Đàm luận Phật pháp
- 202 -

Kinh Lửa Cháy

 

01-map.jpg
01-map.jpg
1010 * 723
02-sarnath1.jpg
02-sarnath1.jpg
940 * 1053
03-sarnath2.jpg
03-sarnath2.jpg
1539 * 918
04-sarnath_chaukhandi.jpg
04-sarnath_chaukhandi.jpg
1200 * 826
05_first_suta.jpg
05_first_suta.jpg
1200 * 900
06-gayasisa1.jpg
06-gayasisa1.jpg
900 * 1355
07-gayasisa2.jpg
07-gayasisa2.jpg
1200 * 900
08_tuantu.jpg
08_tuantu.jpg
1233 * 848
09_sutta.jpg
09_sutta.jpg
1261 * 815
10_3kinhdanbai.jpg
10_3kinhdanbai.jpg
1231 * 813
11-tho108.jpg
11-tho108.jpg
1249 * 886
12-4lapniem.jpg
12-4lapniem.jpg
1213 * 800
13-5uan6xu.jpg
13-5uan6xu.jpg
1268 * 894
14-kietsu.jpg
14-kietsu.jpg
1046 * 820
15-nhatdahien.jpg
15-nhatdahien.jpg
1265 * 906

 

Kinh Lửa Cháy

Aditta-pariyaya Sutta (SN 35.28)

Vài tháng sau khi giác ngộ, Ðức Phật giảng bài pháp nầy cho 1,000 tu sĩ theo phái thờ thần lửa đồi Gayasisa. Qua lối giảng siêu việt của Ngài, Ðức Phật đã dùng ví dụ về lửa cháy (lửa tham, sân, si) để dạy về tâm xả ly đối với các cảm thọ qua sáu căn. Sau khi nghe bài giảng nầy, toàn thể thính chúng đắc quả A-la-hán.

*

1) Một thời Thế Tôn trú ở Gāya, tại Gāyasisa (đỉnh Gayā) cùng với một ngàn Tỳ-khưu.

2) Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỳ-khưu:
–Tất cả, này các Tỳ-khưu, đều bị bốc cháy. Và này các Tỳ-khưu, tất cả cái gì đều bị bốc cháy?

3) Mắt, này các Tỳ-khưu, bị bốc cháy. Các sắc bị bốc cháy. Nhãn thức bị bốc cháy. Nhãn xúc bị bốc cháy. Do duyên nhãn xúc nên khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy bị bốc cháy. Bị bốc cháy bởi cái gì? Bị bốc cháy bởi lửa tham, lửa sân, lửa si. Ta nói rằng bị bốc cháy bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.

4) Tai, này các Tỳ-khưu, bị bốc cháy. Các thinh bị bốc cháy. Nhĩ thức bị bốc cháy. Nhĩ xúc bị bốc cháy. Do duyên nhĩ xúc nên khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy bị bốc cháy. Bị bốc cháy bởi cái gì? Bị bốc cháy bởi lửa tham, lửa sân, lửa si. Ta nói rằng bị bốc cháy bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.

5) Mũi, này các Tỳ-khưu, bị bốc cháy. Các hương bị bốc cháy. Tỷ thức bị bốc cháy. Tỷ xúc bị bốc cháy. Do duyên tỷ xúc nên khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy bị bốc cháy. Bị bốc cháy bởi cái gì? Bị bốc cháy bởi lửa tham, lửa sân, lửa si. Ta nói rằng bị bốc cháy bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.

6) Lưỡi bị bốc cháy. Các vị bị bốc cháy. Thiệt thức bị bốc cháy. Thiệt xúc bị bốc cháy. Do duyên thiệt xúc nên khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy bị bốc cháy. Bị bốc cháy bởi cái gì? Bị bốc cháy bởi lửa tham, lửa sân, lửa si. Ta nói rằng bị bốc cháy bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.

7) Thân bị bốc cháy. Các xúc bị bốc cháy. Thân thức bị bốc cháy. Thân xúc bị bốc cháy. Do duyên thân xúc nên khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy bị bốc cháy. Bị bốc cháy bởi cái gì? Bị bốc cháy bởi lửa tham, lửa sân, lửa si. Ta nói rằng bị bốc cháy bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.

8) Ý bị bốc cháy. Các pháp bị bốc cháy. Ý thức bị bốc cháy. Ý xúc bị bốc cháy. Do duyên thân xúc nên khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy bị bốc cháy. Bị bốc cháy bởi cái gì? Bị bốc cháy bởi lửa tham, lửa sân, lửa si. Ta nói rằng bị bốc cháy bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.

9) Thấy vậy, này các Tỳ-khưu, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với các sắc, nhàm chán đối với nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy.

Nhàm chán đối với tai, nhàm chán đối với các thinh, nhàm chán đối với nhĩ thức, nhàm chán đối với nhĩ xúc. Do duyên nhĩ xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy.

Nhàm chán đối với mũi, nhàm chán đối với các hương, nhàm chán đối với tỷ thức, nhàm chán đối với tỷ xúc. Do duyên tỷ xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy.

Nhàm chán đối với lưỡi, nhàm chán đối với các vị, nhàm chán đối với thiệt thức, nhàm chán đối với thiệt xúc. Do duyên thiệt xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy.

Nhàm chán đối với thân, nhàm chán đối với các xúc, nhàm chán đối với thân thức, nhàm chán đối với thân xúc. Do duyên thân xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy.

Nhàm chán đối với ý, nhàm chán đối với các pháp, nhàm chán đối với ý thức, nhàm chán đối với ý xúc. Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy.

Do nhàm chán nên vị ấy ly tham. Do ly tham nên vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, khởi lên trí hiểu biết rằng: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui với trạng thái này nữa".

10) Thế Tôn thuyết như vậy. Các Tỳ-khưu ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

11) Và trong khi lời giảng giải này được nói lên, tâm của một ngàn Tỳ-khưu ấy được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.

-ooOoo-

 

Tóm tắt
  1. ...

  2. ...

* * *

Trích Đại Phẩm (Mahāvagga),  Tạng Luật (Vinaya Pitaka)
Tỳ-khưu Indacanda dịch Việt

(...)

Điều kỳ diệu thứ nhất.

1. Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến Uruvelā. Vào lúc bấy giờ, có ba vị đạo sĩ bện tóc đang cư trú ở Uruvelā là Uruvelakassapa, Nadīkassapa, và Gayākassapa.

Trong số các vị ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa là vị lãnh đạo, vị hướng dẫn, vị quan trọng nhất, vị đứng đầu, vị thủ lĩnh của năm trăm đạo sĩ bện tóc. Đạo sĩ bện tóc Nadīkassapa là vị lãnh đạo, vị hướng dẫn, vị quan trọng nhất, vị đứng đầu, vị thủ lĩnh của ba trăm đạo sĩ bện tóc. Đạo sĩ bện tóc Gayākassapa là vị lãnh đạo, vị hướng dẫn, vị quan trọng nhất, vị đứng đầu, vị thủ lĩnh của hai trăm đạo sĩ bện tóc.

2. Khi ấy, đức Thế Tôn đã đi đến khu ẩn cư của đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa, sau khi đến đã nói với đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa điều này: - “Này Kassapa, nếu không trở ngại cho ngươi thì chúng ta có thể ngụ một đêm trong nhà thờ lửa.” - “Này vị đại Sa-môn, quả là không trở ngại cho tôi. (Tuy nhiên) ở đây có con rồng chúa dữ tợn, có pháp thuật, là con rắn có nọc độc khủng khiếp, không thể để cho nó hại ngài được.” Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa điều này: - “Này Kassapa, nếu không trở ngại cho ngươi thì chúng ta có thể ngụ một đêm trong nhà thờ lửa.” - “Này vị đại Sa-môn, quả là không trở ngại cho tôi. (Tuy nhiên) ở đây có con rồng chúa dữ tợn, có pháp thuật, là con rắn có nọc độc khủng khiếp, không thể để cho nó hại ngài được.” Đến lần thứ ba, đức Thế Tôn đã nói với đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa điều này: - “Này Kassapa, nếu không trở ngại cho ngươi thì chúng ta có thể ngụ một đêm trong nhà thờ lửa.” - “Này vị đại Sa-môn, quả là không trở ngại cho tôi. (Tuy nhiên) ở đây có con rồng chúa dữ tợn, có pháp thuật, là con rắn có nọc độc khủng khiếp, không thể để cho nó hại ngài được.” - “Biết đâu nó có thể không hại ta. Này Kassapa, ngươi hãy cho phép (ta cư ngụ) nhà thờ lửa đi.” - “Này vị đại Samôn, ngài hãy cư ngụ một cách thoải mái.” Sau đó, đức Thế Tôn đã đi vào nhà thờ lửa, sắp đặt tấm thảm trải bằng cỏ, rồi ngồi xuống, xếp (chân) thế kiết già, giữ thân thẳng, tập trung niệm ở phía trước.

3. Khi ấy, con rồng ấy đã nhìn thấy đức Thế Tôn đi vào, sau khi nhìn thấy trở nên bực bội nên đã phun khói. Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Có lẽ ta không nên làm thương tổn đến lớp vỏ, làn da, thịt, gân, xương, tủy của con rồng này mà chỉ nên dùng lửa (của ta) làm cho lửa (của nó) bị kiệt quệ thôi.” Sau đó, đức Thế Tôn đã thi triển phép thần thông có hình thức như thế và đã phun khói. Khi ấy, con rồng không chịu nổi sự khổ sở nên đã phun ra lửa. Đức Thế Tôn cũng đã nhập thiền đề mục lửa và đã phun ra lửa. Trong khi cả hai đều có trạng thái rực sáng, ngôi nhà thờ lửa như là bị đốt cháy, bị phát cháy, có trạng thái rực sáng. Khi ấy, những đạo sĩ bện tóc ấy đã vây xung quanh nhà thờ lửa và nói như vầy: - “Quả thật vị đại Sa-môn có vóc dáng xinh đẹp đã bị con rồng hãm hại!” Sau đó, khi trải qua đêm ấy đức Thế Tôn đã không làm thương tổn đến lớp vỏ, làn da, thịt, gân, xương, tủy của con rồng này mà đã dùng lửa (của Ngài) làm cho lửa (của nó) bị kiệt quệ, rồi bỏ vào trong bình bát, và đưa cho đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa xem (nói rằng): - “Này Kassapa, đây là con rồng của ngươi. Lửa của nó đã bị lửa (của ta) làm cho kiệt quệ.” Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại Sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì vị ấy đã dùng lửa (của vị ấy) làm cho lửa của con rồng chúa dữ tợn, có pháp thuật, là con rắn có nọc độc khủng khiếp bị kiệt quệ, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.”

4. Ở Nerañjarā, đức Thế Tôn đã nói với đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa rằng: - ‘Này Kassapa, nếu không trở ngại cho ngươi thì đêm nay hãy để ta ngụ ở nơi thờ phụng lửa.’

- ‘Này vị đại Sa-môn, quả chằng có trở ngại cho tôi. Chỉ vì muốn được yên tâm mà tôi ngăn cản ngài. Nơi đây có con rồng chúa dữ tợn, có pháp thuật, là con rắn có nọc độc khủng khiếp, không thể để cho nó hại ngài được.’

- ‘Biết đâu nó có thể không hại ta. Này Kassapa, ngươi hãy cho phép (ta cư ngụ) nhà thờ lửa đi.’ Sau khi biết được điều ấy là: ‘Đã được cho phép,’ Ngài đã đi vào, không khiếp đảm, đã lìa nỗi sợ hãi. Thấy vị ẩn sĩ đã đi vào, con rồng chúa có ý bực bội đã phun khói. Vị chúa của loài người, với tâm hòa dịu, với ý cao cả, tại nơi đó cũng đã phun khói.

Và không nén được nỗi bực tức, con rồng chúa đã phun lửa như là cơn hỏa hoạn. Vị chúa của loài người, thiện xảo về các đề mục lửa, tại nơi đó cũng đã phun lửa.

Trong khi cả hai đều có trạng thái rực sáng, các đạo sĩ bện tóc đã vây xung quanh nhà thờ lửa và nói rằng: - ‘Đương nhiên là vị đại Sa-môn có vóc dáng xinh đẹp bị con rồng hãm hại!’

Rồi đêm đã qua đi, các ngọn lửa lửa của rồng chúa chẳng còn, còn các ngọn lửa của vị có thần lực vẫn tồn tại và có nhiều màu sắc.

Các ngọn lửa nhiều màu sắc từ cơ thể của vị Aṅgīrasa có các màu sắc trong suốt, xanh, đỏ, tím, vàng.

Sau khi đặt con rồng vào bình bát, Ngài đã đưa ra cho vị Bà-la-môn xem: - ‘Này Bà-la-môn, đây là con rồng của ngươi. Lửa của nó đã bị kiệt quệ vì ngọn lửa (của ta).’ [1]

5. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa vô cùng hoan hỷ với sự kỳ diệu của thần thông này của đức Thế Tôn nên đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Này vị đại Sa-môn, hãy cư ngụ ngay tại đây, tôi có thức ăn trường kỳ cho ngài.”

*

Điều kỳ diệu thứ nhì.

6. Sau đó, đức Thế Tôn đã cư ngụ trong khu rừng rậm nọ không xa khu ẩn cư của đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa. Khi ấy vào lúc đêm khuya, bốn vị Đại Thiên Vương có hào quang rực rỡ đã làm chói sáng toàn bộ khu rừng rậm, rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở bốn phương giống như là những khối lửa khổng lồ.

Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Này vị đại Samôn, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong. Này vị đại Sa-môn, trong lúc đêm khuya những ai có hào quang rực rỡ đã làm chói sáng toàn bộ khu rừng rậm, rồi đã đi đến gặp ngài, sau khi đến đã đảnh lễ ngài rồi đứng ở bốn phương giống như là những khối lửa khổng lồ vậy?”

- “Này Kassapa, các vị ấy là bốn vị Đại Thiên Vương đã đi đến gặp ta để nghe Pháp.” Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại Sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì ngay cả bốn vị Đại Thiên Vương còn đi đến gặp để nghe Pháp, nhưng vị ấy không phải là vị A-lahán giống như ta đây.”

Sau đó, đức Thế Tôn đã thọ thực bữa ăn của vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa rồi đã cư ngụ ở ngay trong khu rừng rậm ấy.

*

 

Điều kỳ diệu thứ ba.

7. Sau đó, trong lúc đêm khuya vị chúa của chư Thiên Sakka có hào quang rực rỡ đã làm chói sáng toàn bộ khu rừng rậm, rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng một bên giống như là khối lửa khổng lồ còn rực rỡ hơn và thù thắng hơn những hào quang đầy màu sắc trước đây nữa. Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Này vị đại Samôn, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong. Này vị đại Sa-môn, trong lúc đêm khuya người nào có hào quang rực rỡ đã làm chói sáng toàn bộ khu rừng rậm, rồi đã đi đến gặp ngài, sau khi đến đã đảnh lễ ngài rồi đứng một bên giống như là khối lửa khổng lồ còn rực rỡ hơn và thù thắng hơn những hào quang đầy màu sắc trước đây nữa vậy?”

- “Này Kassapa, vị ấy là chúa của chư Thiên Sakka đã đi đến gặp ta để nghe Pháp.” Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại Sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì ngay cả chúa của chư Thiên Sakka còn đi đến gặp để nghe Pháp, nhưng vị ấy không phải là vị A-lahán giống như ta đây.”

Sau đó, đức Thế Tôn đã thọ thực bữa ăn của vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa rồi đã cư ngụ ở ngay trong khu rừng rậm ấy.

*

Điều kỳ diệu thứ tư.

8. Sau đó, trong lúc đêm khuya vị Phạm Thiên Sahampati có hào quang rực rỡ đã làm chói sáng toàn bộ khu rừng rậm, rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng một bên giống như là khối lửa khổng lồ còn rực rỡ hơn và thù thắng hơn những hào quang đầy màu sắc trước đây nữa.

9. Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Này vị đại Sa-môn, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong. Này vị đại Sa-môn, trong lúc đêm khuya người nào có hào quang rực rỡ đã làm chói sáng toàn bộ khu rừng rậm, rồi đã đi đến gặp ngài, sau khi đến đã đảnh lễ ngài rồi đứng một bên giống như là khối lửa khổng lồ còn rực rỡ hơn và thù thắng hơn những hào quang đầy màu sắc trước đây nữa vậy?”

- “Này Kassapa, vị ấy là Phạm Thiên Sahampati đã đi đến gặp ta để nghe Pháp.” Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại Samôn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì vị Phạm Thiên Sahampati còn đi đến gặp để nghe Pháp, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.”

Sau đó, đức Thế Tôn đã thọ thực bữa ăn của vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa rồi đã cư ngụ ở ngay trong khu rừng rậm ấy.

*

Điều kỳ diệu thứ năm.

10. Vào lúc bấy giờ, buổi đại lễ cúng tế của đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đến. Vả toàn bộ dân chúng ở Aṅga và Magadha đem lại nhiều thức ăn loại cứng loại mềm với ý định tham dự. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Giờ đây buổi đại lễ cúng tế của ta đã đến, toàn bộ dân chúng ở Aṅga và Magadha sẽ đem lại nhiều thức ăn loại cứng loại mềm và tham dự. Nếu vị đại Sa-môn thực hiện sự kỳ diệu của thần thông trước đám đông thì lợi lộc và sự trọng vọng sẽ tăng trưởng cho vị đại Sa-môn, còn lợi lộc và sự trọng vọng của ta sẽ bị giảm đi; vậy thì vị đại Sa-môn không thể đi đến vào ngày mai.”

11. Khi ấy, đức Thế Tôn dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa nên đã đi đến xứ Kuru ở phương Bắc, từ nơi ấy đã đem lại đồ ăn khất thực và đã thọ thực ở hồ Anotatta, rồi đã nghỉ trưa ở ngay tại nơi ấy.

12. Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Này vị đại Sa-môn, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong. Này vị đại Sa-môn, việc gì khiến ngài đã không đi đến ngày hôm qua? Tuy nhiên, chúng tôi cũng có nhớ đến ngài rằng: ‘Việc gì khiến vị đại Sa-môn không đi đến?’ Phần chia về thức ăn loại cứng và loại mềm đã được để dành cho ngài.”

13. - “Này Kassapa, thế không phải ngươi đã khởi ý điều này: ‘Giờ đây buổi đại lễ cúng tế của ta đã đến, toàn bộ dân chúng ở Aṅga và Magadha sẽ đem lại nhiều thức ăn loại cứng loại mềm và tham dự. Nếu vị đại Sa-môn thực hiện sự kỳ diệu của thần thông trước đám đông thì lợi lộc và sự trọng vọng sẽ tăng trưởng cho vị đại Sa-môn, còn lợi lộc và sự trọng vọng của ta sẽ bị giảm đi; vậy thì vị đại Sa-môn không thể đi đến vào ngày mai.’

14. Này Kassapa, ta đây dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của ngươi nên đã đi đến xứ Kuru ở phương Bắc, từ nơi ấy đã đem lại đồ ăn khất thực và đã thọ thực ở hồ Anotatta, rồi đã nghỉ trưa ở ngay tại nơi ấy.”

15. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại Samôn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì vị ấy còn biết được tâm bằng tâm, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.” Sau đó, đức Thế Tôn đã thọ thực bữa ăn của vị đạo sĩ bện tóc

Uruvelakassapa rồi đã cư ngụ ở ngay trong khu rừng rậm ấy.

* * *

1. Vào lúc bấy giờ, có vải paṃsukūla đã phát sanh đến đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Vậy ta có thể giặt vải paṃsukūla ở đâu?” Khi ấy, vị chúa của chư Thiên Sakka dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đức Thế Tôn nên đã dùng tay đào thành cái hồ nước rồi nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy giặt vải paṃsukūla ở đây.” Sau đó, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Vậy ta có thể nhồi vải paṃsukūla ở nơi vật gì?” Khi ấy, vị chúa của chư Thiên Sakka dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đức Thế Tôn nên đã mang lại tảng đá lớn rồi nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy nhồi vải paṃsukūla ở đây.” Sau đó, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Vậy ta có thể nắm vào vật gì và bước lên?” Khi ấy, vị Thiên thần ngụ ở cây Kakudha dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đức Thế Tôn nên đã uốn cong cành cây xuống (nói rằng): - “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy nắm vào đây và bước lên.” Sau đó, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Vậy ta có thể phơi khô vải paṃsukūla ở nơi vật gì?” Khi ấy, vị chúa của chư Thiên Sakka dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đức Thế Tôn nên đã mang lại tảng đá lớn rồi nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy phơi khô vải paṃsukūla ở đây.”

2. Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Này vị đại Sa-môn, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong. Này vị đại Sa-môn, có phải trước kia cái hồ nước này không có ở đây, giờ cái hồ nước này đây lại có ở đây? Trước kia hòn đá này không được đem lại, do ai mà hòn đá này đã được đem lại? Trước kia cành của cây Kakudha này không bị uốn cong xuống, giờ cành cây này đây đã bị uốn cong xuống?”

3. - “Này Kassapa, trường hợp này là vải paṃsukūla đã được phát sanh đến ta. Ta đây đã khởi ý điều này: ‘Vậy ta có thể giặt vải paṃsukūla ở đâu?’ Khi ấy, vị chúa của chư Thiên Sakka dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của ta nên đã dùng tay đào thành cái hồ nước rồi nói với ta điều này: ‘Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy giặt vải paṃsukūla ở đây.’ Cái hồ này đây đã được đào bằng bàn tay bởi hạng không phải là người. Này Kassapa, ta đây đã khởi ý điều này: ‘Vậy ta có thể nhồi vải paṃsukūla ở nơi vật gì?’ Khi ấy, vị chúa của chư Thiên Sakka dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của ta nên đã mang lại tảng đá lớn: ‘Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy nhồi vải paṃsukūla ở đây.’ Hòn đá này đây đã được đem lại bởi hạng không phải là người. Này Kassapa, ta đây đã khởi ý điều này: ‘Vậy ta có thể nắm vào vật gì và bước lên?’ Khi ấy, vị Thiên thần ngụ ở cây Kakudha dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của ta nên đã uốn cong cành cây xuống: ‘Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy nắm vào đây và bước lên.’ Cây Kakudha này đây là vật để tay nắm vào. Này Kassapa, ta đây đã khởi ý điều này: ‘Vậy ta có thể phơi khô vải paṃsukūla ở nơi vật gì?’ Khi ấy, vị chúa của chư Thiên Sakka dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của ta nên đã mang lại tảng đá lớn: ‘Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy phơi khô vải paṃsukūla ở đây.’ Hòn đá này đây đã được đem lại bởi hạng không phải là người.” Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại Samôn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì vị chúa của chư Thiên Sakka còn phải phục vụ, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.” Sau đó, đức Thế Tôn đã thọ thực bữa ăn của vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa rồi đã cư ngụ ở ngay trong khu rừng rậm ấy.

4. Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Này vị đại Sa-môn, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.” - “Này Kassapa, ngươi hãy đi rồi ta đến.” Sau khi bảo vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đi, Ngài đã hái trái cây từ cây Jambu,[2] do cây Jambu mà Jambudīpa [3] được biết tiếng, rồi đã đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa. Vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã nhìn thấy đức Thế Tôn ngồi trong nhà thờ lửa, sau khi nhìn thấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Này vị đại Sa-môn, ngài đã đi đến bằng con đường nào? Tôi đã ra đi trước ngài, vậy mà ngài đây đã đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa.” - “Này Kassapa, trong trường hợp này, sau khi bảo ngươi đi, ta đã hái trái cây từ cây Jambu, do cây Jambu mà Jambudīpa được biết tiếng, rồi đã đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa. Này Kassapa, trái cây Jambu này đạt được màu sắc, đạt được hương thơm, đạt được mùi vị, nếu ngươi thích thì hãy ăn đi.” - “Này vị đại Sa-môn, thôi đi. Chính ngài đã mang nó lại thì chính ngài hãy ăn nó.” Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại Sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì sau khi bảo ta đi trước, vị ấy đã hái trái cây từ cây Jambu, do cây Jambu mà Jambudīpa được biết tiếng, rồi đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa, nhưng vị ấy không phải là vị Ala- hán giống như ta đây.” Sau đó, đức Thế Tôn đã thọ thực bữa ăn của vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa rồi đã cư ngụ ở ngay trong khu rừng rậm ấy.

5. Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Này vị đại Sa-môn, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.” - “Này Kassapa, ngươi hãy đi rồi ta đến.” Sau khi bảo vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đi, ngài đã hái trái xoài không xa cây Jambu, do cây Jambu mà Jambudīpa được biết tiếng, ―(như trên)― trái Āmalakī không xa cây Jambu, ―(như trên)― trái Harītakī không xa cây Jambu, ―(như trên)― đã đi đến cõi trời Đạo Lợi hái bông hoa của cây san hô, rồi đã đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa. Vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã nhìn thấy đức Thế Tôn ngồi trong nhà thờ lửa, sau khi nhìn thấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Này vị đại Sa-môn, ngài đã đi đến bằng con đường nào? Tôi đã ra đi trước ngài vậy mà ngài đã đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa.” - “Này Kassapa, trong trường hợp này, sau khi bảo ngươi đi, ta đã đi đến cõi trời Đạo Lợi hái bông hoa của cây san hô, rồi đã đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa. Này Kassapa, bông hoa của cây san hô này đạt được màu sắc, đạt được hương thơm.” Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại Sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì sau khi bảo ta đi trước, vị ấy đã đi đến cõi trời Đạo Lợi hái bông hoa của cây san hô, rồi đã đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.”

6. Vào lúc bấy giờ, các vị đạo sĩ bện tóc ấy, có ước muốn thờ phụng lửa, không thể chẻ nhỏ các thanh củi được. Khi ấy, các vị đạo sĩ bện tóc ấy đã khởi ý điều này: “Chắc chắn là do năng lực thần thông của vị đại Sa-môn nên chúng ta không thể nào chẻ nhỏ các thanh củi được!” Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa điều này: - “Này Kassapa, hãy khiến các thanh củi được chẻ nhỏ.” - “Này vị đại Sa-môn, hãy khiến chúng được chẻ nhỏ.” Ngay lập tức, năm trăm thanh củi đã được chẻ nhỏ. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại Sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì ngay cả các thanh củi cũng không chẻ nhỏ được, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.”

7. Vào lúc bấy giờ, các vị đạo sĩ bện tóc ấy, có ước muốn thờ phụng lửa, không thể đốt lên ngọn lửa được. Khi ấy, các vị đạo sĩ bện tóc ấy đã khởi ý điều này: “Chắc chắn là do năng lực thần thông của vị đại Sa-môn nên chúng ta không thể nào đốt lên ngọn lửa được!” Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa điều này: - “Này Kassapa, hãy khiến các ngọn lửa được đốt lên.” - “Này vị đại Sa-môn, hãy khiến chúng được đốt lên.” Ngay lập tức, năm trăm ngọn lửa đã được đốt lên. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại Sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì ngay cả các ngọn lửa cũng không đốt lên được, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.”

8. Vào lúc bấy giờ, các vị đạo sĩ bện tóc ấy sau khi thờ phụng lửa không thể dập tắt ngọn lửa được. Khi ấy, các vị đạo sĩ bện tóc ấy đã khởi ý điều này: “Chắc chắn là do năng lực thần thông của vị đại Sa-môn nên chúng ta không thể nào dập tắt các ngọn lửa được!” Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa điều này: - “Này Kassapa, hãy khiến các ngọn lửa được dập tắt.” - “Này vị đại Sa-môn, hãy khiến chúng được dập tắt.” Ngay lập tức, năm trăm ngọn lửa đã được dập tắt. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại Sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì ngay cả các ngọn lửa cũng không dập tắt được, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.”

9. Vào lúc bấy giờ, trong khoảng thời gian tám đêm của mùa đông lạnh lẽo, vào lúc tuyết rơi các vị đạo sĩ bện tóc ấy hụp xuống và trồi lên trong giòng sông Nerañjarā, rồi lại thực hiện những hành động trồi lên hụp xuống. Khi ấy, đức Thế Tôn đã làm hiện ra các chảo lửa có số lượng năm trăm cái ở chỗ các vị đạo sĩ bện tóc ấy đã lội lên và sưởi ấm. Khi ấy, các vị đạo sĩ bện tóc ấy đã khởi ý điều này: “Chắc chắn là do năng lực thần thông của vị đại Samôn cho nên các chảo lửa này đã được hiện ra.” Khi ấy, vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại Sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì vị ấy còn làm hiện ra các chảo lửa nhiều đến mức này, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.”

10. Vào lúc bấy giờ, có đám mây đen lớn sái mùa đã đổ mưa tạo thành trận lũ lụt lớn. Trong khu vực nào đức Thế Tôn cư ngụ thì nước không tràn đến khu vực ấy. Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Hay là ta nên đẩy nước ra xung quanh rồi đi kinh hành ở khoảng giữa, trên mặt đất có phủ lớp đất bụi?” Sau đó, đức Thế Tôn đã đẩy nước ra xung quanh rồi đi kinh hành ở khoảng giữa, trên mặt đất có phủ lớp đất bụi. Khi ấy, vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa (nghĩ rằng): “Chỉ mong sao vị đại Sa-môn không bị nước cuốn trôi đi!” rồi đã cùng nhiều vị đạo sĩ bện tóc đi thuyền đến khu vực đức Thế Tôn cư ngụ. Vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã nhìn thấy đức Thế Tôn, đang đi kinh hành ở khoảng giữa, trên mặt đất có phủ lớp đất bụi sau khi đã đẩy nước ra xung quanh, sau khi nhìn thấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Này vị đại Sa-môn, ngài có đây không?” - “Này Kassapa, có ta đây.” Đức Thế Tôn đã bay lên không trung và đứng xuống ở chiếc thuyền. Khi ấy, vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại Sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì ngay cả nước (lũ) cũng không làm gì được, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.”

11. Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Đã lâu nay, kẻ rồ dại này chỉ khởi ý rằng: ‘Vị đại Sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.’ Hay là ta nên làm cho vị đạo sĩ bện tóc này phải nao núng? ” Sau đó, đức Thế Tôn đã nói với vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa điều này: - “Này Kassapa, ngươi chẳng phải là A-la-hán và cũng chẳng đạt được con đường đưa đến quả vị A-la-hán. Thậm chí ngươi cũng không có đường lối thực hành để ngươi có thể trở thành A-la-hán hoặc đạt được con đường đưa đến quả vị A-la-hán.”

12. Khi ấy, vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã quỳ xuống đê đầu ở hai bàn chân của đức Thế Tôn và đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Con có thể tu lên bậc trên không?” - “Này Kassapa, ngươi là vị lãnh đạo, vị hướng dẫn, vị quan trọng nhất, vị đứng đầu, vị thủ lĩnh của năm trăm đạo sĩ bện tóc. Ngươi hãy thông báo đến các vị ấy. Các vị ấy sẽ làm theo cách các vị ấy suy tính. các vị suy tính như thế nào thì các vị sẽ làm như thế ấy.”

13. Sau đó, vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp các đạo sĩ bện tóc ấy, sau khi đến đã nói với các đạo sĩ bện tóc ấy điều này: - “Này các ông, ta muốn thực hành Phạm hạnh theo vị đại Sa-môn. Các ông suy tính như thế nào thì các ông hãy làm như thế ấy.” - “Ngài ơi, chúng tôi có niềm tin với vị đại Sa-môn đã lâu nay. Nếu ngài thực hành Phạm hạnh theo vị đại Sa-môn, hết thảy tất cả chúng tôi sẽ thực hành Phạm hạnh theo vị đại Sa-môn.”

14. Sau đó, các vị đạo sĩ bện tóc ấy đã quăng trôi theo dòng nước các chùm tóc, các bện tóc, các đồ đạc, các dụng cụ thờ lửa rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã quỳ xuống đê đầu ở hai bàn chân của đức Thế Tôn và đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không?” Đức Thế Tôn đã nói rằng: - “Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã khéo được thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.” Chính lời nói ấy đã là sự tu lên bậc trên của đại đức ấy.

15. Đạo sĩ bện tóc Nadīkassapa đã nhìn thấy các chùm tóc, các bện tóc, các đồ đạc, các dụng cụ thờ lửa ở dòng nước đang trôi chảy, sau khi nhìn thấy, đã khởi ý điều này: “Chớ có việc gì nguy hiểm xảy ra cho anh trai của ta!” rồi đã phái các đạo sĩ bện tóc (nói rằng): “Các vị hãy đi và tìm hiểu xem các anh trai của ta (thế nào).” Còn bản thân cùng với ba trăm đạo sĩ bện tóc đã đi đến gặp đại đức Uruvelakassapa, sau khi đến đã nói với đại đức Uruvelakassapa điều này: - “Này Kassapa, điều này là tốt hơn hay sao?” - “Này đệ, đúng vậy. Điều này là tốt hơn.” Sau đó, các đạo sĩ bện tóc ấy đã quăng trôi theo dòng nước các chùm tóc, các bện tóc, các đồ đạc, các dụng cụ thờ lửa rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã quỳ xuống đê đầu ở hai bàn chân của đức Thế Tôn và đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không?” Đức Thế Tôn đã nói rằng: - “Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã khéo được thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.” Chính lời nói ấy đã là sự tu lên bậc trên của đại đức ấy.

16. Đạo sĩ bện tóc Gayākassapa đã nhìn thấy các chùm tóc, các bện tóc, các đồ đạc, các dụng cụ thờ lửa ở dòng nước đang trôi chảy, sau khi nhìn thấy, đã khởi ý điều này: “Chớ có việc gì nguy hiểm xảy ra cho các anh trai của ta!” rồi đã phái các đạo sĩ bện tóc (nói rằng): “Các vị hãy đi và tìm hiểu xem các anh trai của ta (thế nào).” Còn bản thân cùng với hai trăm đạo sĩ bện tóc đã đi đến gặp đại đức Uruvelakassapa, sau khi đến đã nói với đại đức Uruvelakassapa điều này: - “Này Kassapa, điều này là tốt hơn hay sao?” - “Này đệ, đúng vậy. Điều này là tốt hơn.”

17. Sau đó, các đạo sĩ bện tóc ấy đã quăng trôi theo dòng nước các chùm tóc, các bện tóc, các đồ đạc, các dụng cụ thờ lửa rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã quỳ xuống đê đầu ở hai bàn chân của đức Thế Tôn và đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không?” Đức Thế Tôn đã nói rằng: - “Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã khéo được thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.” Chính lời nói ấy đã là sự tu lên bậc trên của đại đức ấy. Do nguyện lực của đức Thế Tôn, năm trăm thanh củi đã không chẻ ra được, rồi đã được chẻ ra, các ngọn lửa đã không đốt lên được, rồi đã được đốt lên, đã không dập tắt được, rồi đã được dập tắt, năm trăm chảo lửa đã được làm hiện ra. Theo cách thức ấy, có ba ngàn năm trăm điều kỳ diệu.

KINH LỬA CHÁY

18. Sau đó, khi đã ngự tại Uruvelā theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía đỉnh Gayā cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn vị tỳ khưu, hết thảy tất cả đều là các đạo sĩ bện tóc trước đây. Tại nơi đó ở Gayā, đức Thế Tôn ngự tại đỉnh Gayā cùng với một ngàn vị tỳ khưu. Tại nơi đó, đức Thế Tôn đã bảo các vị tỳ khưu rằng:

- “Này các tỳ khưu, tất cả đều bị cháy rực. Và này các tỳ khưu, cái gì là tất cả đều bị cháy rực? Này các tỳ khưu, mắt bị cháy rực, các sắc bị cháy rực, sự nhận thức của mắt bị cháy rực, sự tiếp xúc của mắt bị cháy rực, tức là sự cảm thọ được sanh lên do duyên tiếp xúc của mắt là lạc, hay là khổ, hoặc không khổ không lạc cũng đều bị cháy rực. Bị cháy rực bởi điều gì? Ta nói rằng: ‘Bị cháy rực bởi lửa tham, bởi lửa sân, bởi lửa si. Bị cháy rực bởi sanh, bởi già, bởi chết, bởi những nỗi buồn rầu, bởi những điều ta thán, bởi những nỗi khổ đau, bởi những sự bất mãn, bởi những điều thất vọng.’

Tai bị cháy rực, các âm thanh bị cháy rực, ―(như trên)― Mũi bị cháy rực, các mùi bị cháy rực, ―(như trên)― Lưỡi bị cháy rực, các vị nếm bị cháy rực, ―(như trên)― Thân bị cháy rực, các sự xúc chạm bị cháy rực, ―(như trên)― Ý bị cháy rực, các pháp bị cháy rực, sự nhận thức của ý bị cháy rực, sự tiếp xúc của ý bị cháy rực, tức là sự cảm thọ được sanh lên do duyên tiếp xúc của ý là lạc, hay là khổ, hoặc không khổ không lạc cũng đều bị cháy rực. Bị cháy rực bởi điều gì? Ta nói rằng: ‘Bị cháy rực bởi lửa tham, bởi lửa sân, bởi lửa si. Bị cháy rực bởi sanh, bởi già, bởi chết, bởi những nỗi buồn rầu, bởi những điều ta thán, bởi những nỗi khổ đau, bởi những sự bất mãn, bởi những điều thất vọng.’

Này các tỳ khưu, trong khi nhìn thấy như thế vị Thánh đệ tử có sự học hỏi không còn hứng thú đến mắt, không còn hứng thú đến các sắc, không còn hứng thú đến sự nhận thức của mắt, không còn hứng thú đến sự tiếp xúc của mắt, tức là không còn hứng thú đến sự cảm thọ được sanh lên do duyên tiếp xúc của mắt là lạc, hay là khổ, hoặc không khổ không lạc.

(Vị ấy) không còn hứng thú đến tai, không còn hứng thú đến các âm thanh, ―(như trên)― không còn hứng thú đến mũi, không còn hứng thú đến các mùi, ―(như trên)― không còn hứng thú đến lưỡi, không còn hứng thú đến các vị nếm, ―(như trên)― không còn hứng thú đến thân, không còn hứng thú đến các sự xúc chạm, ―(như trên)― không còn hứng thú đến ý, không còn hứng thú đến các pháp, không còn hứng thú đến sự nhận thức của ý, không còn hứng thú đến sự tiếp xúc của ý, tức là không còn hứng thú đến sự cảm thọ được sanh lên do duyên tiếp xúc của ý là lạc, hay là khổ, hoặc không khổ không lạc; trong khi không còn hứng thú, vị ấy không còn tham ái; do không còn tham ái vị ấy được giải thoát; trong khi được giải thoát, trí khởi lên rằng: ‘Đã được giải thoát.’ Vị ấy biết được rằng: ‘Sự tái sanh đã cạn kiệt, Phạm hạnh đã sống, việc cần làm đã làm, không còn gì khác (phải làm) đối với bản thể (A-la-hán) này nữa.’”

19. Và trong khi bài kinh này được thuyết giảng, các tâm của một ngàn vị tỳ khưu ấy đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc.

 


Chú thích:

[1] Ngài Buddhaghosa cho biết đây là các lời kệ được lưu truyền về sau này (VinA. v, 971).
[2] Trái Jambu giống trái mận (miền Nam) hoặc đào đỏ (miền Trung) nhưng nhỏ hơn (ND).
[3] Jambudīpa, dịch là đảo Jambu, tức là bán đảo Ấn Độ (ND).* * *

[ Home ]

20-08-2018