Đàm luận Phật Pháp
- 31 -

Niệm ân đức Tam Bảo  

 

 

Itipi so Bhagavā Arahaṃ Sammāsambuddho
Vijjācaraṇasampanno Sugato Lokavidū
Anuttaro Purisadammasārathi
Satthā devamanussānaṃ
Buddho Bhagavāti.

Svākkhāto bhagavato dhammo
Sandiṭṭhiko akāliko ehipassiko
Opanayiko paccattaṃ veditabbo viññūhīti.

Supaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho
Ujupaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho
Ñāyapaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho
Sāmīcipaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho
Yadidaṃ cattāri purisayugāṇi atthapurisapuggalā
Esa bhagavato sāvakasaṅgho
Āhuneyyo pāhuneyyo dakkhiṇeyyo añjalikaranīyo
Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassāti.

Tải tập tin âm thanh MP3 về máy vi tính: dhajagga_top-of-the-banner.mp3

Đầu ngọn cờ
Dhajagga Sutta, SN 11.3

"Này các Tỳ-khưu, Ta nói như sau: Khi quý vị đi vào rừng, đi đến gốc cây hay đi đến nhà trống, nếu run sợ, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, trong khi ấy hãy niệm nhớ đến Ta: 'Ngài là Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn'.

Này các Tỳ-khưu, khi quý vị niệm nhớ đến Ta, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên, sẽ được tiêu diệt.

Nếu quý vị không niệm nhớ đến Ta, hãy niệm nhớ đến Pháp: 'Ðây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu.'

Này các Tỳ-khưu, khi quý vị niệm nhớ đến Pháp, thời sợ hãi, hoảng hốt hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt.

Nếu quý vị không niệm nhớ đến Pháp, hãy niệm nhớ đến chúng Tăng: 'Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Thiện hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Trực hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Chánh hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Như pháp hạnh, tức là bốn đôi, tám chúng. Chúng Tăng đệ tử này của Thế Tôn đáng được cúng dường, đáng được hiến dâng, đáng được bố thí, đáng được chấp tay, là vô thượng phước điền ở trên đời.'

Này các Tỳ-khưu, khi quý vị niệm nhớ đến chúng Tăng, thời sợ hãi, hoảng hốt, hay lông tóc dựng ngược có khởi lên sẽ tiêu diệt.

Vì sao? Này các Tỳ-khưu, Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri đã ly tham, ly sân, ly si, không nhát gan, không hoảng hốt, không hoảng sợ, không hoảng chạy.
 

-ooOoo-

 

(Trích: "Quy y Tam bảo", Bình Anson)

Người Phật tử hằng ngày đọc tụng, suy ngẫm, xưng tán mười hồng danh của Ðức Thế Tôn là: Ðấng Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

- Ðấng Ứng Cúng (Arahaṁ), còn phiên âm là A-la-hán, vì Ngài có phẩm hạnh hoàn toàn trong sạch, đã tận diệt ô nhiễm, xa lìa những bợn nhơ ngủ ngầm trong tâm. Ngài đã phá tan và thoát ra khỏi vòng luân hồi, chấm dứt chuỗi dài sinh tử triền miên và không còn tái sinh trong cõi Ta-bà này nữa. Ngài là bậc chí tôn chí thánh, xứng đáng để chư Thiên và nhân loại lễ bái cúng dường.

- Ðấng Chánh Biến Tri (Sammāsambuddho), vì Ngài thông suốt các pháp một cách chân chánh và tự mình chứng ngộ, không thầy chỉ dạy. Nơi đây, "không thầy chỉ dạy" có nghĩa là không có vị thầy nào chỉ dạy cho Ngài phương pháp tu học để chứng đắc Ðạo Quả Chánh Ðẳng Chánh Giác. Trước kia, Ngài có học với những vị thầy như Ālāra Kālāma, Uddaka Rāmaputta để hiểu biết thế gian pháp, nhưng để tiến đến tầng siêu thế thì chính Ngài phải tự mình quán nhìn vào trong, tìm chân lý bên trong. Đắc tuệ giải thoát, Ngài chứng ngộ Chân Lý tối hậu, chưa từng được biết.

- Ðấng Minh Hạnh Túc (Vijjācaraṇa-sam panno), vì Ngài có đầy đủ minh trí và giới hạnh, trí tuệ viên thông, vừa sâu sắc vừa mênh mông bao quát, đức hạnh thanh cao siêu xuất.

- Ðấng Thiện Thệ (Sugato) là người đi chân chánh. Ngài đi chân chánh vì đi trên Con Ðường Cao Quý, tức Bát Chánh Ðạo. Ngài đi theo phương pháp chân chánh, vì dứt bỏ mọi luyến ái và hướng đến trạng thái chu toàn. Mục tiêu cuộc hành trình của Ngài là chân chánh vì đó là Niết Bàn. Ngài đi chân chánh vì đi thẳng đường, không quanh co hay lui tới.

- Ðấng Thế Gian Giải (Lokavidū), vì Ngài thông suốt cả Tam Giới gồm Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới. Ngài đã kinh nghiệm và thông suốt thấu đáo thế gian dưới tất cả mọi khía cạnh như về bản chất cá nhân, về sự phát sinh, sự chấm dứt và phương tiện đưa đến chấm dứt thế gian.

- Ðấng Vô Thượng Sĩ (Anuttaro), không ai sánh bằng, vô song, vô thượng. Trong toàn thể tam giới, Ðức Phật có nhiều đặc tính cao thượng, quý trọng hơn tất cả, về giới hạnh, về pháp hành thiền, về trí tuệ, về giải thoát, về tri kiến giải thoát, không ai hơn hoặc sánh bằng Ngài.

- Ðấng Ðiều Ngự Trượng Phu (Purisa-damma-sārathi), vì Ngài dẫn dắt những người hữu duyên đáng được giáo hóa. Ngài rèn luyện, un đúc, khép vào khuôn khổ giới luật những chúng sinh cần được huấn luyện và đưa những chúng sinh ấy đến giới đức trong sạch, trí tuệ tuyệt hảo.

Xin lưu ý ở đây là Vô Thượng Sĩ và Điều Ngự Trượng Phu cũng có thể hiểu chung là một danh hiệu "Đấng Vô Thượng Điều Ngự Trượng Phu".

- Ðấng Thiên Nhân Sư (Satthā Devāmanus-sānaṁ), bậc thầy của chư Thiên và nhân loại, vì Ngài dạy các pháp có lợi ích trong hiện tiền, tại nơi đây, có lợi ích trong những kiếp sống vị lai và các pháp dẫn đến mục tiêu tối hậu là Niết Bàn.

- Ðấng Giác Ngộ (Buddho). Từ giấc mơ vô minh, Ngài đã thức tỉnh, chứng ngộ Ðạo Quả Vô Thượng dưới cội bồ đề. Ðây là kết quả của công phu tích cực tu tập thực hành tròn đủ ba mươi pháp Ba-la-mật qua nhiều đời, nhiều kiếp. Trong đời sống cuối cùng, sau cuộc chiến đấu kỳ diệu phi thường kéo dài sáu năm đăng đẵng, không có sự hỗ trợ từ bên ngoài và không được sự hướng dẫn của một năng lực siêu phàm nào, cô độc một mình, Bồ-tát Gotama (Cồ Ðàm), lúc ấy ba mươi lăm tuổi, tận diệt mọi ô nhiễm ngủ ngầm từ vô lượng tiền kiếp, chấm dứt mọi tiến trình tham ái, và chứng ngộ thực tướng của vạn pháp, trở thành một vị Phật, bậc Toàn Giác.

- Ðức Thế Tôn (Bhagavā), một danh từ diễn đạt lòng tôn sùng kính mộ. Ðây là một hồng danh đặc biệt mà Ngài thành đạt do sự liễu ngộ vô thượng, Chánh Ðẳng Chánh Giác, cùng với tri kiến toàn hảo.

*

Câu kinh để tán dương Ân Ðức Pháp Bảo (Dhamma Guṇa) mà người Phật tử hàng ngày đọc tụng có ý nghĩa như sau: "Giáo pháp do Đức Thế Tôn thuyết giảng toàn hảo, thiết thực hiện tại, trổ quả tức thời, mời đến để thấy, có khả năng hướng thượng, được bậc thiện trí tự mình chứng biết".

- Giáo pháp Do Ðức Thế Tôn Thuyết Giảng Toàn Hảo (Svākkhāto bhagavatā dhammo). Toàn thể Giáo pháp được Ðức Thế Tôn truyền dạy một cách toàn hảo bởi vì toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa và toàn hảo ở đoạn cuối. Và bởi vì Giáo pháp mở đường đưa đến đời sống trong sạch toàn hảo.

- Thiết Thực Hiện Tại (Sandiṭṭhiko), có nghĩa là khi đã thực hành đầy đủ, hành giả thấy được kết quả rõ ràng, hiển nhiên, ngay trong hiện tại. Khi vị ấy hoàn tất cuộc hành trình trên Con Ðường, đương nhiên hành giả đến nơi tuyệt đối an lành. Và trạng thái tuyệt đối an lành này chính hành giả tự tạo cho mình, không phải do ai ban bố.

- Trổ Quả Tức Thời (Akāliko), không đợi thì giờ, có nghĩa là khi đắc Ðạo rồi thì Quả tức khắc trổ liền sau đó. Hạng phàm nhân, khi có hành động thiện hay bất thiện thì hành động này là nhân. Nhân đã gieo, quả sẽ trổ, sớm hay muộn, trong kiếp hiện tiền hay trong một kiếp nào ở thời vị lai. Ðó là quả tại thế (vipāka). Còn Quả ở đây thuộc về siêu thế pháp, Quả (phala) của Ðạo (magga). Ðạo là chập tâm của hành giả lúc bước vào dòng giải thoát. Khi Ðạo phát sinh vừa chấm dứt thì tức khắc liền sau đó Quả phát sinh. Vì lẽ ấy, một trong các đặc tính của Giáo pháp là khi đến mức Ðạo rồi Quả liền trổ sinh, không đợi thì giờ.

- Mời Ðến Để Thấy (Ehipassiko), có nghĩa là xứng đáng để mời người khác đến xem. Tại sao? Vì bên trong Giáo pháp có chứa đựng nội dung phong phú, và vì Giáo pháp đưa đến lối sống tinh khiết trong sạch. Nếu người kia không có gì trong tay, hay trong tay có nắm những vật bẩn thỉu ắt không nói rằng trong tay mình có vòng vàng châu báu và sẽ không mời ai đến xem. Nơi đây, trong Giáo pháp này, chắc chắn và rõ ràng có chín pháp siêu thế (bốn Ðạo, bốn Quả, và Niết Bàn) và có đời sống tuyệt đối trong sạch, nên xứng đáng để mời đến để xem, để quan sát.

- Có Khả Năng Hướng Thượng (Opanayiko), đây là Pháp dẫn dắt chúng sinh, đưa đến giải thoát tối thượng là Niết Bàn.

- Được Bậc Thiện Trí Tự Mình Chứng Biết (Paccattaṁ veditabbo viññūhī’ti). Trên con đường dẫn đến Niết Bàn, chỉ có bậc thiện trí mới có thể thấu đạt Giáo pháp, hạng cuồng si không thể hiểu được. Nên ghi nhận rằng nơi đây, thấu đạt Giáo pháp có nghĩa là chứng ngộ, thấu hiểu bằng minh, chứ không phải hiểu biết ở tầng lớp tri thức, lý luận sách vở. Và mỗi cá nhân chỉ có thể tự mình chứng ngộ.

*

Câu kinh đọc tụng để tán dương ân đức Tăng Bảo có ý nghĩa như sau:

"Chúng Tăng đệ tử Thanh văn của Đức Thế Tôn là bậc Thiện hạnh; chúng Tăng đệ tử Thanh văn của Đức Thế Tôn là bậc Trực hạnh; chúng Tăng đệ tử Thanh văn của Đức Thế Tôn là bậc Như lý hạnh; chúng Tăng đệ tử Thanh văn của Đức Thế Tôn là bậc Chân chánh hạnh. Chúng Tăng đệ tử Thanh văn của Đức Thế Tôn nếu tính đôi thì có bốn, nếu tính riêng rẽ thì có tám. Chúng Tăng đệ tử Thanh văn của Đức Thế Tôn đáng được thọ lãnh lễ vật, đáng được nghênh tiếp, đáng được cúng dường, đáng được chấp tay chào, đáng là phước điền vô thượng ở trên đời."

- Chúng Tăng Đệ Tử Thanh Văn Của Đức Thế Tôn Là Bậc Thiện Hạnh (Supaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho). Các vị này có phẩm hạnh toàn hảo hay thiện hạnh (supaṭipanno), vì các ngài đi vào con đường chân chánh, con đường thẳng tiến không trở đi trở lại, con đường thích ứng với Chân Lý, con đường hợp với Giáo pháp mà Ðức Thế Tôn đã giảng giải một cách toàn hảo.

- Chúng Tăng Đệ Tử Thanh Văn Của Đức Thế Tôn Là Bậc Trực Hạnh (Ujupaṭipanno bhavagato sāvakasaṅgho) vì các ngài đi vào con đường ngay thẳng, không quanh co, không xiêng vẹo, con đường chánh đáng, đúng thật là con đường.

Con đường của các Ngài là ngay thẳng vì đi ở khoảng giữa (trung đạo), lánh xa hai cực đoan lợi dưỡng và khổ hạnh, lánh xa những quanh co xiên vẹo của thân, khẩu, ý. Con đường ấy là chánh đáng vì là con đường của chư vị A-la-hán. Ðó đúng thật là Con Ðường vì dẫn ngay đến giải thoát, Niết Bàn.

- Chúng Tăng Đệ Tử Thanh Văn Của Đức Thế Tôn Là Bậc Như Lý Hạnh (Ñāyapaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho) vì các Ngài tận lực đi suốt ba giai đoạn Giới, Ðịnh, Tuệ của Con Ðường.

- Chúng Tăng Đệ Tử Thanh Văn Của Đức Thế Tôn Là Bậc Chân Chánh Hạnh (Sāmīcipaṭi panno bhagavato sāvakasaṅgho) vì các Ngài chuyên cần tiến bước trên con đường dẫn thoát ra khỏi mọi hình thức đau khổ.

- Chúng Tăng Đệ Tử Thanh Văn Của Đức Thế Tôn Nếu Tính Ðôi Thì Có Bốn Và Nếu Tính Riêng Rẽ Thì Có Tám (Yadidaṁ cattāri purisayugāni aṭṭha purisa-puggalā esa bhagavato sāvakasaṅgho). Có bốn Ðạo: Dự Lưu Ðạo, Nhất Lai Ðạo, Bất Lai Ðạo và A-la-hán Ðạo, và có bốn Quả là Dự Lưu Quả, Nhất Lai Quả, Bất Lai Quả và A-la-hán Quả. Nếu tính đôi theo Ðạo và Quả thì có bốn đôi. Nếu tính riêng rẽ thì có tám bậc hay còn gọi là tám chúng.

- Xứng Ðáng Được Thọ Lãnh Lễ Vật (Āhuneyyo). Những lễ vật được đề cập đến ở đây là bốn vật dụng cần thiết trong đời sống: vật thực, y phục, thuốc men, và chỗ ở. Chư Thánh Tăng là những vị giới đức trong sạch, xứng đáng thọ lãnh các lễ vật mà người dâng có thể đi từ phương xa đến, hoặc đã dày công tạo nên, và dâng cúng một cách thành kính.

- Xứng Ðáng Được Nghênh Tiếp (Pāhuneyyo). Sự tiếp đãi nồng hậu mà người thí chủ thường dành để đón mừng những khách quý hay thân bằng quyến thuộc từ những nơi xa xôi đến, chư Thánh Tăng là những vị xứng đáng thọ lãnh sự tiếp đón nồng hậu ấy.

- Xứng Ðáng Được Cúng Dường (Dakkhi ṇeyyo) trong ý nghĩa là các Ngài giúp cho các lễ vật cúng dường ấy trở nên trong sạch và có khả năng tạo nhiều quả phúc.

- Xứng Ðáng Được Chấp Tay Chào (Añjalikara-ṇīyo) vì các Ngài có nhiều đức hạnh thanh cao trong sạch.

- Xứng Ðáng Là Phước Ðiền Vô Thượng Ở Trên Đời (Anuttaraṁ puññakkhettaṁ lokasā’ti), trong ý nghĩa các Ngài là ruộng đất vô thượng để mọi người gieo nhân phước báu.

-ooOoo-

 

 

Dùng font chữ VU-Times (Viet-Pali Unicode)

Trích: "Học Pāli qua kinh tụng", Tỳ-khưu Indacanda

*

Itipi so Bhagavā Arahaṃ Sammāsambuddho Vijjācaraṇasampanno
Sugato Lokavidū Anuttaro Purisadammasārathi
Satthā devamanussānaṃ Buddho Bhagavāti.

Itipi = iti + api (sara sandhi do sự gặp nhau của 2 nguyên âm "i" và "a").

iti: trạng từ, không đổi, dùng để trích dẫn một lời nói = như vầy: "..."

api: liên từ, không đổi = cũng thế, cho dầu, ngay cả, chí đến.

so (cách thứ nhất của "ta"): đại từ nhân xưng được dùng như tính từ bổ nghĩa cho "Bhagavā," nam tánh, cách thứ nhất, số ít = vị ấy, người ấy.

Bhagavā: tính từ, nam tánh, cách thứ nhất của "bhagavantu," số ít = đáng kính trọng, có oai lực, thánh thiện. Trong trường hợp là danh hiệu của đức Phật thì trở thành danh từ = đức Thế-tôn.

Arahaṃ: danh từ, nam tánh, cách thứ nhất của "arahant," số ít = người không còn ô nhiễm, bậc A la hán, bậc Ứng Cúng.

Sammāsambuddho = Sammā + sam + buddho: biến thể tính theo từ cuối "buddho,"danh từ, nam tánh, cách thứ nhất, số ít = vị đã giác ngộ hoàn toàn một cách chơn chánh, đấng Chánh Biến Tri. (Xem lại ở trên phần "Namo tassa ...").

Vijjācaraṇasampanno = Vijjācaraṇa + sampanno: nhóm từ (loại tappurisa, bổ nghĩa cho "so"), nam tánh, cách thứ nhất, số ít = Minh Hạnh Túc.

vijjācaraṇa = Vijjā + caraṇa: nhóm từ (loại dvanda).

vijjā: danh từ, nữ tánh = kiến thức, trí tuệ.

caraṇa: danh từ, trung tánh = đạo đức, tánh hạnh tốt.

sampanno: quá khứ phân từ thể thụ động của động từ "sampajjati = sam + pad + a + ti," được dùng như tính từ bổ nghĩa cho "so," nam tánh, cách thứ nhất, số ít = thành tựu một cách trọn vẹn.

Sugato = Su + gato: tính từ = đã ra đi một cách trọn vẹn, đã Niết-bàn, bậc Thiện Thệ.

su: tiếp đầu ngữ, bất biến = khéo, tốt, đẹp.

gato: quá khứ phân từ thể thụ động của động từ "gacchati = gam + a + ti," được dùng như tính từ bổ nghĩa cho "so," nam tánh, cách thứ nhất, số ít = đã ra đi.

Lokavidū = Loka + vidū: nhóm từ (loại tappurisa, bổ nghĩa cho "so"), nam tánh, cách thứ nhất, số ít = hiểu biết về thế gian, Thế Gian Giải.

loka: danh từ, nam tánh = thế gian, cuộc đời.

vidū: tính từ = khôn ngoan, hiểu biết, thiện nghệ.

Anuttaro = An + uttaro: tính từ, bổ nghĩa cho "so," nam tánh, cách thứ nhất, số ít = không gì hơn được, Vô Thượng Sĩ.

an = na: phủ định từ = không.

uttaro = ud + taro = so sánh cấp hai của "ud," = ở trên, vượt trội.

Purisadammasārathi = Purisa + dammasārathi: nhóm từ (loại tappurisa), biến đổi theo từ cuối "sārathi," nam tánh, cách thứ nhất, số ít = người lái xe có khả năng điều khiển, huấn luyện kẻ khác, Ðiều Ngự Trượng Phu.

purisa: danh từ, nam tánh = người nam, chúng sanh (nói chung).

dammasārathi = damma + sārathi: nhóm từ (loại kammadhāraya)

damma: quá khứ phân từ của tha động từ "dammeti = dam + aya(e) + ti," = đã làm kẻ khác được thuần hoá.

sārathi: danh từ, nam tánh: người điều khiển xe, xa phu.

Satthā: danh từ, nam tánh, cách thứ nhất của "satthu," số ít = vị thầy.

devamanussānaṃ = deva + manussānaṃ: nhóm từ (loại dvanda), biến đổi tuỳ thuận vào từ cuối "manussānaṃ," danh từ, nam tánh, cách thứ sáu, số nhiều = chư thiên và loài người.

deva: danh từ, nam tánh = vị trời, thiên thần.

manussānaṃ: danh từ, nam tánh, cách thứ sáu của "manussa," số nhiều = loài người.

Satthā devamanussānaṃ = vị thầy của chư thiên và loài người, Thiên Nhơn Sư.

Buddho = danh từ, nam tánh, cách thứ nhất của "buddha," số ít = bậc đã giác ngộ, đức Phật.

Bhagavāti = Bhagavā + iti: đã giải thích ở phía trên.

Nghĩa: Thật vậy, bậc đáng kính trọng ấy là: "A la hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn."

-ooOoo-

Svākkhāto bhagavato dhammo sandiṭṭhiko akāliko ehipassiko opanayiko paccattaṃ veditabbo viññūhīti.

Svākkhāto = su (trở thành sva) + akkhāto = đã khéo được thuyết giảng.

su: tiếp đầu ngữ = khéo léo, tốt, đẹp.

akkhāto: quá khứ phân từ thể thụ động của động từ "akkhāti=ā + khyā + ti," được dùng như tính từ bổ nghĩa cho "dhammo," nam tánh, cách thứ nhất, số ít = đã được thuyết giảng, đã được tuyên bố.

bhagavato: danh từ, nam tánh, cách thứ sáu của "bhagavantu," số ít = của đức Thế Tôn.

dhammo: danh từ, nam tánh, cách thứ nhất của "dhamma," số ít = giáo pháp.

sandiṭṭhiko = san + diṭṭhiko: tính từ, bổ nghĩa cho "dhammo," nam tánh, cách thứ nhất, số ít = hoàn toàn hiển nhiên, được thấy rõ ràng.

san = sam: tiếp đầu ngữ = hoàn toàn.

diṭṭhiko = diṭṭha + iko: tính từ, nam tánh = rõ ràng, có thể thấy được.

akāliko = a + kāla + iko = tính từ, bổ nghĩa cho "dhammo," nam tánh, cách thứ nhất, số ít = không đợi thời gian, không bị chi phối bởi thời gian.

a: phủ định từ = không.

kāla: danh từ, nam tánh = thời gian.

ehipassiko = ehi + passa + iko: tính từ, bổ nghĩa cho "dhammo," nam tánh, cách thứ nhất, số ít = hãy đến và hãy thấy.

ehi: động từ "eti," mệnh lệnh cách, ngôi thứ hai, số ít = hãy đến.

passa: động từ "passati," mệnh lệnh cách, ngôi thứ hai, số ít = hãy thấy.

ika: tiếp vĩ ngữ, tín hiệu cho biết là tính từ.

opanayiko = opanayiko (phát xuất từ "upa (đến gần) + nayati (dẫn dắt)"): tính từ, bổ nghĩa cho "dhammo," nam tánh, cách thứ nhất, số ít = dẫn dắt về hướng (Niết-bàn).

paccattaṃ: trạng từ, không đổi = tự cá nhân, riêng rẽ.

veditabbo: tương lai phân từ thể thụ động của động từ "vidati = vid + a + ti," bổ nghĩa cho "dhammo," nam tánh, cách thứ nhất, số ít = nên được hiểu biết.

viññūhīti = viññūhi + iti

viññūhi: tính từ, được dùng như danh từ, nam tánh, cách thứ ba, số nhiều = bởi các bậc trí tuệ.

iti: trạng từ, không đổi, dùng để trích dẫn một lời nói = như vầy: "..."

Nghĩa: "Pháp của đức Thế Tôn đã khéo được thuyết giảng, hoàn toàn hiển nhiên, không bị chi phối bởi thời gian, hãy đến và hãy thấy, có khả năng dẫn dắt về hướng (Niết-bàn), và nên được hiểu biết tự cá nhân bởi các bậc trí tuệ."

-ooOoo-

Supaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho ujupaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho
ñāyapaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho sāmīcipaṭipanno bhagavato sāvakasaṅgho
yadidaṃ cattāri purisayugāṇi atthapurisapuggalā esa bhagavato sāvakasaṅgho
āhuneyyo pāhuneyyo dakkhiṇeyyo añjalikaranīyo anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassāti.

Supaṭipanno = su + paṭipanno = đã khéo được huấn luyện

su: tiếp đầu ngữ = khéo léo, tốt, đẹp.

paṭipanno = paṭi + panno: quá khứ phân từ thể thụ động của động từ "paṭipajjati = paṭi + pad + a + ti," được dùng như tính từ bổ nghĩa cho "sāvakasaṅgho," nam tánh, cách thứ nhất, số ít = đã được huấn luyện.

bhagavato: danh từ, nam tánh, cách thứ sáu của "bhagavantu", số ít = của đức Thế Tôn.

sāvakasaṅgho = sāvaka + saṅgho: nhóm từ (loại kammadhāraya, biến đổi tùy thuận theo từ cuối "saṅgho "), nam tánh, số ít = Tăng chúng đệ tử.

sāvaka = su(=sav) + aka = danh từ, nam tánh = người nghe, đệ tử.

saṅgho: danh từ, nam tánh = Tăng chúng.

ujupaṭipanno: uju + paṭipanno = đã được huấn luyện đúng đắn.

ñāyapaṭipanno: ñāya + paṭipanno = đã được huấn luyện có phương pháp.

ñāya: danh từ, nam tánh = phương pháp

sāmīcipaṭipanno = sāmīci + paṭipanno: đã được huấn luyện làm tròn nhiệm vụ.

sāmīci: danh từ, nữ tánh: nhiệm vụ, sự chính xác.

yadidaṃ = yad + idaṃ = điều trên (yad) có nghĩa là thế này (idaṃ).

yad idaṃ: đại từ chỉ định, trung tánh, số ít.

cattāri: tính từ, bổ nghĩa cho "yugāṇi," trung tánh, số nhiều = bốn (số đếm).

purisayugāṇi = purisa + yugāṇi:: nhóm từ (loại kammadhāraya, biến đổi tùy thuận theo từ cuối "yugāṇi "), trung tánh, cách thứ nhất, số nhiều = (bốn) cặp hạng người.

purisa: danh từ, nam tánh = người nam, người (nói chung).

yugāṇi: danh từ, trung tánh = đôi, cặp, hai cái.

atthapurisapuggalā: attha + purisapuggalā: nhóm từ (loại digu là một thể đặc biệt với số đếm của kammadhāraya, biến đổi tùy thuận theo từ cuối "puggalā "), nam tánh, số nhiều = tám hạng người tính đơn.

attha: tính từ = tám (số đếm).

purisapuggalā = purisa + puggalā: nhóm từ (loại kammadhāraya, biến đổi tùy thuận theo từ cuối "puggalā "), nam tánh, số nhiều = (tám) hạng người tính đơn.

esa = eso: đại từ chỉ định được dùng như tính từ bổ nghĩa cho "sāvakasaṅgho," nam tánh, số ít = nhóm người ấy, nhóm người đã nói ở trên.

bhagavato: danh từ, nam tánh, cách thứ sáu của "bhagavantu", số ít = của đức Thế Tôn.

sāvakasaṅgho = sāvaka + saṅgho: nhóm từ (loại kammadhāraya, biến đổi tùy thuận theo từ cuối "saṅgho "), nam tánh, số ít = Tăng chúng đệ tử.

āhuneyyo = ā + huneyyo: tương lai phân từ thể thụ động của động từ "ā + huti," được dùng như tính từ, bổ nghĩa cho "sāvakasaṅgho," nam tánh, số ít = đáng được cung kính.

pāhuneyyo = pā + huna + eyyo: tương lai phân từ thể thụ động của động từ "pā + huti," được dùng như tính từ, bổ nghĩa cho "sāvakasaṅgho," nam tánh, số ít = đáng được thân cận.

dakkhiṇeyyo = dakkhiṇa + eyyo: tính từ, bổ nghĩa cho "sāvakasaṅgho," nam tánh, số ít = đáng được cúng dường.

añjalikaranīyo = añjali + karanīyo: nhóm từ (loại tappurisa, biến đổi tùy thuận theo từ cuối "karanīyo "), nam tánh, số ít = đáng được chắp tay, đáng được lễ bái.

añjali: danh từ, nam tánh = tư thế chắp tay đưa lên trán tỏ ý cung kính.

karanīyo: tương lai phân từ thể thụ động của động từ "karoti," được dùng như tính từ, bổ nghĩa cho "sāvakasaṅgho," nam tánh, số ít = đáng được làm.

anuttaraṃ: an + ud + taraṃ (đã giải thích ở trên) = tĩnh từ bổ nghĩa cho "puññakkhettaṃ," trung tánh, số ít = không gì hơn được, vô thượng.

puññakkhettaṃ = puñña + (k) + khettaṃ: nhóm từ (loại kammadhāraya, biến đổi tùy thuận theo từ cuối "khettaṃ"), trung tánh, cách thứ nhất, số ít = nơi để gieo nhân phước báu, phước điền.

puñña: danh từ, trung tánh = phước báu, điều thiện.

khettaṃ: danh từ, trung tánh = thửa ruộng.

lokassāti = lokassa + iti

lokassa: danh từ, nam tánh, cách thứ sáu của "loka," số ít = của thế gian.

iti: trạng từ, bất biến, thường dùng để trích dẫn một lời nói = như vầy: "..."

Nghĩa: "Tăng chúng đệ tử của đức Thế Tôn đã khéo được huấn luyện. Tăng chúng đệ tử của đức Thế Tôn đã được huấn luyện đúng đắn. Tăng chúng đệ tử của đức Thế Tôn đã được huấn luyện có phương pháp. Tăng chúng đệ tử của đức Thế Tôn đã được huấn luyện làm tròn nhiệm vụ. Điều trên có nghĩa là thế này: bốn cặp hạng người (bốn đôi Đạo Quả), tám hạng người tính đơn (bốn Đạo và bốn Quả là tám). Tăng chúng đệ tử ấy của đức Thế Tôn đáng được cung kính, đáng được thân cận, đáng được cúng dường, đáng được lễ bái, là nơi để gieo nhân phước báu của thế gian không gì hơn được."

-ooOoo-

[ Home ]

15-06-2016