ông đã nói: ‘Đó cũng là vô thường, khổ, không, vô ngã.’ Vì vậy nên chúng tôi bảo ông nên buộc niệm lại, buộc niệm lại!”

Trưởng giả nói với các quyến thuộc: “Có chư thiên đến gặp tôi, nói với tôi: ‘Ông nên phát nguyện được làm Chuyển luân vương, sẽ tùy nguyện đắc quả.’ Tôi liền đáp: ‘Chuyển luân Thánh vương lại cũng vô thường, khổ, không, vô ngã.’”

Các quyến thuộc hỏi trưởng giả Chất-đa-la: “Chuyển luân vương có gì mà chư thiên bảo ông phát nguyện?”

Trưởng giả đáp: “Chuyển luân vương cai trị, giáo hóa theo chánh pháp. Vì chư thiên thấy phước lợi như vậy nên dạy tôi phát nguyện mong cầu.”

Các quyến thuộc hỏi: “Nay ông dụng tâm như thế nào?”

Trưởng giả đáp: “Này các thân quyến, bây giờ tâm tôi nguyện rằng sẽ không thọ sinh vào bào thai nữa, không thêm mồ mả, không thọ nhận huyết khí. Tôi không thấy trong tôi còn năm hạ phần kiết sử, như Thế Tôn đã dạy. Tôi không thấy trong tôi còn kiết sử nào, nếu không đoạn tận, sẽ trói buộc tái sinh vào đời này.”

Ngay lúc ấy Trưởng giả ngồi dậy từ giường nằm, ngồi kiết già, đặt niệm trước mặt và nói kệ:

“Chứa thức ăn đã chứa,
Rộng độ các hoạn nạn;
Bố thí tăng ruộng phước,
Vun trồng năm chủng lực.

Vì mong muốn nghĩa ấy,
Người tục sống tại nhà.
Ta đều được lợi này,
Đã khỏi các thứ nạn.

Điều thế gian nghe quen,
Xa lìa các việc khó;
Sinh vui, biết chút khó,
Tùy thuận đẳng chánh giác.

Cúng dường người trì giới,
Khéo tu các phạm hạnh;
Lậu tận A-la-hán,
Và ẩn sĩ Thanh văn.

Kiến siêu việt như vậy,
Trên các cõi thù thắng;
Thường làm người bố thí,
Cuối cùng được quả lớn.

Tập hành bố thí chúng,
Cho các ruộng phước tốt;
Nơi đời này mạng chung,
Hóa sinh về cõi trời.

Năm dục được đầy đủ,
Tâm vô lượng mừng vui;
Được báo vi diệu này,
Vì không tâm keo bẩn;
Thọ sinh ở nơi nào,
Đều luôn được vui vẻ.”

Trưởng giả Chất-đa-la nói kệ này xong, liền mệnh chung, sinh vào cõi Vô đọa (Avihā) và Vô phiền thiên (Ātappa devas).

XXII.3 THẢO LUẬN

Chư thiên (deva) khuyến nghị Citta chấp nhận tái sinh làm một vị Chuyển luân vương (cakkavattin). Vị vua của thế giới này, lấy Pháp là mối quan tâm hàng đầu và cai trị toàn thế giới một cách chính trực, không dựa vào vũ lực hay ép buộc, là một chủ đề thường thấy trong các bài kinh nguyên thủy. Trong ngữ cảnh của bài kinh, chủ đề này dùng để làm nổi bật tính ưu việt của tuệ quán giải thoát thậm chí so với sự lựa chọn thành lập một xã hội an bình cai trị bởi Pháp trên toàn thế giới. Điều này càng thêm sâu sắc khi nhân vật tuyên bố trong bài kinh lại là một cư sĩ, không phải là một tu sĩ đã có ý nguyện rời bỏ thế tục. Và cũng chính vị cư sĩ này là một người đã đạt mức tuệ quán thâm sâu và thành tựu mức thiền định sâu sắc. Đối với một hành giả như thế, ý tưởng để trở thành vị Chuyển luân vương là những gì không bền vững, vô thường, khổ, không, và vô ngã.

Một điểm nữa được rút tỉa ở đây là, mặc dù kiếp sống tương lai có thể rất vinh quang và đem đến nhiều ích lợi cho người khác, không có một điều gì có thể chiếm ưu tiên hơn thăng tiến đến giải thoát. Qua nhiều cách thức, Citta có thể xem như là một biểu tượng mạnh mẽ của sự tu tập thành công trong đời sống tại gia. Nhưng đồng thời ông cũng cho thấy tầm quan trọng của việc thực sự vượt qua những ràng buộc và kiết sử bên trong, và không bao giờ dùng trách nhiệm và hoàn cảnh sống như là một cái cớ để thỏa hiệp miễn cưỡng với các phiền não của chính mình.

Chư thiên trong bài kinh trích dịch ở đây có lẽ không nhận thức được mức độ thành tựu của Citta, đã đắc quả Bất lai và do đó, không thể tái sinh vào cõi người, cho dù để trở thành Chuyển luân vương hay một chức vụ gì khác. Các người thân của Citta lại không biết gì về sự hiện diện của chư thiên, cho nên họ tưởng ông ta bị mê loạn trong giờ phút lâm chung khi họ nghe ông nói, và do đó họ tìm cách cảnh tỉnh ông trở về thực tại. Điều này là không cần thiết và phần còn lại của bài kinh cho thấy Citta giải thích cho họ hiểu, cũng như ông đã giải thích cho chư thiên, trước khi ông trút hơi thở cuối cùng.

Bài kinh đề cập đến nơi tái sinh của Citta là về cõi chư thiên Avihā (Vô đọa) và Ātappa (Vô phiền), là hai cõi trời của Tịnh cư thiên (Suddhāvāsa), cao nhất trong sắc giới theo vũ trụ quan Phật giáo. Đây là những cõi trời dành cho các vị thánh Bất lai. Nơi tái sinh của Citta phù hợp với lời khẳng định của chính ông rằng ông đã diệt tận năm hạ phần kiết sử.

Trước khi đạt đến nơi tái sinh cao cả như thế, Citta vẫn giảng dạy người khác cho đến những giây phút cuối cùng, chứng tỏ rằng mặc dù ông đã vượt qua sự lựa chọn trở thành Chuyển luân vương, ông vẫn có đầy lòng từ bi muốn trợ giúp cho những người có mặt chung quanh ông. Lời giảng của ông ở đây là về nhu cầu bố thí rộng rải cần phải được quan tâm cùng với trí tuệ mà ông giảng ở những nơi khác. Sự lựa chọn của ông về đề tài này có thể xem như là để phù hợp với trình độ và căn tính của người nghe. Thay vì đưa ra những lời giảng thâm sâu như trong những bài kinh đã được khảo sát trong phần đầu của chương này để cho thấy khả năng trí tuệ của ông, ở đây, ông khuyến khích những người chung quanh ông tu tập những gì mà ông biết họ có thể hiểu và thực hành. Như trình bày trong phiên bản Tạp A-hàm, ông đã gắng gượng ngồi dậy để giảng dạy họ. Cái chết của ông, trong cả hai phiên bản, là một ví dụ đầy cảm hứng về cách chỉ dạy cho người khác, cụ thể là từ bi điều chỉnh khéo léo cho thích hợp với khả năng tiếp thu của người nghe.

* * *

 

SĀ 575
BỆNH TƯỚNG
Hòa thượng Thích Đức Thắng dịch
Bình Anson hiệu đính dựa theo bản Anh dịch của Bhikkhu Anālayo


Tôi nghe như vầy. Một thời, Phật ở trong khu vườn xoài tại làng Ambātaka, cùng số đông các vị tỳ-khưu Trưởng lão.

Bấy giờ trưởng giả Chất-đa-la (Citta) bị bệnh khổ, các thân thuộc vây quanh. Có nhiều vị trời đến chỗ trưởng giả Chất-đa-la, bảo rằng: “Này trưởng giả, ông nên phát nguyện làm Chuyển luân vương.”

Trưởng giả Chất-đa-la nói với chư thiên: “Nếu làm Chuyển luân vương; thì đó cũng là vô thường, khổ, không, vô ngã.”

Rồi, các quyến thuộc bảo trưởng giả: “Ông nên buộc niệm lại! Ông nên buộc niệm lại!”

Trưởng giả Chất-đa-la nói với các quyến thuộc: “Vì sao các ông dạy tôi phải buộc niệm lại?”

Những quyến thuộc ấy nói rằng: “Ông đã nói: ‘Đó cũng là vô thường, khổ, không, vô ngã.’ Vì vậy nên chúng tôi bảo ông nên buộc niệm lại, buộc niệm lại!”

Trưởng giả nói với các quyến thuộc: “Có chư thiên đến gặp tôi, nói với tôi: ‘Ông nên phát nguyện được làm Chuyển luân vương, sẽ tùy nguyện đắc quả.’ Tôi liền đáp: ‘Chuyển luân Thánh vương lại cũng vô thường, khổ, không, vô ngã.’”

Các quyến thuộc hỏi trưởng giả Chất-đa-la: “Chuyển luân vương có gì mà chư thiên bảo ông phát nguyện?”

Trưởng giả đáp: “Chuyển luân vương cai trị, giáo hóa theo chánh pháp. Vì chư thiên thấy phước lợi như vậy nên dạy tôi phát nguyện mong cầu.”

Các quyến thuộc hỏi: “Nay ông dụng tâm như thế nào?”

Trưởng giả đáp: “Này các thân quyến, bây giờ tâm tôi nguyện rằng sẽ không thọ sinh vào bào thai nữa, không thêm mồ mả, không thọ nhận huyết khí. Tôi không thấy trong tôi còn năm hạ phần kiết sử, như Thế Tôn đã dạy. Tôi không thấy trong tôi còn kiết sử nào, nếu không đoạn tận, sẽ trói buộc tái sinh vào đời này.”

Ngay lúc ấy Trưởng giả ngồi dậy từ giường nằm, ngồi kiết già, đặt niệm trước mặt và nói kệ:

“Chứa thức ăn đã chứa,
Rộng độ các hoạn nạn;
Bố thí tăng ruộng phước,
Vun trồng năm chủng lực.

Vì mong muốn nghĩa ấy,
Người tục sống tại nhà.
Ta đều được lợi này,
Đã khỏi các thứ nạn.

Điều thế gian nghe quen,
Xa lìa các việc khó;
Sinh vui, biết chút khó,
Tùy thuận đẳng chánh giác.

Cúng dường người trì giới,
Khéo tu các phạm hạnh;
Lậu tận A-la-hán,
Và ẩn sĩ Thanh văn.

Kiến siêu việt như vậy,
Trên các cõi thù thắng;
Thường làm người bố thí,
Cuối cùng được quả lớn.

Tập hành bố thí chúng,
Cho các ruộng phước tốt;
Nơi đời này mạng chung,
Hóa sinh về cõi trời.

Năm dục được đầy đủ,
Tâm vô lượng mừng vui;
Được báo vi diệu này,
Vì không tâm keo bẩn;
Thọ sinh ở nơi nào,
Đều luôn được vui vẻ.”

Trưởng giả Chất-đa-la nói kệ này xong, liền mệnh chung, sinh vào cõi Vô đọa (Avihā) và Vô phiền thiên (Ātappa devas).


SN 41.10
THĂM NGƯỜI BỆNH
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch
Bình Anson hiệu đính dựa theo bản Anh dịch của Bhikkhu Bodhi

Lúc bấy giờ, gia chủ Citta bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Rồi một số chư thiên ở hoa viên, chư thiên ở rừng, chư thiên ở các ngọn cây, chư thiên ở rừng các dược thảo và các cội cây lớn tụ hội lại và nói với gia chủ Citta: “Này gia chủ, hãy nguyện: ‘Trong tương lai, ta sẽ thành Chuyển luân vương!’”

Khi được nghe nói vậy, gia chủ Citta nói với chư thiên ấy: “Đó là vô thường, đó là không bền vững, cần phải bỏ đi và vượt qua.”

Khi được nghe nói vậy, các bạn bè thân hữu, các quyến thuộc họ hàng nói với gia chủ Citta: “Này gia chủ, hãy an trú trong niệm, chớ có nói lung tung.”

“Tôi đã nói những gì khiến các vị nói với tôi như thế?”

“Này gia chủ, vì ông đã nói như sau: ‘Đó là vô thường, đó là không bền vững, cần phải bỏ đi và vượt qua.’”

“Đó là vì chư thiên ở hoa viên, chư thiên ở rừng, chư thiên ở các ngọn cây, chư thiên ở rừng các dược thảo và các cội cây lớn đã nói với tôi như sau: ‘Này gia chủ, hãy nguyện: ‘Trong tương lai, ta sẽ thành Chuyển luân vương!’’ Cho nên tôi mới trả lời với các vị ấy: ‘Đó là vô thường, đó là không bền vững, cần phải bỏ đi và vượt qua.’”

“Này gia chủ, các chư thiên ấy đã quán thấy ích lợi gì mà lại nói với ông như thế?”

“Các chư thiên ấy đã suy nghĩ như sau: ‘Gia chủ Citta này giữ giới, tánh thiện. Nếu ông ta phát nguyện: ‘Trong tương lai, ta sẽ thành vị Chuyển luân vương!’ – vì ông ta có giới hạnh, tâm nguyện thanh tịnh ấy sẽ thành tựu. Một vị vua chính trực sẽ cúng dường phẩm vật chính trực.’ Do quán thấy ích lợi như thế, chư thiên đã tụ hội lại và nói với tôi: ‘Này gia chủ, hãy nguyện: ‘Trong tương lai, ta sẽ thành Chuyển luân vương!’’ Tuy nhiên, tôi trả lời với các vị ấy: ‘Đó là vô thường, đó là không bền vững, cần phải bỏ đi và vượt qua.’”

“Này gia chủ, hãy giáo giới cho chúng tôi.”

“Vậy các ông cần phải học như sau: ‘Chúng tôi sẽ đầy đủ lòng tin bất động đối với Phật: ‘Ngài là Thế Tôn, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.’’

“’Chúng tôi sẽ có đủ lòng tin bất động đối với Pháp: ‘Ðây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có kết quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.’’

“’Chúng tôi sẽ có đầy đủ lòng tin bất động đối với Tăng: ‘Thiện hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, như lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn, thanh tịnh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn; tức là bốn đôi tám chúng – chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng được tôn kính, đáng được cung kính, đáng được kính lễ, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời.’’

“’Trong gia tộc, tất cả những gì có thể đem cho, chúng tôi sẵn sàng đem cúng dường, chia sẻ cho những vị trì giới và có thiện tánh.’ Các ông cần phải học tập như thế.”

Sau khi khuyến dạy cho các bạn bè thân hữu, các quyến thuộc họ hàng có lòng tịnh tín đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng và khuyến dạy họ có lòng bố thí, gia chủ Citta liền mệnh chung.


 

Itipi so Bhagavā Arahaṃ Sammāsambuddho
Vijjācaraṇasampanno Sugato Lokavidū
Anuttaro Purisadammasārathi
Satthā devamanussānaṃ
Buddho Bhagavāti.

Svākkhāto bhagavato dhammo
Sandiṭṭhiko akāliko ehipassiko
Opanayiko paccattaṃ veditabbo viññūhīti.

Supaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho
Ujupaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho
Ñāyapaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho
Sāmīcipaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho
Yadidaṃ cattāri purisayugāṇi atthapurisapuggalā
Esa bhagavato sāvakasaṅgho
Āhuneyyo pāhuneyyo dakkhiṇeyyo añjalikaranīyo
Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassāti.

Đầu ngọn cờ
Dhajagga Sutta, SN 11.3

"Này các Tỳ-khưu, Ta nói như sau: Khi quý vị đi vào rừng, đi đến gốc cây hay đi đến nhà trống, nếu run sợ, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, trong khi ấy hãy niệm nhớ đến Ta: 'Ngài là Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn'.

Này các Tỳ-khưu, khi quý vị niệm nhớ đến Ta, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, sẽ được tiêu diệt.

Nếu quý vị không niệm nhớ đến Ta, hãy niệm nhớ đến Pháp: 'Ðây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu.'

Này các Tỳ-khưu, khi quý vị niệm nhớ đến Pháp, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt.

Nếu quý vị không niệm nhớ đến Pháp, hãy niệm nhớ đến chúng Tăng: 'Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Thiện hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Trực hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Chánh hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Như pháp hạnh, tức là bốn đôi, tám chúng. Chúng Tăng đệ tử này của Thế Tôn đáng được cúng dường, đáng được hiến dâng, đáng được bố thí, đáng được chấp tay, là vô thượng phước điền ở trên đời.'

Này các Tỳ-khưu, khi quý vị niệm nhớ đến chúng Tăng, thời sợ hãi, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt.

Vì sao? Này các Tỳ-khưu, Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri đã ly tham, ly sân, ly si, không nhát gan, không hoảng hốt, không hoảng sợ, không hoảng chạy.

* * * * * *

 

Gia trưởng Citta: Cư sĩ mẫu mực
Nyanaponika Thera & Hellmuth Hecker
BBT Thích Ca Thiền Viện dịch


Vào một dịp nọ, vì lợi ích cho chư tăng, Đức Phật nêu tên hai mươi mốt vị cư sĩ (upāsaka) ưu tú đã đạt được các đạo quả giải thoát. Người thứ tư trong danh sách này là gia trưởng Citta ở Macchikāsaṇḍa, gần thành Sāvatthi (AN 6:120). Lại một dịp khác, Đức Thế Tôn nói với chư tăng: “Nếu một người mẹ tâm tín thành muốn khuyến khích đứa con trai yêu dấu duy nhất của mình đúng theo Giáo Pháp, sẽ bảo con rằng: ‘Hãy cố gắng được như gia trưởng Citta, hoặc như gia trưởng Hatthaka ở Ālavi. Hai vị này, Citta và Hatthaka, là mẫu mực xứng đáng cho các đệ tử cư sĩ của Như Lai.’ Và người mẹ có thể nói tiếp: ‘Nhưng nếu con quyết tâm xuất gia sống đời tu sĩ, hãy cố gắng noi theo gương của nhị vị Sāriputta và Moggallāna.’ Hai vị này, Sāriputta và Moggallāna, là tấm gương sáng cho các tỳ khưu noi theo” (SN 17:23).

Như vậy, Đức Phật đã nhấn mạnh rằng một đệ tử cư sĩ thuần thành phải luôn ôm ấp quyết tâm được trở thành như Citta hay Hatthaka, trong lúc một tỳ khưu tín tâm phải ước nguyện được sánh bằng Sāriputta và Moggallāna. Đó là hai mẫu mực khác nhau giữa cư sĩ và tu sĩ. Một người tại gia phải chọn noi gương một đệ tử cư sĩ, và một vị tỳ khưu phải chọn mẫu mực từ một vị xuất gia, bởi vì hai cách sống hoàn toàn khác biệt.

Khi nêu các đệ tử xuất sắc nhất về thuyết pháp, Đức Phật kể tên ba vị: tỳ khưu Puṇṇa Mantāṇiputta, tỳ khưu ni Dhammadinnā, và gia trưởng Citta (AN 1:14). Không có tên vị cư sĩ nào khác ngoài Citta với biệt tài này được kinh điển ghi lại. Citta, vị thầy xuất chúng về giảng dạy Giáo Pháp trong hàng đệ tử tại gia, là một phú thương làm chủ cả một thôn làng, Migapathaka, cạnh khu rừng lớn Ambātakavana ở Macchikāsaṇḍa. Nơi đây ông đã cho xây dựng và cúng dường chư tăng một tu viện khang trang để nhiều vị tỳ khưu đến trú ngụ. Tâm tín thành của Citta đối với Đức Thế Tôn được kinh điển giải thích là trong một tiền kiếp, Citta đã từng là người hầu của Đức Bồ Tát và đi theo Ngài sống đời không nhà (Jāt. 488. Có trên mười một câu chuyện về tiền kiếp của vị cận sự thuần thành này, qua đó ta có thể thấy được những cá tính nổi bật của Citta.

Citta đặc biệt ngưỡng mộ một tỳ khưu, Đại đức Sudhamma, và luôn luôn thỉnh ý vị này mỗi khi muốn thỉnh các vị tăng khác đến nhà cúng dường trai tăng. Vào ngày nọ, các vị trưởng lão Sāriputta, Moggallāna, Anuruddha, Ānanda, và một số vị tỳ khưu trí tuệ và đức độ khác trên đường du hóa ghé lại Macchikāsaṇḍa. Ngay lập tức Citta đến đảnh lễ chư vị và được ngài Sāriputta ban một bài pháp rất thâm sâu đến nỗi Citta đạt được quả vị thánh thứ hai, nhất lai (sakadāgāmī). Citta liền thỉnh mời đoàn thánh tăng lỗi lạc này đến nhà mình thọ trai vào ngày kế đó. Khi sực nhớ là lần này mình đã quên thỉnh ý Sudhamma, Citta vội vã đến báo tin này.

Nghe xong, Đại đức Sudhamma sanh lòng ganh tỵ, quở trách Citta sao không hỏi ý ông trước. Dù Citta hết lời thỉnh cầu Sudhamma cùng tham dự buổi trai tăng, nhưng ông ngạo mạn từ chối. Citta khẩn khoản thỉnh mời hai lần nữa, nhưng vẫn vô hiệu. Lúc đó, Citta nghĩ rằng sự cố chấp không chịu tham dự của Sudhamma cũng không ảnh hưởng gì đến việc cúng dường và phước quả của công đức này, nên ông ra về và hân hoan chuẩn bị cho buổi trai tăng long trọng ngày mai.

Tuy nhiên, qua hôm sau, Sudhamma chẳng thể cầm lòng tránh mặt nên đến tham dự như thể chẳng có chuyện gì xảy ra, và hết lời khen ngợi sự hiếu khách hào phóng và lịch lãm của Citta, nhưng lại châm thêm một câu mai mỉa: “Buổi trai tăng này lẽ ra thành tựu mỹ mãn nếu có dâng thêm món bánh kem để kết thúc bữa ăn!”

Citta trả lời rằng cư xử thiếu suy nghĩ sáng suốt của vị này khiến ông nhớ đến một câu chuyện đã được nghe về một người cho một con quạ và một con gà mái lai giống. Con gà con sanh ra với một khuyết tật kỳ quái. Mỗi khi nó muốn gáy to như tiếng gà trống, giọng nó lại chói tai như tiếng quạ kêu; còn khi nó cố gắng kêu như tiếng quạ, nó lại gáy vang như tiếng gà trống. Với câu chuyện này, Citta muốn nói rằng Sudhamma không những thiếu phẩm hạnh của một tỳ khưu mà còn không có sự lễ độ của một cư sĩ. Vì ganh tỵ mà từ chối lời thỉnh mời là một thái độ không phải lẽ của một vị tu sĩ, và chê bai thức ăn là thiếu phép lịch sự của một người gia trưởng.

Sudhamma bị xúc phạm nặng nề và muốn bỏ ra về. Citta ngỏ lời xin hộ trì Sudhamma đến trọn đời, nhưng vị tỳ khưu từ chối. Citta bèn mời Sudhamma đến viếng Đức Phật và thỉnh ý Ngài về những gì đã xảy ra. Vị tỳ khưu đột ngột bỏ về.

Khi được thuật lại sự việc trên, Đức Phật quở trách Sudhamma: “Thật thiểu trí, những gì sư làm thật khó coi, khiếm nhã, thô tháo, không đúng với cung cách của một đạo sĩ. Sao sư lại phỉ báng và khinh rẻ một người cư sĩ nhiệt tâm và thuần thành, một ân nhân đã hết lòng hộ trì Tăng chúng?” Và trong một buổi họp Tăng già sau đó, chư tăng quyết định là Sudhamma nên đến nhà Citta và xin vị này tha lỗi.

Sudhamma hứa sẽ làm theo nhưng khi đến gần nhà Citta, đại đức thấy rất ngượng ngùng, không thể làm được những gì phải làm, nên quay về mà không gặp Citta. Các tỳ khưu đồng môn biết được sự việc và trình lên Đức Phật. Bổn Sư bèn dạy một tỳ khưu khác cùng đi theo với Sudhamma để làm tròn việc khó này. Và cuối cùng đại đức được Citta thứ lỗi.
Trong mười bài pháp của kinh Tương Ưng Citta (Citta Saṁyutta), có ba bài Citta nêu câu hỏi lên chư tăng, ba bài chư tăng hỏi Citta, và bốn bài liên quan đến các sự kiện cá nhân.
Có lần Citta thỉnh mời một nhóm trưởng lão tăng ngụ tại tu viện ông đã cúng dường đến nhà thọ trai. Sau đó, Citta mời vị sư cao hạ nhất giảng giải lời Phật dạy về “giới sai biệt” hay sự khác biệt giữa các yếu tố. Vị này không giải thích được. Sau khi Citta thỉnh cầu ba lần, vị tỳ khưu mới tu và nhỏ hạ nhất, tên Isidatta, xin được phép trả lời thay. Được vị tỳ khưu niên trưởng chấp thuận, Isidatta, đệ tử của ngài Mahā Kaccāna, đã làm sáng tỏ vấn đề dựa trên tính chất căn bản của mười tám yếu tố hay mười tám giới: sáu căn, sáu trần và sáu thức – nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới, v.v.

Trên đường về lại tu viện, vị tỳ khưu niên trưởng khen ngợi lời giảng giải xuất sắc của vị sa môn trẻ Isidatta, và nói rằng lần sau, trong trường hợp tương tự, Isidatta đừng ngần ngại lên tiếng để trình bày Giáo Pháp. Trong tâm vị trưởng lão này không có chút mảy may ganh tỵ, trái lại, còn vô cùng hoan hỷ (muditā) trước sự hiểu biết Giáo Pháp thâm sâu của người sư đệ mới tu. Về phần Isidatta cũng không hề khởi tâm kiêu mạn. Như vậy cả hai đều đã tuân thủ lý tưởng của đời sa môn (SN 41:2).

Trong một dịp khác, Citta nêu lên câu hỏi: “Tà kiến về thế giới và về ngã khởi lên từ đâu” và thỉnh cầu chư tăng giảng giải lời Phật dạy về vấn đề này trong Kinh Phạm Võng (Brahmajāla Sutta). Vị trưởng lão lần này cũng nhờ Isidatta trả lời thay thế. Isidatta giải thích rằng tà kiến luôn luôn có mặt từ thân kiến (sakkāyadiṭṭhi). Citta hỏi tiếp về nguồn gốc của thân kiến. Isidatta trả lời rằng phàm nhân không học hỏi và tu tập Giáo Pháp cho ngũ uẩn là tự ngã, là “tôi” hay “của tôi.” Cứ như thế vị ấy tiếp tục xây dựng ảo giác về tự ngã từ những hiện tượng vô thường, phù du, trống rỗng: sắc, thọ, tưởng, hành, và thức. Và như vậy là thân kiến có mặt.

Cư sĩ Citta hết sức hoan hỷ về giảng giải thỏa đáng và súc tích của Isidatta nên hỏi Đại đức từ đâu đến. “Này gia chủ,” Isidatta trả lời, “tôi từ Avantī đến.” Vì không biết tên của vị sa môn trí tuệ, Citta hỏi: “Bạch Đại đức, tại Avantī, có một thiện nam tên Isidatta, một người bạn của chúng tôi. Có phải vị ấy đã xuất gia tu hành?” “Thưa phải, này gia chủ.” “Bạch Đại đức, hiện nay vị sư ấy ở đâu?” Nghe vậy, Isidatta im lặng. Citta hỏi vị trưởng lão: “Bạch ngài, có phải vị đại đức này là Isidatta?” “Thưa phải, này gia chủ.”

Citta vui mừng mình có một người bạn tên Isidatta, ở Avantī, mà ông thường liên lạc thư từ, giải thích Giáo Pháp và khuyến khích vị ấy xuất gia. Citta chưa bao giờ biết mặt Isidatta, và giờ đây ông hoan hỷ vô cùng biết được người bạn thư tín trước đây nay đã xuất gia và hiện đang ngồi trước mặt mình. Citta tha thiết muốn hộ trì trọn đời cho tỳ khưu Isidatta. Nhưng Isidatta, dù rất trân trọng thỉnh nguyện chân thành ấy, đã từ chối và bỏ đi, không bao giờ trở lại (SN 41:3).

Chú giải không giải thích vì sao Isidatta lại bất ngờ bỏ đi. Có lẽ vị tỳ khưu này có hạnh sống mai danh ẩn tích, và giờ đây, qua cuộc đàm luận với Citta, thân thế đã rõ nên cảm thấy không thể ở lại trú xứ này nữa. Isidatta đắc thánh quả a-la-hán, và tất cả những gì biết thêm về ngài chỉ là một vần kệ ngắn nói về ngũ uẩn trong Trưởng Lão Tăng Kệ mà ngài đã bạch lên Đức Thế Tôn khi được hỏi về sự tiến bộ trên đường tu hành. Isidatta thưa rằng: “Từ khi con tu tập trong Pháp và Luật của Đức Tôn Sư, mọi sầu khổ đều chấm dứt, và con sống không có sự sợ hãi” rồi thốt lên vần kệ ngắn này:

Năm uẩn được rõ biết,
Đứng với rễ chặt đứt,
Khổ diệt đã đạt được,
Đoạn lậu hoặc đã chứng.
(Thag. 120)

Trong lần thứ ba mà Citta là người vấn đạo, người đáp là một vị tỳ khưu tên Kāmabhū. Citta đã đặt ra không dưới mười một câu hỏi trừu tượng liên quan đến ba hành (saṅkhārā) – thân hành, khẩu hành, và ý hành – và sự diệt tận của chúng (SN 41:6). Những câu hỏi này cũng giống các câu mà gia trưởng Visākha đã nhờ ni sư Dhammadinnā làm sáng tỏ (MN 44).

Bài pháp thứ nhất trong kinh Tương Ưng Citta, trong đó cư sĩ Citta được chư tăng mời chia sẻ ý kiến, xảy ra khi một số chư tăng bàn luận về có sự khác biệt hay không giữa kiết sử (pháp sai khiến và trói buộc, saṁyojana) và các pháp bị kiết sử (căn, trần). Khi được chư tăng hỏi ý kiến, Citta nói rằng, theo hiểu biết của ông, hai pháp ấy khác nhau. Citta cho thí dụ và giải thích:

“Bạch chư vị, ví như một con bò đen và một con bò trắng được cột dính lại nhau bởi một sợi dây hay một cái ách. Chúng không là kiết sử của nhau. Sợi dây hay cái ách chính là kiết sử, là trói buộc.

“Cũng như vậy, mắt không phải là trói buộc của các sắc; các sắc không phải là trói buộc của mắt. Nhưng do duyên khởi lên tham ái gì, tham ái ấy chính là trói buộc. Cũng như vậy với tai và âm thanh, mũi và mùi hương, lưỡi và vị, thân và xúc chạm, ý và pháp.”

Chư tỳ khưu hiện diện hoan hỷ tán thán lời giải thích của vị cư sĩ tinh thông Giáo Pháp và nói rằng Citta có tuệ nhãn thấu suốt lời dạy thâm sâu của Đức Phật (SN 41:1).
Bài pháp thứ hai ghi lại pháp đàm giữa Đại đức Kāmabhū và cư sĩ Citta, qua đó – khi được vấn pháp – Citta giải thích cho Kāmabhū ý nghĩa một bài cảm hứng kệ của Đức Thế Tôn tán thán Đại đức Lakumthakabhaddiya, một vị tỳ khưu có thân tướng xấu xí, lưng khòm, khó coi. Lúc bấy giờ Bổn Sư thấy Lakumthakabhaddiya đi theo sau lưng các huynh đệ sa môn và bị nhiều vị tỏ vẻ khinh miệt, nên nói lên kệ này (Ud. 7.5):

Tán trắng không khiếm khuyết
Che ở trên cỗ xe
Với một trục quay vòng.
Hãy nhìn xem vị ấy
Đang đến từ sau lưng,
Không phiền não, trói buộc,
Đã chặt đứt được dòng.

Neḷaṅgo setapacchādo, ekāro vattatī ratho
Anīghaṁ passa āyantaṁ chinnasotaṁ abandhanaṁ.

Trước tiên, cư sĩ Citta muốn biết cảm hứng kệ này có phải được Đức Phật thốt lên không, và Kāmabhū xác nhận điều này. Citta thưa: “Bạch ngài, xin hãy chờ giây lát cho con nghĩ đến ý nghĩa.” Rồi Citta, sau khi im lặng một lúc, giải thích kệ như sau:

“Không khiếm khuyết (neḷaṅgo) là giới hạnh trong sạch; tán trắng (setapacchādo) là giải thoát; cỗ xe (ratho) là thân do tứ đại tạo thành, vô thường, bị biến hoại, bị hủy diệt, đang quay vòng (vattatī) theo trục xe; trục xe (ekāro) là chánh niệm.

“Vậy hãy nhìn vị đang đi đến (āyantaṁ) từ sau lưng (passa); vị ấy đã thoát khỏi mọi cấu uế, phiền não (anīghaṁ) và mọi trói buộc (abandhanaṁ); vị ấy đã chặt đứt (chinna) được dòng nước (sotaṁ); dòng nước là sự khát ái.

“Như vậy, vị ấy chính là bậc A-la-hán trong sạch, đã đoạn tận các lậu hoặc và kiết sử, chặt đứt gốc rễ tham, sân, si, không còn tái sanh trở lại trong biển ái trầm luân nữa” (SN 41:5, tóm lược).

Bài pháp thứ ba ghi lại pháp đàm giữa Đại đức Godatta và cư sĩ Citta. Khi được vấn pháp, Citta trình bày cho Đại đức về sự giống nhau và khác biệt, tùy theo pháp môn, giữa:

· vô lượng tâm giải thoát vô lượng,
· vô sở hữu tâm giải thoát (vô sở hữu: không ràng buộc bởi “của ta”),
· không tâm giải thoát (không: trống rỗng, không tự ngã “ta” và không sở hữu “của ta”),
· vô tướng tâm giải thoát (vô tướng: không tác ý tất cả các hình tướng).

Citta giải thích thêm rằng, khi các pháp này đồng ý nghĩa và chỉ khác ngôn từ, thì cả bốn pháp đều biểu hiện tâm giải thoát – không tham, không sân, không si – bất thối, không lay chuyển của bậc a-la-hán (SN 41:7).

Các bài pháp trên chứng tỏ ông làmột cư sĩ tại gia xuất chúng về biện tài, về pháp học, và về hành thiền, khiến chư tỳ khưu phải kính phục. Ngoài ra, cũng có nhiều sự kiện cá nhân được ghi lại trong kinh Tương Ưng Citta.

Một ngày nọ Citta tiễn chân các vị sư về lại tu viện sau khi thọ trai ở nhà mình. Trời thật nóng bức nên chư vị đều đổ mồ hôi dầm dề. Vị tỳ khưu nhỏ hạ nhất, tên Mahaka, bèn nói với vị tỳ khưu niên trưởng rằng chắc ai cũng mong một luồng gió hay cơn mưa. Lời nhận xét có vẻ bâng quơ, tầm thường, nhưng ngầm nói rằng Mahaka có thể dùng thần thông thực hiện việc đó và đang xin phép vị tỳ khưu niên trưởng. Sau đó Mahaka tạo được một cơn mưa để các vị đồng hành được mát mẻ. Citta hết sức thán phục, nhất là vì Mahaka còn rất trẻ.

Khi đến tu viện, vị tỳ khưu niên trưởng dạy Mahaka: “Làm như vậy là vừa rồi, này Mahaka. Cúng dường như vậy là vừa rồi.” Rồi các tỳ khưu trưởng lão về lại tịnh cốc. Citta đi theo Mahaka và yêu cầu Mahaka biểu diễn thần thông một lần nữa. Có lẽ lần đầu tiên Citta được chứng kiến kỳ công siêu phàm đặc biệt này nên cảm thấy hiếu kỳ. Mahaka chấp thuận và kêu Citta đặt một cái áo khoác và một bó cỏ khô ở ngoài hiên. Sau đó Mahaka đi vào trong cốc và đóng cửa lại. Rồi Mahaka dùng thần lực tạo ra một luồng hơi cực nóng, hướng nó phun ra từ lỗ khóa, thiêu cháy bó cỏ ra tro nhưng không làm hư hại chiếc áo khoác.

Vô cùng khâm phục, Citta thỉnh cầu Mahaka hãy tiếp tục trú ngụ ở Macchikāsaṇḍa để ông được hộ trì Mahaka trọn đời. Tuy nhiên, cũng giống như Isidatta trước đây, Mahaka cũng bỏ đi và không bao giờ trở lại. Đây là vì Đức Thế Tôn đã ban hành điều luật là chư tỳ khưu không được phép thi triển thần thông chỉ để người đời thán phục (Vin. 2:112). Mahaka trẻ tuổi, mới tu, và các năng lực thần thông này vẫn còn mới lạ và gây nhiều hứng khởi đối với Mahaka, vì vậy, đã không thể cưỡng lại lời đề nghị của Citta. Nhưng ngay sau đó, Mahaka nhớ lại điều luật và xử sự thích đáng bằng cách rời bỏ Macchikāsaṇḍa, không bao giờ trở lại nữa (SN 41:4).

Ngoài chư tỳ khưu đệ tử của Đức Phật, thành phố nơi Citta cư ngụ còn thường được các vị đạo sĩ thuộc các giáo phái khác đến viếng. Một trong các vị này là giáo chủ đạo Jain, tên Nigaṇṭha Nātaputta. Citta cũng tiếp đón và đàm luận với Nātaputta vì không hề coi rẻ các tu sĩ ngoại đạo (SN 41:4). Nātaputta muốn biết Citta có tin vào câu tuyên bố của Đức Phật rằng có một trạng thái thiền định (samādhi) xả bỏ hai thiền chi tầm-tứ (vitakka-vicāra). Citta trả lời là mình không tin có pháp này. Câu trả lời này khiến Nātaputta rất vui mừng vì có thêm một nhân vật nổi tiếng như Citta đứng về phe mình chống lại quan điểm của Đức Phật. Ông ta tiếp tục giải thích niềm tin của mình rằng làm ngưng bặt được dòng suy nghĩ rất khó, giống như lấy đôi tay người bé nhỏ để ngăn chặn dòng chảy của sông Hằng.

Nhưng thật ra Nātaputta không nắm bắt được ngụ ý của Citta. Sau đó Citta mới hỏi: “Ngài nghĩ thế nào, niềm tin và trí tuệ, cái nào thù thắng hơn?” Nātaputta trả lời: “Dĩ nhiên là trí tuệ!” Lúc ấy, Citta giải thích là mình đã thân chứng được tất cả các tầng thiền định (jhāna), trong đó ba tầng cuối cùng quả thật không có tầm và tứ. Như vậy đối với Citta không có niềm tin mà là có kinh nghiệm trực tiếp để khẳng định rằng lời của Đức Phật là hoàn toàn chính xác. Đến lúc đó Natāputta mới thấy rõ rằng mặc dù Citta còn sống đời cư sĩ tại gia nhưng đã đạt được mức hiểu biết cao nhất về các tầng thiền định, trong lúc mình là một đạo sư nổi tiếng nhưng công phu hành thiền chưa thành tựu và, vì vậy, kiến thức chỉ ở mức độ lý thuyết, cũng giống như các triết gia đương thời.

Cuộc gặp gỡ thứ ba được ghi lại là giữa cư sĩ Citta và một đạo sĩ lõa thể tên Kassapa (SN 41:9). Vị này là bạn cũ của gia đình Citta, sau nhiều năm tu hành, trở lại viếng thăm Citta. Citta hỏi Kassapa đã sống đời đạo sĩ được bao lâu.

“Ba mươi năm,” Kassapa trả lời.

Citta hỏi tiếp rằng Kassapa đã chứng đạt được các trạng thái an lạc siêu phàm hay tuệ giác thù thắng nào chưa.

“Không,” Kassapa trả lời, “ta chỉ hành hạnh lõa thể, cạo đầu, và quét bụi chỗ ngồi thôi.”

Nghe rằng đời bạn chỉ có thế trong suốt ba mươi năm, Citta rất ngạc nhiên. Đến phiên Kassapa hỏi Citta đã là cư sĩ đệ tử của Đức Phật bao lâu rồi.

“Ba mươi năm,” Citta trả lời.

Kassapa hỏi tiếp rằng Citta đã chứng đạt được các trạng thái an lạc siêu phàm hay tuệ giác thù thắng nào chưa.

“Chắc chắn là có. Tôi đã thân chứng tứ thiền, và nếu tôi chết trước Đức Phật, Ngài sẽ xác nhận rằng không còn một lậu hoặc nào có thể trói buộc tôi vào cõi dục giới này nữa.”
Nghe câu nói này, Kassapa hiểu được là Citta đã đạt được đạo quả bất lai (anāgāmi), tầng thứ ba trong bốn tầng thánh giác ngộ giải thoát. Vị đạo sĩ, mòn mỏi và kiệt sức vì pháp tu ép xác khổ hạnh, vô cùng kinh ngạc khi biết một cư sĩ có thể đạt mức chứng đắc cao cả đến thế. Kassapa suy nghiệm rằng nếu một đệ tử tại gia tu tập theo Giáo Pháp của Đức Phật chứng đắc được vậy thì mức thành tựu của một vị tỳ khưu còn cao thượng biết bao nhiêu. Nghĩ vậy, Kassapa bèn nhờ Citta giúp cho mình được gia nhập đoàn thể Tăng già. Và không bao lâu sau khi thọ tỳ khưu, Kassapa đắc đạo quả A-la-hán.

Ba người bạn khác của Citta cũng đều trở thành tỳ khưu sau khi chia sẻ Pháp Bảo với Citta. Đó là: Sudhamma, Godatta và Isidatta – đã được nhắc đến ở phần trên. Cả ba vị sa-môn này đã đạt quả vị giải thoát cao tột nhất, vượt qua hẳn cư sĩ Citta.

Câu chuyện cuối cùng về Citta liên quan đến cái chết của ông (SN 41:10). Lúc bấy giờ, khi ông lâm trọng bệnh, chư thiên hiện xuống thúc giục ông hãy nguyện sẽ thành một chuyển luân thánh vương trong kiếp tới.

“Không,” Citta trả lời, “đó là vô thường, cần phải bỏ đi và vượt qua.”

Đây là vì Citta đã hướng về một mục tiêu cao cả, thánh thiện và an tịnh hơn: Niết Bàn vô điều kiện. Khi nhắc nhở Citta hãy nguyện tái sanh thành một chuyển luân thánh vương, có lẽ chư thiên không biết được tất cả những chứng đắc tâm linh của ông, vì với mức độ thành đạt ấy, ông không còn quay lại cõi người. Citta đã vượt thoát mọi cám dỗ của dục vọng, ràng buộc chúng sanh vào cõi nhân gian.

Thân nhân của ông, không thấy được chư thiên, nên tưởng là ông đang bị mê sảng. Citta trấn an họ, giải thích là mình đang nói chuyện với chư thiên vô hình. Do đó gia đình tha thiết muốn được ông giáo giới, truyền lại những lời khuyên nhủ và sách tấn sau cùng. Citta căn dặn gia quyến phải luôn luôn đặt niềm tin vào Đức Phật và Giáo Pháp của Ngài, và phải kiên trì, trước sau như một, hộ trì đoàn thể Tăng già phạm hạnh thật đầy đủ và rộng rải.

Như vậy vị đệ tử cư sĩ cao quý của Đức Phật đã trao truyền lại cho thân quyến mẫu mực tu tập mà trọn một đời ông đã thực hành viên mãn và đạt được mục tiêu cuối cùng là quả Bất Tử, giải thoát khỏi mọi khổ đau trần thế.

--*-*-*--

 

Tỉnh thức trước bệnh tật và cái chết
Lời Phật dạy trong kinh văn nguyên thủy

Bhikkhu Analayo (2017). Mindfully Facing Disease and Death: Compassionate Advice from Early Buddhist Texts.

MỤC LỤC TỔNG QUÁT

Dẫn nhập

BỆNH TẬT

Chương 01 - Đức Phật như là một vị y sĩ vô thượng
Chương 02 - Thân bệnh, tâm an
Chương 03 - Mũi tên của đau khổ
Chương 04 - Phẩm chất của bệnh nhân và người chăm sóc
Chương 05 - Tiềm năng chữa bệnh của các chi phần giác ngộ
Chương 06 - Giảm thiểu cơn đau trong tỉnh thức
Chương 07 - Chịu đựng cơn đau trong tỉnh thức
Chương 08 - Tỉnh thức đối mặt bệnh tật
Chương 09 - Không sợ hãi khi bị bệnh
Chương 10 - Liều thuốc nội quán
Chương 11 - Những lời dạy giải thoát từ một bệnh nhân
Chương 12 - Chương trình hành thiền chữa bệnh

CÁI CHẾT

Chương 13 - Chết là điều tất nhiên
Chương 14 - Tự do tỉnh thức không buồn rầu
Chương 15 - Cận tử và các phạm trú
Chương 16 - Các hướng dẫn trước khi chết
Chương 17 - Không chấp thủ và bệnh bất trị mạt kỳ
Chương 18 - Lời khuyên về chăm sóc thoa dịu
Chương 19 - Chết trong tỉnh thức
Chương 20 - Tiềm năng giải thoát của cái chết
Chương 21 - Sức mạnh của nội quán lúc cận tử
Chương 22 - Những lời cuối của một đệ tử cư sĩ thành đạt
Chương 23 - Trạng thái thiền của Đức Phật khi nhập diệt
Chương 24 - Quán tưởng về cái chết

Kết luận và các hướng dẫn hành thiền

Dẫn nhập
Các hướng dẫn hành thiền cho ngài Girimānanda
(1) Quán vô thường
(2) Quán vô ngã
(3) Quán bất tịnh
(4) Quán nguy hại
(5) Quán từ bỏ
(6) Quán xả ly
(7) Quán diệt tận
(8) Quán không tham luyến vào toàn thế giới
(9) Quán các hành là vô thường
(10) Quán hơi thở

 


CÁC CHỦ ĐỀ GIÁO THUYẾT TRONG MỖI CHƯƠNG

Chương 01 - Tứ thánh đế và Bát chi thánh đạo, danh hiệu của Như Lai
Chương 02 - Năm uẩn chấp thủ, vị ngọt và nguy hại
Chương 03 - Bảy khuynh hướng ngủ ngầm và ba loại cảm thọ
Chương 04 - Bốn phạm trú
Chương 05 - Năm triền cái, bảy chi phần giác ngộ và cách tu dưỡng
Chương 06 - Bốn pháp lập niệm, pháp nhãn, và đạt thiền diệt
Chương 07 - Tầm quan trọng của chư thiên
Chương 08 - Bốn cấp bậc giác ngộ, năm hạ phần kiết sử, và tam vô lậu học
Chương 09 - Bốn chi phần Dự Lưu và ngũ giới
Chương 10 - Hai mươi loại thân kiến và ba lậu hoặc
Chương 11 - Vô ngã và sự khác biệt giữa Dự Lưu và giác ngộ hoàn toàn
Chương 12 - Bốn tưởng điên đảo

Chương 13 - Phật Độc Giác và mười lực, bốn pháp vô sở úy của Như Lai
Chương 14 - Năm vô lậu học và ba mươi bảy chi phần đưa đến giác ngộ
Chương 15 - Vai trò các cõi trời
Chương 16 - Tam Bảo và đường đến quả Dự Lưu
Chương 17 - Ba tướng và bốn loại thức ăn
Chương 18 - Tinh luyện tiệm tiến của hạnh phúc
Chương 19 - Duyên sinh
Chương 20 - Chánh kiến lúc cận tử
Chương 21 - Sáu căn
Chương 22 - Tầm quan trọng của Chuyển Luân Vương
Chương 23 - Bốn tầng thiền hữu sắc và bốn tầng thiền vô sắc
Chương 24 - Quán tưởng về cái chết

* * *

 

Bhikkhu ANALAYO (1962-)
Centre for Buddhist Studies, University of Hamburg, Germany

Tỳ-khưu Analayo sinh năm 1962 tại Đức. Sư xuất gia gieo duyên năm 1990 tại chùa Wat Suan Mokkh ở miền nam Thái Lan. Năm 1994, Sư đến Sri Lanka xuất gia với ngài Hòa thượng Balangoda Ananda Maitreya, và sau đó thọ giới tỳ-khưu với Hòa thượng Pemasiri vào năm 2007 trong hệ phái Shwegyin Nikaya (bắt nguồn từ hệ phái chính Amarapura Nikaya). Tuy nhiên, Bhikkhu Bodhi là vị thầy chính.

Sư hoàn tất chương trình tiến sĩ tại University of Peradeniya năm 2000 và luận án tiến sĩ được xuất bảm thành sách với tựa đề “Satipaṭṭhāna, the Direct Path to Realization”. Cuốn sách được nhiều người khen ngợi, đã được tái bản nhiều lần và dịch sang 10 thứ tiếng. Bản tiếng Việt được Cư sĩ Nguyễn Văn Ngân dịch, với tựa đề “Satipaṭṭhāna, Con đường thẳng tới giác ngộ”, xuất bản năm 2017.

Hiện nay, Sư là giáo sư Phật học tại Trung tâm Phật học của Đại học Hamburg, Đức quốc (Centre for Buddhist Studies, University of Hamburg), Đại học Phật giáo Pháp Cổ, Đài Loan (Dharma Drum Buddhist College, Taiwan). Sư là đồng sáng lập viên Nhóm Nghiên cứu A-hàm (Āgama Research Group) và là giảng sư của Trung tâm Phật học Barre, Hoa Kỳ (Barre Center for Buddhist Studies).

Hiện nay (2018), ngài trú và tịnh tu tại Trung tâm Phật học Barre, bang Massachusetts, Hoa Kỳ.

Các nguồn thông tin:

1) Wikipedia: https://en.wikipedia.org/wiki/Bhikkhu_Analayo 
2) University of Hamburg: https://www.buddhismuskunde.uni-hamburg.de/en/personen/analayo.html 

------------------

Giáo sư AMING TU

Giáo sư Aming Tu (杜正民 - Đỗ Chính Dân, Du Zhengmin) là một sáng lập viên của hội CBETA (Chinese Buddhist Electronic Text Association, Hiệp hội Kinh văn Điện tử Phật giáo Trung Hoa) và đã từng là Giám đốc Điều hành của Hội (1998-2006). Ông là giáo sư Tin học và đã có nhiều đóng góp quan trọng trong dự án số hóa Tam tạng Kinh điển tiếng Hán. Năm 2005, ông bị bệnh và được chẩn đoán là bị bệnh ung thư gan, phải vào bệnh viện 10 ngày và trải qua một cơn đau đớn rất khắc nghiệt.

Sau khi rời bệnh viện, ông tìm đọc các bản kinh trong Hán tạng và tạng Pali có ghi lại các lời dạy của Đức Phật và các vị đại đệ tử để đối phó với cơn đau, bệnh tật và cái chết. Ông suy ngẫm và thực hành theo đó, và nhờ vậy, đã giúp ông rất nhiều để chịu đựng các cơn đau và viễn ảnh của cái chết không thể tránh được.

Ông thảo luận các vấn đề nầy với tỳ-khưu Anālayo – lúc ấy, Sư đang nghiên cứu và dịch các bản kinh A-hàm. Ông đề nghị Sư khai triển thành một cuốn sách với nội dung về phương cách đối diện với bệnh tật và cái chết, dựa theo các bản kinh của Phật giáo Sơ kỳ – bộ A-hàm trong Hán tạng và Nikāya trong tạng Pāli, cùng với những hướng dẫn thực tế để hành thiền, giúp hành giả có đủ nghị lực, hiểu biết và tỉnh thức để trực diện với các vấn đề tất yếu đó của kiếp người.

Sau khi Sư hoàn tất viết cuốn sách, Gs Tu đọc bản thảo, rất hoan hỷ và viết Lời Bạt, đề cập đến nguyên nhân ra đời của cuốn sách. Cuốn sách được xuất bản vào đầu năm 2017 và được nhiều vị thiền sư, học giả khen ngợi, tán thán. Một điều buồn là Gs Aming Tu không thấy được ấn bản chính thức. Ông qua đời vào tháng 11 năm 2016.

* * *

[ Home ]

31-08-2020